Mấy người nói tôi thoát chết là sự quái lạ. Tôi khác, tôi biết tôi sẽ qua khỏi, chỉ ngạc nhiên vì các vết thương sao hay trở chứng quá, không chịu lành gấp. Bấy nhiêu thôi, chẳng có gì rùng rợn ly kì hết. Cho đến một buổi sáng, bác sĩ Lẫm- người nói tôi hấp hối, đã vá chỗ bụng rách và lỗ thủng ở ruột cho tôi với ý nghĩ còn nước còn tát – cùng với Duy Hảo ngồi lại bên giường tôi thật lâu, kể lại những bước xáp lá cà đánh lùi cái chết, tôi mới mang máng thấy có thể đi đứt như chơi. Lạ nhỉ. Tôi biết vậy nhưng cũng chẳng biết mừng hay hồi hộp gì cho cái mạng mình cả, chỉ dành tất cả xúc động để cảm ơn các đồng chí đã giúp tôi vượt cạn.
Sức khỏe quay về rất chậm. Từ trên đỉnh cao của Hòn Kẽm đá dừng, tôi đã rơi tõm xuống vực nước đen, ngoi ngóp được nhờ phao của thầy thuốc ném cho, bám tay vào bờ. Nay đến cái đận phải trèo ngược lên từng nấc một. Lắm lúc trồi lên tụt xuống như con cóc leo tường, một cơn biến chứng xoá đi vài tuần chạy chữa, phát ớn.
Tôi bị buộc phải lo cho con người mình, cá nhân mình một cách trăm phần trăm theo nghĩa đen. Cái xác phàm mà tôi tha hồ bắt dầm mưa dãi nắng, xách ném vào kẽm gai lộn mìn, vùi đất lại bới lên xài tiếp, bắt vác cả tạ mà cấm kêu, nay nó ườn ra đấy bắt tôi hầu hạ từng chút. Theo lệnh thầy thuốc, tôi cố nuốt thêm mấy muỗng nước cháo nuôi thân, rình nghe những luồng đau âm ỉ hay quằn quại ở bụng, xem chừng mấy chỗ thịt đùi và vai bị mảnh xé, thò tay đón mũi kim vào mạch, tự súc họng bằng nước muối, đưa mắt và mũi ra nhận những giọt thuốc nhất định vào những giờ nhất định. Cáu nhất là khi phải ỉa đái, đã đau thất kinh còn thêm xấu hổ, hộ lý lại toàn các cô trẻ mới phiền. Đành cố tập lỳ. Khi chân tay ngừng động đậy, tự nhiên sức sống trong tôi dồn cả vào đầu và tim. Tôi giống cái quạt điện, cánh bị kẹt không quay được thì bầu máy cứ nóng lên mãi, biết làm sao.
Ngày lại ngày, tôi sống bằng cháo loãng và kỷ niệm. Bỏ mặc súc thịt mềm nhũn trên giường đấy, tôi bay về với bà con làng Cá. Các đồng chí khiêng thương từ Chu Lai lên thường nán lại bên tôi, kể đủ chuyện trên trời dưới đất, chung quy đều là chuyện ta thắng Mỹ thua, vành đai bị cấu xé rất dữ mà vẫn đứng vững. Một cậu trinh sát bị thương trong khi lội quanh Chu Lai với Mẫn là một ống thuốc bổ giúp tôi mau lành. Chỉ tiếc cậu ta ra viện quá nhanh. Tôi không nhắn tin cho Mẫn, sợ Mẫn nghe kể rằng tôi gầy giơ xương, xanh rờn, tóc trùm tai như đám con trai hippi cáu tiết với đời. Thôi, để tự tay viết thư cho Mẫn yên bụng hơn.
Nhớ chán lại nghĩ. Nằm dài mà nghĩ, ắt dễ nghĩ lăng nhăng. Biết là lăng nhăng mà vẫn nghĩ.
Cái ý “chết uổng lắm” hôm nào giữ tôi sống, nay lại mang một nghĩa khác đáng ngờ. Nói cho công bằng, nó không xui tôi làm cái gì quá tệ, như rời hàng ngũ chẳng hạn. Nó chỉ thì thầm nhắc tôi nhớ rằng hăm tám tuổi mới là non nửa cuộc đời thôi, không ai ép tôi lăn mãi vào chỗ bom đạn dày đặc nhất, tôi có thể đi nốt quãng đời cách mạng còn lại bằng những con đường dễ sống lâu hơn mà vẫn không mất đi chút vinh quang nào. Nếu tôi nhận việc ở tham mưu hay địch vận, xa tuyến lửa, ai dám đánh giá tôi thụt lùi? Tôi nghe nó, cười, coi như “ý kiến tham khảo”.
Cùng với tiếng ti te bên trong, có những lời khuyên bên ngoài mà tôi biết là chí tình của ông bạn Duy Hảo và vài người quen mới nữa.
Vì tay nghề vững hơn, anh Lẫm tự tay mổ cho tôi, nhưng Duy Hảo là người chữa chính, mất nhiều đêm trắng bên tôi nhất. Lần đầu tôi thật tỉnh, cậu ta cởi băng che miệng, hất hàm:
- Chào Đê Đê Tê!Con người sát trùng suýt nữa bị trùng nó sát. Chịu khó nằm im ít lâu cho hạ hoả bớt, mày bốc quá rồi đó.
Cậu chẳng tha gì mà không giới thiệu tất cả chuỗi tên bố láo đã gán cho tôi: Đô Đốc Thiêm, Đạo Đức Thiêm, nhà ngôn ngữ học kiêm phó nháy kiêm thợ máy kiêm xích lô, nay là nhà cách mạng có nhãn hiệu trình toà. Tôi biết cậu muốn cho tôi khuây khoả và đúng là những lời tán phét của cậu giúp tôi thêm vui trong những ngày quá dài không cựa quậy được. Anh chị em trong bệnh xá quen tôi nhanh, bên cạnh cái chăm lo chung đã có một chút mến riêng mà tôi cảm thấy được ngay, cũng nhờ có Hảo.
Hảo thường hỏi bệnh và bắt tôi trả lời bằng tiếng Anh, bí thì cho phép chen tiếng Pháp, bảo là cả hai cần cạo gỉ các ngoại ngữ để còn chọi với đế quốc lâu dài. Tôi không thích nhưng phải chiều cậu. May là chỉ có hai thương binh nặng hơn được xếp một buồng riêng; đồng chí kia đã khỏe, học tới lớp bốn mà biết năm thứ tiếng của các dân tộc Tây nguyên nên không thấy khó chịu khi chúng tôi nói với nhau. Trong câu chuyện của Hảo thường pha chút giấm chua giễu cợt:
- Cho mày cái mô tô, mày sẽ tháo lấy còi hay đèn pha chơi, còn vất hết. Mày dùng cuộc đời cũng vậy thôi.
- Mày hay khoe tánh mày ruột để ngoài da, đây là một bằng chứng.
- Tao tưởng các siêu nhân không bao giờ đi bằng vai người khác chớ.
Hằng ngày săn sóc tôi là Thu Yến, mới ra vùng giải phóng được vài tháng, còn nguyên mái tóc uốn sóng dài bỏ xõa và cái e thẹn hơi đỏm dáng của cô nữ sinh Đà Nẵng. Theo Hảo đi khám bệnh, Yến bưng khay thuốc đứng mé sau, im lặng giương đôi mắt bồ câu nghe chúng tôi đấu mép. Yến hay ở lại bên tôi hỏi chuyện rủ rỉ. Cô quý chung các anh bộ đội, nhưng coi thích riêng anh bộ đội có chữ nghĩa và gốc thành phố hơn. Ban đầu tôi hơi ngại anh em thương binh nghĩ khác, sau mới biết chính họ nhắc Yến ngồi trực chỗ tôi càng nhiều càng tốt, bởi tôi bị nặng nhất. Dần dần tôi quen với nụ cười hồng khi Yến băng cháo đến và nhại mấy tiếng Nhật nói giọng Pháp của cậu Hảo:
- Đôdô, ôtabênaxai!
