Tiếng hét nhọn như kim xóc vào màng nhĩ. Tiếng bom huýt dài, kêu rắc như cây đổ. Chưa kịp mở mắt tôi đã làm ngay những cử động thuộc nhuyễn: tay phải chân phải cùng bật ngang ra ngoài võng, ngoặt xuống tìm đất, mình lật nghiêng, cả người rơi sấp. Hai tay đỡ không cho ngực bị tức, thường đúng tích tắc ấy bom nổ, mặt đất nảy ngược rất mạnh hất bổng tôi lên tôi vẫn kịp “ hạ cánh “ lần thứ hai trước khi mảnh réo qua lưng.
Một loạt tiếng cười rộ. Mắc lừa rồi. Tôi đứng dậy, nhìn những hàm răng lạ chung quanh, nhớ ra trạm giao liên. Ở xã mình, các tay tếu cũng hay tập báo động cho nhau kiểu này, có khi chỉ phá quấy chơi.
- Anh Thiêm! Địch ở xa cứ ngủ yên nghen
- Anh Thiêm! Dậy trở mình chút chớ mỏi
Duy Hảo nín cười trước, tuyên bố tôi được xếp hạng A về phản xạ có điều kiện. Tay Hảo còn cầm nhánh cây tươi bẻ gập giả tiếng bom xuống gần lưng người.
- Tao thử trên năm chục lần, mới có 7 người đáng loại A. Đô đốc Thiêm có khác, con nhà võ...
- Thử lần nữa thì vợ mày ở goá!
Tôi gí nắm tay sát mũi Hảo, rồi phủi đầu gối.
- Nhờ trời, vậy còn lâu....Cho qua chuyện khoa học. Tới giờ lên đường, mời đô đốc cho lệnh hành quân!
Trên sạp xếp một dãy bao bột no tròn, ngấm đen mồ hôi ở mặt áp lưng: Một nhóm cõng gạo từ đồng bằng đi lên đã đi suốt đêm, vừa tới trạm. Hảo bị mắt kém, mò đêm chỉ làm khổ anh em hết đợi lại hú lại tìm, nên bám đường dây tiện hơn. Hảo gật gù hỏi kỹ các chặng đường về chợ Minh Huy. Tôi cao hứng vạch luôn sơ đồ trên sân: đường núi hai ngày nhé, qua sông Tranh tới Tiên Lãnh, lại vượt núi về Phước -cẩm, qua một chặng đèo nữa, mất chừng bốn ngày với vài tiếng đêm. Chung quanh lại cười, cười gì chẳng hiểu.
Hảo nói rất kính cẩn:
- Dạ, kính xin đô đốc xếp cái bản đồ lớp đồng ấu lại, để em thưa. Đây là con đường hồi thằng Diệm còn vọc nước đái trong nôi, mà nay đã tới năm sáu mươi lăm đại thắng, nhờ ơn các anh giải phóng...Tao sẽ dắt mày đi bộ mười lăm phút tới làng, mượn xe đạp của ông bạn thợ may, đèo nhau phóng về ngã ba An Lau ăn bún bò quán bà Sô, thẳng đường ôtô xuống chợ Ngọc Nha, mỏi chân thì lên xe hàng đi vài chục cây số cho nhớ mùi xăng. Bữa trưa, ta đánh một trận mì Quảng kèm bia ở chợ Cây-xanh, ngủ một giấc, chiều mát đạp về Minh Huy là vừa.
Tôi sửng sốt tưởng Hảo còn đùa. Trạm trưởng Hùng gật đầu:
- Đi tốt. Anh em mới về nói địch không có chi, sáng trăng đi cho mát thôi.
Tôi vẩn chưa tin hẳn. Cái trạm này...vẫn mái lá mây thưa, sạp tre, nền nhà đầy gốc dựng, cái máng đưa nước suối về róc rách ngày đêm cạnh bếp, con heo ụt ịt cọ lưng vào mông tôi nằm võng. Vẫn là trạm núi. Và con đường Hảo nói, khi tôi rời đất Quảng nó vẫn đeo bên hông cả chùm đồn bót và ấp chiến lược như cành sung đeo trái, tìm một chỗ băng qua ban đêm còn khó, tính chi đến chuyện đạp xe giữa ban ngày. Vùng đồng bằng đỏ gạch những bùn mà tôi ngắm trên triền núi lở, khắc khoải tìm dấu hiệu của sự sống, mới đây thôi đã thay da đổi thịt đến vậy ư?
