Ngô Ngự sử nhìn mặt phát nghi
Thân Công tử đọc thi sanh cảm
Ông Huỳnh Như Hào là một nhà văn sĩ xuất thân. Ông đã trên 50 tuổi rồi, vợ chồng không có con trai, chỉ có một đứa con gái gả cho một quan Chuyển vận sứ tên là Lữ Nhạc. Ông thấy Thanh Tòng nhỏ tuổi tướng mạo khôi ngô, văn nói lễ nghĩa, mà lại có tài đối địch với một đôi trăm người, giữa trận giết chánh tướng lẹ như nháy mắt, thì ông đem lòng ái mộ vô cùng.
Khi về tới phủ, ông dắt Thanh Tòng vào hậu đường cho chàng ra mắt phu nhơn. Ông thuật chuyện Thanh Tòng giết Lương Cáng lại cho phu nhơn nghe, thì phu nhơn khen ngợi hết sức.
Ông dạy phu nhơn bày yến tiệc mà đãi Thanh Tòng rất hậu. Trong lúc ăn uống ông nói với Thanh Tòng rằng: “Tráng sĩ mồ côi, mà lại không có anh em chi hết. Còn vợ chồng tôi đây thì không có con trai. Tôi muốn tráng sĩ ở đây mà học đặng chờ cơ hội ra lập chữ công danh. Tôi nuôi tráng sĩ cũng như con trong nhà, không biết tráng sĩ có vui lòng mà làm con tôi hay không?'' Thanh Tòng lặng thinh suy nghĩ một chút rồi đáp rằng:
- Thượng quan đem lòng thương tôi, thiệt tôi cảm ân đức lắm. Xét vì phận tôi hèn hạ, lẽ đâu tôi dám đèo bòng.
- Tráng sĩ chẳng nên khiêm nhượng. Cái tài của tráng sĩ đó một ngày kia tế thế an bang được, chớ không phải tầm thường. Tôi e tráng sĩ chê tôi bất tài, không đáng kêu bằng cha đó thôi.
- Bẩm thượng quan, tôi đâu dám vậy.
- Tôi biết rồi, tráng sĩ dục dặc, ấy là vì tráng sĩ không có anh em, tráng sĩ sợ làm con nuôi tôi, phải đổi họ lại, thì không còn ai mà nối tông môn của tráng sĩ, có phải như vậy hay không? Xin tráng sĩ đừng ngại điều ấy. Tôi không nỡ ép như vậy đâu. Dầu tráng sĩ chịu làm con nuôi tôi, tôi cũng không dám biểu đổi họ đâu mà sợ.
- Bẩm thượng quan, việc thượng quan tính đây là việc quan hệ lắm. Vả tôi quê quán ở Sơn Tây, mồ mả ông bà đều ở đó, nếu tôi làm con nuôi thượng quan thì tôi làm sao mà viếng thăm mồ mả cho được.
- Ôi! Việc ấy có chi mà gọi là quan hệ. Tráng sĩ ở đây, ngày nào muốn viếng mồ mả thì tôi cho quân đưa đi. Ði ít ngày rồi trở lại có can chi mà sợ.
- Xin thượng quan cho phép tôi suy nghĩ rồi ngày mai tôi sẽ trả lời.
- Ðược!
Mãn tiệc rồi quan Chánh sứ dạy quân hầu dọn thơ phòng để cho Thanh Tòng nghỉ ngơi.
Ðêm ấy Thanh Tòng nằm suy nghĩ, nếu mình ham sung sướng, cứ ở đây làm con nuôi người ta, thì làm sao lên Cao Bằng thọ hình theo như chiếu của vua cho được. Mà mình qua Thái Nguyên là có ý tìm nàng Lệ Bích. Nếu mình không ở đây thì làm sao mà tìm. Chàng suy tới nghĩ lui hoài, đến sáng bữa sau chàng mới nhứt định chịu ở làm con nuôi quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào, đặng có sai Tô Hộ đi khắp đạo Thái Nguyên mà tìm Lệ Bích. Chàng tính nếu tìm không được, thì chàng sẽ giả chước về Sơn Tây thăm mồ mả, rồi chàng thoát thân mà lên Cao Bằng, có lẽ cũng không khó gì.