- Arigatô(1)!
Và lát sau chúng tôi gật đầu chào nhau: Xayônara(2). Tất cả đều tinh tế, nhẹ, êm ả.
Bệnh xá đóng trong làng Cẩm Tú khá giàu, mới giải phóng, chưa hề bị bom pháo. Tôi ở nhà tên quận phó đã đem vợ con chạy trốn. Sau bấy nhiêu năm hết ở rừng với ngủ hầm, bây giờ tôi được nuôi mập trong căn buồng quét vôi xanh nhạt, nằm trên giường tây có đệm và mùng tuyn, với một lô sữa trứng, chuối đặt trên cái bàn mặt đá vân, bên cây đèn dầu to phủ chao lụa hồng. Cách mạng miền Nam mà sang vậy đó. Nếu bớt đi tiếng máy bay ầm ù trên cao, thêm đèn điện, tôi dễ tưởng đang điều trị ở Sài Gòn hay Hà Nội. Và dáng người áo trắng, mái tóc uốn, lối đùa hơi kiểu cách của Thu Yến lại rất hợp màu hợp nét với khung cảnh trang nhã của căn buồng, càng tạo nên cái yên vắng vây quanh giường bệnh. Tôi chỉ còn nghe pháo đánh nóc hầm giữa giấc chiêm bao.
Mất một tháng rưỡi tôi mới đứng dậy được. Các vết thương khép miệng, kéo da non đỏ hỏn. Đồng chí cùng buồng đã ra từ lâu, thương binh còn ít nên Hảo xếp tôi ở một mình. Rảnh việc, anh chị phục vụ mỗi chiều hay đèo nhau xe đạp ra dãy quán dọc đường ô tô chơi, họp bà con nói chuyện phòng bệnh hay tập múa hát cho trẻ em trong làng. Yến ít đi đâu, hay đến buồng tôi hỏi về đời bộ đội, cô rất chăm nghe và dễ xúc động. Anh Hai của Yến là chính trị viên tiểu đoàn, về hoạt động quanh Đà Nẵng, đã đón Yến ra khi Đà Nẵng đang sùng sục vì những vụ lính Mỹ hiếp phụ nữ.
Bà con Đà Nẵng coi anh giải phóng quân như thần, Yến cũng vậy.
- Con Lan hay đi biểu tình với em, hai đứa quanh năm mặc áo cùng kiểu cùng màu, nó thề chính mắt nó nhìn thấy tàu ngầm bên ta nhô lên khi chạng vạng, cho xuồng cao su lắp máy chở mấy anh “mũ sụp” chạy vô Sơn Trà, biến mất. Đêm sau các anh đánh rụm mấy chục tàu bay ở Đà Nẵng.
Yến cười thẹn thò, mặt rất hồng bên cái chao đèn lụa.
Tôi đọc nghiến ngấu những tập Văn nghệ giải phóng và hai cuốn truyện mỏng, thèm quá. Sách báo đã ít, qua bao nhiêu lần dời chỗ lại mất dần hết, theo Hảo nói thì một số anh em ta vẫn khoái cái câu “lấy sách không phải là ăn cắp”. Yến mượn trong làng cho tôi được nửa bộ Thủy Hử, tôi ngoém hai ngày là hết, không biết các ông tướng quen rượu rót bát to, thịt xắt miếng lớn ấy sẽ nổi dậy ra sao. Ăn không ngồi rồi quả là một cực hình. Tôi viết thư cả mớ, gửi má và em Hiền, gửi ba và anh Hai ngoài Bắc, xê mình, bạn gần bạn xa, gửi Mẫn ba lá rất dài. Tôi chưa ngồi được lâu, đi vài chục bước các vết thương đã đau nhức, thường đọc nằm, viết nằm nên mau mệt. Rốt cuộc món giải trí hàng ngày vẫn là những câu chuyện rủ rỉ của Yến trong giờ trực.
Thu Yến có khuôn mặt xinh xắn, da trắng xanh với những nét gì như gọt tỉa quá kỹ và hơi mỏng mảnh. Sống mãi trong thành phố bị chiếm đến mười tám tuổi mà Yến vẫn nết na, hiền và ngoan, có lẽ nhờ mẹ và các chị kèm riết. Đôi lúc còn những cái cũ chưa gột hết: ông tỉnh trưởng, bà Nhu, văn hiện sinh hay lắm, nghe nhạc dịu Sài Gòn có sao đâu. Nhưng vượt lên trên bấy nhiêu vặt vãnh, tôi nhận thấy Yến khao khát được lao vào cuộc sống lớn đang bày ra trước mắt. Con chim mới ra ràng, từ trong tổ nhảy lên được cành thoáng, đang đập cánh muốn bay cao bay xa. Yến hay lắc đầu bướng và hơi nũng:
- Các anh chị ở đây coi em như… con búp bê. Việc gì nặng nặng khó khó là gạt đi không cho em rờ tới, nói mày con nít làm nhiều khó lớn. Da mày bạch tạng chưa quen ăn chịu, để mày lo động viên các anh thương binh thôi.
Người hay ngăn nhất là Duy Hảo, tôi biết
Nhiều lần, tôt bắt gặp mình nhìn ra cửa đợi Yến đến. Tôi bắt đầu áy náy khi sờ cằm thấy nhám râu hay phải mặc bộ bà ba vá đụp nhiều chỗ. Khi soi gương, tôi không còn khó chịu vì nước da bụ sữa đã quay lại, lớp sạm phong trần bay mất. Lại còn thấy hay hay nữa, điển trai một chút đã sao, tôi đã tới ba mươi đâu. Tôi tự giễu mình đổi nết, đâm ra trai lơ và ham bề ngoài, nhưng giễu mà vẫn tha thứ cho những “tật xấu đáng yêu” ấy.
Hảo nói tôi khắc khổ, sớm già, có lẽ đúng chăng?
°
Cậu Sang, cán bộ của H.68 đến thăm tôi lần nữa với quà và thư anh Điển: “tính để cậu nằm cho yên ít lâu, nhưng đành phải tới rút ruột cậu một mớ…”. Kèm theo là mười sáu câu hỏi về Mỹ và kinh nghiệm đánh Mỹ, tôi sẽ đọc và trả lời cho Sang ghi, coi như dự tổng kết từ xa.
Tuy Hảo không bằng lòng mấy, tôi vẫn nằm làm việc trong hai ngày liền. Càng nói càng bốc, có lúc tôi chồm dậy, cố thuyết phục Sang rằng tự làm mìn chống ra đa rất dễ, mà du kích cứ nghĩ dễ dùng ni lông gói mìn vỏ gang là địch không ngửi ra, bị mất cả lô rồi đó. Tôi hầm hè cãi nhau với ai đấy vắng mặt rằng chớ nên bị ám ảnh bởi giày đế sắt và áo giáp Mỹ mà bỏ chông. Chông sắt vẫn xuyên được phần da trên đế, chông tre chông cau sẽ xóc bụng và chân tay Mỹ khi chúng nhào sấp tránh đạn ta… Sang đi rồi. Tôi nằm soài đấy, mệt phờ nhưng nhẹ tênh tênh. Tôi còn có ích đấy chứ. Cái vốn hiểu Mỹ của tôi tuy nhỏ xíu nhưng vẫn được dùng, may lắm.
Tiếp đó, một anh địch vận của tỉnh mang đến cả chồng tài liệu Mỹ mới lấy được năn nỉ tôi dịch. Lần này Hảo cấm hẳn. Tôi nghĩ ra một mẹo: trước mặt Yến, tôi đưa bản hướng dẫn phòng bệnh của lính Mỹ nhờ Hảo dịch hộ. Cậu ta ngứa nghề, làm luôn, còn đi lấy từ điển Anh-Pháp và Pháp-Anh để tra kỹ. Từ hôm ấy, pho từ điển dày cộp nằm lại trên cái bàn mặt đá vân cùng những tập sách Mỹ không quan trọng mà anh kia bỏ lại. Hảo răn đe chán chẳng được, sau bắt tôi hứa chỉ làm việc vừa đủ óc khỏi gỉ.
