Mỵ Châu có ả tư phong khác thường.
Gần xa nức tiếng cung trang
Thừa Long ai kẻ đồng sàng sánh vai
Bỗng đâu vừa thấy hai người
Một Sơn Tinh với một loài Thuỷ Tinh
Cầu hôn đến gửi tấc thành
Hùng Vương mới phán sự tình một hai
Sính nghi ước kịp ngày mai.
Ai mau chân trước định lời hứa anh
Trống lầu vừa mới tan canh
Kiệu hoa đã thấy Sơn Tinh trực ngoài.
Ước sao lại cứ như lời
Xe loan trăm cỗ đưa người nghi gia
Cung đàn tiếng địch xa xa
Vui về non Tản oán ra bể Tần.
Thuỷ Tinh lỡ bước chậm chân
Đùng đùng nổi giận đem ân làm thù.
Mưa tuôn gió thổi mịt mù.
Ào ào rừng nọ, ù ù núi kia
Sơn thần hoá phép cũng ghê.
Lưới giăng sông Nhị, phên che ngàn Đoài
Núi cao sông cũng còn dài
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
( ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA)
I
Tin bão gần.
Hồi một giờ sáng ngày hôm nay, vị trí trung tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ vĩ Bắc, 110,5 độ kinh đông. Cơn bão mang tên Nen-ly là một cơn bão mạnh, sức gió ở gần tâm bão lên tới cấp mười hai, tức là từ 113 đến 133 ki-lô-mét một giờ. Bão đang di chuyển theo hướng Tây - Tây-Bắc, đi về phía bờ biển nước ta. Dự báo, chiều nay bão Nen-ly sẽ đổ bộ vào đất liền. Bão về mang theo mưa và gió giật. Vùng trung tâm bão đi qua sẽ có gió giật cấp mười hai, sẽ có mưa to và rất to.
°
Đài phát thanh phát tin cơn báo từ hồi năm giờ sáng. Loa ra rả lặp lại trong các ngõ hẻm, xóm thôn, ngay từ lúc tinh mơ. Dẫu đã từng trải, cũng chưa thể quen với tai ương. Mặt đất có một cơn rùng mình. Người vùng ngay dậy, vội vã vào cuộc chống chọi. Và cùng với người, nhưng cuống cuồng, tất bật hơn, bản năng, sôi động hơn, là các sinh vật khác, trước hết là những con vật sự sống phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên.
Chim, cò nhao nhác chuyển tổ, tìm nơi trú ẩn.
Kiến đi từng dòng ngược lên các thân cây và mô đất cao. Những chú nhện gầy gùa, mong manh lo sợ, vội rút ngắn đường tơ. Và ve đã im bặt hồi còi lanh lảnh chiều hè khi mặt trời ngả bóng.
Vậy mà... có những con mối.
Những con mối đất, bọn côn trùng mù loà này sống chui rúc trong cái thân đê chạy qua xã Nguyên Lộc thật sự là đã vô cùng háo hức ngay từ khi chúng nhận được những tín hiệu đầu tiên báo hiệu cơn bão đã hình thành ở tít tịt ngoài biển Đông kia.
Bọn mối đất này vô cùng ưa thích những cơn bão đầu mùa và thật tình là chúng đã đón chờ cái thời cơ tuyệt diệu này từ lâu lắm rồi. Bởi vì, suốt cả một mùa thu ẩm ướt và một mùa đông dài dặc, những con mối cánh đông có tới hàng vạn ở mỗi tổ đã ra đời và sau kỳ lột xác cuối cùng, đang bước vào tuổi thành niên, chúng đã đến lúc cần đi ở riêng. Cảm thông với nỗi khát khao ấy của bọn mối cánh, lũ mối thợ ngay từ lúc vào xuân đã tấp nập và kịp thời xây cất xong các phòng đợi bay, cáctháp vũ hoá, nghĩa là đã sửa soạn thật chu đáo cho các cuộc bay giao hoan của các chàng và các nàng mối cánh, một khi cơn bão đầu tiên tràn về.
Bão còn ở xa, bọn mối cánh đã chen chúc ở phòng đợi bay. Lúc này cửa tháp vẫn đóng chặt. Và đứng cạnh ở đó là gần chục gã mối lính đầu cứng như đội mũ sắt, hàm răng là hai cái kìm thép, lầm lì và nghiêm nghị. Quân lệnh như sơn! Cấm không được ra khỏi tổ khi chưa có lệnh! Lệnh thậtnghiêm vì chính sự sinh tồn của nòi giống, vì chính hạnh phúc của từng cô, cậu. Vì biết đâu là một tai hoạ đang đón chờ họ ở ngay cửa tháp? Mới cách đây ít phút thôi, một gã mối lính vừa thò đầu ra khỏi cửa tháp để quan sát, đã vội thụt vào và tức tốc bịt ngay lỗ cửa lại. Thật là khủng khiếp! Một lão cóc cụ già cốc đế đang ngồi chồm hỗm đón mồi ở ngay cạnh cửa tháp. Và ở trên trời, còn táng đởm kinh hồn hơn: hàng chục con nhạn đói khát, lũ ác điểu cánh nhọn, đang chao liệng tìm mồi, phát những tiếng kêu choe choé thật man rợ trong ánh chiều tím đỏ.
Nhưng mà... kia bão đã về!
Vừa nghe thấy bước chân chạy rầm rập của ông khổng lồ ấy và đợt mưa đầu tiên vừa ném xuống mặt đất những hạt nước lớn như viên sỏi, rào rào, thưa thớt, như thăm dò, sấm sét đã nổ rền. Sấm và sét rung vang cả vòm trời nặng mây đen. Sợ hãi, lũ nhạn cuống cuồng trốn biệt vào các hốc cây và lão cóc cụ vội nhẩy đi tắm mát. Vậy thì còn có thời điểm nào đẹp hơn lúc này để các nàng xuất giá và các chàng bay đi kiếm bạn đời.
Bọn mối lính vội mở tung các lỗ cửa tháp. Các chàng nàng mối cánh loè xoè xiêm áo lập tức dồn đẩy nhau đổ lên các tháp bay. Cửa lỗ vũ hoá đông nghẹt. Mặc! Chen đại vào mà ra! Thời cơ có một không hai đã tới rồi. Nhanh lên! Cất cánh bay đi! Từ sườn đê, phùn phụt phun lên trời những luồng sinh khí loa loá trắng thật hào hứng, dồi dào. Hàng vạn chàng nàng mối cánh đã ra khỏi tổ.
