Mẫn và tôi

Chương 24

Phản lực đánh mỏ vàng Bông Miêu suốt năm ngày đêm qua.

Cứ con mắt nhà binh mà nhìn thì Bông Miêu phải là chỗ đầy nhóc Việt cộng: một khu mỏ lớn nằm sâu trong “vùng đỏ”, sát núi, nhiều hầm lò ngóc ngách rất tiện tránh bom. Ảnh chụp từ máy bay cho thấy đường ô tô ra vào còn nguyên, nhiều nhà gạch nhô mái giữa cây rậm. Các bản “không đồ” chụp bằng tia cực đỏ đã ghi được nhiều chỗ  tập trung kim loại dưới vòm lá kín. Hẳn Vi-xi đóng ở đây hàng sư đoàn, đặt các kho súng đạn, có thể đang đào quặng nấu vàng làm giầu nữa. Đáng ném mấy ngàn tấn chất nổ lắm!

Mỗi tờ mờ sáng, cặp tàu rà vè vè bay lên, hứng ánh mặt trời dưới cánh đỏ lòm như bết máu, tìm dấu mới, đợi tốp cường kích đầu tiên ào tới mới thổi rốc-két khói. Tụi trâu điên đổi ca nhau rất đều, không nghỉ trưa, gặp mưa to cũng thả bom áng chừng qua mây. Đêm, những chiếc C.47 hay C.130 cõng ra-đa quần chậm như diều giấy, đót chớp ma-nhê-di chụp ảnh pình pình, từng lúc thả một loạt đèn dù cho phản lực đánh cầu may. Cái thung lũng hẹp đã loét đỏ và sạm đen gần hết, chúng vẫn làm tới nữa vì Việt cộng có những hoạt động khó hiểu cứ tăng dần. Sẩm tối ngày đầu, giữa lúc ít ngờ nhất, hàng chục súng máy từ mặt đất đã gần đen kịt chợt bắn lên như vòi phun, hạ tức khắc một F.4 và một C.47. Qua suốt đêm treo đèn, sáng sau tốp UH.1B câu về hai bộ xương sắt đã mất hết những bộ phận nào có thể tháo được. Rồi lại có những đống lửa do người đốt bỏ lại, một túp lều từ lòng đất mọc lên như trong thần thoại, đôi cái áo trắng phơi ngay bên miệng phễu. Tức chịu hết nổi! Tất cả số máy bay và bom dành cho vùng mới mất, tụi Mỹ tống cả vào Bông Miêu, chỉ đôi lần đánh lẻ dọc đường ô-tô lên Trà Mi, bắn nhà thờ An Lâu gãy đầu tượng Đức Mẹ, đuổi theo bầy trâu nhảy loạn ở Phước Hiệp.

Anh Ba Tơ với chú Dé đã đem cho tôi xem số giấy tờ lấy được trên ba cái xác Mỹ chưa bị cháy, hẹn gò làm quà một ăng-gô loại bảnh bằng vỏ đu-ra. Chính xê mình quật hai chiếc hôm nọ. Bây giờ đang bận học, giao cho xê khác đến khu mỏ vàng bỏ hoang mà tập bắn cho đã thèm.

Tiểu đoàn tôi về cách bệnh xá mươi cây số, sắp đánh lớn. Anh Ba Tơ đi chuẩn bị trận mới. Anh rỉ tai làm tôi ngừng thở: “Hiệp-đức, Quế-sơn, dọn sạch hai quận một lần!”. Cha mẹ ơi, vậy mà tôi phải nằm đây đến thối lưng!

Thấy tôi bồn chồn quá, anh Ba nán lại với tôi một buổi để nói thật kỹ kinh nghiệm trận núi Sàm. Ở Tam Sa anh giục tôi về xê mình gấp, bây giờ anh dỗ tôi cứ chữa bệnh thật lành, “ở nhà” mọi việc toàn màu hồng cả. Anh tô hồng vụng nhưng tôi giả vờ tin cho anh vui, và không tin cũng chẳng ra viện được ngay. Chú Dé vừa được thêm một huân chương sau núi Sàm – chuỗi bộc phá ngon lành nổ từ hàng rào thứ nhất đến lô-cốt đầu cầu là do chú đánh- cứ lắc đầu quầy quậy:

- Cái bụng anh Thiêm xấu. Anh Thiêm làm cái bụng tốt tốt, về xê mình.

Đã bắt tay ra đi, anh Ba Tơ còn quay lại, rút đưa cho tôi một tập giấy in rô-nê-ô khá dày, ngập ngừng:

- Chắc thằng Giai cự tao… thôi, mày chứ giữ mà đọc kỹ, hồi nào trung đoàn cho người tới lấy thì đưa, đừng gởi giao liên. Mày nói cũng phải. Tụi mình không sợ địch mà sợ dốt, sợ phụ lòng anh em tin cậy. Rán học cho nó khuây nghen Thiêm.

Đó là ba bản kinh nghiệm rất quý. Một về bắn máy bay Mỹ, một về chống cơ giới và các binh khí kỹ thuật mới của Mỹ, hai xấp này chỉ đóng dấu mật. Hẳn cánh cán bộ đại đội rất dễ “cầm lầm” của nhau món này, chong đèn chép tay vội vàng trong vài đêm, khi trả thì đưa ngực chịu đấm mà trừ. Tập thứ ba là một bản báo cáo tối mật về quân đội Mỹ ở Đà Nẵng, Chu Lai, kèm theo những kinh nghiệm chống Mỹ đầu tiên và một loạt gợi ý cho cán bộ tự nghiên cứu thêm. Chủ biên là anh Điển, trong nhóm biên soạn tám người có cả tên tôi, chao, ông thầy cũ chu đáo lắm. Bản này đánh số 09, cái phiếu mượn tài liệu kẹp trên đầu cho biết anh Ba Tơ chỉ được giữ nó đến ngày mai. Ngót trăm trang mà cho mượn có năm ngày, hẳn là của hiếm, anh cứ giúi bừa cho tôi, thật tội.

Tôi đang ngốn vội như học trò sắp thi, anh Giai cho một cậu cầm thư đến, đồng ý để tôi giữ luôn cả ba bản. Riêng cái báo cáo tối mật, anh Điển có gửi phần tôi một bản riêng, trung đoàn sẽ lấy nó mà dùng. Anh Giai còn gửi biếu tôi một hộp đựng tài liệu mật bằng sắt tây, chứa sẵn một lạng thuốc nổ, khi lôi thôi sẽ giật nụ xòe và ném cho tan hết. Kỷ luật bảo mật ngày càng nghiêm. Có ông bảo vệ đã doạ tôi: “Chết mà mất tài liệu thì tao viết giấy cảnh cáo bỏ vào hòm mày, thương tiếc để sau!”.

Sáng nay, tôi treo võng giữa hai gốc cau, gần miệng hầm, nằm ngửa tập bắn máy bay. Vòng quần của tụi phản lực phá Bông Miêu mở đến tận cái xóm nghèo và thưa thớt này.

Khó tin tiếng rống nhức tai từ hẻm núi dội lên chính là do mấy con chim nhôm ấy phát ra. Tôi nhớ những chiều xê mình làm cỏ rẫy trên sườn núi, cả trăm người bỗng nổi hét ầm ầm khi một bầy vẹt thả xuôi cánh nhọn chực đáp xuống ăn bắp già, chúng hốt hoảng lao qua vòng vây tiếng dữ, bay trốn, và chúng tôi cười thả cửa. Hình như lúc này đất mình đang quát đuổi máy bay mới phải… Tôi nhắm mắt, mở ra, chộp ngay chiếc phản lực đang phóng tới, nhận thật nhanh nó là kiểu gì, bay bao nhiêu mét giây, độ cao, chiều dài của thân và sải cánh, tính gấp khoảng ngắm đón, hô thầm một lệnh bắn. Đơn giản và thú vị nhất là “ngắm giữa đầu, bắn!”, nhưng đâu phải lúc nào cũng được ăn ngon như vậy.

Đây nhé… Ép một trăm, hai trăm năm mươi mét giây, cao ba trăm, đòn mười  bốn thân.. Chậm quá. Nó qua khỏi vật chuẩn, chúc đầu về phía mỏ, ụp-ùm. đằng xa tiếng rốc-két vẳng lại. Tôi bực như vừa nổ súng vuốt đuôi, liếc xem lại tập giấy. Thuộc đấy mà chưa nhuyễn. Có thể bắn chiếc thứ hai hay vòng quần thứ hai, nhưng đường bay đã khác, chỗ núp lộ, bom sẽ rơi từ rất cao xuống trận địa ta. Ước sao tôi không bao giờ phải nghe tiếng “hừ” bực dọc của anh em xê mình sau khi bắt hụt, đọc trong mắt của các đồng chí bị thương một lời trách thầm lặng, ngậm miệng nghe bình cán bộ: “Anh Thiêm đánh gan, hoà mình được với anh em, có điều chỉ huy còn non…”

Tôi bắn nhẩm một loạt nữa, đỡ chậm, nhưng chưa trúng.

