Mới đến cơ quan được một đêm, sáng sau tôi xa vào một chầu “đại lý sự” như vậy.
Mỹ đổ bộ Đà Nẵng.
Hơn chục ông bạn phái viên, cũng là dân tứ xứ mới về như tôi, lập tức đổ bộ vào chỗ làm việc của thủ trưởng, một cái miếu ở góc xóm. Nghe đọc xong hai bức điện của quân khu, một loạt tin từ các đài và các hãng thông tấn, chúng tôi mới phát nhé, phát vô số cái biểu ngược nhau. Anh Điển vẫn cười đóng vai ông thợ đốt lò.
Tôi xúc động ít thôi. Bên cạnh số quân ngụy còn hơn nửa triệu, tôi cho vài chục ngàn tên Mỹ kéo vào chỉ đủ dấm ớt, chẳng khác đám lính mang cờ hiệu chạy quanh sân khấu khi vở tuồng sắp dứt, cổ máy bay tàu chiến đánh thêm mấy hồi chiêng trống trước phút hạ màn. Rất có thể chúng sẽ chiếm vài mảnh đất ven biển lấy chỗ cho tụi ngụy chạy xuống tàu. Có thể sau khi mất hết miền Nam chúng vẫn níu lấy dăm bảy cái căn cứ ỳ thần xác mà cò kè với ta. Đánh Mỹ chỉ mêt khoản bom đạn, chứ tụi bị thịt ấy ra cái thớ gì...
Nhiều ý kiến bác tôi. Mỹ sẽ trút sang nửa triệu quân, một triệu, nhiều nữa. Chiến tranh lan ra hai miền, sẽ tràn khắp Đông Nam Á, thế chiến thứ ba sắp nổ... Đủ các quẻ bói động trời!
Anh Điển nhét cái ống nghe máy thu thanh vào một tai, vừa lượm tin mới vừa theo dõi chúng tôi, tay lại sửa cái đèn ve rượu bạc hà, làm ba việc một lần. Khi bị anh em buộc phải “tỏ thái độ“, anh mới đủng đỉnh xé làm tư tờ giấy đánh máy, quấn điếu thuốc rê to bằng đuốc, thở đủ ba khói mới chịu mở miệng:
- Mình mù tịt. Thiệt chớ.
Chúng tôi bật cười.
- Nãy giờ các cha xúm vô bẻ gãy cái chiến lược toàn cầu của Mỹ, nghe thiệt sướng lỗ tai, chỉ có đôi chỗ mình chưa hiểu. Cậu Dõng nè, cậu nắm kế hoạch nhà Trắng cách sao mà biết nó đưa vô một triệu? Tay Trà cho nó xài mười vạn là hết mức, chắc không? Mình chỉ biết cắn cưa một điều là Mỹ không chịu nhả miền Nam, bấy nhiêu thôi.
Cái anh vậy đó, giả bộ ngờ nghệch mà sâu gớm!
- Mình lo lắm. Sắp đánh thằng Mỹ bằng xương bằng thịt rồi mà mình chưa hiểu gì về nó cả. Người nói nó ba đầu sáu tay, người tả nó như cục thịt thừa, nghe loạn ù. Cha nào biết bày giùm cho chút. Tư Thiêm, lính Mỹ nó công tử bột ra sao hả cậu? Biên chế, huấn luyện, trang bị, điều lệnh, tư tưởng, tác phong... Kể mình nghe với đi!
Chúng tôi mới đọc vài tài liệu chung chung, nghe lỏm một số nhận xét rất chiến lược về quân Mỹ mà đã tán phét tràn cung mây. Bị vặn tréo bản họng, chỉ việc ngó nhau cười trừ.
- Bây giờ ta ừ với nhau vế thứ nhất: Mỹ vô bao nhiêu cũng đánh, đánh phải thắng, thắng cho ta và cho cả thế giới nữa. Còn cái vế sau thì treo đó đã: quân Mỹ ra sao, đánh Mỹ cách nào cho ngon? Cả nước cùng tìm câu trả lời, có điều tụi mình lãnh việc nghiên cứu thì phải chia nhau đi tìm trước. Ưng chưa nè?
Còn phải nói!
