Nặng gánh cang thường

Chương 10

Trung thần không oán chúa

Hung hăng cường khấu phải tan xương

Ðứng làm trai như chàng Thanh Tòng, đã liều thân mà rửa nhục cho cha, đã trải mật mà đền ơn cho Chúa, tưởng làm bao nhiêu đó cũng đủ gọi là trung thần hiếu tử được rồi. Tiếc vì hồi đời xưa, triều đình thi hành lễ phép quá nghiêm khắc, quan niệm trung hiếu rất hẹp hòi. Chủ nhà là chúa của gia tộc, quốc vương là chúa của quốc dân. Lời của chủ nhà nói ra là luật trong nhà, lịnh của quốc vương phán ra là luật trong nước. Dầu lời hay là lịnh ấy bất từ bất chánh đi nữa, nếu làm con mà cãi lời cha thì là bất hiếu, nếu làm tôi mà trái lịnh vua thì là bất trung. Thấy câu: ''quân bất minh thần bất khả bất trung; phụ bất  từ, tử bất khả bất hiếu '' với câu: ''Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu '' thì người đời nay, là đời tôn trọng nhơn quyền, ai cũng đều lắc đầu chắc lưỡi.

Thanh Tòng sanh trưởng trong vòng chế độ quân chủ ấy, học hỏi cũng trong nền giáo dục quân chủ ấy. Chẳng phải chàng không hiểu hễ từ hôn thì là khi quân; chẳng phải chàng không biết hễ cãi lời cha thì là nghịch tử. Chàng tự quyết thung dung để sa vào cái tội bất  trung bất hiếu, ấy là vì chàng bị uất trong cái ái tình. Chớ chi bỗng nhiên mà Lệ Bích phụ chàng, thì dầu cái ái tình của chàng nặng nề cho mấy đi nữa, chàng cũng còn có thể lấp ngơ được. Chàng vì phải trọn thảo cùng cha, nên chàng phụ nàng trước. Bây giờ nàng lánh chàng thì cái tội bội ước đó là tội của chàng chớ không phải là tội của nàng, há chàng đành ưng Công chúa Như Hoa mà vui chữ cầm sắt hưởng mùi chung đảnh, còn để cho nàng dày bừa gió bụi, đau đớn đêm ngày hay sao?

Quân thần, phụ tử, phu phụ là tam cang, cang nào cũng đều trọng. Hai cang đầu chàng đã giữ vẹn toàn vì cớ nào lại không để cho chàng giữ luôn cho trọn cái cang sau nữa? Chết với vua được, chết với cha được, vợ chồng cũng chết với nhau được vậy, chớ có lý nào không. Ðã biết công chúa thì là cao sang mà có cái cao sang nào bằng lời thệ ước ngày xưa?

Ðã biết xã tắc thì quí báu, mà xã tắc chưa có mòi khuynh nguy, còn chén thề gần trút sạch trên tay ta nỡ đành khoanh tay đứng dòm xã tắc mà để cho chén thề đổ hết?

Thanh Tòng mang cái tội bất trung bất hiếu nên phải bị đày lên Cao Bằng, mình mặc tang phục, hai tay bị trói, đi với hai mươi tên quân, lòng vàng chua xót, giọt lụy tràn trề. Tuy chàng không dám trách Trời, nhưng mà nghĩ tới cha chết còn nằm tại nhà, mẹ già phải đeo mối thảm, thì chàng nát gan đứt ruột, nuốt đắng trêu cay.

Ði mấy ngày lên tới Bắc Giang, tứ bề rừng rậm, hai bên đường chim kêu vượn hú, trước mặt non núi chập chồng. Hai mươi tên quân đi giải Thanh Tòng, chúng nó một là vì tánh tình, hai là vì chức phận của chàng, nên không nỡ bó buộc nghiêm khắc. Chúng nó mở trói để cho chàng đi thong thả, và chia nhau phân nửa đi trước, phân nửa đi sau, còn chàng đi giữa, coi ra chẳng khác nào như một vị công tử dẫn quân đi chơi.