Có phải vì ba tôi khi xưa đã tát bốp vào mặt tôi khi khám cái bu-gi mà tôi vừa đánh sạch, thấy khe hở giữa hai điện cực bị rộng thêm một phần mười ly? Hay vì tôi nín thở cân đúng nửa gam brô-mua, lấc láo dòm từ cây kim đồng hồ đến cái nhiệt kế to chỉ từng phần tư độ trong khi tráng phim màu? Hay vì tôi quý anh em lắm, nên khi cần đổ mười giọt máu thì quyết không chịu đổ tới mười một? Dù sao, trong nếp suy nghĩ của tôi vẫn đầy những lo toan kiểu ấy, tôi cố tìm một sự tối ưu mà đôi người thấy là máy móc. Khi cần liều sẽ hay…

Yến bật cười bên tôi:

- Cúng ai mà khấn hoài vây, anh Thiêm?

Tôi quay lại, cười theo:

- À … Cúng ông Địa, xin ổng một miếng bụng đắp vô.

Từ nãy Yến lúi húi moi giúp tôi cái hầm cũ cho rông thêm, cần ngủ dưới ấy tôi cũng đỡ co đôi chân dài. Đi đò với ngủ hầm, cứ muốn chân tay có ốc tai hồng để tháo bớt ra cho đỡ cấn. Yến xúc từng xẻng đất hắt lên nắp, khá vụng, đất rơi xuống khăn trùm đầu từng vốc, hai bàn tay Yến xỏ trong túi vải thay găng.

- Anh đào bao nhiêu hầm mới hết đau tay, anh Thiêm?

- Chín mười tuổi tôi đã cuốc đất khoai.

- Dóc tướng!

- Thiệt. Hồi nào đỡ, tôi đi cày Yến coi.

- Cày đường nhựa trước Thiên thai ảnh viện…

Tôi thích chụp cho Yến một tấm ảnh màu giữa lúc này. Màu hoà hợp rất đẹp nhé. Râm bụt xanh có hoa đỏ, thân cau trắng, áo cỏ úa dính từng mảng đất nâu non, mặt hồng dưới khăn dù hoa. Trong ba lô của Yến có cái áo dài quần trắng giấu kỹ, nhưng tôi đã chụp quá nhiều giai nhân trong buồng khuê, xin đủ thôi. Còn các cô “đầm lô-can” mặc váy mini phơi đùi xoài tượng khảm xà cừ, áo hở nách bày cánh tay giống cửa tiệm đồng hồ, thì tôi ngấy đến trăm tuổi già chưa hết ngấy.

Câu lạc bộ Đã Nẵng từ căn buồng trang nhã dời về một nhà tranh nhỏ rất ấm tình người. Bà mẹ với cô em nhận nuôi anh thương binh nào bị năng nhất, thương tôi như người nhà. Cái thời rảnh rỗi ở Cẩm Tú đã dứt, anh chị em nhân viên phải đào hầm, cõng gạo xa, cuốc ruộng cấy lúa tự túc theo lệnh mới. Hảo với Yến vất vả hơn nhưng thân nhau hơn, Hảo ngừng chơi nước thượng và Yến không lạnh mặt nữa. Cái tình bạn bộ ba của chúng tôi coi bộ sống lâu, còn cậu Hưỡn chỉ gần tôi mà tránh nhập bọn với “các anh chị học cao”, tôi dỗ không chuyển. Phần tôi, sau hai đêm vịn cậu Hưỡn lê được mười ba cây số, đã bắt đầu tập mang ba lô đi bộ. Mức cao nhất tới nay là hai cây số với năm cân trên lưng, nịt súng đạn vẫn phải khoác vai chứ chưa thắt bụng.

Nắng đã lên cao. Tôi cuốn võng vào nhà nằm đọc cho đỡ chói mắt.

Tụi phản lực hôm nay cố đánh nát con đường ô tô từ mỏ chạy ra, sạt qua xóm thấp hơn. Hồi nhỏ xíu tôi đã nghe những tiếng hệt vậy. Tôi theo ba tôi vào chỗ sửa xe của hãng STACA, chơi tha thẩn rồi chui vào xó ga ra ngủ thiu thiu, trong tai vẫn ồn tiếng những thùng phuy rỗng lăn từ xe tải xuống theo cai cầu nghiêng, thúc mạnh vào thùng khác. Thằng cai Tây bắt gặp, đá vào hông đuổi tôi ra ngoài, phạt ba tôi một ngày lương…

- Anh Thiêm!

Tôi chưa kịp quay lại, đã biết Mẫn đến.

 

°

 

Đồng chí an ninh thôn thấy cần phân bua rất dài:

- Là tại chỉ chớ. Đang khi tàu bay bắn gần, chỉ đi tìm bệnh xá, tôi liếc xéo thấy cái gì như súng lục dưới áo, nghi liền. Coi giấy, chẳng được chữ nào là bệnh xá hết. Tôi nói không có đâu, chỉ cứ nói có. Tôi hỏi quen ai ở đó, chỉ nói bạn anh Thiêm thương binh. Tôi lắc: bạn không được, cha mẹ vợ con mới được, cơ quan cấm vô tràn lan, lộ điểm. Chỉ nói là em gái. Em, sao mặt mũi không giống, phỉnh tôi được à? Chị lại nói là vợ anh. Cha, cũng một người mà cả vợ, cả em cả bạn, chắc điệp rồi. Tôi vặn: chánh hiệu tôi là bạn anh Thiêm đây, tôi biết ảnh chưa có vợ, đừng nhận ba láp. Chỉ đứng khờ ra, cười ngỏn ngoẻn. Tôi hô du kích bắt. Chỉ cười, tháo súng đưa, còn dặn đừng táy máy nổ bậy. Giải về nhận mặt thử coi…

Mẫn đứng bên cửa ngó tôi, mắt long lanh, má đỏ ửng. Tôi ngây người nhìn Mẫn, quên cả mở miệng. Cậu an ninh chợt nghi lần nữa:

- Ủa, vợ sao anh không biết mặt?

Tôi bật cười ồ, đứng dậy:

- Đúng vợ tôi chớ. Vợ sắp cưới. Ông cứ yên chí lớn.

- Chẳng tin anh thì tin ai, có điều… tên gì anh nói thử?

- Mẫn. Phan Thị Mẫn. Thôi, xin cây súng.

Tôi đón cái nịt nhỏ đeo cây sung ngắn 7 ly 65 với hai cái băng ngoài, đón luôn bao lưng và mũ tai bèo của Mẫn. Cậu an ninh gật gù quay ra, còn kể bô bô câu chuyện bắt vợ anh Thiêm ngoài sân, thêm một lần ngoài ngõ. Lập tức bà con trong xóm và anh chị em trong bệnh xá kéo tới chơi, coi chị Thiêm ra sao mà đến cách ly kỳ vậy.

Chúng tôi chưa kịp nói với nhau câu nào đã tiếp khách ngay như một đôi tân hôn. Cũng rót nước, mời ngồi, trả lời một trăm câu hỏi săn đón. Mẫn rụt rè hơn cô cán bộ một tí, rất vừa. Tiếp tới bà mẹ và cô em đi cấy về, Mẫn xuống bếp nấu cơm, bà mẹ đuổi hai chị em đi tắm giặt với nhau để mẹ lo hết.

Hơn ba giờ sau nhà mới vắng hẳn. Hai đứa ngồi đối mặt nhau hai bên cái bàn như hội đàm, khay nước đặt ở giữa, rất ngoan. Mẫn trách ngay:

- Gớm, con mắt…

- Sao?

- Đông khách mà anh ngó em chằm chặp, mắc cỡ khiếp. Em tưởng mặt em dính đất hay lọ nồi, phải lén đi rửa.

- Tại anh nhớ quá. Không nói được, anh phải ngó thôi.

Mẫn từ từ cúi đầu, tay vo cái khăn, giọng rất buồn:

- Em sợ…

- Sợ gì?

- Đi dọc đường, em đoán chắc anh giận, có khi anh chẳng thèm hỏi tới. Trăm dâu đổ đầu tằm, em chịu trái với anh hết…

Suốt đời cô Hai này chỉ biết nghĩ tới người khác thôi ư? Bên cạnh cái gánh công tác trĩu vai, Mẫn phải lo cho cha mẹ, các em, con nuôi nay đèo thêm mối lo người yêu chưa được săn sóc, sao Mẫn không tính tới mình một chút cho công bằng? Cái nếp vận cả vào thân ấy chưa dễ gì thay đổi. Hãy làm cho Mẫn tươi chút đã… Tôi nghiêng người tới trước:

- Anh hôn em nghen.

- Úi, người ta thấy!

- Vậy em cười một cái thiệt vui cho anh coi, trừ nợ… Hôn đây nè, cười không?

Mẫn lau mắt, cười gượng, nấc nhẹ trong cổ, lại cười rất xinh, cười dài:

- Chết với anh mất. Đêm em nằm cứ nhớ bao lần anh giỡn, em cười rúc rich, con Hoà kêu: “Chị Hai, mơ gì vậy?”. Em phải nói chiêm bao thấy cái gì vui lắm, quên rồi. Tới hôm được ba lá thơ anh, em coi rồi cứ bắt hát một mình hoài, mừng quá mà.

- Vợ lính thăm chồng, cho cái gì chưa thấy bày ra?

