- Anh làm sao về muộn thế?
Cô đưa ngón tay cái và ngón trỏ nhón lấy một hạt hướng dương, ngón tay út giơ cao lên, đưa lên giữa hai chiếc răng cửa nõn nà bằng một động tác duyên dáng như trên sân khấu, lơ đãng hỏi một câu.
- Con Xám vạm vỡ của tôi bị tụt xuống hố bùn – Tôi nói, tiện tay treo chiếc roi ngựa lên cái đinh cô đã quy định.
- Cơm ở trong nồi đấy – Cô vẫn ngồi yên tại chỗ.
Tôi rửa mặt xong, bê cơm ra bàn, đuổi con mun đi. Trong chiếc chiếc vỏ đồ hộp làm cái gạt tàn để trên bàn, có mấy đầu mẩu thuốc lá.
- Ai đến thế? – Tôi hỏi.
Theo ánh mắt tôi, cô nhìn chiếc vỏ đồ hộp, im lặng một lát rồi nói:
- Bí thư Tào.
- Ông ta đến làm gì?
- Có gì là lạ. Quý chúng mình thì đến chơi thôi.
- Bí thư mà lại quý chúng mình, chỉ nguyên điều đó đã đủ lạ rồi – Tôi vừa ăn vừa nói.
Cô đưa mắt nhìn tôi một cái, rồi lại tiếp tục cắn hạt hướng dương. Im lặng một lúc, cô mới nói:
- Anh đến là kỳ quặc. Cứ như là trời sinh ra để bị người ta khinh rẻ thì mới thích thú. Người ta quý mình, người ta đến nhà chơi, thì anh lại thắc mắc không yên. Chúng mình có chột mắt cụt mũi gì đâu nào, cớ sao lại không sống được trước con mắt người ta giống như mọi người khác.
Nói có lý có lẽ, tôi chịu không cãi được, đành lặng lẽ ngồi ăn.
Ăn xong tôi dọn bát đũa ra bàn bếp, lúc này mới cảm thấy rã rời mệt mỏi. Tôi cứ tưởng cô sẽ nói như mọi bận: “ Anh để đấy, em rửa cho ”. Nhưng không, cô chẳng nói gì cả, thế là tôi bắt tay rửa, cô cũng chẳng ngăn.
Cô vẫn ngồi bên bàn ăn, uể oải cắn hạt hướng dương, rồi uể oải vươn vai một cái rõ dài, đoạn dốc hết tàn thuốc trong chiếc vỏ đồ hộp ra tờ báo, vo viên lại vứt vào sọt rác, rồi cầm lấy chiếc bàn chải nhỏ, cẩn thận trải khăn bàn thật sạch sẽ. Bất cứ lúc nào, ngay cả lúc chán chường buồn bã nhất, cô vẫn giữ được thói quen gọn gàng sạch sẽ.
- Anh cởi bộ quần áo của anh bỏ ngoài kia, đừng mang vào gian trong, anh lăn lê những đâu, mà cứ như trâu đầm thế kia? – Cô nói xong cũng không hề nhìn tôi, vén luôn rèm cửa đi vào. Tôi làm theo lời cô, cởi bỏ bộ quần áo bê bết bùn đất ra, quẳng vào chậu giặt. Chần chừ một lúc, tôi đổ nước vào, tự mình giặt lấy.
Khi tôi vào buồng cô vẫn chưa ngủ, mắt mở thao láo, nhìn lên trần nhà dán bằng giấy báo, cứ như đang đọc một bài nào trên đó.
- Chưa ngủ à? – Tôi buột miệng hỏi.
Cô không buồn đáp, mà trở mình quay mặt vào vách. Tôi trải chăn mé giường đằng này. Gần đây, tôi lại đắp cái chăn cũ của tôi, cô đắp cái chăn cũ của cô, còn chiếc chăn cưới mới tinh có thêu hình chiếc máy kéo của chúng tôi, thì đặt giữa hai người để làm ranh giới. Chiếc vỏ chăn đỏ rói, đúng là cái màu cảnh cáo răn đe.