Sau hai ngày bàn cách làm việc, tôi rời H.68, không đi Đà Nẵng mà ngược chiều về phía Nam. Số phái viên ra Đà Nẵng đã khá đông, vùng An Tân còn thiếu người theo dõi. Quân ngụy đang xây sân bay và bến cảng trên bãi cát dài nối liền hai tỉnh Nam-Ngãi, lót ổ sẵn cho Mỹ vào đóng chốt. Tôi mang theo sáu trang đánh máy đầy những câu hỏi hóc búa, mới đọc đã tháo mồ hôi hột. Đã vậy, các cậu khác còn trầm trồ:
- Mày sướng đã đời, biết tiếng Mỹ, hốt được tài liệu hay bắt tù binh là ăn xổi được liền. tụi tao vốn liếng chỉ có một tiếng ô-kê, chưa biết cạy gỡ sao đây!
°
Đã thành lệ, trong giờ đầu của chuyến đi các chú giao liên rất nghiệt ngã đối với khách lạ. Càng nhỏ càng làm nghiêm, cái nghiêm phải đủ để bù vào chỗ thiếu cân thiếu thước, tạo được sự bình đẳng giữa mười lăm và ba mươi tuổi. Dần dà các chú sẽ cho phép mình dễ tính hơn một chút nếu khách không ỷ lớn cải liều, không mắc cái bệnh đáng ghét nhất là bệnh chủ quan, không quá ngờ nghệch khi gặp tàu bay đại bác hay giặc nằm kích. Các chú xuống thang từng bước, đề bạt khách lên từng nấc, tới cuối quãng đường mới biến thành chú cháu hay anh em.
Chú em tự xưng là Hùng Cường này cũng y vậy. Tôi nhìn hai cặp chân tay lòng khòng chưa có bắp thịt, đôi lông mày rất rậm, nhận ngay ra Ba Tâm em cô Mẫn, cứ im xem chú ăn ở ra sao. Tâm không nhớ tôi, dạo lụt chú chỉ thoáng gặp tôi vài lần, bộ đội lại đông và hao hao giống nhau.
Chúng tôi đi trong vùng giải phóng đang sùng sục hừng hực với cái tin Mỹ đổ bộ, như lửa đốt rẫy gặp mưa bóng mây. Bà con cứ níu tôi hỏi về lữ đoàn thủy quân lục chiến vừa vào Đà Nẵng. Tâm không bằng lòng, nhưng thấy tôi đối đáp trôi chảy lại có vẻ nể hơn. Chú bắt đầu cho biết rằng cánh Bắc Tam Kỳ “mở ra“ mạnh hơn cánh Nam, rằng chị bánh bèo nhân tôm ở chợ Cây Cốc tăng giá đến ba đồng một chén là phạm chính sách nặng, rằng thôn Một Sa tức làng Cá sống sót đến nay là nhờ bộ đội cứu hết. Đến đây tôi phải cải: bộ đội chỉ cứu hơn tám chục người, chính Ba Tâm cũng chèo bè chuối đi vớt bà con đấy thôi.
Tâm há miệng một lát rồi reo:
- Chết, hèn gì..anh Thiêm mà em ngợ miết. Sao hồi nãy anh không nói?
Tâm trách mãi chỗ này, làm như nếu biết tôi từ đầu chú đã cho tàu bay giấy chở tôi vèo đến nơi ngay.
Tôi nghe Tâm kể lu bù chuyện mới chuyện cũ về quê mình, đoán chừng phải trừ hao tới năm chục phần trăm bốc đồng thì còn đúng sự thật. Phong trào Tam Sa lên mạnh lắm, khí thế lắm, có điều “bị kẹt cái khâu cán bộ”. Kẹt ra sao chẳng biết, Tâm chỉ nghe lỏm bác Bảy nói vậy; thím Chín bàn rút chị Hai Mẫn về làm thường vụ phụ nữ huyện mà bác không chịu, nhắm trước sau chị cũng phải gánh cái bí thư Tam Sa. Tôi giật mình khi Tâm ném cho Út Hoà một lời phê chí tử: “nó học khá mà đạo đức tồi“, sau mới vỡ lẽ là cô em quá mau nước mắt và sợ máu. “Cứu thướng gì nó. Ra trận chắc các anh bị thương phải dỗ nó nín, cõng nó về!“. Riêng Ba Tâm cũng có một tâm sự rất sâu kín mà ai cũng rõ: chú ngán làm giao liên, muốn đi bộ đội chủ lực, không cũng về làm du kích làng Cá. Nhưng chú lại đang được chi đoàn cơ quan thử thách, chú sợ năn nỉ xin đổi việc thì sẽ khó vào Đoàn. Éo le cái chỗ đó. Chú thở dài não nuột: “Chị Hai giấu mà em biết, chỉ sợ em chết thì họ Phan mất nòi, phong kiến thấy bà! Nghe Mỹ sắp vô An Tân, em ngứa đánh quá. Tam Sa ở sát bên hông Mỹ, ưu tiên đánh Mỹ sướng nhứt, còn bắn tụi ngụy thì ra cái gì...”. Chú nhổ nước bọt toánh một bãi vào nửa triệu quân ngụy đầy mình súng đạn.
