Lưu Bang đánh giá rất cao sự giúp đỡ và những cống hiến to lớn của Tiêu Hà. Song sau khi chuyển từ quan hệ bạn bè lúc đầu sang quan hệ quân thần, Lưu Bang cũng có tâm lý nghi kỵ, thậm chí cảnh giới phòng bị ông ta. Tình trạng này là điều không thể tránh khỏi đối với những người làm thần. Tiêu Hà đương nhiên cũng không phải là ngoại lệ.
Có một lần Tiêu Hà cùng một số đệ tử và con cháu áp tải xe lương từ Quan Trung đến Huỳnh Dương. Lưu Bang ra tiếp kiến, hỏi Thừa tướng gần đây có bình yên không, người nhà họ Tiêu đều nói: "Thừa tướng nhờ phúc của Đại Vương, bình an vô sự, chỉ là không thể đích thân cùng các tướng lĩnh đi chinh phạt, chia sẻ lao khổ nên trong lòng không yên. Nay trời có ý để anh em chúng tôi đến tòng quân phục dịch." Lưu Bang nghe xong rất vui mừng, lập tức chỉ lệnh thu dùng những người có tài năng trong họ Tiêu không được trái lệnh.
Tại sao Tiêu Hà lại khéo léo như vậy? Hóa ra Hán Vương từ sau khi đóng quân ở Huỳnh Dương thường xuyên sai sứ thần đến Quan Trung thăm hỏi Tiêu Hà. Lúc đầu Tiêu Hà không hề để ý nhưng có một môn khách dưới quyền Lưu Bang tên là Bào Sinh nhìn ra trong đó nhất định có nguyên nhân. Anh ta thầm lén, nói với Tiêu Hà, Hán Vương thường sai sứ thần đến lấy danh nghĩa là hỏi thăm nhưng thực ra là nghi ngờ Thừa tướng. Thừa tướng sao không chọn người trong gia tộc cho tòng quân. Biện pháp đưa người đi làm con tin này nhất định có thể loại bỏ sự nghi ngờ của Đại Vương. Tiêu Hà làm theo kế này, quả nhiên khiến cho Lưu Bang rất vui mừng.
Các tướng Trần Hy, Hàn Tín, Anh Bố cuối cùng đều bị Lưu Bang, Lữ Hậu trừ khử với tội danh "mưu phản". Trong việc sát hại Hàn Tín, Tiêu Hà để bảo vệ mình đã giúp Lữ Hậu hạ thủ. Vì chuyện này, Tiêu Hà được gia phong, mọi người đều đến chúc mừng, chỉ có Triệu Bình lấy cớ "tưởng niệm", cảnh cáo Tiêu Hà: "Họa sẽ bắt đầu từ đây! Hy vọng ngài từ chối gia phong, đem gia tài giúp quân". Tiêu Hà nghe xong, liền làm theo. Lưu Bang rất vui mừng.
Khi Hán Vương thảo phạt Anh Bố, môn khách của Tiêu Hà khuyên ông ta bố trí một số điền sản, tạo cho mọi người ấn tượng là mình không có chí lớn, ham muốn lợi nhỏ để tránh họa sát thân về mặt chính trị. Nhưng khi Tiêu Hà trước mặt xin với Lưu Bang cho mua đất vườn thượng uyển của hoàng gia cho dân chúng, Lưu Bang lại nghi ngờ ông ta nhận hối lộ của thương nhân và ra lệnh giam giữ, nhờ có người khuyên bảo nên Tiêu Hà mới được thả ra. Tuy nói là chưa cách chức ông ta nhưng có thể thấy được Lưu Bang không còn tín nhiệm Tiêu Hà nữa.
Tiêu Hà ở đâu cũng thận trọng nên cuối cùng cũng có kết quả tốt ông ta chưa thể dũng cảm rút lui, xa rời quyền lực như Trương Lương, chỉ có điều Tiêu Hà cẩn thận, phòng bị chặt chẽ, so với hành động dũng cảm rút lui không cách xa là mấy, vì thế cuối cùng vẫn được coi là có một kết cục có hậu, cả đời chăm chỉ cực nhọc.