Tôi chợt nhớ số giấy tờ lấy trong cái xác Mỹ bỏ lại giữa những vết xích xe. Giữa lúc tôi mê, anh em thay cái áo đẫm máu đem giặt… Tôi tìm ra cả sấp trong đáy ba lô. Thằng này chết vì hai viên AK của tôi trúng cổ, nó thò đầu hơi cao trên thành xe.
Lính Mỹ lắm giấy thật, chẳng bù với anh em mình… Tôi xem kỹ tấm thẻ căn cước dán nhựa cứng cả hai mặt, có dán ảnh chính diện chụp cái đầu cắt trọc với bảng đen đề tên bằng phấn kê dưới cổ, như tù đeo biển số. Hình như bọn cầm quyền muốn tập cho lính quen chịu nhục từ khi phát thẻ trở đi. Những dấu lăn tay gợi cảnh phu mộ bán xác đi tân thế giới. Con người không còn cha mẹ, không địa chỉ quê quán trên đời, biến thành con số dài thòng: SB.24943715. Thêm hai câu chữ xanh in theo chiều dọc, kẹp hai bên: Tài sản của chính phủ Huê Kỳ. Tôi muốn nghĩ tài sản ấy là tất cả thằng lính Risớt L. Cácxơn chứ không riêng tấm thẻ.
Tôi đọc lần lượt những mảnh bìa bằng cỡ sổ tay in chữ nhỏ. Có thẻ ăn, thẻ mua hàng, thẻ xem bói bằng chữ ký, thẻ ra vào trại, thẻ y tế, nhiều nữa. Tất cả những quy định và lời khuyên vặt đều in thành thẻ. Mới tinh, có lẽ chưa đọc lần nào, là cái thẻ dạy đường cư xử gồm sáu điều, mở đầu bằng việc bảo vệ lối sống Mỹ, chấm dứt với lòng tin ở chúa và ở nước Huê Kỳ. Thằng lính chẳng bỏ thì giờ xem những dòng lít nhít ấy, để lo tập nói toi xin đào hang lợi hơn nhiều chứ.
Thằng Risớt này mới sang ta đã nhận nhiều thư. Cô Giâynơ gửi một lá thư tình đánh máy hơi gượng gạo, nhắc dài tới những tối nào đó lắm muỗi ngoài vườn nhà bà cụ N., cô này viết tắt và nhớ muỗi hẳn không chỉ vì mặc kiểu áo váy ít vải nhất. Kèm một chuỗi ảnh dính nhau, chụp rẻ tiền bằng máy tự động ăn xu đặt đầu chợ, của một cô gái vẽ đôi mắt quá dữ và có nhiều đường nhăn bao quanh miệng, trông sớm héo. Tới thằng em trai viết rằng ba say rượu và đánh con nặng tay hơn trước, hỏi anh đã nghe tiếng húppi(3) rùng rợn của Vi xi chưa? Và sáu thư liền liền của bà Bétty… Tôi đọc lướt, rồi đọc kỹ từng lá thư theo thứ tự ngày tháng.
Đây rồi, cái nét mà anh Năm Đông bảo rằng tôi đã coi nhẹ khi tìm hiểu lính Mỹ:
… Người ta bàn cãi khắp nơi, mỗi người một phách. Chú Étdy nói thời nào cũng có chiến tranh, tránh sao khỏi, xưa chú đánh Đức thì nay lứa con cháu đánh cộng sản thôi. Ông chủ cửa hàng của mẹ vui lắm, vỗ vai mẹ khen có đứa con anh hùng, các bạn mẹ đều nói ông có nhiều cổ phần trong ngành máy bay, sắp giàu to rồi. Ba con như người điên, uống say lại đập cốc, kêu trót dại lấy vợ đẻ con làm gì, đứa làm đĩ, đứa chết ở Triều Tiên, tới thằng Đicky(4) cũng mang bệnh giang mai và ma túy về nhà, sao không chết hết một lần cho rảnh. Mẹ chỉ biết khóc và cầu Chúa…
Đến một thư khác:
… Mẹ sợ lắm, mẹ không ngủ được. Tờ giấy đòi rút các con về nước mẹ để ngót tuần nay trong ngăn kéo mà không dám ký. Cái hội gì đấy tên dài lắm đã gọi điện cho mẹ hai lần, nhắc phải cứu con gấp. Chị Bácbara cũng đến khuyên mẹ một tối, chị là người ngoan đạo và đáng kính nhưng bị mấy tờ báo trong bang gọi là cộng sản. Mẹ biết làm sao con ơi? Ba con thất nghiệp lâu quá rồi, nếu mẹ mất luôn chỗ bán hàng này nữa thì cả nhà chết đói mất. Mẹ đã phải bỏ xe trôlây, đi xe buýt vòng xa hơn, tránh qua nhà các chủ nợ, lão Lông Cừu Vàng đòi găng nhất và doạ đưa ra toà…
Lá tiếp theo không có gì hay. Đến lá mới nhất, có chữ thằng Ri-sớt ghi nhận hai ngày trước khi chết, bà Bétty viết hối hả giữa cơn sốt:
Thế là mẹ, như người ta nói, đã dấn thân rồi Đicky ạ. Chủ nhật vừa rồi mẹ đi biểu tình trên phố Loxơn và bạn bè tới năm ngàn người và người hàng phố còn đứng hoan hô nhiều lắm, họ giơ hai ngón tay chữ V và đưa ngón tay cái khen ngợi, chỉ có vài đứa bĩu môi thôi. Thì ra những người lương thiện đều chống cuộc chiến tranh của L.B.J. cả con ạ. Chúa thiêng liêng soi xét lòng mẹ, dù mẹ bị đuổi việc hay bị xem như cộng sản hay mẹ đang làm cộng sản thật đi nữa thì con mẹ sẽ không bị đày hoả ngục vì nhúng tay vào máu người vô tội mà thằng Đicky bé bỏng sẽ về với mẹ…
Tội nghiệp cho bà Bétty! Thằng Đicky đã nằm lại làng Cá, trong góc vườn mẹ Sáu, đợi bà. Hai viên đạn AK của tôi là cái dấu hết- một gạch, hai chấm hai bên- cho cuộc đời cướp biển còn rất ngắn của nó. Dù nó bị ép hay lầm lẫn, tội ác vẫn là tội ác, bản án cứ phải thi hành thôi.
Tôi ghi địa chỉ của bà: Bétty A. Cacxon, 1625 đại lộ Loxơn, thành Đantơn, bang Gioocgia.
Khi có dịp, tôi sẽ gửi thư an ủi một bà mẹ Mỹ đáng kính và đáng thương, còn bây giờ tôi phải lo giết thêm thật nhiều lính Mỹ chưa buông súng, dù biết có nhiều đứa giống thằng Đicky. Trước hết tôi phải thương những cháu Hoàn bị xé xác tìm không đủ xương thịt, thương tất cả những ai trên trái đất này đau khổ vì gót giày sắt của thằng Đicky đã đạp hay đang doạ đạp tới, tôi thương cả mẹ nó trọn đời long đong khốn khổ, nên càng cố bắn cho trúng nó. Tôi vẫn đo chiều dài của đời tôi không phải bằng năm tháng, mà bằng số lính Mỹ tôi sẽ bắn gục hay trói giải về. Bà hiểu không, hỡi bà mẹ Mỹ mà tôi rất muốn xoa dịu nỗi đau quằn quại?
