May là lúa mì đã gặt xong cả, không thì đến ngâm ở ngoài đồng; đất vàng, cỏ xanh, cây cối, tất cả đều sũng nước, thay màu, chương lên. Đất pha cát vốn hút nước rất khoẻ, bây giờ cũng thành vũng bùn. Bùn chảy tràn ra bốn phía, khỏa lấp hết những hố trũng to nhỏ chung quanh. Đá sỏi trên đồng hoang được mưa rào gột rửa, đá vân màu trắng muốt và đá thạch anh trong suốt phơi cả ra trên mặt đất, làm cho các bãi đất nổi lên giữa mặt nước có vẻ thanh khiết lạ thường. Những cành cây đã no nước không còn chịu đựng nổi những cơn mưa liên tiếp dội xuống nữa, tất cả đều ủ rũ cúi đầu, xuôi vai rũ rượi; cỏ xanh um tùm hết lớp này đến lớp khác nằm rạp trên mặt đất, trộn lẫn với bùn nước, ngọn cỏ ngoan ngoãn xuôi theo chỗ trũng, hệt như loài rong ở lòng sông. Nhìn qua cửa sổ, cảnh vật bên ngoài trở nên hết sức lạ lẫm, con người như thình lình lạc vào thế giới khác. Ai nấy thấy lòng thắc thỏm, tựa hồ như đất sắp sụt dưới chân mình.
Xóm làng nằm trên mọi doi đất quá cao nên chưa bị ngập, nhưng như một cái đĩa chứa đầy nước, cái nước bùn đục ngầu kéo theo đủ thứ từ hố xí, từ chuồng lợn, từ tàu ngựa của mọi nhà chảy tràn ra chung quanh. Trong đĩa là một bãi nước đục ngầu láng nền nhà và còn đang dâng lên nữa. Có những bức tường bắt đâu nứt vỡ, có những ngôi nhà bắt đầu đổ sụp. May mà những nơi đó đều không có người ở. Lợn mẹ, lợn con chạy nháo nhác khắp xóm tìm chỗ trú mưa. Cuối cùng chúng nằm bẹp trên doi đất dưới mái hiên khu nhà tập thể, mà lo lắng nhìn lên bầu trời.
Tôi dồn hết cả hơn hai chục con ngựa do tôi chăn vào tất trong ngôi nhà kho to thường ngày vẫn lấy làm hội trường. Lúc đó lúa mì chưa tuốt, rơm mới chưa cắt nên nhà kho vẫn bỏ không. Đàn ngựa đứng chen chúc dưới tấm biểu ngữ chăng ngang, như đang sắp sửa lắng nghe bản báo cáo “ phê Tống Giang ” tràng giang đại hải. Gà vịt của các gia đình công nhân nông trường lúc này đều ướt sướt mướt, đứng rụt cổ trong chuồng, chẳng còn hơi sức mà quang quác lên nữa.
Lúc vừa bắt đầu mưa, tôi kéo hai cây gỗ tròn ở chuồng ngựa về làm hai cây cột chống bên ngoài gian nhà ọp ẹp của tôi, đỡ lấy vách sau và vách hồi đã nghiêng nghiêng chực đổ. Nhờ vậy, dẫu có mưa tiếp mấy hôm cũng chẳng lo. Người tôi sũng nước từ đầu đến chân. Tôi chạy vào nhà, cô hết sức ân cần đi xách nước, lấy xà bông khăn mặt cho tôi và đỡ lấy trong tay tôi từng chiếc quần áo ướt tôi cởi ra.
- Nhà có đàn ông vẫn hơn! – Cô cười vui vẻ thoả mãn.
- Đàn ông thì cô có thể kiếm đâu chả được một người. Bây giờ chỉ vật tư mới khan hiếm, chứ người thì lại quá thừa, thừa nhất là đàn ông.
- Cái đó thì chưa chắc – Cô bỗng thân mật với tôi khác hẳn thường ngày, véo một cái vào vai tôi – Đàn ông được như anh thì hiếm lắm.
Tôi nguẩy lưng về phía sau, ẩy cô ra xa.
- Thôi đi đi! Với cô thì miễn cứ đàn ông là được.
