Anh chàng mũi tẹt về trại gánh cơm kể là, anh ta gặp ở vườn rau một tù nhân vừa mới giải vào trại, người ấy bảo anh; công bố xét xử của toà án dán kín hết cả đường phố.
Trời ơi! May mà vào sớm, chứ không thì bây giờ cũng bị tóm vào rồi. Vào sớm thì lại ra sớm! Mười ba người chúng tôi đều lấy làm mừng, nghĩ rằng thật phúc đức cho số phận chúng tôi.
Sau thời kỳ bảo dưỡng mạ, toàn bộ cao nguyên hoàng thổ bỗng chốc hiện lên một màu xanh bao la. Bốn bề đều xanh: xanh núi, xanh sông, xanh đồng ruộng và cả bầu trời cũng tưởng chừng tràn trề chất men ngào ngạt mùi hương hoang dã say người. Đàn bồ nông bất chấp biển gỗ << nghiêm cấm ra vào >>, bất chấp hàng rào dây thép gai tua tủa, cứ ung dung đến giang đôi cánh màu tro bạc bay là là trên mặt nước xanh. Chú cò lêu đêu bước chậm rãi trên ruộng nước, vẻ lặng lẽ trầm tư, trông giống hệt đội trưởng Vương,vịt giời làm tổ trong đám lau lác bên mương tiêu, tất bật lo toan cho cái gia đình cỏn con của chúng. Đàn chim nước tung cánh bay chấp chới trong nắng vàng rực rỡ, tiếng chim rộn ràng vang vọng khắp cánh đồng bát ngát. Mạ non lặng lẽ hút lấy nhựa sống trong lòng đất,dập dờn theo làn gió. Đất trời hoàn hảo chẳng cần đòi hỏi gì thêm, còn con người thì khát vọng tình yêu.
Đội trưởng Vương thường xuyên đến khu ruộng lúa, tay chắp sau lưng, một mình quanh quẩn trên bờ ruộng, kiểm tra công việc của chúng tôi. Chiếc áo màu xanh bộ đội khoác hờ hững trên người, ông bước đi tập tễnh ngả nghiêng trông chẳng khác gì một con rối có gắn lò xo. Mạ đã lên đều, chúng tôi không sợ ông kiểm tra, cũng chẳng cần phải đi theo ông. Chúng tôi vẫn làm việc của chúng tôi như thường, mò cá, bắt vịt giời, hay ngồi dưới bóng liễu vá bộ quần áo tù chẳng bao giờ lành lặn. Cho tới một hôm đã kiểm tra khắp lượt, ông đến trước mặt tôi ra lệnh:
- Bảo những thằng đĩ ấy, sửa sang, đắp cho chắc những miệng tưới tiêu, bờ ruộng chỗ nào bé đắp thêm vào. Vài ngày nữa đại đội đến làm cỏ đấy.
Lúc ấy chúng tôi mới tất bật đứng lên.
Sáng sớm ba hôm sau, chúng tôi ăn xong suất cơm trực nhật gánh về, đang rửa chậu cơm và bát đĩa, một tổ viên đi đổ nước, phấn khởi chạy về căn nhà đất, hét toáng lên:
- Đại đội đến rồi!
Ai nấy đều xúc động, kể cả tôi. Ở đại đội tôi không có người thân, cũng chẳng có bạn bè, nhưng đoàn người mặc quần áo tù đen ngòm ấy vô cùng hấp dẫn tôi. Khi chưa ra tổ trông coi ruộng, ngày đêm tôi sống ở đấy. Chế độ luật lệ khắc nghiệt và máy móc đã tạo cho bầy người những tập quán chung, luật lệ sống chung, và cả những tiếng lóng chỉ có chúng tôi hiểu với nhau. Tôi cũng ngơ ngơ ngác ngác buông bát đũa xuống, cùng mọi người lao ra cửa.
Lâu lắm rồi mới được gặp lại đại đội ơi!
