Ông Chánh và ba cô Vân, Tình, Ngà vội thu dọn, ghép bàn làm thành một cái giường cho Nam nằm ở góc phòng. Ông Tiễu đi đi lại lại, chửi trời mưa, chửi ôtô cấp cứu, chửi điện thoại, chửi bệnh viện, chửi căn bênh quái ác. Hưng quanh quẩn, không dám đến gần Nam sợ lây bệnh(!), một lát sau, khoác áo mưa, nói: “ Để tôi đến bệnh viện bảo họ” rồi dắt xe đi mất hút.
Nam nằm, nửa tỉnh nửa mê trong cơn mưa nước lên, dấm dẳng, nhay nhứt suốt chiều, cả đêm.
Nhưng, khi lên ôtô cấp cứu thì Nam tỉnh hẳn.
Nam bắt tay từng người. Giữ tay Trọng lâu nhất, giọng Nam cố giữ ngay ngắn: - Tơ-rai! Tơ-rai! (°) Hãy tin tưởng! Hãy tin tưởng! Nghe nói có một phương pháp mới có thể có thể ngăn cản sự phát triển của lũ tế bào độc ác này. Mà cũng có thể là u lành. Đừng báo cho bạn bè mình biết. Đến thư
viện mượn cho mình Lịch triểu tạp ký, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch sử một cái cọn. Các báo cáo của Đê-boa, Noóc-măng-đanh, Ru-ăng, Boóc-nô. Các tạp chí Lanh-đô-sin năm 1930. Thư mục sách Nga về chỉnh trị dòng sông. Tạm biệt! Kiên trì đề tài nghiên cứu! Vững lòng nhé. Nhất định học tiếp tiếng Pháp, tiếng Nga, Trọng!
Chiếc xe cấp cứu lao đi, để lại một khoảng trống vắng ngơ.
Bị nó hút, Trọng chạy theo nó một quãng, rồi đứng sững lại giữa một cái ngã tư đang nhộn nhịp người qua lại. Như một kẻ mất hồn, lát sau anh mới định tâm, bước lên hè phố. Sao anh thấy mình cô đơn thế! Lúc này chẳng ai an ủi được anh cả. Cơ quan thì nhiều người thật đấy, nhưng ở các bộ phận khác nhau, anh lại mới chuyển công tác từ nơi khác về và quen nếp sống ít giao tiếp. Sống thu mình lại, tự nhận thức, tự vạch đường, lâu nay anh là vậy. Trong phòng, anh không có người đồng cảm. Hưng thì nhạt thếch và bất định. Ông Chánh thì thô sơ. Ông Tiễu già quá hoá con nít và mang nặng thiên kiến riêng. Nam, một tâm hồn cao thượng duy nhất, là chỗ dựa tinh thần của Trọng, thì Nam đã đi rồi, mà có thể là đi vĩnh viễn không bao giờ gặp lại nữa.
Sau cơn mưa đêm, thành phố rát bỏng trong cái nắng đầu mùa. Phố xá đang cữ đông. Người đi lại, vội vàng với những mục đích riêng tư. Hình như chẳng ai quen biết ai. Thành phố, nơi đây sinh đẻ ra sự vô danh, thái độ bàng quan cá nhân và các thói tệ tầm thường. Bên vỉa hè, một bọn người tứ chiếng quần tụ, cười nói ầm ĩ bên những cốc bia, những đĩa nộm, những con mực nướng. ở đây, có một lối sống riêng, lưu truyền một hệ thống ngôn ngữ riêng: con mực bốn đồng được gọi là bốn xu, bố mẹ được gọi là các cụ bô, người chất phác thật thà thì bị gọi là tẩm là hâm. Ăn uống bề hề ngay trên vỉa hè, bên đường đi lối lại, giữa thanh thiên đã trở thành nếp sống phổ biến. Trải suốt dọc đường là những hàng quán, từ cà phê, nước chanh giải khát thanh nhã tới món cháo lòng, tiết canh xô bồ dân dã. Và hàng quán nào cũng chen chúc, nhộn nhạo. Trong khi ấy, cái loa công cộng trên cột điện vẫn oang oang tiếng nói của một giáo sư về xu thế biến động của khí hậu toàn cầu. Tiếp đó là cái giọng khúc chiết, sang sảng của phát thanh viên đọc bài giới thiệu các giống lúa kháng rầy, cách phòng chống bão lũ và sau cùng là thơ chiến đấu Pa-le-xtin. Hình như chẳng cái nào ăn nhập với cái nào. Loa cứ nói. Và chẳng ai nghe. Sự cao cả, đẹp đẽ và đời sống trần tục, thường nhật cứ lồ lộ, tồn tại bên nhau, chẳng bên nào gây tác động được tới bên nào.
