Mao Trạch Đông ngàn năm công tội

Chương 19

Từ 10 đến 18-6-1960, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng họp tại Thượng Hải, chủ yếu thảo luận tình hình quốc tế và kế hoạch bổ sung cho 3 năm cuối (1960-1962) của Kế hoạch 5 năm thứ hai. Chiều 18, Mao tự phê bình trước hội nghị. Đây là lần đầu tiên Mao nhận sai lầm sau thất bại của cuộc “Đại tiến vọt” nhưng rất hời hợt, cố làm nhẹ mức độ sai lầm, tổn thất, lại phê bình cấp dưới “không hiểu lập trường, quan điểm, phương pháp mác xít”. Ông nhấn mạnh “đường lối chung là đúng đắn, công tác thực tế cơ bản làm tốt”. Hội nghị kết thúc, ngày 3-7 Mao đến khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, tiếp tục suy nghĩ làm thế nào vượt qua khó khăn mà vẫn giữ được thể diện.

 

Giữa lúc đó, một sự kiện kinh thiên động địa xảy ra ở Trung Nam Hải, khiến Mao mất hết thể diện.

Một buổi trưa, dưới chân tường cửa bắc Trung Nam Hải trên đường Văn Tân, nơi có nhiều tuyến xe công cộng qua lại, xuất hiện một nữ thanh niên mặc bộ đồ xanh công nhân, hai tay giơ cao hai tấm bìa cứng, một tấm viết: “Tiêu diệt công xã nhân dân!” Tấm kia viết: “Đả đảo Mao Trạch Đông! Bành Đức Hoài muôn năm!” Cô gái bị cảnh sát mặc thường phục túm cổ xách vào bên trong cửa bắc, khoá còng số 8. Tại đây, cô khai tên là Lưu Quế Dương, người Hồ Nam, công nhân nhà máy nhiệt điện Lý Ngư Giang, tổ tông ba đời bần cố nông, bản thân là đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản. Bố mẹ mất sớm, cô được chú thiếm nuôi khôn lớn, đến năm 1956 vào học việc tải nhà máy điện, 3 năm liền không về thăm nhà. Gần đây nghe tin thôn quê xảy ra nạn đói, cô về thăm chú thiếm và 4 em, cả nhà 6 người đều đã chết đói. Dân làng phải ăn rau dại, vỏ cây, đất thó. Cả thôn hơn 30 người chết đói, và nhiều người khác đang ngắc ngoải. Cô nói: “Trở về nhà máy, loa phát thanh suốt ngày ra rả ba ngọn cờ hồng, tình hình tốt đẹp. Tôi chẳng dám nói gì hết, hễ nói liền bị qui là phản cách mạng. Tôi biết rõ kẻ nào là hung thủ tổ chức Đại tiến vọt, công xã nhân dân, nhà ăn tập thể, làm nhiều người chết đói. Là hậu duệ ba đời bần cố nông, đoàn viên thanh niên, nữ công nhân điện, tôi không thông. Tôi lên Bắc Kinh hô khẩu hiệu, muốn đánh đổ công xã nhân dân, đánh đổ Mao Chủ tịch? Tôi muốn hô to: Bành Đức Hoài muôn năm, muôn muôn năm!” Phòng trực ban cửa bắc gửi gấp khẩu cung của Lưu Quế Dương lên Bắc Đới Hà, nơi đang diễn ra Hội nghị công tác Trung ương. Tổng Bí thư Đặng Tiểu Bình đọc xong chuyển ngay Lưu Thiếu Kỳ. Lưu tái mặt, cho đăng vào tin ngắn hàng ngày của hội nghị. Thư ký thường trực Bộ Chính trị Điền Gia Anh không chuyển bản tin này cho Mao đang lâm bệnh, vì sợ làm như vậy khác nào “tát vào mặt ông già”. Điền tin chắc rồi sẽ có người mang cho Mao xem kèm theo mật tấu Lưu cho in khẩu cung trên vào bản tin ngắn là có dụng ý xấu. Cả nửa đầu năm 1960, Mao vẫn kêu gọi tiếp tục Đại tiến vọt, phấn đấu cho 18 triệu tấn thép, 300 triệu tấn lương thực. Đến trước hội nghị này, Mao môi thừa nhận cả nước đã xảy ra nạn đói. Hành động của cô gái Hồ Nam kia khiến Mao hoàn toàn tỉnh ngộ.

 

Một chiếc lá rụng biết mùa thu đến, Mao hiểu uy tín của mình trong toàn đảng, toàn dân đã xuống tới đáy vực. Mao thường ngồi một mình im lặng. Sau khi suy nghĩ kỹ, Mao xin nghỉ ốm, nhiều lần uỷ thác Điền Gia Anh chuyển ý kiến tới Bộ Chính trị: trong thời gian ông ta dưỡng bệnh, Lưu Thiếu Kỳ giữ chức Quyền chủ tịch Đảng.