Sương mai chưa tan hết. Mặt trời mới mọc, ánh vàng da cam mới chỉ lấp ló ngọn liễu và bạch dương màn đêm còn quyến luyến mặt đất. Đứng trên gò chúng tôi nhìn về phía bắc đập mương nhánh, một đoàn người mờ mờ xam xám như những u hồn đang di chuyển nhanh về phía chúng tôi. Họ từ từ tiến gần chỗ chúng tôi. Xám đã chuyển thành đen mặt mũi họ cũng hiện rõ dần. Những khuôn mặt nghiêm trang hoặc lơi lả, khắc khổ hoặc phóng đãng, tươi cười hoặc ủ dột, hiền lành hoặc độc ác, bảnh trai hoặc xấu dáng, tất cả lướt qua rất nhanh dọc bờ mương theo tiếng chân bước lộn xộn. Điều khiến người ta kinh sợ lạ kỳ là phép mầu nào đã bắt gom về đây đủ các hạng người khác hẳn nhau như nước với lửa này, rồi đem đóng lên tất cả những khuôn mặt ấy một dấu ấn << vết hằn lao cải >>. Vẻ mặt họ không đến nỗi tiều tụy, vì vào thời vụ bận rộn, ăn uống không đến nỗi quá tệ. Nhưng từng ấy khuôn mặt đều mang vẻ lạnh lùng của thầy tu khổ hạnh và vẻ đa nghi của thầy kiện già đời. Nhất là đường hằn pháp lệnh hai bên cánh mũi nối với nếp nhăn bên mép, tạo nên cái tướng <<đằng xà văn nhập khẩu >> mà tướng số tối kỵ << vết hằn lao cải >> đau khổ, không thấy có trên gương mặt những công dân bình thường, không những là biểu trưng cảnh ngộ hiện tại của họ, mà còn quy định cả tâm lý u tối ảm đạm suốt đời họ sẽ không sao thoát nổi.
Anh em tổ trông coi đồng ruộng đứng trang nghiêm trên gò đất không hề giễu cợt họ, cũng không thấy tự hào gì, lẳng lặng nhìn đoàn tù đi qua. Đứng ngoài đoàn người ấy, chúng tôi mới cảm thấy uất ức nặng nề, mới thấy được số phận mình thật thê thảm. Tại sao lại thế nhỉ?Có đúng là chúng tôi tranh nhau từ nhà ra đây để xem đại đội không! Đúng rồi, nhưng chúng tôi lại không cảm nhận được tâm trạng của bà con trong làng khi kéo ra xem đoàn tù lao cải. Đứng ngoài, họ nhìn thấy một thế giới khác, còn chúng tôi lại nhìn thấy chính bản thân mình. Đội ngũ màu đen ấy có một chức năng là khi nó nuốt chửng anh, thì anh sẽ hoà tan trong đó, anh hoàn toàn không còn nữa.
Muốn nhìn rõ mặt mình phải đứng cách gương một cự ly nào đó.
- Kìa! Hãy còn.
Trên gò đất có người quẳng một điếu thuốc đã châm về phía bờ mương. Cảnh vệ quay nhìn chúng tôi nhưng không can thiệp. Một người tù lao cải đang đi trên bờ mương vội nhặt lấy, chúm miệng rít lấy rít để mấy hơi, rồi chẳng khác gì chuyền gậy chạy tiếp sức, đưa ngay cho người khác. Tuy chúng tôi đều được phát tiền tiêu vặt, nhưng tù trong đại đội muốn mua gì chẳng được dễ dàng như tù tự do.
