Mốc dịch
Tờ giấy được Tống Uyển cài sau cánh cửa, ra vào đều có thể nhìn thấy.
Sáng hôm đó cô dậy sớm, bên ngoài tĩnh lặng như tờ, cô tìm một vòng cũng không thấy người, chỉ tìm thấy một tờ giấy được đè trên bàn.
“Tạm thời có việc phải về Nam Thành gấp, chờ anh về, nhiều nhất là ba ngày. Nhớ thay nước cho cá.”
Thiếu một người, căn nhà bỗng nhiên trở nên lạnh lẽo. Tống Uyển không có ai nói chuyện cùng bèn sang nhà hàng xóm chơi. Bác gái lần trước tặng cá đông lạnh rất nhiệt tình hiếu khách, cô đi từ sáng sớm, bị giữ làm khách đến nửa đêm mới được về.
Con gái thứ hai của bác gái năm nay lên lớp mười, tiếng Anh không giỏi lắm, bài tập nghỉ đông vẫn chưa làm xong, giờ cuống quýt đến nỗi sắp khóc. Tống Uyển nhìn mà không đành lòng, buổi chiều ở lại kèm thêm tiếng Anh cho cô bé, mới đầu chỉ là dạy kèm, sau đó biến thành làm bài tập hộ.
Đến nửa đêm cô mới về đến nhà mình ở bên cạnh. Đương nhiên Diệp Gia Thụ vẫn chưa về, khói lửa trong nhà cũng không có. Cô bước ra sân nhìn về hướng nam, màn đêm tịch mịch, sao đã lặn xuống. Cô khẽ ngâm nga một bài hát, chính là bài “Phi ngựa ở Nam Thành”. Nhưng bạn chỉ là một con ngựa gầy nhom, chạy qua màn đêm, chạy qua ban ngày, chạy qua ông già nhặt rác, và dưới khung cửa sổ của cô gái.
Ngày đầu tiên trôi qua như thế.
Ngày thứ hai cô dậy sớm, thay nước cho cá, rồi đi nhóm lửa. Tống Uyển nấu một nồi canh cá, thêm một bát cơm to, ăn đến khi cả người nóng sực, ngồi bên bếp lửa chợp mắt một lát.
Buổi chiều cô lái xe lên thị trấn, ngẫm nghĩ thức ăn vẫn còn đủ cho mấy ngày nên không vào chợ, cô ghét những nơi bẩn thỉu hôi hám, chỉ vào cửa hàng hoa mua một bó hoa cát tường. Hoa tươi mùa đông rất đắt, lúc cô trả tiền mà ruột đau như cắt, thầm nghĩ sang xuân phải tìm cách kiếm tiền.
Trên đường lái xe về nhà, cô đi qua một chiếc cây có hình dáng kì lạ, dừng xe lại ngắm nhìn một lúc lâu mới tiếp tục đi. Hôm nay đã có nắng, rực rỡ chiếu lên cánh tay cô, nhưng nhiệt độ bên ngoài xe vẫn rất lạnh, thậm chí còn lạnh hơn những ngày tuyết rơi.
Về đến nhà, cô cắm hoa vào ấm nước đã rửa sạch, đặt lên bàn ăn, cô cho cá ăn, tự chơi cờ như Diệp Gia Thụ đã từng chơi. Ban đêm thì nghe tiếng tuyết tan.
Đó là ngày thứ hai.
Sang ngày thứ ba, Tống Uyển lấy cây đàn ghi ta của Diệp Gia Thụ ra, ngồi trong sân gảy chơi. Hồi bé cô đã học đàn violon, đều là loại đàn dây, mò mẫm một lúc là quen tay. Cô nhấn vài hợp âm, hát lại bài hát hôm ấy mình đã nghe trên nóc xe.
Cô bé học lớp mười nhà bên cạnh có lẽ nghe thấy tiếng hát bèn dắt con chó vàng to bự sang chơi. Con chó ấy béo núc ních, nhảy nhót vui đùa trong sân.
Cô dạy cô bé chơi đàn ghi ta, cô bé không có nền tảng, học được một lúc thì mất sạch kiên nhẫn. Cô bèn lái xe tiếp tục đưa cô bé về phía trước. Cô bé chỉ phía xa xa nói với cô rằng, chỗ kia có một cái hồ, chỗ kia là trường đua ngựa, chỗ kia là gia đình giàu nhất trong thôn. Đến khi tuyết dày không thể đi được nữa, bọn họ mới lái xe về.
