MƯA MÙA HẠ

Chương 6

Cho thêm rơm rạ xuống trít lỗ. Trôi hết rồi! Trọng vừa gào, ra lệnh cho chính mình, vừa thở dốc, ngực rát bỏng. Anh lại ôm một búi rơm lớn nữa, nhao xuống nước, không nghe thấy tiếng ông đội trưởng hét ở phía sau: “Trọng không được lặn nữa”. Hai lần như thế. Anh như một kẻ cuồng tín, tử vì đạo. Mọi giác quan đều bị ức chế. Chỉ còn nhớ mỗi một điều: Bằng bất cứ giá nào cũng không được để vỡ đê!

 Lặn xuống lần thứ ba, Trọng thấy rất rõ là anh đã đuối sức. Chân tay anh như long ra và người anh sắp tan ra vì sức ép của nước. “ Bốn mươi tám tỉ mét khối nước...”, anh nhớ mang máng, thấy mình chập chờn ở biên giới của hôn mê. Cuối cùng, một sức đẩy từ dưới dội anh lên, óc anh cay nhức. Anh nổi bềnh lên, rồi thoáng cái, thấy mình nổi chìm lơ lửng.

 - Trọng! vào bờ! 

 Loáng thoáng tiếng người đội trưởng. Trọng cố nhoai tay. Không được. Mệt quá, những hạt nước toé lên sắc cầu vồng. Và bờ đê như lùi xa tít. Phản hồi của một đợt sóng ập vào lưng đê hất anh ra xa bờ. Anh nhoai cánh tay. Sao tay anh cứng đờ thế? Anh như một khúc gỗ đang chìm, đang chìm. “ Con người ta anh quái nào mà chẳng vụ lợi...” Anh chợt nhớ đến lời Hưng, thấy cay đắng quá. Và sau đó anh mất hết tri giác.

°

 Mở mắt, Trọng nhận biết được nơi anh đang nằm là cái điếm canh trên đê Nguyên Lộc. Ông đội trưởng đã cứu anh, ông ấy là thợ lặn chính tông. Anh biết anh đang sống. Nhưng anh lại chìm vào những đợt sóng mê man mất một lúc lâu nữa và mãi mới quẫy ra khỏi làn bụi nước xanh xám như chiêm bao bọc quanh mình.

 - Anh ấy tinh tỉnh rồi, cụ ạ - Anh nghe thấy giọng một người con gái trong và ấm. Rồi giọng một ông cụ khàn rè. Ông cụ nói cái gì đó về ông đội trưởng, về người thủ cống và cái ô tô bị sụt, về cái thời Lý, thời Trần, thời Nguyễn nào đó, luật giữ đê rất nghiêm ngặt, rồi lát sau oang oang kể cho ai đó nghe về lịch sử xóm bãi Soi ngoài kia.

 - Chào cụ ạ, chào đồng chí nữ chủ tịch.

 - Chào anh nhà báo.

 - Cụ còn nhớ cháu không?

 - Vụ lũ nào cũng thấy anh, sao mà quên được!

 - Cụ ạ, Nguyên Lộc vừa thắng một trận to!

 - Thắng gì! Bắn súng không nên phải đền đạn thì có!

 - Ta gạt cái bọn sâu mọt đi. Người anh hùng mới là người ta cần nói tới, cụ ạ.

 - Ờ, anh nói phải đấy. Dưng mà, cũng phải nêu tên cái đứa hư hỏng ra, anh ạ. Không nghiêm, cái sảy nảy cái ung đấy. Kìa kìa cái tổ mối to tướng. Không tại nó thì sao cái ô tô lại bị sụt? Còn người đáng nêu công tích phải là cái anh này.

 - Anh ấy đang mệt, đồng chí nhà báo ạ - Giọng người con gái trĩu xuống, nho nhỏ, rồi đột ngột cao lên - Ô tô ai đến kia nhỉ? Hình như ô tô của ông chủ tịch huyện, cụ Ruân?

 Trọng cựa quậy. Tiếng nói của ba người nọ lọt qua một tấm màn đen, đến với anh, nhẹ bẫng. Anh hiểu loáng thoáng. Và anh cố sức vùng dậy. Nhưng anh càng cố vùng dậy thì lại càng bị đè rập xuống; cuối cùng anh

không hiểu vì sao những tiếng nói bỗng nhiên tắt lịm cả và xung quanh anh đen ngòm như đêm tối.

 Trọng tỉnh dậy lần sau chậm chạp hơn. Anh mở mắt, nhận thức dần dần xung quanh, cố duỗi chân tay, đổi thế nằm và thấy khoan khoái như vừa qua một giấc ngủ ngon. Thể lực của anh đã hồi phục, chỉ còn lại chút dư chấn của cơn mệt mỏi, một chút tê tê, moi mỏi thú vị ở khớp đầu gối, khớp vai.

 Nắng sáng choang ngoài đê. Xung quanh vắng vẻ quá. Không một tiếng người. Nước sông đã rút và hình như trận chiến đấu chống bọn thuỷ quái đã xong một chương. Trời trong sáng yên bình, nắng rải từng làn mỏng manh lấp lánh, càng xa càng ao ảo. Nằm nghiêng, mắt Trọng vuốt dài theo con đê. Con đê xanh rờn hai bờ xoải mãi ra, kéo căng cái nhìn của anh. Phía trong đồng, những làng xóm xanh om từng khối. Những thôn xóm có tre xanh bao bọc, lô xô hàng cau giống nhau cách lạ. Ôi! Những làng quê Việt Nam lâu bền như những hằng số lịch sử, trong nắng sáng, êm ả, yên lành chiều nay đang hướng về con đê, người bạn, người lính canh tận tuỵ của mình, với tấm lòng trân trọng và biết ơn. Những làng quê Việt Nam ấy, dẫu không sinh ra ở đó mà sao Trọng vẫn rung động khi nhìn thấy nó; giữa anh và nó cùng dòng sông kia, dường như đã có sự cộng cảm từ rất lâu rồi.