Mặt trời đã xế bóng, ngọn gió phất đầu nhành. Thanh Tòng với quân chậm rãi mà đi, chàng thì đau đớn niềm riêng, quân thì xót thương hoạn nạn. Thình lình nghe phía sau lưng có tiếng kêu rằng: „Xin Công tử chậm chậm chờ anh em tôi với''.

Thanh Tòng ngừng bước ngó lại thì thấy Ðinh Hổ đương chạy theo, phía sau lại có Ðinh Long với Tô Hộ nữa. Chàng tưởng ở nhà còn xảy nguy biến chi khác, nên chàng đứng chờ mà trong trí không an.

Hai anh em họ Ðinh với Tô Hộ chạy tới, vòng tay mà thi lễ. Thanh Tòng và đáp lễ và hỏi rằng: ''Hai anh em theo tôi có việc chi? Còn Tô Hộ sao không ở nhà phục sự từ mẫu ta, lại đi theo làm chi đây?''

Tô Hộ bước tới và khóc và thưa rằng: „Công tử bị đày tôi ở nhà làm sao cho được! Thà là tôi chết theo công tử, chớ sống mà thấy công tử bị áp chế như vậy thì khó sống được lắm“. Thanh Tòng ứa nước mắt mà nói rằng: ''Ta phạm tội triều đình, nên ta phải bị đày; tội ta đáng lắm, ta không phiền trách chi hết. Ta tủi là tủi cho phận ta thờ vua không trọn ngay, thờ cha không trọn thảo, đến ngày cha lâm chung, ta cũng không báo hiếu được, mà ta còn chút mẹ già ta cũng không thế dưỡng nuôi...'' Thanh Tòng nói tới đó rồi khóc ròng, nói không được nữa. Ðinh Long với Ðinh Hổ cảm động, nên cũng ngó Thanh Tòng mà khóc.

Cách một hồi, Thanh Tòng bước lại vịn vai hai anh em họ Ðinh mà nói rằng: ''Chúng ta kết bạn cùng nhau tưởng là ba mặt một lòng, trăm năm một dạ, đâu lưng giúp nước, đâu cật phò vua, nào dè đâu sum hiệp chưa được mấy ngày mà rồi phải anh nam em bắc. Trời khiến cái mạng em phải chịu lao đao lận đận, thôi thì hai anh cũng chẳng nên thương xót bận bịu mà làm chi. Cái thân của em từ đây dầu sống cũng như đã chết rồi, không còn kể chi nữa. Hai anh là đứng anh hùng hào kiệt, em khuyên hai anh chẳng nên thấy phận em như vầy mà  thối chí ngã lòng. Hai anh phải tận tâm giúp nước phò vua, dầu tan xương nát thịt cũng đừng nao núng. Em đi đây em gởi giang san xã tắc và em cũng gởi luôn mẹ già của em lại cho hai anh. Hai anh phải thế cho em mà bảo thủ nước nhà, hễ có chút thì giờ dư xin tới lui thăm viếng giùm từ mẫu của em, nếu được như vậy thì em ở ngoài biên giới em mới an lòng chút đỉnh được''.

Ðinh Long lau nước mắt mà đáp rằng: ''Ðến nông nỗi này mà công tử cũng còn khuyên anh em tôi phải tận tâm giúp nước phò vua nữa hay sao? Giúp nước phò vua mà làm gì? Ðặng bị đày như công tử vậy, phải hay không? Anh em tôi chẳng muốn giúp ai, chẳng chịu phò ai nữa hết. Anh em tôi có giúp thì giúp công tử, có phò thì phò công tử mà thôi. Tôi nói thiệt, anh em tôi theo công tử đến đây là quyết giết cho sạch sắp quân của nhà vua đây mà cứu công tử. Chúng ta làm cho triều đình hiểu rằng đứng anh hùng không dễ gì mà áp chế, đứng hào kiệt trong đời chẳng bao giờ biết sợ ai. Chúng ta lại không đủ sức lập một triều đình như họ vậy hay sao, mà phải uật lỵ họ, cho họ khinh khi mình hèn hạ''?