Tôi buông xấp thư, nằm im nghe chỗ bụng rách đang ngứa vì kéo da non, nghĩ về lời nhận xét của anh Năm Đông. Rất đúng. Đài và báo ta nói nhiều về nhân dân Mỹ chống chiến tranh, tôi vẫn nghe và đọc đều. Khi ở thành, tôi cũng tìm xem không ít sách báo tiến bộ về nước Mỹ. Tại sao tôi lại cố dẹp đi những cảm tình đã có đối với người Mỹ? Tôi chưa lúc nào muốn “tỏ vẻ lập trường vững”. Có lẽ chỉ vì tôi mắc cái bệnh “hẹp van tim”. Tim tôi hẹp, không chứa nổi cùng một lần nỗi căm uất ghê gớm và lòng nhân đạo mênh mông của người cộng sản. Tôi chưa đủ sức cùng một lần thương chị Biền bị moi gan với bà Bétty bên kia trái đất.
Ngày xưa, tôi tìm đọc về nước Mỹ như một người trẻ tuổi tò mò muốn tìm hiểu một xứ rất trẻ, dù nó là cái bồ đựng chế giễu và khinh miệt của châu Âu thầy cũ, dù nó tự phơi thân làm trò cười cho thiên hạ trên những tờ quảng cáo phim: hình như trên đất Hoa Kỳ con trai chỉ lo bắn nhau bể sọ dừa, con gái chỉ biết cởi truồng, tên vua dầu lửa bụng phệ chỉ mút xì gà gộc, người da đen chỉ đứng hầu ngơ ngác, và cảnh sống quái gở ấy luôn luôn diễn ra trên cái phông đầy nhà tổ ong của đồng cỏ đang cháy. Tôi đã phải chọc thủng cái bức màn vừa đểu vừa ngu ấy để tìm đến những người Mỹ lương thiện. Tôi mến Giắc Lơnđơn và Mác Tuâynơ, rồi gặp Hêminguê, sau mới khám phá ra cả cái kho tiểu thuyết lên án xã hội trước thế chiến hai. Tôi đau nỗi đau ngàn đời của người nô lệ da đen, khao khát được sống như Hariơt Tớpman và chết như Giôn Braonơ(5). Tôi theo những người thất nghiệp bới rác kiếm ăn, lết từ bang này qua bang khác. Tôi cùng nổi dậy với dân thợ mỏ ở quận “Haclan đẫm máu”. Đó, nước Mỹ thật, nước Mỹ của bà Betty đã xuống đường!
Anh Năm nói phải. Ta với địch cài răng lược nhau suốt từ Chu Lai đến Nữu Ước, tôi lại cứ muốn gạch một đường ranh giới thẳng băng theo kinh tuyến, gạt tất cả người Mỹ sang phía bên kia cho gọn, đâu được.
Tôi cười một mình, thiu thiu ngủ dần với những nét ngoằn ngoèo chạy dưới mi mắt.
°
Tôi được thư Mẫn vào một buổi trưa, sau bữa cơm.
Trống ngực tôi đập gấp khi cầm cái bì nhỏ có nét chữ tròn hin, người thon thả mà chữ lại giống cô Chín Cang mới kỳ, đề rõ trên đầu là Hai Mẫn. Ba thư của tôi đều gửi anh Tư Luân cho kín đáo một chút, cũng để anh hiểu tôi hơn. Còn Mẫn lại rất bạo, hay nhỉ.
Mở ra, tôi cụt hứng. Chỉ được mươi dòng ngoáy vội. Mẫn nói tới nay mới biết được số hòm thư của bệnh xá, thương nhớ lắm mà chưa đi thăm được, bận quá. Lá thư đầu tiên của Mẫn gửi tôi từ ngày quen nhau đấy, thăm người yêu vừa thoát chết đấy, chán không. Tôi buông mảnh giấy rách bụng từ sổ tay xé ra, thấy tủi không thể tả.
Lâu nay tôi háo hức đón hỏi tin vành đai Chu Lai, tin Tam Sa, xoáy vòng trôn ốc để hỏi tới cô bí thư. Tuy vắng đi những cơn nhớ sấm chớp ngày trước- có lẽ nằm lâu quá, tình yêu cũng mềm đi cùng với con người chăng- nhưng hình ảnh của Mẫn lại lắng sâu hơn, kết tinh hơn. Tôi sốt ruột đợi thư Mẫn với cái thu thú của trẻ con đợi trái ổi lồng chín cây, càng lâu càng ngon. Mãi Mẫn mới chịu ném cho tôi mấy chữ miễn cưỡng thế này: Em búi việc quá, mong anh thông cảm… Rốt cuộc Mẫn vẫn có lý. Có lý mà thiếu tình. Hay nếu chỉ có tình đồng chí đồng bào thì Mẫn yêu mấy chục triệu người chứ yêu riêng gì tôi mà thương với nhớ! Tôi giận Mẫn rồi.
Mẫn đổi lòng ư? Khó tin. Nhưng trận nào chẳng phải tính tới tình huống xấu nhất!
Câu chuyện của trung đội trưởng Lập hôm xưa, kể thì thào dưới bụi cây rậm gần đồi núi Sàm, vụt trở lại với tôi rõ từng lời:
Cậu yêu một cô ở quê, giúp cô nhiều. Lập đi bộ đội, hai người vẫn thư từ với nhau suốt ba năm đằm thắm. Năm ngoái cậu về phép thăm nhà, gặp lúc cô vừa trúng vào huyện ủy. Cậu lại dò dẫm tìm đến cơ quan huyện ở khá xa, phải qua vùng đang bị càn. Trạm giao liên không nhận vì giấy phép ghi là về xã, chẳng có công tác gì mà phải gặp huyện, cho cậu vào thì lộ địa điểm, mời ra trạm thì cán bộ huyện mắc họp cả. Lập cáu nhưng đành nằm đợi, viết thư nhờ cầm vào cho chị Liên Hoa. Sáng hôm sau trạm mới có người đi, đến trưa đồng chí kia trở về với một câu nhắn vội: anh chịu khó chờ, mai chị mới ra được. Lập cuốn võng, xốc ba lô đi biến, gửi thư cắt luôn.
Nghe chuyện, tôi chỉnh cậu một mẻ. Vợ thăm chồng chịu khó chờ được, chồng thăm vợ đợi chút đã sao. Lập cãi:
- Mới đầu cũng có nóng mũi thiệt. Qua cơn nóng, tôi cứ thấy cắt là phải. Tới hồi cô ta lên tỉnh lên khu còn búi gấp mười, tôi không đủ thì giờ đi tìm, rồi còn chầu chực, rồi biết đâu người ta chẳng xấu hổ vì thằng chồng cấp thấp. Về lâu về dài, chắc tôi phải lo hết heo gà cơm nước, vì công tác của cô ta bao giờ cũng quan trọng hơn, đưa lý ra là tôi cứng họng… Thôi, nồi méo úp vung méo!
- Phong kiến dữ ta!
- Anh lâm cảnh tôi mới biết. Mà lâu nay ta kêu gọi đàn ông đảm đang việc nhà cho vợ đi cứu nước lần nào chưa? Hay là tôi giải ngũ về giữ con?
Tôi cười ngất. Lập cho biết thêm cô Hoa đã gửi cho cậu bốn lá thư phân trần và trách móc. Tính cậu Lập bộc tuệch, dễ vui, đòi lìa cô Hoa Sen mà chẳng thấy vương tơ lòng chút nào.
Đến nay, tôi chợt nghĩ rằng Mẫn với tôi cũng có thể lâm vào cảnh ấy thật. Nếu cả hai đứa đều bận ngập đầu thì tình yêu cứ lặng lẽ phai mầu mỗi ngày một tí, héo dần tới khi chết khô. Tới đó, chúng tôi sẽ vất vả lắm mới viết được kín một trang giấy thăm hỏi, khi gặp nhau cũng chẳng có gì mà nói. Gượng gạo mãi cũng ngấy. Một đứa sẽ hỏi trước: “Hay là ta coi nhau như bạn?”. Chia tay xong, mỗi đứa bùi ngùi tiêng tiếc ít nhiều gì đó, lại nghĩ: “May là chưa cưới nhau, không thì chán chết”.