 Nước đã rút. Con sông Hồng lấp lánh. Nó đã chảy như thế hàng chục vạn năm, đó là dòng thuỷ lộ cường tráng chảy xuyên qua nền văn minh của người Việt, tổ tiên anh. Anh đang ở đúng cái nôi của một nền văn hoá lớn. Và từ lâu rồi, anh đã hiểu, tổ tiên anh đã định cư rất sớm ở nơi đây, họ đã kế tiếp nhau sáng tạo nên một nền văn minh lớn, sánh ngang với bất cứ nền văn minh lớn nào thế giới.

 Đất nước, ngay từ những ngày có tên gọi Văn Lang, Âu Lạc, Vạn Xuân, Đại Việt tưởng là còn sơ khai, non yểu mà thực sự đã hùng cường và văn vẻ. Giặc phương Bắc và thuỷ quái, hai kẻ thù đã đe doạ người Việt ngay khi dân tộc này mới trụ lại ở nơi đây và trong những ngày làm việc ở tuyến đê này, đích thân đổ mồ hôi, công sức cho cuộc bảo vệ đê, anh mới hiểu điều ai đó đã nói một cách thật hình tượng: Phủ đổng Thiên Vương và truyện Sơn Tinh – Thuỷ Tinh là đôi câu đối đẹp nhất của ngôi đền lịch sử dân tộc mình.

°

 - Chào anh Trọng. Anh đã tỉnh rồi ạ.

 Trọng quay lại. Anh phóng viên còn trẻ, đẹp trai, miệng rộng, cười rất tươi, cổ lủng lẳng cái máy ảnh, đã đứng ở trước mặt anh.

 - Tôi là phóng viên của báo tỉnh đảng bộ. Tôi muốn viết về anh.

 - Tôi... thì có gì đáng viết.

 - Theo chỗ tôi hiểu, chúng ta đã viết nhiều về cuộc chiến đấu đánh giặc phong kiến phương Bắc. Anh có thấy thành phố dạo này nở rộ những “Dương Vân Nga”, “Hai Bà Trưng”, “ Trần Quốc Toản ra quân”, “Áo hồng

ra trận”, “ Bạch Đằng giang nổi sóng” không? Nhưng thật là thiếu sót nếu quên việc đánh giặc thuỷ tai. Giữ nước và xây dựng nước là hai việc song song, là nét đỏ thắm xuyên suốt qua cuộc đời bao thế hệ người Việt chúng ta, anh Trọng à!

 “ A, anh ta hiểu biết và ăn nói xứng danh là một anh nhà báo”. Trọng thấy có thiện cảm với người nọ. Nhận ngay ra mình đã chiếm cảm tình của đối tượng, một đối tượng hóc búa, những anh chàng tri thức trẻ rất ít khi chịu nói về mình, nếu như anh không gây được lòng tin với anh ta, anh phóng viên ngồi xuống cạnh Trọng, tiếp luôn một tràng:

 - Theo chỗ hiểu biết của tôi, dân tộc ta đứng vững, tồn tại, phát triển được là nhờ vào con đê. Đất nước màu mỡ, phì nhiêu, nhưng lại gần rốn bão. Anh nghĩ xem, lũ lụt, gió bão có thể quét sạch dân tộc ta ra khỏi dải đất này quá đi chứ. Vì vậy tôi nghĩ rằng những con đê Việt Nam, ấy là nỏ thần Kim Quy đánh giặc thuỷ quái. Con đê Việt Nam là sức mạnh hợp quần của cộng đồng dân tộc, là tư duy lớn của người Việt ta thời mới dựng nước.

 Trọng cười:

 - Anh hiểu biết hơn bọn cán bộ chuyên môn chúng tôi rồi đấy. Hôm nọ có một ông trí thức nửa mùa bảo tôi rằng, dân tộc ta là một dân tộc ba lăng nhăng, chẳng có một công trình gì gọi là đáng kể.

 Anh nhà báo ngả người trên thảm cỏ, cười khục khục trong cổ họng:

 - Tôi làm báo, gặp loại người vong bản ấy vô thiên lủng. Đối với cái lão anh vừa nói ấy mà, cần nói với lão ta thế này. Người Hà Lan thường nói: Chúa trời tạo ra tất cả, trừ đất nước Hà Lan. Người Hà Lan đã đắp ba nghìn cây số đê bao quanh vùng biển, giành từ tay biển một triệu bảy mươi vạn héc- ta. Còn người Việt ta có tới bốn nghìn tám trăm chín mươi hai ki-lô mét đê, tức là gấp 1,6 lần đê Hà Lan, mà là đắp trong điều kiện thủ công, thô sơ và một tay còn phải cầm giáo mác chống thằng giặc bành trướng ở phương Bắc.

 - Anh quả là một con người đọc nhiều và có trí nhớ tốt.

 - Bắt tay ông!

 Anh nhà báo cười, chành môi, phô hàm răng trắng sáng. Cái hàng rào thủ tục đã vượt qua, họ đã trở thành một đôi bạn.

 - Ông không hút thuốc à?

 - Thỉnh thoảng.

 - Thế ông đích thị là dân thành phố?

 - Đẻ ở đấy, gia đình mấy đời đều ở đấy.

 - A, mát quá nhỉ. Ta ra đê đi, ngồi trong này làm đếch gì cho nó phí mồ hôi. Này, mình vừa nói chuyện với ông Ngoạn đội trưởng. Ông này mình quen từ hồi ông ấy là thợ lặn, hồi ấy về lặn định cứu cống Lợi Toàn. Tay này rất hay đấy.

 - Tôi cũng nghĩ như thế!

 Hai người ra bờ đê, tìm một vuông cỏ mọc dày ngồi. Trời đã ngả chiều. Tiếng gà gáy âm ô trên cái bãi soi nổi ở giữa dòng. Chỗ ô tô tụt hố mối đã lấp đầy. Kè phía ngoài cống đã đắp xong. Chiều bằng lặng, khói thuốc lá bung lên, đứng vẩn vơ rất lâu mới tan.

 Chợt thấy một bóng người đi vào điếm canh rồi lại quay ra, anh nhà báo hích vào sườn Trọng:

 - Ông biết ai không?

 - Cô Thuận.

 - Khá đấy chứ?

 - Anh có viết thì viết về cô ta.

 Anh nhà báo vứt mẩu thuốc lá, nghển lên, lắc đầu:

 - Chưa đủ! Chưa đủ!

 - Sao?

