MƯA MÙA HẠ

Chương 7

Ôi chào, lại chuyện đê với điều, bão với lụt, mối với kiến! Nhận được lá thư nữa của Trọng, Loan chỉ đưa mắt nhìn cái phong bì rồi bĩu môi, thả luôn vào cái túi xách tay. Chẳng cần đọc, Loan cũng thừa biết anh chàng

viết cái gì rồi. Một hai lá đầu cô còn mở ra, đưa mắt lướt qua vài dòng. Nhưng, cô thất vọng luôn. Cô chán phè và buồn cười, càng ngày càng thấy anh chàng lẩm cẩm.

 - Có đứa nào mua vé xem kịch Nguyễn Trãi không? – Hết ca bán hàng chiều, Loan vào văn phòng, bà cửa hàng trưởng hỏi. Cô lắc đầu. Bà già nguýt qua làn kính:

 - Vé phân phối, giá chỉ bằng mớ rau thôi mà tiếc à?

 - Có cải lương thì cháu xin hai vé ngay. Mấy lị cháu bận.

 - Lại hẹn với anh rồi chứ gì!

 - Đâu nào!

 - Đừng có giấu bà già nhé – Bà cửa hàng trưởng nháy mắt và nhăn nhăn cái mũi tẹt – Có phải cái chú đi chiếc xe Honda đỏ không? Kỹ sư hả? Gớm, ở tít tịt Nguyên Lộc mà tối nào cũng chịu khó mò về thế! Say rồi đấy, em ạ.

 Bà già lẫn lộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia. Loan chẳng cải chính, chỉ cười và lắc lắc mái tóc mới tỉa ngắn, kiểu tóc mới biến con gái thành con trai và nhí nhảnh.

 Chào bà cửa hàng trưởng, Loan xách cái túi ra cửa, xuống vỉa hè. Thành phố trẻ lại sau cơn mưa mát mẻ lúc hai giờ chiều. Cũng là lúc tan tầm. Vỉa hè rồng rắn những dòng người xếp hàng mua thực phẩm. Trên đường miệt mài chảy hai dòng xe đạp xuôi ngược. Thỉnh thoảng, một chiếc xe máy vụt qua khoe khoang tốc độ, kéo một hơi thẳng vút giữa lòng đường, nghe kiêu căng lạ. Những lúc như thế cô con gái ông xích lô lại thấp phấp phỏng. ít lâu nay, cô hay chờ đợi tiếng xe máy và nhớ lại, đã có một thời, cô ao ước và ghen thầm với những cô gái ngồi ở đằng sau chiếc xe máy, ngả người, vòng hai tay ôm eo ếch chằng trai cầm tay lái. Giá mà cô được như thế! Rồi cô buồn. Ông Nhuần, bố cô chỉ là dân đạp xích lô. Cô lại ở trong cái ngõ nhỏ xoàng xĩnh, bao giờ mới có được một chiếc xe máy lọt vào, bấm còi pe pe gọi cô? Đã từng có lúc thành phố biến tất cả thành vô danh, kích thích tầng lớp thị dân, những con người trung bình, nỗi thèm muốn một mức sống nổi trội hơn người, hối thúc họ lao vào thoả mãn các tham vọng vật chất một cách thật mãnh liệt. Sự lạ mắt, trội bật về hình thức, từ một kiểu áo, kiểu guốc, kiểu đầu, không chỉ là biểu hiện của thói lập dị, sự hợm hĩnh, mà còn là một lối khẳng định mình một cách cao ngạo. Chưa bao giờ những chi tiết của văn hoá lại biến thành nơi phô diễn những cái thiếu văn hoá dữ dội đến như vậy và nhờ ăn nên làm ra bằng đủ mánh khoé, nhiều người trong tầng lớp thương nhân có cái ảo giác là chỉ những kẻ thắng lợi trong lĩnh vực thu nhập của cải thì mới tồn tại và được phép kiêu hãnh vậy.

 Loan đã quên lãng những kỷ niệm thiêng liêng của mối tình đầu với Trọng. Bầu không khí gia đình và môi trường xã hội cô tiếp xúc nuôi dưỡng cô, lôi cuốn cô vào những ham mê khác; đôi lúc nhớ lại những phút giây xao xuyến thơ trẻ chân thành ngày trước, cô thấy hơi nao nao, nhưng chỉ mấy giây sau đã tặc lưỡi: tại anh ta thôi! Và quên phứt ngay!

