Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Khi Bạn Đau Lòng, Đừng Ngại Rơi Nước Mắt

Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả.

EDMOND BURKE

Đó là một bộ phim hoạt hình, một siêu nhân đang đẩy một siêu nhân khác rơi xuống vực. Con trai tôi cau mày hỏi: “Đó là siêu nhân xấu hay siêu nhân tốt?”. Tôi trả lời: “Đó là siêu nhân tốt”. Mặt bé dãn ra tỏ vẻ yên tâm. Và hài lòng. Một siêu nhân tốt đẩy một siêu nhân xấu rơi xuống vực thì không có gì là đáng buồn. Trong những bộ phim hoạt hình, cái ác chưa bao giờ chiến thắng.

Tôi ngắm nụ cười hồn nhiên và chợt băn khoăn, cậu bé của tôi đã sẵn sàng chưa, để nghe rằng cuộc sống phức tạp hơn thế? Cậu đã sẵn sàng chưa để tôi có thể nói rằng xấu và tốt không phải là hai chiếc sọt để chúng ta có thể phân loại con người. Nếu xấu và tốt là hai mặt của một bức tường, thì chúng ta, đa số đều đang bước chênh vênh trên bức tường đó. Sống là giơ tay ra để giữ thăng bằng. Vì vậy phải chú ý đến hành vi, bất kể ta là ai. Xấu và tốt là những gì xảy đến trong từng hành vi. Thậm chí, trong động cơ của từng hanh vi đó. Bởi thế đừng quá tự tin vào mình. Đừng tin rằng mình mãi mãi là người tốt.

Chúng ta là người tốt, điều đó có nghĩa ta có khuynh hướng thực hiện và tin tưởng điều tốt, nhưng không có nghĩa là ta vĩnh viễn tốt. Và ngược lại. Đó là lý do những tội phạm có thể hoàn lương. Và dó cũng chính là lý do có những người rất hiền lành bỗng dưng trở thành tội phạm. Như trong vở kịch Hamlet của Shakespeare: “Một người có thể mỉm cười, rồi lại mỉm cười, và trở thành một kẻ hung ác”.

Chúng ta là người tốt. Nhưng có lúc chúng ta cười cợt trước một người điên. Chỉ một lần thôi. Chúng ta lạnh nhạt trước một lời cầu xin giúp đỡ. Chúng ta tỏ vẻ ghê sợ một người tàn tật. Ta dửng dưng trước một số phận xa lạ nào đó. Ta lợi dụng óc thông minh của mình để đẩy phần thiệt về phía người khác. Một lần thôi. Chỉ một lần ta bỏ phiếu chống lại sự chính trực. Và ta tự nhủ chung quy mình vẫn là người tốt. Chỉ một hành vi nho nhỏ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc chiến Thiện - Ác.

Có thật vậy không? Tôi tự hỏi.

Những tin tức trên báo nhiều khi làm ta nổi giận và đôi lúc, khiến ta bi quan. Người ta giết nhau, chà đạp nhau, lừa gạt nhau, phản bội nhau, người ta hành hạ những đứa trẻ, xua đuổi các cụ già, ăn chặn của kẻ nghèo khó hơn mình. Những yêu thương, chia sẻ của ta như hạt cát ném vào không trung, quá nhỏ bé trước nỗi bất hạnh của người khác.

Có người cho rằng con người đang trở nên vô cảm hơn. Nhưng tôi không muốn tin như vậy. Chúng ta chỉ dễ hoài nghi hơn. Như Mạnh Tử nói “Vô trắc ẩn chi tâm phi nhân dã” - không có lòng trắc ẩn không phải là người vậy. Dù rằng lòng trắc ẩn không đem lại cho chúng ta niềm vui mà chỉ khiến ta cảm thấy đau nhói trong lòng, khiến ta thấy mình bất lực, thất bại. Khiến ta thấy mình như kẻ thua cuộc trước cái ác và những điều đau khổ. Nhưng không ai không có lòng trắc ẩn. Nó là một gánh nặng mà trái tim ta phải mang khi ta là một con người.

Nhưng thực tế, nhiều khi ta không bày tỏ lòng trắc ẩn bằng hành động, thậm chí, bằng những giọt nước mắt. Cả bạn, cả tôi. Vì bận rộn, vì lơ đễnh, vì ích kỉ? Có lẽ. Nhưng tôi cho rằng chủ yếu vì lý do này: Chúng ta không tin rằng hành động của mình sẽ đem lại một kết quả rõ rệt. Rằng giọt nước mắt chẳng làm nên điều gì khác biệt. Rằng mọi việc ngoài tầm tay của ta.

Tôi biết, thế giới đầy những cuộc bầu cử gian lận. Ở đó, có những lá phiếu không được tính. Nếu bạn biết lá phiếu của mình là vô nghĩa, hẳn bạn không muốn đi bỏ phiếu hoặc không thực sự bỏ phiếu. Cũng như trong cuộc đời. Một bữa ăn cho trẻ lang thang và hôm sau đứa bé tiếp tục đói. Quét vài đống rác và hôm sau người ta tiếp tục xả. Nếu người ta tin rằng việc làm tốt của mình không thực sự có ý nghĩa, không thể tạo nên một thay đổi khả dĩ cho tình cảnh, người ta sẽ không muốn phí thời gian để thực hiện nó. Nếu ai đó tin cái Ác sẽ thắng, họ sẽ không muốn đấu tranh cho cái Thiện.

Nhưng may mắn thay, tất cả chúng ta đều biết rằng cuộc chiến chưa bao giờ kết thúc. Đó là lý do khiến chúng ta phải tự hỏi mình mỗi ngày: Hôm qua ta đã bỏ phiếu cho ai? Hôm nay ta sẽ bỏ phiếu cho ai? Ta muốn ai chiến thắng?

Chúng ta đang sống trên cùng một hành tinh. Chúng ta đang sống chung thời đại. Một cuộc tồn tại vĩ đại. Mỗi hành tinh nhỏ mà chúng ta tương tác với nhau đều tạo ra những lan truyền. Một đứt gãy nơi này có thể khiến nơi khác rung chuyển. Một con động đất ở nơi này có thể dẫn đến cơn sóng thần ở nơi khác. Theo cách đó, giọt nước mắt của bạn sẽ nuôi dưỡng lòng trắc ẩn nơi bạn, và đánh thức lòng trắc ẩn nơi người khác.

Cái ác, cũng như sự chết, vẫn diễn ra rải rác khắp nơi, ngay lúc này, kể cả khi ta không nhìn thấy nó. Bạn nhìn thấy nó thường xuyên, điều đó chưa chắc có nghĩa là nó nhiều hơn. Bạn không nhìn thấy nó, cũng chưa hẳn là nó đã ít đi. Và giảm thiểu cái ác, xoa dịu tổn thương, không chỉ là nghĩa vụ của một đất nước, một thế hệ, một nền giáo dục riêng lẻ mà mãi mãi là vấn đề của toàn nhân loại, và đồng thời của từng con người một, trong từng giây ta sống.

Có lẽ, không có cuộc “tranh cử” nào công bằng và sòng phẳng hơn cuộc đua giữa Thiện và Ác. Chúng ta không biết cuộc tranh đua sẽ kéo dài bao lâu nhưng chắc chắn ở đó mỗi lá phiếu đều được tính. Giọt nước mắt và nụ cười của ta được tính. Sự phẫn nộ hay thờ ơ của ta được tính. Mỗi hành vi của ta đều được tính.

Điều ta làm hôm nay, ngay lúc này, hoàn toàn có thể trở thành lá phiếu quyết định.