Kết quả của việc phong thưởng là quan văn được ưu đãi hơn quan võ, các bậc công thần đa phần là quan võ đối với việc này cảm thấy không phục, trong đó bất mãn nhất là với việc Tiêu Hà được phong tước hầu cao nhất, nhiều ruộng ấp nhất. Thế là bọn họ không hẹn mà cùng kéo nhau đến gặp Lưu Bang chất vấn: "Chúng thần không quản nguy, xả thân nơi chiến trường, nhiều thì tham gia trăm trận, ít thì cũng vài chục trận mới được phong thưởng. Thế mà Tiêu Hà không đổ một giọt mồ hôi nơi chiến trận, chỉ ngồi đàm đạo, viết văn lại được bệ hạ phong thưởng tước lộc cao nhất là cớ làm sao?".
Lưu Bang bèn lấy một ví dụ rất hình ảnh nói với bọn họ: "Chắc là chư vị đều biết đi săn. Muốn đuổi bắt con mồi thì phải dựa vào chó săn. Ra hiệu lệnh cho chó săn là người đi săn. Chư vị đều biết công thành hạ địch, giống như chó săn vậy. Còn Tiêu Hà có khả năng ra hiệu lệnh, chỉ thị cho chó săn nên giống như người đi săn vậy. Hơn nữa toàn bộ gia tộc nhà Tiêu Hà đều theo ta khởi bình, còn các khanh có bao nhiêu người trong gia tộc vào sinh ra tử cùng ta. Vì vậy ta trọng thưởng Tiêu Hà các khanh không được phép đàm luận này nọ nữa". Đám công thần tuy vẫn còn to nhỏ với nhau, nhưng không còn thù ghét Tiêu Hà nữa, việc bất mãn cũng tiêu tan dần.
Một hôm Lưu Bang vừa đi dạo, vừa ngắm cảnh ở cung Lạc Dương nam, nhìn thấy một tốp người ăn mặc theo kiểu võ quan kẻ đứng kẻ ngồi ở bên hồ trong nội cung. Bọn họ túm tụm lại với nhau, dường như đang bàn tính chuyện gì. Lưu Bang cảm thấy kỳ lạ, bèn tìm Trương Lương đến hỏi: "Ngươi có biết bọn họ đang làm gì không? Trương Lương không chút chần chừ trả lời: "Bọn họ nhóm họp âm mưu làm phản". Lưu Bang kinh ngạc hỏi: "Tại sao muốn làm phản". Trương Lương rất bình tĩnh trả lời' "Bệ hạ là người áo vải bình dân cùng với tướng quân khắp nơi hợp sức mà giành được thiên hạ. Ngày nay bệ hạ chỉ lo phong thưởng cho những người thân trong dòng tộc, bạn bè cũ, sát hại những người mà bình sinh mình có thù hận. Như vậy, khiến cho người ta nhìn vào mà sinh oán. Những kẻ hôm nay không được bệ hạ phong thưởng, ngày mai cũng khó lòng tránh được cái chết, lúc nào cũng thấy lo sợ đầu óc không yên, đương nhiên tập trung làm phản. Lưu Bang nghe vậy vội vàng hỏi: "Thế ta phải làm gì?” Trương Lương suy nghĩ một hồi rồi đưa ra một câu hỏi: "Bình thường trong đám quan võ, bệ hạ đã từng để cho kẻ nào biết là bị bệ hạ oán ghét không?" Lưu Bang nói' "Ta hận Ung Xỉ nhất. Khi ta khởi binh, hắn không chiến đấu mà đầu hàng Ngụy, về sau lại hàng Triệu, tiếp đó lại đầu hàng Trương Nhĩ. Khi lực lượng của ta và Trương Nhĩ hợp nhất ta mới thu nhận hắn". Trương Lương nghe xong vội nói: "Thật là tốt, lập tức phong hầu cho hắn thì mới có thể làm yên tâm kẻ bề dưới". Lưu Bang hoàn toàn tin tưởng ở Trương Lương, không chút nghi hoặc với lời của Trương Lương và tin rằng kế hoạch này thật có lý. Vài ngày sau đó Lưu Bang mở tiệc rượu thết đãi quần thần ở cung Lạc Dương nam, khi tiệc sắp tàn thì ra chiếu phong cho Ung Xỉ làm Thậm Phương Hầu, Ung Xỉ không dám tin vào tai mình, mãi sau mới biết là mình không nằm mơ mới vội vàng tạ ơn. Việc Ung Xỉ được phong hầu khiến cho cả quân thần và những võ tướng chưa được phong hầu đều phấn khởi, ai cũng mừng ra mặt: "Đến Ung Xỉ còn được phong hầu thì ta còn phải lo ngại gì".
Mọi việc quả y như lời Trương Lương, mâu thuẫn cũng được hóa giải bằng cách đó.