Rồi anh em trong tổ chúng tôi thi nhau tung những quả cà chua, dưa chuột hồi hôm qua chưa ăn hết sang phía bờ mương. Kẻ tung người hứng đều rất vui mừng hồ hởi, chẳng khác gì những cầu thủ đội bóng bầu dục của nước Mỹ. Tiếng cười đầy sức quyến rũ vang vọng trong sương sớm đang tan dần. Có người cứ tưởng rằng tù lao cải suốt ngày cứ ủ rũ rầu rĩ. Không đâu! Như vậy thì là sao chịu đựng cho hết cái hạn tù dài dằng dặc? Cứ phải kiếm ra cái gì đó mà làm cho khuây khỏa đôi chút. Hàng ngũ có phần chuệch choạc. nhưng lính cảnh vệ chỉ quát <<nhanh lên nào!>> <<nhanh lên nào!>>. Với những con người đang cười, họ cũng không nỡ thúc báng súng? Có lẽ họ cũng có chút nghi ngờ, những con người này thật sự có tội chăng. Thật chẳng khác nào những người bạn chiến đấu trong một đơn vị bộ đội, tôi nghĩ thế. Nhưng kẻ thù của đội ngủ này là ai? Không biết! Chẳng ai có thể trả lời cho được, mặc dầu từ lâu họ đã bị kết án là << kẻ thù giai cấp >>.
Đoàn người đã qua hết. Bụi đất trên bờ mương dần dần lắng xuống. Nhóm đi đầu đã tới bờ ruộng, đội trưởng Vương đang giục họ cởi giầy đi bộ xuống. Anh em tổ tôi tung hết cà chua, dưa chuột rồi, niềm hứng khởi dường như vẫn chưa tan, trên từng gương mặt vẫn thoáng một nụ cười tinh nghịch. Đáng lý nên khóc thì họ lại cười. Vậy đấy là chỗ mềm yếu hay là chỗ cứng rắn của tính người? Bỗng, một người trong tổ tôi chỉ tay lên phía bắc, quay đầu lại phấn khởi gào lên:
- Hãy còn nữa kìa!
Cậu mắc tội làm chết bò nghển cổ lên nhìn, rồi nhoẻn miệng cười ranh mãnh.
- Đội nữ đấy!
Đúng là đội nữ!
Nhưng từ xa không tài nào nhận ra được họ là nữ. Người tù để chết bò có lẽ ngửi thấy mùi đàn bà bằng khứu giác. Họ cũng mặc áo tù đen tóc cắt ngắn cũn. Trước năm 1966, khi tôi vừa bị giải vào đội lao cải, lao động trên sân phơi thì từ xa đã phân biệt được rõ nam và nữ, vì khi ấy tù đàn bà vẫn còn đươc phép tết đuôi sam. Sau năm 1966 làn gió xóa bổn cũ ở bên ngoài đột nhiên ùa vào, chỉ trong một đêm, tù đàn bà bất kể già trẻ đều phải cắt tóc bằng hết. Một người nữ tù tự do ở vườn rau, vốn là một bà đồng đội bát nhang, đã ngoài sáu mươi tuổi, cũng bị xén nốt lọn tóc chỉ còn vài sợi lơ thơ bạc trắng. Xử bà bẩy năm tù giam bà không hề oán thán lại còn cảm ơn chính quyền:
- Ra tù tôi sẽ đèn nhang cúng bái cụ Mao!
Nhưng khi cắt cái búi tóc của bà thì bà kêu khóc thảm thiết, gào đến đứt hơi khản tiếng:
- Trời Phật ơi! Khốn nạn thân tôi! Khốn nạn thân tôi! Cách mạng cách đến cả túm lông cằn của tôi rồi!
Bà ta còn hát như lên đồng, chẳng ai nghe rõ lời hát quái đản kỳ quặc của bà ta, chỉ biết một tháng sau bà lăn ra chết. Chính tôi là đại tổ trưởng đã dẫn bốn người tù đàn ông đi nhập liệm cho bà. Hôm ấy chúng tôi theo sau đội trưởng Vương mặt mày ủ dột vào trại tù đàn bà khiêng xác bà đồng đi trước mặt đám tù đàn bà đang sợ run như cầy sấy. Bốn anh tù đàn ông khiêng không vững, tấm ván cửa nghiêng ngả chao đảo, tờ báo phủ diện phập phồng rồi bay xuống đất. Tôi thấy cặp mắt thất thần khô đét của bà phẫn nộ hướng lên trời. Tôi đưa hai ngón tay vuốt mắt cho bà, nào ngờ xác bà đồng đã khô quắt như que củi, mà mi mắt vẫn còn đàn hồi co dãn. Tôi vuốt xuôi xuống, thì nó lại từ từ co trở lại như ốc sên:
- Mày làm gì thế? Tại sao bắt tao phải nhắm mắt? Tao phải mở mắt thật to kia.
