MƯA MÙA HẠ

Chương 15

Leo lên cây mít rồi lại tụt xuống, liên tiếp mấy lần, cuối cùng ông cụ Ruân ngồi chồm hỗm trên hàng tường vi, xót xa nhìn cái sân gạch, nhìn ba gian nhà ngói. Xót xa quá, dao đeo bên sườn rồi, trèo lên cây mít rồi, thế mà chẳng ra dao được nhát nào, vì trèo lên, tụt xuống rồi, mà vẫn vậy, hơn nữa còn mỏi rừ cả hai cẳng rồi!

 Con kiến mà leo cành đào. Leo phải cành cụt leo vào leo ra. Con kiến mà leo cành đa. Leo phải cành cụt leo ra leo vào. Ông cụ Ruân- con người sống sót sau trận vỡ đê khủng khiếp năm 1915 ở Nguyên Lộc- lúc này y như con kiến nọ vậy.

 Bao nhiêu lần ông cụ dùng dằng, do dự rồi, kể từ ngày có lệnh rỡ nhà, chuyển cả bãi Soi vào trong đê. Ôi chao, cứ nhớ đến trận lụt kinh người năm ấy, vào mùa nước, đứng trên mặt đê nhìn ra bãi Soi chìm trong dòng nước đục, thấy cây cối nhà cửa ở đó thật là cái chướng ngại cản ngăn dòng nước thoát, thì lòng dạ một hai là phải dọn phăng ngay nhà cửa xóm làng đi. Nhưng, bây giờ, vào mùa nước cạn, con đê nối liền với bãi ngô rộng thênh thang, nhìn thấy Bãi Soi nổi bồng xanh tươi, trù mật giữa hai vệt nước ôm vòng nhỏ teo, thì lại thấy trù trừ, lại thấy không nỡ chặt cái cây, rỡ cái nhà, thấy việc chuyển cư xóm bãi vào phía trong đê chẳng cần vội vã, chẳng có gì là cấp thiết cả.

 ấy thế! Bỏ đi cả một cơ nghiệp có dễ đâu! Đất bãi do ông cố cụ lập nên. Ông cố cụ thi Tam Bảng hỏng, bỏ lều chõng, theo gương các cụ nhà nho khảng khái, phẫn chí, rời nhà đến đây ở ẩn. Dạo ấy, bãi Soi mới nổi, cỏ cây um tùm, beo, lợn rừng, trăn gió nhan nhản. Tây, lý trưởng Nguyên Lộc

chẳng để mắt tới bãi Soi. Ông cố sóng với trời mây, cây cỏ, muông thú, sông nước. Chuyện còn truyền: đêm trăng ra sông tắm, thấy con cọp đứng uống nước đứng chắn lối, ông cố còn lấy tay phát vào mông đuổi nó để lấy đường đi như đuổi con bò, con trâu vậy. Mảnh đất hoang sơ ấy đến năm băm mốt thì thành cơ sở cách mạng. Cũng là tình cờ. Một chiến sĩ cộng sản vượt ngục, bơi qua sông, dạt vào. Thật là gặp rừng rậm kín đáo giữa nơi đồng bằng trống trải. Chủ nghĩa cộng sản và lòng yêu nước thương nòi gặp nhau, và lòng ông cố còn là sự đảm bảo chắc chắn hơn cảnh sông nước hoang vu. Thêm hai ba nhà nữa dọn đến, đất bãi thành nơi tin cậy cho các chiến sĩ cách mạng đi về. Lịch sử đảng bộ tỉnh ghi nhận đất bãi như một chấm son chói lọi trong các lưu niệm ở thời kỳ cách mạng thoái trào này.