 - Cái này ông có ở trong nghề của chúng tôi ông mới hiểu nổi, ông Trọng ạ - Anh nhà báo cười thành thực – Hành động, nhưng còn phải có tư tưởng, tâm hồn. Cái đó tôi chưa tìm được. Trời, một cuộc sống không có tâm hồn, ông có sợ không? Tôi chán nhất là sự trống rỗng, vô vị...

 Trọng ngả người trên thảm cỏ. Bứt một ngọn cỏ, anh đưa lên miệng. Cỏ có mùi chua chua ngòn ngọt. Cỏ có mùi vị và lợp hai bên sườn đê, cỏ như một tấm lòng từ thiện, dịu dàng.

 - Anh có sợ tính vụ lợi không? - Đột ngột Trọng ngẩng lên, hỏi.

 Người phóng viên quay lại:

 - Sao tự dưng ông lại hỏi vậy?

 - Không xa đề tài anh muốn tôi nói đâu. Một chỗ đê đắp cao lên, chỗ ấy an toàn. Nhưng sẽ dâng nước chỗ khác. Kia kìa, giống như cái bãi Soi, nó cản dòng nước.

 - Hay! Một lý tưởng lý thú. Ông nói tiếp đi!

 - Nếu anh đã đọc lịch sử đê điều thì anh có thể tìm được một dẫn chứng tuyệt hay về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.

 - A! Mình nhớ... một nhà sử học nước ta có nói thế này: Chống giặc không thể chỉ bằng luỹ tre bao bọc làng xã. Mà quan trọng hơn là tạo được một thế trận điệp trùng. Từ nhu cầu cuộc sống mà dân tộc ta nẩy sinh ý thức, tình cảm về cái chung rộng lớn. Cái chung trở thành một giá trị chiến lược của văn hoá Việt Nam. Không thể sống trái với giá trị ấy!

 - Sự phát triển của con đê Việt Nam cũng là thế, anh ạ - Trọng nói, tiếp nối cảm hứng khi mới tỉnh dậy – Anh biết rồi đấy, nhưng tôi cũng cứ xin nhắc lại, cho câu chuyện có đầu có cuối. Thoạt kỳ thuỷ, có thể nêu giả thuyết thế này. Từ thời lập quốc cho đến thời Hai Bà Trưng, việc chống lũ trị thuỷ chưa hẳn đã trở thành một yêu cầu gắt gao lấm của đời sống dân ta. Dân số nước ta lúc đó chỉ ngót nghét triệu người mà làm chủ cả vùng đồng bằng, miền Trung du, rộng một triệu héc-ta, thêm vài chục vạn héc-ta nữa của miền Trung, tới tận đèo Ngang, thì chỉ cần chọn những nơi đất cao và cấy trồng một vụ lúa chiêm cũng đủ sống dư dật rồi. Tất nhiên vấn đề là ở cây lúa nước. Chỗ thấp mới có nước. Xuống thấp canh tác thì gặp lão Thuỷ Tinh hung tợn cứ đến vụ mùa là mò vào. Nhưng tình hình trở nên gay gắt hơn khi đất nước đã phát triển. Thời Lý, dân số vọt lên tám triệu và thời Trần không thể ít hơn mười hai triệu. ấy thế. Con người không bao giờ thoả mãn với cái tự nhiên cung cấp cho họ, dành cho họ ở dạng sẵn có. Con

người tạo nên những cái không có trong tự nhiên. Vậy là do nhu cầu mà con người phải tìm những vùng đất mới ở dưới thấp và vấn đề là phải giữ được nước, ngăn được nước thì mới có thể trồng lúa được. Thế là có bờ. Từ cái bờ nhỏ bé tiến lên những con bờ vùng rộng hơn, rồi tiến lên những con đê vùng. Đê vùng! Như con đê trên sông Như Nguyệt, con đê Cơ Xá đắp thời Lý, từ Chèm về tới Yên Duyên, bảo vệ kinh đô Thăng Long; chính đó là những con đê vùng đấy anh ạ.

 - Hay lắm! Tôi đã bắt đầu hiểu cái tư tưởng anh định trình bày rồi đấy.

 Anh nhà báo xuýt xoa. Trọng gật đầu, tiếp:

 -Đê vùng giữ nước an toàn một vùng rộng, nhưng nó lại là một mối hiểm nguy cho một vùng đất khác. Đơn giản thôi, đê vùng càng cao, tốc độ thoát nước càng chậm. Thực tế ấy làm cho người Việt ta nhận ra một điều: cũng như đánh giặc, việc chống lụt không phải là việc riêng rẽ của từng xã, từng huyện được. Muốn đánh thắng Thuỷ Tinh, đê phải đắp từ đầu nguồn ra biển. Và thế là một quan niệm cao cả đã xuất hiện. Anh thông cảm với tôi chưa? Tư tưởng về một chỉnh thể thống nhất trong đấu tranh, bảo vệ và dựng xây Tổ quốc là kết quả của thực tiễn, là tình cảm đùm bọc giống nòi có tính truyền thống, là bước trưởng thành của tư duy khoa học Việt Nam vốn gắn bó sâu sắc với cuộc đời.

 - Một tư tưởng rất tuyệt!

 - Đúng như thế.

 - Vậy là phải làm lại từ đâu?

 - Không! Một con đê chung, đê của cả quốc gia đã ra đời, nó dựa vào các đê vùng, nó nối các đê vùng lại thành một mạch liền, gia cố thêm, cao thêm, vì đê vùng xưa chỉ cần cao hơn mặt ruộng một, hai mét là đủ, còn con đê mới này phải chống với cả dòng sông lớn. Chống với cả dòng sông lớn! Anh cứ ngắm khúc đê chạy qua Nguyên Lộc đây làm ví dụ. Là đê vùng đấy mà không phải chỉ là đê vùng. Nó vừa là nó, vừa không phải là nó.

 - Vấn đề lý thú đấy!

 - Nó đã biến đổi cả về lượng và về chất. Nó có trách nhiệm lớn hơn, một trách nhiệm chung. Như khúc đê này, nó phải chống với cả một khối nước khổng lồ, bốn mươi tám tỉ mét khối nước, khi mùa lũ về.

 Trọng bứt một ngọn cỏ, đứng dậy. Anh đã diễn đạt được cái ý tưởng cần phải diễn đạt chưa? Tựu trung, anh là nhà khoa học tự nhiên nhưng bao giờ cũng muốn vượt ra khỏi bộ môn, đi tới cái điểm chót tận cùng những tư tưởng triết học của nó.