Chàng kêu Tô Hộ vào thơ phòng mà tỏ ý ấy cho nó nghe. Tô Hộ khen chước hay và khuyên Thanh Tòng nên ở đây đặng cho nó đi dạo chơi mà thám do tin tức trong đạo. Huỳnh Như Hào hay Thanh Tòng khứng ở làm con nuôi, thì ông bà đều mừng rỡ, dạy phải kêu bằng cha mẹ và truyền hết thảy trong nhà phải xưng hô Thanh Tòng là công tử.
Ông đàm luận văn chương chơi với chàng, ông thấy học thức của chàng rộng rãi, câu văn của chàng tao nhã thì ông lấy làm kỳ, không dè con nhà lê thứ tưổi chưa đầy hai mươi mà lại có tài văn võ lưỡng toàn như thế, bởi vậy ông càng thêm ái mộ, coi như vàng như ngọc.
Thanh Tòng ở yên rồi, bèn xúi Tô Hộ giả chước đi chơi đặng rảo khắp thôn lân mà tìm nàng Lệ Bích. Chàng thường bữa cũng hay đi săn bắn, đặng dò la coi hoặc may có nghe tin tức chi không. Ở đã trót một năm, tìm đã khắp hết thôn xã mà không thấy dạng, lại cũng không nghe tin lệ Bích chút nào. Thanh Tòng thất chí ngã lòng, phần thì nhớ mẹ thương cha, phần thì uất tình ức dạ, bởi vậy ngoài mặt chàng giả làm vui, mà trong trí thì như dại như ngây, không còn kể chi cái thân nữa.
Một buổi trưa, Thanh Tòng đi săn bắn về, chàng bước vào phủ thì thấy cha nuôi đương ngồi nói chuyện với một người khách, tóc râu bạc trắng, y phục đoan trang, nhắm tướng mạo không phải là một ngươi tầm thường, Thanh Tòng làm lễ cha nuôi rồi làm lễ luôn người khách nữa. Quan Chánh sứ thung dung nói với Thanh Tòng rằng: “Cụ lớn đây quí danh là Ngô Sĩ Liên hồi trước làm quan Giám sát Ngự sử. Vì cụ lớn muốn dưỡng nhàn, nên mấy năm nay xin hưu trí về ở bên đạo Hưng Hóa. Cụ lớn qua đây thăm cha''.
Ông Ngô Sĩ Liên ngày trước vẫn là bạn tao đàn của ông Thân Nhơn Trung. Ông Thân Nhơn Trung nói chuyện với con, thường hay khen ông Sĩ Liên văn hay học rộng. Thanh Tòng tuy chưa gặp mặt ông Ngô Sĩ Liên lần nào, nhưng mà chàng đã có biết danh ông lâu rồi, bởi vậy vừa nghe nói tên ông thì chàng lật đật vòng tay thi lễ một lần nữa và nói rằng: ''Tiểu sanh vì không biết, nên không trọn lễ với thượng quan; vậy ngửa mong thượng quan xá tội!”.
Ông Ngô Sĩ Liên gặt đầu đáp lễ, mà mắt ngó Thanh Tòng trân trân, làm cho chàng ái ngại hết sức. Ông ngó một hồi rồi mới day mặt qua mà hỏi ông Huỳnh Như Hào rằng:
- Thơ sanh đây là ai?
- Con của tôi.
- Tôi nghe ông có một người con gái mà thôi, sao bây giờ lại có con trai bây lớn vậy lận?
- Nó là con nuôi.
- Ờ có vậy chăng, chớ năm trước ông qua thăm tôi, thì ông nói ông có một chút con gái mà thôi, sao bây giờ lại có con trai nữa. Công tử tên chi, năm nay được bao nhiêu tuổi?
- Nó tên là Sơn Tòng, năm nay mới được 20 tuổi.
- Ông đã định đôi bạn rồi chưa?