 Giờ thì Bãi Soi đất lành, chim đậu, trù phú tốt tươi, hai trăm hộ đầm ấm quần cư. Thời chống Pháp, trai đất bãi như ông Long thủ cống từ đây bơi qua sông ra vùng tự do đi bộ đội. Dân đất bãi mỗi người là một mái chèo đưa bộ đội, cán bộ vượt sông vào hậu địch; địch chiếm bên kia sông, con đê là giới tuyến, đất bãi là cái chiến hạm của ta kề súng áp tai địch. Trải qua thời chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội, đất bãi càng có thêm chiều dầy lịch sử riêng. Ông cố mắt năm 1960, thọ chín mươi tuổi, tại đây. Dân lập đền thờ ông cố như thờ thành hoàng. Bãi Soi đã thành đất quê. Căn nhà gạch ba gian, nhà ông cố dựng, sau bao năm chiến tranh, sau những cơn thuỷ tai ngập lụt, vẫn đứng đó, bền vững, khang trang. Nhà cổ, tiền kẻ, hậu bẩy, thềm hai cấp, cột hiên đá trạm, cánh cửa bức bàn. Thân mít làm cột cái, cột quân, đỏ rau rảu, bóng như quang dầu, kê trên đá tảng đẽo kiểu đèn lồng, bền thiên niên vạn đại. Sân gạch, tường hoa, bể nước, qua các kỳ lụt lội vẫn trơ gan cùng nhật nguyệt. Chuối sau che gió, cau trước lọc nắng, cảnh trí càng thêm phần thanh tĩnh, thung dung.

 Nhưng tiếc cái nhà ngơ ngẩn, thì tiếc cái vườn còn đứt ruột đứt gan. Bỏ đi là mất mảnh đất bạc, đất vàng cắm cây nào cây nấy lớn vùn vụt, cho quả ngon nổi tiếng khắp vùng. Quả mít tuy nhỏ, nhưng không sơ, mỏng vỏ, múi dài, rít những mật là mật. Bưởi có vị mát phù sa. Hồng bì ngọt thấu ruột. Nhãn bằng nhãn tiến vua. Roi to như cái chén. Nhót đẹp như ngọn đèn hồng.

 Lại còn dàn trầu! Cây trầu đại khó tính. Nắng nhiều, mưa lắm, đất khô, đất ướt đều không ưa. ở đây, trầu bám bờ trường vôi, leo ba tầng cao, gốc kín lá, gà không vào bới nổi. Nắng tưới loãng, mưa tưới đặc, hai năm rút dây một lần, dàn trầu xanh quanh năm suốt tháng. Đám cưới phải có miếng trầu mới nên. Tiết tiểu hàn, đại hàn đi cấy có miếng trầu không biết đến giá buốt. Bốn lá trầu giờ những hơn đồng bạc!

 Cây là cảnh đời, là nguồn sống, là nghĩa tình. Động vào nó như động vào thịt da, ai nỡ chém phứt.

 Tới trưa, ông cụ Ruân vẫn ngồi thừ lừ trên hàng tường vi, nhìn cây, nhìn nhà, rưng rưng nước mắt.

 - Bác ơi!

 Nghe tiếng một người phụ nữ gọi, ông cụ lừ lừ quay lại. Thuận, chủ tịch xã, hai ống quần đen xoe lên tận đầu gối, tóc tết bím sau gáy, sườn đeo con dao tay, đang đi tới.

 Ông cụ cúi xuống, chớp chớp mắt, ngượng ngùng.

 Người phụ nữ cởi cái khăn đen ở cổ, buộc chùm lên mái tóc, nhìn quanh, giọng bỗng trầm xuống:

 - Bác ạ, con vừa chặt cây nhà con. Bác tiếc mười, con cũng tiếc tám chín. Nhưng... cái thế của mình không thể vì tham đó mà bỏ đăng. Tham bát mà bỏ cả mâm được.

 Ông cụ ngước lên, thấy bả vai và hai ống tay cô gái ướt đẫm, bỗng nhớ tới buổi trưa hôm nào, lúc vỡ cống, cô gái nhảy xuống làm kè chắn dòng nước lũ. Chống gối, ông cụ đứng dậy, thở đánh phào.

 - Thôi, bác để con chặt cho. Công việc gấp lắm rồi, bác ạ.

 Người phụ nữ rút con dao đi lại gốc cây mít cao nhất. Cạch! Cạch! Cạch! Nghe tiếng dao mở lối của cô chủ tịch, ông cụ quay đi. Rồi bỗng nhiên tựa như bị những tiếng dao nọ kích thích, ông cụ chồm tới gốc cây.

 - Thuận! Thuận!

 Cô chủ tịch quay lại. Mắt ông cụ ròng ròng nước:

 - Thuận, mày đừng hiểu lầm ông... Ông chần chừ... Không phải vì ông tính toán như kẻ khác.