Tôi cảm thấy dường như cô đớ người ra đằng sau lưng tôi, và sau đó, suốt cả buổi chiều không nói không rằng, cứ âm thầm khâu đế giầy, âm thầm làm cơm, tối đến sau khi đi ngủ, âm thầm buông một tiếng thở dài.
Buổi tối không có điện. Nghe đâu vì sợ nước xói đổ cột điện thì nguy hiểm, nên nông trường ngắt hẳn cầu dao chung. Ngoài cửa sổ tối om om, trong nhà cũng tối mò mò. Nằm cuộn mình trong chăn, tôi nghĩ bụng: các bậc hiền triết đã dạy bảo tôi như thế, sao tôi còn nói những lời đay nghiến cô làm gì? Và tôi cũng âm thầm buông một tiếng thở dài.
Giờ ngọ hôm sau, giữa lúc mọi người còn tưởng mưa nữa, thì bỗng nhiên trời tạnh, tạnh dứt khoát, tựa hồ như trên trời cũng có một chiếc cầu dao chung đóng mở nước mưa vậy. Trên trời không có lấy một giọt nước, chỉ có làn gió ẩm sì làm rung lên những gợn sóng lăn tăn trên mặt đất lúc này đã hoá thành ao hồ. Trên đỉnh đầu còn âm u, nhưng đằng chân trời đã hửng. Từng đám mây đen khổng lồ cuồn cuộn trôi đi, dần dần tan biến ở chân trời hửng sáng. Mây đen thưa dần, bầu trời mỗi lúc một quang đãng.
Nhưng mọi người mới thở phào nhẹ nhõm một chút, thì bốn bề thôn xóm bỗng rít lên những hồi còi lanh lảnh. Tiếng còi rất vang và kéo dài, tựa như những chiếc dùi sắt gõ liên hồi vào màng nhĩ người ta.
- Mau lên! Mau lên! Mương cái vỡ bờ rồi!
- Lên mương ngay! Lên mương ngay! Toàn nông trường tập hợp!
- Mang theo cuốc xẻng, sọt đất….
- Mau lên, mau lên! Không ai được ở nhà….
Các trung đội trưởng, tiểu đội trưởng chân đất giẫm bùn lép bép vừa chạy vừa hét. Công nhân nông trường đàn ông đàn bà đều chui ra khỏi nhà, đứng cả dưới những giọt gianh còn long tong chảy mà hỏi thăm nhau, nghe ngóng tình hình. Thật ra chẳng còn phải nghe ngóng gì nữa, năm nào cũng một lần như vậy: mùa hè hễ có mưa rào thì mương chính nhất định tràn. Nhưng lần này xem ra khác hẳn mọi lần, công nhân chần chừ hỏi nhau:
- Làm thế nào? Đ.mẹ, bỏ đi cả thì ai trông nhà?
- Chỉ giỏi bốc phét! Đ.mẹ, ra cái lệnh cũng không nên hồn!
- Để xem mấy ông đầu nậu có đi không đã, mấy ông đầu nậu không đi thì chúng mình cũng đếch đi.
- Phải đấy! Chứ nếu thật vỡ đê mương cái, lũ về thì trong nhà cái bát ăn cũng chẳng còn!
- Lại còn lũ nhóc nữa chứ, làm thế nào bây giờ?
Cánh đàn bà gào khóc.
Nhưng các đầu nậu sau lúc thổi còi đều vác cuốc xẻng chạy cả ra đường cái bùn nước lõng bõng. Tào Học Nghĩa khoác cái áo mưa vải nhựa bộ đội, ngoác mồm ra hét lớn:
- Mau! Đàn ông đi tất! Đàn bà ở lại trông nhà. Nhất thủy nhì hỏa, lụt thì lút cả làng, không chừa một ai, không nhà nào thoát được đâu!
Gào lên một thôi một hồi như vậy, gào đến lạc cả giọng đi, mọi người mới vỡ nhẽ là sự thể quả cực kỳ nghiêm trọng. Thế là tất cả cánh đàn ông vác cuốc vác xẻng, khiêng lồng khiêng sọt, lội bùn bì bõm, dồn cả lên phía tây xóm. Đàn bà vội vã chạy vào nhà, bế con ẵm cái, leo hết lên giường ngồi.