- Chưa. Tôi cũng tính kiếm đôi bạn cho nó, nhung mà chưa biết ai có con gái mà cầu hôn.
Ông Ngô Sĩ Liên ngó Thanh Tòng một hồi nữa rồi mới nói rằng: ''Tôi cho phép công tử vào thơ phòng mà nghỉ; để tôi đàm luận chơi với quan Chánh sứ, công tử chẳng cần phải hầu hạ làm chi”. Thanh Tòng bái hai ông rồi đi vào thơ phòng. Ông Ngô Sĩ Liên cứ liếc mắt ngó theo. Chừng Thanh Tòng đi khuất rồi, ông mới hỏi ông Huỳnh Như Hào rằng:,,Công tử tướng mạo thiệt là khôi ngô, coi ra chẳng phải là người tầm thường. Người ở đâu mà ông nuôi đó vậy? Ông nuôi bao lâu rồi?''.
Ông Huỳnh Như Hào bèn thuật việc ông gặp Thanh Tòng lại cho ông bạn nghe. Ông kể chuyện Thanh Tòng giúp ông mà đánh phá cường khấu. Ông tán tụng võ nghệ rồi ông lại ngợi khen văn tài của Thanh Tòng nữa. Ông Ngô Sĩ Liên nghe rõ ngọn nguồn rồi ông ngồi lặng thinh, mà coi bộ ông suy nghĩ lung lắm. Cách một hồi, ông nói rằng:
- Chuyện này thiệt là kỳ. Tôi nhìn gương mặt của công tử sao giống quan Tướng quốc Thân Nhơn Trung quá, ông có biết ông Thân Nhơn Trung hay không?
- Hồi trước tôi quen biết, nhưng mà hai mươi năm rồi tôi không gặp ổng nữa.
- Tôi quen với ổng nhiều. Lúc tôi còn làm quan tại triều, anh em thường tới lui ngâm thi vịnh phú với nhau chơi. Tôi nghe ổng có một công tử tên là Thanh Tòng. Hồi đó công tử còn nhỏ, nên tôi không thấy mặt. Khi tôi trí sĩ qui điền tôi có nghe công tử Thanh Tòng nổi danh hào kiệt, nức tiếng văn nhơn. Mới đây tôi lại nghe triều đình lộn xộn, quan Thái úy Lê Niệm với quan Tướng quốc Thân Nhơn Trung chết hết, Trịnh Công Lộ bỉnh quyền nên kiếm thế hại những tôi trung liệt. Quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực thì bị sai lên trấn Lạng Sơn. Công tử Thanh Tòng có công dẹp giặc Chiêm Thành mà lại bị đày. Tôi nghi dưỡng tử của ông đây là Thanh Tòng, vì bị tội nên cải danh diệc tánh mà mai danh ẩn tích đó ông.
- Nếu thiệt như vậy thì càng quí hơn nữa. Dầu con của tôi mà phải là Thanh Tòng đi nữa, tôi cũng nuôi. Ở xứ nầy núi cao rừng rậm ai biết được mà tôi sợ.
- Thanh Tòng phạm tội triều đình, nếu ông dung dưỡng thì ông mắc tội chớ.
- Tội gì? Thanh Tòng phạm tội triều đình có cho tôi hay đâu mà tôi biết. Mà con của tôi tên Sơn Tòng, chớ không phải Thanh Tòng.
- Ông cãi giỏi thì để chừng nào có đổ bể rồi ông cãi.
- Chuyện nầy anh em mình nghi mà thôi, chớ không có bằng cớ chi mà dám đoán chắc. Vậy xin ông để bụng, đừng nói ra cho ai biết.
- Ai nói làm chi. Nếu mà thiệt là Thanh Tòng thì mình cần phải giấu mà nuôi chớ, bởi vì lúc nầy triều đình lộn xộn sàm nịnh chuyên quyền, mình phải nuôi hào kiệt anh hùng, đặng gặp cơn nguy biến, mình sẵn có người mà cậy cần vương tá quốc. Nãy giờ tôi nói chuyện với ông đó, là tôi muốn tỏ việc triều đình cho ông nghe mà thôi chớ.