 Cô chủ tịch thõng tay dao, chưa kịp đáp thì ông cụ đã khẽ đẩy cô sang một bên. Đứng thế vào chỗ cô, chân chạng rộng vững trãi, ông cụ vung con dao, nước mắt lã chã và tiếng nói vừa băm bổ vừa như hụt hơi:

 - Mày đi vận động nhà khác đi, Thuận... kệ xác bác! Cái thế nó phải thế! Bác không phải là đứa chỉ biết vơ lợi cho mình. Mình sống còn có làng có nước. Người ta hy sinh cả thân mình, người ta còn không tiếc nữa là...

 Bây giờ là buổi trưa, trời hanh khô khô ráo, lắng nghe thấy cả Bãi Soi đang ran ran tiếng dao chặt cây. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng cây to đổ đánh rầm, nặng trầm như tiếng đất lở ven sông. Rồi lát sau, có tiếng gió quất, đất rung nhè nhẹ, nhìn lên thấy lá cây bay lả tả. Cây mít to nhất nhà ông cụ Ruân đã đổ.

 Đứng cạnh ông cụ, lúc ấy tự dưng Thuận ứa nước mắt. Cảm động vì cảnh xóm bãi đã bắt đầu vào cuộc hoá thân từ bỏ mình, thương ông cụ, hay lời ông cụ làm cô trạnh nhớ? Cũng một trưa nắng hanh như hôm nay, cô chèo thuyền đưa anh Nhân, chồng cô, qua sông sang bờ bên nhập ngũ; trên đê đỏ rực cờ bay đưa tiễn thanh niên Nguyên Lộc lên đường ra mặt trận và tiếng trống ếch thiếu nhi thì thùng loang trên mặt sông.

°

 Cũng lúc ấy, ở căn nhà gạch năm gian to nhất xóm, nhà ông Long thủ cống, đang có đám cờ tướng. Căn nhà mới xây, bề thế còn hơn nhà phó lý Hữu, bố Thưởng. Tường quét vôi ve, trán cửa đắp nổi hình chùm nho tô xanh đỏ, hoa gió trổ hình mặt trời toé nắng vàng khè. Toà nhà dựng bằng sự bòn mót. Có thể chỉ ra thật rành mạch: Bê tông móng có sỏi dự trữ chôn ở

cơ đê, ngói có vài chục viên rỡ ở điếm canh, đòn tay chặt trộm ở hàng tre chắn sông... Của gian phi cứ ngang nhiên phơi bày lồ lộ giữa thanh thiên, cũng như chủ nhân của nó sau cái tội làm vỡ cống, vẫn cứ nghiễm nhiên là ông thủ cống sống đàng hoàng bình yên vô sự.

 Ông Long, thương binh loại nhẹ, nguyên phó chủ tịch xã, mắc tội tham ô công quỹ, giờ làm thủ cống. Làm thủ cống, trông coi hai cái cống nhỏ, một cái cống lớn trên đê, hàng ngày ông cứ nghêu ngao bài thơ tự sáng tác: “ Làm thủ cống, chẳng giấc quái nào say. Vì cứ sợ, nước đang vơi lại bỗng đầy”. Tính ông ngang cành bứa kể từ ngày ông rời chức phó chủ tịch. Mặc, ai nói người ấy nghe. Còn ông, ông có thế lớn, thế bộ đội, thế thương binh, thế họ hàng ông chủ tịch huyện, ông coi trời bằng vung!

 Giờ cũng vậy, toà nhà, vườn tược của ông vẫn chẳng hề động đậy, trong khi cả xóm đang ầm ầm công việc dọn dẹp để di chuyển. Vẫn như thường khi cái sân rộng lạch bạch đàn vịt trắng nhớ bữa về ngóng ăn. Và ở góc sân, trong bóng râm, một chiếc Hon-đa đỏ dựng chân chống, trên cái yên dài có ba con gà trống nhảy lên đứng rỉa lông.

 Vào lúc Thuận, chủ tịch xã, đang trên đường đi tới nhà ông, tại đây cuộc chiến trên bàn cờ tướng đang vào hồi quyết liệt. Tiếng hối thúc, tiếng hò hét từ trong nhà văng ra sân to đến nỗi ba chú gà trống giật mình hốt hoảng cất cánh bay từ cái yên xe máy xuống, chạy biến.