Vũ hội tình yêu đã mở. Sấm sét lúc này là trống kèn, chớp lửa là hoa đăng của đêm hội. Những đôi cánh quay tít, nghiêng ngả chòng chành. Gió mưa đưa đẩy. Trai gái giao duyên nhau trong giông bão. La đà, quấn quýt đắm say. Có cuộc kết đôi của bọn sinh vật nào vừa hào hoa, tài tử vừa mãnh liệt man dại như cuộc kết đôi của các chàng, các nàng mối này!
Tuy nhiên, vũ hội chẳng thể kéo dài, vì ngay sau đó là cuộc giao hoan đôi lứa. Sức giống cái thường yểu. Các nàng rời bỏ cuộc khiêu vũ trên không trung sớm hơn và nhẹ nhàng hạ cánh xuống mặt đất. Nàng bò trên đất, nhẹ nhàng vẫy đôi cánh, đầu ngẩng cao và bắt đầu tiết ra một làn hương thơm đặc biệt, cái tín hiệu dẫn dụ ý trung nhân của riêng nàng đang còn ở trong cái đám đông hội hè kia.
Tài tình thay sức hấp dẫn của hương tình! Thoáng cái, từ trên khoảng không tíu tít và mờ ảo, chàng đã nhận ra hình bóng cô nàng yêu dấu của mình. Chàng hạ thấp độ cao. Chàng liệng vài vòng trên nàng, như để khoe tài, rồi nhanh nhẹn hạ cánh xuống ngay phía sau nàng. Tình tự và ân ái khởi đầu ngay trong mưa gió. áp tới bên nàng, râu chàng, môi dưới của chàng lập tức thực hiện công năng gợi tình, chúng liên tục mơn trớn, vuốt ve lưng eo mình mẩy nàng. Trong cử chỉ muôn phần âu yếm ấy, nàng run rẩy bủn rủn cả thân mình. Run rẩy bủn rủn tới mức rụng luôn cả đôi cánh. Sự kiện này gây nên cơn xúc động thật mãnh liệt với chàng. Tranh thủ cơ hội để tỏ ra mình là một trang công tử hoàn toàn biết chiều ý giai nhân, lập tức chàng cũng trút bỏ ngay đôi cánh của mình. Ôi! Đôi cánh giao duyên, xiêm áo đi đến với ái tình đêm vũ hội! Chúng đã hoàn thành sứ mệnh!
Có một đôi trai gái mối không hiểu mê mẩn nhau thế nào quên phắt cả việc trút bỏ đôi cánh đã mãn hạn nọ. Tới lúc gọi nhau đi xây tổ ấm, chúng mới phát hiện ra điều đó. Thế là không cần bàn bạc gì hết, chàng xông vào nàng, nàng xô tới chàng, chàng cắn hộ nàng, nàng rứt hộ chàng, vật lộn một hồi gay gắt, cả hai mới bỏ được đôi cánh lúc này đã trở thành cái của nợ vướng víu cho cuộc tình. Ghê gớm, dữ dằn thay là tình yêu, sự sống của cái loài sinh vật nhỏ con này!
Nhưng nào phải mọi việc đều đã trở thành xuôn xẻ. Vào lúc đôi lứa đi tìm nơi đặt tổ ấm gia đình, chừng như để thử thách ý chí chàng và nàng một lần nữa, một sự biến đã xẩy ra. Một gã mối đực bỗng từ đâu hiện ra chặn lối chàng. Gã này chậm chân, bay ra khỏi tổ khi vũ hội đã tàn, các cuộc hôn phối đã kết thúc; gã đâm ra bơ vơ, lẻ bóng. Gã uất tức, gã căm hận. Giờ, gã định giở bài bây: cướp cô dâu ngay trên đường nàng về nhà chồng. Vậy là chẳng còn cách nào khác, chàng liền nhao tới tình địch. Một cuộc huyết chiến đã xẩy ra và kết thúc bằng thắng lợi oanh liệt của chàng.
Chàng tiếp tục cuộc đưa dâu. Cuộc kỳ ngộ khởi đầu trong bay bổng lãng mạn, qua hành trình gian nan đầy đủ vẻ ly kì, diễm lệ của một thiên tình sử hiệp sĩ thời Trung cổ, tới đây là một kết thúc có hậu, thật mãn nguyện: họ đã tìm được căn phòng lý tưởng. ấy là một kẽ nứt nhỏ trên khúc đê chạy qua xã Nguyên Lộc.
Tổ uyên ương xây ở đây thì còn gì bằng! Độ ẩm cao, thoáng khí. Và tĩnh mịch. ở đây, chàng và nàng sẽ chung sống với nhau mãn đời. ở đây, con cháu nàng và chàng sẽ nối tiếp ra đời đông đàn dài lũ. Đây là kinh thành, là vương quốc của chàng và nàng. Nơi đây, chàng là vua, nàng là chúa, trị vì đời đời, kiếp kiếp.
Nàng khéo léo bịt kín kẽ nứt lại. Kẽ nứt tối âm u. Quên hẳn những phút giây đầy phấn hứng ngoài khoảng trời rộng vừa qua, cả hai từ đây vĩnh viễn sống trong tăm tối nơi lòng đất. Và cả hai lập tức bắt tay ngay vào việc chuẩn bị cho kỳ sinh nở tới. Cũng chẳng sớm đâu, ngày trở dạ đẻ lứa con so của nàng chỉ là nay mai thôi. Sức đẻ của nàng ghê gớm lắm!
Lúc ấy, ngoài kia, trên mặt đê, mưa đổ ầm ầm.
°
Mưa đổ sầm sập, phũ phàng.
Thành phố nhập nhoạng giần giật ùng oàng vì sấm sét và những luồng điện phóng ngang dọc mạnh hàng nghìn ki-lô-vôn. Mất điện, thành phố chìm trong cõi mung lung, không khí càng có cái vẻ quái dị, bất thường.
Mưa suốt đêm.
Mưa như từ cổ tích, huyền thoại mưa ra.
Mưa như từ thời hồng hoang, nguyên thuỷ mưa về. Nhưng rồi, mưa đột ngột tạnh. Cũng khó hiểu như khi đang mưa. thành phố lúc ấy mới chỉ vừa vào buổi bình minh, đột nhiên bừng sáng như được chiếu rọi bằng những ngọn đèn pha cực mạnh. Và đất trời ắng lặng, nín thở có đến mấy
phút. Trong thời khắc ngắn ngủi ấy, chỉ nghe thấy tiếng réo ồ ồ và tiếng cuộn sôi sùng sục của những dòng chảy xối xả. Thành phố như ra khỏi cơn hôn mê, nhận thức được mình sau khoảng khắc bàng hoàng, với tiếng reo mừng rỡ của lũ trẻ, tiếng cánh cửa quay sửng sốt. Tiếp đó là tiếng bánh xe ôtô rè rè xé nước và cuối cùng là tiếng người gọi í ới nhau, tiếng chân người, ồn ào, náo nhiệt!