Đi theo hè phố, Loan thật sự hài lòng về sự nổi bật của mình. Hình như có rất nhiều cặp mắt nhìn theo cô trầm trồ từ chất vải áo, màu sắc bông hoa in ở ngực áo, và những đường nét uốn lượn ở eo hông cô. Cô muốn nán lại lâu hơn ở trên mặt phố. Nên thấy một đám người tụ tập xem mấy tờ áp phích có ảnh in dán ở bảng thông tin khu phố bên bờ hè cô liền dừng lại, len vào. Ba tờ áp phích cùng một loại. Đó là lệnh truy nã một tên cướp xổng tù. Góc trái phía trên áp phích là ảnh tên cướp nọ. Cái ảnh ấy làm cô giật thót mình. Nhưng cô vội thỉ thui ngay ý nghĩ vừa xuất hiện và tọt ngay ra khỏi đám đông. Không, chỉ nhang nhác thôi, chứ không phải anh ấy. Anh ấy đẹp trai kia. Và đâu có phải tên anh ấy. Cô bỏ đi. Sắp rẽ vào ngõ 401, cô đưa mắt sang trái, nguýt một cái thật dài và bén ngọt. Một lũ con trai mới lớn đã bắt đầu để tóc lợp gáy, mặc may ô in hình, nhìn cô đầy vẻ giễu cợt. Hay chúng khinh cô là con gái ông xích lô? Thì hãy cứ bằng con nhà xích lô đi, oe con ạ!

°

 Xích lô thì có gì là xấu! Hãy thử xem cuộc sống của gia đình ông xích lô trong ngõ này.

 Ông Nhuần hành nghề xích lô từ ngày hoà bình lập lại. Quê ông ở Phủ Lý. Kháng chiến chống Pháp, ông có tham gia du kích xã. Năm 1950 bị giặc bắt, bị chúng đánh đập khảo tra; vừa được giặc thả, hãi quá, ông dông ngay vào thành phố. Thành phố, nơi con người dễ giấu tung tích mình. Lên đây, ông gặp bà Lụa buôn chuyến vừa bị mất sạch vốn liếng vì người tình làm phản. Hai người gần gũi nhau về tâm sự và cuộc sống thành thị chẳng mấy chốc lại gây phấn chấn cho họ, giúp họ qua được cơn buồn nản. Sau hoà bình, đã có lần cái gia đình ấy xung phong đi xây dựng kinh tế ở Tây Bắc. Nhưng đi được một năm thì cả bầu đoàn thê tử lại kéo về. Không có hộ khẩu cũng cứ về. Về và bà vợ bắt đầu rêu rao, rằng mình bị lừa, rằng chẳng có nơi nào bằng thành phố này, và bây giờ dẫu có cho máy đến xúc, họ cũng quyết không đi đâu nữa. Cuộc mưu sinh lại bắt đầu với một ý thức làm giầu rõ ràng hơn. Hai người đẻ một loạt con và bắt đầu sắm sanh đồ đạc, xây dựng nhà cửa. Giờ thì căn nhà họ ở là căn nhà hai tầng, cao sang nhất ngõ, nền lát đá hoa, trong nhà có sập gụ, tủ chè, tủ lệch, quạt Nhật, giường mô-đéc và dàn A-kai gần chục nghìn đồng, hay làm khổ láng giềng bằng mấy băng nhạc vở cải lương “Lan và Điệp” có cả tiếng chó sủa gâu gâu.

 Tất cả của cải, và đời sống dư dả có nhiều hướng ngoi lên là kết quả của lao động, của mồ hôi nước mắt họ. Thật chứ! Có điều là lao động của đôi tay đôi chân ông xích lô một ngày xoàng ra cũng gấp bảy, tám lần lương công nhật một anh thợ tiện bậc bẩy trên bẩy. Tuy nhiên, nguồn thu của ngân sách gia đình chủ yếu vẫn là bà Nhuần. “ Ông kiếm nhiều thì mồm ông ăn nhiều, miệng ông uống nhiều, chứ mẹ con tôi nhờ vả được gì nào!” Những lúc vui vẻ, bà hay dài giọng trách yêu chồng như vậy. Mà quả là như vậy thật. Ông cọc cạch cái xích lô so với anh thợ tiện, kiếm được hơn

hẳn, nhưng đối với bà, nghề của ông chỉ đem lại cái tiếng thơm cho gia đình thôi. Gia đình lao động, dân nghèo thành phố! Thời nay, quý là ở cái thành phần đó mà.