Cô ăn tối ở nhà cô bé, đều là thịt và cá. Ăn xong họ chơi ném cầu tuyết, chú chó vàng còn chạy nhanh hơn cả hai người.
Đó là ngày thứ ba.
Tống Uyển bắt đầu cảm thấy bất an, từ lúc nhìn thấy tờ giấy cô đã thoáng không yên lòng, nhưng vẫn chọn cách tin tưởng Diệp Gia Thụ. Anh là người rất trọng lời hứa, sẽ không dưng mà nuốt lời.
Tối nay cô ngủ trong thấp thỏm, giấc ngủ không sâu, nằm mơ rất nhiều, rất linh tinh, ban đêm giật mình tỉnh dậy mấy lần.
Sáng sớm ngủ dậy, Diệp Gia Thụ vẫn chưa về.
Bên ngoài mặt trời đã mọc, phản chiếu ánh sáng màu cam nhạt xuống lớp tuyết dày, Tống Uyển xách xô cá ra ngoài sân, muốn để chúng hít thở không khí trong lành.
Lúc này cô nghe thấy ngoài sân vang vọng tiếng ô tô đi qua. Cô sửng sốt, trong lòng mừng rỡ, chạy như gió ra ngoài, chân vấp phải cái xô, mấy con cá nhảy ra, giãy đành đạch trên nền tuyết.
Tống Uyển nhìn thấy nhưng không kịp xử lý, chạy vội ra cửa sân.
Chiếc xe đen ấy, biển số xe cô biết, hóa thành tro cô cũng thuộc nằm lòng.
Cơn lạnh buốt từ gót chân chạy thẳng lên trên, cô run lên vì sợ hãi, lùi về phía sau, rồi lại lùi tiếp về phía sau. Cô hoảng loạn đóng cửa lại, khóa chốt.
Bên ngoài cửa giọng nói của Đường Kiển Khiêm trầm xuống: “A Uyển, cánh cửa này không ngăn nổi tôi đâu, em tự mình ra ngoài đi.”
Tống Uyển tựa lưng vào cửa, hơi thở dồn dập, não bộ suy nghĩ rất nhanh, làm sao đây, phải làm sao đây.
Tiếng bước chân cùng tiếng ba toong càng lúc càng gần hơn, cuối cùng dừng lại, chỉ cách cô một cánh cửa.
“A Uyển, mở cửa.”
Tống Uyển nín thở.
“Tên họ Diệp sẽ không về đâu, tôi đến đón em về nhà.”
Tim Tống Uyển nặng trĩu, “Ông đã làm gì Diệp Gia Thụ rồi?”
Đường Kiển Khiêm cười khẩy, “A Uyển, em không thấy lạ tại sao ở nơi xa thế này tôi vẫn tìm thấy em ư? Phải cảm ơn tên họ Diệp đó, là hắn nói với tôi.”
“Ông khốn kiếp!”
“Bao nhiêu năm rồi em vẫn không sửa được cái tật ngây thơ của mình. Tôi cho tên họ Diệp ba triệu, hắn lập tức bán đứng em mà không hề do dự gì.”
“Ông khốn kiếp!”
“A Uyển, mở cửa.” Giọng nói của Đường Kiển Khiêm dần sắc bén hơn.
Một lát sau tiếng đập cửa vang lên mạnh mẽ. Tiếng va đập dữ dội từ cánh cửa chạy thẳng đến lưng, cô cảm thấy như bị một vật nặng nề đập mạnh vào tim, đau đớn muốn nôn hết ra.
Hai con cá giãy đành đạch trên tuyết, cuối cùng bất động.
* * * * *
Đường Kiển Khiêm đưa Tống Uyển về căn hộ cao cấp mình thường sống gần đây, sai người canh gác hai tư trên hai tư giờ.
Từ khi bị kéo lên xe, Tống Uyển một mực giữ im lặng không khác gì người chết. Mọi lời ngon tiếng ngọt của ông ta như nói với bức tượng không cảm xúc.
Gần đây công việc bận rộn, ông ta tạm gác lại chuyện này đi công tác mấy ngày, lúc trở về căn hộ thì thấy Tống Uyển đang ngồi bên cạnh giường, không nhúc nhích như con rối được đắp bằng đất.
Đường Kiển Khiêm nổi giận đùng đùng, ông ta chống ba toong, lết chân bước nhanh tới, kéo cô đang ngồi trên ghế xuống, ném thẳng lên giường.
Ông ta đè người lên, cuối cùng cô giãy dụa, hét lên thất thanh lùi về phía sau, đạp chân vào bụng ông ta, thụi thật mạnh.