Chao ôi, chúng tôi mà chán nhau ư?
Tôi rùng mình. Một sợi gân nào đó bên thái dương bỗng rút mạnh, rất đau. Tôi nằm xuống giường, cảm thấy ngay nước mắt Mẫn đang tuôn lã chã trên mặt tôi, mặn và nóng rực. Mãi mãi sẽ không bao giờ có một cô gái nào yêu tôi mãnh liệt như Mẫn. Chỉ tình yêu dành cho mấy ngàn bà con mới đủ sức ngăn không cho Mẫn lên ở với tôi như gái nuôi chồng ốm. Hay là… hay là Mẫn bị thương, vẫn cố ở lỳ trên vành đai, gắng lắm mới ghi được bấy nhiêu chữ cho tôi khỏi lo?
Tôi chồm dậy, đưa tay quờ thắt lưng súng ngắn. Nằm ăn vạ đến bao giờ nữa.
Tay tôi run khi mở bao, xem lại súng. Cây P.38 trung thành đã sùi lên nhiều vết gỉ. Nó chỉ còn hơn chục viên đạn. Đạn chín ly bây giờ không kiếm ra, số cũ lép nhiều, mấy cậu quen khuyên tôi đút kho cho rảnh, tìm Côn 45 mà đeo. Phải chăng, cũng như nó, tôi đang gỉ ra, trở nên lỗi thời cũ kỹ, đi dần vào kho? Tôi thắt nịt vào bụng, bước ra cửa, lại phải tháo nịt ngay cho đỡ đau. Khi ngồi xuống giường, mồ hôi đã thấm ướt áo tuy trời mát. Tôi ngả lưng thở hổn hển một lát cho đỡ mệt, cơn nhức đầu kéo dài đến chiều.
Tôi chưa hiểu được những phút cuồng ấy vì đâu mà có. Chỉ biết rằng tôi không chịu nổi bốn bức tường vây quanh nữa. Tôi phải đi đâu đấy, làm cái gì đấy, không sẽ chết ngột mất. Người lính chiến trong tôi bất thần nổi loạn, đòi về đánh giặc và sống với xê mình. Còn chuyện tình duyên kia thì tới đâu hay đó. Tôi có thể trách Mẫn, nhưng không bao giờ quên được Mẫn.
°
Chiều nay, tôi được phép tập đi không quá một cây số, vào giờ tạnh máy bay.
Cắt tóc và tắm xong, tôi mặc bộ quân phục mới nhất đã lót dưới đệm cho thẳng nếp, đội cái mũ tai bèo đính dù ngụy trang, đến trước tủ gương lớn và sửng sốt khi thấy một ai khác trong gương. Một chàng lính cậu phốp pháp, rất là công tử bột, như đứa em trai cách tôi năm tuổi mới vào bộ đội, chưa qua tháng tân binh nào. Tôi ngượng, quay đi, vừa lúc Thu Yến bước qua cửa. Yến dừng ngay, nhìn tôi đăm đăm, trong cặp mắt bồ câu có cái ánh lạ mà tôi bắt gặp đôi lần nhưng không muốn – hay không dám- nhìn kỹ.
Tôi hỏi hơi vội:
- Yến đi đâu?
- Đi với anh. Lỡ anh lăn ra đường, em cõng về, khỏi cản trở giao thông.
Yến vỗ vào túi thuốc bên hông, cười nghịch ngợm.
Chung quanh vườn có tường cao vây kín. Lâu nay tôi mới lê đến cổng dòm ra. Yến kèm bên tôi, nhắc: “Chậm chậm thôi, anh”. Tôi chợt nhớ chưa lần nào được thong thả đi dạo bên Mẫn và nói chuyện bâng quơ, cóc nhảy mà trai gái hay nói với nhau.
- Tụi em đặt tên đường Thanh niên đó, anh. Bắt chước Hà Nội mà.
Chúng tôi đếm bước dọc con đường viền dừa chạy ven con sông nhỏ. Làng Cẩm Tú xứng với tên, đẹp lắm. Địch bị nhừ xương ở Việt An, rút một lèo bảy đồn to, trả cho ta thêm một mảng đồng bằng rất giàu này nữa, sáu vạn dân được giải phóng. Cẩm Tú nằm xa các trục đường ô tô và máy bay, suốt hai tháng qua mới bị vài trái pháo rớt tít ngoài ruộng. Nhà ngói nhiều, nhà tranh cũng cột kèo gỗ cả, cha mẹ đánh nài bằng bẹ chuối khô cho con leo cột nhà, tập hái dừa và đánh bóng cột luôn thể. Các nhà nghèo nhất đã bị địch bắt đi đinh điền, ai sót lại cũng không dám nghèo ra mặt với tụi hội đồng. Bây giờ bộ máy chính quyền và các đoàn thể đã lắp đủ, chạy đều, coi bộ trơn tru như hàng cột lim. Và lúc này, khi mặt trời sắp lặn, sau mây đỏ, những tiếng vui dần dần nổi lên trong các ngõ xóm. Máy bơm xình xịch gọi cấy ngoài kia, trẻ em reo đón mẹ về,gà tao tác tìm chuồng, lát nữa sẽ rộn thêm tiếng trẻ em tập hát và trống làng gọi người lớn đi học bình dân hay bàn việc ruộng đất.
- Nghỉ chút đã, anh.
Yến bước vào vệ cỏ rộng bên đường, định ngồi xuống một súc gỗ to. Tôi bật kêu:
- Chông!
Yến ngẩn ra, khi hiểu mới cười rũ, kể một hồi ra vẻ thạo:
- Chưa có chông mìn, anh ơi. Anh xã đội ghé chơi bệnh xá cứ than thở bà con ở đây phát miết mà động ít, cày cấy chăm mà đóng góp kém, học bình dân đông mà làm làng chiến đấu thì nhác. Họ còn sợ đánh to bị chết người cháy làng… Gớm, anh đi qua Điện Bàn, Duy Xuyên chông cắm tận nóc hầm kia, khiếp. Địch càn vô đây mặc sức mà ruồng. Bệnh xá mình về đóng, họ cứ kêu trước sau tàu bay cũng tới, tụi em phải đi phát thuốc, chích dạo, làm thân từng nhà…
Làng này được giải phóng bằng quân sự, số đông còn ngỡ ngàng chưa động. Tôi đã nghe nói vậy từ trước. Không sao, cứ phát mãi đi, đến một lúc nào đó tia điện mạnh sẽ biến mây thành nước. Đừng ca ngợi suông lớp vỏ láng bóng bên ngoài, cũng chớ cho rằng nơi lạc hậu sẽ ở chót đuôi mãi. Lá cờ đầu còn nhiều năm tháng để chuyền tay, cô bé ơi.
Yến đang kể về một bà gặp ai cũng kêu ốm đau, xin thuốc để dành, vừa rồi bị ngộ độc gần chết, chữa xong bà mới đưa ra một bát to thuốc viên bỏ lộn lạo mấy chục thứ không nhãn không chữ: “Thuốc uống vô, không lành cái này cũng bổ cái khác chớ?”. Tôi nghe lơ đãng, chợt nghĩ đến làng Cá bị giành đi giật lại, trầy vi tróc vảy chưa biết bao giờ mới dứt. Cũng là thôn giải phóng cả, sao cái làng Cẩm Tú này chưa mất và không muốn mất chút gì hết?
- Em chán, còn anh Hảo lại thích ở lại đây, sẵn chất tươi mà ít bom pháo… Anh Hảo khen anh có tài mà có chí ép xác quá. Thiệt vậy không anh?
Tôi cười trừ, nghĩ tiếp: cùng theo cách mạng cả, sao cô Yến này đi ngay vào chỗ êm ấm, còn Mẫn của tôi chưa hề được hưởng trọn một ngày vui riêng? Ừ, cứ vậy mà suy, tại sao dân tộc ta lại phải trả cái giá đắt chưa từng thấy để giành độc lập, thống nhất?