Mẫn “à” một tiếng, tung tăng đi mở cái bao xi-ta trên giường. Hạnh phúc của Mẫn đấy, cái hạnh phúc được đem cho. Áo bà ba của Mẫn vá đắp một miếng trên vai phải, dây các-bin nhai áo rất khoẻ. Quà cả đống, lấy ra xong cái bao chỉ còn bằng cái túi dết. Chuối khô, mít khô ngào đường, chè nhỏ, sữa bột, đường, cá ngừ chà bông, chao ôi, mỗi người gửi một ít, của ngon làng Cá kéo lên đây hết còn gì!

Từ nãy tôi đã thấy Mẫn đổi khác nhiều, mặt và người đầy đặn hơn, da trắng hơn. Tại sao nhỉ? Tôi bưới tới gần, Mẫn hơi né người một chút.

- Ông tướng, đừng ẩu nghen. Bà con cười em chớ đâu có cười anh.

- Sao coi bộ em lên cân…

- Em quên chưa kể, em lên tỉnh học nửa tháng, mang các thứ theo mà không kịp ghé bệnh xá. Càng học càng mê, dốt khổ lắm anh ơi. Tỉnh nuôi sang ghê, nói cái gì quý nhứt phải dành cho vành đai, bắt em tiêm thuốc lu bù nữa. Chín rưỡi tối chưa ngủ thì y tá thổi đèn, kỳ không vậy, làm gì chẳng mập! Khi về em nói đi thăm anh, các anh chị trong Đảng uỷ ưng hết, chị Tám Giàu biểu em ở lạ thiệt lâu, chưa hết Mỹ đâu mà sợ mất phần. Chị còn dặn… thôi, để sau sau đã. Em ở đây với anh… ba ngày được không?

- Ồ!

Tôi thú quá. Mẫn tưởng tôi chê ít, năn nỉ:

- Anh nghĩ giùm, bây giờ em phải nắm du kích mười hai xã, ngợp quá, chưa biết cạy gỡ ra sao cho thấu..

Chị Tám với Mẫn được chỉ định vào Đảng uỷ khu vành đai diệt Mỹ Chu Lai mới lập. So với hồi làm bí thư xã thì đỡ búi việc hơn, các anh chị nói Mẫn là em gái út phải cho học nhiều. Khu này ngang huyện. Đồng chí huyện uỷ trẻ thật, càng trẻ măng ra sau nửa tháng được ngủ đẫy giấc, hồi ở Tam Sa tôi chưa bao giờ thấy Mẫn được ngủ đến bốn tiếng mỗi đêm ngày, có khi thức trắng băng đi cả tuần. Tôi bước tới nữa. Mẫn nép hẳn vào cột, rất hoảng:

- Kìa, đừng có điên điên…

- Không đâu, anh thấy em lạ lắm…

Mẫn ngạc nhiên, buôn các gói quà đang tháo xem bị mốc hay không, quay lại. Lạ thật. Mẫn có đôi mắt đàn ông, bây giờ thêm đôi má phính tròn như trẻ em, cặp môi bậu và đỏ tươi rất con gái. Ba giới trên một khuôn mặt, sao đến giờ tôi mới nhận ra?

Chắc hẳn Mẫn quen với mặt mình, ít ngắm vuốt, không để ý đến những nét riêng ấy. Đứng trước tôi, Mẫn chỉ hiểu rằng mình đang được yêu. Một người con trai yêu Mẫn, còn nồng nàn gấp mấy cái độ Mẫn chờ đợi bấy nay. Tình yêu ấy tưởng chỉ còn trong câu hát đêm trăng thôi chứ, ngoài đời cũng có thật ư… Hơi men mạnh quá. Mẫn say. Mẫn đứng dựa cột, hai tay vịn vào phên như choáng váng sắp ngã, mỉm nửa miệng cười chung chung, mặt ngời lên vầng sáng hồng bên trong mà tôi hay thấy. Chúng tôi ngắm nhau đắm đuối, rất lâu. Rồi Mẫn chép miệng một cái, đi ra sân, ngó quanh, thoăn thoắt quay vào, sà luôn vào tay tôi:

- Tội nghiệp… anh hôn em đi.

Bầy phản lực vòng qua gần hơn. Dưới gầm cầu sắt có xe lửa chạy qua không ngớt, tôi hôn Mẫn cái hôn cháy rực có mùi mít chín của làng Cá. Bàn tay Mẫn vuốt má tôi rất nhám. Lại cuốc ruộng đêm mãi. Tôi hôn những vết chai trong lòng bàn tay mềm. Rốc-két rít lên tiếng nghiến răng trên đầu.

 

°

 

Tôi sống hẳn với khu vành đai ba ngày, bên Mẫn. Mặt trời lặng lẽ đi vội từ biển về núi, còn các bữa cơm và giờ làm thuốc cứ đến lia lịa không để cho chúng tôi yên thân. Yên nghĩa là chuyện trò với nhau, chứ không phải ngồi một chỗ.

Sáng ra Mẫn thu quần áo chăn chiếu của thương binh đi giặt, về lại xắt chuối cho heo, nấu cám, quét dọn, nấu cơm trưa, đi hái rau chiều giúp chị nuôi, ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy chào tôi sang ngủ chung với Thu Yến. Ban đầu tôi cũng như mọi người can Mẫn đừng làm, nhưng thôi ngay sau khi Mẫn nhắc khẽ: “Anh đi với em”. Tôi biến thành cái bóng của Mẫn rất “hợp pháp”. Mẫn hỏi to: “Giặt chiếu chỗ nào, anh?”, tôi khoác nịt súng vào vai đưa Mẫn ra tận con suối đá dưới chân đồi, bà mẹ biết tôi sẽ về chậm vì chưa đi được nhanh. Vào bếp, hai tay Mẫn vừa buông dầm lại cầm chèo, tôi ngồi trên cái võng gai nghe chuyện, ai thấy cũng khen chị Thiêm chăm làm và anh Thiêm quý vợ.

Mẫn thạo việc đến nỗi không cần nhìn xuống tay mà cái gì cũng xong gọn trơn. Lên ba đã bắt đầu giữ em, lên sáu biết “nồi cơm bắc xuống, nồi chè bắc lên”, thêm vài tuổi nữa đã lo liệu “ruộng sâu cấy trước, ruộng gò cấy sau”. Hồi ở làng Cá, phải qua nhiều ngày gần nhau tôi mới tin rằng Mẫn có thể vừa đạp chè hay vá áo vừa bàn kỹ một kế hoạch tác chiến. Tôi thì chịu, làm gì cũng hùng hục chúi mũi vào một việc thôi. Đông Tây kim cổ, các cô gái luôn luôn được ví như hoa chứ không ai so sánh với rau. Tôi rất thú khi biết bông bạc có thể luộc ăn được. Mẫn đấy, bông hoa nuôi sống người.

- Tiếng Mỹ, gì là bỏ súng xuống, em quên…

- Gân-đao-n!

- Đằng sau quay?

- Phây-xơ-pao, tơ-n! Em học nhiều chưa?

- Mới mươi tiếng. Tức cười, bữa đánh núi Sàm, bắt được hai Mỹ, các ảnh giao thằng Tâm nhà em giải về huyện đội. Nó trói cả hai cho đi trước, nó đằng sau cầm lái, biết được có gâu là đi. Tới chỗ rẽ, nó kêu miết mà thằng Mĩ cứ trật đường, nó nổi vung chạy lên hét: “Mẹ cố tổ mày, tao biểu gâu bên tay mặt, mày cứ gâu tầm bậy là sao?” Sau nó tháo dây võng cột chằng hai đứa, dắt đi như cặp trâu.

Tôi cười đau bụng. Mẫn học nhẩm mấy từ mới, kêu thứ tiếng gì nói trẹo bản họng rồi ngừng tay xắt chuối cây trầm ngâm:

- Dỗ miết mà đám con gái nhất định không chịu bắt tù binh Mỹ. Biết ta cần thứ đó, vậy chớ chị em nhỏ con sức yếu, sợ nó đánh nhào giựt súng, sợ nó giải khó nuôi, mà cũng thù nó hiếp nữa. Để em tự bắt một thằng đem về cho chị em tin.

Mẫn nói như sắp tóm con heo sẩy chuồng. Mới hỏi vài lần, tối đến Mẫn đã thuộc lòng hơn chục khẩu lệnh, giọng khá đúng. Kiểu đó chắc Mẫn làm y như lời, hay hơn thế nữa.

- Anh biết chưa, nắm đầu được cái thằng điệp hại vợ chồng chị Biền rồi. Thằng Hờ, Mười Hờ, nhớ không? Anh nạt nó một lần đó!

Tôi “à” khoan khoái.

