Vừa đúng lúc ấy có một người tự xưng là Liêu Kính ở Lũng Tây Nhung Tốt đến cầu kiến. Lưu Bang từ xưa luôn coi trọng, lắng nghe những ý kiến trái ngược nhau, bất kể là bậc đại nhân hay kẻ bình dân chỉ cần nói điều có lý thì Lưu Bang đều vui lòng nghe. Liêu Kính tiếp kiến, sau khi thi hành nghi thức quân thần Lưu Bang nói: "Ngươi từ phương xa đến, chắc là cũng đã đói bụng, bây giờ là lúc dùng cơm trưa, người hãy đi dùng cơm trước, rồi sau đó đến gặp trẫm sau, được không?". Đợi Liêu Kính dùng xong bữa trưa, Lưu Bang mới tiếp chuyện.
Liêu Kính hỏi: "Bệ hạ định đô ở Lạc Dương có phải là có ý muốn so tài cao thấp với nhà Chu?". Lưu Bang gật đầu thừa nhận.
Liêu Kính nói: "Bệ hạ đoạt được thiên hạ, điều này không giống với nhà Chu. Năm xưa, Vũ Vương diệt nhà Thương, có được thiên hạ. Chu Công khi phụ tá Thành Vương, vì muốn các chư hầu bốn phương thuận tiện trong việc đi lại bẩm báo tình hình công việc cũng như cống nạp mới tổ chức rời ấp Đông Đô. Chỉ đến khi hậu thế, vương thất suy yếu, thiên hạ, chư hầu mới không còn đến cống nạp triều đình. Thiên hạ của bệ hạ ngày nay là do đánh nhau mà có, chiến đấu hàng hơn trăm trận với Hạng Vũ. Điều này khác hẳn với nhà Chu lấy đức để đoạt thiên hạ. Tuy nhiên vì muốn nắm được thiên hạ chi bằng định đô ở Quan Trung. Bệ hạ thử nghĩ lại xem, năm đó khi ở Quan Trung, địa hình hiểm cố, tiến có thể tấn công, lui có thể phòng thủ. Một ngày nào đó nếu Quan Đông có loạn thì Quan Trung vẫn vô sự. Thế mới gọi là ở vào cái địa thế chủ động!"
Lưu Bang sau khi nghe lời tâu của Liêu Kính cảm thấy có lý tuy nhiên việc rời đô là việc đại sự, phải xem xét một cách thận trọng. Còn về lời nói lấy đức để đoạt thiên hạ của Liêu Kính, Lưu Bang không để ý lắm. Nhưng những ý kiến mà Liêu Kính đưa ra, đều khiến Lưu Bang suy nghĩ. So sánh thế mạnh và yếu của hai nơi mới là điều quan trọng.
Phàm là gặp những chuyện lớn, Lưu Bang luôn có thói quen đi gặp Trương Lương để định đoạt. Lúc đó Trương Lương đã lui về ở ẩn tại nhà, học khí công. Bình thường đóng cửa, không tiếp khách. Thế nhưng khi Lưu Bang triệu kiến thì ông vẫn vào cung.
Lưu Bang đem lời của Liêu Kính nói lại với Trương Lương và nói muốn nghe ý của Trương Lương. Trương Lương hoàn toàn đứng ở góc độ của nhà lãnh đạo, thống trị nói: "Lạc Dương địa bàn nhỏ chỉ có trăm dặm bình nguyên, đất đai lại cằn cỗi, không phải là đất dụng võ. Quan Trung địa hình đẹp, ba mặt cơ hiểm, một mặt phía đông giáp với chư hầu. Chư hầu yên, lương thực vận chuyển bằng đường thủy có thể theo dòng nước mà đến Quan Trung. Chư hầu loạn thì có thể xuôi dòng mà xuất binh, thực là một nơi lý tưởng. Lời của Liêu Kính thật quả là đáng giá, bệ hạ nên nghe".
Nghe lời Trương Lương phân tích, Lưu Bang nhìn thấu cáì lợi và hại của hai vùng đất, phát huy cái thế mạnh, tránh cái thế yếu quyết định chọn ngày rời đô. Liêu Kính cũng nhờ chuyện này mà được thăng tiến còn được nhận họ vua. Phàm là những chuyện trọng đại thì đều phải cân nhắc thận trọng cái lợi và cái hại, suy nghĩ thấu đáo rồi mới bắt tay vào làm. Nói chung, mỗi một sự vật đều có mặt tốt và mặt xấu. Trong hai phương án, nên chọn phương án nào mà cái được nhiều hơn là cái mất. Nếu như trong lòng đã có sẵn kế hoạch làm được đến trình độ phát huy thế mạnh, tránh thế yếu thì quả thực là bậc đại tài. Trong thương trường ngày nay những trường hợp như vậy vẫn còn rất nhiều.