Đã trở lại nhịp sống sầm uất, sôi động thường khi, nhưng đổ hết ra ngoài nhà, người người nhìn nhau, hỏi thăm nhau mà như vừa thoát khỏi một tai biến dị thường. Suốt cả đêm qua chui rúc, ẩn náu, trốn tránh, ngủ nghê ở đâu đó, không hình dạng, giờ mới thấy người xuất hiện sao mà đông thế. Sao cái thành phố này lại có thể chứa được một khối lượng người đông đến như thế nhỉ? Đâu cũng người. Mỗi thước đất ít ra cũng có mấy người. Lòng đường dồn ứ người. Người ùn lại ở những đường phố thấp đọng nước. Đâu cũng lênh láng vũng vĩnh nước.
Người lội trong nước, chuyển động theo từng luồng chảy. Và thành phố sáng rực lên từng mảnh tường vôi dưới bầu trời xanh bóng lọng của một ngày hè chói chang.
°
Ông Chánh, cái tên trùng hợp với chức vụ Chánh văn phòng, một người đàn ông tuổi ngoại năm mươi, khổ người tầm thước, gò trong một khuôn khổ chật hẹp, mặt đen quắt, hai con mắt sâu, sáng, lục ục đôi ủng cao su đỏ, vào đến buồng làm việc, vớ luôn cái dẻ lau cửa kính ngay. Đến cái ô kính của cánh cửa sổ lớn nhìn thấy bầu trời, khu phố bờ sông, thì căn buồng rộng đã lẹp kẹp tiếng guốc dép và léo nhéo tiếng người.
- Trời! Nước sông to quá, Vân ơi!
- Eo ơi, đỏ lòm lòm... Khéo bãi giữa ngập mất rồi, mày ạ.
- Mưa đêm qua kinh quá, Ngà nhỉ?
- Nhà tao dột như rá, mấy bố con ngồi che ni-lông, run cầm cập, chỉ sợ đổ nhà, Tình ạ.
Ông Chánh quay lại, nhận ra ba cô gái trẻ Vân, Tình, Ngà ở tổ máy chữ đã đến. Họ là quân của ông. Lẽ ra phải thu dọn, quét quáy, mở các bao che máy, sửa soạn giấy than, ruy băng, để đúng tám giờ là vào việc tắp lự thì họ lại đứng ngẩn bên ô cửa sổ nhìn dòng sông. Con sông Hồng mọi ngày chìm ở đâu nay mới chỉ sau một trận mưa đã nổi bềnh lên, kéo một vệt đỏ như son dài lướt thướt qua thành phố. Mới có tháng năm mà sông đã nổi dòng, cũng là một sự trái với quy luật thường tình.
- Thôi, chuẩn bị làm việc đi chứ, các cô - Ông Chánh cầm cái phất trần phảy mặt bàn của mình, rồi hất cái hàm nhọn, đen mờ chân râu về phía ba cô gái – Mấy ngày tôi đi kiểm tra đê ở cơ sở, công việc đến đâu rồi? Cái Ly-đrô-tích-cơ a-gri-côn ô Tông-canh (°) cô Vân đánh xong chưa?
- Bác nói tiếng Tây cháu chẳng hiểu gì cả.
- Ờ, tại tôi quen mồm - Ông Chánh cười thật thà - Cái bản cô đang đánh ấy mà. Còn cô Tình, cái Sơ thảo lịch sử đê điều của anh Nam sắp xong rồi chứ? Cái Báo cáo về lũ sông Hồng và trận lụt năm 1945, còn bao nhiêu trang nữa, cô Ngà? Hôm nay, các cô tiếp tục nhá!
Hỏi ráo riết để tỏ ra mình là người lãnh đạo, là người quản lý công việc xít xao thôi, chứ ông Chánh không cần câu trả lời. Ông bỏ cái mũ cát-két, rút lược chậm rãi chải đầu, rồi ngồi xuống trước cái bàn rộng. Nắng mới hé, rọi chênh chếch qua ô cửa kính vào buồng. Chỗ ông Chánh sáng dậy một màu hồng ấm áp. Trông ông lúc này thật chỉnh tề, thật trang nghiêm. Vì đằng sau ông, bây giờ đã hiện lên thật rõ nét cái bản đồ lớn bằng cái chiếu đôi, chằng chịt nét đỏ, đường xanh – bản đồ hệ thống sông ngòi và đê điều toàn tỉnh. Trông cứ như bản đồ quân sự trong bộ tham mưu, và ông ở chỗ ngồi ấy, thì thật là một vị tướng.
- Ơ kìa, các cô! Dàn nhạc bắt đầu chơi đi chứ!
Ông Chánh gốc gác trung nông, nhưng tính cũng hóm và hay văn hoa. Nghe ông nhắc thế, ba cô gái trẻ đang lí láu chuyện trò, lập tức leo lên ba cái ghế cao lênh khênh, nhập vai nhạc công. Và dàn nhạc vào ngay khúc dạo đầu. Lách tách! Lạch tạch! Khlịch khlịch! Tăng tăng! Những ngón tay thiếu nữ mổ tới tấp. Những con chữ va đập liên hồi. Ru-lô chuyển dịch. Bánh xeruy-băng quay. Khúc nhạc có đủ cả hoà âm, phối khí, biến tấu đã trình diễn, khoan nhặt, bổng trầm.
- Ngà à, ở số 209 Hàng Chăn ấy mà - Cô Vân xinh xắn, mũm mĩm như búp bê, tay nhịp nhàng, giọng nữ kim thánh thót – Hôm qua ở đấy vừa bắt được một nghìn lít bia giả. Cả thuốc tê-tra nữa, nó cũng làm giả.
- úi giời, phố tớ mất trộm mới khiếp!
- Mất lúc mưa to ấy à? Cô Tình gầy gò nhưng duyên thầm, giọng ba-ri-tông, quay sang hỏi cô Ngà trắng trẻo.
- Thì nó lợi dụng lúc mưa mà.
- Ghê thế cơ à?
- Thế này nhé...
- Nó dí súng chứ gì! – Cô Vân quay lại, dẩu mỏ.