Nhớ chứ. Mặt hắn đen choắt, tóc gọng kính ngoặc tai. Xưa nhà hắn giàu sụ, hắn thua bạc mấy năm bán ruộng lần lần cho xã Chinh hết, xoay qua nghề mổ heo. Hắn chạy xuống vùng địch ở ít lâu lại về, kêu sợ bom đạn không bằng sợ đói. Hôm nhà bà Miện trúng pháo chết mất đứa con trai và con trâu mộng, tôi đến giúp chôn cất, gặp hắn quảy tới đôi rổ sảo, dao thớt, hòn đá mài dẹt. Bà Miện đang khóc con bên cái nhà bay nửa mái, hắn ngồi xuống tỉ tê: “Chỗ chòm xóm gặp hồi tang ma, tôi chẳng có gì giúp đỡ, chạy được ngàn bạc đây, bà cầm mà lo đám cho thằng nhỏ, tội nghiệp. Còn con trâu chết bỏ cũng uổng, bà để tôi xẻ, chắc gì được đủ một ngàn, thôi của đổ đi tôi cũng rán hốt về…”. Tôi nóng mũi lắm rồi, còn cố nén để tìm Năm Ri hỏi lại. Con trâu tám chín ngàn bạc, mổ ra bổ rẻ cũng được năm ngàn, hắn đưa một ngàn, bán chịu tới mùa lấy lúa, thu được không phải chỉ gấp năm! Tôi quay lại thì bà Miện đã cầm tiền, vẫn khóc nức nở. Mười Hờ đang trải lá chuối trên nong, nói oang oang: “Lúa mùa hay lúa chừ(1) cũng được, tiền thì không, xin thưa trước vậy cho khỏi mất công xách lên thả xuống!”. Tôi muốn đấm vào mặt hắn, sau chỉ xạc một trận. Anh em du kích kéo tới xẻ giúp, thu tiền và lúa cho bà Miện gần đủ giá vốn.

Hắn làm điệp theo lối buôn chuyến, được món nào lãnh thưởng món ấy. Nhà hắn sát sau nhà chị Biền. Hằn rình nghe được câu chuyện chị Biền rỉ tai khuyên chồng xuống ở vùng cát, anh chồng bị đánh nhiều đâm nặng tai, lại nhất định đòi biết ngay, biết kỹ mới chịu rời làng.

Tam Sa lúc này tạm coi như tẩy sạch giun sán, nhưng thứ đó sẽ sinh thêm. Triều đại cha con xã Chinh đã dứt, bọn quận cử về thằng Huề làm đại diện kiêm cảnh sát trưởng, tên này vừa gửi thư thăm ủy ban Tam Sa vừa lo tìm vây cánh, để coi ra sao.

- Em trả lời nó rồi. Đổi nghề khác được ăn cơm chín, làm nghề này thì cơm cúng chẳng có mà ngửi hơi. Hung sùng như Chinh cha Chinh con cũng nhào đầu hết, bộ tướng thằng Huề như cò ma rúc xó đồn Mỹ, liệu hứng nổi mấy viên? Cứ tưởng nói tiếng Mỹ róc róc là thoát chết à?

Mẫn chửi một câu thật độc. Nói như xem thằng Huề bằng rác, nhưng rõ ràng Mẫn rất chú ý đến tên tề này.

Cuộc sống vành đai là vậy. Cái mới cứ đến từng giờ, bà con quen ngay với pháo cực nhanh và đạn lân tinh, với điệp viên của CiA và tề học trường Mỹ ra. Rời vành đai hai tháng rồi, tôi về đấy sẽ lạc đường lầm ngõ, nói toàn chuyện đời xưa, gặp đồng chí xã đội lại hỏi thăm “em vô du kích chưa?”. Giữa lòng những biến động nhanh đến chóng mặt ấy, cái lõi không đổi mà chỉ lớn lên vẫn là chất anh hùng trong mỗi con người. Những giọt sương đọng rải đây đó trên đá trên cỏ, trong đêm chỉ biết có mình, khi nắng lên đều mang giữa lòng một mặt trời đỏ như ngực người đeo huy hiệu Bác Hồ. Chúng mình nhận ra nhau và yêu nhau ngay cũng nhờ chấm lửa ấy trước hết, em nhỉ?

Chiều ngày cuối cùng Mẫn ở, anh Lẫm bệnh xá trưởng mới về. Anh có mái tóc đốm bạc, cách nói lựa chữ, những câu vui hơi ồn ào của người trí thức đứng tuổi muốn trẻ lại và gần anh em. Anh vừa học chung lớp với Mẫn, rất thú cô tổ trưởng nhỏ hơn con gái đầu lòng của anh. Tỉnh giữ anh lại bàn rút người đi lập một trạm phẫu tiền phương cho Chu Lai. Gặp Mẫn, anh mừng muốn reo:

- Trời đất, tôi tiếc hoài! Muốn nhờ chị về bệnh xá nói chuyện, thấy chị bận quá, không dám. Cái báo cáo điển hình của chị tôi ghi đủ hết, tính về kể lại, may có chị tới đây, xin một buổi thôi! Chị nắm lý lịch số anh em xin đi vành đai, hay là…

- Dạ không, cháu ở khu đội mà.

- Hà hà, tôi biết, các vị ở Chu Lai lựa kỹ là phải. Thăm dò ngay tại chỗ mới chắc. Tôi khuyên chị nhắm được ai cứ lấy luôn cho sớm.

Mẫn luống cuống rõ. Tôi đáp thay:

- Thăm người thôi, chưa muốn lấy người đâu anh ơi.

- Lấy ngay càng tốt chớ sao?

- Chị ta kêu chưa xứng đáng… Mặt trời mọc trong nhà, coi kìa… Úi, thương binh đang bị chà đạp giày xéo!

Mẫn vừa ấn mũi dép trên chân tôi, lủi biến. Anh Lẫm ngớ ra. Khi biết chuyện, anh vỗ đùi cười phá, nói tiếng Pháp:

- Tuyệt, trong lòng bản anh hùng ca có thêm một tình ca. Chúc mừng anh nhé!

Anh bàn với hai chúng tôi một điều khó xử.

Trên định tách năm người lập trạm phẫu. Bảy đồng chí đã nộp đơn xin ra tuyến lửa, trong đó có Thu Yến rất thiết tha đòi đi. Còn thiếu một bác sĩ. Tay nghề mổ xẻ của Duy Hảo hơi non nhưng rất quý ở một vùng ác liệt. Hảo được thực tập nhiều, sẽ mau lành nghề. Nhưng Hảo tỏ ý không muốn đến chỗ khó. “Bác sĩ chớ đâu phải nghề bảy đáp(2) mà mổ cho mau cho nhiều. Tôi cần thì giờ để nghiên cứu mấy vấn đề về các vết thương chiến tranh…”. Hảo nói lơ lửng vậy, không thấy nghiên cứu cái gì, lâu nay chỉ gặp những vết thương một hai ngày khiêng đi đường… Tôi là bạn Hảo, nếu có thể khuyên Hảo một chút thì hay. Mẫn kể chuyện vành đai sẽ giúp anh chị em nghĩ thêm.

Anh Lẫm bóp trán mãi mới tìm ra chữ đúng:

- Anh chị đừng hiểu lầm Hảo. Cậu ta bây giờ vẫn tốt, tốt trung bình, vừa phải. Trong ca anh Thiêm, cậu rất chịu khó. Nếu không đi Chu Lai, Hảo vẫn là một cán bộ có ích, không nên trách. Nhưng…

Anh nhảy sang tiếng Pháp, và tôi dịch cho Mẫn: “Trong cuộc sống, có cái tốt, cái tốt hơn, cái tốt nhất. Tinh tế là ở chỗ đó”

Chúng tôi nhận lời, cả hai, tuy đêm nay Mẫn định “giúp anh Thiêm tập đi” để ra suối ngắm trăng non với nhau.

“Chiến dịch không quân” đã dứt. Đèn măng sông cháy ri ri, sáng xanh. Mới báo tin khi chiều, cán bộ và du kích đã tới hai trăm, bà con kéo vào đình đông nghịt. Xã này đang bốc mạnh tuy vừa mới được giải phóng cùng một đợt với làng Cẩm Tú Khoảng sáu trăm người ngồi nghe chị Thiêm kể chuyện vành đai. Cùng một huyện Tam Kỳ cả, nhưng đó với đây có bao nhiêu khác lạ.

Tôi đã biết câu chuyện Mẫn kể.

Chỉ có một vốc của dòng thác lớn thôi. Tam Sa hoá thành làng S., làng Cá là thôn Một, tôi được gọi bằng cái tên dài “anh bộ đội chủ lực về giúp địa phương và điều nghiên cái Chu Lai”, còn Mẫn thì biến hẳn trong đám đông không tên. Cuộc sống ầm ào toả ánh cầu vồng dưới kia trở nên trần trụi, nó mất hẳn đi những vui buồn sướng khổ của người trong cuộc. Thế nhưng tại sao mắt người nghe cứ lặng lẽ sáng lên, long lanh ngấn nước, và tôi cũng kín đáo gẩy một giọt bên khoé?

Phải không, Mẫn ơi, em cố giữ giọng thường để tả cái chết của một bà già bị pháo chém trên mái đình lụt - mẹ của em, của đứa trẻ lên hai bị bay từng mảnh- con nuôi em, em đã xốc xới lên nỗi đau dồn sẵn trong mỗi người nghe từ khi biết đời đến nay? Em nhắc lại những keo địch hất ra, ta lăn xả vào, giành chính quyền từng xóm một. Hồi ấy có anh. Chúng mình đã tìm hạnh phúc thế đấy, cả dân tộc ta vật lộn giành sống cũng vậy, loài người đánh lấn đế quốc từng bụi tre một trên làng Cá của em, và bà con đây đang ứa những giọt nước mắt tự hào, đúng chứ?