Công ty xe hơi Claire của Mỹ chuyên sản xuất các loại xe hơi thông dụng thuộc vào loại nhà máy cỡ lớn ở Mỹ. Cuối những năm 70 do khủng hoảng xăng dầu thế giới, tình hình tiêu thụ sản phẩm không đạt được so với dự tính, dẫn đến thua lỗ hơn 0,7 tỷ đô la, phá vỡ kỷ lục thua lỗ của công ty trong suốt quá trình tồn tại từ trước tới nay. Nguyên nhân sâu xa là vì công ty sản xuất những loại xe cỡ lớn, hào hoa, nhưng tiêu hao nhiều xăng dầu, không được người tiêu dùng hoan nghênh, tốn diện tích chỗ để xe. Công ty Claire đứng trước bờ vực phá sản.
Trong lúc nguy nan đó Lee Akeka nhận chức tổng giám đốc công ty. ông nhận thấy phải phát huy thế mạnh, tránh cái yếu của mình thì mới có thể vượt qua được cửa ải khó khăn này. Vì vậy ông không ngừng đưa ra những mẫu xe mới có sức hấp dẫn công chúng, đặc biệt dựa vào ưu thế đội ngũ kỹ thuật viên tài giỏi, hùng hậu của công ty để lấy lại chỗ đứng cho sản phẩm. Cuối cùng thì ông đã đạt được thành công lớn.
Đầu tiên, ông cho sản xuất loại xe tiết kiệm xăng dầu K, bánh trước vừa có thể chạy với tốc độ nhanh lại vừa có thể dễ thắng. Tiếp theo đó ông lại thiết kế thêm một vài hệ thống sản phẩm cho loại hình xe K, phân biệt với nhau ở chỗ loại thì là xe cơ bản, xe thông thường, xe nhỏ và siêu nhỏ - bốn cỡ. Như vậy, tức thì đáp ứng được mọi nhu cầu của các tầng lớp khác nhau trong xã hội. Kết quả là công ty không những không bị thua lỗ mà còn có lãi.
Sau đó, ông đem mác xe nhãn hiệu "người New York" cũ của công ty cải tiến lên một bước, mục đích là để làm cho nó phù hợp với xu hướng tiết kiệm xăng dầu của thập kỷ 80, đồng thời ông tăng thêm số lượng các loại xe cỡ to và trung bình, việc làm này quả là có tác dụng lớn đối với việc khôi phục lại vị thế hùng phong của công ty.
Tiếp theo thiết kế làm mới lại loại xe Jazi vốn bị thị trường quên lãng nhiều năm, cho ra đời loại xe mới với nhãn hiệu "TQ 400", được người Mỹ vô cùng ưa chuộng. Loại xe phù hợp với tính cách của người Mỹ này vừa đưa ra thị trường lập tức thu hút được một lượng khách hàng lớn, chẳng mấy chốc tiêu thụ hết hơn 20.000 chiếc. Công ty Ford, General thấy loại xe này thu hút được một lượng khách hàng lớn như vậy cũng mô phỏng sản xuất theo. Nhưng khi công ty Ford và General đem sản phẩm mô phỏng này ra thị trường thì công ty Claire còn đi trước hơn một bước, cho ra đời loại xe mới đẹp hoàn hảo và hợp thời trang mang nhãn hiệu "TQ 600". Trong thế giới của xe, công ty Claire luôn ở vị trí dẫn đầu.
Công ty này không hề thỏa mãn với những thành tựu đã đạt được năm 1984 công ty cho ra đời loại xe H, vừa dùng để chở khách và chở hàng. Phát minh này lại làm bùng lên cơn sốt xe H, năm đó đã tiêu thụ được 14,8 vạn chiếc. Chính vì không ngừng tìm ra được những nhu cầu của thị trường, nắm được mạch đập của thị trường nên công ty Claire không ngừng phát triển, thành công, sản phẩm thích ứng được với thị trường phong phú, đa dạng, điều đó làm cho sức cạnh tranh trên thị trường của công ty ngày một lớn. Năm 1980, công ty chuyển lỗ thành lãi, năm 1983 thu lợi nhuận 0,9 ti đô la, năm 1984 mức lợi nhuận là 2,4 tỉ đô la. Công ty ngày càng chiếm lĩnh được thị trường, hình thức thị trường của công ty ngày càng tốt. Năm 1983 công ty phát hành 2600 vạn cổ phiếu, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ mọi người đã tranh nhau mua hết.
Akeka không hổ thẹn là một chuyên gia thành thạo trong việc phát huy sở trường, tránh sở đoản. Trong chiến lược kinh doanh của ông đã giúp cho công ty Claire đi vào một con đường đầy triển vọng, dành được những thành công to lớn.