Nửa đầu năm 1958. Mao liên tiếp triệu tập các hội nghị Hàng Châu, Nam Nính, Thành Đô, Vũ Hán… rồi Đại hội 8 kỳ 2, với chủ đề phê phán những người phản đối làm liều chống bảo thủ hữu khuynh, ép Chu Ân Lai kiểm điểm, gạt bỏ những ý kiến đúng đắn phù hợp qui luật kinh tế khách quan của Chu, mở rộng đường thực hiện trong toàn đảng đường lối chủ nghĩa xã hội không tưởng tả khuynh của Mao với đặc điểm làm liều. “Tội chứng” chủ yếu đề phê phán Chu là báo cáo của ông tại Hội nghị Trung ương 2 khoá 8 tháng 11-1956.
Tại Hội nghị Nam Ninh ngày 16-1-1958, trước mặt mọi người, Mao bảo Chu: “Chẳng phải ông phản đối làm liều đó sao? Tôi chống lại những ai phản đối làm liều”.
Tối 19-1, Chu Ân Lai kiểm điểm, thừa nhận phản đối làm liều là sai lầm hoàn toàn đi ngược lại phương châm “xúc tiến” của Mao, và xin nhận trách nhiệm chủ yếu đối với sai lầm trên.
Đến Hội nghị Thành Đô tháng 3-1958, Mao đưa ra khẩu hiệu “loại bỏ mê tín, giải phóng tư tưởng”, và đường lối chung “Dốc hết lòng hăng hái, phấn đấu vươn lên hàng đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều, nhanh, tốt rẻ“. Mao nói rất nhiều về “tính đúng đắn và sự cần thiết” của sùng bái cá nhân.
Đại hội 8 kỳ 2 họp từ 5 đến 23-5 tại Bắc Kinh. Về dự có 977 đại biểu chính thức, 389 khách mời, bao gồm một số Bí thư Huyện uỷ và cấp tương đương, Bí thư Đảng uỷ các xí nghiệp lớn do các tỉnh và thành phố trực thuộc lựa chọn. Mao Trạch Đông chủ trì, Lưu Thiếu Kỳ đọc báo cáo công tác. Kỳ họp chính thức đưa ra đường lối chung, chính thức tuyên bố khởi đầu phong trào “Đại tiến vọt”.
Chu Ân Lai hiểu rõ kiểm điểm trong phạm vi lớn như thế có nghĩa là công khai tuyên bố từ chức Thủ tướng. Ông quá hiểu Mao Trạch Đông, sau khi tiến vào Bắc Kinh, quan hệ đồng chí và chiến hữu giữa ông và Mao đã chấm dứt, bắt đầu quan hệ vua tôi. Lệnh do Mao ban, công việc do Chu làm, tuy dưới một người và trên vạn người, nhưng làm bạn với vua như chơi với hổ, có thể bị hổ ăn thịt bất cứ lúc nào, nên ông cực kỳ thận trọng. Trước mắt Chu có ba con đường. Toàn bộ nền kinh tế quốc dân đang lồng lên như con ngựa hoang, có thể lượng trước những nguy hiểm, là thủ tướng ông phải thuyết phục Mao, nhưng chưa chắc người ta đã hiểu ý tốt của mình, mà ông rất có thể bị qui là đại biểu của đường lối cơ hội hữu khuynh, đại diện cho phái hữu và giai cấp tư sản. Không thể đi theo con đường này. Con đường thứ hai là từ chức Thủ tướng, không kiểm điểm trái với lòng mình để lịch sử chứng minh ai đúng ai sai. Như vậy chẳng khác gì chơi bài ngửa với Mao Trạch Đông. Mao đã dám chỉ con hươu bảo là con ngựa, đổi trắng thay đen, trong đảng cũng không hiếm gì kẻ mưu toan xu nịnh, tâng bốc Mao để ngoi lên, như vậy mình sai sẽ bị lật đổ mình đúng càng bị lật đổ nhanh hơn, Cón đường cuối cùng là kiểm điểm trái với lòng mình, lấy Mao làm tiêu chuẩn đúng sai, theo sát Mao, giữ sự nhất trí về đường lối và chính sách. Sau này nếu xảy ra rối loạn, Chu lại đứng ra nhận trách nhiệm về mình, chấn chỉnh tình hình, đặt Mao ở tuyến hai “vĩnh viễn đúng đắn”. Tư duy của Chu dừng lại ở điểm thứ ba này. Ông gọi thư ký riêng Phạm Nhược Ngu đến đêm khuya thanh vắng, ông nói câu nào, thư ký ghi lại câu đó nói rất chậm, có lúc mấy phút liền chẳng nói được câu nào. Bản kiểm điểm viết xong, ông cân nhắc sửa từng câu một, rồi gửi Mao Trạch Đông và các uỷ viên thường trực Bộ Chính trị. Qua mấy ngày, Mao gửi lại sau khi xoá bớt hoặc sửa cho nhẹ đi một số câu chữ quá nặng, hạn chế tính chất của vấn đề trong phạm vi nhận thức, hình như Mao không có ý định thay Thủ tướng. Chu hiểu rằng việc Mao ép mình kiểm điểm lần này cũng như đã làm với Lưu Thiếu Kỳ tại Hội nghị Trung ương 4 khoá 7, bởi Mao cho rằng làm như vậy là tuyệt đối cần thiết để củng cố địa vị lãnh tụ của ông ta, chỉ cần Lưu vá Chu không đứng ra phản đối, thì toàn Đảng chỉ có thể đi theo Mao.