Những trận “ăn ngon” tới rồi, mắt em lấp láy. Đôi mắt mới hai mươi mốt tuổi mà đã thấy hết một quãng lịch sử lớn nhiều thế kỷ. Em thấy tàu bay và lính Nhật ngay sau khi mới sinh, em xem cha đánh Pháp, em nhằm thẳng vào Mỹ để giết. Qua đôi mắt rất đen còn hay khóc, những ngàn năm trước đang cùng em nhìn giặc Mỹ, cùng làm nên cái tia chớp gan và khôn lạ lùng loé giữa đôi hàng mi dày khi em sắp đánh một đòn chưa ai nghĩ ra. Em ngó anh, định hỏi gì… Hiểu rồi. Em kể hay đấy, bấy nhiêu bà con đang cười giàn giụa vì em… Không cần đâu Mẫn ơi, ai lại thắc mắc vì em tránh nêu tên, chỉ cần nghe em vuốt ve mấy tiếng “anh chủ lực” là anh nhận ra ngay chút hương riêng của tình yêu không lẫn được trong câu chuyện đánh Mỹ đầy khói thuốc nổ đêm nay.

 

°

 

- Ác mà đừng liệt, nhớ nghen anh.

- Đồng ý. Nè, dọc đường em coi chừng biệt kích với thám báo. Thử cây súng ngắn bẳn ruồi chưa đó?

- Rồi. Em đi, anh…

Chúng tôi bắt tay nhau, cười. Như hai người lính chia đi đánh hai hướng.

Mẫn không quay đầu lại. Thu Yến đưa Mẫn tắt bờ ruộng đến đầu mối đường to, đỡ vòng xa. Tôi đứng bên ngõ trông theo. Từng mảng màu trên người Mẫn chìm dần vào nền xanh sẫm của xóm bên kia, chỉ còn hai bắp chân trắng động đậy, nhỏ dần.

Nhớ đôi mắt là sự thường, sao tôi nhớ mãi cặp chân người yêu? Hôm kia đưa Mẫn đi giặt suối, tôi để ý xem vết đạn cũ. Nó đã lành hẳn, sẹo thu nhỏ và nhợt màu, nhưng trên chân Mẫn lại thêm hơn chục nốt tròn màu đen, tím đỏ của vắt cắn. Hỏi mãi, Mẫn mới thú thực đã theo hai anh trinh sát đi băng rừng gần đồn Phước Lâm, đêm mưa lắm vắt, bùn phủ trơn không gỡ được. Là để thêm một ngày được ở với tôi… Bờ xóm sắp che khuất Mẫn. Hai đốm trắng dừng một phút, Mẫn nhìn lại mà không vẫy, rồi rẽ vào ngõ. Tôi đập nhẹ vào trán, xua một ý dại về những mảnh cối rạch đất khá dài khi bay ngang, mới chớm đã xóc đau trong ngực. Những bông bạc hai cánh đung đưa bám đất chắc lắm, đừng lo gở.

Chừng một giờ sau Yến mới về, mắt sưng đỏ. Tôi đang ngồi thừ ra nhìn sấp tài liệu mà không đọc được chữ nào, bị Yến gắt ngay, rất găng:

- Anh Thiêm tệ kinh!

- …

- Chị Mẫn yêu anh vậy, chị vừa đẹp vừa giỏi, mà anh… anh hất hủi chị…

- Ủa!

- Anh đi được mà không đưa chị. Ra tới khúc đường vắng, chị nổi khóc hu hu làm em khóc theo. Chị gởi cái gói cho anh. Em mở coi thử… Mua cho anh cái tranxittơ mà không dám đưa. Tính gặp anh làm lễ cưới, cũng thôi luôn. tại anh hết đó!

Yến giẫm chân, bắt tôi thề suốt đời không phụ bạc chị Mẫn rồi mới chịu trao cái túi nhựa. Tôi thề ngay, chưa hiểu gì cả, chỉ biết rằng Mẫn cấm tôi tiễn, ắt không thể giận tôi.

Trong túi có một cái máy thu thanh Cơraonơ nhỏ bằng gói thuốc lá, kèm ống nghe và một tá pin con. Máy đựng trong túi màu xanh da trời thêu ba chữ đỏ “Tiếng người thương” và hai chữ M.T. lồng nhau. Lại một mảnh giấy thủng bụng nữa, chỉ có mấy dòng:

Em mua cho anh mất ngàn mốt thôi, là tiền bán chè khô mít khô, mấy chị em ưng hết, con Hoà còn trách em mua thứ rẻ quá. Em đưa tay sợ anh kỳ kèo, anh đừng lo bọn em thiếu thốn gì hết. Con Cang thêu tặng anh cái túi đó. Còn bức thơ kia anh coi cho vui, đừng giận con nhỏ tội nó lắm, nó yêu anh lắm lắm!

Tôi lướt vội qua lá thư của anh bí thư tỉnh ủy gửi bệnh xá, dặn nếu hai đồng chí Thiêm và Mẫn định cưới nhau thì nhờ bệnh xá hết lòng giúp, tổ chức hai bên không kịp đến…

Tôi chồm dậy. Không cưới thì thôi, tùy Mẫn. Phải đạp xe trả ngay cái máy bán dẫn. Chị em Mẫn ăn mặc ra sao tôi biết hết. Có cái gì vô lý trong cách yêu của Mẫn. Tôi đọc lại mảnh giấy, hơi khó, chắc người ốm dễ xúc động. Cuối cùng tôi hiểu rằng không thể trả. Tôi phải để Mẫn nhẹ chân đi về vùng lửa trong tấm áo màu gụ vá vai, cười một mình vì món quà cố giấu, nhẩm tiếng Mỹ, lau mắt nhớ tôi và phác qua một trận mới.

Con người Mẫn cứ như thế, biết làm sao!

 

°

Các thầy xúm khám tôi lần nữa, hẹn sẽ cho ra viện khi tôi mang được mười cân đi mười cây số, ước chừng phải mất thêm nửa tháng. Tôi cố rút xuống mười ngày,  viết luôn ba con số 10 dán lên cột. Mỗi ngày tập đi bốn tiếng chia hai lần, sáng sớm và chiều tà. Các giờ tự học, giúp dân xếp vào lúc nắng quá hay tối quá, thêm hẳn giờ sửa máy nữa. Xếp xong bảng thời gian ấy, tôi không còn thấy bệnh tật đâu cả.

Các buổi tập của tôi vui hơn trước nhiều. Tôi đi qua các vườn và leo đồi chè sau nhà, nghe ngóng sức căng của những thớ thịt mới liền lại như người thợ tiện cho tăng vòng quay tí nữa, tí nữa. Tôi bỏ máy thu thanh trong túi áo ngực, nhét lọt ống nghe vào một tai, nghe “tiếng người thương” suốt buổi này sang buổi khác mà vẫn trả lời được bà con qua lại. Những đợt hành quân hàng tuần hàng tháng dọc đường núi sẽ tươi gấp mấy. Cái máy chỉ có một băng, cũng đủ cho tôi nghe sóng 297 mét của Hà Nội và hai viên pin bằng ngón tay nuôi nó được gần tháng. Mẫn đã chọn trúng món quà tôi ưa nhất.

Còn cái nghề sửa chữa vặt thì tôi đã chọn ra từ trước.

Dạo mới đứng được, tôi nghe anh Lẫm gắt dữ một cậu y tá làm hỏng bộ dụng cụ khám mắt tai mũi họng rất quý. Quà tặng của Cộng hoà dân chủ Đức, không gửi về thành tu sửa được mới gay chứ. Tôi bảo Yến lấy cho xem. Máy tinh vi mà đơn giản: một tay cầm chứa pin, có thể lắp bảy tám cái đầu khác nhau với những gương và thấu kính nhỏ xíu, những bóng đèn soi tí tẹo thật xinh. Tháo sơ ra, tôi bật cười: pin chảy trong lòng ống làm gỉ chỗ chạm điện, vậy thôi. Mười lăm phút sau, Yến hí hửng mang trả anh Lẫm bộ đồ khám đã sống lại, rọi những luồng sáng bằng đầu đũa khá mạnh. Anh sửng sốt, cảm ơn tái nam tái tứ. Tôi cũng ngạc nhiên: một việc quá dễ vậy mà các ông bác sĩ không lần ra được.

Dần dà tôi đắt khách đến nỗi Hảo phải chặn bớt. Trong gánh đồ đạc linh tinh của bệnh xá, tôi moi ra một hộp dụng cụ sửa chữa nhỏ cũng của Đức. Nhờ có nó, bao nhiêu đèn pin bút máy, đồ dùng khác thoát kiếp bị gỉ và mối ăn. Vớ được một thùng pin bộ đàm của địch vất lại, tôi tháo vụn, ghép thành pin nghe đài cho bệnh xá và pin cầm đi đêm cho y tá trực, cái xóm nhỏ bỗng ồn lên và sáng lập lòe được vài tuần. Tiếng đốn sao không biết, xã bên cạnh cho cán bộ tới với một công văn nài nỉ tôi đi sửa giùm cái máy sát gạo ở chợ cây Đề, có xe đạp và mô tô đèo cẩn thận. Anh Lẫm nhất định lắc.