Tôi nằm xuống, vớ lấy một quyển sách, nhưng mãi chẳng đọc được chữ nào. Cô cũng không giục tôi tắt đèn đi ngủ như mọi hôm, cả đến hơi thở cũng không nghe thấy. Gian buồng chìm trong một thứ im lặng đến nghẹt thở, đòi hỏi tôi phải phá tan.
- Hương Cửu này – Tôi bỏ sách xuống, dốc hết quyết tâm nói - Nếu cô cảm thấy không hợp ấy mà, thì chúng ta có thể ly hôn.
- Có mà điên! – Cô tiếp ngay lời tôi bằng một giọng hết sức tỉnh táo, rõ ràng là cô chờ mãi cái phút tôi lên tiếng – Tôi đã ly hôn hai bận rồi, bây giờ vừa mới cưới nhau lại ly hôn nữa? Để người ta cười cho thối mũi ra à. Sau này tôi cũng còn phải sống nữa chứ - Sau đó là tiếng khóc tức tưởi – Thôi thôi, đủ rồi! Chỉ tại cái số tôi đen đủi rủi ro, cái kiếp tôi nó khổ thế! Bây giờ thì tôi đã rõ, cả đời tôi chẳng bao giờ được sống sung sướng đâu!
- Đâu có? Cô còn trẻ chán! – Tôi bỗng thấy mủi lòng xót xa – Cô chẳng phải viết đơn đâu, để tôi viết cũng được……
- Anh viết, anh cứ đi mà viết. – Cô giẫy lên trong đống chăn – Anh lấy cớ gì mà viết? Tôi có tội tình gì? Anh lấy lý do gì mà đòi ly hôn với tôi nào?
- Ấy, cô đừng hiểu nhầm! – Tôi vội vàng giải thích – Không phải là cô có tội, mà là tôi có tội. Luật hôn nhân chẳng đã có điều quy định: “ Những người không có năng lực trong sinh hoạt vợ chồng thì không được kết hôn ”. Chỉ có điều sau khi cưới chúng ta mới biết được điều đó.
- Thôi, thôi! – Vai cô rung lên – Đem cái lý do ra càng chỉ tổ cho người ta cười. Người ta lại tưởng cái con Hoàng Hương Cửu này chỉ thèm cái của ấy….
- Cũng chẳng sao cả. Đó là một lý do quang minh chính đại.
- Thôi cút anh đi. Chuyện chăn gối mà quang minh chính đại à? Chỉ có cái hạng mọt sách như anh mới mở mồm ra mà nói như vậy được.
Việc quang minh chính đại, hợp lý hợp pháp, thì ở nơi này lúc này không thể giải quyết một cách hợp pháp hợp lý, chính đại quang minh. Tôi suy nghĩ đắn đo mãi: quả có vậy! Nhưng đâu là cách giải quyết êm thấm trọn vẹn? Tôi quả là vô kế khả thi….
- Hề hề! - Lại cái giọng cười khẩy lạnh nhạt của cô mà tôi nghe đã quen tai – Tôi đã nghĩ kỹ rồi: chúng ta kết hôn thì cũng coi như hai hộ riêng lẻ nhóm họp thành hợp tác xã vậy. Chúng ta đâu có đáng được gọi là gia đình? Vẫn là hộ độc thân đấy thôi. Tôi cũng cầm bằng như vẫn ở với bà cụ Mã, anh thì cứ coi như vẫn ở bên cạnh Chu Thụy Thành là được. Chúng ta giúp đỡ nhau trong cuộc sống, những công việc nặng nhọc như gánh nước, nhào than, vác gạo, bổ củi thì anh giúp tôi; còn thổi cơm, giặt giũ quần áo, quét dọn nhà cửa thì để tôi làm.
