Tôi thường đến đó để ăn sò huyết. Người nhà ai cũng dặn tôi đừng ăn nghêu sò, dễ bị bịnh thương hàn. Thế nhưng tôi phớt tỉnh vì cho bụng mình đã quen và cũng vì nhớ đến các cửa hàng coquillages ở Paris. Ở đó người ta bán nghêu sò ốc hến với một thứ giá trên trời dưới đất, không hề tương xứng với cái tên dân dã của chúng. Thế nên cứ những buổi khuya mát trời, tôi sà ngồi vào những chiếc ghế thấp bé trước một cái bàn đựng đầy sò huyết và thầm nguyền rủa kinh đô ánh sáng. Đó là nơi vừa đắt tiền vừa không bao giờ có một thứ sò tươi ngon như thế.
Thế nhưng không phải ai cũng ăn sò huyết như tôi. Bà chị bán hàng cũng biết thế nên trên chiếc bàn nhỏ bé nọ còn đủ các thứ linh tinh khác như hột vịt, ốc hương, ốc hút... Mùi vị của chúng rất khác nhau nhưng dường như chúng thuộc về một chủng loại nên được tập trung vô tay của một người bán. Sau lưng tôi lại là một cái quán khác, gồm một chủng loại khác như mề gà lòng vịt và cũng thu hút nhiều kẻ ăn khuya. Bên cạnh bà chị sò huyết lại là một bà chị khác chuyên bán cháo trắng ăn với cá khô, vịt muối, dưa mặn. Xa hơn một chút là xe mì rồi đến hàng chè sâm bổ lượng. Các khu vực quán cóc khác trong thành phố này cũng hao hao như vậy, dường như chúng có một cấu trúc hẳn hoi về chủng loại.
Bà chị sò huyết có một cô con gái hay ra quán giúp mẹ. Cô quạt than, luộc trứng, gọi bia, có lúc chạy biến vào hẻm bên kia đường lấy thêm hàng cho khách. Dường như ở mặt trong, các hẻm cũng chia nhau công tác hậu cần tiếp vụ. Mặt ngoài, hai bà chị sò huyết và cháo trắng ngồi cạnh nhau, xem ra hợp nhau, thỉnh thoảng trao đổi vài câu thân mật. Qua cách nói chuyện, dường như họ ngồi chung với nhau đã chục năm trời. Bà chị sò huyết có lúc nhìn tôi ái ngại vì lúc nào tôi cũng đến một mình. Không ai đi nhậu một mình cả. Chắc bà lo cho tôi bị cô đơn, nhưng là người Sài Gòn lịch sự, bà không hỏi. Bà chị cháo trắng cũng quen mặt tôi, biết tôi không bao giờ ăn cháo trắng. Dù thế, nhưng những lúc bên cạnh hết ghế, tôi vẫn được ngồi bên bàn bà chị cháo trắng, uống bia ăn sò huyết. Ưa ăn cháo trắng nhất là các cô gái mặc đồ bộ, uể oải từ trong hẻm đi ra, ngồi ăn không nói tiếng nào. Ăn uống mạnh bạo nhất thường là các anh công nhân mặc đồng phục màu xanh đậm. Hẳn các anh làm ca khuya, phải ăn lấy sức. Cũng có những cặp vợ chồng còn trẻ mặt mày hốc hác, đôi mắt đăm chiêu, người vợ im lặng đập trứng cho chồng.
Thế nhưng những chốn đó dĩ nhiên không bao giờ thiếu tiếng ồn. Mặc dù thứ bia ở đây pha với những viên nước đá to tướng vừa để lọt ly, nhạt gần bằng nước lã nhưng lượng nhiều quá quả nhiên cũng biến thành chất. Có chút nồng độ và niềm hứng khởi tụ tập trong phút giây mát trời, dân nhậu nói nhiều và nói to. Thế nên tôi được nghe mọi chuyện về cuộc đời muôn mặt. Chuyện chiến tranh, chuyện tham nhũng, chuyện vụ án, chuyện bánh phở, chuyện hoa hậu, chuyện Việt kiều, chuyện bóng đá... Việt Nam ngày nay đã khác xưa. Người dân công khai bàn những chuyện tưởng chừng như cấm kị. Gần 30 năm sau ngày giải phóng, điều rõ rệt nhất mà kẻ phương xa về nhà như tôi đều mừng mà thấy rằng mức độ thông tin và nhận thức của người dân lao động rất đáng nể nang. Từ chuyện vĩ mô toàn cầu, siêu cường “Gờ bảy” cho đến những trận bão tuyết đâu đâu ở bên Tây, những vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá chẳng ăn nhằm gì đến ai, họ đều biết vanh vách và nhận định chính xác. Tôi sực thấy có nhiều điều bên Đức mà họ rành rẽ còn hơn tôi.