Đôi lúc tôi làm liều. Hảo khám tôi, tôi cũng khám và chữa cái đài Sôny ba băng mười bóng của cậu. Mò tướt mồ hôi cả buổi tôi mới tìm thấy một mối hàn bị rời nhưng vẫn chạm hờ. Hèn gì lúc nói lúc câm, thơ Tam Kỳ chém cả ngàn bạc mà vẫn chưa về đòi lại được. Hảo đeo máy cưỡi xe đi công tác một ngày, tối về mới nói: “Chịu mày rồi đó Thiêm”. Tôi đã tìm được cách trả ơn kín đáo. Nhiều anh đưa tôi cả đồng hồ nhờ sửa, không chịu tin rằng tôi dốt, nghe nói thiếu dụng cụ họ mới gật đầu.

Tôi mang ba lô tập đi, tạt qua chỗ Hảo:

- Tối nay tiểu liên nhà tao, rảnh không?

- Đồng hương à?

- Mình mày thôi. Cho nghe chuyện tao nóng giòn.

Hảo đối với Mẫn vẫn giữ cái vẻ kính mà xa, rất ít tin rằng tôi yêu Mẫn thật. Không sao, tôi chỉ muốn mượn cớ để khuyên cậu ta đi Chu Lai. Ở Hảo đã có sẵn than hồng, tôi muốn góp một hơi thổi cháy lên ngọn lửa. Dù Hảo ưa khích bác bẻ vặn tôi hơn cả, tôi vẫn biết cậu coi trọng lời khuyên của tôi, cãi ngang cành bứa xong lại làm theo.

Sau bữa cơm, bà mẹ đi học chính sách ruộng đất, cô em tập múa. Tôi bắc sẵn nước sôi đợi Hảo. Cái tông đơ hỏng nằm đợi trên bàn, dưới chân cột thêm cái bếp dầu lửa Ai-đa bị tắc. Tôi mở đài, lơ đãng cầm tông đơ lên xem, và cơn ngứa nghề bốc nhanh lạ.

Gãy lò xo. Trước hết, vừa tháo vừa nhớ chỗ các chi tiết. Vẽ sơ cho chắc, kẻo khi lắp lại thừa ốc thừa vít. Các kiểu lò xo gãy trên đời, hãy tập hợp đây coi thử. Ruột gà thiếu, lá mía, díp… tạm tắt “tiếng người thương” đã, chịu khó em nhé, sửa máy gay hơn đạp chè, cho anh nghĩ.. Đẩy nhé. Gạt hai đầu. Nống lưng…

Duy Hảo lò dò vào. Tôi kêu:

- Ơrêka(3)!

- Lại một phát minh thuộc thế kỷ mười tám?

- Không, mới trong thế chiến thứ hai, của thợ hớt tóc Việt Nam.

Tôi vẽ ngay kiểu lò xo mà tôi trông thấy ngày xưa: một sợi dây thép cứng uốn ba vòng, hai đầu nống hai càng tôngđơ, rất gọn. Hảo gật gù khen trong khi tôi đi pha chè làng Cá, bày các của ngon Mẫn đem lên, đã chia phần cho anh em bà con mỗi người một chút thơm thảo. Hảo đăm chiêu khá rõ từ khi anh Lẫm về, chắc lại cái vụ đi tuyến lửa.

Hảo lau kính, bỗng nhớ ra:

- Thằng Tốn phóng viên đem máy ảnh đi chụp, nửa chừng ống kính bị con nít rờ tay dầu phụng vô cả mớ rầu như cha chết. Nó nhắn hỏi mày lau giùm được không?

- Kiểu gì?

- Quên hỏi. Đâu như máy Nhật.

Các công thức pha chất rửa ống kính chạy qua đầu tôi lổn nhổn. Axêtôn khó kiếm. Xà phòng, cồn thì sẵn. Để xem lớp tráng chống phản quang màu gì, chịu cồn được không. Giấy quyến… Tôi ngẩn ra:

- Nó gặp mày lâu chưa?

- Hôm nàng mới tới, nó ghé đây. Thấy mày cuống quýt, tao biểu nó đừng phá đám, phải biết nhân đạo là gì.

- Hại tao rồi! Rửa một lát chớ mấy. Tao đang ước có cái máy chụp Mẫn, từ nhỏ tới lớn Mẫn chưa được tấm hình nào. Cha, bao giờ mới gặp lại!

Hảo nhìn tôi một cái nhìn dài sau những ngấn kính cong xếp lớp.

- Tưởng mày ghét những thứ phù phiếm của người trần. Thôi, mày giúp thằng Tốn, dặn nó về vành đai chụp Sêhêradát, gởi ảnh theo. Chắc không đẹp bằng mày bấm đâu, tao biết. Mà nè,  mai kia nàng được phong anh hùng thì cả thế giới treo ảnh nàng đầu giường, riêng gì mày!

- Ăn chuối đi cho giọng hiền bớt!

- Kim tiêm không chích được tượng đá. Đúng, mày là đá nguyên khối. Con Nga đúc bằng thạch cao, đặt mày lên bể liền. Cỡ ta hay Thu Yến là gì hè, sành hay gốm?

- Lại lên một cơn triết lý.

- Tao đang cần triết. Có tin buồn: con Nga về ở Đà Nẵng rồi, đòi ly dị. Thằng kia chạy theo dỗ sướt mướt. Ba mẹ tao cãi nhau, nghe nói có sự tát tai và rách áo. Dễ hiểu thôi, tay kỹ sư chỉ lo đào mỏ, bòn tiền ăn chơi, mẹ tao gả ép cho con cái bằng rỗng. Rốt cuộc con Nga chịu dang dở. Gia đình tao bốn mạng chia hai phe, ăn riêng hai mâm. Cái buồn khóc đã gặp cái buồn cười. Cả nhà chỉ còn thằng Ái Trung biết cười…

Tôi nhấp chén nước rất lâu để tránh cái nhìn của Hảo rõ ý “tại mày”. Nhưng Hảo không từ:

- Thu Yến rất hiểu những bi hài kịch kiểu đó. Mày thì không, mày chỉ biết có khổ đói lạnh hay nhục mất nước thôi, còn những cái đau tâm lý chỉ là chuyện vẽ vời của ba đứa ở không. Mày chê con Nga… đừng cãi, tao cận thị số bốn mà tinh mắt… chê nó thiếu lý tưởng, thiếu nghị lực. Đúng hết. Bây giờ mày biết nó làm gì không? Ăn rồi nó ẵm con gởi nhà bạn, kéo guốc đi biểu tình chống Mỹ. Nó khoe nó là “biểu tình viên chuyên nghiệp”, nó đang truy lãnh cái phần xuống đường lâu nay phải nhịn, hạnh phúc của nó chỉ còn cách mạng là một, bé Trung là hai, đố ai biết nó  nói thằng Trung nào… Mày phục chưa?

- Phục lăn!

Tôi nói rất thật. Hảo gật đầu thú vị. Cậu thương Nga lắm, thương nhất nhà. Chắc vì nhiều chỗ u ám nên Hảo không đưa tôi xem lá thư mới của Nga.

- Tao thèm cái đơn giản của mày, Thiêm ạ. Mày như hòn đạn. Súng chĩa thẳng hướng, bóp cò, mày cứ vậy mà bay tới đích, mưa gió không cản nổi, bụi đời không kịp bám, chẳng phải chọn ngã tư nào hết. Cũng tốt thôi. Mày tính ra viện rồi đi đâu?

- Về đơn vị. Dạo này ta đánh lớn…

- Biết mà. Một lần nữa tao khuyên mày nên giữ chừng mực. Dám nghe hết không?

- Rất muốn nghe. Nằm đây hai tháng tao cũng nghĩ chuyện đó, tính bàn với mày.

- Tao vẫn không hiểu tại sao mày cứ lao vô chỗ dễ chết nhứt, dễ què cụt  nhứt, làm việc theo tốc độ lút số bốn chớ không chịu xuống bớt ga cho đỡ hại máy? Mày là đứa nhiều tài tao mới tiếc. Đem năm sáu chục ký vàng đổi lấy một viên chì vài chục gờ ram, nên không? Nếu mày mơ lên tới cấp tướng, tao không nói gì, hay bị ép nhứt thiết phải ra trận thì coi như bất khả kháng. Cả hai ca đều không phải. Mày hẹn hết chiến tranh mày sẽ trả chức vụ, làm thợ máy nổ, còn chụp ảnh là nghề tay trái. Coi cái điệu mày ham máy, tao biết mày nói thiệt…

- Thiệt chớ!

- Ừ, vậy tự mày đang chống lại mày. Làm thợ giỏi phải có sức khỏe, phải học kỹ. Hiện giờ mày đang phá sức, đang chúi mũi học làm chỉ huy, lo chạy theo cái trước mắt. Chết thì gọn thôi, mày coi cái chết như lông hồng, rất đáng kính. Nhưng nếu về sau mày tàn phế, còn một tay với chút nghề học lỏm, mày sẽ làm gì cho hết cuộc đời dài? Đừng đập bàn nghen. Mày đã phá cữ cho tao vô chỗ thờ phượng rồi mà… Tới đó sức mày còn một nửa, đầu mày cùn học không vô, lại đụng toàn kỹ thuật tối tân, máy lạ, mày làm ăn sao cho thấu? Mày thuộc quyền một tay kỹ sư nào đó, nhưn chồng con Nga học bên Âu Mỹ về, nó giao mười, mày rán hết cỡ mới làm được ba, bốn rồi năm. Nó sẽ lễ phép thưa với mày: “Thiệt tình, cháu coi chú như cha, chú hi sinh cho bọn cháu được học thành tài. Ác cái bây giờ phải bảo đảm năng suất chú à, mấy tháng qua chú bị hụt mức nhiều, ấy là thiệt hại cho dân cho nước chớ đâu phải hại cho cháu. Thôi để chú lãnh việc vừa sức hơn, chú thay ông gác cổng mới về hưu, cách mạng việc gì cũng vinh quang…”. Nó đuổi mày đó. Mày cứng họng chớ cãi gì nữa! Mày sẽ cay đắng bỏ nghề, trách mình hồi đó chẳng nghe lời thằng Hảo, lo việc chung chừng ba phần tư còn dành một góc cho tương lai của mình, có phải bây giờ… Chối tai lắm không? Chối, mày nghe kỹ. Mít khô ngào đường đây mày.