Trán Đường Kiển Khiêm đổ mồ hôi lạnh, dù đau nhưng ông ta không hề lùi bước, túm lấy tay Tống Uyển kéo cô lên, vung một cái bạt tai thật mạnh.
“Tống Uyển, đừng hết lần này đến lần khác thách thức giới hạn của tôi.”
Tống Uyển mở to mắt đầy giận dữ, cười gằn: “Ông thì có giới hạn gì? Bội tín bội nghĩa chính là giới hạn của ông.”
Đường Kiển Khiêm nắm lấy cằm cô: “Cô nói lại xem?”
“Có lần nào ông giữ lời không Đường Kiển Khiêm? Ông nói không cưỡng ép tôi, tôi cần thời gian, ông đồng ý; tôi nói ghét căn nhà của ông ở đường Đồng Nguyên, ít nhất đừng bảo tôi đến đó nữa, ông đồng ý; tôi nói ông đừng hành hạ tôi thêm nữa, ông đồng ý; tôi nói tôi có thể nghe lời, nhưng ông đừng ép tôi sinh con, ông cũng đồng ý... Bao nhiêu chuyện đấy, ông đã làm được chuyện nào chưa?”
“Là do cô thách thức lòng kiên nhẫn của tôi.”
Tống Uyển nhìn thẳng vào mắt ông ta mà không hề sợ hãi.
Đúng lúc này chuông điện thoại của Đường Kiển Khiêm reo lên, ông ta ngừng lại lấy điện thoại ra nhìn, là cuộc gọi công việc quan trọng, buộc phải đi xử lý gấp.
“Cô ngoan ngoãn chờ, đừng mơ đi đâu nữa.”
Đồ gia dụng trong căn hộ đầy đủ, người canh gác đúng giờ đưa ba bữa cơm đến, nhưng không cho phép Tổng Uyển rời khỏi nhà nửa bước, cũng không cho phép cô liên lạc với bên ngoài.
Đường Kiển Khiêm bận rộn tròn một tuần mới bớt thời gian đến thăm Tống Uyển, bởi vì nghe người canh gác nói cô tuyệt thực.
Ông ta ấn mật khẩu mở cửa, bên trong tối đen như mực, ông nghiêng đầu hỏi vệ sĩ đứng cửa: “Chuyện gì thế này?”
“Cô Tống yêu cầu không được bật đèn.”
Đường Kiển Khiêm hừ lạnh, giơ tay ấn công tắc, ánh đèn chiếu sáng người đang nằm trên sô pha, hai cánh tay gầy gò để lộ khỏi ống tay áo rộng thùng thình, như cây sáo bị mốc chỉ cần bẻ một cái là gãy.
Đường Kiển Khiêm nắm cánh tay xốc cô dậy, “Lại giở trò gì thế?”
Mái tóc che kín mắt Tống Uyển, ông ta gạt tóc cô ra, xoay gò má cô về phía mình, “Tống Uyển, tôi cảnh cáo cô, đây là lần cuối cùng, nếu cô tiếp tục giở trò, tôi sẽ không tha cho cô đâu.”
“Ông đã làm gì Diệp Gia Thụ rồi?” Giọng nói của Tống Uyển khàn khàn.
Đường Kiển Khiêm cau chặt mày: “Cô chỉ cần biết, cả đời này đừng mơ gặp lại hắn.”
Tống Uyển cười đầy khó khăn: “Ông đã giết anh ấy rồi sao? Chẳng trách, chuyện này ông làm được mà.”
Ông ta nhìn về phía bàn ăn, trên bàn vẫn đặt bữa tối mà cô không hề động đũa: “Ăn cơm đi.”
“Ông giết anh ấy rồi, đúng không?”
“Tống Uyển, tôi...”
“Cảnh cáo tôi à? Chỉ có kẻ bế tắc mới dùng đi dùng lại chiêu cảnh cáo này thôi. Ông có thể làm gì được tôi? Ông tưởng nhốt tôi ở đây mọi chuyện sẽ êm đẹp ư?” Tống Uyển bật cười ha ha, cô chưa có hạt cơm nào vào bụng, cổ họng như nòng súng vang vọng khắp căn phòng, giọng nói khô khốc nhưng chói tai.
Đường Kiển Khiêm nghiến răng nghiến lợi, “Con chim Đường Kiển Khiêm tôi nuôi, dù chết cũng phải chết trong lồng, chết nơi tôi có thể nhìn thấy!”