Thanh Tòng nghe mấy lời bội quân nghịch chúa như vậy thì biến sắc, đứng ngó Ðinh Long trân trân, muốn trả lời, song kiếm không ra lời mà nói.

Ðinh Hổ rút gươm trợn mắt mà nói lớn rằng: ''Triều đình vô đạo, nghe lời đứa dua nịnh mà hãm hại kẻ hiền lương. Nay anh em ta quyết tôn công tử Thân Thanh Tòng lên ngôi Bắc Giang Vương đặng chiêu binh mãi mã kéo về kinh đô mà diệt tru bọn bất minh bất chánh. Mấy mươi quân sĩ đứa nào thuận tùng thì quì xuống cho mau, còn đứa nào nghịch ý thì ta chém đầu liền bây giờ''.

Hai mươi tên quân đều quì mà xin theo phò công tử hết thảy. Thanh Tòng thấy vậy giận quá, nên chỉ mặt Ðinh Hổ mà nạt rằng: ''Chẳng nói nhũng tiếng vô đạo như vậy. Tôi đã mang tội bất trung bất hiếu, bây giờ hai anh còn muôn cho tôi mang thêm cái tội phản nghịch nữa hay sao hử?“

Ðinh Hổ quen tánh táo bạo, hễ bất bình thì nói ngay ra, chớ không thể dằn lòng mà nói dịu ngọt được, bởi vậy nghe Thanh Tòng vừa dứt lời thì anh ta liền đáp rằng:

- Còn gì nữa mà không phản nghịch? Năm trước quan Thái úy ỷ sức mạnh húng hiếp quan Tướng quốc. Công tử làm con, tự nhiên phải báo thù cho cha; hai đàng đấu với nhau, ai dở chết thì chịu. Quan Thái úy dở ổng chết, sao triều đình lại bắt tội đòi chém công tử. Có phải xử như vậy thì mất lẽ công bình hay không?

- Ðinh huynh là đạo làm tôi, không được phép bài bác lịnh của Thiên tử.

- Tôi không còn muốn làm tôi ai nữa hết. Ðể tôi phân hết cho công tử nghe. Có giặc Chiêm Thành cả trào không có một thằng nào dám cầm binh đi đánh. Công tử lãnh đi dẹp giặc, trong một trận đã thấy thành công. Tài của công tử như vậy, công của công tử như vậy đó, mà rồi triều đình có thưởng gì đâu? Tha tội chết chém. Tội gì mà tha? Phong chức Tổng binh. Chức đó quí dữ há. Gả công nương Lệ Bích. Việc đó là việc riêng của công tử với công nương, vua xen vô làm chi? Công nương đi mất rồi thì để cho công tử thong thả tìm kiếm. Sao lại buộc công tử phải bỏ công nương mà cưới Công chúa? Rõ ràng ỷ quyền làm vua mà đoạt hôn của người ta cho con mình. Công tử giữ lời thệ ước, nên từ hôn Công chúa, thì là đáng khen lắm; sao lại kiếm chuyện bắt tội mà đày công tử đi, không cho chôn cha, không cho nuôi mẹ? Tưởng phò vua giúp nước đặng làm việc chi vui lòng phỉ chí kìa, chớ phò vua giúp nước đặng chịu những điều bất công bất chánh như vậy thà là chiếm cứ một góc sơn hà, mình làm chủ lấy mình còn tốt hơn.

- Con người ở đời chẳng có chi trọng cho bằng đạo quân thần. Ðinh huynh đừng có nói như vậy mà mang lỗi. Thà là chết, chớ không nên sống mà mang chữ phản thần.

- Phản thần hay là trung thần cũng vậy. Theo ý tôi, bọn ta nên thờ cái công lý thì phải hơn. Ai giữ công lý thì mình kính phục, ai không giữ công lý thì mình chống cự, chẳng cần gì phải lo giữ lòng trung với ai, hay là phải sợ mang tiếng phản ai.