Cô Ngà lắc đầu, bĩu môi, giọng như giọng nghệ sĩ độc tấu:
- Không giống cái vở ở Hàng Thao đâu. Thế này nhé. Trời mưa to được một lúc. Tắt điện được khoảng hai giờ. Hai thằng. A, không! Bốn thằng chứ! Hai thằng leo lên gác, dỡ mái tụt xuống. Hai thằng bẻ khoá lẻn vào trong chờ sãn.
- Khiếp quá!
Cô Tình kêu. Nhưng cô bỗng giật nẩy mình. Cả cô Vân và cô Ngà cũng thót mình, quay lại. Bản nhạc ngừng đột ngột. Ông Chánh vừa kêu to, lại kèm theo cả tiếng đập bàn đánh thình như tiếng trống cái:
- ối giời! Đánh thiếu hẳn một câu dải dài dài rồi, cô Tình tính tang ơi! Mất hẳn một câu: Tám phần mười lượng mưa hàng năm rơi trong tháng
năm, sáu, bẩy, tám, chín. Xem bao nhiêu chữ nào. Oong, đơ, tơ-roa... keng, xe-dơ (°). Cô tang tính tình ơi, mười sáu chữ!
Hoá ra ông Chánh đang đọc lại bản đánh máy. Giọng ông véo von như hát bài dân ca Cò lả.
°
Thực ra, lúc ấy trong căn phòng rộng của cơ quan phụ trách việc chống bão lụt của tỉnh, không chỉ có từng ấy con người. ở đầu phòng đằng kia, ngăn cách với nơi đánh máy và văn phòng bằng một tấm màn gió, còn một người trai trẻ – kỹ sư Trọng. Đêm qua, sau khi theo dõi mối bay giao hoan, Trọng gội mưa từ tuyến đê xung yếu trở về và ngủ ngay tại phòng làm việc. Trọng phải về gấp vì trưởng phòng Nam định họp sơ kết công tác ngày hôm nay. Từ lúc mưa tạnh, Trọng đã dậy và khi các cô tổ máy chữ đến, anh vẫn còn đang bồi hồi, bỡ ngỡ với cảnh sắc khung trời ngoài kia.
Trời! Sao lại có những khoảng khắc thời gian trời đẹp đến thế! Cơn mưa lau rửa vòm trời, mặt đất. Tất cả đều hiện lên mới mẻ, tinh khôi, dưới một độ sáng bất ngờ, chói lọi của một ngày mới đã bắt đầu, trong sạch và lạ lùng. Da trời ở tít xa, xanh nhoáng, trang trọng. Những mái nâu của khu phố cổ nơi bờ sông nhấp nhô, sạch sẽ. Giống như một bức tranh phong cảnh cắt rất khéo bằng khung cửa sổ; con đê như khúc tường vi là một nét thẳng, nâng dòng sông cao lên một vệt son thắm mềm mại. Tưởng như con sông đang chạy trên nóc nhà thành phố, vỗ sóng nhè nhẹ vào nền trời xanh thanh tĩnh và khu phố nép cạnh chân đê đang ngẩn ngơ trong hơi sương thoang thoảng bốc lên từ các mái ngói cổ xưa. Cảnh hơi huyễn hoặc và giống như một ảo ảnh phát sinh từ tâm cảm, âm vang một tiếng gọi, rộng mở tâm hồn, gạt đi những thiên kiến che lấp khả năng, bừng nở trực giác và trí tưởng tượng. Tràn ngập không gian cái cảm giác hớn hở của một cuộc sống bắt đầu khai sinh, chứa chan niềm phấn khích tâm hồn Trọng. Trọng yêu thiên nhiên và giờ đây, phút giây này, sự hùng vĩ và trạng thái xuất thế của cảnh trí đang gợi cho anh những cảm xúc thiêng liêng về sự cao cả, nghiêm trang, tươi thắm của cuộc sống ở thế gian này. Chưa bao giờ anh ước ao được sống, được làm việc hết sức mình như lúc này. Chưa bao giờ anh yêu đời như lúc này.
Nhưng, tiếng kêu bất thần và thô lậu của ông Chánh đã đột ngột làm tan loãng cái cảm giác ngất ngây, sung sướng, cái tâm thái đẹp nhất trong khoảng thời gian đẹp nhất của Trọng. Nghe thấy tiếng ba cô gái ở tổ máy chữ bật cười vì cái giọng nói ngộ nghĩnh của ông Chánh, anh cũng mỉm cười. Và sau đó, như một kẻ thiếu tự chủ, anh bị cuốn theo câu chuyện tầm phào của họ. Ôi, các cô gái, giới tính và thì giờ cho phép họ thu thập và truyền lan cả một kho đầy ắp những chuyện đời, hư thật lộn xộn, lặt vặt, tỉ mẩn và hấp dẫn vô cùng.
- Thế, anh bộ đội con bà cụ về nhà đang lúc mưa à?
- Khoan đã - Cô Ngà thì thào – Nó đang chĩa súng vào bà cụ và hai cô con gái. Nó bắt hai cô này, một cô mười lăm, một cô mười bẩy, phải khiêng cái ti-vi Đờ-nông cửa gấp, mười chín inh xuống nhà dưới. Một thằng doạ, nếu hô hoán cầu cứu, nó xịt luôn bà cụ. Thì lúc ấy anh trung uý đặc công con bà cụ về. Anh này leo ống máng lên.
- Chào các cô! Chào cô Vân!
- Úi giời! Anh Hưng! Làm em giật cả mình.
- Khiếp, trông anh trùm áo mưa cứ như “ Kỵ sĩ không đầu.” (°)
- Khà khà... trời mưa đi bắt cá rô, thật là hết ý!
Trọng ghé mắt, nhìn qua kẽ mấy bức bình phong gập. Hưng, kỹ sư, một thân hình cân đối, khuôn mặt tròn no đủ, miệng tươi, bẻm mép, hát xong câu nọ, đang cởi áo mưa, nghiêng mái tóc mềm, quay lại tít mắt tán chuyện với các cô. Hưng đang theo đuổi cô Vân. Ông Chánh cắm cúi đọc bản đánh máy, thỉnh thoảng ngẩng lên, chêm vào câu chuyện của các cô một câu bình phẩm có tính chất răn đe.
Trời mưa đi bắt cá rô. (°°) Trời mưa bọn bất lương lợi dụng thời cơ hoành hoành. Trời mưa, Trọng đi khảo sát mối bay giao hoan.