Tống Uyển nghiêng đầu hơi ngước mắt lên, bỗng nói: “Ông thật đáng thương.”
Đường Kiển Khiêm lạnh lùng nhìn cô chằm chằm.
Ánh mắt Tống Uyển nhìn ông ta đầy thương hại, “Có một tin chắc hẳn ông chưa biết đâu nhỉ? Trước khi rời khỏi Nam Thành, tôi đã mang thai rồi.”
Đường Kiển Khiêm sững sờ, lập tức thả tay ra vén áo cô lên, dù không cần làm thế, chỉ cần nhìn cũng nhận ra chiếc bụng phẳng lì, nhưng ông ta vẫn vén áo lên đưa tay ra sờ, như muốn xác nhận lần cuối cùng.
“Cô... cô...” Tay ông ta run lên.
“Chú Đường, Tôi biết ông muốn gì. Ban đầu lúc ông đưa tay ra giúp đỡ tôi, lúc ông đưa tôi ra khỏi nỗi đau mất bố, lúc ông thật lòng hứa hẹn quyết tâm sửa đổi lỗi lầm... vốn chúng ta đã có rất nhiều cơ hội để đi tới kết quả ông muốn, nhưng lần nào, lần nào cũng bị ông phá hủy.”
Tống Uyển ngẩng đầu cười to, cười đến nỗi sắp chảy cả nước mắt, “Lần đầu tiên phá thai, ông nói tôi đang trừng phạt ông. Tôi không trừng phạt ông đâu, tôi đã thất vọng về ông từ lâu rồi. Tôi không thể lừa nổi bản thân mình rằng ông yêu tôi, ông không yêu ai hết, ông chỉ yêu cái ảo ảnh tôi tin tưởng ông, tôn sùng ông, nghe lời ông.” Gò má cô gầy gò, bởi vậy càng làm mắt cô to hơn, sáng ngời đến lạ kì, như ánh mắt khát khao được sống của người đổ bệnh nặng.
“Đường Kiển Khiêm, ông đáng thương lắm, thật đấy.”
Nhưng cô không khát khao được sống, cô không tha thiết gì hết. Thế nên sự hăng hái trong ánh mắt kì lạ đến vậy, làm Đường Kiển Khiêm giật mình sợ hãi. Đây là ánh mắt của thấm phán, ông ta hiểu Tống Uyển mới là người kiểm soát ván cờ này. Trên thực tế, tất cả sự tiêu cực của cô mới là sự kháng cự hiệu quả nhất, cô bóc trần ông ta toàn bộ, để ông ta không chiếm được bất cứ thứ gì.
Sau khoảng im lặng dài dằng dặc, Đường Kiển Khiêm hốt hoảng đứng dậy, lảo đảo bước đi. Ông ta quên cầm ba toong, kéo lê đôi chân chạy nhanh ra cửa lớn như đang chạy trốn.
Xuống dưới tầng, tài xế nhanh chóng lái xe đến, ông ta xua tay cho người lùi ra, ngẩng đầu lên nhìn bầu trời trên cao. Vầng trăng non mờ nhạt rọi ánh sáng lạnh lẽo xuống. Đường Kiển Khiêm bất giác sải bước, nhưng đi được mấy bước thì bỗng nhiên dừng lại... ông ta đi đâu được đây, không có ba toong, ông ta có thể đi đâu được?
Ông ta ngơ ngẩn đứng đó, cuối cùng quay người vẫy tay gọi lái xe đến.
Đường Kiển Khiêm ngồi vào ghế sau, giơ tay xoa bóp huyệt Thái Dương đang căng như dây đàn, hạ thấp giọng xuống: “Đường Đồng Nguyên.”
Lần đầu tiên ông ta gặp Tống Uyển là ở đường Đồng Nguyên.
Hồi ấy cô mới mười lăm tuổi, vừa mới tan lớp học múa ba lê, bên ngoài bộ đồ luyện tập khoác thêm một chiếc áo bóng chày, khi được Tống Tịnh Đông dẫn vào, cô chẳng có chút vẻ gì. Cô gọi một tiếng chú lấy lệ, rồi đến chỗ cửa kính ban công lấy một quyển sách trong cặp ra, đứng ở đó lật lung tung. Nhiều năm múa ba lê đã tạo cho cô thói quen đứng bằng một chân, chân kia giơ lên cao thẳng tắp. Ông ta sai người mua cho cô một cây kem, cô không hề khách sáo nhận nó, vẫn đứng ở chỗ cũ cắn từng miếng. Lúc đó ánh chiều tà rọi vào, chiếu sáng mép váy lụa xõa tung của cô. Trên miệng cô còn dính kem như nàng công chúa được chiều hư, ngoài tính cách hơi khó chịu thì những phương diện khác đều đẹp đẽ, thậm chí tính cách khó chịu của cô cũng là một vẻ đẹp.