Duy Hảo hãm xe ngay chỗ chúng tôi, thả hai tay phanh tanh tách, bước xuống. Cậu hơi nghiêng đầu, nheo cặp mắt trông sâu hoắm sau kính cận, buông lửng bằng tiếng Anh:
- Rất bảnh trai. Và rất đẹp đôi.
Thu Yến học đệ nhị, kém sinh ngữ nên không nghe được gì, còn cậu Hảo tự cho mình là lịch thiệp lại cứ nói tràn những câu thế đấy. Hình như cậu cố ý chọc tức Yến. Anh em trong bệnh xá nói rằng Hảo rất chịu khó chiều Yến, nhưng Yến cứ lờ nên cậu trả đũa chơi. Tôi giả bộ không hiểu hết ý:
- Mày chỉ quen nhìn giống đười ươi thôi à?
- Thông minh đấy. Tao ngắm quái gì mày, chỉ chiêm ngưỡng một thành công lớn của nghề y. Người ta khiêng tới một con đười ươi lòi ruột. ốm nhom, đen thui, sắp phải chôn. Tao đã biến nó thành một con người mập, trắng, đẹp và nó bắt đầu nói bậy. Nó lại sắp nuốt mất con chim én sa vào tay nó…
Hảo cười to, rất thú khi tìm được cách chơi chữ mới: swallow là nuốt, cũng là chim én, là Yến. Tôi ngượng khi thấy Yến ngoảnh mặt đi, hẳn rất khó chịu vì không hiểu Hảo cười ai. Tôi khoả lấp cho xong:
- Lo phần mày đi, tao có rồi.
- Ai?
- Một cô du kích dễ thương. Sẽ giới thiệu với mày. Con chim én vẫn bay tự do.
- Rất tiếc, cô ấy thân mày mà lạnh với tao. Tao không thích những bi kịch bộ ba, cũ rồi, nên tìm cách mới.
Một nhóm bà con xong buổi cấy về qua. Tôi suỵt Hảo im. Hảo ngả sang tiếng Việt khá kiểu cách, giọng và mặt tươi lên rõ:
- Kỷ niệm đúng một năm Duy Hảo bước vào đời chống Mỹ, chúc mừng người hùng Đô Đốc Thiêm tái xuất trận buổi đầu, xin mời hai bạn tối nay họp đồng hương Đà Nẵng.
Hảo mới nhận được một chuyến tiền nhà nữa, mười ngàn. Tôi biết cậu kiếm cớ để khao chúng tôi thôi. Hảo đạp xe ra quán với cái giỏ mây khá to, tự mua các thứ ăn nhậu, khoản ấy cậu rất sành.
- Ta xuống bờ sông chơi, anh.
Yến hay buông tiếng “anh” cuối câu, nũng nịu. Cô nữ sinh mười tám tuổi này, nói cho công bằng, đẹp và duyên dáng hơn Mẫn nhiều. Hảo vừa bảo cô ấy mến tôi, thì ra lâu nay tôi đoán chừng cũng không đến nỗi vơ vào. Có thể cô mến như người anh, người bạn trai, như anh bộ đội kể nhiều chuyện hay. Nên dừng ở đấy là vừa. Dù trách Mẫn thờ ơ, tôi vẫn biết đời tôi gắn liền với Mẫn như cây chò xanh một gốc hai thân. Không thể đùa bỡn với một người thứ ba, nhất là với một cô gái trong trắng và cả tin như Yến.
Đang bước trên những viên đá dẹt lát bãi sông- lại một con suối được đề bạt non- tôi bật kêu:
- Chà, bông bạc!
- Đâu, anh?
Tôi chỉ cho Yến xem một mảng bông bạc bằng cái nong, nhô từng cặp cánh hoa trên mặt nước. Yến ngồi xuống sát bờ, đưa tay ngắt một bông, lắc đầu:
- Xấu òm. Vườn đằng kia có nhiều hoa đẹp, để em xin về cắm bình.
- Người yêu tôi thích nhứt bông bạc. Cô ta khuyên tôi đừng bao giờ ngắt. Nó chỉ đẹp khi vùng vẫy giữa nước chảy xiết.
Yến ngồi im, nhìn bông hoa trên tay, quay lưng lại tôi khá lâu. Rồi Yến kéo ống quần lội luôn xuống sông vốc nước rửa mặt. Tội nghiệp. Tôi nhẹ người sau khi thốt ra được cái điều cần nói rành mạch nhưng phải rất êm.
Lau mặt xong Yến mới bước lên, mỉm cười, giọng hơi khản:
- Chắc chị ấy… đánh giặc giỏi lắm.
- Cô ta đánh nhiều trận tôi không hiểu nổi.
- Ghê thiệt! Chị… chị đẹp không anh?
- Đẹp theo kiểu một cô du kích. Như bông bạc kia.
Yến chợt buông một câu giễu, hơi lạ tai vì khác thói thường:
- Vậy anh làm sao ngắt về nhà được?
- Thì lội ra giữa dòng mà gặp nhau!
Đèn đã nhấp nháy trong xóm. Chúng tôi lặng lẽ về trên những đường mòn trắng mờ. Tôi hơi mệt sau chuyến đi thử sức đầu tiên, và hình như bước chân của Thu Yến cũng nằng nặng.
“Hội đồng hương Đà Nẵng” họp quanh một nồi bún Tàu(6) nấu thịt bò thơm lựng, mấy đĩa kẹo mè xửng, một chùm chai bia 33 và nước cam vàng. Ngoài ba chúng tôi còn có thêm cậu Hưỡn, thấp lùn và đen như than đá, chiến sĩ biệt động Đà Nẵng, vừa phải cưa tay trái. Hưỡn rất ít nói, chỉ cười tủm tỉm cả ngày, nhiều người tưởng cậu bị điếc. Cậu đang nhấp nhổm đợi liền da là về đơn vị đánh tiếp. Hưỡn ăn bún uống bia xong, lẳng lặng biến mất, có lẽ không thích lối nói lắt léo của Hảo. Còn lại ba đứa khề khà tán chuyện Đà Nẵng.
Trời đổ mưa. Cửa sổ lắp kính loe loé hình chữ nhật trắng. Những đêm thế này trên vành đai cực lắm. Trẻ em giãy khóc, không chịu ngủ dưới hầm lầy lội, các bà mẹ nhìn những chớp pháo đen lộn sòng và chớp trời mà lo thắt ruột. Mưa gõ mái lều ồn ào, nghe sao được tiếng đạn hú mà chồm lưng che mảnh cho con.
Tôi bần thần một lúc, rồi bị cuốn theo dòng kỷ niệm chung. Ngọn đèn bão đủ sáng để gợi ánh điện. Tiếng sáo của cậu tiếp phẩm ở nhà sau từng lúc nổi véo von, bay vào buồng như tấm lụa hoa màu tươi làm nền cho chuyện xưa. Căn buồng xanh chuyển mình rất êm, lắc lư, biến thành con thuyền ngược sông, đưa chúng tôi trở về thăm các bến quen đã phủ một lớp sương bạc. Ba người trẻ tuổi từ Đà Nẵng nối nhau ra đi, cùng nhớ một khúc phố, một mảnh bờ biển, một bà bán canh hến có tiếng rao ngọng líu. Nhớ lắm. Những gì lởn vởn hằng ngày tan đi, còn lại ba người bạn đường dài rất muốn thương nhau, đang thương nhau hồn hậu mà buông thả…
Sao thế nhỉ? Con sông chỉ có hai bờ, sao Đà Nẵng có nhiều bộ mặt đến thế? Sao mỗi đứa lại thấy Đà Nẵng từ một góc xa nhau đến thế? Tôi lại nghĩ rồi…
Đà Nẵng của Hảo hiện qua cửa sổ biệt thự và khung kính chiếc xe hơi Đôphin xinh xắn, có những dạ hội ồn nhạc pốp nhạc pít và đẫm thơm nước hoa Paris, có vị ngon của bánh xèo bà Trĩ hồi xưa đã mươi đồng một cái, có nhiều trai “chịu chơi” và gái “đợt sóng mới” ưa đón chàng sinh viên y khoa con nhà giàu hay mua vé máy bay từ Sài Gòn tót về chơi phố quê. Hảo ưa triết lý rằng làm cách mạng cứ làm, học cứ học, chơi cứ chơi, phải nếm cho hết mùi đời muôn vẻ. Nghe lời khuyên rất khẩn khoản của cha, Hảo bước theo cách mạng, thấy mình được việc chẳng thua ai. Hào hoa phong nhã vẫn đánh Mỹ tốt chứ.