Tôi nôn nao muốn xốc ngay ba-lô. Hảo bắt tôi cạo râu, thay mặc bà ba đen, đeo súng ngắn và túi dết dưới áo. Lát nữa chúng tôi sẽ đi kiểu “hợp pháp”: đội nón lá, nhét ba lô vào giỏ buộc hai bên chỗ đèo hàng. Thằng địch bị ém, lo giữ các thành phố và căn cứ, càn ít hẳn so với năm ngoái, nhưng hay “du kích “ lại ta bằng tàu rà thổi rốc-két và trực thăng chụp xuống bắt cóc người đi lẻ, còn cái sự bom pháo thì chẳng hơi đâu mà để ý.
°
Chúng tôi không vội vã mà vẫn đạp vèo vèo cho say gió. Trên khúc đường đất chi chít những vết xe thồ, chúng tôi in thêm hai sợi dây răng cưa: bánh trước nghịch ngợm lách qua luồn lại, bánh sau nghiêm chỉnh hằn sâu, gợi những dấu chân của trâu mẹ và nghé con trên đồng ruộng. Rồi xe lăn rào rạo trên đường rải đá, về hướng thị xã Tam Kỳ.
Một làng chiến đấu. Nhiều làng chiến đấu. Dây kẽm gai giăng lưới trên đỉnh các trụ cao ba bốn chục thước, chống trực thăng chụp xuống giữa làng, à, một cái mới, tôi chưa gặp kiểu rào trời này ở Bình Định. Hầm tròn nối chuỗi hạt đều đặn bên đường. Các bác đào mương lắc đầu cười khi chúng tôi lái xe đạp chậm qua cá hố chống tăng xếp hình nanh sấu, qua một khúc rào lắt léo chữ chi, qua những súc gỗ to chôn đứng, qua bãi chông chừa một lối đi rắn lượn. Cờ khắp nơi, cổng chào và biểu ngữ khắp nơi, một đám hội của những màu những lời đánh Mỹ. Vùng mới giải phóng có khác, các cô du kích gác đầu làng cũng mới tinh như vừa rời hãng búp bê, quai súng thắt nơ hồng, mũ tai bèo chưa kịp bạc màu và được rút dây bằng ống nhựa đỏ cắt từ nắp bút bi, hầu hết ửng mặt quay đầu khi Hảo đưa giấy và trêu: “Có bắt tôi không?“, áng chừng họ đã quen với hai tiếng “bắt chồng“ từ miền núi lan xuống.
Núi lớn lùi xa, ngả từ màu lá sang màu trời. Trời cứ mở rộng mãi ra. Lúa trải thênh thang hai bên đường, những mảng chín sớm nổi sáng vàng tươi giữa cánh đồng đang vô gạo hay cứng gạo. Có cơm mới rồi. Những vồng khoai đan lóng mốt vào nhau thành tấm phên nứa xanh xoay tròn chậm chậm. Cây dầu lai đằng kia cũng xoay, khoe cho hết những cụm lá non trắng xoá như bọt sóng, tãi trên nền sẫm của tán cây. Bọt đọng trắng đầu cành, một nét của lụt lớn...
Tôi tìm dấu nạn lụt. Còn nhiều. Đất chưa lành hẳn, nhưng đang kéo da non hối hả. Sườn núi lở đã đậm màu dưới nắng sấy và cỏ mọc vội. Cát lấp ruộng được cào dồn vào một gốc thửa vun thành đống cao như cái muống đường cát Quảng Ngãi đang rút mật, để dần dà được gánh đổ trên nóc các hầm tránh bom. Một tổ đổi công cuốc vỡ lại khoảng ruộng lấp đầy, con trâu gò lưng kéo cái cộ(1) chở đá và cát đi trút xuống rãnh nước xói. Chung quanh tôi tất cả đều lột da trẻ lại. Mương mới vét, bờ mới đắp, căn nhà tranh bên đường từ nền tới mái đều mới, chiếc cầu sạp tre bắc đè trên cầu xi măng sập cũng chưa kịp sạm da. Đất mình khoẻ lạ. Mấy ngàn tuổi mà đất với người vẫn sung sức lứa đương trai.