 

Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân đã thuyết phục được Mao đồng ý khôi phục danh dự cho trên một triệu cán bộ trong cuộc vận động chống phái hữu đã bị quy là phần tử cơ hội hữu khuynh, trong đó có Phó thủ tướng kiên trưởng ban công tác nông thôn Đặng Tử Khôi. Trong một cuộc hội ý Thường vụ Bộ Chính trị, Chu Đức đề nghị phục hồi danh dự cho Bành Đức Hoài, nhưng Mao không chịu: “Mời Bành Đức Hoài trở lại, việc ở Lư Sơn cho trôi qua, ba lá cờ hồng không cần nữa. Được thôi, tôi và Lâm Bưu sẽ dưỡng bệnh lâu dài ở miền Nam, trao Bắc Kinh cho các ông”. Lưu Thiếu Kỳ đành dàn hoà giữa hai người: “Việc Bành Đức Hoài để lại sau, hãy vượt qua đại nạn trước mắt đã”.

 

Hội nghị Bắc Đới Hà lần này họp hơn một tháng (5-7 đến 10-8), xác định phương châm 8 chữ “chỉnh đốn, củng cố, bổ sung, nâng cao”, đánh dấu chấm dứt “Đại tiến vọt”. Hôm bế mạc, với bộ mặt ốm yếu, đáng thương, tâm tư nặng nề, Mao kiểm điểm, thừa nhận mình không hiểu kinh tế, gây hoạ lớn, gây ra nạn đói lớn chết nhiều người như vậy, khó tránh khỏi trách nhiệm; các uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Trung ương, Bí thư thứ nhất Tỉnh uỷ và Thành uỷ cũng khó tránh khỏi trách nhiệm. Mao tuyên bố sau hội nghị này ông sẽ thật sự lui về tuyến 2, không nắm công tác kinh tế, công tác đảng, không chỉ huy sản xuất công nông nghiệp nữa, chỉ cùng Lâm Bưu nắm công tác quân sự và Phong trào cộng sản quốc tế, thời gian còn lại đọc sách, nghiên cứu lý luận. Mao một lần nữa đề nghị chính thức thông qua văn kiện nội bộ, để Lưu Thiếu Kỳ làm Quyền Chủ tịch Đảng trong thời gian ông ta dưỡng bệnh.

 

Từ đó Mao rút về tuyến 2 (nhưng không từ bỏ quyền lực), bắt đầu thời kỳ Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình chỉnh đốn, phục hồi kinh tế quốc dân. Sau hội nghị trên, trừ Mao Trạch Đông và Lâm Bưu dưỡng bệnh ở miền Nam, các uỷ viên Bộ Chính trị đều chia nhau xuống nông thôn điều tra nghiên cứu, giải quyết nạn đói và các vấn đề tại chỗ.

 

Ba năm “Đại tiến vọt” hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, toàn bộ nền kinh tế quốc dân rối tung lên, các tỉ lệ mất cân đối.

Một là mất cân đối giữa tích luỹ và tiêu dùng, tỉ lệ tích luỹ trong 3 năm 1958-1960 là 33,9%, 43,9% và 39,6%, vượt xa tỉ lệ tích luỹ bình quân hàng năm 24,2% trong Kế hoạch 5 năm thứ nhất.

Hai là mất cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, công nghiệp gang thép phát triển dị hình, từ 1958 đến 1960, công nghiệp nặng tăng trưởng 330%, trong khi nông nghiệp giảm 22,8%.

Ba là mất cân đối trong nội bộ ngành công nghiệp, sản xuất gang thép chiếm nhiều năng lượng, nguyên vật liệu, giao thông vận tải, khiến các ngành khác không có cách nào sản xuất bình thường.

Bốn là mất cân đối trong thu chi tài chính và mất cân đối nghiêm trọng giữa sức mua xã hội và khả năng cung cấp hàng hoá.

 

Năm là mất cân đối giữa khả năng cung ứng lương thực hàng hoá và nhân khẩu thành thị tăng nhanh. Lương thực năm 1959 đánh giá đạt 270 triệu tấn, thực tế chỉ có 170 triệu tấn. Năm 1960 giảm xuống còn 143,5 triệu tấn. “Đại tiến” biến thành “đại thoái”.

 

Trước tình hình ấy, Chu Ân Lai đã thể hiện trách nhiệm chính trị lớn lao, và năng lực trị quốc an dân tuyệt vời.