Thu Yến biết một Đà Nẵng khác.
Đó là phòng thi đầy tiếng học trò nức nở trước một đề bài cố bắt trượt, những lời rầu rĩ của người cha giáo chức con đông thêm mà lương teo dần vì tiền mất giá, những mâm cơm cuối tháng phải úp vội lồng bàn khi có khách bước vào căn nhà chật, nhất là những hoàng hôn u uất đè nặng trên hồn người đang chết mòn. Đôi mắt bồ câu của Yến mở to nhìn chặng đường đằng trước, chỉ thấy bùn nhơ, đá lởm chởm, nhiều máu, rất nhiều hơi dịch bệnh bốc nồng, mà phần Yến chỉ có nước mắt. Mãi đến năm ngoái Yến mới liều xuống đường lần đầu với các cô bạn. Lập tức cái chất lửa vùi tro trong người Yến nổi dậy, Yến không ngờ nó mạnh đến vậy. Sau một buổi đầu óc quay cuồng, Yến về đến nhà trong bộ quần áo trắng lấm lem, nón guốc mất hết, nhớ mang máng rằng mình giật được micro một lần và đá hai trái lựu đạn cay, hụt một. Trong chín ngày thanh niên học sinh làm chủ Đà Nẵng, Yến không biết mình ăn cơm ở đâu và gọi loa những gì đến nỗi mất tiếng. Thế rồi nhà Yến bị soát, Yến bị bắt giam một ngày. Thằng công an không đánh mà chỉ bẹo má: “Xinh quá ta, cho anh yêu một phát đi”. Yến thù nó tím ruột. Rồi lại tiếp những ngày xám xịt sau khi bị đuổi học và ghi sổ đen, Yến lang thang tìm việc mà mắt phải ngó chừng lính Mỹ chẹt xe hay bóp ngực, giúp nhà thì một ngày chỉ mua nổi hai bó rau với một lọn củi cho mười người. Cứ thế đến khi anh Hai gọi cho ra.
Tới phần tôi… Tôi chưa đến nỗi ôm chiếu rách đi rải chân cầu, giữa đêm mưa chui cống rác tránh vây ráp như cậu Hưỡn ít lời, khi cậu còn là “dân lậu giấy” ở Đà Nẵng. Tôi thuộc các phố ở Đà Nẵng lắm bởi đã nhìn chúng qua cặp mắt xoay tròn vì đói, trong khi gò lưng đạp xích lô dưới nắng cháy nhựa đường. Tôi quen cả các đường lẻ ngóc ngách ít gặp cảnh sát thổi còi phạt vạ, đỡ đụng lũ xe nhà binh ưa húc nhào xích lô. Tôi nghe tiếng Đà Nẵng đêm đêm lách qua cửa đóng kín, vào căn bếp sáu thước vuông mà tôi thuê rất đắt, lấy chỗ phóng ảnh kiếm thêm tiền gửi má và em. Đó là tiếng khóc ti tỉ của chị trên gác vừa bị xe cây bịt bùng đến bắt mất anh chồng thợ điện, tiếng chửi sa sả của mụ chủ nhà- một tay buôn lậu cỡ bự được cảnh sát che chở nhờ khéo lót tiền và lót thân, tiếng cười sặc sụa dội từ ngôi nhà rực nêông bên cạnh một con hạm no mồi, tiếng ho khúc khắc của cô gái điếm lao phổi khuya về rón rén. Tôi cởi trần ngồi trước máy phóng, giao cái lưng ướt mồ hôi cho muỗi chích, từng lúc nảy người khi chuột cắn thử đầu ngón chân hay giật xé tờ giấy ảnh đã bị một con gián xập xòe đậu vào dưới luồng sáng, còn lũ gián từ lũ cống bên hè bò lên vai lên cổ thì mặc kệ chúng. Mãi sau này, ngay cả lúc sốt rét nằm run giữa rừng hay húp chén canh sắn không muối trừ bữa, tôi vẫn rùng mình khi nhớ lại mấy năm kiếm ăn ở Đà Nẵng, nơi tôi đã hiểu thấu đến tủy sống hai chữ bất công, nơi tôi học thù ghét mọi kiểu bất công trên đời.
Hồi ấy giặc đang mạnh. Trên tờ giấy ngâm vào thuốc hiện, từng mảnh đậm lợt nổi lên dần, mà những đau xót, căm uất, những cơn điên đòi bắn chém cắn xé trong tôi còn phải ứ mãi như hình ẩn chưa gặp thuốc. An ủi chỉ đến từ nửa đêm trở đi, khi cuộn phim giấu kỹ được moi ra, rồi trang truyền đơn hay trang báo nổi chữ li ti trên giấy ảnh. Tôi đọc vội những lời cháy lửa của ta gửi cho ta dưới đèn an toàn lù mù, đó là những phút chói lọi nhất trong cái vòng tròn hăm bốn giờ quay mãi mà chưa thấy sáng. Tổ chức cấm tôi lộ mặt, tôi càng giống cái nồi hơi bị khoá mất xupap, rất dễ nổ. Những gì Thu Yến và các bạn làm gần đây như cơm bữa, dạo xưa là những cơn thèm dữ dội của tôi: đốt cái xe Mỹ vừa húc mình nhào, và bơm xích lô nện vào đầu tụi lính hở lính kín, nửa đêm cầm lựu đạn luồn tới bót cảnh sát hay tiệm rượu dành riêng cho Mỹ.
Tôi đã biết vì sao tôi tham gia gợi chuyện cậu Hưỡn lầm lì, vì sao Thu Yến thích gần tôi hơn. Hảo chưa hiểu. Đi song song với nhau trên hai bờ kênh lâu lắm rồi. Tôi quý Hảo, biết ơn Hảo hết lòng giữ cho tôi sống, càng phải bắc nhanh cái cầu để hai đứa tới sát bên nhau.
Trời mưa mỗi lúc một lớn. Chớp đánh khi xa khi gần. Gió hú. Tôi ngắm hai khuôn mặt tươi nở, cảm thấy hơi ấm của tình bạn đang bao quanh tôi, thấm vào từng ánh mắt, từng câu tâm tình thấp giọng. Phải đấy, bên ngoài dông tố càng to, chúng mình càng phải nhích lại gần nhau hơn, sao cho tình bạn rất đẹp của tuổi trẻ ngày càng thêm chất men thiêng của tình đồng chí.
°
Đêm sau, anh xã đội trưởng mời tôi đi gặp cán bộ và du kích. Thu Yến vẫn mang túi thuốc kèm tôi từng bước, qua chỗ khó lại đưa vai cho tôi vịn, rất ngoan. Anh em trầm trồ, tấm tắc, xuýt xoa khi nghe chuyện Tam Sa đánh Mỹ. Chính tôi cũng thấy lạ: khi đang ở trong cuộc, cái gì xảy ra cũng có vẻ bình thường, không thể khác; nay ôn lại mùa hè chống Mỹ trên vành đai, tôi mới nhận ra mỗi ngày và mỗi mái nhà ở làng Cá có một sức chứa kỳ diệu, bao nhiêu sự tích anh hùng vẫn đựng được hết.