Thanh Tòng là con nhà đại thần, từ nhỏ chí lớn đã chạm cái lý thuyết trung quân vào trong não rồi, chàng coi cái niềm quân thần là trọng hơn hết trong tam cang ngũ thường, bởi vậy chàng nghe Ðinh Hổ nói chừng nào chàng càng đau đớn xốn xang thêm chừng nấy. Chàng châu mày đứng suy nghĩ một hồi rồi thở ra mà nói rằng:,,Tôi tưởng chúng ta đồng tâm đồng chí nên mới kết làm anh em, không dè ngày nay hai anh muốn hại tôi, nên xúi tôi tạo phản. Tôi xin hai anh, nếu muốn cho niềm bằng hữu được lâu dài, thì đừng có nói những lời vô quân vô đạo như vậy nữa. Nếu hai anh cãi lời tôi, thì tình bằng hữu phải dứt, bởi vì tôi không thể làm bạn với người phản chúa được''.

Ðinh Long cười mà đáp rằng:

- Tuy anh em tôi xuất thân trong hàng lê thứ nhưng mà anh em tôi là con nhà An Nam, có lý nào không biết trọng luân thường. Anh em tôi kết bạn cùng công tử đặng phò vua giúp nước, ấy là vì anh em tôi tưởng thiên hạ cũng trọng luân thường như mình, nên mới đến chốn kinh thành, nào dè chữ ''cang'' ''thường” người ta đặt ra đặng gạt thiên hạ, người ta buộc thiên hạ phải giữ mà người ta khỏi giữ. Thế thì mình còn giữ luân lý cang thường nữa mà làm gì?

- Ðinh huynh cũng còn muốn báng sáng[1] nhà vua nữa sao? Thôi, hai anh muốn làm việc chi thì làm, từ nay về sau đừng có nhìn tôi là bằng hữu nữa.

Thanh Tòng nói dứt lời liền bỏ mà đi. Anh em họ Ðinh với Tô Hộ và mấy chục tên quân ngó theo, thảy đều ứa nước mắt. Ðinh Long không biết chước nào mà giải nguy cho Thanh Tòng được, nên phải dắt nội bọn đi theo và hỏi rằng:

- Vậy chớ bây giờ công tử đi đâu?

-  Tôi bị đày lên Cao Bằng, thì tôi phải đi lên đó chớ đi đâu.

- Thôi anh em tôi cũng đi theo công tử.

- Bọn ngươi là đồ phản chúa, đi theo ta làm gì? Phải trở lại cho mau.

Hai anh em họ Ðinh không nỡ bỏ Thanh Tòng, nên năn nỉ xin theo, mà Thanh Tòng quyết một không chịu cho đi, biểu phải trở về kinh lo phò vua thì tình anh em mới bền, chớ nếu trái ý thì không còn biết nhau nữa.

Ðinh Hổ thấy Thanh Tòng tự cam chịu áp chế thì tức giận, bèn kêu nội bọn đúng lại, bỏ Thanh Tòng đi một mình. Anh ta bàn với Ðinh Long và Tô Hộ rằng: ''Công tử không chịu cho mình theo, mà còn biểu mình phải trở về Kinh. Bây giờ mình trở về Kinh mà làm giống gì? Gần đây có núi Ngưu Sơn. Người ta đồn núi ấy hiểm trở, có thế cho kẻ anh hùng dung thân được. Vậy thì chúng ta kéo nhau lên đó lập trại mà ở, rồi qui tụ hào kiệt đặng chờ thời. Ở đời mình  làm chủ lấy mình thì tốt hơn, chớ uật lỵ người khác làm chi hổ mặt''.

Ðinh Long khen phải song không đành bỏ Thanh Tòng đi một mình nên biểu Tô Hộ đi theo mà phục sự Thanh Tòng, lại dặn hễ có gặp việc gì nguy biến thì phải trở lại Ngưu Sơn mà tìm nhau. Tô Hộ y lời, bèn từ giã hai anh em họ Ðinh mà chạy theo Thanh Tòng. Còn Ðinh Long với Ðinh Hổ thì dắt hai mươi tên quân, tẻ đường đi qua núi Ngưu Sơn.