Hơn chục em nhỏ cắp sách đi ngược chúng tôi, cự ly năm thước rất đều để nhảy hầm cho gọn, chào nối nhau như điểm số: “chào các anh ơ!“ Cái tiếng ơ hẳn là dành cho lứa bạn chơi được thay cho tiếng ạ quá lễ phép. Tôi xuống xe, bắt cho hết những bàn tay nhỏ xíu giơ thẳng thành một chuỗi bông hoa năm cánh nở dọc hàng rào dễ thương không chịu được. Tiếng trẻ em là thước đo vui buồn của mỗi làng. Leo qua rào ấp chiến lược ban đêm, tôi chỉ nghe tiếng các em giật mình ré đứt hơi, cắt ngang điệu nhạc du côn hay giọng hát đĩ thõa của đài địch. Làng nổi dậy, tiếng hát của các em cũng nổi dậy, còn vụng nhưng hăng say hết cỡ, cuộc đổi đời nào chẳng vậy. Và đến khi trong xóm ngân tiếng bi bô của các em tập đọc, lúc ấy ngày mai mới thật nảy mầm trong cái hôm nay nhiều đau đớn. Ban nãy tôi ngó qua một căn nhà có tiếng trẻ khóc nhè: người mẹ lật qua lật lại cái áo bà ba đen nhỏ xíu trước mặt đứa con, đứa bé cứ giãy chân lắc đầu, chắc đòi sơ-mi kiểu bộ đội kia. Miễn sao các em không phải khóc đói hay khóc bên xác mẹ, vậy đủ mừng rồi. …
Có tiếng máy bay. Cặp tàu rà quay lại chăng? Tôi nhìn quanh, chợt thấy một cái đầu ôtô ló trên đỉnh dốc với cặp mắt cá vàng. Hèn gì cây cầu xi măng chúng tôi vừa đạp qua còn nguyên! Hai chiếc xe đò nối nhau xuống chậm. Các cửa sổ đầy chật những bộ mặt tươi nở, xoay nhìn theo chúng tôi rất lâu: ai lên đây mà chẳng tìm một nhà người quen “đi giải phóng “? Tôi vẫy tay chào chiếc xe gặp đầu tiên,anh lái hãm lập tức, chắc tưởng chúng tôi muốn soát xe hay lên đi một quãng. Tôi vội xua tay bảo đi, bà con cười ồ. Vui ghê. Chiếc sau - một Xi-trô-en về già - khiến tôi ngứa miệng ngứa tay, muốn chặng xe, lật capô, gắt anh lái xe một mẻ sượng mặt. Máy gõ lóc cóc, phun khói đen kịt như M.113, cứ để như vậy chạy thì bằng đốt xăng nướng xe! Vài cái xéc- măng giá bao lăm mà không chịu thay, hả?
Rồi tôi bật cười một mình,gò lưng đạp. Cũng cái máu “kiến nguy bất cứu mạc anh hùng“ của ba tôi, thấy máy bị xài ẩu là nhào vô bênh như bênh trẻ con bị đánh, của ai mặc kệ. Tên là Rảnh mà cả đời ba tôi bận hơn ai hết, thật tội, bởi cứ mua dây buộc mình. Chắc hẳn chủ xe đã tính kỹ: thay méc-xăng mới không lợi bằng chạy liều hao xăng, tụi ngụy thua bạc vẫn nửa đêm đánh “quân xa“ tới nhà,ném bừa xuống sân hàng chục can xăng, đưa trả vài trăm cũng cầm vội, đi gỡ. Trong trận càn hôm sau, tụi Mỹ mặc sức mà há miệng giơ tay khi nghe gào trực thăng chở xăng tới gấp, khi đọc báo cáo thấy số xe bốc cháy hình như nhiều hơn số mìn của Vi-xi đã nổ... Cứ sưởi ấm tuổi già bằng xăng Mỹ đi hỡi bác Xi-trô-en sắp về hưu!
Gần đến Ngọc Nha, chúng tôi gặp máy bay ném bom. Hai chiếc AD.6 đang phá nốt cái đồn mà trung đội dân vệ nổi dậy theo ta đã đốt rụi, rõ là chúng tức đến xúc đất đổ đi? tụi phản lực Mỹ cho đến nay vẫn đánh vùng núi nhiều hơn, mé đồng bằng này còn giao chọn bọn ngụy chó cậy gần nhà.