 Bà Nhuần thật là con buôn kỳ tài. Mùa nào thức nấy. Khi cần, đi hàng tuần lên miền ngược. Lúc hàng họ chất chồng đống lớn, đống nhỏ. Lại có khi chỉ tềnh tang cái tay nải. Cũng có hồi tay năm tay mười. Lũ con, tám đứa, đều là màng lưới thông tin, vét hàng và chuyển hàng cho mẹ. Chúng đứng la cà ở các cửa hàng mậu dịch, thấy có hàng gì hời là xô vào mua – từ gói kim, cuộn chỉ tới cái đồng hồ – mua về bán lại cho mẹ, lờ lãi rất sòng phẳng; sau đó bà có nhiệm vụ đưa những hàng hoá đó đến tận tay người đang cần tiêu dùng với giá cả do bà đặt. ấy thế! Tuy nhiên, kiểu buôn bán ấy giờ cũng đã hoá ra lạc hậu. Thằng Lùng là đứa phản đối đầu tiên. Loan đã đi làm. Những đứa khác đều đã đi học. Bà cũng chẳng còn trẻ gái như xưa. Thành ra bây giờ, bà chỉ nhẹ nhàng cái tay nải, cái làn mây, lại có khi cái cặp da! Vậy mà cả nhà vẫn sởn sơ. Trừ ông Nhuần vẫn dáng cũ kỹ, lam lũ và thằng Lùng đầu bò đen trũi, còn từ bà trở xuống, tất cả đều trắng trẻo, hồng hào, con giai con gái đều có dấn vốn riêng, có đồng hồ hoặc dây chuyền vàng, nhẫn vàng.

 Gia đình ông Nhuần đông con. Tám đứa, Loan, gái cả, năm nay hai tư, kế đến hai gái. Thằng Lùng thứ tư. Bốn đứa trai tiếp sau nhỉnh hơn nhau chút ít, như cái bậc thang thấp dần. Nhưng, cái gia đình đông đúc ấy ban ngày tan biến đi đâu hết cả. Cửa đóng im ỉm, trong nhà còn mỗi bà cụ mẹ ông Nhuần chín mươi tuổi, âm thầm như cái bóng.

 Bây giờ cả cái ngõ cũng vắng. Nhà bún ốc đã hạ phên liếp. Nhà Năm Sắt mới xây xong cái nhà thờ họ mái bằng, quét vôi vàng, trán cửa đắp rồng phượng xanh lè, cũng không nổi giai điệu, tiết tấu cúng tế cốc cốc, chôông chôông như thường ngày. Trên sân, bầy ngan ngỗng lấm lem dụi đầu vào cánh ngủ. Giữa sân đã có bóng mát. Ông Nhuần mặt đỏ gay bia rượu đang ngửa cổ, ngáy trên cái xích lô đạt ở trong bóng mát. Lệ là thế! Tinh mơ đánh xe đi. Mười một giờ đứng nắng, về. Sau bữa cơm rượu, đánh chửi lũ con một chập inh ỏi cả ngõ rồi vật mình ngủ say trên cái công cụ kiếm ăn của mình. Đánh chửi con là một cái tật, một thói quen của ông. Lớn như thằng Lùng ông cũng nện. Không thế, ông không chịu được, không ngủ được hay sao ấy. Ông ngủ một mạch đến quãng sáu bảy giờ tối, bà vợ về làm cơm xong, mới dậy. Cơm rượu xong, no nê rồi thì chơi ván cờ hoặc trà lá một lúc với ông Hảo, sau đó mới đủng đỉnh đưa cái xe ra ngõ, đi làm “ ca đêm”. “ Ca đêm” đón dân buôn ở các chuyến tàu Bắc Nam xuôi ngược xuống, kiếm mới ác!

 Đang ngủ, chợt nhổm dậy vì tiếng ngan, ngỗng quang quác và tiếng guốc chói tai của cô con gái, mắt ông Nhuần đỏ ké. Chưa đẫy giấc, ông lại gục xuống tay xe, miệng ú ớ:

 - Ơ ơ... mẹ mày...ớ ớ... con Loan... đồ đĩ!

 Loan lườm bố một cái, đi qua phía sau ông. Sắp đẩy cửa gọi bà, cô bỗng dừng lại. Nách nhà xây, cạnh cái bếp có chiếc xích lô hỏng, thằng Lùng ngồi ti tỉ khóc ở đó. Thấy Loan, nó ngẩng lên, lẩu bẩu:

 - Chị Loan! Chị phải thanh minh cho tôi.

 - Hừ! Nói dễ nghe nhỉ.

 - Chị nhẫn tâm thế à! Chị vu tôi để bố đánh tôi.

 - Không đánh để mày đi ăn cướp hả? A, mày lục tủ của tao, hả? Giấy tờ gì đây? Đồ khốn nạn!

 - Tôi không lục. Cái Lý nó đưa tôi xem.

