Lá lúa mảnh dẻ đầy lông tơ, lại bị che lấp lẫn dưới cỏ kê, cỏ ba cạnh và lau lách, với cặp mắt mệt mỏi, phải tách biệt được chúng ra. Hơn ba nghìn mẫu lúa nước của chúng tôi, xưa kia là đầm lầy đầy cỏ dại và muỗi dĩn, vốn là xứ sở của le le và vịt giời. Bắt đầu từ những năm 50, hết năm này sang năm khác, tù lao cải đã dần dần lấp bằng.
Nhưng chất đất mặn ở vùng trũng chỉ cấy được lúa nước, hơn nữa không bao giờ tháo chảy được hết nước. Trừ cỏ không sạch rễ, bãi hoang tuy đã thành đất trồng trọt, nhưng tất cả các loài cỏ nước lại mọc lên tốt hơn, rậm rạp hơn. Vì ruộng được bón thêm phân. Bây giờ lấy tay nhổ từng cọng cỏ một, đừng hòng nhổ được hết.
Song cũng đành nhổ bằng tay.
Có hề gì, đội lao cải thiếu gì người.
Nhổ đi, nhổ đi! Giải phóng cho từng mảng mạ ra khỏi lùm cỏ rối. Có chỗ nhổ hết cỏ chỉ còn trơ lại đám bùn loãng, chẳng thấy mạ đâu.
- Phải đào móc cho hết củ cái cỏ ba cạnh!
- Phải lôi cho bật gốc lau lên!
Đội trưởng Vương đội mũ cói rộng vành, đi lại quát tháo trên bờ ruộng.
Làm sao mà lôi bật gốc lau lên? Chúng kéo bè đan kết vào nhau dưới bùn sâu, dường như toàn bộ lau lách của cả vùng đầm lầy này đều mọc lên từ cái rễ to bằng con trăn khổng lồ. Làm sao mà móc củ cái cỏ ba cạnh lên được? Loại củ này tên vị thuốc là << hương phụ tử >>, nằm sâu dưới bùn đen. Với lại, định mức hằng ngày cho mỗi tù nhân là năm sào, cỏ mọc um tùm thế này, chổng mông chổng đít cả ngày, ông cứ làm thử một sào xem nào?
Anh em tù vơ đám cỏ nhổ không bật rễ lại thành búi, rồi lẳng lặng lấy chân dận xuống bùn. Vất lên bờ mà đội trưởng bắt được thì cứ gọi là ăn chửi. Gốc lau không nhổ lên được đứt giữa chừng, nước chui vào đoạn gốc rỗng, sủi bọt kêu lục bục, như muốn tố giác người tù.
- Tao cứ tưởng là đứa nào không nhổ được gốc lau lên kia đấy, hoá ra là tao đánh rắm - Người tù không lôi bật được gốc lau lên, ranh mãnh pha trò cười.
- Rắm kêu lớn nhỉ! Sao không thối lại có mùi cỏ tươi, không phải rắm con lừa đấy chứ?
Người tù bên cạnh trêu anh ta, thế là cả đám hỉ hả cười lên vui vẻ.
Phải thế chứ, phải có cái gì vui lên một chút, không thì làm sao sống nổi? Có người cất giọng hát:
Anh hai đi nông trường lao cải.
Bỏ em ba ở lại phòng không.
Em ba ơi chớ lo lắng phiền lòng.
Ở nông trường lao cải, bụng anh không đói nào!
A - ới – a! Ới – a – a!
Giữa trưa nắng càng gay gắt, màu xanh im lìm đè nặng lên mặt đất. Vịt giời, ếch nhái đều chẳng buồn kêu, không khí như đặc quánh lại. Thi thoảng, một cơn gió nóng từ hẻm núi ào tới, cuốn theo về không khí bỏng rát của sa mạc, lau lách rung lên xào xạc nghe như tiếng kim khí cọ xát vào nhau, nước bùn đục ngầu nóng bỏng chân. Đám tù nhân chẳng còn hơi sức đâu chuyện trò nữa, chúi đầu mải miết làm, cố đạt định mức 5 sào. Khẩu hiệu << đổi ác theo thiện, tiền đồ sáng sủa >> cắm ngay trên bờ mương kia kìa. Tôi vác xẻng đi lại quanh quẩn bên đám ruộng tôi phụ trách. Đứng đằng trước mà nhìn, thì dưới ruộng lúa là những cái đầu tóc bị nắng hun đốt cháy sém vàng hoe khô khốc, đây đó mồ hôi loang loáng nhỏ giọt, bốc ra mùi thum thủm hắc hơn mùi lá mục. Nhìn từ phía sau thì lổm ngổm toàn mông đít. Mông đít vá chằng vá đụp, loang lổ bùn đất vàng khè.
Trên cao, bầu trời xanh thẳm; ở dưới mặt đất xanh rì. Trong suốt, sâu thẳm, đẹp tươi. Nhưng ở giữa là đám người một màu đen ngòm bị đè cho bẹp dúm.
Chợt trong ruộng lùa bùng lên tiếng hoan hô vui sướng. Hóa ra xe chở cơm đã hiện ra trên bờ mương nhánh cao cao.