Thanh Tòng đương đi, trong trí thầm giận anh em họ Ðinh mang lòng phản chúa, thình lình nghe phía sau có tiếng động đất, chàng day lại thì thấy Tô Hộ chạy theo. Chàng bèn đứng lại mà hỏi rằng: ''Sao ngươi dám cãi lời mà chạy theo ta nữa?''

Tô Hộ bước tới ứa nước mắt mà đáp rằng: 

-  Tôi không đành để cho công tử đi một mình. Trước khi ra đi tôi đã có bẩm cho phu nhơn hay. Phu nhơn ân cần dặn tôi dầu cực khổ cho mấy cũng phải ráng theo mà phục sự công tử. Nếu tôi vưng lời công tử mà trở về, thì tôi đã không an lòng, mà tôi còn sợ e phu nhơn quở tôi nữa.

-  Khi ngươi ra đi đây, vậy chớ mẹ ta có trách ta hay không?

-  Thưa không. Phu nhơn buồn lắm, chớ không có trách. Phu nhơn ta hễ an táng cụ lớn xong rồi, thì phu nhơn sẽ về quê mà dưỡng lão.

Thanh Tòng nghe việc nhà như vậy thì chàng động lòng, nên đứng ngẫm nghĩ một hồi rồi thở ra mà hỏi nữa rằng:

-  Còn hai anh em họ Ðinh đã nghe lời ta mà trở về rồi phải hay không?

-  Thưa không. Hai cậu dắt quân lên núi Ngưu Sơn chớ không chịu về Kinh.

-  Lên núi Ngưu sơn làm chi?

-  Hai cậu tính lên đó cất trại mà ở, rồi qui tụ anh hùng hào kiệt mà chờ thời, chớ không thèm làm quan nữa.

Thanh Tòng chắt lưỡi lắc đầu rỗi bỏ mà đi. Coi bộ chàng bất bình lắm. Tô Hộ nối gót theo sau, cứ lằm lủi mà đi, không dám nói tiếng chi hết.

Ði đến chiều, tới một cái xóm có ba bốn cái chòi tranh, Thanh Tòng với Tô Hộ dắt nhau vào đó xin nghỉ nhờ một đêm rồi sáng mai sẽ đi. Có một bà già, nhà tuy nghèo, song tánh ưa đãi khách lỡ đường, bà tiếp rước tử tế rồi lại cho cơm nước nữa.

Tối lại Thanh Tòng buồn bực trong lòng ngủ không được, nên chàng bước ra ngồi dựa mé một cái suối mà than thở. Dưới suối nước chảy ro re, trên trời mặt trăng lờ lệch, chàng ngồi mà nhớ nỗi cha khuất sớm, nỗi mẹ quạnh hiu, nỗi duyên nợ đảo điên nỗi công danh lỡ dở thì trong lòng bát ngát lụy ứa tràn trề. Tô Hộ đi ra thấy chủ đương sầu thảm thì bước lại gần mà hỏi rằng:

-  Thưa công tử, không biết sáng mai công tử phải đi đâu?

- Ta bị đày lên Cao Bằng, thì ta phải đi tới đó chớ đi đâu.

- Công tử không dám nghịch mạng triều đình, thì phải lắm. Nhưng mà theo ý tôi nghĩ, thì công tử chẳng nên vội lên Cao Bằng mà làm chi, thủng  thẳng rồi sẽ lên đó, tưởng cũng chẳng hại gì.

- Trước sau gì cũng phải tới đó, vậy thà là đi phứt cho rồi, chớ trì huởn mà làm chi?

- Tôi nghe nói quan Thái úy quê quán thái Nguyên. Tôi nghi công nương về ở đó quá. Vậy tôi xin công tử hãy qua Thái Nguyên mà tìm thử coi có công nương trốn về ở đó hay không. Như không có thì mình sẽ lên Cao Bằng, có muộn gì.