Ngoảnh ra cửa sổ, thâm tâm không ưa sự ồn ào vô bổ, Trọng nghĩ loang loáng và lại muốn trở về trạng thái mê đắm khi nãy. Nhưng, khoảng trời chan chứa cảm xúc ngoài cửa sổ kia lúc này đã ngập nắng, chói gắt. Trọng đành cúi xuống cuốn sách. Và đúng lúc chiếc kẻng bằng vỏ đạn pháo treo ngược ở hành lang bị ông Chánh nện đã rên một hồi dài. “ Đã quá giờ làm việc đến mười phút.” Ông Chánh càu nhàu. Hưng lách qua màn gió, lẳng cái cặp da hai khoá mạ kền rất đẹp lên mặt bàn, bước lại bắt tay Trọng. Vừa lúc nghe cánh cửa buồng bên này bị giật mạnh, Trọng liền ngoảnh lại, đứng dậy, cất tiếng reo vồn vã:
- Bác Tiễu!
Ông Tiễu già, mặt lưỡi cày, đầu hói, hai mắt tròn như mắt cá, quần ống thấp ống cao, bước vào. Mọi khi, thế nào ông cũng giơ hai tay lên trời, the thé: “ Ô! Bông-giua mông dơn ca-ma-rát Trọng! Chào anh bạn trẻ của tôi.” Trong cơ quan, ông chỉ mến có mỗi Trọng thôi. Ông lại là bạn với ba Trọng từ thủơ hàn vi. Nhưng hôm nay, mặt ông khô khẳng, khó chịu. Ông không nhớ là Trọng mới ở cơ sở về. Đặt cái cặp lồng cơm lên bàn, ông tặng ngay cái mặt bàn quả đấm:
- Thế là mất biến nó con mèo!
Hưng quay lại, hai bàn tay khe khẽ xoa hai xoáy tóc mai, ngơ ngác:
- Sao thế, bố?
Như không nghe thấy câu hỏi của Hưng, ông Tiễu ngồi xuống bàn nước, nhấc cái điếu cày, vỗ túi tìm hộp thuốc lào. Ruých ruých... cái điếu nổi hồi còi dài giòn giã.
- Hừ, đúng lúc mối cánh bay đầy nhà, rồi mất điện... Ngửa cổ thở khói, ông Tiễu như bâng quơ. “ Lại đúng lúc mưa to gió lớn!” Trọng nghĩ, Hưng phá lên cười:
- Thế thì đúng là bọn làm pa-tê rồi!
- Mày nói sao? Quay lại nhìn Hưng, ông Tiễu trợn trừng, ngúc ngắc cái cổ gầy đang nuốt khói.
- Bố ơi, sao bố ngây thơ thế! Bố có thấy dạo này thành phố ta có nhiều hàng bánh mì pa-tê không? Thịt làm pa-tê ở đâu ra mà lắm thế? Đắc chí, Hưng cúi xuống, tay phải đấm vào bàn tay trái, dằn từng tiếng:
- Pa-tê thịt mèo! Hà! Hết ý! Pa-tê thịt mèo, bố ơi.
Ông Tiễu nghẹn thuốc, rũ xuống ho một hồi, rồi gượng dậy, mặt đỏ tía:
- Thế thì khốn nạn thật! Con mèo tam thể của tao đẹp thế? Bà lão nhà tao nuôi nó từ bé. Mua ở chợ về cho nó lạy ông Thổ công, đo khấu đuôi, cho nó quay ba vòng ở hố xí để nó không đi bậy, bữa nào cũng dăm hào cá cho nó. Bà ấy ngẩn ngơ mất hồn cả đêm qua. Đồ táng tận lương tâm. Chó má thật! La vi e mẹc! (1)
“ Ra là thế!” Trọng nghĩ, vừa buồn vừa thương hại ông già. Nhưng Hưng đã gập người xuống cười sằng sặc:
- Chẳng những la vi e mẹc mà còn bố cu mẹc (2) nữa cơ, bố ơi.
- Thế tao hỏi - Ông Tiễu sừng sộ – Hưng! Tao hỏi: Mày cam chịu hả? Mày chấp nhận thực tại thế hả? Cả thằng Trọng nữa! Mày mới ở đê Nguyên Lộc về, hả? Dưới ấy giá gạo thế nào? Anh đ. quan tâm đến đời sống nhân dân gì cả! Tám đồng rưỡi một bơ chín lạng rồi. Thật là từ cổ chí kim. Tiên sư nó chứ! Sờ đến điện, điện mất. Sờ đến vòi nước, nước không một giọt. Lục đến thùng gạo, gạo nhẵn. Móc ví, ví không một hào. Bốn không! Xô đến trước Trọng, mặt càng ứ đỏ, giọng ông Tiễu càng dồn dập gay gắt – Trọng! Đ. mẹ tao hỏi mày: Chúng ta, những trí thức, những kỹ sư thuỷ lợi lặn lội đi canh giữ từng bờ đê, giữ gìn sự ấm no yên lành, có phải là để cho bọn quan lại tham nhũng, lũ con phe, bầy trộm cướp nó hưởng không? Cái nhà tao ở sụt mái năm năm nay rồi, hàng chục đơn gửi lên phòng nhà đất kêu cầu, không một thằng nào vác mặt đến chữa. Hôm qua, nước tràn đầy nhà!
Trọng nén một hơi thở ngột trong lồng ngực. Ông Tiễu đang nổi nóng, đang hoá thành một kẻ quá khích và cay nhiệt. Lúc này, căm tức đã trở nên một trạng thái thường trực trong ông. Ông sẵn sàng văng tục và xổ ra hàng tràng chửi bới. Chửi tất. Chửi từ bọn Mao-ít đến thằng Ca-tơ (°). Có lần ông bảo: Cho ông sang Căm-pu-chia, ông sẽ bắt được thằng Pôn-pốt. Bắt nó về, ông bắt nó ăn cứt. Ông đã từng là lính ONS (°°) hồi đại chiến thế giới lần thứ hai ở Pháp. Ông quen chiến trận. Ông là thuốc nổ. Và xung
quanh ông trong những ngày sau chiến tranh đời sống cực kỳ khó khăn này, đều có sẵn những mồi lửa.
Nhưng Hưng nghe ông Tiễu bộc lộ niềm căm phẫn, lại bật cười kha kha thật vô tư rồi lên giọng kẻ cả:
- Bố ơi! Chừng nào bố còn tức tối là chừng đó bố chưa hiểu cái tất yếu của cuộc sống. Không thể thì sao lại gọi là thời kỳ quá độ. Tham nhũng. Ăn cắp. Móc ngoặc. Phe phẩy... Sản phẩm tất nhiên của thời này thôi, bố ạ.
- Anh công nhận đó là chân lý, hả?
- Chân lý vận động. Chân lý là cái lý có chân, bố ơi.
