Sông Hương vốn đã nhỏ nên nhánh sông Đông Ba càng nhỏ hơn. Đi dọc theo nhánh sông này khách dễ nghĩ mình sẽ càng lúc càng xa sông nước. Nhưng khách lầm, nhánh sông Đông Ba đó dẫn về biển. Ngang cầu Bao Vinh thì nhánh sông đã đón thêm một nhánh khác, nở rộng hơn, chờ giờ hợp lưu với biển. Bên này bờ là Bao Vinh thì bên kia là Tiên Nộn. Hồi nhỏ, tôi nhìn qua chỉ thấy những hàng dừa mờ mờ. Bao Vinh thì làm gì có cầu bắc qua sông, người ta chỉ đi đò ngang. Người có sức thì bơi nổi qua sông. Còn tôi, thú thật cả đời chưa qua Tiên Nộn. Đứng trên bờ Bao Vinh nhìn về hướng biển, tôi chỉ thấy một vùng sáng rực, xa thăm thẳm. Thời trẻ con, tôi nghĩ sáng rực như thế phải là vùng của thần tiên và miền đó hẳn phải có tiên.
Sông Hương không phải lúc nào cũng êm ả như khách tưởng. Những ngày sông Hương nước lớn thì khách nào mà đến Huế, chỉ có dân Huế biết cái lụt của xứ Huế và biết cái phẫn nộ của sông Hương. Đó là những ngày mà nước bạc cuồn cuộn chảy từ trên nguồn về để đổ ra biển, mang theo cơ man nào là cây gãy và củi mục. Trẻ con như tôi từ trong nhà nhìn ra sông Bao Vinh chỉ rùng minh khi thấy nước cuốn ào ạt, người có sức cũng không ai dám ra sông vớt củi. Thế nhưng, nước lớn cũng có cái thú vị. Nó sẽ tràn lên đường, róc rách ngấp nghé trước nhà. Bây giờ ngay trước nhà đã là sông và trẻ con khỏi đi học. Không những đỡ được chuyện học, trẻ con còn được lội lụt, làm nơm bắt cá, dong buồm làm tàu, biết bao nhiêu niềm vui, kể sao cho hết. Con đường dài 300m đó bỗng trở thành dòng sông nhỏ, người ta ngồi ghe thuyền đi lại buôn bán cười đùa.
Bao Vinh là vùng trũng nên nó ngập nước trước nhất khi xứ Huế bị lụt. Có khi Bao Vinh lụt nhưng "trên phố" không ai biết đến. Và khi "trên phố có nước" thì Bao Vinh đã ngập đầu, bàn ghế đã trôi chỏng ngỏng, trẻ con cũng đã bớt vui. Thế nên chuyện lụt của Bao Vinh là chuyện cơm ngày ba bữa, người ta chỉ đợi nước rút là đi quét bùn non.
Nói thế chứ khách đừng vội tưởng Bao Vinh bị thiên nhiên bạc đãi. Nhờ gần cửa biển nên Bao Vinh chính là bến cảng ngày xưa của xứ Huế. Từ đầu thế kỷ thứ 19, nơi đây là chỗ tập trung nhộn nhịp của thương thuyền từ trong Nam ngoài Bắc ghé bến, kể cả thuyền buôn nước ngoài. Đầu những năm 50 tôi còn thấy những chiếc thuyền to lớn đậu bến Bao Vinh. Đó là những chiếc thuyền gỗ mà điều làm tôi kính sợ nhất là đôi mắt của nó được vẽ ở phía đầu thuyền. Ông tôi nói phải vẽ những con mắt đó để thủy quái tưởng thuyền là đồng loại, chúng mới không làm hại. Lân la đến các chiếc thuyền đó chơi, tôi đứng nhìn những người đàn ông lực lưỡng, da như đồng sắt. Họ bơi qua Tiên Nộn như chơi, nhưng họ nói tiếng gì tôi không hiểu. Hỏi ông tôi, ông bảo họ là người đem muối từ trong Nam ra bán, nói tiếng Bình Định.
Còn ông tôi là nhà buôn muối. Muối này là muối sống, hạt của nó to như đầu ngón tay út. Đưa lên cao xem thì thấy tinh thể muối có hình như chiếc tháp nhỏ. Muối được đựng trong những chiếc cạp thật lớn, đường kính dễ chừng cũng hai ba mét. Trẻ con xứ Bao Vinh như tôi thì đâu có gì chơi, chỉ biết ngồi trước nhà nhìn người qua kẻ lại hay đi hái những trái ổi non về nhai với muối sống. Tôi nghiệm ra rằng đúng Bao Vinh là nơi kẻ chợ vì nhớ rằng thời đó luôn luôn có khách thương qua lại mua muối sống với số lượng lớn. Cũng không hiếm khi có dân miền núi áo quần sặc sỡ xuống mua muối. Thấy họ là tôi nhanh chân chạy trốn, đứng thập thò sau cửa xem họ có bắt con nít không như lời đồn đãi.