Chúng tôi rẽ vào vườn mít,tránh thằng L.19 và nghỉ một lát. Tiếp hai người đàn bà quảy gánh cũng ghé vào. Họ đặt gánh, lật nón ra quạt. Tôi còn ngờ ngợ, vẫn kêu thử:
- Kìa, cô Mẫn!
- Trời đất, anh... anh Thiêm đây nè chị Tám!
Tôi gặp lại một cô Mẫn khác hẳn, khác đến nỗi tôi cứ muốn nghĩ đây là cô em, còn dạo trước tôi cùng cứu lụt với cô chị. Hai chị em có vóc người thon dẻo và đôi mày rậm đen giống nhau, nhưng cô em trẻ tươi hơn nhiều, má bầu bĩnh đỏ au, cổ tay tròn lẳn. Cô chị hay dè giữ, khô, còn cô em đang cười nói rối rít:
-Bọn em nhắc các anh miết. Chị Tám rầy, nhắc vậy các ảnh nhảy mũi, đi đâu vấp đó. Bà con cũng rầy em sao không ghi số hòm thơ để gửi giấy cho các ảnh. Em có gởi một lá đề C.215, huyện trả lại còn chỉnh cho nữa, ức thiệt chớ. Kỳ này nhứt định phải ghé Tam Sa nghe anh? Ở chơi lâu lâu, ăn đều mỗi nhà một bữa, giáp vòng mới được đi nghe anh? Mấy anh kia đâu? Chú Dé đâu? Chú Ba Tơ đâu... chú Cẩn hết đau bụng chưa?
Tôi trả lời mấy câu hỏi vội vàng, nghe kể chuyện Tam Sa, mãi không hết thấy lạ. Có phải cái không khí say người của chuyến đi trong vùng giải phóng rộng thênh đã khiến Mẫn cũng ngây ngất như tôi, hay là cô gái Tam Kỳ đã đổi thịt thay da cùng với đất Tam Kỳ? Mẫn vừa ghé xưởng quân giới xin các thứ về đúc thủ pháo, mở nắp đôi bầu cho tôi xem một mớ kíp nổ, nụ xòe, dây cháy chậm, cứ cười dài: “Xin được nhiều, nhờ em mới học lớp binh vận ba ngày đó anh!“ Tôi nhìn Mẫn chăm chú, có lẽ Mẫn chợt nhận thấy mình vồ vập quá, vụt đỏ thêm hai tai, ngoảnh sang chị Tám ấp úng:
- Ủa, chị Tám... không hỏi tin ảnh à?
Chị Tám Giàu mải xem máy bay chồm chúi, hay giả bộ xem chẳng biết, quay lại tủm tỉm:
- Nhắm chừng hỏi cũng chẳng được nước non gì...Thì hỏi: bớ hai anh đi đường cái quan, có gặp chồng tôi tập kết về không?
Chị Tám là cán bộ huyện. tên là Giàu nhưng lại nghèo nhất trong số các chị em cán bộ hay lui tới Tam Sa, tôi nghe nói vậy. Chị có đủ những nét của các chị lấy chồng ba ngày, đợi chồng mười năm: vẫn còn nguyên những cử chỉ e ấp, điệu cười mắc cỡ che miệng, dáng đi óng ả của cô dâu mới năm xưa, trong khi tóc rụng theo lược đã hơi thưa đi trên trán, má bắt đầu nhám và hóp, chỗ lúm đồng tiền tròn xoay dấu chấm đang ngã dần thành dấu phẩy- về sau sẽ hoá ra ngoặc đơn rồi ngoặc kép – mắt bớt trong và đuôi mắt đã hiện nhiều vết khía li ti. Mỗi ngày một ít, chị lặng lẽ hi sinh cái hạnh phúc làm vợ, dâng hiến nốt cái quãng đời có thể làm mẹ cho nghĩa lớn. Chị thương chung anh em bộ đội với cái bao dung của người chị thương lũ em chồng vừa ngoan vừa quấy. Lứa trai trẻ chúng tôi hay đùa ác, thích trêu những sự “mai sau thống nhứt nước nhà, áo đen làm chị áo đà làm em “, nhưng rất hiểu và phục các chị. Chúng tôi hay bàn đến một loại huân chương Chung thủy dành cho những người chị đang phá tất cả các kỷ lục về tình yêu son sắt.