- Thôi xin đủ lý luận của anh đi! Đ. nghe được!
Ông Tiễu văng, chỉ tay vào mặt Hưng
– Chính anh, với cái kiểu lý sự như thế, anh cũng là một tội phạm. Hiểu chưa!
- Thì Các Mác chẳng đã từng nói: tất cả đều phải trả giá là gì! Anh đi tắt, anh không qua tích luỹ nguyên thuỷ, tích tụ tập trung tư bản... thì anh phải đổ mồ hôi leo dốc!
- Đấy là ông Các Mác nói về xây dựng cơ sở vật chất! Mà thôi đi, đừng có biện hộ lếu láo. Et-pri (1) của tao giờ nó đuya (2) lắm rồi. Đừng có hòng thuyết phục tao!
- Thì bố cứ chửi! Chửi như Chí Phèo ấy!
- Thôi - Ông Tiễu phẩy tay qua tai, ngồi xuống bàn nước, quay nhìn Trọng đang giở tập tài liệu trên mặt bàn – Trọng! Lấy phích nước sôi sang đây. Tao có ấm chè Thái đây. Mày đi công tác về có khoẻ không? A, mày đọc cái gì đây?
Trọng bê phích nước sôi từ ngoài hành lang vào, đặt lên bàn, ngồi xuống.
- Cháu đọc báo cáo của Pây-ta-vanh, tổng công trình sư Pháp, về vụ lụt năm 1945.
- Đ. mẹ cái thằng ấy ngu. Nó tính toán thế đ. nào mà dám kết luận: lụt có lợi hơn là không lụt?
- Có thể là hồi ấy xí nghiệp, công trường chưa có mấy. Ông ta chỉ tính toán riêng về độ phì của đất ruộng.
- Không ổn! Tổng công trình sư như thế thì cho về hót cứt.
Hình như Hưng bị chạm nọc. Đang mở khoá cái cặp, Hưng ngửng lên, mặt ưng ửng:
- Ai cụ cũng cho về hót cứt. Tôi cũng bị. Ông Nam trưởng phòng cũng bị cụ hạ cho cái kỷ luật quái gở thế. Cứt ở đâu mà lắm vậy?
Đổ nước sôi vào ấm, ngả lưng vào ghế, ông Tiễu vỗ đùi đánh bét, khoái trá cười hề hề:
- Cứt do mày ỉa rây ra chứ ở đâu nữa. Thằng Nam thì là do tao nóng, tao nói bậy. Chứ mày! Đúng thế đấy, Hưng ạ. à, mà me-xừ sếp Nam sao vẫn chưa đến nhỉ?
Ông Tiễu nghển cổ. Trưởng phòng Nam chưa đến thật. Ông Chánh, từ nơi đánh máy bước sang nâng tay nhìn đồng hồ, nhìn cái bàn trưởng phòng ở giữa nhà. Có lẽ ông đếm giờ để chấm công Nam.
Hưng đóng cặp, ngồi xuống ghế, vuốt tóc, dửng dưng:
- Ông Nam hôm thứ bẩy vừa rồi đi khám bệnh nghi là bị ung thư!
- Sao! Căng-xe à! – Như bị điện giật, ông Tiễu bật đứng dậy, chỉ mặt Hưng, thét kinh hãi – Thằng Hưng! Mày nói cái gì thế! Đồ bố láo! Chủ nhật tao đến nhà nó chơi, nó còn tiếp một lô xích xông bạn bè, khách khứa, có thấy nó nói gì đâu!
Ông Chánh lẩm bẩm:
- Có nghỉ ốm thì ông ấy cũng phải viết giấy xin phép gửi cho tôi chứ.
- Ông ấy còn muốn giấu! Hưng liếc ông Chánh, mai mỉa – Mà đâu có phải việc gì cũng phải trình ông!
Trọng thấy nhói giật trong ngực. Hưng tặc lưỡi, lạnh lùng:
- Đời người thật vô lý quá!
Ông Tiễu kéo quai dép, quên cả ấm chè Thái mới pha, lập cập:
- Thế thì tao phải đi tìm nó. Nó ở đâu nhỉ? Tao, tao có quen xừ bác sĩ khoa này.
Trọng chụp cái mũ lá lên đầu:
- Bác Tiễu, chờ cháu đi cùng với.
Vừa lúc, cái loa ở hành lang ọ ọ rồi đột ngột lên tiếng. Ông Chánh bước vội ra cửa, đuổi theo Trọng và ông Tiễu.
- ở lại đã, các vị ơi! Có lệnh báo động hay sao kia kìa! Lại bão tiếp, bão tiếp rồi!
°
Nhưng mà trưởng phòng Nam đã tới cơ quan. Lúc này, Nam đã bước lên thang gác, đang đi vào hành lang. Cao lớn, tuổi ngoài bốn mươi, mặt vuông, hai con mắt trầm trầm, Nam mang cái ngoại hình của một con người nghiêm túc và nhẫn nại. Trong cái áo xanh da trời cộc tay và cái quần vải thô tím. Nam bước những bước chậm rãi, chắc chắn.
Hành lang đầy người các phòng, ban. Người ta vừa uống nước vừa nghe cái loa công cộng mắc ở tường truyền lệnh báo động số 2 của Ban chống lụt bão thành phố.
Nam chào hỏi một vài người. Nhưng không tiếp chuyện ai. Anh bước vào đầu phòng bên này, thấy phòng vắng, ghé sang phía phòng bên kia, thấy một đám người đang tụ lại quanh mấy cái bàn máy chữ bàn tán về cơn bão. Cạnh cô Vân, ông Tiễu đang hoa chân múa tay; chuyến thư báo vừa tới, chắc có nhiều tin tức mới. Cạnh cửa sổ, ông Chánh đang thì thào nhỏ to cái gì đó với Trọng.
Nam mở tủ. Anh lôi ra một cái cặp bìa đựng tài liệu và vỏ một quả bom bi Mỹ – hình tượng tổ mối, một đề tài Trọng đang nghiên cứu với sự
hỗ trợ của anh. Vừa đặt quả bom bi lên bàn, Nam quay ra cửa thì thấy Hưng xô vào.
Hưng sững lại, ơ một tiếng kinh ngạc, hình như bất ngờ về sự có mặt rất bình thường của Nam.
- Anh Nam! Tưởng anh không đến. Trận mưa bão hôm qua hại quá. Nước úng ba xã phía nam huyện Lý Hưng. Bẩy trăm người hiện đang sống trên mái nhà. Tỉnh phải nhờ máy bay trực thăng bên bộ đội đi thả bánh mỳ tiếp tế.