Trong tâm trạng rất phức tạp, Chu Ân Lai đã đọc bản kiểm điểm trước hội nghị. Ông thừa nhận sai lầm của mình là nghiêm trọng, nguồn gốc tư tưởng là mắc bệnh chủ quan, siêu hình, giáo điều kinh nghiệm. Ông ca ngợi Mao Trạch Đông đại diện cho chân lý, là người không bao giờ mắc sai lầm, kêu gọi mọi người học tập tư tưởng, tác phong, phương pháp làm việc, các tác phẩm và các chỉ thị của Mao. Ngày 25-5, theo đề nghị của Mao. Hội nghị Trung ương 5 khoá 8 đã bầu Lâm Bưu làm Phó chủ tịch đảng, Kha Khánh Thi, Lý Tỉnh Tuyền và Đàm Chấn Lâm làm uỷ viên Bộ Chính trị. Trong đảng lan truyền tin Kha Khánh Thi (Bí thư Thành uỷ Thượng Hải) sẽ lên làm Thủ tướng. Chu Ân Lai đệ đơn từ chức, Bành Đức Hoài cũng xin thôi chức Bộ trưởng quốc phòng. Ngày 9-6-1958, Mao triệu tập cuộc họp Thường vụ Bộ chính trị thảo luận vấn đề trên. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Trần Vân, Đặng Tiểu Bình nhất trí giữ hai ông lại, Hội nghị quyết định hai ông tiếp tục giữ cương vị công tác cũ.
Mao Trạch Đông biết rõ Chu Ân Lai là người co lương tâm, mà dựa vào một thủ tướng có lương tâm thì không thể hoàn thành nhiệm vụ lịch sử Đại tiến vọt. Khi ấy, Mao đã quyết tâm tước đoạt nông dân tới mức tối đa, tập trung lương thực trong tay để chi viện cách mạng thế giới, khiến ông ta trở thành lãnh tụ vĩ đại của Phong trào cộng sản quốc tế.
Mao phải đích thân ra tuyến một chỉ đạo sản xuất công nông nghiệp, tổ chức và chỉ huy Đại tiến vọt. Không thể cách chức Thủ tướng Chu, Mao liền thực thi nhiều động tác nhỏ để vô hiệu hoá ông. Trước hết. Mao thành lập 5 tổ trực thuộc Bộ Chính trị và Ban Bí thư:
1. Tổ kinh tế-tài chính gồm 12 người, do Trần Vân làm Tổ trưởng, Đàm Chấn Lâm Tổ phó.
2. Tổ chính pháp 5 người, Bành Chân làm Tổ trưởng.
3. Tổ Ngoại sự 6 người, Trần Nghị làm Tổ trưởng.
4. Tổ Văn Giáo 10 người, Tổ trưởng là Lục Định Nhất.
5. Tổ Khoa học 6 người, Tổ trưởng là Nhiếp Vinh Trăn.
Khi thông báo vấn đề này, Mao đẩy Chu từ vị trí thứ 3 xuống thứ 6. Như vậy Quốc vụ viện (Chính phủ) trở nên hữu danh vô thực, vai trò của thủ tướng trở nên mờ nhạt, bị tước quyền lãnh đạo và quyền quyết sách công việc chính trị, nhất là xây dựng kinh tế của đất nước. Mao Trạch Đông trực tiếp chỉ huy 5 tổ trên, hình thành “Viện thiết kế chính trị” do ông ta đứng đầu, lãnh đạo công cuộc xây dựng kinh tế, phát động phong trào Đại tiến vọt và công xã nhân dân. Các nơi dồn dập phóng “vệ tinh” về sản lượng lương thực và bông.