Trong thương trường, thắng lợi giống như dòng chảy của thủy triều, nhất định có lúc lên lúc xuống, sóng lớn chập trùng. Trong tiếng khen ngợi trầm trồ về sự làm ăn phát đạt, đầu óc nhất thiết phải tỉnh táo, vì có lẽ đây chính là lúc thủy triều bắt đầu rút. Ai có thể nhìn ra tình hình này, kiên quyết dũng cảm rút lui, biết bảo vệ mình, người đó sẽ là người chiến thắng. Năm 1965, đúng vào lúc giá đất ở Nhật Bản lên cơn sốt, Đệ Nghĩa Minh lại nhanh chóng rút khỏi trào lưu sốt đất. Các giới trong xã hội rất khó hiểu về chuyện này, thậm chí cán bộ và hội đồng quản trị trong nội bộ công ty "Quy hoạch đất quốc gia” của anh ta cũng phản đối quyết định này. Nhưng Đệ Nghĩa Minh vẫn không bị lung lay.
Thực tiễn chứng minh hành động của Đệ Nghĩa Minh là rất sáng suốt. Không lâu sau đó, cơn sốt đất xây dựng nhanh chóng dịu xuống. Không ít công ty lúc đầu quá tham lam, thậm chí vay tiền để mua đất, khiến cho cung lớn hơn cầu, dẫn đến nhiều mảnh đất lớn trong tay không có cách nào bán đi, tạo ra sự ứ đọng về vốn. Sự tụt dốc với tốc độ cao của giá đất đã làm cho nhiều công ty đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.
Đệ Nghĩa Minh tại sao làm được như vậy. Điều này chủ yếu bắt nguồn từ tin tức tình báo quan trọng và lòng quyết tâm không do dự của anh ta. Nhân duyên của Đệ Nghĩa Minh rất tốt. Cha anh ta, ông Đệ Khang Thứ Lang trước đây từng làm quan chức chính phủ, từng trúng cử chức Nghị trưởng Hạ nghị viện, đức cao vọng trọng, bằng hữu rất đông. Đệ Nghĩa Minh cũng được lợi không ít nhờ đó. Rất nhiều bạn bè của anh ta thực tế có liên quan đến nền móng do cha anh ta xây dựng.
Có một lần, thủ tướng Trí Điền bị ốm. Đệ Khang Thứ Lang trước đây là bạn của ông Trí Điền nên Đệ Khang Thứ Lang đi thăm ông. Thủ tướng khuyên anh ta không nên mua thêm đất, vì chính phủ sẽ không thả nổi cho giá đất lên quá cao. Giá đất quá đắt như vậy là điều không bình thường, chính phủ nhất định phải áp dụng chính sách khống chế. Nếu không rút lui kịp thời, hậu quả sẽ rất khó lường.
Đệ Nghĩa Minh sau khi nghe lời khuyên của thủ tướng, còn tiến hành một cuộc nghiên cứu điều tra tường tận, kết quả hoàn toàn giống với những gì Trí Điền nói. Thế là anh ta không do dự hạ quyết tâm dũng cảm rút lui, không chỉ ngừng thu mua đất đai, thậm chí còn kịp thời bán hết những mảnh đất có trong tay. Thực tiễn chứng minh việc làm này rất đúng đắn.
Có lúc, trong các cơn sốt mang tính xã hội nói chung để có thể dũng cảm rút lui cần có một lòng quyết tâm lớn. Đặc biệt là khi sự nghiệp của bản thân đang tiến triển thuận lợi, muốn làm được điều này quả thực là không dễ dàng. Trong khi thị trường cổ phiếu cũng như vậy, khí thế cao ngất trời lúc giá cổ phiếu tăng cao đến mức không thể hơn được nữa, người có đầu óc sẽ nghĩ cách làm thế nào để rút lui. Các ngành các nghề cũng đều sẽ có giai đoạn thăng trầm, bạn có thể tự bảo vệ mình không?