 

Năm 1960 là một năm tình hình kinh tế đất nước tồi tệ nhất, nhiều người chết đói nhất, là năm khủng hoảng niềm tin đối với Mao Trạch Đông xuất hiện trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân, là năm Mao Trạch Đông nên rút khỏi vũ đài chính trị. Trong bối cảnh ấy, tháng 9-1960, Lâm Bưu triệu tập Hội nghị Quân uỷ Trung ương mở rộng, ngày 20-10 ra nghị quyết ủng hộ Mao, với lời lẽ kinh thiên động địa:

“Đồng chí Mao Trạch Đông là người Mác xít - Leninnít vĩ đại thời nay. Tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Mác-Lenin được phát triển sáng tạo trong thời đại chủ nghĩa đế quốc đi tới sụp đổ, chủ nghĩa xã hội tiến tới thắng lợi, trong thực tiễn cụ thể của cách mạng Trung Quốc, trong sự phấn đấu tập thể của Đảng và nhân dân. Tư tưởng Mao Trạch Đông là kim chỉ nam của nhân dân Trung Quốc trong công cuộc cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã bội, là vũ khí tư tưởng hùng mạnh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều… Nhiệm vụ căn bản nhất trong công tác chính trị tư tưởng của quân đội là giương cao ngọn cờ hồng Tư tưởng Mao Trạch Đông, lấy đó vũ trang hơn nữa đầu óc cán bộ, chiến sĩ toàn quân, kiên trì dùng tư tưởng Mao Trạch Đông thống soái mọi công tác”.

 

Từ Đại hội 7 năm 1945 trở đi, tuyên truyền Tư tưởng Mao Trạch Đông là bản quyền của Lưu Thiếu Kỳ, nhân vật số 2 trong đảng. Tại Đại hội 8 (1956), Báo cáo chính trị và Điều lệ đảng đã xoá bỏ cách nêu Tư tưởng Mao Trạch Đông, những năm gần đây vẫn nói “Học tập tác phẩm của Mao Chủ tịch”. Lâm Bưu đột ngột lấy danh nghĩa Hội nghị Quân uỷ Trung ương mở rộng đưa ra văn kiện vượt trên Đại hội 8, vượt trên điều lệ đảng này không khác nào cướp ngọn cờ lớn sùng bái cá nhân trung tay Lưu Thiếu Kỳ, phá vỡ trật tự cuộc sống của tầng lớp cấp cao trong ĐCSTQ. Toàn quân, toàn đảng đều phải tuyên truyền Mao Trạch Đông và Tư tưởng Mao Trạch Đông theo giọng điệu của Quân uỷ Trung ương, trên thực tế hình thành một bộ tư lệnh khác đối lập với Lưu Thiếu Kỳ (chủ trì Bộ Chính trị) và Đặng Tiểu Bình (chủ trì Ban Bí thư), mà Mao Trạch Đông lại đứng về phía Lâm Bưu. Việc làm của Lâm đã thách thức Điều lệ đảng, thách thức Lưu, Đặng, thách thức Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trước sự uy hiếp của Lâm Bưu và mấy triệu quân, chẳng ai dám vạch ra sai lầm của ba ngọn cờ hồng, chẳng ai dám truy cứu trách nhiệm về hàng chục triệu người chết đói, mà chỉ lặng lẽ uốn nắn sai lầm của “cấp dưới”.

 

Tháng 9-1961, nguyên soái Anh Mongomery thăm Trung Quốc. Ngày 23, gặp nhau tại Vũ Hán, khi vị khách hỏi về người thừa kế. Mao trả lời: “Rất rõ ràng, đó là Lưu Thiếu Kỳ. Nay Lưu là Phó Chủ tịch thứ nhất ĐCSTQ. Sau khi tôi chết, ông ta sẽ lên thay”. Về Anh, Mongomery thuật lại lời Mao, khiến thế giơi xôn xao, và ở Trung Quốc còn xôn xao hơn.

 

Thông tin trên ít nhất thể hiện 3 ý tứ sâu xa:

1. Đại tiến vọt và công xã nhân dân gây hậu quả rất nghiêm trọng, Mao từ lâu đã rút về tuyến 2, Lưu phải chịu trách nhiệm về giai đoạn lịch sử này.

2. Mao khuyến khích Lưu Thiếu Kỳ toàn lực chỉnh đốn kinh tế quốc dân đang bên bờ vực thẳm tan vỡ, khôi phục sản xuất công nông nghiệp.

3. Mao chơi con bài Lưu, khống chế Lâm, lại chơi con bài Lâm, khống chế Lưu, để cho hai người tranh nhau trung thành với lãnh tụ vĩ đại, lại chỉ trích nhau không trung thành với lãnh tụ như vậy, vị trì của Mao càng vững chắc, an toàn.

 

Mao không thật sự có ý định để Lưu Thiếu Kỳ kế tục mình.