Ông Ngô Sĩ Liên ngồi suy nghĩ một hồi nữa rồi ông cười mà nói tiếp rằng: ''Chuyện tình cờ, mà nghĩ ra thiệt là kỳ. Cách hai năm trước tôi đi chơi tôi gặp một nàng dung mạo phi phàm, đương đi bơ vơ trong rừng với một con thể nữ. Chủ tớ bị một công tử chọc ghẹo vô lễ, nên giận rượt đánh công tử chạy te. Tôi hỏi thăm thì nàng ấy xưng là Hồng Hạnh vì cha mẹ chết hết không nơi nương dựa, nên tính trở về Thái Nguyên mà tìm thân tộc. Tôi thấy vậy tôi đem về nuôi làm con hai năm nay, tôi dọ tình ý thì tôi nghi lời nói với tôi đó là nói dối chớ không phải nói thiệt. Con gái tôi năm nay mới 18 tưổi, mà học thiệt là hay. Võ thì tức dụng, còn văn thì tao nhã lắm.
Bên nây ông có một đứa con nuôi, bên tôi cũng có một đứa con nuôi, thôi hai anh em mình làm sui với nhau chơi. Hai đứa nhỏ xứng đôi vừa lứa lắm, mà cũng xứng tài với nhau nữa. Tôi có đem tập thi của con nhỏ tôi nó làm đây. Ðể tôi đưa cho ông coi thử văn của nó chơi''.
Ông Ngô Sĩ Liên nói dứt lời liền lấy một tập thi trong túi ra mà trao cho Huỳnh Như Hào xem. Ông Huỳnh Như Hào giở ra mà đọc. Ông đọc bài nào ông khen nức khen nở bài nấy, không có câu nào ông chê được. Ông đọc xong rồi ông mới nói rằng:
- Tôi được một nàng dâu văn học như vậy thì quí lắm.
- Ông chịu rồi phải hay không?
- Chịu liền.
- Nè, mà tôi giao như vầy: tôi gả con thì tôi bắt rể đa, bởi vì mẹ nó cưng nó lắm, bả không chịu rời nó.
- Ông giao như vậy sao cho phải. Tôi cưới dâu thì tôi phải đem về nhà tôi nuôi, chớ để ở bên ông sao được, bởi vì tôi cũng cưng thằng con tôi lắm, tôi chịu rời nó đâu.
- Nếu vậy thì tôi không gả.
- Ủa! Hồi nãy đã chịu gả rồi bây giờ ông hồi sao được.
- Nếu gả thì ông rước về bên nây, rồi vợ chồng tôi đâu mà hủ hỉ.
- Có con gái thì phải chịu thiệt thòi như vậy chớ sao.
- Không được. Hễ gả con thì tôi bắt rể.
- Không được. Hễ cưới dâu thì tôi rước dâu.
Hai ông cãi lẽ với nhau một hồi, rồi muốn cho hòa thuận nên nhứt định hễ cưới rồi thì để ở bên đàng gái 6 tháng rồi về ở đàng trai 6 tháng, hai bên thay phiên nhau mà nuôi. Hai đàng thuận rồi, liền định luôn ngày cưới nữa.
Ông Ngô Sĩ Liên ở chơi hai ba bữa rồi ông mới về.
Ông Huỳnh Như Hào bèn cho đòi Thanh Tòng vào hậu đường mà nói rằng: “Con nay đã trộng tưổi rồi, cha phải lo đôi bạn cho con. Cha đã hứa làm sui với ông Ngô Sĩ Liên. Con gái ông tên là Hồng Hạnh, năm nay đã được 18 tưổi, đã có sắc mà lại có tài nữa. Con hãy lo sửa soạn đặng 10 ngày nữa đem lễ vật qua Hưng Hóa mà nghinh hôn''.
Thanh Tòng nghe nói nghinh hôn thì chàng biến sắc, tay chưn bủn rủn, tán loạn tâm thần. Chàng ngó cha nuôi mà nói rằng:
- Thưa cha, con cưới vợ chưa được.