 Người phóng viên bị Trọng hấp dẫn, đứng lên theo Trọng. Trời xâm xẩm tối. Phía biển, nằng nặng mây đen.

 - Cám ơn đồng chí Trọng nhé!

 Người phóng viên nói. Trọng nhìn gương mặt hân hoan phản ánh một nội tâm vừa loé sáng niềm yêu thích của anh.

 - Tôi cứ nghĩ: Cuộc đấu tranh trên những con đê có cái gì đó gần gũi lắm với đời sống hiện nay.

 - Tôi hiểu ý ông. Ông muốn nói đến những cái mà ta gọi gộp lại là tiêu cực hiện nay?

 - Cũng không hẳn!

 - Những cái ngăn trở cuộc sống chân chính, cản bước đi lên của chúng ta.

 - Có lẽ khái niệm như vậy hợp hơn. Tất cả chúng đều là bất hợp pháp, bất hợp lý và không hợp tình. Nhưng chúng nhỏ nhoi, yếu hèn thôi, ông ạ.

 - Nghe ông nói, tôi thấy ông có vẻ như là... đứng ở ngoài cuộc.

 - Đâu có... Trọng lắc đầu, ngượng nghịu.

 Người phóng viên sôi nổi:

 - Vậy chống nó bằng cách nào?

 - Đó không phải đề tài tôi để tâm nghiên cứu – Trọng gãi gáy. Tôi mới chỉ có vài ý niệm sơ sài. Tôi nghĩ, trước hết là sự trong sáng, tự giác của những con người ý thức được vai trò chủ thể của mình.

 - Rất tán thành ý kiến ông! Xin giới thiệu với ông, tôi tốt nghiệp Tổng hợp Văn, sau đó năm năm lặn lội Trường Sơn. Chúng ta có thể tự hào rằng, chúng ta là con đẻ chính tông của thời kỳ lớn lao này được chứ?

 Hai người thốt im lặng. Trong đồng cảm, những ý nghĩ thật hào hùng, tráng lệ sôi thầm trong họ và cả hai đều muốn giữ chúng để chúng toả sáng ở trong mình.

 Phía điếm canh lại thấp thoáng bóng người. Rồi từ phía đó có tiếng gọi Trọng. Gió đã nổi, tiếng gọi bị tạt đi xuống mặt sông.

 Người phóng viên nắm tay Trọng.

 - Anh đi ngay à?- Trọng hỏi.

 Hai người nắm tay nhau. Anh phóng viên xiết chặt tay Trọng. Anh đã nắm được cái cốt lõi tâm hồn ở nhân vật này.

 - Khoảng nửa tháng nữa tôi sẽ quay về đây.

 - Lúc nào anh về thành phố, tôi nhờ anh gửi lá thư.

°

 

 Nguyên Lộc, ngày... tháng...

Loan thân mến!

 Thư này anh viết cho Loan tại một điếm canh đê. Và mưa đang rơi, nước sông lại bắt đầu lên, ở trạm thuỷ văn đo được lưu lượng dòng chảy là 27.000 mét khối một giây.

 ở trên đê lúc này mới thấy hết tính chất gay go, quyết liệt của công cuộc chiến đấu chống lũ lụt. Thương con đê xiết bao! Loan cứ thử hình dung xem: nó chỉ là đất; đất, thứ vật liệu rất bình thường, thậm chí tầm thường đâu đâu cũng có được đầm nén lại mà thôi. Vậy mà nó phải chống chọi với sức công phá của một dòng nước đổ mạnh như thác, tích tụ được toàn bộ lượng mưa rơi trên mặt diện tích lớn gấp mười lần lưu vực của dòng sông.

 Cuộc chiến đấu dường như là không cân sức. Một đằng là những dải đất thô sơ, mỏng manh, một bên là một lực lượng tàn phá vốn đã vô cùng to lớn lại có thể tăng lên bất ngờ. Lúc này đây, ngày cũng như đêm, con đê phải chịu đựng một áp suất lớn thường xuyên, nó kiên gan, và hiểu rằng, sau một mùa khô nghỉ ngơi, bây giờ nó đã bắt đầu phải làm việc. Loan ơi! Nó làm việc một cách âm thầm, nó dùng tất cả gân cốt và nêu cao đức xả thân để hoàn thành trách nhiệm. Thật thế đấy, Loan à. Khó có một mặt trận nào có chiến tuyến nào có độ dài hàng nghìn ki-lô- mét như ở đây và cũng hiếm thấy chiến dịch nào dài hàng bốn năm tháng như vậy. Dòng dã mấy tháng liền, con đê vào cuộc chiến đấu, một cuộc chiến đấu đầy bất công vì nó chỉ quyền được tự vệ, còn kẻ thù thì gần như giành được ưu quyền tuyệt đối là thoả sức tấn công. Con đê chỉ được giữ vai trò ngăn chặn, vả chăng nó cũng như một lực lượng giữ gìn an ninh, ra đời vì trên thế gian này còn có những kẻ đầy dã tâm, độc địa! Anh ví thế, Loan có rõ ý anh không?

 Vậy là đê đã nhẫn nại, bền bỉ chống lại kẻ thù. Nó giới hạn sự điên khùng của kẻ thù. Nó buộc kẻ thù phải nản chí. Nó dùng cả tấm thân mình để đẩy lui kẻ thù. Nó biết rằng, nó mà lui thì chính bản thân nó cũng bị tiêu diệt: chẳng những thế mà tất cả những gì nó bảo vệ cũng sẽ bị tiêu tan. Loan hiểu không, cả những cong trình mà chúng ta muôn ngàn lần yêu quý đã và đang được dựng xây cũng nằm trong vòng tay bảo vệ của con đê đó, em à. Đê hiểu xứ mạng thiêng liêng của mình. Và chúng ta muôn ngàn lần anh và em, đúng là phải cúi đầu cảm ơn con đê giản dị, quen thân một nét xanh mờ, mềm mại, mà kiên cường, khí phách, hiên ngang!