- Hu, hu…. – Cô như không nén nổi, bỗng oà lên khóc - Chứ còn biết làm thế nào bây giờ? Đành phải vậy thôi…. Tôi mong lên mong xuống, mong ngày mong đêm, mong có được một người đàn ông tử tế….Việc gì tôi cũng làm được, tôi tình nguyện hầu hạ chồng tôi, ăn ở đời kiếp yên lành với nhau, dù cho người ta có thay đổi chính sách, thay quân đổi quan gì đi nữa, thì người ta cũng phải để cho dân được sống chứ?! Không có dân, thì ra cái nhà nước gì nữa? Chúng ta cứ đóng cửa buồng lại mà ăn ở với nhau, không gây rối, không kiếm chuyện, không để người ta thọc gậy bánh xe. Thế mà, than ôi…..mong lên mong xuống, mong ngày mong đêm cuối cùng vớ phải cái đồ phế thải vô tích sự là anh! Anh là cái thứ đàn ông gì? Bà cụ Mã còn cứ một hai khen anh tốt nết, mát tính, phúc hậu. Hề, hề! Bây giờ tôi mới biết, anh đâu đáng mặt đàn ông. Tôi nghe người ta bảo, lũ hoạn quan ngày xưa cũng ẽo ợt đồng cô như anh đấy…..Anh mà là đàn ông ra thằng đàn ông ấy à, thì dù anh có suốt ngày đánh đập chửi bới tôi…..
Từng giọt, từng giọt nước mắt to như hạt ngô bất giác trào lên hai khoé mắt tôi. Tư duy của tôi rối loạn hẳn. Một nỗi đau đớn xót xa to lớn quật tôi ngã vật trên giường. Đèn vẫn còn sáng nhưng trước mặt tôi trời đất tối sầm, tối đen như mực, rồi chợt nẩy đom đóm như sao xa.
- Trời ơi là trời! – Tư xưa tới nay tôi không hề tin trong cõi u minh có trời đất quỷ thần gì, nhưng vẫn không nén nổi gào lên – Ông trời ơi, sao ông nỡ đày đoạ tôi đến thế này? Ông vật tôi ngã lăn đùng ra còn chưa đủ sao, lại còn giẫm lên ngực tôi nữa.
Cô thấy tôi nằm im bèn ngồi dậy, nhìn tôi bằng cặp mắt ướt đẫm đỏ hoe. Có lẽ cô nhìn thấy nước mắt tôi đầm đìa, nhưng cô cũng chẳng nói gì, chỉ đưa tay giật tắt ngọn đèn.
Lẽ ra tôi phải nằm dịch vào an ủi cô, vỗ về cô, ôm chặt cô vào lòng, và tỉ tê, và hành động…để dỗ dành cô vui lên. Nhưng tôi đâu có cái năng lực ấy, tôi không có cái năng lực để mà đảm đương lấy cái nghĩa vụ mà lẽ ra tôi được gánh vác. Trước đây tôi cũng thử vài lần, những lúc cô không vui. Nhưng lần nào rồi rốt cuộc, cô cũng cố sức đẩy tôi xuống rồi lồm cồm ngồi dậy. Mắt lờ đờ, mặt đỏ lựng, cô hổn hển thở dốc.
- Anh chỉ làm em thêm khó chịu thôi! – Cô bảo.
Thế là tôi hiểu, từ nay tôi không được đụng đến cô nữa. Tôi phải nép mình sang một bên, phải chúi vào trong xó nhà kia, tốt nhất là hoá thành con chuột. Trong cái mà người ta gọi là nhà đây, trong hai gian nhà kho dột nát này, cô dần dần phình to ra mãi, cuối cùng cô choáng hết toàn bộ không gian, và chẳng còn đâu chỗ cho tôi dung thân nữa. Trước kia lúc tôi còn ở nhà tập thể của nhân viên độc thân, thì chỗ ở của tôi cũng hẹp thôi, nhưng không gian tâm lý của tôi thì mênh mông bát ngát; giờ đây không gian nhà cửa của tôi rộng hơn nhiều, nhưng không gian tâm lý cứ co thắt lại hẳn. Tim tôi bị cô nhét cho đầy ứ, tôi thấm thía cái câu người ta thường nói: “ nẫu ruột, nẫu gan ” là nghĩa thế nào.