Đứng bên người chết, cái chết thảm khốc, và điều bí ẩn vĩnh hằng chẳng ai lý giải được, đã khiến tôi bớt tò mò đi, tôi không dám liếc sang đám tù đàn bà và trại giam của họ, mặc dầu đây là một dịp tham quan cực kỳ hiếm hoi. Chỉ khi bà đồng lại mở mắt trừng trừng nhìn lên, tôi thấy đám đàn bà con gái rú lên kinh hãi và khóc lóc thảm thương, có cả tiếng va đập loảng xoảng, chẳng biết ai quá hãi đánh đổ cả chậu cơm.
Chúng tôi đã đặt bà đồng già chết không nhắm được mắt vào trong << bộ vỏ dòn >> đóng bằng gỗ bạch dương.<< Bộ vỏ dòn >> là tiếng lóng của tù lao cải, so với từ << quan tài ván mỏng >> của nhà văn sáng tạo ra, thì hình tượng hơn nhiều. Xem ra bà đồng này vẫn còn gặp may, chứ tù chết năm 60 thì bộ vỏ dòn cũng chẳng có, chỉ có manh chiếu cói mà thôi. Hồi ấy, suýt nữa tôi đã được bó bằng manh chiếu như vậy.
Tù đàn bà và tù đàn ông được cách ly tuyệt đối. Đến mức tù đàn ông chúng tôi tưởng chừng quên hẳn là còn có tù đàn bà đang ở đây. Nhưng rút cục thì cùng ở một nông trường, cùng một loại lao động, cùng đi chung một con đường, họ sống sờ sờ ngay cạnh chúng tôi. Có anh tù hình sự trẻ mũi thính như chó dái, chỉ ngửi cũng biết, tù đàn bà hôm nay, đi làm ở đâu, đi qua con đường nào, thậm chí biết cả hôm nay trong đội đàn bà đã xảy ra chuyện gì. một mẩu dây bọc cao su rơi trên đường, chiếc vòng tay thay cho xuyến bạc dùng làm đồ trang sức khi họ bị tước đoạt hết mọi lạc thú trên đời, đây chính là dấu hiệu đàn bà của đội lao cải. Mẩu dây bọc cao su ấy đã khiến tù đàn ông tơ tưởng, thêu dệt bao nhiêu là chuyện. Giầy lao cải cỡ nhỏ, dấu chân bé xíu như chân trẻ con, vết chân thon thon in mờ mờ trên mặt đất, rồi thì vụn màn thầu, vụn khoai tây vứt bừa trên cỏ ( tù đàn bà thường ăn ít hơn tù đàn ông ), đều như lối mòn quanh co thanh vắng trong vườn hoa, biến thành nơi để hai bên trai gái hẹn hò gặp gỡ. Dĩ nhiên chỉ là gặp gỡ trên tinh thần, chẳng khác gì giấc mơ trong đêm tối, vĩnh viễn chẳng bao giờ thành hiện thực, trừ phi cả hai đều là tù tự do.
Điểm danh chiều xong về trại, khi tất cả chưa ngủ, cánh tù già ngồi sưởi bên lò lửa kể cho tù mới nghe bao nhiêu chuyện trai gái phóng đãng, tù già là Hô-Me của đội lao cải, lịch sử nông trường nhờ họ được lưu truyền lại. Theo họ kể, đi ở tù đàn bà khốn đốn hơn đàn ông. Thần kinh yếu đuối không chịu đựng được cảnh cô đơn, họ phải tìm kiếm sự vuốt ve, chiều chuộng và chăm sóc. Có người đứng sau song sắt tán tỉnh lính cảnh vệ:
- Ông cai ơi, con chuột nhà ông có muốn ngoáy lọ mỡ không?
