Bà con trong làng đưa cơm đưa thịt ra cho các xã viên chống lũ cứu đập, còn có cả rượu. Các cụ cứ nhất định giữ bằng được tôi ở lại đánh chén. Mới biết làng xóm vẫn giàu tình người hơn ở nông trường. Cấp dưỡng nông trường thì chỉ đến giờ nấu ba bữa cơm xong là nghỉ, chống lũ chống liếc gì mặc anh.
- Đồng chí không ăn cơm thì cũng làm với anh em tôi bát rượu, cho nó át cái rét đi chứ - Một người dáng chừng là cán bộ ở làng cứ một hai chèo kéo - Vẫn biết các anh ở nông trường sinh hoạt cao, lương phát đều hàng tháng, chứ không như bà con xã viên chúng tôi, ngày công chỉ có năm xu……
- Chén rượu đào nỡ nào từ chối! - Một người bên cạnh nói chen vào - Đồng chí không uống là đồng chí coi thường anh em chúng tôi đấy.
- Công nông liên minh cơ mà - Một bác không biết nói thế nào hơn – Công nhân các đồng chí là anh cả của chúng tôi….
Thế là tôi đành ở lại và mấy miếng cơm, nhấp một ngụm rượu.
Đến buổi hoàng hôn, phía mặt trời lặn có ánh ráng chiều, con đường đất lầy lội có vẻ như sáng sủa hơn cả ban chiều, và cũng khô ráo hơn nhiều. Muỗi, dĩn chẳng hiểu sao không bị mưa cuốn đi, lúc này chúng ở đâu ùa ra mà đông thế, bay từng đàn từng đám, vo ve nhặng xị cả lên. Ếch nhái cũng bắt đầu gào, bốn bề nhao nhao tiếng ì ọp nghe vui vẻ đáo để. Trông chừng, ngày mai có lẽ đẹp trời.
Tối nay đã có điện. Trời chưa tối hẳn, ở ngoài đường cái nhìn vào, đã thấy trong xóm nhà nào nhà nấy đèn sáng trưng, có vẻ như để bù lại tối hôm qua bị cắt, lại cũng có vẻ nhà nào nhà nấy ăn mừng tai qua nạn khỏi.
Ôi! Tôi là đồ phế thải! Tôi chẳng qua chỉ là đồ phế thải! Là con ngựa thiến….! Mọi cố gắng đều là công cốc, đều là vô nghĩa! Thế nhưng con người ta vẫn cứ còn sót lại một chút anh hùng rơm đến là nực cười. Chút anh hùng rơm ấy chẳng phải để cứu vớt ai khác, mà là để cứu vớt chính mình. Có lẽ tôi đã được cứu vớt? Không đến nỗi tuyệt vọng chăng? Duy chỉ có điều an ủi cỏn con này. Điều an ủi sao mà nhỏ nhoi đáng thương!
Tôi khật khưỡng bước đi. Cơm rượu nguội lạnh của bà con xã viên như đóng băng lại trong bụng tôi, đè nặng giữa ngực tôi. Cái thứ rượu không phải nấu bằng gạo mà có lẽ bằng hạt cỏ kê hay khoai tây gì đó, vừa đắng vừa chát, giờ đây chẳng những không xua tan cái rét mà trái lại làm tôi ớn lạnh, rồi run lên cầm cập.
Tôi đẩy cửa bước vào, rồi đổ kềnh xuống nền nhà.
- Trời đất ơi! Anh trông cái thân anh kìa…..
Cô đang nhào bột cạnh lò. Trong con mắt tôi, cô chẳng khác nào một khối sắt nung đỏ. Cô bỏ công việc đấy lao ra phía tôi. Tôi cảm thấy cô khỏe vô cùng, vừa ẵm vừa lôi, cô xốc nách ngay tôi vào nhà, bế tôi lên giường. Đôi bàn tay khéo léo của cô, thoăn thoắt cởi tuột hết bộ quần áo ướt sũng cho tôi, kéo tấm chăn có thêu hình chiếc máy kéo kia đắp lên thân hình tôi.
- Biết anh tài giỏi rồi! – Cô vừa làm vừa kể tội tôi - Việc gì mà anh phải ra tay hiệp sĩ thế?! Thiếu ối gì người, người ta thành phần cơ bản, giác ngộ cao, sao người ta không nhảy xuống nước? Em ở nhà đã nghe người ta kể lại cả rồi. Em đang rủa thầm anh trong bụng: ngốc ơi là ngốc! Thật chỉ có cái đồ ngớ ngẩn như anh thì mới đi làm cái việc như thế! Sao anh không biết khoanh tay trước ngực đứng trên bờ mà nhìn nhỉ! Nhìn những kẻ thường ngày vẫn ra rả hô to “ cách mạng ” nỏ mồm nhất ấy để họ xuống họ làm…..