Đến bây giờ tôi mới nếm mùi được biết, có một thứ áp lực còn khủng khiếp hơn cả áp lực xã hội, đó là áp lực gia đình. Lần lượt nhớ lại những người bị hành hạ giày vò đến phải tự tử trong bao nhiêu cuộc vận động đấu đá trước đây, tôi nghiệm ra rằng cái bẫy cò then chốt nhất, thúc bách họ đi tới hành động tuyệt vọng lại chính là tác động của vợ con đối với họ. Chính tác động này thúc họ đi đến quyết định cuối cùng. Còn những người chịu đựng và vượt qua mọi nỗi giày vò, thì phần lớn đều có một hậu phương vững chắc và êm ấm. Ngay khi ngồi trong chuồng bò, không có lấy cả một chiếc đũa, họ vẫn có thể cảm ứng được nỗi niềm nhớ nhung của một con tim.
Lại một lần nữa tôi nghĩ đến tự tử. Đã thành ra thứ đồ phế thải, thành ra người phân nửa rồi, chỉ có quyền để cho người ta sai khiến chẳng khác gì con Xám vạm vỡ kia, cuối cùng lay lất kiếp sống thừa trong cái tàu ngựa, sống vật sống vờ như thế thì phỏng còn ý nghĩa gì nữa? Những ngày này, người mẹ thân yêu khuất bóng từ lâu hiện ra trong chiêm bao của tôi. Vẫn như trong ảnh, người hiền từ, xinh đẹp, khoé miệng luôn nở một nụ cười vĩnh hằng bất diệt. Trong làn sương mù mịt hư ảo, người thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện. Nhưng mỗi lần tôi hấp tấp bò đến bên người thì người lại biến mất. Tỉnh lại, tôi cứ thầm đoán mãi cơn chiêm bao, cho đến khi trời sáng hẳn: người đang gọi tôi đi theo người chăng? Hay người động viên tôi tiếp tục sống nữa?
Sau buổi rạng đông, nhà kho dần dần sáng sủa hơn. Một túp nhà dột nát vách siêu mái sụt đã được bàn tay Hương Cửu sửa sang dọn dẹp trở nên sạch sẽ khang trang. Tôi là người chúa ghét mạng nhện, cái mạng nhện thường khiến tôi liên tưởng nhà tù. Vậy mà trong túp nhà kho vốn rất dễ bắt màng nhện này, giờ đây sạch sẽ như lau chùi. Chiếc bàn viết làm bằng cánh cửa, khăn trải bàn trắng tinh, trên cửa sổ, trong chiếc ống nghiệm trong suốt cắm một chùm hoa mã lan phơn phớt tím chen vài bông bìm bịp hái ngoài bờ dậu.
Nền đất ghép từng viên gạch phẳng lỳ; trên tường đất màu vàng, giấy báo cắt dán khéo léo chẳng kém gì giấy bồi vách có hoa văn đẹp mắt. Lọ kem xoa mặt và chiếc gương tròn của cô, chồng sách dầy cộm của tôi, mọi thứ đều tưng bừng sức sống lúc nào cũng tung tăng hớn hở làm vừa lòng chủ nhân.
Đôi bàn tay tài hoa của cô đã gẩy lên những nốt nhạc tuyệt vời của khúc “ Mộng xây tổ ấm Bồng Lai ”. Và nhìn lại cô đang ngửa mặt thiêm thiếp giấc nồng, từ vầng trán cho tới khuôn cằm, chủ nhân của đôi bàn tay khéo léo ấy thật xinh tươi duyên dáng, khác nào người đẹp trong tranh. Mọi thứ đều không có ý hắt hủi tôi, mà trái lại, như đều ra sức cuốn hút tôi vào trong đó, cuốn hút tôi vào cuộc sống bình thường. Nhưng giữa tôi với mọi thứ đó lại đang có một bức tường giá lạnh ngăn cách, một bức tường xây bằng gạch pha lê không thể nào đập vỡ được.
Cơ năng sinh lý của tôi, cho đến đầu nút dây thần kinh của tôi, đã khiến tôi không bao giờ được hưởng thụ cuộc sống của con người bình thường nữa, đã khiến tôi đã mất hết khả năng sáng tạo mà mỗi con người bình thường hằng có.
“ Sinh tồn? Hay hủy diệt? ” Tôi lặp đi lặp lại mãi câu nói của Hăm-Lét.