Hảo rất khoái trá với tràng diễn thuyết của mình, cười tủm tỉm, nhai mít. Tôi trầm ngâm nhìn cậu:

- Hình như mới có bên nguyên lên tiếng. Còn bên bị nữa.

- Mày cãi đi.

- Không, bên bị cũng là mày. Trong người mày có hai thằng Hảo kia mà, mới một đứa mở miệng…

- Ranh lắm. Phải, còn thằng Hảo cách mạng nữa, nó thua mày xa. Để nhường mày phát ngôn. Chè ngon ghê ta. Đậm, thơm mộc. Của nàng hả?

- Ừ. Thứ này vợ tao tự nhồi bằng tay, hái một đọt hai lá…

Hảo cười phì suýt sặc. Chẳng hiểu sao tôi chợt thấy rất khó chịu. Khi nghe giễu một người vắng mặt, tôi thường bực hơn chính mình bị đả trước mặt.

- Tao giả dại để mày tự nhiên với cô Mẫn, ai dè mày kịch luôn với tao. Hai đứa mày cưới nhau hồi nào lẹ vậy?

- Chưa, sắp.

- Từ cốc đến môi, đường xa lắm. Từ yêu đến cưới còn xa gấp triệu lần. Càng rõ là mày đơn giản. Mới mấy tháng trước, mày nói cô ấy là vợ người ta, nhớ chưa?

- Hồi đó mới quen. Bây giờ chắc như hai với hai là bốn.

- Nghĩa là không chắc gì cả, theo toán học mới. Mày… lỡ rồi phải cưới, hay công nhân ắt phải lấy nông dân để liên minh với nhau?

Đến lượt tôi cười. Ba tôi chưa hẳn đã căn vặn tôi kỹ như Hảo. Cũng hay, tôi càng dễ trả lời thẳng chứ sao.

- Mẫn với tao yêu nhau kinh khủng, đợi nhau suốt đời cũng được.

- Biết mà! Mày cực đoan đến từng sợi tóc. Mày đang mê đánh giặc, cô nào đánh giỏi mày mê luôn. Mày lẫn lộn giữa tình yêu và tình cảm cách mạng, giữa chọn vợ và chọn anh hùng. Cấm tự ái. Mày cũng biết Mẫn không đẹp, mới thoát mù chữ, ngoài cày cấy cô ta không biết nghề gì  trong tay. Tới thời bình, một cô chỉ huy du kích khó lòng được phong làm sĩ quan chính quy. Cứ lấy nhau đi. Hai mươi năm sau tao đến thăm mày, sẽ thấy chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa - ấy là chân tay chúng mày còn đủ - trong nhà chẵn một chục tàu há miệng đang kéo còi muốn bay mái. Mày sẽ giơ hai tay lên trời: “Ôi, tình yêu lý tưởng!”

Tôi cười đau cả bụng. Cái thằng lưỡi nhọn khiếp không!

- Cho mày nghỉ ngơi một chút, chuối gần hết rồi.

- Tao mổ xẻ bấy nhiêu thôi. Đừng mở đầu bằng câu “chủ nghĩa cá nhân trầm trọng và có hệ thống”. Nhớ là tao đang tính dùm chuyện mai hậu cho mày. Mày bay bằng cánh miết, tao thương mới chắp cho cặp chân.

- Cảm ơn. Để tao bắt chước mày triết lý thử coi…

Tôi vẫn giữ giọng bông lơn, nhưng Hảo biết là tôi không đùa, cũng như cậu nãy giờ không hề đùa.

- Những hạt và sóng vật chất quay tít trong vũ trụ, tới lúc nào đó tình cờ tụ lại trên hòn bi xoay gọi là trái đất, tạo nên một chấm bụi nhỏ xíu được đặt tên là thằng Thiêm. Thằng Thiêm hiện rồi biến chỉ trong một chớp loáng. Loài người đo kích thước và thời gian theo kiểu của mình, nói thằng Thiêm cao một mét sáu mươi chín, nặng sáu chục ký, sống sáu mươi năm. Thằng Thiêm tự  hỏi: “Mình sanh ra để làm gì? Nếu chỉ cố ăn nhiều cho chấm bụi to thêm chút đỉnh, khéo lẩn tránh để kéo dài thêm một ly lai nào đó cái chớp loáng tồn tại phần mình, thì cần gì có mình trên đời? Trước khi tan biến vào mênh mông, mình phải làm lợi nhiều nhứt cho đồng loại, cho mai sau. Mình sẽ để lại một dấu vết có ích nào đó trên hòn bi chở mình”. Nó nhìn, nghe, hỏi, nghĩ và kết luận rằng việc làm ích lợi nhứt lúc này là chống Mỹ, cứu nước, tiếp đó là chống bất công, nghèo khổ, dốt nát.

- Phi lộ cừ ghê ta

- Vừa thôi. Tại mày cứ nhấn rằng tao đơn giản, như người Pháp gọi thằng ngốc là thằng trí óc đơn giản…

- Ăn gian. Mày cố đọc giữa hai dòng chữ!

- Thôi được, tiếp. Có lẽ mày nghĩ: thằng Thiêm ấy à, cha nó làm thợ, nhà nó nghèo, nó vừa giữ trâu vừa theo học nhà trường kháng chiến, ôtômatich là nó yêu nước, thù giặc, nó theo cách mạng đắn đo gì nữa. Lầm to. Đứng trước sống và chết, sướng và khổ, người khờ nhứt cũng phải cân nhắc. Mỗi người có một cách chọn đường, mau hay chậm, nhẹ nhàng hay trầy trật, đúng hay sai. Hễ sai thì đã làm ngụy, làm tề điệp, luồn lách, trùm chăn, tùy mức. Mày với tao đã chọn con đường đúng là khổ chung rồi sướng chung với số đông bà con. Mỗi đứa chúng ta đã được phóng lên do cái sức đẩy ban đầu của dân tộc, của cha anh. Như mày nói thì tao còn được thêm liều thuốc phóng của giai cấp nữa, đúng. Nhưng quyết định mỗi cuộc đời vẫn là sức bay của chính mình thôi Hảo à. Mày với tao không đứa nào là hòn đạn cả, bởi lúc nào cũng có thể trở nên anh hùng hay rớt xuống làm “chiến sĩ họ Đào”, có thể lựa lái đường bay cho trúng đích hơn hay cố ý trượt ra ngoài. Nói chữ thì đó là tính năng động tự giác của người cách mạng, nghe hơi dài.

Duy Hảo ngó tôi trân trân. Lâu nay tôi ít cãi lý nên cậu tưởng tôi chỉ hứng là làm.

- Uống đậm nữa không?… Tới cái chừng mực làm cách mạng. Tìm chỗ khó hay chỗ dễ, trên đường rất xóc nên mở số bốn hay số một, số hai? Mày ngại tao chết, què, cảm ơn, tao cũng không thích vậy. Có điều tao nghĩ trong kháng chiến ai khỏe nên cầm súng đánh Mỹ, tao liệu sức đánh được nên cố xin ra trận. Cháy được năm năm ắt không phải lửa rơm. Mày chê tao dại à? Tao thích làm gì cũng tận sát bờ góc, vượt hẳn lên hàng đầu, đã theo cách mạng thì theo hết mình, đóng góp tới mức cao nhất, được vậy tao sướng lắm, hễ thậm thụt nửa vời thì chính tao là đứa buồn khổ trước. Mày coi, tao có quên phần tao đâu, tao rất khoái được hưởng cái hạnh phúc của sự tận hiến và những quý mến chung quanh mình. Đừng tưởng tao đánh giặc để kiếm chức, sau này may ra kiếm lương khá. Mỗi lần đề bạt tao lo ngay ngáy, mày thấy tao học ngày học đêm đó… Đến lượt tao khuyên mày. Mày góp công cứu tao sống, tao nhớ ơn mày… Chớ vội khiêm tốn, tao còn đập nữa mà. Tao thấy mày mới hết lòng chạy chữa cho riêng tao thôi, còn với các đồng chí khác thì mày một vừa hai phải. Anh em bệnh xá mến mày dễ dãi, vui tính nhưng lại yêu và phục anh Lẫm hay gắt hơn mày nhiều. Ngay cô chim én xinh xắn bưng khay thuốc đi bên mày miết, khi muốn tâm sự lại đến tìm tao, đúng chưa?

Tôi bắt chước các cô y tá vừa bơm thuốc vào mạch vừa xem nét mặt người được tiêm. Trán Hảo đỏ dần lên, cậu chỉ lặng lẽ rót nước vào chén. Chịu được.

