Quân Hán ra trận lần này có không dưới 30 vạn binh, đều do Hàn Tín chỉ huy, Lưu Bang ở lại giữ trại. Hàn Tín đích thân dẫn đầu 3 vạn binh mã đi khiêu chiến. Hạng Vũ không am hiểu mưu lược cũng không đánh giá cao Hàn Tín, thấy Hàn Tín đến khiêu chiến, mặt đỏ bừng bừng sai tướng ra ngoài nghênh chiến, định dựa vào sức mạnh của kẻ thất phu liều chết với quân địch. Hàn Tín vừa đánh vừa rút lui, dụ Hạng Vũ vào vòng mai phục của quân Hán. Một tiếng pháo nổ, hai cánh quân nữa xông ra, hai tiếng pháo nổ, lại hai cánh quân nữa xông ra. Tiếng pháo nổ liên tiếp, quân Hán không ngừng xông ra. Tiếng pháo kết thúc, quân mai phục từ mười mặt nhất tề xông ra, vây chặt lấy Hạng Vũ. Quân Sở ôm đầu chạy tán loạn, chỉ có một mình Hạng Vũ liều chết ở đó. Một người có bản lĩnh đến như thế nào cũng khó ngăn nổi 18 chiêu võ nghệ của thiên binh vạn mã. Đánh đến đây, Hạng Vũ mới biết bị trúng kế, lập tức lệnh cho Chung Ly Muội, A Quý Bố chặn hậu còn mình liều chết mở đường máu, khó khăn lắm mới rút về đến Cai Hạ.
Từ khi Hạng Vũ dấy binh đến nay, chưa từng gặp phải thất bại nặng nề như thế này. 10 vạn binh mã trong vòng vây "mai phục mười hướng" của Hàn Tín trong nháy mắt đã mất hơn một nửa, chỉ còn lại hơn 2 vạn tàn quân. Nhìn nay nhớ xưa, thật là cảm giác hối hận muộn màng. Hạng Vũ càng nghĩ càng uất ức nhưng trong đầu không có kế sách gì, đành phải ngồi trong trướng mượn rượu giải sầu.
"Thắng bại là chuyện thường trong binh gia, Đại Vương không nên quá đau buồn". Ngu Thị, thiếp yêu của Hạng Vũ là một người rất hiểu ý người khác, cố gắng dồn nén tâm trạng ngồi bên cạnh an ủi Hạng Vũ. Ngoài trướng, gió lạnh thổi ào ào tiếng hát du dương, cuốn theo chiều gió vọng lại từ bốn phía. Tiếng hát như tiếng khóc tố cáo, vang dội khắp bốn bề nỗi niềm bi ai. Tiếng hát từ đâu vọng lại, sao mà quá thê thảm. Hóa ra đây là bài ca nước Sở do Trương Lương viết, quân Hán đều biết hát. Đêm khuya yên tĩnh, hơn 10 vạn người cất tiếng hát khiến quỷ thần cũng phải xúc động. Tiếng hát này như có sức mạnh tinh thần phi thường làm lay động lòng người. Quân Sở nghe xong đều sinh bệnh nhớ nhà, sau đó lặng lẽ bỏ đi. Ngay cả những người đại hiệp như Chung Ly Muội, Quý Bố nghe xong cũng rối loạn trong lòng, đột ngột rời bỏ Hạng Vũ. Chú của Hạng Vũ là Hạng Bá thấy mọi người lần lượt lìa xa liền âm thầm sang với Trương Lương. Hạng Vũ mắt say lờ đờ, sau khi tỉnh rượu, thấy Ngu Cơ nghe tiếng hát sầu thảm vọng về từ bốn phía mà lo buồn, bất giác giật mình: "Lẽ nào quân Hán đã vào đất Sở sao?" Ngu Cơ nước mắt đầm đìa. Hạng Vũ thấy đại cuộc đã mất, vừa uống vừa ca lên khúc hát bi ai:
Lực bạt san hề khi cái thế.
Thời bất lợi hề truy bất thệ.