 Tuy nhiên, đê không cô độc trong cuộc chiến đấu này. Đê là của người, người lo cho đê, kể từ lúc đê vào thời ngơi nghỉ. Trong những giờ phút gian nguy, khốn khó, người hợp thành một đạo quân đông đảo, giăng trận tuyến chiều dài với đủ các binh chủng: trinh sát, cảnh giới, tham mưu, xung kích, hậu cần, kỹ thuật, với đủ các phương án tác chiến của tiền tuyến, của hậu phương, với đủ các lực lượng: trung ương, tại chỗ, thủ công, cơ giới, có mặt trận chính, mặt trận phụ, điểm xung yếu, hệt như trong chiến trận với kẻ thù dân tộc ở cuộc kháng chiến vừa qua, em à.

 Thật là một cuộc hợp đồng chiến đấu tuyệt đẹp. Từ con người là chủ thể lịch sử, tới cỏ cây, tre nứa, sắt thép, máy móc vô tri, Loan à. Cả dân tộc và sản vật của đất nước được huy động vào trận. Và anh nghĩ, cuộc chiến đấu hào hùng này đích thực là cuộc đấu tranh của văn minh, văn hoá chống lại bạo tàn, ngu muội, từ trong cảm hứng sâu xa đến ý nghĩa thực tiễn của nó, Loan ơi.

 Loan thương nhớ.

 Xét cả trong trường kỳ lịch sử và toàn cục, trong cuộc chiến đấu, đê không bao giờ thua cuộc. Chiến thắng, đó là giai điệu của thiên anh hùng ca này. Đó cũng chính là âm hưởng mạnh mẽ của huyền thoại Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, một huyền thoại có máu thịt, tâm hồn mỗi người Việt chúng ta. Bao giờ, vào mùa này, ở trên mặt đê, anh cũng cảm thấy mình, đắm chìm trong cái không khí hết sức lãng mạn, hào hùng, có lẽ chính là vì vậy, Loan ạ.

 Tuy nhiên, em hiểu đấy, làm sao có thể có được một chiến thắng dễ dàng. Hệt như những cuộc đọ sức giữa người và người, trận đánh lũ thuỷ quái không phải bao giờ cũng là thắng lợi tuyệt đối. Sự nghiệp đã nhiều phen đắm chìm. Trên hàng nghìn cây số chiều dài, đã có những khúc đê tử thương. Và bên tai chúng ta còn văng vẳng nỗi kinh hoàng về cơn hồng thuỷ quái ác từ các thế hệ trước truyền lại.

 Quai mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi. Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi. Gạo dăm ba bát cơ còn kém. Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi. (°) 

 Tý trước tý này chục lẻ ba. Thuận dòng nước cũ lại bao la. Bóng thuyền thấp thoáng giờn trên vách. Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà.(1) 

 Bèo nổi lênh đênh đầu nội sạch. Lúa chìm thăm thẳm cánh đồng không. (2)

Phải đứng trên đê vào mùa này và mắt đã nhìn thấy cảnh ngập lụt vùng đồng chiêm một chiều nào đó, đưa tầm mắt ra xa bao la thấy những mái nhà úp sụp nhấp nhô trong sóng nước, hàng chuối đổ trôi dật dờ, mới đo lường hết nỗi ai oán trong những câu thơ buồn tủi ấy của Tam Nguyên Yên Đổ. Anh đã khóc khi đọc những câu thơ ấy, như em đã khóc thương cô bé Cô-dét và nàng Giên E-rơ.

 Vỡ đê! Niềm kinh dị lưu truyền, ám ảnh trong tâm hồn dân tộc, đến nỗi có những lúc con người như bị đẩy vào cơn dao động, cõi mông lung, cảm thấy hoang mang bất lực như đứng trước định mệnh. Đến nỗi, nhà Nguyễn đã có lúc phải đưa ra trưng cầu ý dân: nên bỏ đê sông Hồng hay là cứ đắp? Đến nỗi, vua Tự Đức đã có lúc ngửa mặt lên trời mà than: Hồng Thuỷ là tai nạn trời làm, sức người yếu đuối sao mà ngăn nổi! Cả đến Nóc-măng-đanh, giám đốc Sở trị thuỷ Bắc Kỳ hồi trước – một tay công trình sư có hạng – cũng phải thốt lên thật bế tắc: “ Đắp đê thì không vững. Phá đê thì mất mùa. Trồng rừng thì không có tiềm lực. Đào sông mới thì đắt quá. Sức người không chống lại được!”

 Đê đã vỡ liên tục ở nhiều đoạn xung yếu. Thời Pháp thuộc bình quân cứ hai năm là một lần đê vỡ. Biên niên sử của nghề bọn anh còn ghi lại được những chương thê thảm, những trận thuỷ tai gây tàn phá kinh hoàng có thể sánh được với những cơn hồng thuỷ thời cổ đại.

 Năm 1915, có lẽ vẫn còn trong ký ức nhiều bậc cha mẹ chúng ta. Mùa lũ ấy, bốn quãng đê vỡ. Nước sông đổ vào Nam Định, Hà Nam, Phủ Lý, Ninh Bình, ngâm bốn tỉnh trong bốn tháng, suốt từ tháng bảy cho đến hết tháng mười. Hơn bốn mươi tỷ khối nước vào đồng. Không còn sự sống. Không còn một công trình của con người. Bốn tháng trời, ngập trong nước, tan biến hết cả quá khứ và hiện tại.

 Lũ 1926. Vỡ đê Lâm Du, năm 1937 ngập bốn nhăm vạn héc-ta đồng ruộng. Năm 1945, vỡ đê sông Hồng khi nước ở mức 11m30, ba mươi sáu vạn héc-ta đồng bằng Bắc Bộ chìm trong nước...

 Thật là kinh khủng!

 Loan thương yêu, có thể là anh quá xúc động, nhưng thực chất của sự kiện với toàn bộ thảm hoạ sâu xa của nó là thế, không thể hiểu khác đi được.

 Lúc này, ngày và đêm anh cùng nhiều người đang có mặt trên khúc đê này. Lòng anh chẳng khi nào ngớt lo âu. Anh chỉ phụ trách phần kỹ thuật ở một khúc đê hai cây số – hai cây số trong một nghìn bảy trăm cây số đê đại hà. Nhưng nó lại là một trong những đoạn đê hiểm yếu nhất. Rồi ra có lẽ phải đắp lại. Còn bây giờ, quái ác quá, dòng chảy từ bao năm nay cứ đâm thẳng vào thân đê. Giặc Mỹ đã ném bom phá, bom bi ở khúc đê này. Nó đã vỡ hai lần. Vừa rồi lại suýt vỡ vì một cái cống quên đóng cửa và mấy cái tổ mối.