Thanh Tòng suy nghĩ một chút rồi gặc đầu khen phải. Sáng bữa sau thầy trò từ tạ chủ nhà rồi dắt nhau qua Thái Nguyên. Thanh Tòng nghĩ phải giấu tên họ mới được, nên bàn tính với Tô Hộ rằng nếu ai hỏi thì mình sẽ xưng là Võ Sơn Tòng, gốc ở Sơn Tây, vì cha mẹ khuất sớm nên buồn, phải xuất thân du học.

Thầy trò khi phải qua truông vắng vẻ, khi phải trèo núi gay go, đi trót năm ngày nữa mới tới địa giới đạo Thái Nguyên. Một buổi trưa đi gần tới một cụm núi, không biết tên là núi gì, bỗng nghe phía dưới chơn núi tiếng trống, tiếng chiêng vang vầy. Thanh Tòng lấy làm lạ, bèn hối Tô Hộ đi riết tới đó coi việc chi cho biết. Thầy trò đi chưa được bao lâu, kế gặp một người độ chừng 58 tưổi, y phục đoan trang, cỡi một con ngựa ô, vài mươi tên quân cầm khí giới chạy theo sau. Thanh Tòng liền đứng nép bên đường, đợi ngươi ấy đi tới mới vòng tay thi lễ và hỏi rằng: „Thưa quan nhơn, chẳng biết trước kia có việc chi mà nghe tiếng trống tiếng chiêng inh ỏi đó vậy“

Người ấy ngó Thanh Tòng rồi gò cương cho ngựa đứng lại mà đáp rằng:

- Ngươi mau mau trở lại chẳng nên đi tới đó mà mang hại.

- Thưa ngài sao mà mang hại?

- Vì bọn cường sơn mấy tháng nay nó chiếm cứ núi nầy mà nhiễu hại lương dân. Ta dẫn binh đến vây bắt bọn nó, chẳng dè chúng nó có một thằng đầu đảng, tên là Lương Cáng mạnh bạo phi thường, quân sĩ không dám đối địch với nó. Ta coi thế quân ta đã muốn vỡ chạy rồi, nên ta chạy trước về phủ kiếm binh thêm nữa mới được.

- Thưa ngài, té ra ngài làm quan cai trị đạo nầy hay sao?

- Phải. Ta là Hành khiển Tuyên phủ Chánh sứ đạo Thái Nguyên nầy đây.

- Thưa ngài, vì tôi không biết, nên không giữ trọn lễ vậy xin ngài thứ tội. Ngài chẳng cần phải nhọc công về phủ mà viện binh thêm nữa. Xin ngài chịu phiền dắt tôi trở lại đó; tôi sẽ bắt bọn cường khấu mà nạp cho ngài.

Thiệt quả người này tên là Huỳnh Như Hào, đương ngồi chức Hành khiển Tuyên phủ Chánh sứ đạo Thái Nguyên. Người nghe Thanh Tòng nói khẳng khái như vậy thì ngó chàng trân trân rồi hỏi nữa rằng:

-  Người có tài gì một mình mà trừ bọn cường khấu ấy nổi?

-  Thưa ngài, có binh của ngài đó chi.

-  Binh của ta một trăm, mà lớp bị thương, lớp bỏ chạy đã gần phân nửa rồi. Còn bọn nó đông lắm, cự không nổi đâu.

-  Thưa ngài, không hại gì mà ngài sợ. Tôi trừ nổi.

-  Người là ai, gốc ở đâu?

-  Thưa, tôi là một tên học trò khó, gốc ở Sơn Tây.

-  Nếu người thiệt có tài, thì giúp với ta, đặng trừ bọn đó, kẻo chúng nó hại lương dân lung lắm.

Hai người nói tới đó, bỗng thấy quân hào hển kéo nhau chạy tới, lại la lớn rằng cường khấu rượt theo gay lắm.  Thanh Tòng mời quan Chánh sứ đứng lại một bên đường rồi chàng giựt một cây côn của một tên quân và xốc tới đứng trước chờ quân cường khấu đến mà giao chiến. Quan Chánh sứ sắp đặt quân đứng hờ phía sau mà trợ chiến với Thanh Tòng.