Tuy bất thệ hề khả nại hà?
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?
Tạm dịch:
Sức nhổ núi chưa khí trùm đời.
Thời không lợi chừ ngựa không chạy.
Ngựa không chạy chừ biết làm sao?
Nàng Ngu chừ, nàng Ngu! Biết tính sao?
Tiếng trống canh năm cất lên, Hạng Vũ từ biệt Ngu Cơ: "Trời sắp sáng rồi, ta sẽ liều chết phá vòng vây. Còn ái Cơ thì làm thế nào?" Không ngờ, Ngu Cơ đột nhiên đứng dậy nói: "Tiện thiếp sống cũng đi theo Đại Vương, chết cũng đi theo Đại Vương, xin Đại Vương bảo trọng!". Nói rồi rút kiếm tự tử. Hạng Vũ muốn cứu Ngu Cơ nhưng đã quá muộn, chỉ còn biết ôm xác nàng mà khóc.
Trời chưa sáng rõ, Hạng Vũ không tiện ở lại lâu liền cưỡi ngựa Ô Truy xông ra phá vòng vây. Trong lúc hoảng loạn, không nhận ra phương hướng, lại chạy đến bên sông Ô Giang. Một cụ già chèo chiếc thuyền lá thúc giục Hạng Vũ lên thuyền nhưng ông ta nói: "Trời đã diệt ta, ta hà tất phải qua sông. Cho dù còn sống cũng không mặt mũi nào để nhìn phụ lão Giang Đông". Nói rồi rút kiếm tự vẫn.
Mai phục mười hướng, Bá Vương biệt Cơ. Câu chuyện đời xưa nổi tiếng này đã cho mọi người thấy được mưu trí cao siêu của Hàn Tín, Trương Lương. Một người dùng vòng vây mai phục tầng tầng lớp lớp đưa Hạng Vũ vào chỗ chết, một người dùng bài ca nước Sở khiến ông ta thân thích lìa xa, cuối cùng trở thành cô gia quả nhân, không còn mặt mũi để sống ở đời.
Năm 1980, những nhà lãnh đạo Đài Loan thỏa thuận mua của chính phủ Hà Lan hai chiếc tàu ngầm. Mới đầu cuộc đàm phán tiến triển rất thuận lợi. Chính phủ Hà Lan đồng ý cấp giấy phép sản xuất cho công ty đóng tàu RSV chế tạo tàu ngầm. Hà Lan đồng ý mục đích của cuộc làm ăn này chủ yếu là muốn dựa vào đó kích thích ngành đóng tàu, vũ khí đạn dược để làm cho nền kinh tế đang tụt dốc trở nên khởi sắc. Vì vậy, tháng 11 năm đó, quốc hội Hà Lan đã phê chuẩn cuộc làm ăn này bằng sự ủng hộ yếu ớt. Chính quyền Đài Loan rất phấn khởi, cho rằng như thế có thể phá vỡ cục diện ngoại giao bị động của mình, vì thế nhân cơ hội này nói khoác trắng trợn trên trường quốc tế.
Tàu ngầm là vũ khí chiến lược đặc biệt, việc làm này của chính phủ Hà Lan rõ ràng đã làm trái nguyên tắc của thông cáo thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hà Lan. Vì vậy chính phủ Trung Quốc đã chỉ trích nặng nề chính phủ Hà Lan. Dưới áp lực đòi hỏi sự công bằng chính trực của dư luận, tháng 2 năm 1981, quốc hội Hà Lan hủy bỏ bản thỏa thuận cũ. Chính phủ Đài Loan thấy có sự thay đổi, vội tăng thêm một số điều kiện ưu đãi cho phía Hà Lan. Chính phủ Hà Lan thấy lợi quên nghĩa, dường như có phần dao động. Lúc này, chính phủ Trung Quốc lần thứ hai đưa ra bản kháng nghị và tuyên bố hạ thấp qui cách ngoại giao.