 Đây chính là một trong bốn quãng đê vỡ năm 1915 anh đã nói ở trên. Trận vỡ đê ấy, nghe cụ Ruân trưởng điếm canh đê ở đây kể lại, mà cũng đã thấy ghê cả người. Hôm đó nhân dân đang áp trúc mái ngoài bằng đất sét và đắp con chạch ngang đường vào làng thì thấy mái trong có vòi nước phun rồi thình lình nổ ục một cái. Chỉ vài phút, chỗ vỡ phá rộng ra hàng trăm mét. Một khối nước khổng lồ có chiều cao sáu mét đổ thốc vào đồng. Dân chúng kinh hoảng bỏ chạy tán loạn. Nước đuổi theo. Hoạ vô đơn chí. Mấy phút sau, một khúc khác, cách chỗ vỡ bốn mươi mét, sập như một bức tường đổ. Nước thốc tháo đổ qua hai chỗ vỡ. Trên đoạn đê còn lại giữa hai chỗ vỡ còn đứng mười lăm người đang kêu trời. Khiếp quá! ( May, đoạn ấy có khối đá mỏ hàn nên tuần sau những người này được cứu sống, số người ấy nay chỉ còn cụ Ruân). Thê thảm quá! Cho đến lúc hàn khẩu được, nước đã vào đồng hơn sáu triệu mét khối. Mất sạch. Dân sống trên mặt đê bốn tháng ròng. Và thành phố của chúng ta, lần vỡ đê ấy, các đường phố ngập ngụa bốn tháng liền.

 Thành phố của chúng ta! Đêm đêm anh vẫn nhìn về thành phố, anh vẫn thấy cái vầng sáng hồng hào, khoẻ mạnh của nó, và anh nghĩ: anh đang có mặt ở nơi đây cũng chính là bảo vệ nó. Thiêng liêng lắm chứ, Loan nhỉ! Và cũng đẹp đẽ, cao thượng lắm chứ, có phải không, em? Anh cảm thấy gắn bó với công việc vất vả, lầm lội này một phần cũng vì vậy đó, Loan ơi. Anh thích vẻ đẹp hùng tráng, lớn lao. Anh không ưa sự tầm thường, cạn hẹp. ở đây, trong công việc, và có lẽ ở đâu có cuộc sống, ở trong mỗi người, đều như vậy, chúng ta đều phải đối mặt với cái xấu trong mỗi cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ, trong thái độ, trách nhiệm với cuộc sống, trong quan niệm về cuộc đời. Chung quy lại, phần chia ra cao thượng và thấp kém là phụ thuộc vào câu trả lời: Sống vì cái gì? Sống như thế nào? Câu hỏi đã đặt ra và câu trả lời ai cũng phải có! Dẫu muốn hay không, dẫu nói hay im lặng, thì ai cũng phải trả lời. Nhất là trong những ngày khó khăn này; đôi lúc anh có cảm giác ở thành phố người ta trả lời câu hỏi đó không dứt khoát và thoả đáng như ở nông thôn.

 Ba anh là một ví dụ. Ông cụ đang bối rối. ở cơ quan anh, cũng rất đáng phàn nàn. Tuy vậy, anh vẫn tin là con người cao quý vẫn còn nhiều. Anh Nam trưởng phòng của anh là một khuôn mẫu mà anh thích. Còn ở đây,

nơi anh đang công tác có những con người rất đáng mến. Ông đội trưởng vừa cứu anh khỏi cái chết. Cụ Ruân điếm trưởng. Cô Thuận chủ tịch xã Nguyên Lộc. Anh sẽ kể em nghe về cô này trong lá thư sau. Hai mươi ba tuổi. Vợ liệt sĩ. Đứng đầu một xã đang có nhiều khó khăn. Nói riêng trên mặt trận chống lụt, xã này đang mở một cuộc vận động quyết liệt di chuyển một xóm ở ngoài bãi Soi vào trong đê để giải phóng lòng sông. Cô ấy đương đầu với một loạt lề thói thủ cựu, ích kỷ tồi tệ.

 Loan ơi, ngày và đêm ở cuộc sống nơi đây, anh dào dạt ước muốn hướng về cái đẹp, sự trong sáng. Anh ước ao, em đã xinh đẹp về nhan sắc, càng đẹp hơn trong tâm hồn, lý tưởng.

Thân yêu

Trọng

 

 Nguyên Lộc ngày... tháng...

Ba kính yêu

 Hơn một tháng rồi, con vắng thư cho ba. Anh nhà báo đến công tác ở đây đi lên tuyến đê trên hẹn trở về và sẽ đem hộ con lá thư cho ba, nhưng mãi chẳng thấy. Chắc anh ấy lại say người, say cảnh ở một nơi nào đó rồi. Con người này có hiểu biết, mê những tư tưởng đẹp, tâm hồn đẹp lắm, ba ạ. Con nghĩ, rồi chúng con sẽ kết thân với nhau.

 Con rất bận, ba ạ. Vì mùa mưa lũ là mùa làm ăn của bọn con. Riêng con, con đang loay hoay với cái công trình dang dở của con. Công việc không cho phép con ngưng nghỉ, vì ngay từ hôm trở về khúc đê này, con đã gặp kẻ thù của con, thật thế ba ạ.

 Con đê giữ vai trò quan trọng như thế nào, hiển nhiên là ba biết quá đi rồi, nhưng đời nó đâu có yên lành. ( Chà, nó cũng như con người ấy, ba nhỉ!) Nó có bao kẻ thù – không kể thói cẩu thả, vô trách nhiệm của con người.