 Cô con cả cúi xuống, mặt hầm hầm. Cạnh thằng Lùng có một xập giấy tờ. Cô nhặt lên. Hoá ra toàn là những lá thư của Trọng. Cả bài thơ của anh ta. Vứt tạch xếp giấy xuống đất, cô rít:

 - Muốn sống muốn tốt thì bỏ cái ví ra.

 - Tôi không lấy của chị.

 - Không mày thì đứa nào ở cái nhà này!

 - Tôi biết đâu với chị đấy. Chị đi chơi, chị để quên ở đâu.

 - Tao lại vả cho gẫy răng bây giờ.

 Thình! Ông Nhuần đánh rơi cái chân xuống sàn xích lô, bật dậy:

 - Tiên sư cả lò chúng bay, có im đi cho ông ngủ không, ông quật chết cha chúng bay bây giờ!

 May, không có đứa nào bị ông quật chết. Vì cái ngủ lại kéo đầu ông Nhuần ật ngửa ra sau. Và bây giờ, ngõ đã râm mát, bà Nhuần đang về. Hôm nay, bà Nhuần nghỉ chợ. Bà rủ bà Năm Sắt đi lễ đền. Bà vẫn khăn nhung, đuôi gà vắt trên mái tóc. áo tứ thân buông hai vạt, hở cái yếm hoa hiên. Thêm cái quần lĩnh tía với cái thắt lưng hồng đào, trông bà như thiếu phụ thành phố những ngày xa xưa. óng ả duyên dáng, tay bà ve vẩy, dẻo kẹo. Gò má bà cao, đỏ rạn men trầu thuốc. Cái cổ cao ba ngấn đỏ rừ và hai mắt bà lung linh như có ánh sáng của thánh thần nhập vào.

 Bà đặt cái thúng sơn đỏ xuống thềm nhà, mở vỉ buồm, vuốt hai mép trầu, giọng khe khé, tươi hơn hớn:

 - Lân, Lý, Liên, Lạc, Lợi, Lộc... chúng bay đâu cả rồi – Bà xướng một dẫy tên con, toàn những âm tiết cấu tạo bằng phụ âm l theo kiểu tên Lụa của bà - Đâu cả rồi! Lại đây mẹ cho lộc thánh. Tệ quá cái quân nhà này! Chưa đến bữa là cấm thấy mặt đứa nào ở nhà. Đến thành đầu trộm đuôi cướp hết cả thôi! Loan ơi, ở bảng tin khu phố họ đang truy lã cái gì thế, hả con?

 Lại bị đánh thức bất thần, ông Nhuần nghoẹo đầu, lừ mắt:

 - Làm cái gì mà quang quác cái mồm thế hả! Điếc cả đít!

 - Cái nhà ông này ăn nói hay nhỉ?

 - Thôi, mẹ!

 Loan từ trong nhà lịch kịch đôi guốc cao gót chạy ra đón cái thúng sơn, can mẹ. Cái ngủ lại thắng ông Nhuần một keo nữa. Nỗi vui đèn nhang nơi đền miếu còn sôi nổi, bà Nhuần quên phắt cái bực với ông chồng ngái ngủ thô lỗ. Bà cúi xuống, ghé tai cô con gái cả:

 - Loan à, con đem những thứ này biếu các bác trong ngõ nhé – Bà nâng những phẩm khảo bọc giấy bóng xanh đỏ bé tí tẹo trên tay như nâng những đồ trân bảo – Còn chỗ oản xôi thì để cho các em. Gớm, hội hè năm nay đông quá. Mà vui quá kia! Gặp hết các bà bạn ngày xưa. Thôi, ù lên. A, hôm nay cô có đi làm ba-tê không? Tao bảo mụ Xíu nó để lại cho cái chân giò rồi đấy. Chơi bời in ít đi, con ạ. Lúc này là lúc đang dễ kiếm.

 - Mẹ chỉ được cái thế!

 - Thì thôi, mặc cô - Bà Nhuần quay nhìn cái xích lô - Còn ông này nữa, định ngủ tới đêm à? Dậy! Dậy mà nói chuyện với thằng Lùng đi. Ê chệ mặt tao với bè bạn lắm đấy, Lùng ơi.

 Câu cuối cùng bà hướng về đứa con trai thứ tư. Hai tay ôm vòng ống chân, nó đang gục mặt trên gối. Hình như nó khóc.

°

 - Chà, lộc thánh quý hoá quá! Cám ơn cô Loan nhé! Tôi cũng đang chờ ông giáo Cần, không hiểu ông ấy đi đâu từ trưa chưa về. Cô ngồi đây uống nước đã. Bà vừa đi lễ về à? Chà, trông bà phây phây, khéo cuối năm cô Loan lại có em bế.