- Sao vậy?
- Con có lời thề hễ con chưa lập được công danh thì con không cưới vợ.
- Không được. Cha đã hứa lời với quan Ngự sử rồi, thế nào con cũng phải cưới, không nên từ chối. Lo lập công danh thì lo, còn cưới vợ thì cưới, hai sự đó có ngăn trở với nhau đâu mà ngại.
- Thưa cha, con vẫn biết không phải có vợ rồi lo lập công danh không được. Con không khứng cưới vợ là vì con nghĩ phận nam tử phải lấy chữ cần vương tá quốc làm đầu. Con chưa có chút công gì với nước với vua, mà con lo cưới vợ, thì con thẹn với non sông lắm.
- Nếu con đợi lập cho được công danh rồi sẽ cưới vợ, thì con già còn gì? Con gái của quan Ngự sử đúng đắn lắm. Nè, cha chưa biết ra thể nào, chớ văn thiệt là có tài lắm. Quan Ngự sử có đưa tập thi của nàng làm đây. Con coi đó thì biết văn học nàng ra thể nào. Ðàn ông, con trai ít ai mà bì kịp.
Ông trao tập thi cho Thanh Tòng. Chàng phải gắng gượng mà lấy, song đã chết điếng trong lòng. Ông dạy chàng đem về thơ phòng mà đọc và căn dặn phải sửa soạn đặng 10 ngày nữa đi nghinh hôn.
Thanh Tòng vì nàng Lệ Bích đến nỗi phải từ hôn Công chúa, rồi mang tội bất hiếu bất trung, có lý nào ngày nay lại đi cưới vợ khác cho được. Mà biết dùng chước nào cho khỏi cưới vợ bây giờ. Chàng về thơ phòng, chàng quăng tập thi trên bàn, không thèm ngó tới. Chàng bối rối trong trí nằm ngồi không an, cứ vào thở ra than hoài. Tô Hộ thấy chủ có sắc buồn, không biết có chuyện chi, nên lật đật hỏi thăm. Thanh Tòng bèn thuật chuyện quan Chánh sứ tỏ cưới nàng Hồng Hạnh là con quan Ngự sử Ngô Sĩ Liên cho chàng và dạy phải sửa soạn đặng 10 ngày nữa qua Hưng Hóa mà nghinh hôn, Tô Hộ nghe nói cũng giựt mình lo sợ cho phận chủ.
Thanh Tòng suy tới tính lui, chàng tiếc vì trót một năm nay tìm không được Lệ Bích thì đi phứt lên Cao Bằng mà thọ tội cho rồi, còn dần dà ở đây làm chi bây giờ phải mang việc khó lòng như vậy. Chàng muốn vào tỏ thiệt tâm sự của chàng cho quan Chánh sứ nghe, đặng xin ngài bãi việc hôn nhơn ấy. Mà rồi chàng sợ nỗi tỏ thiệt, có lẽ quan Chánh sứ càng yêu, rồi ngài càng ép hơn nữa thì việc lại càng thêm rối.
Chàng kiếm đã hết kế rồi, mà kế nào coi cũng không tiện, chàng mới nhất định viết một bức thơ để lại cho quan Chánh sứ rồi trốn mà đi lên Cao Bằng. Chàng ngồi lại và lấy một tờ giấy mà viết.
Trời chuyển mưa, giông gió phát lên, lướt nhành cây ngoài vườn nghe ồ ồ, lại chun cửa sổ mà vào thơ phòng nữa. Cái tập thi của quan Chánh sứ trao hồi nãy, còn nằm trước mặt Thanh Tòng bị gió thổi mạnh nên nó lật banh ra.