 - Nổ pháo! Nổ pháo!

 - Bay mã! Xuất xe!

 - Lưỡng chiếu đi! Hậu cứ nó lỏng lẻo lắm.

 - Tốc chiến tốc thắng, Há!

 - Thụt trước! Nguy hiểm quá. Mất mẹ nó tờ đỏ rồi.

 - Đấm thằng tốt.

 - Voi lên chặn!

 - Phát nữa! Ăn tiền rồi!

 Quả là một cuộc chiến có thừa say sưa, một cuộc chiến tranh tổng lực, đủ cả quân, sỹ, xe pháo, tiền duyên, hậu cứ với các chiến thuật công, thủ vô cùng linh hoạt. Vây quanh trận địa là hai bộ tham mưu khoảng mươi viên sĩ quan cả già lẫn trẻ. Còn hai viên tướng ngồi đối địch nhau thì một ông là ông Long, năm mươi mốt tuổi, cao gầy, lưng hơi gù, mặt thưỡi dài teo héo, lép mắt trái, môi tớn cong, lộ hàm răng thưa vàng khè. Phía bên kia là viên tướng trẻ có lối đánh ào ạt, dữ tợn. Gã này to lớn, ngồi rạp lưng tay khuỳnh, trông kềnh càng như con cua bể. Bàn tay phải gã nắm nắm như giấu cái gì bên trong. Cái mặt thịt lì bóng, trơ trơ, rất hoà hợp với cái cổ to ụ, đỏ hăm như màu cái mũi gồ của gã.

 Hai bên sau một hồi choảng nhau dữ dội đang trở về thế cầm cự. Mặt trận yên tĩnh. Ông tướng Long bây giờ mới ngẩng lên, bẻ vai khặc một cái, cười hà, nhìn viên tướng trẻ:

 - Cậu Thưởng là tệ lắm nhé.

 - Tệ cái gì kia?

 - Cưới vợ mà đánh bài lờ, chẳng thèm mời anh em điếu thuốc.

 Thì ra ông thủ cống nói chuyện đời chứ không phải đánh cờ. Gã trai cười tủm rồi cúi xuống, môi chúm chúm như thổi lửa:

 - Chậc! Vợ con là cái nợ đời. Thật ra cũng muốn mời bác, nhưng lúc ấy bác đang lôi thôi về chuyện cái cống vỡ.

 - Lôi thôi cái con khỉ!

 - Sao bảo ông chủ tịch huyện xuống tận đây lôi bác ra kiểm điểm.

 - Kiểm cái củ thìu tao ấy. Đêm ấy tao đội nón ra xem, thấy vẫn yên lành, tao mới về ngủ chứ. Đứa nào nói một giấc ngủ trị giá nghìn mẫu ruộng, tao gang mồm nó ra. Mưa xuống, nước lên, nó xồng xộc vào đồng, là do tao cả à? Còn cái cống vỡ là do thằng thiết kế láo!

 Xoay xoay một quân cờ giữa hai ngón tay, gã trai nhếch mép cười. Cha thủ cống này cãi bây, thế mà ăn thua đấy.

 - Dân chúng bây giờ họ ghê lắm, họ không để bác yên đâu!- Gã trai cúi xuống, chóp mũi như cái đầu đạn nhọn bóng.

 - Thì làm đếch gì được tao.

 - Sao bảo họ bãi chức thủ cống của bác.

 - Chức tước đếch gì cái thằng thủ cống! Tao... là tao sắp bay lên huyện.

 - A!

 - Bay thật à?

 - Làm gì đấy, bố?- Cái bàn cờ xôn xao.

 Ông thủ cống ngửa người, hấc một tiếng cười cụt rồi nói như hắt hơi:

 - Trưởng phòng vật tư!

 - Ối trời!- Gã trai kêu to, ngẩng lên- Ô dù gì mà vững thế, bác Long?

 Ông thủ cống cười hặc hặc, rồi vừa cười vừa mổ ngón tay trỏ xuống bàn cờ:

 - Ô, dù gì! Chiếu tướng đây này! Há há... Chạy đằng giời. Cờ cũng như đời, ăn nhau là ở cái miếng lừa, hiểu chưa?

 Lúc ấy cô chủ tịch vừa bước vào sân và đánh tiếng bằng việc xua đàn gà đang bới trong gầm bụi nhót.