Bốn con ngựa kéo mấy thùng cơm đi trước, một chú lừa kéo thùng nước khổng lồ theo sau, thủng thẳng bước dưới bóng liễu. Mẹ kiếp! Xem kìa, chúng nó dẫn rượu đi đủng đà đủng đỉnh! Chúng mày ních no căng rốn rồi chứ gì?! Món gì nào? Thoang thoảng mùi cải trắng nấu cải củ, chỉ ước sao buổi trưa được cái bánh bo bo to hơn tí: lạy ông bà ông vải, khôn thiêng phù hộ. Được miếng ăn đâu có dễ! Có điều coi như bữa nào cũng có ăn.
Đội trưởng Vương đã thổi còi. Tù nhân vùng lên như bạo động, ào tới chiếc xe cơm đỗ trên bờ mương nhánh.
Chạy nhanh! Bánh lĩnh trước to hơn, lĩnh sau vớ phải bánh dưới thùng không bị vẹt thì cũng bị bẹp dí.
Tù ăn cơm, chẳng khác gì con chiên lúc cầu nguyện, phải một lòng một dạ dốc hết đức tin vào đó. Đang ăn mà có ai quấy rầy, thì người tù giống hệt con sói đang ngoạm một con thỏ, răng nhe ra, miệng gầm gừ giận dữ, mắt vằn tia máu, gườm gườm nhìn người ấy ngay. Đội trưởng Vương biết vậy cho nên dù công việc cấp bách đến mấy, ông cũng không bao giờ quát giục tù nhân nhồi nhét cho nhanh. Ông thường bảo:
- Trời đánh còn tránh bữa ăn!
Nếu buổi sáng hoàn thành tốt định mức, ông còn để tù nhân nghỉ trưa thêm một lát.
Hôm nay mới bắt đầu làm cỏ, suốt mùa đông rồi cả mùa xuân ru rú mãi trong trại và làm việc trên ruộng khô, ngày đầu tiên thấy nước, họ vô cùng thích thú, nên tiến độ làm cỏ buổi sáng rất nhanh. Đội trưởng Vương rất khoái, cơm xong ông để tù nhân nằm nghỉ trên bờ mương. Dù chẳng có gì che, người nào cũng rũ ra như tầu lá héo dưới trời nắng nóng, nhưng nằm nghỉ vẫn thoải mái hơn làm việc. Đội trưởng Vương ngồi một mình dưới bóng cây nhỏ, lấy cọng cỏ xỉa răng, mắt lim dim thỏa mãn nhìn đám tù nhân dưới chân ông, chẳng khác nào người chăn cừu nhìn đàn cừu no nê của mình.
Khi tù ăn cơm trưa, thì tổ trông coi đồng ruộng chúng tôi, đi kiểm tra các bờ ruộng và các cửa tưới tiêu. Cánh tù chẳng tiếc gì lao động của mình, càng không coi trọng lao động của người khác. Nhãng đi một chút, là có kẻ phá hoại các cửa tưới tiêu, hoặc giẫm nát bờ ruộng ngay. Người coi ruộng vất vả, khổ sở mới dẫn được nước vào đồng ruộng, nhưng sơ ý đi là cánh tù tháo cho cạn sạch, hoặc để nước mương dồn vào vỡ hết bờ. Chúng mày đi mà đắp lại! Chúng mày thiếu chó gì thời gian!
Tù ở đại đội cho rằng, ruộng lắm cỏ thế này là tội của bọn coi ruộng.
Tù làm không hết định mức thì trút giận lên đầu người coi ruộng. Ruộng làm cỏ xong thì cả cỏ lẫn lúa đều nát bét, chẳng khác gì có đàn trâu vừa giẫm…
Hơn hai trăm mẫu lúa do tôi trông coi, chia làm bốn lô, ngay ngắn như bàn cờ nằm hai bên bờ hai con mương tưới thẳng tắp. Mỗi dòng mương tưới cho hơn một trăm mẫu. Mương cái vuông góc với mương nhánh. Mỗi mương nhánh lại tỏa ra mấy chục dòng mương tưới như vậy. Ruộng lúa, một bên sát liền mương tưới, còn bên kia là mương tiêu sâu hơn. Do địa hình thấp trũng, mương tiêu quanh năm đầy nước, mùa đông thì đóng băng, cho nên nước ở đây lạnh buốt. Hai rìa mương tiêu, lau lách mọc thẳng cao vút. Đây là những gì còn sót lại của đầm lầy xưa kia. Xuân sang thì ngoài ruộng, lau lách mọc lên trước tiên thẳng tắp nhọn hoắc như chông. Chúng hút nhựa sống từ mương tiêu quanh năm không bao giờ khô cạn, lớn lên như thổi. Khi gieo mạ không dẫn nước vào ruộng, thì chúng đã cao hơn đầu người. Giờ đây lau lách rậm rạp dầy đặc, gió thổi không lọt, chẳng khác gì một bức tường xanh biếc.