Tiểu đội trưởng chăn nuôi dẫn cánh chăn ngựa, chăn cừu, chăn bò, nuôi lợn….đến nhà kho ôm bao tải ra xúc cát đổ vào để ném xuống chỗ đê vỡ. Còn cách rất xa, đã nghe tiếng la hét om sòm, quát tháo ầm ĩ phía đập mương cái, đến khi họ bò lê bò lết lên đến nơi, thì ở đó đã đông nghịt người. Bà con trong công xã cũng kéo đến, còn đông hơn cả công nhân nông trường chúng tôi, đội nào đội nấy chỉ lo bồi đắp gia cố đoạn đập nhằm đúng ngay vào xóm mình. Làm như là nếu vỡ đoạn khác thì nước chẳng tràn về xóm mình. Người ta trèo lên trèo xuống trên bờ đập mương cái, cứ như một đàn kiến vỡ tổ.
Mương cái chưa vỡ, nhưng ở phía tây bờ đập, thì quả là mênh mông như biển cả. Từ bờ đập tôi đang đứng cho đến tận chân núi, chẳng còn thấy một bãi đất một ngọn cây nào.Trên mặt nước màu nâu nhạt, lều bều một đám bọt trắng xoá, như từng tảng băng sơn lênh đênh ở chân Nam cực vậy. Những đám củi rều, cây mục cỏ dại và phân dê phân cừu trên núi trôi xuống bị sóng đánh dồn vào thành đống, quay tròn trên mặt nước như đang tìm lối ùa ra. Chỉ cần một làn gió nhẹ thoảng qua là mặt nước dềnh lên, những đợt sóng lớn, vỗ ì oạp vào sườn đập. Quanh cảnh thật là dữ dội và khủng khiếp đối với người nông dân Tây Bắc, từ thưở cha sinh mẹ đẻ chưa trông thấy biển bao giờ.
Không phải nước trong mương dâng lên, mà là lũ trên núi tràn về. Đập mương cái lúc này đóng vai trò một con đê chắn lũ. Lúc này, nước lũ cách mặt đập chỉ có không đầy một thước. Nếu đập bị vỡ một chỗ, bất cứ ở chỗ nào, thì nước lũ ở mấy trăm ký lô mét vuông từ đây đến chân núi sẽ lập tức ào xuống cuốn băng đi hết cả mấy chục xóm làng bên phía đông đập.
Giờ đây chẳng còn cách nào khác: trên mương tưới không có cửa ngầm xả lũ, vả lại nước lũ mênh mông bể sở thế kia cũng không thể xả đi đâu cho hết được, chỉ có cách chở đất lên mặt đập đắp cao lên mãi mà thôi. Mọi người nháo nhào làm dồn dập một thôi một hồi rồi bắt đầu sắp xếp dần dần có tổ chức hơn. Từ mặt đập đến chân đập, người ta đứng thành những dây chuyền dài: người ở chân đập xúc đất, người ở giữa chuyền tay nhau những sọt đất, còn người ở trên mặt đập thì san, đầm.
- Nước thế này rồi thôi không dâng lên nữa thì còn được….
- Đ.mẹ! Lũ to thế này mà tràn xuống, thì chạy cũng không kịp!
- Đằng ấy có biết bơi không?
- Chúng mình toàn là một lũ gà tồ cả, có ai biết bơi đâu?
Đúng thế dân làm ruộng và chăn nuôi ở miền núi và hoang mạc này, chẳng mấy ai biết bơi.
- Lo gì, chết rồi thế nào cũng nổi lên thôi ấy mà! – Có ai đó đùa tếu cho mọi người đỡ căng thẳng.
- Xác chết trôi ấy mà, đàn ông thì nằm sấp, đàn bà thì ngửa bụng lên trời.
- Lại còn phân biệt đàn ông đàn bà ư?
- Chứ không à! Thì cũng như trên giường ấy chứ sao….
Chợt trên mặt đập có tiếng người thét lên:
- Kìa, trông cái gì kia? Người chết hay sao ấy?
Mọi người trên mặt đập nhìn theo tay người ấy trỏ, quả nhiên là một xác chết, mặc áo màu cỏ úa, đang rập rờn trên mặt nước mênh mông.
- Ái chà! Xác nằm sấp, chắc là một anh chăn cừu?