ở đầu một con phố nhỏ, Trọng thấy mình được an ủi. Một hàng người toàn cụ già, em nhỏ xếp hàng nối nhau mua báo. Nắng xối lửa. Giọng người giao báo qua cái loa pin cũng rừng rực như lửa cháy.
- Xin mời đồng bào đón đọc báo Nhân dân, Quân đội, Tiền phong, Lao động, báo hôm nay có bài tổng kết tình hình bão lụt năm qua. Tin Ban chống bão lụt trung ương họp phiên đầu tiên. Đặc biệt có tin Trung Quốc tăng cường khiêu khích vũ trang ở sáu tỉnh biên giới nước ta. Ngày 20 tháng 5, một trung đội lính Trung Quốc vượt biên giới trái phép, đánh chiếm, gây
tội ác ở khu vực cột mốc 16 Văn Lãng, Lạng Sơn. Tin thêm về cách mạng áp-ga-nít-xtăng, về đất nước Ni-ca-ra-goa anh hùng. Tin Mỹ cho tầu ngầm nguyên tử tới Nhật và cuộc tập trận của khối NATO...
Một chiếc xe máy không có ống giảm thanh chạy qua, cắt đứt phần tiếp bài giới thiệu của người bán báo. Trọng vượt sang bên kia đường, vì nhìn thấy bóng chiếc ôtô buýt ở giữa phố. Anh định lên xe đến thư viện, trước khi về thăm cha.
Chiếc ô tô đến gần. Trọng chưng hửng. Không phải xe buýt. Mũi chiếc xe Hải Âu gắn hai vòng hoa hình bầu dục và hai giải băng tang, trên kính xe: ảnh một người con trai đang cười, tóc rẽ giữa, áo vét ve to. Một cái chết yểu! Sau chiếc xe Hải Âu là cái Rô-buya vàng xỉn; trên hai xe khăn tang trắng xoá. Xe chạy rì rì, mệt mỏi.
Trọng cắm mặt xuống hè. Anh cố bước nhanh hơn tốc độ của hai chiếc xe. Cái loa pin bên kia đường lại lại dóng dả tiếng người rao báo. Và một đám trẻ con ở đâu đang ngược lại, hò reo lộn xộn, chặn lối đi của anh. Bị vây bọc giữa đám trẻ là một người đàn ông quần cộc, mình trần, gầy lép, tóc xoã quá gáy. Khi bọn trẻ nheo nhéo gọi: “ Ông điên ơi! Ông múa đi!” thì anh ta cười, vung tay, giậm chân, the thé:
- Ta không điên! Ta đâu có điên! Hết ngày dài lại đến đêm thâu. Chúng ta đi trên đất Phi Châu. Ta đi tìm em, con ta, học trò của ta...ha ha...
Trọng lách qua đám trẻ, đi như chạy. Và lát sau thấy cánh cửa mở rộng của thư viện thành phố, anh liền tọt ngay vào.
Thư viện thành phố!
Êm ả quá là những vầng xanh của những cây sồi già. Không khí tĩnh. Và các sự kiện như lướt qua bên cạnh. Gió cũng chỉ hiu hiu. Vòm ngâu tạo dáng quả cầu tròn như những dấu lặng. Ghế đá gợi sự vĩnh cửu. Lối đi rải sổi cuội êm êm. Lá vàng rơi nhè nhẹ. ở đây trầm tĩnh đọc, nghĩ suy. ở đây có sách, có thầy, có bạn, có bầu không khí riêng. Ngồi ở đây tách ra khỏi mọi sự tủn mủn, phiền hà. Có thể ngồi ở đây cả ngày chủ nhật, đến tận chín giờ tối, cho đến khi cô thủ thư luống tuổi dịu dàng đến bên: “ Anh nghỉ đi, anh”.