Tôi càng đi càng náo nức
Như con tàu xuyên vũ trụ, tôi đã rời khỏi sức hút của Bình Định và xê mình. Đang lao mỗi lúc một nhanh về Tam Sa, về mảnh đất mang cái tên làng Cá lạ tai- cá mà lại chết đuối! Tôi không nhớ làng Cá như nhớ những xóm đã nuôi tôi suốt một mùa cày cấy hay luyện quân, ở đó tôi thuộc đến tên các cháu trong nôi và nhắm mắt đi cũng trúng ngõ. Làng Cá ở lại trong tôi chỉ bằng mấy nét chấm phá, nhưng mấy nét ấy được khắc bằng con dao lửa của cơn đau dữ dội. Trên khúc đường rẽ vào làng, tôi bước hẳn trên kỷ niệm, như đôi chân xốc lên những lỗ cát trắng nằm dưới lớp cát ướt sẫm màu sau cơn mưa nhỏ. Tôi đi thẳng vào đình làng, muốn ôm hôn chung một lần bấy nhiêu người thân gặp lại, đợi qua cái phút lồng ngực đầy ứ khó thở.
Ngôi đình có người mà như bỏ hoang. Không một tiếng động.
Người ngồi bàn giữa, ngay dưới cờ Mặt Trận và tấm băng lớn, là anh Tám Liệp chủ tịch xã. Vẫn khuôn mặt dài dưới tóc hoa râm, dáng người cao lớn rất “có thớ“. Anh đeo kính trắng, đang viết. Quanh bàn bên phải có ba người cặm cụi tính sổ. Một người ngửng lên, nhận ra tôi gật đầu cười cười, cúi xuống. Đó là anh ba Thấn với cái trán dô và ngắn, bộ tóc úp nồi đất. Dọc cái bàn dài bên trái có anh Quì và một ai đó nữa, đều bận đọc và ghi.
Tôi lúng túng lùi lại, ngó quanh không thấy cái ghế nào, ngồi luôn xuống bậc cửa ra vào, rút khăn lau mặt. Ba Tâm đến chỗ anh Quì, giao mấy cuộn báo, xấp bì thư, đưa riêng hai tờ giấy đánh máy của H.68 và huyện đội giới thiệu tôi là phái viên. Anh này vào sổ từng bì một, xếp riêng ba công văn có lẽ là khẩn và mật, đặt giấy của tôi lên trên đem đến bàn ông chủ tịch. Qui củ đấy. Anh Liệp nghe rỉ tai, liếc ngược lên nhìn tôi bên trên cặp kiếng lão, gõ gõ cây bút máy, lại viết. Bộ máy chính quyền ở nơi gần địch này vẫn làm viêc nghiêm chỉnh, rất hay. Tôi luôn luôn trọng những người đang bận việc, say việc. Tôi xoay đầu ngắm chung quanh đợi gọi.
Cái lỗ thủ pháo đánh toác nền còn kia, trũng hình lòng chảo. Mái đình vẫn lỗ chỗ những dấu pháo chụp. À, đúng rồi cái mảng trống có cây mè bắt nắng kia nơi bà mẹ Mẫn dỡ ngói, buộc cái thúng dựng cháu Hoàn. Chao, tôi muốn bồng thằng nhỏ quá, coi nó lên cân nhiều không. Mẫn khoe nó bụ và khôn lắm. Tôi muốn rảo một vòng quanh xóm quá.