- Đ.mẹ! Thế cừu đâu? Sao không thấy cừu chết?
- Hay là người của sở kiểm lâm ở trên núi kia?
Thấy có người chết, mọi người càng hoảng sợ.
- Mau lên, mau lên! Đất đâu? Đất đâu?
- Cố lên nào! Đập này mà vỡ, thì chúng ta cũng như thằng thằng cha kia ráo.
Tôi giữ việc san, đầm trên mặt đập, từng sọt đất chuyền đến tay tôi, tôi lần lượt đổ xuống mé ngoài đập, rồi cả tay lẫn chân cứ thế tôi hùng hục vừa đắp vừa dận cho thật chắc. Chẳng biết niềm hưng phấn nào đã tăng thể lực tôi lên gấp bội, gió rét căm căm nhưng mồ hôi tôi vã ra đầm đìa mà không hề thấy mệt.
- Nhanh lên! – Tôi gào luôn miệng - Dồn người lại đằng này, dồn thêm người lại đằng này….
Ai làm hăng thì được quyền chỉ huy người khác. Ở đây chẳng còn phân biệt đội trưởng, bí thư hay công nhân, mọi người chỉ nghe theo người nào làm giỏi nhất. Đây là giờ phút nguy hiểm giữa cái sống và cái chết, mọi quan hệ cấp trên cấp dưới hằng ngày đều bị đảo lộn tuốt.
- May rồi – Tôi bảo mọi người - Nước không dâng lên nữa rồi.
- Sao? Sao? Làm sao anh lại biết?
- Lúc vừa mới lên đây, tôi đã đánh dấu rồi. Đây thôi, hơn một tiếng đồng hồ rồi mặt nước vẫn ở nguyên mức cũ.
- Hì! Mới biết ông Chương nhà ta khôn thật! Chúng mình thì cứ chúi mũi vào làm – Đám công nhân nông trường cười hể hả.
- Tốt rồi! – Tào Học Nghĩa vẫn chuyền đất ở giữa chừng, lúc này cũng reo lên – Bây giờ có thể có thể xả hơi một chút rồi đấy. Ai có thuốc thì hút nhá.
- Đào đâu ra thuốc? Ngâm nuớc hết cả rồi!
- Thì hút thuốc của bí thư, bí thư có thuốc lá cao cấp đấy…
- Không hút thuốc được đâu! - Từ trên cao tôi trừng mắt nhìn Tào Học Nghĩa – Bây giờ nguy nhất là thẩm lậu rò rỉ. Chỉ cần lỗ rò bằng ngón tay, là cả con đập sẽ vỡ đấy!
- Đúng đấy! – Tào Học Nghĩa vội vã cất hộp thuốc vừa moi trong túi ra - Tất cả hãy tỏa ra kiểm tra xem…..
Anh ta vừa dứt lời, thì quãng đập của bà con công xã cách chúng tôi không đầy một trăm mét, có tiếng hô hoán khủng khiếp:
- Nước vào rồi! Nước vào rồi!….
- Trời đất ơi! Bịt ngay lại, lấp ngay lại!….
- Chuyển gùi đất lên đây….
- Người ngồi luôn vào đấy…..
- Đội trưởng ơi có phải thúc chiêng không?
Bà con xúm đông xúm đỏ ở chỗ ấy, túm tụm lại trước cái lỗ rò. Người của đại đội chúng tôi cũng chạy tới. Vỡ chỗ ấy thì xóm làng của bà con và đại đội chúng tôi gánh chịu tai hoạ trước nhất.
Lỗ rò to bằng cái thùng gánh nước, một luồng nước lũ phun vọt ra, nước bùn đục ngầu réo lên ào ào, nghe mà sởn gai ốc. Nước dường như không phải chất lỏng, mà là một cột kim loại rắn chắc, đã quật đổ tất cả những lùm cây bụi cỏ trước mặt nó và còn đang xói thành một đường rãnh to trên gò đất đối diện. Đất tảng và sọt đất bà con xã viên vứt xuống lập tức hoá thành bùn nhão và bị tống bay đi. Mấy chục cái sọt hết nhẵn đất bị luồng nước xói sạch như lau như chùi, lúc chìm lúc nổi vật vờ giữa dòng nước xiết; mấy bác xã viên lúc đầu ngồi trên bờ lỗ rò bị tống đi xa mấy chục thước, lúc này đang lồm cồm bò lên gò đất.