Có lẽ do buôn muối, lắm người ra kẻ vào nên nhà tôi luôn luôn ươn ướt. Xứ Huế vốn đã hay mưa, Bao Vinh hay lụt mà nhà tôi thuộc loại ẩm ướt nhất trong mọi nhà. Trong nhà mà tôi phải bước đi cẩn thận kẻo bị ngã. Buổi tối trẻ con học dưới ánh đèn dầu, tay lật sách, tay đập muỗi và mơ mưa to nước lớn. Khoảng đầu những năm 50, nhà tôi sắm được chiếc đèn "măng-sông" sáng rực. Thật là một phát minh tuyệt diệu và mua được nó cũng nhờ mấy hột muối sống, ông tôi nói thế. Nhưng chỉ có một chiếc đèn chỉ để chiếu sáng phòng dưới, còn trên lầu, chỗ ông tôi tụng kinh thì đã có những chiếc đèn dầu mờ mờ. Cái nhà của tôi, phía dưới thì buôn bán ẩm ướt, phía trên là chỗ thờ tự, ngoài ra hầu như chẳng có gì đáng nhớ.
Mấy mươi năm sau, trong những chuyến du lịch ở nước ngoài, tôi hay được dẫn đến tham quan các nhà cổ truyền thống. Xung quanh Bắc Kinh, hay dưới chân Hoàng sơn ở Trung quốc, các vùng ở Miến điện (Myanmar) hay tại Hội An đều có những chỗ tương tự. Tại những nơi đó tôi hay nhớ lại nhà mình ở Bao Vinh vì có một cái gì quen thuộc mà tôi không thể định nghĩa. Nhưng tôi vội quên vì nhà mình đầy bụi bặm và mốc meo của bao nhiêu năm tháng và lụt lội, còn ở đây nước gỗ của họ bóng một màu cổ xưa và sang trọng. Họ giữ gìn và trang hoàng các nhà cổ thật mỹ thuật. Còn nhà tôi, tôi vẫn nhớ phía dưới đằng trước có một cái trang nhỏ. Ông tôi nói trang là để thờ bà cô mà bà cô "ngoại tộc" thì phải thờ bên ngoài phòng thờ chính. May thay, cái trang đó nằm trên cao nên nước lụt không tới. Trên đó có một bình hoa với một bó hoa bằng ni-lông đã cũ nhưng vẫn còn thấy được màu xanh đỏ. Mấy mươi năm qua bình hoa vẫn còn y nguyên, có chăng là hoa ni-lông ngày càng dày lớp bụi.
Cách đây nhiều năm tôi đưa một người khách về thăm nhà ở Bao Vinh. Đây là người khách duy nhất mà tôi mời về nhà, để kể về đời mình của những tháng ngày xa xưa. Đến cửa nhà, tôi ngẩn người vì mọi người đi vắng, ổ khóa chìa ra phía ngoài. Đây là lần đầu tiên tôi về nhà cũ mà không được vào. Tại sao đúng ngày hôm nay mọi người lại đi vắng? Xứ Bao Vinh này không ai bỏ nhà đi vắng cả, lúc nào cũng có người trông nhà. Trong sự thất vọng và nỗi tiếc nuối, tôi mơ hồ thấy có một điều gì kỳ lạ. Vài ngày sau dường như tôi nghe tiếng nói của căn nhà cũ: "mi biết gì về nhà này mà mời khách về?". Có lẽ nó nói đúng.