Nửa giờ, một giờ, một giờ rưỡi. Ông chủ tịch chỉ ngẩng lên để rút một điếu Bát-tô trong túi tài liệu châm lửa, lật một xấp giấy dầy, bắt đầu đọc. Có cái gì không thường trong lối đón tiếp lạnh ngắt này. Tôi ngờ ngợ khá lâu, chợt nhớ ra là thư ngắn mà tôi gởi anh Bảy quai nón trước khi rời Tam Kỳ. Bận quá, tôi chỉ viết sơ sài rằng ở Tam Sa có vài đồng chí ít bám dân, hình như nội bộ lủng củng sao đó. Bấy nhiêu thôi mà bị đối phó ư? Đừng nóng, đừng nghi bậy, hãy cố giữ niềm thương hồ hởi đã cuốn tôi đi gấp về đây...
Ông chủ tịch cầm giấy của tôi lên, sửa kính, xem nhanh. Ông vẫy anh Quì lại nói nhỏ, rồi nói to với tôi:
- Đồng chí thiêm à...mời đồng chí về nghỉ tạm nhà bác Mười, lát nữa chúng tôi trao đổi.
Tôi xốc ba lô theo anh Quì, chưa hết ngạc nhiên. Ngôi đình chết lặng này, cây đa mất màu tươi non, những bộ mặt bị quấy rầy, hình như tất cả đều phủ một màu sương khói, được dựng lại bằng sương khói, không thật.
Anh Quì đi thẳng đến cuối xóm, hất hàm về phía một cái cổng, dặn chúng tôi vào nhà ông thầy Mười mà đợi, bỏ đi luôn. Ông Mười tóc trắng như cước và râu đen lánh, đang nhậu một mình trên phản giữa. Ông túm vai tôi lè nhè:
- À, anh giải phóng. Ngồi, ngồi đây, làm một chén cho tửu năng hành huyết. Ngó mặt thấy quen quen, am2 thôi trước lạ sau quen... Ông về lo chuyện đánh Mỹ chớ? Mỹ tới xứ mình nói ô-kê, ô-kê, vị chi nó đòi cống nạp cái thứ gà đen cho nó ăn. Thuốc gì cũng không qua được ô-kê nhứt chích đem hầm nhừ. Ô tu hắc phát, xỉ lạc tái sanh. Mỹ nó biết vậy mới nhào vô... Thiếu gà đen mà đem anh lươn nấu cháo cũng là buộc lòng, vô ô-kê mới dụng thiện ngư...
Tôi nhờ Ba Tâm đi tìm anh Tư Luân và cô Mẫn. Văn phòng huyện nói anh Bảy quai nón cũng đang kiểm tra các xã chung quanh đây, tôi nên gặp. Gượng ngồi gốc phản một lát, tôi đi tuột ra sân, để ông già say nói chuyện với cái ba-lô. Tới đầu ngõ tôi đứng thừ một lát lại quay vào: ông chủ tịch có thể đến khi tôi đi vắng. Ông Mười đang cố giảng cho cái ba-lô hiểu rằng Mỹ chiếm Cao Ly bởi thứ sâm Cao Ly hạp với tì vị của nó. Chán ngấy. Tôi xách luôn ba-lô và bao gạo xuống bếp, soạn các thứ ra nấu cơm ăn, cơm nắm.
Ba Tâm về, buồn thiu:
- Em không gặp ai hết. Chú Tư đưa bác Bảy xuống vùng cát hôm qua, chị Hai dời kho bí mật, anh Ri thôn đội mắc gài mìn...
Tôi vần cái ăng-gô cơm, kéo Tâm đi thốc ra đình. Người biến hết, chỉ còn tay Quì đang gỡ băng cờ. Cậu ta quay mông ra tôi, ngậm kim băng trong miệng, hỏi mãi chỉ buông vài tiếng lùng bùng. Tôi nổi khùng:
- Đồng chí lại đây!
- Làm gì mà…
- Lại đây!
Tôi rút hai tờ giấy giới thiệu đập xuống bàn, gằn giọng:
- Tôi cần kiểm tra công tác quân sự của ủy ban Tam Sa, ngay lập tức. Đồng chí nào sẽ báo cáo?
- Đâu còn có đó, bác Tám dặn anh đợi...
- Tôi không biết chú bác nào hết. Ai báo cáo?
- Dạ, để em sửa soạn cơm tối, chỗ nghỉ...