 Ba biết rồi đấy, thân đê là nơi ẩn nấp của bọn chuột, cầy, cáo; bọn này phá đê với một tốc độ ghê gớm. Nhưng còn một kẻ thù khác, đồng loã, tự nhiên, ghê gớm hơn nhiều. ấy là những con mối. Vào mùa sấm chớp mưa rào, chúng vũ hoá, kết đôi rồi chui vào làm tổ trong thân đê. Chúng phá từ nội tâm đê phá ra. Chúng đục những khoang rỗng thật lớn – có thể làm cho một cái xe buýt to kềnh tụt xuống đáy hố như hôm vừa rồi. Chúng đào cả một hệ thống đường hầm dọc ngang, thậm chí cả đường lấy nước từ sông vào tổ. Chính chúng là kẻ gây ra rò rỉ, thẩm lậu, vòi phun ở mái đê phía trong. Nước sông luồn vào tổ chúng, phá vỡ từng mảng trong thân đê, gây lún sụt, thậm chí, nước vào nhiều, gây áp suất lớn, có thể làm nổ vỡ cả một khúc đê dài.

 ẩn hoạ nằm ngay trong lòng đê. Nó nằm rất kín đáo, thầm lặng, ba à. Những con mối nhỏ bé, trông có vẻ hiền lành, yếu ớt thế mà thật ra lại là loài vi trùng quái ác gây ra căn bệnh ung thư - con muốn nói cái cảm giác ghê rợn thôi, chứ ví thế không hoàn toàn đúng – cho cơ thể con đê. Nói

cách khác, tổ mối, chính là một quả bom nổ chậm nằm trong lòng con đê, ba ạ.

 Con nhận nghiên cứu đề tài chống mối và thực hiện nó ở ngay khúc đê Nguyên Lộc này, từ khi con chuyển công tác về tỉnh nhà. Công việc thật lý thú, có ý nghĩa nhưng cũng thật gian khổ.

 Trước hết, phải làm thế nào để tìm được tung tích chúng? Khó lắm, ba à. Vì trên tuyến đê dài dặc hàng trăm, hàng ngàn cây số làm sao mà có thể xác định được tất cả hang ổ của chúng? Chẳng lẽ đào bới! Đào bới thì hỏng hết đê, mà công sức đâu? Tất nhiên, cùng làm việc này ngoài bọn con ở đây ra, còn có các bộ phận khác. Như là ở Viện kỹ thuật Bộ Thuỷ Lợi, Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh... Các anh ấy đã dùng điện một chiều để phát hiện chúng. Dòng điện vào thân đê, khi gặp vật dị thường như cái tổ mối, sẽ tăng điện trở lên. Như vậy có cơ sở để tìm thấy chúng. Nhưng phương pháp này có trở ngại: không phân biệt nổi tổ mối với một khối đá, chẳng hạn. Gần đây, con nhận được thư của anh Nam, anh Nam cho biết: các anh ở Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh đang thử nghiệm dùng phương pháp hấp thụ tia ga-ma. Nhưng thôi, đó là việc của các anh ấy. Còn con, con mầy mò đủ kiểu. Con đi tìm chúng ở các gốc cây, bụi cỏ. Ông cụ Ruân và con dùng thuốn sắt đi thuốn những chỗ nghi ngờ. Con đào hố nhử mồi có tẩm thuốc 666, dụ nó ra ăn, rồi theo dõi đường nó về tổ. Con nuôi thử mối để tìm sinh thái của nó. Vừa rồi, con đã theo dõi chúng nó bay giao hoan trước cơn mưa. Con đã tìm thấy những tháp bay chúng xây để sửa soạn vũ hoá. Trong nghề nghiệp, chúng con gọi đó là cách phát hiện bằng những dấu hiệu sinh vật. Bằng mắt thường ai cũng có thể phát hiện được những tháp bay đó và do vậy việc xác định nơi có tổ mối thế là bước đầu đã được giải quyết, tuy còn phải tiếp tục hoàn chỉnh bằng các phương pháp khoa học khác nữa.

 Bây giờ, con sang một giai đoạn mới: nghiên cứu loài kẻ thù bé nhỏ, khôn ngoan này, ở ngay sào huyệt của chúng! Ba mừng cho con đi! Con đã tìm thấy tên thủ phạm giấu mặt, cả đời chui rúc, trốn tránh sự phát giác của con người rồi đây!

 Bọn này quả là một loại côn trùng không thể coi thường, ba ạ. Có bằng chứng rõ ràng là lịch sử giống nòi của bọn chúng có sớm hơn lịch sử con người ít nhất là ba trăm lần. Hai nhà khoa học Hoàng Đức Nhuận và Nguyễn Đình Khản, trong tài liệu con vừa đọc (°), đã nói một cách hình ảnh thế này: khi con người tiền cổ còn sống trong trạng thái hoang sơ, man rợ thì loài mối đã “ tổ chức” thành một “ xã hội” quy củ, nghĩa là có phân công hợp lý để đạt năng suất lao động cao và chống chọi có hiệu quả với mọi kẻ thù.

 Về mối quan hệ giữa con người và loại côn trùng này, các tác giả đó diễn đạt như sau: càng văn minh con người càng cần diện tích đất đai cho sinh hoạt, canh tác, xây dựng nhà cửa, công xưởng, đê điều, đồng ruộng. Nhưng khác hẳn với các loài thú: con người tới đâu, thú ở đó bỏ chạy, mối

không cao chạy xa bay; trái lại, chúng luôn ở bên cạnh con người, chúng chui rúc dưới các tầng đất, đặc biệt chúng vô cùng ưa thích những tầng đất canh tác nhiều mùn ẩm và những công trình con ngươì mới xây dựng. Quái quỷ! Vậy là cuộc đấu tranh giữa con người và loài mối đã diễn ra không ngừng và hết sức đa dạng. Mối bị nguyền rủa, bị căm ghét. Lẽ tất nhiên, có sinh vật nào sống chỉ thuần một mục đích vì lợi ích của con người? Tất nhiên, mối có làm được một số việc có ích, chúng phân huỷ gỗ thành chất hữu cơ, chúng dọn vệ sinh rừng..., nhưng cái hại mà chúng đem lại cho con người thì thật khổng lồ và khôn lường!