Xét công phong thưởng là một việc tốt, tuy nhiên mỗi lần xét công phong thưởng không thể làm được tuyệt đối chu toàn, kết quả là có một bộ phận thì vui mừng hớn hở, một số người thì thất vọng buồn nản. Nếu việc luận công xét thưởng làm không tốt, thậm chí còn gây ra những phản ứng phụ ngoài dự kiến. Từ một việc vốn rất tốt đẹp đến khi thực thi lại thu về một kết quả không mong muốn. Lưu Bang luận công phong thưởng là hoàn toàn thể hiện vào việc chiến đấu ra sao để xếp thưởng cao thấp. Sau khi phát hiện ra vì thế mà nảy sinh mâu thuẫn thì lại biết cách dùng lòng khoan dung hóa giải mâu thuẫn. Cái cơ mưu này vừa phát huy lòng hăng say của tướng lĩnh cốt cán trong đội ngũ mình lại vừa tạo ra sự ổn định trong hàng ngũ.
Trong "Kinh Thi" có viết rằng: "Trăm dòng chảy đểu đổ về biển", "bách xuyên nhập hải, hữu dung cực đại" có nghĩa là trăm ngàn dòng chảy đều đổ về đại dương, bởi vì đại dương có tấm lòng rộng mở ôm cả trăm sông ngàn suối. Bất luận cổ kim, bất luận trên chính trường hay thương trường đều phải có lòng khoan dung, phải dung nạp được những ý kiến khác nhau. Có như thế mới làm được nghiệp lớn, mới thành công.
Bắc Kinh có một vị đội trưởng sản xuất rất có tấm lòng bao dung độ lượng. Mọi người ở nơi công xưởng không ngớt lời ca ngợi anh. Một hôm, cấp trên tổ chức một cuộc kiểm tra chất lượng với qui mô lớn, tham gia đợt kiểm tra này không chỉ có lãnh đạo chủ quản của cục, chuyên gia mà còn có cả một số cán bộ kỹ thuật cốt cán trong nhà máy. Một chàng trai ở ngoài đội sản xuất trong khi kiểm tra, trước mặt vị đội trưởng đưa ra một lời phê bình gay gắt: "Máy đo lường chất lượng cao của các anh vừa không chuẩn xác lại vừa không hoàn bị, anh là đội trưởng mà lại để như thế à?" Và chàng thanh niên lại tiếp lời: "Đo lường là con mắt của sản xuất công nghiệp, không nắm vững được đo lường thì coi như là mắt không nhìn được, làm sao có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm." Có lẽ do tuổi trẻ hăng khí, thường là có lý nhưng không suy xét nguyên do, chàng trai càng nói càng nặng lời không chút nể mặt vị đội trưởng.
Thế nhưng, đội trưởng quả là có phong độ của bậc quan tướng. Những lời phê bình, chỉ trích gay gắt không làm cho vị đội trưởng xấu hổ hay mất vui. Trái lại đội trưởng luôn miệng nói: "nói rất đúng, nói rất đúng". Những lời nói này không phải là thái độ thông thường nhận lỗi cho xong mà thực sự là thái độ chân thành đón nhận ý kiến phê bình. Bởi vì anh ta biết cái thiếu trong đội sản xuất của anh là người tài trong kỹ thuật đo lường. Không có người thì làm sao làm tốt việc đo lường được đây? Chợt mắt anh sáng lên: Chàng trai này không phải là người tài hiện thành sao? Anh vội vàng liên hệ với anh em trong nhà máy tìm mọi cách đưa chàng trai về đội mình. Sau rất nhiều cố gắng chàng trai cũng được điều về đội của anh. Chàng trai quả nhiên là một tay kỳ tài trong việc đo lường. Việc đo lường sản phẩm của toàn xưởng đều do một tay anh ta đảm nhiệm, chất lượng sản phẩm tự nhiên cũng được nâng cao lên một bậc.
Trong xưởng còn có một nữ kỹ thuật viên vốn có mâu thuẫn với một bậc thầy trong phân xưởng, mâu thuẫn cũng khá sâu sắc, đội trưởng phê bình cô kỹ thuật viên nhưng cô không phục, trước mặt mọi người còn cãi nhau với anh ta, lại còn tuyên bố sẽ xin chuyển đi nơi khác. Nhưng vị đội trưởng không hề để bụng chuyện đó và coi như chưa có chuyện gì xảy ra. Một hôm đội trưởng gọi cô kỹ thuật viên và nói sẽ cho cô đi học để khi cô nắm được toàn bộ kỹ thuật rồi sẽ cho cô phụ trách tất cả phần công việc này. Lúc đó cô kỹ thuật viên quả là không dám tin đó là sự thật, đồng thời cô cảm thấy xấu hổ về thái độ của mình. Sau khi học xong trở về nhà máy, cô phụ trách viết cuốn sách chuyên môn "thủ công nghệ" và trở thành nòng cốt của phân xưởng. Trước đây có lần cô muốn chuyển công tác, nhưng khi đi học trở về cô nói rằng: "Có đánh chết tôi cũng không đi. Có một người đội trưởng khoan dung, độ lượng như vậy tình hình sản xuất của đội làm sao mà không tốt lên được kia chứ”.