Xem ra đây là vụ làm ăn thương mại nhưng nó mang đậm màu sắc chính trị quốc tế. Lập trường cứng rắn của chính phủ Trung Quốc so với uy thế "mai phục mười hướng” của Hàn Tín đối với Hạng Vũ năm đó có phần còn hơn. Song, chính phủ Hà Lan cũng không phải là cái đèn tiết kiệm dầu. Họ tự biết chuyện này sẽ thúc đẩy chính phủ Trung Quốc gây ra những điều bất lợi trên phương diện chính trị và nhiều tổn thất về kinh tế, nhưng lại không muốn vứt bỏ hoàn toàn miếng thịt ngon đã đưa đến tận miệng. Thế là chính phủ Hà Lan liền chơi trò bịt mắt bắt dê có tính đe dọa với chính quyền Đài Loan.
Chính phủ Hà Lan không ngừng đưa ra các điều kiện kèm theo cho giới lãnh đạo Đài Loan. Ví dụ ngoài khoản tiền 500 triệu đô la dùng để mua tàu ngầm, họ còn tăng thêm 500 triệu đô la tiền mua vũ khí và các sản phẩm khác của Đài Loan. Ngoài ra những tổn thất Hà Lan gặp phải từ sau khi chính phủ Trung Quốc hủy bỏ sự hợp tác kinh tế giữa hai nước vì kháng nghị cách làm của Hà Lan, phải do chính quyền Đài Loan bù đắp, trong đó có một mục rất quan trọng là Đài Loan phái một đoàn đến Hà Lan mua các sản phẩm nông nghiệp và yêu cầu lần thứ nhất phải mua 90 triệu tiền hàng. Sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan từ xưa đến nay vốn rất dồi dào, chấp nhận yêu cầu này của chính phủ Hà Lan không khác gì tự giết mình về kinh tế. Công ty RSV còn muốn Đài Loan trả tiền trước với lý do không đủ vốn. Nhưng sau khi tiền hàng được chuyển đến, công ty này lại dùng vào chuyện khác. Càng quá đáng hơn, năm 1984, công ty RSV dứt khoát tuyên bố giải thể, hủy bỏ hợp đồng cũ nhưng sau khi chuyển giao dự án cho công ty WF công ty này lại không chấp nhận giá cũ, yêu cầu phía Đài Loan tăng thêm tiền.
Những người có con mắt tinh đời đều biết các hành động này rõ ràng là chính phủ Hà Lan đang giở trò, vừa muốn để vụ làm ăn này thất bại, vừa muốn chính quyền Đài Loan đổ máu. vì trước thế tấn công chính trị dồn dập của chính phủ Trung Quốc chính phủ Hà Lan không dám có các hành động thực chất về vấn đề này. Vì vậy hy vọng bằng biện pháp đe dọa phía Đài loan sẽ tự động rút lui.
Không ngờ, chính quyền Đài Loan không những đồng ý tăng tiền cho công ty WF, thậm chí còn quyết định mua thêm bốn chiếc tàu ngầm, đồng thời dụ dỗ bằng điều kiện tăng mức nhập khẩu từ Hà Lan và Hà Lan sẽ được hưởng 40% ưu đãi nhập khẩu, mục đích là để vụ làm ăn tiếp tục được tiến hành. Rõ ràng "bài ca nước Sở" bao vây bốn phía nhưng Đài Loan bịt tai không nghe, cứ muốn đi ngược lại tình hình. Đến nước này, chính phủ Hà Lan thấy không thể tiếp tục kéo dài, mới ra ám hiệu không thể thực hiện thỏa thuận. Đến lúc này chính quyền Đài Loan mới cảm thấy vụ làm ăn này căn bản không thể thành công, thế là lặng lẽ tự động dừng lại.
Xưa nay, tình thế "mai phục mười phía", "bài ca nước Sở bao vây bốn mặt" đã rất rõ ràng. Nhưng những nhà lãnh đạo Đài Loan không có cả dũng khí thừa nhận thất bại như Hạng Vũ. Như thế điều đang đợi họ tất sẽ là sự thất bại càng thê thảm hơn.