Cách chẳng bao lâu, có một đám cường khấu ước chừng vài trăm, hăm hở kéo tới, thấy Thanh Tòng trẻ tuổi; lại có mấy mươi tên quân mà thôi, trong ý chúng nó không kiêng nể, nên la ó vang vầy rồi áp vào mà đánh. Thanh Tòng huơi côn đối địch, cây côn bay qua luyện lại như sao xẹo huơi một cái thì cường khấu ngã lăn hai ba thằng. Bọn đi trước đều ngã hết, bọn sau thấy vậy kinh tâm, không dám tới nữa.

Ðầu đảng là Lương Cáng thấy vậy bèn hét lên một tiếng rất lớn, rồi cầm búa lướt tới mà chém Thanh Tòng, Thanh Tòng đỡ vẹt lưỡi búa rồi đánh trả lại. Lương Cáng hình tích cao lớn, mặt mày đen sì, râu ria xồm xoàm, ở trần trùi trụi, coi bộ mạnh bạo hung ác lắm. Quan Chánh sứ thấy Thanh Tòng nhỏ vóc, sợ cự không lại, nên ngài quày ngựa thối lui ra xa mà coi, chớ không dám đứng gần.

Hai đàng đánh đỡ cùng nhau chưa được mấy cái, thì thấy Thanh Tòng bỏ cây côn trên vai rồi rút mà chạy. Lương Cáng hăm hở tốc theo, hai tay đưa búa lên nhắm Thanh Tòng mà chém. Thanh Tòng trớ qua phía tay trái lẹ như nháy mắt, rồi vụt cây côn nghe một cái vù thì liền thấy Lương Cáng té sấp không cựa quậy. Thanh Tòng bước lại đạp trên lưng. Quan Chánh sứ cùng quân sĩ cũng áp lại, thì thấy Lương Cáng bể đầu chết ngắt.

Bọn cường khấu thấy đầu đảng đã chết rồi thì vỡ tan, vẹt cây chun vô rừng mà trốn. Quan Chánh sứ đốc quân rượt theo mà bắt. Ngài ngó Thanh Tòng và cười nói rằng: “Tráng sĩ thiệt có tài, có lẽ cũng tại trời khiến, nên tôi mới gặp tráng sĩ hôm nay đây. Nếu không có tráng sĩ thì không biết làm sao mà trừ bọn cường khấu nầy được. Vậy tôi xin mời tráng sĩ theo tôi về phủ đặng tôi đền đáp cái ơn giúp tôi bình khấu thành công đây''.

Thanh Tòng dụ dự rồi đáp rằng:

- Tôi là một tên học trò ở trong nước, tôi đi đường gặp kẻ hung dữ làm rối loạn lương dân, tự nhiên tôi phải ra tay giúp với thượng quan mà tảo trừ, tôi đâu dám kể công với thượng quan.

- Tráng sĩ tên chi? Nhà cửa ở đâu?

- Dạ, tôi tên là Võ Sơn Tòng, quê quán ở Sơn Tây.

- Tráng sĩ đi đâu đây?

- Thưa vì bởi cha mẹ tôi khuất hết, tôi buồn rầu, nên mới dắt một tên gia đinh đi du học.

- Tráng sĩ được mấy tuổi?

- Thưa, tôi 19 tuổi.

- Nhỏ mà giỏi quá! Tôi khen lắm. Cha mẹ chết mà có anh em hay không?

- Thưa, không.

- Té ra tráng sĩ có một mình. Thôi đi với tôi mà về phủ, tráng sĩ muốn ở luôn với tôi mà học cũng được, chẳng cần đi đâu làm chi. Ðể quân sĩ rượt bắt cường khấu rồi chúng nó giải về sau, mình thủng thẳng đi lần về trước mà nghỉ.

Thanh Tòng bị quan Chánh sứ mời ân cần quá, chàng không thể chối từ được, nên phải dắt Tô Hộ đi theo ngài mà về phủ.


[1] báng=khích báng; sáng=sự lầm lỗi: chỉ trích, kết án