°

 Thoáng cái, bàn cờ biến mất. Hai tờ giấy mười đồng tiền chầu, để ở rìa phản chui ngay vào túi ông Long. Cô chủ tịch bước vào nhà thì cái Hon-đa đỏ nổ máy. Trên phản chỉ có ba ông trung niên và ông thủ cống đang điềm nhiên thuốn nõ cái điếu bát, giả tảng như đang dở câu chuyện mùa màng làm ăn với mấy ông bạn.

 - Bác Long này, cái anh vừa ở đây đi xe máy ra có phải là Thưởng không, bác?

 - Phải.

 - Anh ấy là con nhà phó lý Hữu...

 - ối, từ hồi tám hoánh.

 - Hộ khẩu ở đây mà cấm thấy mặt anh ta bao giờ. Đi dân công, đắp đê đã tham gia lượt nào. Mà khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng chỉ thấy tên, không thấy người bao giờ.

 - Thanh niên thời đại này phải để nó bay nhẩy chứ.

 Không đợi ông thủ cống mời, Thuận ghé xuống rìa phản. Ông thủ cống rịt thuốc vào nõ.

 - Bác Long ạ, hôm qua đã họp các đầu ngành, đầu giới, quyết nghị là hôm nay bắt đầu chuyển xóm. Bác bí thư mời bác ra trụ sở gặp để bác ấy truyền đạt...

 Xoè diêm, kéo một hơi dài rồi ngửa cổ, thổi khói thành một hơi thắng vút, ông thủ cống cười nhạt, thủng thẳng:

 - Cứ làm như rỡ cái chuồng gà không bằng!

 - Bác bảo sao?

 - Là tôi nói các ông các bà bàn bạc quyết định toàn những việc ném trấu ngược gió.

 - Sao bác lại nói thế! Hai trăm hộ thì một trăm chín mươi tám hộ đã làm đơn xin đi. Chỉ còn có nhà bác và nhà Thưởng.

 - Tôi đếch biết.

 - Bác không muốn biết tthì tuỳ bác. Nhưng việc này toàn dân đã bàn nát về mọi mặt lợi hại rồi.

 - Toàn đi con đường trái nước ngược gió cả.

 Hạ thấp cái mặt thưỡi, khép con mắt độc nhất lại, ông thủ cống xoay người vào phía trong, rồi lê ra ngoài phản, thò chân xuống đất, đứng dậy, vươn vai ngáp:

 - Tôi chẳng đi đâu cả. Mà xin báo với cô là tôi sắp lên huyện công tác rồi, cô nhé.

 - Bác không đi đâu cả!

 - Sao?

 - Thường vụ đảng uỷ đã nhất trí: Không đồng ý cho bác lên huyện công tác!

 Chà! Cô chủ tịch nói năng sao mà kiên quyết, kiên quyết mà sao vẫn điềm tĩnh thế! Một giây ngây đờ qua đi ngay. Mặt ông thủ cống đỏ dần, rồi đỏ tía lên. Ông chồm tới trước mặt người phụ nữ:

 - Thường vụ nào?

 -...

 - Hả?... Hả! Chúng mày định về hùa với nhau để trù ép tao hả?

 - Bác không được phép ăn nói hồ đồ như thế.

 - Quân khốn! Răng nhe nhe ông thủ cống gầm ghì- May mà thằng Nhân chồng mày nó chết rồi, chứ nó mà sống với mày thì...

 - Ông Long! Ông Long! Đứng phắt dậy, mắt người phụ nữ cháy đỏ và giọng chị rung lên cay nhức, đớn đau. Tôi cấm ông không được động đến cá nhân tôi- Trời! Lại có cả cái thứ người trơ tráo, nhẫn tâm như ông cơ à!

 - Nhưng mà...

 - Không phải lúc nói năng gì nữa. Ông không có quyền. Yêu cầu ông ra trụ sở ngay.

Hai con mắt im phắc ứa đỏ vì nén chặt khổ đau, chờ cho người đàn ông bây bửa chụp cái mũ lá lên đầu, bước ra khỏi nhà, người phụ nữ mới đột ngột ôm mặt, ngồi thụp xuống đất, nghẹn ngào: “ Ơi anh Nhân ơi, sao anh bỏ em, anh không về...”