- Mày giả bộ phớt đời, nhưng bên trong mày có mặc cảm, tao biết. Mày chơi tốt với mọi người, sao họ chỉ thân với mày vừa vừa? Mày rất chiều Thu Yến, sao cô ấy lạnh mày? Vì mày cảm, nghĩ và sống theo lối trung bình. Anh em coi mày như người bạn giải trí, vài ngày một lần cười nở phổi với nhau, còn muốn học chuyên môn phải hỏi anh Lẫm là người say sưa yêu nghề, muốn hiểu bão táp chống Mỹ họ tìm tới anh em thương binh. Cùng đi trên đường dài, họ muốn gánh được thêm vài cân công tác, mà càng gánh nặng càng phải chạy mau chân, họ không thể kết bạn với anh chàng mang nhẹ đếm bước, có gặp nhau chăng chỉ khi đặt gánh nghỉ mươi phút xả hơi. Mày nói Thu Yến rất thông cảm với những buồn riêng của mày. Đúng. Nhưng sự thông cảm dừng ở đó thôi, còn cái mảng lý tưởng, hoài bão, còn những ước mơ đẹp và thiêng liêng nhứt trong hồn cô ấy thì mày không hiểu. Đem kể với mày để mày giễu cợt à? Tao tiếc lắm. Mày với Yến có thể đi xa hơn tình bạn nhiều.

Mặt Hảo đỏ gắt. Khó ngờ anh chàng đã từng gửi thư tán ba bốn cô một lần lại mắc cỡ như cậu học trò nhỏ bị ghép đôi. Bên trong lớp vỏ khinh bạc, một tình yêu trong trắng đang nở gấp, có lẽ rất mạnh. Hảo lắc đầu, cười gượng:

- Quỷ Cốc tiên sanh đã gieo quẻ…

- Bậy, sao lại bói? Yến rất muốn thân mày, dù chưa yêu. Cô em năn nỉ xin về vành đai, mong gặp mày tại đó, nhưng coi bộ thất vọng.

- Đã ngã ngũ gì đâu…

- Mày nên tình nguyện đi. Lớp trẻ tụi mình có nhiều câu hỏi lớn mà tuyến lửa mới trả lời nổi. Lẽ sống, nghề nghiệp, tình yêu, tình bạn… mày thử ít tháng coi. Cứu thêm được nhiều người thoát chết hay khỏi tàn phế đã đành, riêng mày sẽ đổi khác dữ lắm Hảo à.

- Nếu không bị cái gì cắt ngang…

- À, tao không đoán ẩu giùm ai. Phần tao đã tính kỹ rồi. Hồi nãy mày nhấn trúng một chỗ: tao không sợ chết mà sợ phải sống thừa. Có điều tao tin chắc tao không bao giờ thừa. Tao lòi ruột mà vẫn sửa ngon bộ đồ khám Đông Đức kia. Mất tay chân tao cũng xoay sở được, chẳng lo. Mà không phải chỉ kiếm ăn thôi đâu, tao còn sáng chế phát minh cho mày coi. Nếu có tay kỹ sư nào đuổi khéo tao như mày doạ đó, tao sẽ nói: “Chú chịu tàn tật để cháu được học, bây giờ cháu dạy nghề lại cho chú đi, thêm một tay là quý”. Hễ tao nằm dài kể công, hết trách lại đòi, thì tao đáng đuổi lắm. Còn nếu tay kia xì, trề hứ háy, nó sẽ rớt. Rốt cuộc, ta đoàn kết giúp nhau là hay nhứt. Chúng ta làm cách mạng đâu phải để nuôi mập một số đầu cơ chuyên nghề chạy chọt, lót ghế ngồi cao cho mấy tay rùa ăn giấy, thay thế bất công kiểu cũ bằng một bất công kiểu mới? Cô Mẫn của tao cũng góp sức hạ một tay con vua ở xã đó, tay này giờ tiến bộ nhiều…

- Gan vậy à?

- Không thì phong trào bị cản mũi, nằm ỳ… Chút nữa quên, còn cái khoản chục đứa con. Nhiều quá, quanh nồi cơm đặt vài cái máy xúc thôi!

- Chắc mày bực. Đang bay chín tầng mây, làm vệ tinh cho công chúa Arập…

- Bây giờ tao xuống đất. Hai đứa tao say mà rất tỉnh, không để cùn đời cạn điện đâu. Mày nhận xét Mẫn đúng cả, nhưng chưa thấy cái chất người. Mẫn thèm học ghê gớm, đang tự học riết. Mẫn làm nông rất giỏi, cũng là nghề chứ sao. Còn mặt mũi, chà, chín người mười ý, tạm coi như thuộc một trường phái riêng trong giới má hồng. Cái cốt lõi là Mẫn có sức vươn lên rất mạnh…

- Tất nhiên, anh hùng mà!

- Mày muốn tách riêng: anh hùng phần này của cô, gói cất đi, còn phần tình yêu này của tôi?

- Mày cần cả hai?

- Cả hai. Ở Mẫn, chất anh hùng quyện vô tình yêu rất rõ. Cho phép tao so sánh…

Tôi uống một chén nước để hãm đà. Không thể so với Mộng Nga được, bởi Hảo cố ghép Nga cho tôi, và Nga khác xưa nhiều rồi.

- Mày từng rủ hai cô thân nhất, Ánh Tuyết với … gì… Duyên Hương, cùng ra căn cứ. Ánh Tuyết khóc một dòng sông nước mắt. Cô Hương nói như thánh tướng rồi bận đi Đà Lạt nghỉ mát. Tất nhiên họ không ở lại Sài Gòn, Đà Nẵng để biểu tình như em gái mày! Chính mày đã đặt tên: một tình yêu còi xương, một duyên phận buôn vàng Mỹ Ký. Thử điểm lại các cô mày thân, xem có ai dám đưa ngực che đạn cho mày, dám ăn đói mặc rách để sắm cho mày cái bán dẫn kia, dám lãnh nuôi một chồng hai con khi cần? Tất cả, Mẫn đều làm được gọn trơn. Nói riêng với mày, tao tin rồi Thu Yến sẽ như vậy. Mộng Nga qua nhiều cay đắng, cũng sẽ có chất anh hùng trong tình yêu mới, không chịu lấy một thằng đào mỏ nữa đâu.

Hảo thẫn thờ buông từng tiếng:

- Có nhiều cuộc đời phải bắt đầu lại từ đầu…

- Đừng bi, hết chiến tranh, Mẫn với tao cũng phải tập thích nghi gần như từ đầu. Tụi tao không lo. Thứ thép được luyện nhiều lửa rồi, đem đúc súng hay rèn lưỡi cày đều chịu ăn cả.

Chúng tôi nói với nhau những lời đốp chát ấy bằng cái giọng tưng tửng như bàn cách chữa tông đơ. Chưa biết câu chuyện càn khôn còn kéo dài tới đâu nữa nếu Thu Yến không vào bắt tôi tắt đèn đi ngủ. Tôi mời chuối khô, Yến ăn tự nhiên, cười tươi:

- Anh diễn thuyết cái gì nghe toàn Mẫn là Mẫn. Thiệt em chưa gặp ai còn trẻ mà dễ thương như chị. Trên cho em về Chu Lai rồi, nhứt định em làm đuôi theo chị riết.

- Theo cô Mẫn nhà tôi thì lu bù bom đạn!

Yến mở to đôi mắt bồ câu rất đẹp:

- Chớ sao nữa. Chị em dưới đó chịu được, em tập miết cũng chịu được, thua gì ai. Hồi mới xuống đường, nghe súng em sợ tái xanh, lát quen. Để rồi em tự tay bắn Mỹ anh coi.

Đợi Yến uống nước xong, Hảo mới đứng dậy bảo tôi:

- Viết thơ sẵn đi. Hôm nào tao xuống vành đai đưa tận tay cho Mẫn, khỏi sợ lạc.

Tôi thấy rõ Yến quay đi giấu nụ cười vui.

 

°

Tôi tập hành quân thêm hai ngày nữa. Chú Dé đi thâu đêm tới bệnh xá, chưa kịp nói đã mếu xệch miệng, rút đưa một mảnh giấy ướt mồ hôi.

Ta đã quét sạch địch trong quận Hiệp Đức, đang lùa vịt ào ào qua quận Quế Sơn. Anh Ba Tơ bị thương nặng, sau vài giờ thì chết, dặn gửi cho tôi chút kỉ niệm cũ. Trung đoàn gọi tôi về gấp, tạm thay anh làm tiểu đoàn phó D.210.

Tôi chống gậy dời bệnh xá lúc một giờ sáng, chú Dé mang giùm ba lô. Dừng nghỉ trong suối tinh mơ, tôi mới kịp mở gói quà của người anh lớn. Đó là một cái túi nhỏ dệt nhiều màu, những hình thêu vàng và bạc đã phai đục. Trong túi có một lá thư gần nát, chữ Lào loăn xoăn, mấy sợi bông trắng xen lẫn với tóc dài, một cái khăn nhỏ dính nhiều vết nâu nhạt, phải xem kỹ mới biết là máu lâu năm.

 

 

Chú thích:

Lấy ngay bây giờ

Đồ tể

Tìm ra rồi! (tiếng reo của Acsimet)