Tôi suýt cười phì khi thấy cậu ta đổi giọng rất nhanh, hai tay xoắn vào nhau như sắp vái. Lạ thật cán bộ Tam Sa... Cậu nằn nèo mấy câu nữa về chuyện ăn ngủ, làm như tôi chỉ hạch để đòi chất tươi, rồi thú thật là bác Tám đã “tạm lánh“ lên Tam Trân, ở đây địch hay đánh úp lúc mờ sáng, lại có tin mai địch càn lớn. Tôi hết cáu, nhưng biết phải sẵng giọng mới ăn thua:
- Địch càn thì ủy ban chạy mất xứ, đúng vậy không?
- Dạ còn xã đội lo đánh chớ. Để em đi tìm...
Quì ôm cuộn băng cờ, tất tưởi ra cổng đình. Tâm lắc đầu:
- Ba trợn ba tráo chứ tìm cái gì. Tuốt một hơi lên quán bà Liệp ăn mì uống bia, rồi rút thiệt sâu vô xóm vắng mới dám ngủ. Đeo con thỏ to tướng trên lưng..
Chúng tôi ăn cơm xong vẫn không thấy ai đến hỏi, đành tự đi lùng xã đội.
Trời tối hẳn. Ngoài đồng ruộng luôn luôn có một thứ ánh sáng nào đó, không trăng thì sao, còn trong xóm tán cây che rậm trên đầu làm cho đất đen kịt, nơi có nhà thì mắt tôi bị loá đèn, qua khỏi mỗi khung cửa lại sa vào bóng đêm dày đặc hơn. Tôi thoáng so sánh thời mò mẫm băng đồng đi móc cơ sở, đêm xưa nổi dậy cả làng bừng lửa với cái cảnh tranh tối tranh sáng lúc này, khi một số xấu đã len vào hàng ngũ như giun sán vào ruột người, chễm chệ ngồi giữa đình làng mà làm oai làm phước. Ngây thơ, không được đâu Thiêm ơi! Hãy tự hào vì cái làng Cá đẫm bùn và máu năm ngoái đã lớn vọt lên thành làng chiến đấu loại khá, hãy chia nỗi mừng ngây ngất của bà con làng Cá được sống tự do sau cơn nước dâng pháo chụp, nhưng phải nhớ kỹ rằng tuổi lên mười, tuổi hai mươi, tuổi bốn mươi đều có những mối lo riêng bên cạnh những nguồn vui lớn.
Từng lúc, Ba Tâm để tôi đứng đợi, chạy vào một cửa sáng đèn hỏi tin chị hai và các anh chị, cô chú. Bà con không biết. Tôi vội tìm cán bộ nên tránh lộ mặt, sợ bà con giữ lại thăm hỏi lâu. Tôi biết cái nguy hiểm đang chờ, nếu thiếu người dẫn đường và hầm bí mật trong trận càn sáng mai. Pháo đêm nay im hẳn. Bọn lính ngủ sớm để dậy lúc ba giờ, giội vào làng trận pháo mở đầu...
- Hay la lên Tam Trân, anh Thiêm?
- Không!
Tôi sẽ sục hết đêm qua bốn thôn giải phóng trên mé đường Một. Dù chỉ sót vài cậu du kích nhấp nhổm, tôi cũng nắm lấy, kéo họ đi chống càn, hạ được vài khiêng địch rồi rút đi đâu mới rút. Mảnh đất này đắt giá lắm, để giặc đạp chân lên dễ dàng là có tội với những người hiến máu giành lấy nó.
Đến cuối làng. Ba Tâm rẽ sang con đường ruộng qua thôn bên. Luồng đèn pha từ đường nhựa quét lên, chợt dừng lại rung rung trên đầu chúng tôi như một ống thủy tinh chứa bụi sáng. Hai bóng người đang đi tới. Tâm kéo tôi lùi lại, rút lựu đạn đợi. Rồi chợt reo nhỏ:
- Chú Tư ơi chú Tư!
- Ai như thằng Tâm...
- Tìm chú muốn chảy máu mắt! Có cán bộ trên về. Anh Thiêm, bộ đội.
Tư Luân bước sấn tới:
- Thiêm nào? Thiêm ở đại đội ba Tơ hả?