Duy Hảo ngồi lật xem một xấp thư, mặt tỉnh khô, ra vẻ “tao né một bên rồi đó“. Khi nghe tôi nói với chị Tám kha khá, cậu mới chen vào:
- Cô là Phan Thị Mẫn ở Tam Sa, đúng chớ?
- Dạ.
- Có thơ của Út Hoà gởi.
- Thiệt hả anh? Đâu?
Mẫn vừa kể đã cho hai em đi xa vùng ác liệt ít lâu, lớn thêm chút nào hay chút ấy trước khi về cái xã từng giờ xô xát của mình. Ba Tâm làm giao liên cho huyện, được việc lắm, bị cái nhác học. Còn Út Hoà mới mười ba tuổi, khai lập lờ theo tuổi ta là mười bốn, đã được vào lớp cứu thương của tỉnh, nhờ học khá nên các ảnh cho theo tiếp lớp y tá bốn tháng. Đọc lá thư em gái – bì, giấy chữ đều và nhỏ xíu - Mẫn cau mày, rồi chớp chớp mắt, rồi chớm cười bên mép, khi đưa thư cho chị Tám mới cười hẳn:
- Chao, miếng giấy bằng bàn tay mà hết ba phần tư xã luận! Nó hằm hằm về xã, không chịu ở lại bệnh xá, mà nói y cái giọng bà già dạy nàng dâu, kinh chưa chị!
Chị Tám ỡm ờ:
- Thì bắt chước chị nó chớ ai bày!
- Em mà bà gia?
- Không bà gia cũng quá cha dì ghẻ. Anh Thiêm nhớ không, dạo xưa hễ nó gặp anh là mặt cứng như gỗ, nói lạnh như đá, phải chưa?
Chúng tôi cười rân. Mặt Mẫn đỏ tía mà chị Tám chưa thôi:
- Cứ như mặt trời mọc như vậy mới dễ coi chứ. Anh thấy bây giờ nó xinh ra, nó trẻ người trẻ nết....
- Lạy bà, cho con sống với!
Mẫn giúi chị một cái nên thân.
Đã hết máy bay. Hảo nháy tôi, bàn đi bộ một quãng cho dẻo chân. Hình như chị Tám với Hảo cố ý dắt xe đi trụt đằng sau. Mặc kệ. Tôi nói nửa đùa nửa thật:
- Cô.. bí mật số một đó nghe.
- Bí mật?
- Cô lạ lắm. Muốn trẻ thì trẻ, muốn bà cụ non cũng hoá bà cụ liền, chị Tám nói đúng. Khi thân thì thân, hễ làm mặt lạ với nhau...
Tôi chợt bắt gặp nét buồn đến rất nhanh khiến mặt cô gái tối sầm. Buồn, không phải giận. Đôi mắt rất đen ngước nhìn tôi, lại nhìn xuống đất. Vẫn đôi mắt muốn kể gì đấy mà tôi không hiểu. Mẫn xoay đòn gánh đổi vai, ngập ngừng:
- Hồi nào anh về làng em lâu lâu...Chuyện hơi dài…thôi để sau đã.
Tôi hối đã làm Mẫn mất vui, mà vẫn không hiểu gì hơn về cô bạn. Bạn chiến đấu thôi, tất nhiên.
Đến ngã tư chợ Ngọc Nha, chúng tôi rẽ hai hướng. Tôi bắt tay Mẫn, đọc trong mắt Mẫn một lời gì như cầu cứu hay đòi hỏi. Có thể tôi lầm. Con trai chúng tôi dễ lầm bởi hay đoán đằng sau những đôi mắt đẹp chỉ có những ý tình đẹp. Mẫn cười lần nữa, hơi gượng. Tôi ngắm hàm răng trắng bóng và nhỏ đều, nghĩ đến cái tên Ngọc Nha ai khéo đặt, và chỉ nghĩ bấy nhiêu.