Thanh Tòng đương chống viết mà suy nghĩ, bỗng thấy tập thi lật ra, chàng mới liếc mắt ngó vào. Chàng ngó một chút rỗi chàng bỏ cây viết, vói tay lấy tập thi để trước mặt, lật từ trương đầu mà đọc, đọc chùng nào coi bộ chàng chăm chỉ chừng nấy, trợn mắt châu mày thở dài nhăn mặt, chàng đọc tới trương chót rồi chàng đứng dậy gãi đầu mà nói rằng: ''Chuyện nầy dễ nghi quá! Không biết chừng hay là Lệ Bích, nhưng vì sợ lậu nên cải tên là Hồng Hạnh đây chớ gì. Mà Lệ Bích sao lại con ông Ngô Sĩ Liên?''
Thanh Tòng day lại ngó thấy Tô Hộ bèn nói tiếp rằng:
- Tô Hộ, hồi nãy dưỡng phụ ta trao cái tập nầy cho ta mà biểu ta đọc thử, nói rằng tập thi của nàng Hồng Hạnh. Ta xem tuồng chữ giống như tuồng chữ của nàng Lệ Bích quá mà cái điệu thi, cái ý hoài cảm, cũng giống nữa, làm cho ta sanh nghi trong lòng quá.
- Không biết chừng hay là công nương Lệ Bích trốn ở đó, mà sợ người ta biết nên cải tên.
- Ta cũng nghĩ như vậy, ngặt vì quan Ngự sử nói Hồng Hạnh là con gái của ngài nên ta không dám chắc.
- Không biết chừng con nuôi của ngài, cũng như công tử là con nuôi của quan Chánh sứ đây vậy.
- Nếu con nuôi thì dưỡng phụ ta đã nói cho ta biết rồi chớ.
- Mà công tử coi thi ấy thiệt giống thi của công nương Lệ Bích lắm hay sao?
- Giống lắm.
- Thi làm hay hôn?
- Hay lắm.
- Ý tứ cao hôn?
- Cao lắm, ý tứ đã cao mà lại có hơi trách tạo hóa, ao mà lại có hơi trách tạo hóa/phiền duyên phận nữa.
- Nếu vậy thì chắc rồi chớ gì.
- Nghi mà thôi, chớ đâu dám chắc.
- Công tử có đọc thi của công nương thường lắm hay sao mà nhớ tuồng chữ?
- Có chớ.
- Ðọc thi làm trên chùa Trưng Nữ Vương đó phải hôn?
- Sau ta có thấy nhiều bài thi khác nữa chớ.
- Nếu vậy thì công tử chịu đi cuới đại đi.
- Nếu cưới mà không phải Lệ Bích rồi làm sao?
- Có hệ gì? Công tử nói rằng nàng ấy thi hay, học giỏi tài cao, thế thì không phải là người tầm thường. Ðã vậy mà lại ở trong nhà của quan Ngự sử, là một đứng danh nho trung liệt nữa. Nếu Công tử nghi lầm, chừng động phòng coi không phải công nương Lệ Bích, thì công tử tỏ thiệt tâm sự cho nàng ấy biết rồi từ biệt nhau. Một nàng tiểu thơ ý cao, học giỏi, hễ rõ tâm sự của công tử rồi thì không nỡ lòng nào mà oán hận công tử, hoặc kiếm chước làm cho công tử phạm nghĩa đâu mà công tử sợ.
- Mình làm như vậy thì được phần mình, còn người ta lỡ duyên thì tội nghiệp cho người ta lắm!
- Công tử bỏ hay sao mà sợ lỡ duyên. Công tử hứa chừng nào tìm được công nương Lệ Bích rồi thì sẽ thành hôn chớ.
Thanh Tòng suy nghĩ một hồi lâu rồi chàng muốn chịu, mà còn dụ dự chút đỉnh, song không tính trốn nữa.
Qua ngày sau, quan Chánh sứ bàn việc nghinh hôn nữa. Thanh Tòng nhơn dịp ấy mới hỏi thăm coi nàng Hồng Hạnh là con hay là cháu quan Ngự sử. Chừng chàng nghe rõ nàng là con nuôi thì chàng hết dụ dự nữa, vì chàng đoán quyết là nàng Lệ Bích. Chàng trông cho mau tới ngày nghinh hôn đặng giải cái lòng nghi phứt cho rồi.