Tôi nói luôn: “Đúng“. Anh ôm choàng hai vai tôi kêu khàn khàn:
- Hú ba hồn chín vía, tưởng lão bỏ luôn xứ này rồi! Khi nãy Hai Mẫn mắc dời kho, cho liên lạc xuống kêu mình, con nhỏ nói cà trật cà vuột, chẳng biết ai tên là Xiêm mà lại quen lắm, tốt lắm... Được lão về giúp thì ưu tiên hết sức rồi!
Từ con người anh bí thư chi bộ Tam Sa toát ra mùi mồ hôi nồng rất xốc vác và cái vui ồn ào, cả hai cùng một lần chụp lấy tôi. Tôi đang ngỡ ngàng, bị anh kéo tuột vào một căn nhà gần nhất, vặn to ngọn đèn chong trên bàn, gọi ầm:
- Cứ nhè thằng này bắt đền hoài: các ảnh đâu rồi, sao không thơ từ gì hết. Dẫn được một anh về làm thuốc đây nè. Nhận ra chưa, chị Biền? Tên gì nói nghe thử?
Mươi phút sau, nhà chị Biền đầy chật bà con trong xóm kéo tới, đứng đầy cả ngoài sân, thay nhau nắm tay vỗ vai tôi, cười to, lau mắt sụt sịt, hỏi một trăm câu tới tấp. Tôi say nhanh. Tôi lại hít thở cái không khí không lẫn được của những đêm vào địch hậu, có chất men nồng của trận thắng ban chiều và mùi na-pan trong tro nhà cháy, có cái hương nhớ đời của tình dân mừng tủi và bựa đồ hộp Mỹ bốc hôi. Đây mới thật là làng Cá của tôi, của Ba Tâm, của anh Luân, chị Biền.. Anh bí thư nheo mắt ngắm tôi, cười hề hề, chen từng câu trêu các bà mau nước mắt hay các ông mau quên. Rồi anh dang hai tay:
- Thôi bế mạc, giải tán, bà con về sửa hầm đặng mai chống càn. Anh Thiêm còn ở lại đây lâu, ai muốn mời chuối mít vịt gà cứ tự do!
Tôi hứa đâu ba chục lần sẽ đến chơi nhà bác, thím, anh, cháu, em, chị, cứ ngó mặt mà hú hoạ trong khi bà con lối xóm dặn dò trước khi về.
Chúng tôi quay lại đình làng.
Ngôi đình một lần nữa đổi dạng. Một ngọn đèn leo lét trong góc, che cái quạt mo tránh hắt ánh sáng ra ngoài. Năm sáu người ngồi quanh bàn đang nói khẽ với nhau. Tôi nhận ngay ra Mẫn. Lại một cô Mẫn khác nữa, còn những nét tươi khỏe của Mẫn em gặp dọc đường, nhưng cái vẻ dè dữ kia là của Mẫn chị. Mẫn chào tôi, mời ngồi, rẻ rọt nói rằng hồi chiều bận dời kho vũ khí nên chỉ có đồng chí Liệp tiếp tôi, sau đó nhường lời cho anh Luân với dáng bà chủ nhà lịch thiệp. Về mặt đối xử thì Mẫn là anh Luân với anh Liệp cộng lại chia đôi. Nhưng thôi cho qua, tôi nóng bắt tay vào việc lắm rồi.
Chi ủy Tam Sa họp mở rộng. Mẫn nghe tiếp các tổ báo cáo về sửa soạn chống càn, anh Luân ngoáy vội một thư hoả tốc để Ba Tâm mang lên huyện đêm nay - chú nhỏ xịu mặt, chắc nghĩ rằng chị Hai “âm mưu” đẩy thằng em ra khỏi trận càn- còn tôi đọc mấy dòng của anh Bảy quai nón gửi. Anh ở hầm và lội vùng cát mấy đêm liền. Út Liềm xuống ấp chiến lược nói qua lổ thông hơi tiếng được tiếng mất, nên anh Bảy chỉ viết chung chung là đồng chí phái viên nên bám chắc đội du kích Tam Sa, xây dựng bàn đạp ở thôn Một Sa cho tiện theo dõi căn cứ mới.