 - Bác Hảo cứ hay nói đùa.

 - Tôi nói thật cả mười phần ấy chứ.

 Ông Hảo bỏ cái chàng xuống cạnh chiếc guốc đang đẽo dở, đứng dậy, cười tươi tỉnh. Cây thánh giá trước ngực bung bênh rồi dán vào cái áo may ô xanh đẫm mồ hôi của ông. Mặt ông đỏ lâm râm. Ông kéo ghế, mời cô gái. Ông rót nước pha chè, điệu bộ luýnh quýnh như cảm động và khi cô Loan đón chén nước, ông bỗng đờ ra như bị thôi miên. Cô con gái ông xích lô lớn bồng dậy, với một sắc đẹp rừng rực hơi lửa nồng từ lúc nào thế nhỉ?

 - Bác đẽo guốc kiểuxuồng à? – Ngường ngượng vì cái nhìn vương nhiều nhục cảm của ông Hảo, cô gái hơi cúi xuống.

 - Kiểu xuồng! ờ, các cô thay đổi kiểu cứ xoành xoạch - Ông thợ guốc trở lại trạng thái thường khi – cánh tôi chạy theo phục vụ cứ là toát mồ hôi.

 - Bác cứ hay tỉ chúng cháu.

 - Thật đấy! Loại bẩy phân, loạn sa pô, giờ đâm ra ế!

 Loan ngẩng lên, đưa mắt lướt nhanh quanh căn buồng ông hoạ sĩ. Buồng hẹp. Trừ bộ bàn ghế uống nước, còn chẳng có gì đáng giá. Góc trái buồng là giá vẽ. Góc phải chất một đống gỗ bồ đề cắt khúc hình từng viên gạch một.

 - Chúng cháu giờ ưa kiểu năm phân, có quai xỏ qua lỗ kia.

 - Tôi biết! Tôi biết!

 Ông Hảo cười, đầu gật gật.

 Ông Hảo là người lắm tài vặt, ứng phó giỏi trong công cuộc mưu sinh. Ngoài nghề hoạ học hành có bài bản, ông còn biết nhiều nghề khác. Điều lý thú là những nghề khác, nhờ có chút kiến thức và tài năng hội hoạ thâm nhập vào, nên có lúc đạt đến trình độ nghệ thuật, trong khi nghệ thuật hội

hoạ lại bị ông bỏ rơi hoặc biến thành một việc đơn giản của anh thợ vẽ. Cả đời ông chỉ vẽ có mỗi một bức tranh gọi là nghệ thuật. ấy là tác phẩm tốt nghiệp. Thành phố có phong trào đi guốc đế cao, ông thợ vẽ thích ứng ngay. Gỗ bồ đề ông mua của cánh sơn tràng khai thác trộm trong các khu rừng Nhà nước trồng. Cái rìu bốn chục. Cái chàng thẳng tám đồng. Cái chàng cong mười đồng. Cái bào hai chục nữa là đủ đồ nghề cho ông trổ tài: Gỗ bồ đề mềm, thớ mịn, đường bào đi ngọt xớt. Khúc gỗ qua đẽo vát bằng rìu, rồi đẽo nghiêng, đẽo nách, phát quanh, cuối cùng cắt gót, bào gọt nữa là thành chiếc guốc kiểu mới, dáng lạ mắt, đẹp tự nhiên. Guốc ông Hảo xuất hiện trên thị trường nổi tiếng ngay vì có dấu ấn tài hoa của ông.

 Nhặt cái chàng, tựa như vô tình, ông thợ guốc nhìn thấy hai bàn chân Loan. Những ngón chân con gái trắng hồng, chúm chím trong làn quai nhựa đan chéo, đỏ hồng. “ Chà, vợ chồng xích lô cóc cáy mà đẻ ra nàng tiên nõn nường quá!” Ông thợ guốc vừa nghĩ vừa đưa cái nhìn mơn trớn từ chân cô gái ngược lên.

 - Thế đôi guốc này cô mua ở đâu?

 - Anh Thưởng anh ấy mua tận Sài Gòn đấy, chứ bác.

 - À à... - Ông thợ vẽ gật gật đầu – Thế thì tôi đến bỏ nghề thôi. Hừ, không khéo tôi quay lại nghề vẽ của tôi mất. A, cô Loan này, hôm nào rỗi, cô ngồi làm mô đen, làm mẫu, cho tôi vẽ nhé. Tôi đang vẽ tranh thánh thuê cho nhà thờ mà.

 “ Ờ, con bé có gương mặt Đức mẹ hết xẩy!” Ông Hảo ngừng lời, im lặng, nghĩ. Loan nghẹo đầu cười.