Ngày nọ, tôi đến Bồ-đề đạo tràng tại Ấn Độ, tham bái cây bồ-đề, nơi Phật thành đạo. Tại đây, tôi nghe thuyết minh, khi Phật tu tập có một con mãng xà hiện lên che mưa cho Phật. Tôi sực nhớ tại nhà mình, tượng Phật của ông tôi để lại chính là bức tượng diễn tả Phật ngồi dưới bóng che của một con mãng xà. Đó là một bức tượng hiếm có. Sau bao nhiêu năm tôi mới nhận ra điều này. Hôm đó, dưới gốc cây bồ-đề, tôi lượm vài chiếc lá rụng, đem về Việt Nam, đem về Bao Vinh. Nhà mở cửa. Tôi lựa ba chiếc lá nguyên vẹn nhất và dán sau lưng tượng Phật, xem như tượng ngồi tựa cây bồ-đề. Rồi tôi nhìn quanh phòng thờ. Sau bao năm đi tham quan nhà người khác, tôi về nhìn lại nhà mình. Kể ra cũng thật là lạ, trong nhà tôi chỉ có một cái phòng trang trọng nhất, trung tâm nhất thì nó chỉ được dùng để thờ tự. Ngày xưa, ông bà tôi và chỉ con trai còn nhỏ như tôi mới được ngủ trong đó. Đây là nơi mà cứ mỗi khuya lúc bốn giờ sáng, tôi mơ màng nửa thức nửa ngủ nghe ông tôi tụng kinh. Như thế mà suốt 12 năm liền. Từ xưa tới nay, phòng thờ tự này là nơi khô ráo nhất nhà, hoàn toàn không có chút bụi bặm, không phải như tôi hay có thành kiến về nhà mình. Trong bóng tối mờ mờ của những chiếc đèn dầu, tôi phát hiện các thớ gỗ lâu đời đã mang một màu sắc cao quí. Trước những lồng kính với những tấm hình thờ úa vàng là những bát nhang xưa cũ, miệng viền kim loại và đựng một loại cát vô cùng mịn màng,
"Bảy bát nhang, bảy cây hương", ông chú họ của tôi nói, bây giờ ông là người sống trong nhà. Tôi đã biết và lần nào về thăm nhà cũng lấy đúng bảy cây hương thắp cho bảy bát nhang. Thời gian như đọng lại trong phòng thờ đó, mùi hương trầm và thứ ánh sáng mờ mờ của những cây đèn dầu dường như không bao giờ thay đổi. Trong phòng thờ đó, nếu có ai lên cúng bái thì có lẽ cũng chẳng thấy ba chiếc lá bồ-đề của tôi dán sau lưng tượng Phật. Xem ra ông chú họ cũng đã quên, chỉ tôi là nhớ. Và cũng từ đó, không bao giờ tôi về nhà mà gặp cửa đóng nữa.
Ngày nọ ông chú họ bảo tôi: "Bao Vinh được phong là phố cổ, nhà mình là nhà cổ, Hà Nội đã vô thẩm định rồi, sắp tổ chức tham quan". Tôi ngạc nhiên hỏi thêm, ông chỉ các bức vách, các cột tròn bằng gỗ nằm ở tầng dưới. Đó là những nơi mà ngày xưa muối sống tha hồ tiết chất ẩm ướt của nó và nước bạc mỗi năm vỗ sóng vài ba lần. "Nhưng nhà mình không bằng, nhà bên cạnh cổ hơn nhiều", ông chú họ nói. Đúng thế, cách đây nửa thế kỷ, lúc tôi còn đó, lúc ông chú chưa sinh ra, nhà bên cạnh đã đổ nát rồi thì dĩ nhiên nó phải cổ hơn.
Ôi, Bao Vinh mà cũng là phố cổ, nhà tôi mà cũng là nhà cổ! Tôi ngẩn người nhìn những hoa văn lờ mờ, những cột kèo bạc thếch. Thế nhưng nó là cả một bề dày lịch sử. Bao Vinh một thời là bến cảng của kinh thành, nó phải được trân trọng. Con đường dọc sông trên bến dưới thuyền, quanh năm lũ lụt đó, nó đã một thời nhộn nhịp, cần phải được tu bổ. Những ngôi nhà bên bờ sông đã khắc ghi sức lao động cần cù của nhiều thế hệ, chúng cần được phục hồi. Chiếc phòng thờ đặc trưng xứ Huế, nơi con người cống hiến những gì đáng quí nhất của căn nhà cho niềm tin tôn giáo và lòng biết ơn tổ tiên cũng có thể được trình bày cho khách tham quan. Còn những chiếc lá bồ-đề thì sao? Chúng thì nên tiếp tục nằm trong bóng tối, chúng chỉ dành cho những ai biết đến lịch sử của chúng.
Tôi nhìn những đứa em họ, con chú tôi và khuyên hãy học ngoại ngữ cho giỏi, mai mốt tha hồ thuyết minh nhà cổ cho người nước ngoài. Chúng nhìn tôi nửa tin nửa ngờ. Hà Nội đã vô thẩm định rồi sao chúng vẫn còn lơ là? Có lẽ chúng bây giờ cũng như tôi ngày xưa, đang mơ những chân trời xa lạ. Hay chúng cũng như tôi, biết rằng nói là nói thế thôi, chắc chuyện này còn lâu hay không bao giờ thành hình. Còn tôi, sau 50 năm, không có gì quan trọng bằng mỗi lần về sẽ có người mở cửa.