- Mình vừa lên uỷ ban họp về vấn đề ấy.
Trọng lách qua màn gió, hớn hở:
- Anh Nam, em và cụ Tiễu định đi tìm anh.
- Cậu về đêm qua à?
- Vâng. Tình hình nghiên cứu có nhiều triển vọng, anh ạ. Em và đội bảo vệ đê Nguyên Lộc đã tìm được dấu hiệu sinh vật của mối. Chiều qua, trước cơn bão, chúng bay ra...
Nam chợt nhận thấy Trọng ngừng nói và trong giây lát như ngừng thở, cặp mắt dài của Trọng như đờ ra, rồi bừng sáng, soi đăm đăm vào anh với một vẻ trắc ẩn không che giấu. “ Cậu ấy biết rồi ư?” Nam thoáng nghĩ, vội quay mặt vào ngăn tủ, nói lấp trong hơi thở:
- Trọng này, mình mới đọc tài liệu về vấn đề mối rất hay của hai nhà khoa học Pháp. Để mình tìm số hiệu thư viện của nó cho cậu nhé.
Ông Chánh đã sang, lại ghé tai Trọng thì thầm, rồi tiến đến trước bàn Nam, khi Nam vừa quay ra:
- Báo cáo đồng chí trưởng phòng - Ông Chánh hơi ngắc ngứ – Theo phân công của đồng chí, tôi vừa đi kiểm tra ba mươi vết nứt ở đê Nhị Lang. Tôi đã yêu cầu đội bảo vệ mổ tất cả các vết nứt ra, trám đất sét vào.
- Để họp sơ kết ông báo cáo luôn nhé.
- Dạ, còn vấn đề chỗ ở của đồng chí Trọng, tôi cũng vừa trao đổi với đồng chí ấy xong. Quả là đồng chí ấy từ tỉnh lẻ miền ngược chuyển công tác về đây đã hơn một năm mà chưa có chỗ đặt được cái giường cá nhân thì cũng là... Nhưng quả là khu tập thể cơ quan ta không tài nào thu xếp được. Đành thu xếp để đồng chí ấy ngủ... bàn ngay ở đây. Thôi thì cũng vì khó khăn chung, đồng chí Trọng ạ - Quay sang Trọng, giọng ông Chánh bỗng nhâng cao, rổn rảng khác thường – ấy, ngủ bàn mà hoá ra sướng đấy, cậu Trọng ạ. Tôi ấy à, cậu biết không, năm năm tư, vào tiếp quản thành phố này, hai vợ chồng ở vẻn vẹn có sáu mét ca-rê, nguyên nó là một cái chuồng béc-giê của một thằng quan Tây... Mà lúc này, cậu đang phấn đấu, lại đang còn trẻ... à này, mình biết cô ấy rồi nhé. Cạnh nhà ông cụ, tên là Loan, có đúng không? Trường túc bất tri lao! Khớ đấy! Bốn điểm cộng. Hà hà...báo cáo đồng chí bí thư, còn về công tác Đảng, tôi đã bảo cậu ấy làm đơn...
Nam cau mày, khó chịu về cách nói bỗm bãm, rề rà, chuyện nọ nhằng chuyện kia và rất không đúng chỗ của ông Chánh. Anh kéo ghế, ngồi xuống. Ông Chánh dò đoán thái độ cấp trên rất khéo, biết ý Nam, lại quay sang Trọng. Khổ! Lại cái giọng cha chú, cổ giả, thô thiển. Khổ nữa là nó lại
rất thành thật. Quan trọng hoá, lên mặt cũng rất thành thật. ấy thế, ông Chánh luôn tự coi mình là nhân vật đàn anh, mọi người phải nhờ cậy, kính nể. Ngay như chuyện chỗ ở của Trọng. Giá như Trọng luỵ ông một tý, nói khó với ông một câu – chứ không phải là đút lót, nịnh nọt ông, thì với tư cách chánh văn phòng cơ quan, ông lo cho Trọng từ lâu rồi. Đằng này, Trọng lại ương, lại không thèm ngỏ lời xin xỏ, cầu cạnh. Nam là bí thư chi bộ cơ quan. Cơ quan chưa đầy hai chục cán bộ, thì chín cán bộ là đảng viên, phân bổ đều ở ba phòng, mỗi phòng ba. Ông Chánh, Nam, Hưng là một tổ đảng. Vừa rồi, sau bao nhiêu lần vận động, giãi bày, thanh minh, ông Chánh trúng cử phó bí thư. Ông vào đảng năm bốn tám, hồi cải cách ruộng đất bị xử lý oan, năm sáu mươi học xong trung cấp thuỷ lợi, nhưng đã gần hai chục năm bỏ nghề, phần về kiến thức ông không vững chắc, lại thêm cái tội tí táu tí mẻ gì đó hồi chỉ huy công trường đê, nên ông bị điều về làm công tác văn phòng cơ quan. Nay, ông Chánh lại muốn trở về với nghề. Và cả trong lĩnh vực chuyên môn này, ông cũng cứ muốn là bậc đàn anh, bậc cha chú của lớp kỹ sư trẻ.
“ Ông này quả là con người không hiểu mình là cái gì. Rồi một hôm nào đó phải nói cho ông ta hiểu” Nam nghĩ. Nhưng, chính lúc ấy, bụng anh chợt dội lên một cơn đau nhói buốt rồi cứ giần giật liên hồi. Mặt Nam, thoáng cái đã tái nhợt như mất máu.
Hưng quay lại, chợt thấy Nam gục đầu trên mặt bàn, liền thét to:
- Anh Nam! Sao bảo anh...
Nam gầm mặt, nắm quả bom bi, bóp chặt, giọng đứt nối:
- ờ, ờ có khả năng là căng xe... Nhưng... ta họp đi. Trọng... báo cáo tiếp về chuyên đề tổ mối trên đê... Ông Chánh... báo cáo về vết nứt... Tôi... có mấy tài liệu mới tìm được của Pháp...
Ông Chánh hơi cúi xuống, môi lập bập định nói gì. Nam cố ngồi thẳng lên. Những cơn đau như thế, vài ngày nay đã hành hạ Nam, nhưng Nam đều đã vượt qua được. Và bây giờ, Nam cũng phải cố vượt qua.
- Không sao! Không sao! – Nam ngẩng đầu dậy, vuốt tóc, lắc đầu. Ta họp cả phòng nhé.
Ông Chánh lê xền xệt cái ghế, đứng dậy trịnh trọng:
- Báo cáo anh, bản tài liệu dịch của anh, cái Ly-đrô-lích-cơ... tôi đã giục cô Vân đánh nhanh. Anh cho họp ở đây chứ ạ?