Cô lại chạy ra ngoài, bưng vào một bát nước gừng nóng hôi hổi.
- Nào, đang nóng đây, uống cạn một hơi đi. Em đã chưng sẵn cho anh đây, chờ anh mãi chẳng thấy anh về! Em lại nghĩ hay là anh chết chìm dưới nước rồi….
Nghe cô vừa kêu lên kinh hãi vừa lầu bầu kể lể, tôi thấu hiểu tình cảm tha thiết lo lắng của cô. Đàn bà thật kỳ lạ, không sao hiểu nổi, không biết đường nào mà lần! Xót xa thương hại chăng? Đồng tình chăng? Hay đó là tình yêu như người ta thường nói? Hay là mỗi thứ đều có một tí nhưng lại chẳng hề có gì cả? Hay chỉ là nghĩa vụ giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn giữa những người ở cùng một nhà?
Húp hết bát ô tô nước gừng cay sè, trong bụng đã ấm lại nhiều, cái tảng băng đè giữa ngực tôi lúc nãy đã tan đi, nhưng da tôi vẫn lạnh buốt, tưởng như vẫn còn ngâm trong nước lũ. Trên mình tôi nổi từng đám từng đám da gà, rồi như người lên sởi, cả hai quai hàm tôi đều run lên cầm cập. Thế là cô quỳ trên giường, hai tay day xát thật lực trên mỏ ác và hai cánh tay tôi.
- Đáng đời chưa! Sao lại không chết chìm quách đi?! Chết chìm đi thì người ta còn làm lễ truy điệu, biết đâu còn truy nhận làm đảng viên cộng sản cơ đấy!….. Đi mà tranh cái công ấy, xem có ai khen anh một câu không nào?! Chưa biết chừng người ta còn vu cho anh âm mưu khoét to cái lỗ rò ấy ra cũng nên! Kinh nghiệm bao nhiêu năm rồi, anh vẫn chưa nếm đủ hay sao? Thật cứ như con lợn ấy, nhớ ăn chứ không nhớ đòn…..
Da ngực và hai cánh tay tôi đã căng ra, ửng hồng lên, tôi bỗng có cảm giác lâng lâng trên mây trên gió, và tâm hồn như có phần thảnh thơi êm dịu. Gương mặt cô chập chờn trước mặt tôi, lượn qua lượn lại, như cánh diều giấy thật đẹp…..Nhà có người đàn bà vẫn hơn! Cô cũng chẳng nói thế là gì? “ Nhà có người đàn ông vẫn hơn ”. Té ra là cái cảnh hai hộ riêng lẻ ghép thành một tổ hợp tác mà cô đã nói trước kia đây! Nghĩ đến thế tôi bất giác mỉm cười.
- Anh cười cái gì thế? Em nói không đúng sao? – Cô khẽ tát lên má tôi – Ôi! Kìa anh, má anh vẫn lạnh như băng ấy….Nào áp vào ngực em đây này….
Hai tay cô cầm lấy hai đuôi vạt áo, giằng ra hai bên, dãy khuy bấm trước ngực áo mở toang ra. Không phải là tiếng dãy khuy bấm tách ra, mà là tiếng xé phăng da thịt cô: Cô đâu chỉ vạch toang chiếc áo, cô đã mở toang cả lồng ngực mình! Trước mặt tôi, hai bầu vú đầy căng như hai bông sen to trắng phau phơi bày lồ lộ, hoa vẫn đang rập rờn giữa hồ nước trong. Cả hoa lẫn nhụy dường như to hơn, tươi non hơn, thần tiên hơn cả những gì tôi có trong ký ức.
Huyền bí và kỳ diệu thay! Tôi bỗng thấy trào dâng một niềm rạo rực xưa nay tôi chưa từng có bao giờ. Là tình yêu đó chăng? Tôi đưa tay ghì lấy cô…..
- Anh khỏi rồi! - Tiếng của cô đâu từ dưới đáy nước sâu thẳm nổi lên.
- Đúng thế……Anh cũng không biết….. –Tôi bật cười.
Một cái cười xót xa tê tái trộn lẫn với mừng rỡ si cuồng, một cái cười của kẻ động kinh. Tiếng cười mỗi lúc một to, cười rung cả mình mẩy, cười giàn giụa nước mắt.
- Anh còn……được nữa không? - Giọng nói mơ hồ lại từ đáy nước nổi lên.
- Được chứ! – Tôi trả lời thật dữ dằn