 Bây giờ, ở ngay khúc đê con đang làm việc đây, ít nhất, con và mọi người, nhờ các dấu hiệu sinh vật, cũng đã phát hiện được tới ba, bốn chục cái tổ mối! Thật là kinh khủng! Ba cứ thử hình dung xem: ba, bốn chục ổ vi trùng ngày đêm đào khoét một cơ thể vốn đã bấy bớt ốm o. Nghĩa là, từ khi cặp trai gái mối hợp duyên, lên ngôi vua chúa là lập tức chúng bắt đầu sinh con đẻ cái và làm việc hăng say cho sự phát triển của giống nòi. Ngày, đêm chúng không hề tính đến chuyện ngủ nghê, ngơi nghỉ. Con đã quan sát đám mối thợ. Thảng hoặc có lúc nào mệt quá thì chúng dừng lại ít phút để nghỉ ngay tại chỗ, nghĩa là cục đất xây tổ vẫn ngàm trong miệng. Chúng luôn phải lo cho sự sinh tồn của giống loài. Mỗi tổ mối mỗi ngày ngót một vạn con mối non ra đời. Thức ăn đâu? Chỗ ở đâu? Bọn chúng phải lo liệu, gồng mìmh vất vả trong một công cuộc lao động khổ sai và tự nguyện.

 Hàng tỉ con mối ngày đêm đang khoét ruỗng thân đê. Chúng ăn rơm rạ, bã mía, chất hữu cơ còn sót lại trong thân đê. Chúng đào đất, mỗi con chỉ một viên nhỏ thôi, nhưng hãy tưởng tượng là hàng tỉ cá thể làm việc ấy không ngưng nghỉ, thì con đê bị đục khoét đau đớn biết nhường nào, tai hại biết nhường nào!

 Thật là những ổ ung thư trong thân đê! Sao con bị ám ảnh ghê quá về căn bệnh này thế, ba! Có lẽ bắt đầu từ việc anh Nam yêu kính của con mắc bệnh đột ngột và hoàn cảnh chúng ta đang sống. Con luôn nghĩ, cái chết chẳng ở xa ta đâu. Vậy, phải làm việc gấp lên! ý nghĩ ấy càng thôi thúc con khi con nghĩ: có lẽ ở đâu cũng có cái dạng của căn bệnh ghê gớm này, ở đâu cũng có siêu vi trùng dạng này, hàng ngày chúng tàn hại, huỷ diệt sự sống chân chính – những thói tệ xấu xa vẫn hằng bám riết con người ta, ngăn trở con người trở nên một con người thật sự. Con là một đứa trẻ lãng mạn, thưa ba, nhưng con đã lần lần xa cách dần đứa bé hay lý tưởng hoá, thi vị hoá vì những va chạm và đã nhận chân được cuộc sống. Cuộc sống còn đầy dãy điều đáng phàn nàn, nhưng không vì thế mà không đẹp; trái lại, cái đẹp trong sự đối chiếu và đối lập, càng tráng lệ và thật sự hơn. Công việc tìm diệt tổ mối đáng căm hờn này, công việc bảo vệ đê, chống loài thuỷ tặc yêu quái này cung cấp cho con những dữ kiện để con xây dựng lô-gíc tư tưởng, lô-gic sống cho con: với cái xấu xa, đê hèn, cái cao cả phải biết mở đường, vượt qua, không có lý gì mà lại trở thành kẻ hèn hạ, trái lại phải hiên ngang, hiên ngang như những con đê. Con yêu dân tộc đất nước. Con yêu

ba mẹ, ông bà, tổ tiên. Con là đứa con của hai tình yêu hoà quyện đó. Con tự hào nói như vậy.

 Con sống vất vả hơn ở thành phố! Ăn uống thất thường! Công việc bận rộn! Nhưng, con thấy thanh thoả - mặc dầu ở cơ quan, con vẫn luôn luôn là kẻ kiêu ngạo ngầm: ta thanh cao hơn những kẻ đê tiện – một tính xấu của con. Dù trong hoàn cảnh nào con vẫn là một gã trai có lý tưởng, nhưng có đôi cánh lãng mạn, cho dù có đôi chút đơn giản, hay tuyệt đối hoá.

 Công việc có ý nghĩa là cuộc sống của con. Con chủ quan nhận thấy như thế. Vì lẽ đó, con tha thiết mong ba hãy kiếm một công việc. Sức ba còn, tài năng ba đang độ, lòng ba trong sáng. Nhưng ba còn thưa thanh thoát. Xa rời bộ máy sinh động là cuộc sống, ở đó có đủ sự phức tạp, nhưng khuynh hướng thẳng tiến vẫn là mãnh liệt, là chủ đạo, cần khẳng định như thế, thì dễ lầm lẫn lắm. Nhất là con sợ cái ngõ nhà ta. Cảnh thằng Lùng bị mắng chửi. Tiếng mõ, tiếng chuông cúng bái nghê nga ở nhà bà Năm sắt. Ông thợ vẽ – hoạ sĩ gì ông ấy, ba – và những ý tưởng u ám không hợp đạo lý của ông ta... Tất cả toát lên cái chất thị dân cũ kỹ thật đáng kinh sợ!

 Con nhờ ba hai việc. Ba cố thu xếp thì giờ vào thăm anh Nam đều đều hộ con. Anh ấy vẫn đang cố gắng hoàn thành một số công trình nghiên cứu; việc gấp, anh ấy muốn nhờ ba dịch hộ một số tư liệu của Pháp thời trước, văn hành chính ngày xưa anh ấy đọc chưa thạo. Một việc nữa con muốn nhờ ba, hơi khó đấy, nhưng tuỳ ba. Ba biết quan hệ của con với Loan rồi. Kỷ niệm của chúng con thiết tha quá, nhất là với con. Nhưng Loan đang ở một bước phát triển rất đáng ngại. Trong cái gia đình lộn xộn ấy, bị các khuynh hướng xấu lôi kéo, con sợ Loan không vững vàng, điều đó nếu xẩy ra thì thật tiếc và đau đớn cho con. Thư con viết cho ba thế nào, con cũng viết tương tự như thế cho Loan. Con muốn Loan như cô bé ngày xưa, được ảnh hưởng tốt của con.

 Con đã viết quá dài rồi. Sao dạo này con bỗng trở nên đa ngôn như thế nhỉ? Hình như đời sống bây giờ bắt người ta phải tư duy nhiều hơn, kỹ hơn và phải bày tỏ mình rõ ràng hơn, ba à.

 Từ đây, con vẫn hướng về thành phố! Và con chúc ba mạnh khoẻ, vui vẻ, từ trong tâm hồn.

Con của ba

Trọng