- Họp ở đây thôi – Hưng nói thõng thượt – Cụ Tiễu đâu rồi nhỉ? ấm chè Thái nguội mất rồi, cụ Tiễu ơi!
Ông Tiễu từ ngoài cửa đâm xầm vào phòng, tay cầm điếu, tay giơ cao một cái phong bì thư dầy cộm:
- A! Bông-giua me-xừ sếp! Chào ông trưởng phòng! Báo tin mừng. Tớ mới nhận được thư của con dâu! Nó đỗ phó tiến sĩ Pô-li-me ở Ba Lan sắp về nước. Nó sẽ mang về cho tớ một cái nồi áp suất đại bố!
“ Ông cụ càng già càng cô-mích!” (°) Trọng nghĩ, trong lòng lại thấy thương ông, y như lúc ông nói ông mất con mèo quý.
- Các cậu có biết không – Vẫn cơn hào hứng, ông Tiễu quên phắt cả Nam và căn bệnh hiểm nghèo của anh – Chỉ mười phút là cả cái chân giò nhừ tơi ra. Cái nồi áp suất thế mới kỳ diệu chứ!
Hưng cười khì khì:
- Thời buổi này làm gì có chân giò cho cụ ninh, hả cụ?
- Chân giò hẳn đi chứ. Nếu cần, chân voi tao cũng có – Ngồi xuống ghế, mặt ông Tiễu vênh vênh hết sức trẻ con – Trọng! Mày về báo ba mày nhé. Đúng ngày rằm tháng này đến nhà tao ăn mừng con dâu tao vinh quy bái tổ. Nhớ chưa nào? Số nhà một trăm linh hai Hàng Nồi. Bỏ mẹ, hộp thuốc lào của tao đâu rồi!
Ông Tiễu đứng dậy, vỗ hộp túi quần. Như xem một màn hoạt kê, mọi người cười ồ, nhưng chẳng ai nói một lời. Tháng này, ông Tiễu về hưu, ông đã già, già quá hoá trẻ con, có lẽ vì vậy chẳng ai trách ông. Mặc dầu đã mấy năm nay ông gây chẳng ít phiền hà cho mọi người. Tiếng là kỹ sư, nhưng ông chẳng nhận làm một việc gì cụ thể. Ông cứ lăng xăng, mỗi việc dúng vào một tí, như chuồn chuồn đạp nước. Ông lại hay chửi đời và cũng hay khích bác bạn đồng nghiệp. Chỉ có Nam là dám nói thẳng với ông những điều ấy. Ông nổi cơn tự ái, có lần chửi Nam, bảo Nam chỉ đáng đi hót cứt. Nhưng, sau đó ông lại khóc, ân hận, xin lỗi Nam. Trong cơ quan, có lẽ ông chỉ nể trọng có mỗi Nam, mà cũng chỉ nể trọng về nhân cách thôi.
Như bây giờ, Nam đề nghị ông ngồi xuống để họp, ông nghe. Nhưng ngồi xuống rồi, ông lại dịch ghế về phía Trọng, ghé tai Trọng, rất khẽ:
- Này, Trọng! Tao coi mày như con nên tao mới nói cho mà cảnh giác. Mày mới ở tỉnh lẻ về, chớ có ngu lâu. Cái thằng Gia-ve (°°) này - Ông hất hai con mắt về phía Hưng – Cẩn thận, không là nó ăn thịt mày. Nó sẽ phá tan sự nghiệp của mày. Đấy, cái tài liệu Tổ Mối của mày, giữ cho kín, chớ có hở cho nó thấy. Đ. mẹ, kỹ sư như nó chỉ đáng đi hót cứt. Vụ vỡ cống Lợi Toàn năm kia chính nó phải vào tù mới đúng. Chính nó thiết kế, thi công cái công trình ấy. Chính nó chỉ đạo gia cố đê lúc đó. Ông thủ trưởng cơ quan thì u ơ. Để xem xừ Nam có dám moi chuyện này ra không. Còn cái thằng mu-gích láu cá kia - Ông liếc mắt về phía ông Chánh – Phải đề phòng! Chính nó xúc xiểm xừ thủ trưởng gạt lương chuyên viên hai của tao đấy. Nó bảo: Tao chỉ... chơi, lại hay gây gổ, đấu đá. Đ, mẹ cái thằng đểu! Hừ, tay Nam chơi được đấy, nhưng bây giờ hắn quỵ thì bọn này chúng nó làm loạn. La vi e mẹc, bố cu mẹc!
Lan trong người Trọng một cơn rùng mình nhè nhẹ. Nhưng Trọng vẫn tỉnh táo. Cụ Tiễu nhìn ai cũng rặt thấy xấu xa. Cụ méo mó rồi. Trọng nghĩ và nhớ đến cái công trình nghiên cứu về tổ mối dòng dã mấy tháng trời qua, nay sắp được trình bày ở cuộc họp này.
Nam ngẩng lên, đưa cho Trọng số liệu cuốn sách về mối ở thư viện. Ông Tiễu rót nước. Ông Chánh nâng một chén trà đầy, bằng cả hai tay, đưa Nam.
- Cám ơn anh. Nam đỡ chén trà - Tôi đề nghị, nhân cuộc họp này, đồng chí Hưng trình bày lại, coi những kiểm điểm trách nhiệm về vụ vỡ cống Lợi Toàn. Thời gian có ít, sắp tới anh em ta phải xuống các tuyến đê xung yếu. Vì vậy, phải tranh thủ thời gian...
Nam nói, cố kéo liền một hơi. Nhưng, những tiếng nói của Nam cứ rời rạc dần, rời rạc dần. Giọng Nam run rẩy và trộn lẫn cả với hơi thở. Nam có vẻ đã quá sức. Và Hưng đang lim dim mắt như đón đợi, thưởng thức ngấm ngầm điều thú vị gì đó, bỗng ngước lên, vành mắt mở hết cỡ, kêu nho nhỏ trong cổ họng khi Nam vừa đưa tay ôm bụng và gục mặt xuống bàn.
Chống tay đứng dậy, ông Chánh mím mím môi, trang nghiêm, lo sợ. Giọng Nam thều thào và đột ngột tắt. Trọng đứng phắt dậy, hốt hoảng: “Anh Nam!” Cố nghển đầu lên một lần nữa, không được, Nam lại đã gục mặt trên rìa bàn.
Ông Chánh vội nhẩy sang phòng bên, chạy tới cái máy điện thoại. Ba cái máy chữ ngừng tiếng, lạnh ngắt.