Lá thư của Mẫn chọn đúng lúc này để đến với tôi. Trở về nhà, tôi thấy ngay cái phong bì nhỏ dán bằng báo cũ đặt trên giường với nét chữ tròn của Mẫn. Dày hơn thư trước. Miễn là Mẫn không gửi tài liệu địch cùng mấy chữ nhờ tôi dịch... Hai tờ giấy kép dứt từ giấy vở trăm trang, viết kín, cả chung quanh những chỗ thủng bụng cũng lèn thêm được mấy dòng:
Anh Thiêm của em ơi!
Giặc Mỹ xúc gần hết hai thôn vùng cát rồi anh à. Mấy bữa nay em không nhắm mắt được chi cả, hễ nằm một lát lại đập tay xuống chiếu giận muốn kêu trời!!! Mình diệt xong cái núi Sàm thì sáng ra giặc Mỹ càn lên đông đen mà tụi em cản không thấu, nó đốt nhà đánh người rất thâm độc rồi ra lịnh không dời xuống biển thì nó thả hơi độc hủy diệt hết trơn, may phước tụi em rình diệt được một cánh hai mươi mốt tên nó mới chịu rút, bà con chưa đến nỗi phải ngậm hờn lìa quê! Từ đó giặc càn đổ đồng ba ngày hai trận, đóng thêm hai đồn trên vùng gò sau lưng ta…
Tôi hồi hộp chờ gặp những tin xấu nhất. Nhưng bốn thôn Tứ Nhơn vẫn trụ vững, bám chắc. Bà con Nhị Lộc lai rai kéo về được chừng một nửa, còn về tiếp. Du kích xã và thôn đã tăng gấp ba, súng gần đủ, “con số bao nhiêu anh biết rồi”, cẩn thận đấy. Mạnh nhất là mảnh đất Cuba, nơi tôi gắn bó hơn cả. Mẹ Sáu bị đốt mất nửa số lúa giấu. Út Liềm có người anh trúng pháo gãy tay. Ông thầy Mười biến thành thầy địa, chuyên chống gậy đi coi thế đất đặt bãi chông mìn. Những người thân nhắc tới tôi luôn, ngóng tôi về thăm một chút để tin chắc tôi còn. Các đồng chí tiến bộ hết, “con số tăng gẩp rưỡi mà cái chất thì vô cùng phấn khởi”. Chú Tám Liệp rất xông xáo, hay nhắn thăm tôi, kể rằng trước kia ăn ở với tôi có lúc chẳng ra sao. Bây giờ Mẫn đang lo vụ cấy, máy bơm bị phá, trâu chết nhiều, người ra đồng dễ trúng đạn xỉa bốn bề, đấu gắt thì địch ngớt năm bảy ngày lại bắn nữa. Còn phải đưa bớt trẻ nhỏ ra xa vành đai, mở lớp học cho trẻ lớn. Còn việc chữa bệnh, đòi đi chợ, vót chông đúc mìn…
Một trăm cái lo, em chẳng lo gì bằng bà con mình ngán Mỹ. Đụng mấy trận đầu dữ quá nhiều người cũng ngán thiệt, bây giờ đỡ rồi anh à, các bà nói hồi xưa sợ cháy nhà hư vườn tao có hơi né né tụi nó, giờ nó phá sạch trơn rồi tao chẳng còn gì mà phải né, tao đánh thí xác cho đã nư. Mà giết một thằng Mỹ giá trị bằng mười thằng Ngụy, nghe nói Mỹ đóng cùng trái đất mà chẳng chết, tới nước mình mới chết, bà con hỉ hả lắm, em cũng mừng…
Tôi chưng hửng khi biết Mẫn mới nhận được ba lá thư của tôi hôm kia – nghĩa là cách đây bảy ngày. Thì ra anh Tư Luân lên Tam Lý uống thuốc bắc chữa khớp, tôi đề gửi cho anh nên thư chạy vòng mất, anh về thăm xã mới đưa tận tay cho Mẫn.
Ôi chao, chị Tám nạt em một trận hết hồn! Chị kêu chưa thấy đứa nào tệ như em, nói yêu anh mà thơ không ra thơ, người chẳng thấy người, anh có sao thì tội về em hết. Em nghe chị trách mà đứt ruột anh ơi, bụng em đâu đen bạc vậy. Đưa anh đi rồi em chống càn mà nhớ anh không nuốt nổi miếng cơm, tới khi Út Hoà về nói anh không nguy thì em mới như người sống lại. Việc búi quá mà em dốt nát, viết thơ xong thấy lạt lẽo quá em lại xé đốt, cứ lần lữa tính lên thăm anh mới tỏ hết nỗi lòng, dè đâu mắc lỗi với anh quá thể, thôi anh thương phần nào em nhờ phần nấy, lỡ rồi, em chỉ còn chịu lỗi với người yêu quý nhứt của đời em…
Đọc lần nữa, tôi nhận thấy thư Mẫn đoạn đầu và đoạn cuối viết bằng bút bi, kkhúc giữa bút máy. Đâu đến bảy tám lần nét chữ bỗng đậm hẳn lên, có khi giữa câu. Mẫn viết từng khúc như ghi nhật ký, giữa những đợt pháo cực nhanh thình lình nổ toé bên mình, và đố biết bao nhiêu chục người đã đâm bổ tới với tin hoả tốc hay một việc không tên nào đó, ngắt quãng những phút Mẫn dành cho tôi. Một trang giấy dính bùn lau chưa hết, chắc bom hắt qua miệng hầm…
Tôi tắt đèn, vẫn ngồi chống cùi trên bàn, hai tay ép là thư vào trán, buông mình vào cái yên tĩnh mênh mông đang toả khắp chung quanh và ngấm vào người tôi từng chút một.
Sáng ra, tôi bàn với Hảo khi cậu khám bệnh:
- Tao đỡ rồi. Cho tao nằm chung với anh em bị nhẹ nghen.
- Nhà thừa lu bù, mày ở đây giữ cái câu lạc bộ Đà Nẵng, tụi mình đấu hót cho vui. Chẳng ai so bì với đồng chí trọng thương đâu.
- Một mình một cõi, vắng quá…
Tôi biết mình chưa ra viện được. Chẳng nên sồn sồn đòi về đơn vị để rồi làm phiền anh em cõng gạo cho ăn, mang giúp ba lô khi đi đường, có lúc phải khiêng cả người, bỏ thương vương tội. Nhưng tôi cần nhích dần tới mặt trận, thở cái không khí cay nồng mà anh em mang từ tuyến lửa vè như cây rợp cần ngoi ra nắng, tự kiếm lấy màu xanh diệp lục để lớn lên.
Cuộc chiến đấu trên giường bệnh có mặt nguy hiểm riêng của nó.
Bị buộc phải hầu hạ cái thân xác quá lâu, tôi đã thắng các vết thương nhưng lại mắc một cái gì nữa na ná như tác dụng ngược của thuốc. Cảnh sống nhàn rỗi no đủ làm nhão bắp thịt; sự chiều chuộng của chung quanh và những “tính toán giùm” của Hảo gợi cho tôi nhiều đòi hỏi, so bì mà trước đây tôi không có. Tôi vẫn cưỡng lại chúng, không buông xuôi hẳn, nhưng sức chống đỡ ấy yếu và lộn xộn. Cặp mắt đã kéo màng ích kỷ, còn mỏng nhưng cũng đủ làm cho mọi thứ nhoà đi, lộn lạo, có khi đảo ngược. Rất may, tôi mới bị vài cơn quáng gà thôi, chưa nặng…
Độp một cái, bệnh xá được lệnh dời gấp. Máy bay Mỹ sắp đánh phá vùng này, chúng không để sót một góc ấm nào cả trên đất miền Nam.
Chú thích:
Mời ngài xơi
- Cảm ơn
Tạm biệt
Tiếng thét xung trận của người Anh điêng, tức da đỏ (Whoppel)
Gọi tắt và thân tên Risớt
Herriet Tubman, đàn bà da đen và John Brown, đàn ông da trắng, đều nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh giải phóng nô lệ da đen ở Mỹ.
Miến