 - Úi, cháu mà làm mẫu được!

 “ Hễ ai ngó đàn bà mà động lòng tà dâm là phạm điều luật cấm!” Ông Hảo nghĩ tới câu kinh Thánh, mắt vẫn không rời gương mặt đang sung sướng của cô gái.

 - Bác đi đạo đấy à, bác Hảo?

 - À... ngày xưa... nhà tôi là dân đạo gốc. Tôi có đi, xong lại bỏ. Thế là nhà tôi... cô ấy chán tôi. Giờ, tôi lại đi, cho vui.

 - Bác gái giờ ở bên Pa-ri ạ?

 - Ờ ờ...

 - Thế bác ấy có biết bác hiện đang ở đây không?

 - Ở cái ngõ 401 này ấy à? - Ông Hảo ỡm ờ – Biết thế nào được. Mà biết để làm gì nhỉ?

 - Biết có nhiều cái lợi chứ! – Cô gái hạ giọng – Bác Hảo này, anh Thưởng anh ấy quen nhiều người nước ngoài lắm đấy. Anh ấy còn biết cả cái ông ở cửa hàng cháu chạy sang Pa-ri mà cháu đã kể chuyện cho bác nghe rồi ấy.

 “ Cô bé tập tễnh vào cuộc rồi đây...” Ông thợ vẽ nghĩ, quay lại phía sau, nhấc một cái cặp bìa.

 - Tôi cho cô Loan xem tranh tôi vẽ nhé.

 Ông thợ vẽ mở cái cặp bìa. Loan dịch ghế lại, gạt hai lượm tóc, kéo căng vạt áo, rồi cúi xuống. Quay lại, hít nhẹ một hơi, ông Hảo áp nhẹ vai vào lưng cô gái:

 - Đây là cảnh Chúa chịu xức dầu tại Bê-tha-ni. Cảnh này là bữa tiệc Thánh. Còn đây là cảnh Giu-đa đến bắt Chúa Giê-su, toán cầm gươm cầm gậy này là do thầy cả và trưởng lão phái đến. Bức này vẽ cảnh Đức Chúa trước mặt Phi-lát, tổng đốc xứ Giu-đê. Bức này Chúa mặc áo điều lồng lộng, đội mũ gai, vác thập tự, trên đường đi đến đồi Gô-gô-tha.

 - Đẹp quá! Hôm nào bác vẽ cho cháu một bức nhé.

 Chạm tay vào ông Hảo, Loan đứng dậy. Ông thợ vẽ nuốt nước bọt, ngẩng lên:

 - Ờ ờ... cô mà ngồi làm mô-đen, tôi vẽ thì tuyệt.

 - Thật chứ bác.

 - Sao lại chả thật, chà!

 - Giờ cháu phải đi làm đây, bác ạ.

 Mắt sục sạo sau làn áo ngực nở xổng xểnh của cô gái, ông thợ vẽ nhột nhạt.

 - Thế Loan đi đâu bây giờ?

 - Cháu đi làm ba-tê với một chị bán bánh mì. Không làm thêm, lấy gì mà tiêu.

 - A, pa-tê! Nhưng pa-tê thịt gì đấy? Có thịt mèo không, cô Loan?

 Nói câu cuối cùng, ông thợ vẽ trở lại với con người hay sàm sỡ của mình. Loan, bước ra cửa, quay lại, mắt cười nghiêng nghiêng:

 - Thiên hạ họ làm thịt mèo thì cháu cũng làm thịt mèo. Họ làm thịt chuột thì cháu cũng làm thịt chuột. Sợ gì!

 Ông thợ vẽ theo cô gái ra sân. Ông Cần đã về, tay cắp một chồng sách báo, đang lập cập mở khoá cửa.

 - Anh Cần, có người đến tìm anh đấy - Ông Hảo bước tới cạnh ông giáo, hơi thở còn nóng rực – Hay lắm, anh ạ. Đúng là có quý nhân phụ trợ anh rồi!

°

 Vào tới nhà, ông giáo Cần vẫn còn run. Mở cái quạt, đang vã mồ hôi bỗng thấy lạnh ớn, ông vội ngắt dòng điện. Ông đặt chồng sách báo lên giường, quay lại mời ông bạn hàng xóm ngồi và vội vã pha chè. Cánh chè tơi tả rơi cả ra khay. Ông thợ vẽ đem đến cho ông những tin tức gì đây? Sao ông có linh cảm sợ hãi thế nhỉ?