Bên kia bức tường xanh biếc ấy, tôi nghe có tiếng phụ nữ cười đùa vui vẻ. Tù đàn bà làm cỏ ở lô ruộng bên cạnh. Họ không cùng ăn với tù đàn ông trên bờ mương nhánh. Trực nhật của họ gánh cơm phía trên bờ mương tưới để họ ngồi ăn riêng một chỗ.
Trong coi lô ruộng bên cạnh, là một ông tù già, già nhất trong tổ tôi, đã ngoài năm mươi tuổi. Đội trưởng Vương bố trí đến là khéo! Ông chịu án tám năm, hết năm nay thì mãn hạn, ông sẽ chẳng dại gi mà gây chuyện rắc rối vớ vẩn.
Có người tù đàn bà nào đó cất tiếng hát oang oang:
- Sắp hành sự nốc vào bát rượu, là khắp người dồn máu hăng lên….
Giọng hát khản đặc, khàn khàn, chẳng khác nào một khói sương mù dầy đặc xám xịt vượt qua bức tường xanh, quay cuồng khắc khoải. Nhưng chỉ phút chốc, tiếng hát chợt im bặt. Phía trước tôi, trong đám lau lách im lìm, vọng ra tiếng khỏa nước bì bõm, nghe như có đàn vịt giời đang ríu ran đập cánh trên mặt nước.
Đúng vịt giời! Loài chim nước mỏ bẹt lông cánh sặc sỡ ấy thường thường là những bữa tiệc cải thiện của anh em trong tổ coi ruộng chúng tôi. Cơm của đội lao cải dẫu được ăn no, nhưng rất ít khi có thịt. Bắt vịt giời, bắt cá trở thành nghề phụ của tổ chúng tôi. Ở ngoài người ta săn vịt giời bằng súng hoặc đánh lưới, vào đội lao cải thì tài trí thông minh của con người, được phát huy hết cỡ, chúng tôi chỉ hai bàn tay không cũng bắt sống được vịt giời ngon ơ. Cái giống ngu xuẩn ấy thích làm tổ trong bụi rậm. Lau lách um tùm, chúng ra vào đâu có lên thẳng xuống thẳng được như trực thăng. Chúng phải mở một lối đi nho nhỏ trên ruộng lúa bên mương tiêu, thoạt tiên hạ cánh xuống ruộng rồi theo lối nhỏ bơi đến bờ mương tiêu, bò lên bờ lạch bạch về tổ. Ra khỏi tổ đi kiếm ăn lại phải theo một quy trình ngược lại. Chúng tôi thường nhìn thấy vịt giời bên bờ mương tiêu nghiêng đầu nghển cổ nhìn trời, thật chẳng khác nào mấy thầy nho sĩ xem xét thời tiết lúc xuất hành. Chúng tôi chỉ cần nhìn thấy ở đám ruộng nào cỏ lúa bị rẽ ra thành một vệt, lần theo vệt dài ngoằn ngoèo quanh co ấy tìm đến bờ mương tiêu, là thế nào cũng thấy ngay dấu chân vịt hiện ra rõ ràng. Đêm đến, sẵn đèn pin của đội phát cho, chúng tôi lần theo dấu vết ban ngày đã phát hiện, chắc chắn là nhìn thấy cái ổ kết bằng rơm và cành khô của nó. Một ổ như vậy ít ra có hai con vịt to, lại còn trứng và vịt con nữa. Ánh đèn pin chiếu vào, vịt ta vươn dài cổ ra, đầu nghẹo đi, giương cặp mắt đờ đẫn nhìn chằm chằm vào luồng sáng, chẳng hề cựa quậy. Tròng mắt sáng lấp lánh như huyền ngọc, đầy nét dại khờ, ánh lên vẻ trong trắng ngây thơ và hồn nhiên thanh thản mà loài người đã đánh mất từ lâu. Ánh sáng gì vậy? Mặt trời mọc rồi sao? Giữa lúc chúng đang ngơ ngác ấy, chúng tôi túm lấy cổ chúng, nhẹ nhàng như không. Có đêm chúng tôi bắt được đến mười mấy con.
Tôi tụt giầy, lấy xẻng nhẹ nhàng thận trọng rẽ lau lách ra, lội thẳng sâu vào trong bụi. Cũng thật là may, trưa trời lại nổi gió, những khóm lau bỗng reo lên rì rào xào xạc như trong rừng sâu; lá lau vươn dài lay động đu đưa trên đầu và quanh người tôi, làm vỡ vụn những mảng bóng nắng đổ dài trên mặt nước trong xanh. Nước lạnh đã lút mắt cá chân. Bước tiếp thì sẽ ngập đầu, sườn bờ mương tiêu dốc lắm.
Giờ đây tiếng róc rách nghe càng rõ hơn. Sau tiếng róc rách là tiếng nước chảy ri rỉ, dường như những giọt nước đang thầm thì tỉ tê cùng cỏ dại. Không giống tiếng khua động của vịt giời.
Tiếng gì thế nhỉ?
Tôi tò mò vạch lau ra, nhòm sang phía bên kia mương tiêu. Tôi chợt giật mình kinh ngạc: tôi nhìn thấy một con người!
Một người đàn bà!
Một người đàn bà trần truồng!