- Lấp bên trong không ăn thua! – Tôi thét lên - Bịt bên ngoài, bịt bên ngoài!
Quan hệ cấp trên, cấp dưới lộn tùng phèo, ranh giới công xã với nông trường cũng xoá nốt. Công nhân nông trường với bà con xã viên hoà làm một, cùng giáp mặt đối phó với lỗ rò khủng khiếp kia.
Đất trên miệng lỗ cứ sụt lở từng mảng. Lỗ rò đang bị khoét to ra từng giây từng phút.
Nhưng nước bên mé ngoài đập to quá, sâu quá, không sao nhìn thấy được dấu vết của xoáy nước hút vào lỗ rò kia. Miệng ngoài của lỗ rò là ở chỗ nào?
Có mấy bác xã viên đứng trên mặt đập lầy lội, thò cán cuốc, thò đòn gánh xuống nước dò tìm miệng lỗ, nhưng ngập cả cánh tay vẫn không mò được đến nơi.
Bờ đập có nguy cơ bị đổ xô tới nơi.
Đứng trên mặt đập nhìn về phía đông, có thể nhìn thấy bốn năm cái xóm nhỏ ướt như chuột lột đang dần dần lấy lại sinh khí dưới bầu trời bắt đầu quang đãng trở lại. Có mấy chiếc ống khói đã bắt đầu ùn lên những làn khói đen dầy dặc vì củi đun ướt.
- Để tôi xuống – Tôi nói – Các anh kiếm một sợi dây buộc vào lưng tôi đi.
Mấy xã viên không biết bơi vội vàng tháo dây quang trên mấy chiếc sọt ra nối lại buộc vào người tôi. Tôi nhẩy ùm xuống dòng nước lũ.
Nước ở ngoài đập dễ sâu đến lút ba đầu người, đáy nước mấp mô lồi lõm. Tôi đằng nào cũng đã khắp người ướt đẫm mồ hôi rồi nên lúc này cũng chẳng thấy rét nữa. Tôi lao đầu lặn xuống đáy nước, mò được vách ngoài của bờ đập, vừa mò được mấy mét thì có luồng sức hút ghê gớm kéo mạnh hai chân, và một chân tôi hút vào miệng lỗ.
Ai đã từng trông coi đập đều hiểu rõ, khi có lỗ rò thì miệng lỗ phía nước vào bao giờ cũng bé hơn, không bao giờ to hơn phía nước ra, do sức phá của nước.
Tôi rẽ đám cỏ dại và củi rều ngoi lên mặt nước.
- Không sao! – Tôi gào lên - Miệng lỗ lúc này mới chỉ to hơn cái chậu rửa mặt một chút thôi. Buộc ngay cho tôi một bó rơm và một bao tải đất, mau lên!
Trên bờ đập liền quẳng xuống một bó rơm buộc rất chặt và một bao tải đất lèn thật căng. Tôi ghìm bao tải đất đè lấy bó rơm lặn xuống đáy, đưa đến gần lỗ rò, tôi chưa kịp nhồi thì cả bao tải lẫn bó rơm đã tuột khỏi tay tôi, được dòng nước xiết cuốn vào bịt chặt lấy miệng lỗ rò như người ta đậy cái nút chai vậy.
Lần thứ hai tôi ngoi lên mặt nước thì đã nghe thấy tiếng reo hò vui sướng ở mé bên kia đập.
- Bịt được rồi! Bịt được rồi!
- Đ.gì! Trong lỗ rò còn réo ầm ầm đấy!
- Bây giờ thì đổ đất vào, đổ đất vào nhanh lên đi!
- Đồng chí ấy ở đơn vị nào thế? Chiến sĩ giải phòng quân hà?
- Giải phóng quân cái đếch gì đâu! Tay chăn ngựa của nông trường đấy mà. Tôi vẫn gặp tay ấy ở ngoài bãi luôn.
- Cũng đã có hồi chăn cừu…..
- Phải viết thư biểu dương đồng chí ấy….
Một người chìa tay ra kèo tôi lên. Tôi ngẩng lên nhìn, thì ra là Tào Học Nghĩa.