Đến phiên tôi đạp. Duy Hảo ngồi sau, lên tiếng cà rà:
- Ê, hàm, bây giờ mới gặp ma ăn giỗ. Nàng là người có đôi mắt huyền của công chúa Ả- rập, ừ rât Ả-rập. Thân thể đẹp như vũ nữ ba-lê. Vui ra vui, cũng mau hờn tủi khi chàng đóng vai Đạo Đức Thiêm hơi kỹ. Cây mới ươm phải bón phải rào. Tao rào cho nàng một bí danh rất bí là Sêhêrađát(2), xin tặng mày ít chục giấy hồng thơm, bì thơ có hình bồ câu và tim các cỡ to nhỏ...
- Tầm bậy! Quen sơ sơ thôi.
- Chàng là kẻ đa nghi, nhớ câu tin bạn mất vợ...
- Vợ thiên hạ, vợ của tao đâu mà mất!
- Hỏi thiệt nghen, mày giấu mày chết: tao giới thiệu cho mấy thằng còn mồ côi vợ ở bệnh xá, mày ưng không?
- Rất ưng. Cần thì tao thuyết giùm cho. Cô này tốt lắm mà tánh nết không hợp với tao, xin kính nhi viễn chi thôi.
Hảo cụt hứng không vặn thêm nữa.
Cậu ta mới lên vùng giải phóng chưa đầy một năm mà đã quen đất quen người ghê. Đến chợ Cây-sanh, Hảo kéo tôi vào quán mì Quảng “ngon nhất trong vòng mười cây số bán kính”, hỏi các món, gắt anh chủ quán bằng cái giọng người nhà:
- Thú cao lâu Hội An mà đặt tên phở xào thập cẩm là bắt chước dại! Cho trước hai tô coi thử. Ừ, bia “băm ba”, hai ly pẹc-nô. Mày uống pẹc-nô hay quăng –trô?
- Thôi đừng quăng tao xuống ruộng!
Tôi bông lơn để tránh nói rằng tôi mù tịt.
Đời sống thành phố cũng lạ: một người đói lả ngồi bên một kẻ khổ vì thừa mỡ, đùi sát đùi trên tàu xe mà vẫn nguyên vẹn hai thế giới riêng. Hồi ở Đà Nẵng tôi hay mắc vào một bi kịch nhỏ. Bị cơn đói hành hạ sau buổi đạp xích lô, không dám ăn vặt vì bầy con ông cậu chưa đủ no, khi phải ghé nhà Hảo tôi rất sợ cái mùi xào nấu thơm lựng làm nước bọt ứa đầy miệng. Tôi chỉ bấm chuông hai lần bốn tiếng như đã hẹn, đứng bên cổng dặn Nga việc gì đó cần làm, xong chuồn gấp về nhà kiếm ít cơm cháy. Mộng Nga không bằng lòng, nhưng chỉ thấy tôi hơi tỏ vẻ “ly kỳ rùng rợn”, làm sao hiểu được bụng dạ của người thiếu bữa.
Hảo thổi bọt bia, cười cười:
- Uống bia mới, nói chuyện cũ...Mày nghĩ kỹ chưa?
Tôi nhớ. Năm ngoái, Hảo tìm gặp tôi ngay sau khi ra vùng giải phóng Quảng Đà. Chúng tôi mừng lắm, buộc võng nằm ngoài vườn, uống bia và rủ rỉ suốt đêm. Hảo ngạc nhiên khi biết tôi là trung đội trưởng. Cậu hỏi rất thật:
- Hay mày bị phốt(3) gì, lên chậm?
Tôi chẳng có gì nổi bật, nhưng phốt cũng không. Hảo đắn đo lâu lắm, khi sắp ngủ mới thấp giọng:
- Tao chân ướt chân ráo, mới vỡ lòng làm cách mạng. Hễ mày không giận thì tao góp bậy một câu... Ai quen mày cũng phục mày thông minh, nhiều tài. Mới lớp bảy mà đã dịch được tiếng Pháp tiếng Anh, biết cả chữ Hán, thêm nghề thợ gia truyền nữa. Con Nga tới tiệm hình, thấy mày cải róc róc với tụi Mỹ, tụi Gia-nã-đại, nhờ mày dịch mấy bài nhà trường đều ăn điểm cao hết, nó tôn mày làm thầy không bằng cấp... Yên, yên, tao nói hết. Chắc sai chánh trị hả? Mày lại theo cách mạng suốt bấy nhiêu năm, từ hồi hiệu đoàn đến giờ, cực thôi là cực, sao tới nay... vậy đó... Dốt mà hư một cây như thằng Lãng ghẻ ruồi, đi võ bị Đà Lạt, tháng trước ghé qua tao thấy đóng lon thiếu tá rồi. Không, tao không cho các ông trên đánh giá mày sai. Tao tiếc mày chọn nghề không hợp, dùng tài không đúng chỗ, mày xếp hết mọi thứ giỏi để đi cầm súng, thiệt uổng.