 Hay là ông đem cái ấn tượng kinh sợ từ bệnh viện về. Ông vừa vào bệnh viện thăm Nam. Phần vì ông biết và yêu mến con người này, phần nữa thư nào Trọng viết về cũng nhờ ông việc ấy. Ông coi đây là nghĩa vụ của mình.

 Ông đã gặp Nam, gặp mặt với một cái chết đang đến. Trời! Nam vàng bủng. U độc là dứt khoát rồi. Căn bệnh quái ác đang cướp dần sinh lực

Nam. Nhưng, một nụ cười yêu đời vẫn nhệch như mếu trên gương mặt khô héo của Nam. “ Tuần sau, một bác sĩ giỏi sẽ mổ, sẽ thử nghiệm một phương pháp mới: cắt tất cả các động mạch nối với khối u. Có hy vọng, bác ạ”. Chao ôi! Con người, dẫu thế nào vẫn hy vọng. Và, còn hơn thế nữa. Con người, dẫu thế nào, vẫn làm việc trong kỳ vọng, với sức sống dẫu còn thoi thóp. Nam vẫn làm việc, vẫn có một cái đích để đi tới. Mặc cái chết đã nhìn thấy, Nam vẫn làm việc, vẫn say mê với các công trình của mình. “ Cháu phải lừa các cô hộ lý. Cháu buông màn, giả vờ ngủ, tài liệu cháu giấu dưới đệm”. Theo giọng nói, một nụ cười sung sướng và đớn đau lại toả trên gương mặt vàng võ của Nam.

 Ông Cần run run hết cả tay chân. Con người, thế mới thật là con người! Chống trả với cái chết bằng niềm say sưa làm việc ở ngay ngưỡng cửa của cái chết, chao ôi!

 Xúc động chưa nguôi tan, ông Cần ngồi lặng trên cái ghế đối diện với ông hàng xóm mặt đang hân hoan một nỗi vui kín đáo:

 - Lộc thánh của anh đây, anh Cần.

 Miệng cười mủm mỉm, ông thợ vẽ đặt lên bàn nước mấy phẩm bánh khảo xanh đỏ, nghiêng mặt nhìn ông Cần.

 - Lộc thánh nào thế?

 - Bà Nhuần bà ấy đi lễ đền về.

 - À - Ông giáo thở một hơi dài – Thánh! Thánh! Thánh thần có cứu được con người không, anh Hảo! Tôi vừa vào bệnh viện thăm một anh bạn của cháu Trọng bị... ung thư.

 Nhấc chén nước, ông thợ vẽ cười nhẹ tênh:

 - Anh Cần ạ, Đức Chúa Giê-su bị đóng đanh câu rút cạnh hai tên cướp. Hai tên này cười Chúa: “Hắn có cứu được chính hắn đâu”. Còn Đức Chúa thì quằn quại. “ Hỡi thượng đế! Hỡi thượng đế! Người bỏ con!”

 Hai cánh tay rơn rởn sởn gai gà, ông Cần khe khẽ run rẩy như đang trong cơn mê:

 - Căn bệnh ung thư... kinh quá! Nó làm con người ta chết dần chết mòn. Nghĩ mà kinh thật! Vì đang tự dưng, bỗng nổi lên một cục u.

 Bất giác, vừa nói ông Cần vừa đưa tay sờ vào bụng mình. Cái cử chỉ phản ánh nỗi hoang mang ấy của ông thể không lọt vào cặp mắt tinh quái của ông thợ vẽ. Ông thợ vẽ bật cười:

 - Sống chết là do Chúa, là có số cả, anh Cần ơi. Mà số anh thì như tôi đã nói đúng là còn rất vượng. Hề hề.

 Nhếch mép, thoát ra một tiếng cười cụt lủn, ông thợ vẽ tiếp:

 - Anh Cần à... có một chuyện rất hay - Thận trọng rút từ trong túi quần ra một cái phong bì nước ngoài không dán tem, giọng ông thợ vẽ thấp hẳn xuống – Tôi mới nhận được thư của nhà tôi. Nhà tôi, anh Cần ạ. Hai mươi mấy năm trời rồi, tôi...tôi... cô ấy vẫn còn nhớ tôi. Còn nhớ tôi. Còn thương tôi. Hiện giờ cô ấy buôn đồ gốm ở Pa-ri. Thư này do một người nước ngoài đến làm việc ở thành phố ta đưa đến.

 Nói hết câu cuối cùng, giọng ông thợ vẽ bỗng nhâng cao lên, cay nhức như mếu máo:

 - Anh Cần ơi! Anh có tin ở số mệnh không? Đấy, chính là ông thầy tử vi của tôi đã tiên đoán. Tôi cũng đã linh cảm. Thậm chí, tôi nằm mộng, tôi chiêm bao. Trời, hai mươi mấy năm trời! Tôi cứ tưởng, đời thế là xuống tới đáy rồi. Tôi cứ tưởng là mình đã ngồi phệt xuống đất. Thật không ngờ!