Ba Tâm ra đi một mình sau khi được chị giúi cho ít tiền và chú Luân đền công cái đèn pin mới nguyên. Anh Luân bóc gói thuốc Quân tiếp vụ, mời mỗi người một điếu còn lại nhét bừa vào túi tôi, nói chậm rãi:
- Lão đi tìm tụi mình chắc muốn chửi mấy cha cán bộ ở đây bỏ dân trốn giặc phải không? Cũng có đứa nhát đứa dạn lão à. Còn hai thôn chưa khởi được là bọn mình còn ngậm đầy miệng ớt, lo chạy mặt trước miết, để sau lưng lộn xộn không hay. Dân thiệt tốt mà cán bộ sanh chuyện hoài. Trị được Ba Thấn rồi, cũng đỡ đôi chút...
- Ủa hồi chiều ảnh làm việc ngay chỗ bàn này!
- Có hai cậu kèm hai bên phải chưa? Nó ăn cắp quỹ công mấy trăm ngàn, bây giờ đang tính sổ trả bớt lại, thành khẩn thì khỏi tù... Nghề đời nó vậy, đói cơm lạt mắm thì khem, no cơm mặn mắm thì thèm nọ kia. Hồi đánh giặc mửa mật thì biến đâu mất, bây giờ mới làm chủ vài miếng đất lại thấy nhảy vô kiếm chác. Hai Mẫn chưa kể với lão á?
Tôi thấy Mẫn đưa mắt cho anh Luân rất nhanh, nói hơi sẵng:
- Đang họp mà chú Tư!
- Liếc nháy gì! Làm bà chi ủy, nắm cả xã đoàn xã đội, mà cứ thút thít với bí thơ... Đừng hấm hứ nữa. Đồng chí Thiêm cũng là chi ủy viên chớ đâu phải trẻ nít, bây giờ về sanh hoạt với tụi mình, giấy tờ đủ hết..
- Thì.. để khoan đã. Đang lo chống càn, chú cứ ba đồng bảy đỗi tới sáng!
Mẫn nhìn cắm xuống bàn, tay xoắn mãi sợi quai các-bin, rõ ra không phải vì muộn giờ mà ngắt anh Luân. Chung quanh cười khà, ghẹo đôi câu bóng gió nữa trước khi họp tiếp. Chắc cái bí mật mà Mẫn giấu cũng chẳng ghê gớm lắm.
Trong càn, Mẫn sẽ nắm du kích xã đánh vùng Tứ Nhơn, anh Luân nằm hầm trong hai ấp chiến lược Nhị Lộc, nắm quân chìm. Mẫn hỏi vặn các tổ trưởng rất kỹ, có vẻ xét nét, còn anh Luân xoa cái cằm nhổ trụi râu, gật gù cái đầu hớt trọc, dễ bằng lòng. Cả cách chia việc và làm việc đều hơi lạ. Ở các nơi khác cán bộ trai thường lãnh việc bên ngoài và hay bắt bẻ hơn các cô đôi mươi, đây ngược lại.
Tôi ngồi nghe khoan khoái của người đi xe chật đã lọt được tới ghế sau nhiều giờ lắc xóc, kèm theo một băn khoăn kéo dài: hàng cán bộ Tam Sa đang rối, tôi có thể bị cuốn theo những va chạm nhức đầu, khó làm việc chính. Ai đã đi điều tra căn cứ đều biết một bàn đạp lung lay gây lắm cái phiền. Bước ra khỏi xóm, bị phục kích. Mờ sáng về ngả lưng, bị tập kích. Đang viết báo cáo, bị lôi đi họp kiểm điểm một tay tham ô. Xin một người dẫn đường, cán bộ ngửa hai bàn tay trắng. Phê bình xã, xã lặng im nhưng gửi giấy kể tội về đơn vị. Vân vân, còn khối … Nhưng tôi không thể lựa chọn. Trong khu vực An Tân, tôi quen chỉ đúng có một xã, đúng hơn chỉ một làng Cá thôi, và cái quen biết ở nơi hằng ngày súng nổ này sẽ giúp tôi nhiều hơn mọi thứ giấy giới thiệu. Tôi ngắm những khuôn mặt gân guốc chung quanh, dừng lại lâu hơn trên gò má đen sắt mà hồ hởi của anh bí thư, trên cặp mắt trẻ và nghiêm của cô xã đội, dần dần thấy vững bụng hơn. Lớp cột này coi bộ chắc lắm đủ sức chống bão.