Chỉ cần có dịp tốt thôi - dịp tốt bao giờ cũng do người tạo ra dịp tốt không phải từ trên trời rơi xuống, dây thép gai 5 ly cũng không cản nổi nhưng cơn hứng tình của họ, có người lăn xả vào ôm lấy tù đàn ông tự do.
Giờ đây họ đã đến.
Sương mai đã tan hết. Ánh nắng da cam đã xuống tới bờ mương, dấu chân loạn xạ trên mặt đất trông chẳng khác gì những đường hoa văn chồng chéo kỳ dị. Đây thật sự là con đường lầm lỗi đầy khổ ải. Trời mù sương nên không có gió, liễu xõa cành lặng lẽ; lau lách và cỏ nước rìa mương đứng trơ trơ chĩa ngọn lên trời, tựa hồ đám tù đàn bà này chẳng có gì đáng quan tâm cả. Đoàn tù đàn bà bước đi nhanh nhẹn, diễu qua chỗ chúng tôi như đi duyệt binh vẻ khiêu khích ra mặt. Đúng vậy, dáng họ đi thật nhanh nhẹn, có người còn làm dáng thướt tha yểu điệu, vì đám đàn bà ra làm đồng này còn rất trẻ.
Nhưng nếu không nhìn dáng họ đi, nếu họ cũng đứng im như lau lách và cỏ nước, thì ai tin được họ là đàn bà? Cuốn Phục sinh mô tả Ma-dơ-lô-va bước trên đại lộ Vla-di-mia để đi Xi-bê-ri hình như cô ta vẫn mặc váy; tôi không nhớ rõ màu trắng hay màu xám, nhưng đúng là váy, đâu còn được trùm khăn nữa. Còn tù đàn bà ở đây thì mặc quần áo tù màu đen hoàn toàn cùng kiểu với tù đàn ông. Quần áo như bao tải rộng thùng thình, đã dấu kín hết mọi nét đặc trưng nữ giới của họ. Họ biến thành một loại động vật nam không ra nam, nữ không ra nữ, xấu xí hơn cả đám tù đàn ông. Họ là cái gì vậy? Họ là đàn bà ư? << Đàn bà >> chẳng qua chỉ là một khái niệm được gán cho họ theo thói quen mà thôi. Họ không có eo, không có ngực, cũng chẳng có mông; trên từng gương mặt phì phị, màu bồ quân, dẫu không có << vết hằn lao cải >> nhưng vẫn toát ra vẻ hoang dã của những con thú cái. Nhiều người vừa đi vừa cắn hạt quỳ xanh, liếc nhìn chúng tôi bằng đôi mắt trắng dã như cá chết, ra vẻ kênh kiệu tự đắc, và dường như đây chính là cách họ làm dáng gợi tình. Vỏ hạt quỳ dính quanh miệng, bẩn thỉu chẳng khác gi đám bọt dãi trắng xoá trong miệng phun ra.
Tôi bỗng thấy dạ dày đau quặn lên và ợ chua.
Tôi quay mặt đi, tôi không dám nhìn họ nữa. Họ sẽ huỷ hoại lòng ngưỡng mộ của tôi, vùi dập hứng thú của tôi đối với đàn bà, thậm chi còn dập tắt cả niềm hy vọng của tôi vào cuộc đời. Cứ nghĩ nếu như người con gái mà tôi đã từng yêu, hình tượng nghệ thuật phụ nữ mà tôi đã từng say sưa, mà tôi đã thưởng thức, bị bắt vào đây để rồi hình hài cũng biến dạng đi như thế này, cõi đời này còn gì đáng lưu luyến nữa?
Tôi quay lưng lại bờ mương, bật lên những tiếng ho.
Trời ơi! Mẹ ơi!
Tôi chợt nghĩ rằng, con người vượn đầu tiên lấy lá cây hay da thú che kín phần hạ bộ của mình, nhất định là một con vượn cái….