Trọng bước theo lối sỏi, tránh một cái xích lô chất đầy sách bìa cứng đậu ở dưới bậc tam cấp.
- Ơ kìa... cậu Trọng!
Một người đàn ông thấp lùn, cục mịch đang lúi húi buộc lại lốp xe xích lô, ngẩng đầu lên, hấp háy hai con mắt đỏ ké, chào Trọng.
- Cậu không về thăm ông cụ, cậu Trọng?
“ Bác Nhuần.” Trọng thầm kêu, hơi bị bất ngờ. Nhưng anh chưa kịp đáp thì ở cửa đã bước ra một người trai trẻ, vóc cao, đeo kính cận – chủ nhân của số sách trên xe.
- Có hơn cây số mà bác giã tôi những chục bạc. - Người trai trẻ cười độ lượng – Có phải tôi thuê cho cơ quan đâu. Sách này tôi đem tặng thư viện. Thật là mất cả công lẫn của. Đây, xin gửi bác.
Ông xích lô gãi đầu:
- Chú thông cảm. Dạo này, giá cả cái gì cũng tăng...
Trọng vội né cái xe sách, bước lên. Nhưng, anh biết ngay là mình đến chỗ cô thủ thư chậm hơn người đeo kính cận nọ mất rồi. Anh ta bê cả một chồng sách cao tới cằm và săm săm vượt lên trước Trọng, tới cái bàn của cô thủ thư, đặt bịch xuống, rồi lui ra, thở hè hè. Cùng với những chồng sách anh ta mang vào lần trước, số sách lần này làm cho cái bàn không còn một khoảng trống.
- Tôi xin tặng lại thư viện đấy – Người đeo kính cận nói điềm đạm – Không dùng, để phí đi.
Trọng lùi ra. Cô thủ thư còn bận với công việc tiếp nhận số sách khổng lồ kia! Ôi, những cuốn sách thoạt trông đã thấy kính trọng. Cuốn nào cũng khổ to, bìa cứng, dầy đến ngón tay, gáy ánh lên những dòng chữ Nga, chữ Anh, chữ Pháp mạ vàng. Đích-ken toàn tập, đánh số từ 1 đến 24. Lịch sử thế giới, từ tập 1 đến tập 10. Văn học cổ Hy Lạp, tập 1 và tập 2. Tuyển tập văn học Anh. Toàn tập Đôtxtôiepxki. Toàn tập Tolstôi. Tuyển tập Hêminhuê.
Những cuốn sách quý. Càng quý hơn là cái cử chỉ hào hiệp và con người kia. Anh ta không còn trẻ lắm. Dễ có đến ngoài ba mươi. Khuôn mặt trái xoan hồn nhiên, cởi mở, dễ tin, thoạt nhìn hơi ngơ ngác. Nhưng giọng nói và cử chỉ lại thật chững chạc, chín chắn. Và Trọng nghĩ đó sẽ là một khuôn mặt Trọng ghi nhớ, một khuôn mặt được lưu giữ mãi mãi trong ký ức mình.
Gần nửa tiếng sau, Trọng mới đến bàn mượn sách. Số sách người đeo kính cận tặng đã được cất và anh ta đã đi. Trọng mượn một số sách cho Nam. Khi hỏi mượn cuốn sách khảo cứu về tổ mối theo ký hiệu Nam ghi, anh ngạc nhiên được cô thủ thư cho biết: thư viện có hai cuốn, người đeo kính trắng vừa rồi đã mượn một. Hỏi cô thủ thư một câu về người nọ, anh càng ngạc nhiên hơn. Người nọ là kỹ sư vật lý, công tác ở Uỷ ban khoa học kỹ thuật tỉnh, vốn là một nhà thơ trẻ. Anh tặng thư viện gần như toàn bộ số sách văn học đã mua từ hồi lưu học ở Nga, và không đòi hỏi một điều gì.
Trọng bước ra khỏi thư viện, lòng đã trở lại thư thái.