 Chưa bao giờ ông thợ vẽ lại trào dâng xúc động đến mức nức nở như thế. Nhưng, lạ sao, chính lúc ông ta rơi vào trạng thái như là bản năng, vô thức ấy, thì ông giáo Cần lại trở lại tỉnh táo. “ Khổ! Ông ta đang sung sướng! Thì ra, ông ta hay hỏi mình về Pa-ri!”. Ông giáo Cần nghĩ, rất rành mạch.

 Nhưng, cơn xúc cảm đột ngột đến thì cũng đột ngột tan, rất nhanh thôi, ông thợ vẽ đã trở lại ngay trạng thái tinh thần dửng dưng và bất cần thường khi, trân trân nhìn ông giáo, cái nhìn như dò xét, và ông giáo Cần lần này hoàn toàn bị bất ngờ:

 - Anh Cần à. Người đưa hộ thư cho tôi có gặp tôi, trò chuyện. Ông ta ở trong một groupe (°) chuyên gia Bắc Âu. Ông ta muốn ngỏ ý bổ túc tiếng Pháp để tiện việc giao thiệp với người nước mình. Họ nghĩ nước mình thuộc hệ Pháp ngữ. Biết danh tiếng bác, ông ta nhờ tôi nói hộ. Một giờ... mười đô la. Mười đô la một giờ! Chà! Bác cũng có quý nhân phù trợ rồi! Tôi nói có sai đâu!

°

 Vậy là có số mệnh?

 Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Sự tăm tối gắn liền với niềm tin và định mệnh. Mê tín là bi kịch của con người trước siêu nhiên chưa được nhận thức. Ngẫu nhiên là bộ phận của cái tất nhiên. Vân vân... Ông giáo Cần hiểu tất cả những điều đó.

 Nhưng vào những ngày này, ông bị quáng. Quá đa cảm, uỷ mị, dễ bị lung lạc, ông bối rối đâm vào các nẻo đường tối tăm. Trọng và những lá thư dài đầy tâm huyết, như những lời kêu gọi, cũng chỉ giúp ông phần nào khỏi quá sa đà. Cái ngõ và cuộc sống của nó làm ông ghê tởm, và kéo ông xuống thấp. Tự ông không giải thoát được mình. Sau cái hôm đến nhà người xem tử vi ở ngõ mười sáu, phố Nguyễn Thái Học, ông bắt đầu tìm đường trong các ngõ ngách bí hiểm của các thuật bói toán mà xưa kia ông cho là trò nhảm nhí, lừa bịp và ngu muội. Cái lối lý giải vận mệnh con người trong một lá số, một trang giấy mà tổng kết cả đời người: nghĩa là cả hệ thống, cả cá tính, bước đường đi của con người vô cùng phức tạp lại được quyết định bằng các vì sao xếp vào mười hai cung, thật cực kỳ vô lý và nực cười; nay ông lại thấy không nên phản bác. Ông còn đi xem bói tay, xem tướng mạo, bói bài tây. Kinh hoàng quá! Tâm trí cố khăng khăng: đừng tin, vậy mà không được. Gã thầy bói hiện đại đeo cà vạt, mắc kính gọng vàng, hỏi tuổi ông, trang bài đúng năm mươi tám lần theo tuổi ông, rồi xếp bài: ba lần xếp, cả ba lần con sì đều là con bài đầu!

 Ông trượt vào vòng u tối của các lý thuyết duy tâm, lộn xộn trong óc những quan niệm về vũ trụ duy khí, về tiên thiên bát quái.

 Ngồi lặng đi một lát, tay ông giáo Cần lát sau rờ rờ thành ghế. Ông muốn đứng dậy. Nhưng không được. Những cảm giác bi tráng sau cuộc thăm Nam ở bệnh viện cũng đã tan loãng. Nghe ông Hảo nhắc lại những điều đã nói một lần nữa, ông ngẩng lên, ngơ ngác:

 - Thế là thế nào nhỉ?

 Câu hỏi ấy ông hỏi vào vũ trụ lúc này dường như là quá huyền bí với ông. Còn ông thợ vẽ thì bật cười ha ha vì thấy ông có vẻ ngộ nghĩnh thế nào, rồi rất ngạo nghễ, ông ta móc túi, xoè cho ông xem tờ giấy bưu điện mời ông đi lĩnh chuyến bưu kiện đầu tiên bà vợ ông ở Pa-ri mới gửi về.