Thế nên toàn cầu hóa cũng có cái hay, ai cũng học được của ai, tôi ngẫm nghĩ. Thế nhưng bản thân những quán cóc bên đường này thì trên thế giới hẳn không ai bắt chước được. Bắc Âu không thể có quán cóc vì thời tiết quá lạnh. Nước Pháp hay có những quán cà-phê, rượu trà tại ngã tư đường. Tại làng mạc miền Nam xứ Pháp vào mùa hè, chúng mang chút phong vị của cuộc đời dân dã. Những ông già mặt mày hóm hỉnh ngồi uống loại rượu vang đỏ rẻ tiền. Họ làm gì có món nhậu, chỉ uống chay thế thôi, bên cạnh vài người đánh boule. Thế nên họ không thể nào có cái náo nhiệt trong quán cóc của ta. Ấn Độ thì sao? Đó là một dân tộc không biết ăn nhậu. Họ chỉ ăn uống trong gia đình, không có thói quen la cà ăn hàng. Trong thành phố, tiệm ăn chính qui của họ rất ít, nói chi đến quán cóc. Người dân Trung Quốc coi trọng chuyện ăn uống, đó là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng ở những nơi mà tôi đã đi qua ở lục địa khổng lồ này, tôi chưa từng thấy một nơi nào có hàng quán xem ra vừa tràn lan vừa có một thứ nề nếp hẳn hoi về chủng loại như tại thành phố của chúng ta. Chỉ tại Thái Lan và Singapore là thỉnh thoảng có chút dáng vẻ quán cóc. Đó là những chỗ có những dàn đèn nê-ông nơi mờ nơi tỏ, với bàn ghế thấp nhỏ mà tôi ưa sa vào ngồi xem thử họ bán cái gì. Thế nhưng không bao giờ tôi tìm thấy cái không khí thân tình của ta. Một nơi hào sảng như Việt Nam, nơi mà thỉnh thoảng người ta giành nhau được trả tiền đến nỗi phải to tiếng, nơi đó hẳn không có chỗ thứ hai trên thế giới. Thiếu cái ồn ào đã đành, dĩ nhiên tôi cũng không bao giờ nghe hiểu những gì họ nói, tâm trí của họ dành cho một điều gì khác mà tôi không hề rung động.
Một buổi tối nọ, tôi lại dựng xe vào hàng quán ở hẻm Võ Văn Tần. Hôm nay, ngồi sau cái bàn sò huyết là cô con gái. Cô chào tôi thân thiện và bắt đầu quạt than. Sau mấy tháng, bà chị sò huyết nay đâu vắng. Bà bị ốm hay đã nhường chỗ làm ăn cho con? Tôi đưa mắt nhìn cô gái « Bà chị hôm nay không ra? ». Cô im lặng. Bà chị cháo trắng bỗng lên tiếng « Bả đi vượt biên rồi ». Tôi nửa tin nửa ngờ, bà chị tuổi đã lớn sao còn đi vượt biên. Không biết vì tội nghiệp bà chị sò huyết hay vì nhìn thấy mặt tôi ngơ ngẩn, bà chị cháo trắng nói nhỏ « Bả chết rồi ». Cô gái im lặng cúi đầu. Tôi định hỏi tại sao bà chị lại chết sớm nhưng lại thôi. Lòng tôi bỗng nhiên trống trải. Tối nay dường như dân nhậu sau lưng tôi cũng ít cãi nhau hơn. Hình như thành phố hôm nay bớt náo nhiệt. Tôi gửi cho cô gái một tờ giấy bạc “Cô em thắp hương cho bà chị giùm tôi”. Cô gái cố giấu một giọt nước mắt.
Ôi, quán cóc bên đường đâu phải chỉ là chỗ nhậu nhẹt ồn ào. Nó cũng không phải chỉ là tế bào, là đơn vị phân phối có cấu trúc hẳn hoi của một nền kinh tế đồ sộ như của thành phố năm triệu dân này. Nó chính là cuộc đời. Những quán cóc bên đường nuôi sống hàng trăm hàng ngàn hộ dân, tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nơi diễn ra cảnh ngộ muôn màu muôn vẻ của cả kẻ mua lẫn người bán, của những giấc mơ con, những cuộc đời nhỏ bé, những số phận không tên.