Khung cảnh ấy làm ông ta nhớ mãi không quên.
Sau này qua lại với Tống Tịnh Đông nhiều hơn, ngoài kinh doanh ra còn hẹn gặp riêng. Cô vẫn chơi tennis, lúc nhảy lên đập bóng, bờ eo mềm mại và đôi chân thon thả tràn đầy năng lượng. Ông ta chưa bao giờ thấy một cô bé hừng hực sức sống đến thế. Ông ta ngồi trên hàng ghế khán giả ngắm nhìn cô, dường như chân mình không hoàn hảo bởi vậy cần năng lượng ấy bù đắp.
Tống Tịnh Đông chiều chuộng cô hết mực, nhưng cũng dạy dỗ cô rất nghiêm khắc, hai nhà qua lại thân thiết, cô có ấn tượng rất tốt với ông chú hay tặng cô quà lại còn ít nói cởi mở này. Có lần ăn cơm cùng nhau, cô cũng lén than thở bố mẹ hay càm ràm mình thế nào. Ông ta kể mình lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cô tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng. Ông ta vẫn nhớ ánh mắt cô khi ấy, tràn ngập niềm ngưỡng mộ thật sự, không hề có a dua nịnh hót.
Thỉnh thoảng họ đi dạo sân golf, ông ta đi rất chậm, nhưng cô không hề cảm thấy phiền phức, có lúc không để ý tốc độ đi nhanh hơn ông ta, rồi lại nhảy chân sáo về trách móc ông ta đi quá chậm. Trong thế giới của cô gần như không tồn tại những cảm xúc tiêu cực như kì thị hay dè bỉu, bởi vậy dù ông ta bị thọt, dù trước khi thành công ông ta chịu vô số ánh mắt khinh thường và lời nói mỉa mai, nhưng với cô ông ta được đối xử bình đẳng không khác gì những người bình thường, cho nên chuyện ông ta đi chậm cũng phải cần trách móc như bao người khác.
Sau này, niềm yêu thích vẻ đẹp và sức sống cô bé dần dần biến thành khát vọng độc chiếm, ông ta tự tạo cho mình cơ hội, từ lâu ông ta đã biết tin đồn Tống Tịnh Đông sẽ xảy ra chuyện có điều không hé một chữ. Ông ta biến sự thất thế của Tống Tịnh Đông thành một món đồ trao đổi, bởi vậy chiếm được thứ mà mình hẳng mong ước.
Cũng chính ở đường Đồng Nguyên nơi họ gặp nhau lần đầu, ông ta bất chấp tiếng kêu gào đến khản cổ, mạnh mẽ thưởng thức hương vị thành quả chiến thắng.
Thế nhưng từ đó Tống Uyển dùng tám năm dài đằng đẵng để chống cự, để nói rằng thật ra ông ta không hề chiến thắng. Cô không nghe lời, ông ta chỉ có thể trừng phạt cô, giam giữ cô. Nhưng Đường Kiển Khiêm yêu cô, ông ta góa vợ nhiều năm qua, lại không có con cái, biết bao phụ nữ đấu đá để giành giật vị trí “Bà Đường”, vậy mà cô dễ dàng có được như trở bàn tay, chỉ có điều cô không chịu cúi đầu, ỷ vào sự chiều chuộng của ông ta mà tự tung tự tác.
Xe dừng lại ở đường Đồng Nguyên, ông ta ngồi trong xe nhìn những ô cửa sổ đen như mực, toàn bộ quá khứ lướt qua đầu như cưỡi ngựa xem hoa.
Mép váy ba lê, cuộc nói chuyện sau bữa tối, chiều hoàng hôn trong cơn mưa tầm tã, tiếng khóc và kêu gào của cô gái...
Đường Kiển Khiêm nhắm mắt vào, tựa như đang ép trái tim mình sắt đá trở lại.
Ông ta không làm sai chuyện gì. Để đi đến ngày hôm nay, ông ta dựa vào niềm tin mình tuyệt đối không làm sai. Có sai phải là cô sai, không hiểu lòng người cũng không biết điều. Con chim Đường Kiển Khiêm nuôi sao có thể để kẻ khác chạm vào, nếu chết cũng phải chết trong lồng.