Tôi muốn kể thật cặn kẽ vì sao tôi cố xin nhập ngũ, được vào bộ đội thì cố xin ra trận, nhưng rồi chỉ cười dài. Quả thật cái triết lý sống là điều nói ra dễ chạm nhất, dễ có vẻ thầy đời nhất, bởi những chữ lớn như Tổ Quốc, giai cấp, căm thù, anh hùng, đọc chỉ mất vài giây mà học trọn một đời chưa hiểu hết nghĩa. Hảo và tôi đã nối nhau bước vào trường đại học của cách mạng, mỗi đứa một khoa, cầm súng hay cầm xơranh đều tốt nghiệp thành con người mới... Tôi gói gọn tất cả vào một ham thích riêng cho xuôi tai Hảo, và tôi không nói dối. Tôi mê bộ đội lâu lắm rồi, từ khi lũ trẻ chăn trâu chúng tôi ùa theo níu tay các anh mặc xi- ta xám kéo qua làng... Không, lâu nữa kia, từ khi chú bộ đội đeo ba-lô trước ngực để dành lưng cõng tôi dọc đường Gò Găng ra Bồng Sơn, luôn miệng dỗ: “Nín cháu, nín, tàu bay nó nghe nó bắn”. Cái mẫu người ấy in sâu đến nỗi khi nhớ lại những anh tốt bụng mà tôi gặp hồi nhỏ, tôi đều mường tượng thấy họ mặc quân phục...
- Kìa Thiêm, uống đi mày! Buồn ngủ cứng mắt rồi à?
Tôi trở về với phút đang sống. Cái phút rất thú vị: tô cao lầu đứng trụ bộ ở giữa, chia bia và ly rượu thơm yểm hộ hai sườn, và tôi đang đói ngấu. Tôi ăn, khen ngon. Hảo gọi làm tiếp, tới đợt ba, sẽ chuyển qua phở gà. Tôi chợt hết thấy ngon. Hôm tôi đi, xê mình đã cắt người tìm chỗ dọn rẫy cũ, trồng sắn. Đơn vị đông, hễ kéo lên núi là lo chạy ăn chật vật, địch rải chất độc nhiều hơn trước, anh em kiếm củ sắn ghế không? - Vớ vẩn, ai khiến mày lo đời vậy - Mót sắn ở các rẫy cũ, phát cả gai rách tay rách mặt, đào thật là sâu, lôi lên được ít củ to nhưng lại toàn xơ là xơ, sắn ăn nhả bã – Thì mày chung đói no với anh em đã lâu, ăn vài bữa ngon đã sao, đồ gàn!
Một cậu Hảo trong tôi đang bực với thằng Thiêm lẩm cẩm. Thằng Thiêm không cải chỉ nhớ thôi, nhớ cồn cào. …
Tôi không nhớ riêng cô gái nào. Tôi biết tính mình đã yêu thì say, na ná như những ai chưa hề bị sốt rét thường bị cơn đầu tiên rất nặng, nên cố hoãn cái thứ tình cảm đáng ngại ấy đến quá tuổi ba mươi cho đỡ vướng bận. Mãi cho đến nay tất cả thương nhớ của tôi vẫn chỉ gồm hai mảng lớn. Một là gia đình họ hàng, với má tôi ở giữa. Những người bạn đường dài hợp thành mảng thứ hai, ở đó anh Ba Tơ nổi lên như tảng đá xù xì, thêm chú Dé, thêm mấy cậu nữa, còn ở trung cảnh có Hảo, Dư, Mẫn, Mộng Nga, có ba cô du kích Quảng Ngãi được xê mình gọi lóng theo màu da là Út Bông, Út Than, Út Nghệ… Sau chuyến đi dài từ Tam Quan ra đến Tam Kỳ, sao tôi bổng nhớ xê mình buốt ruột đến thế?
- Hảo hả? Phải Hảo không?
Một anh mặc bà ba xám chợt xấn xổ đi vào, túi dết đầy căng nẩy trên mông. Anh thở phì phò, quạt cái nón mới đến đứt chỉ rắc rắc, hỏi dồn:
- Có xăng không? Mượn gấp vài ba can, làm giấy đàng hoàng, mươi bữa nửa tháng mình trả...Thì xăng chạy máy chớ, đâu phải xăng đổ bật lửa
Hảo rót bia mời anh cán bộ kinh tế, cười:
- Nhè thầy thuốc mà hỏi xăng sao ông?
- Thì lâm bệnh phải bái tứ phương, thần nào nghe thần nấy giáng! Mới giải phóng năm bảy cái thị trấn mà đã lắm vấn đề, tới khi làm chủ Đà Nẵng, Tam Kỳ mới búi to. Cối xây cối giã của đồng bào quanh chợ để mọt ăn hết, mình phải giữ cho máy xát gạo chạy đều chớ. Máy bơm nữa nè, đội chiếu phim sắp về nữa nè…
- Ờ, ờ, nghề nào khó nấy. Ngang lưng thì cõng gói hàng, đầu đội phiếu xuất vai mang chứng từ...
Tôi ghẹo một chút chơi. Anh kinh tế được dịp khoe thêm rõ nhiều rằng cái thời gởi hàng trên lưng qua rồi, bây giờ phải tính bằng xe bằng thuyền kia. Anh than thở, nhưng cặp mắt cứ lóng lánh như một bà mẹ đang kêu nuôi bầy con cực ớn, đậu sởi đủ thứ mà sao tụi nó cứ lớn phổng lên chẳng biết.
Máy bay địch vẫn cứ ồn từng hồi. Không cần xem cũng nhận ra trên đầu có ba tầng địch. Trên cao là tụi thần này ma kia đi đánh vùng xa, luồn hối hả qua các cụm mấy trắng và tảng mây đen, một bầy cá niên trốn lưới chạy ngược lòng sông đá. Máy bay tải và trực thăng chiếm từng giữa cùng với số chiếu đấu cánh quạt của ngụy. Thấp nhất là những cặp tàu rà quanh năm dòm ngó. Máy bay tăng vọt so với năm ngoái. thế nhưng cuộc sống trong vùng ta cứ ngồn ngộn, sôi sục trào mãi về hướng Đông. Bước ngoặc lớn của cách mạng miền Nam đã hiện ra trước mắt, ngụy đang rã, Mỹ sắp vào, có thể kéo theo một lần rẽ ngoặt nữa trong đời tôi nếu như anh Ba Tơ đoán đúng, biệt phái rồi từ biệt xê mình đi luôn. Đã rẽ thì không thấy gì nữa đằng sau. Đành vậy. Con chim ra ràng ắt phải rời tổ thôi, phải tự làm quen với gió lớn và chân trời mở rộng.
Chúng tôi dắt xe ra đường, đạp thong thả về chợ Minh Huy.
Cái ngày rộn rực này còn dành cho tôi một lần gặp nữa. Gặp người không quen. Đang đi bộ qua mộ quãng đường viền chông, tôi chợt để ý hai cái bóng áo trắng quần đen, môt lớn một nhỏ, từ trong xóm chạy tuôn ra theo bờ ruộng. Người đến trước là một chị khoảng ba mươi, dừng lại ngó tôi trân trân, thở, rồi quay đi nấc dồn. Em gái tới sau gắt hổn hển:
- Mẹ… cái rổ đâu? Con biết... không phải là cha mà...
Người mẹ cải ấp úng, rất khẽ:
- Mày thấy mặt cha mày hồi nào đâu...
Hảo cười. Tôi không cười được. Cháu nhỏ tinh hơn mẹ, thấy tôi trẻ quá, còn mẹ cháu vẫn nhớ mặt chồng hồi mới cưới nhau. Những người thân không bao giờ già đi trong lòng ta, họ chỉ già đi khi ta gặp lại. Cũng khó hiểu vì sao sau phút nao nao đã lặp lại nhiều lần ấy, tôi không nhớ về xê mình mấy nữa, mà sốt ruột muốn mó ngay vào việc mới đang chờ.
Chú thích:
(1)Xe quẹt
(2)Tên một hoàng hậu trong chuyện cổ Arập
(3)Lỗi