Mẫn và tôi

Chương 20

Thật tình, tôi ngậm miệng nhưng cũng sửng sốt không kém anh Ba Tơ. Chỉ sau hai ngày họp chi bộ, tôi chĩa ống dòm vào một căn cứ Mỹ đã đổi khác quá nhiều.

Hồi bật ra ngoài gò, tôi nhờ Năm Ri dẫn đi sờ cái Chu Lai mấy lượt, lại thường lên núi Chúa nhìn xuống: nó biến hình rất chậm, cũng mệt mề như đám lính ngụy xây nó. Tới khi chính mắt xem Mỹ đổ quân, đổ của vào ùn ùn, tôi vẫn không cho rằng chúng hối hả, có lẽ vì một giờ của tôi trong hố cát chỉ có thể dài bằng hoặc dài hơn một giờ của địch. Mãi hôm nay tôi mới nhận thấy kẻ thù trước mặt đang vội ghê gớm. Một bầy mối kéo tới chỗ lạ kiếm mồi đang cuống quít moi tổ, vừa xoi lò ngang ngách dọc dưới sâu vừa đùn lên những ụ đất phình nhanh. Ai đã làm nhà trên vùng đất mối đều nhớ cái nạn mối đắp hầm nổi từ chân cột chân vách leo lên, bẵng đi vài ngày quên soi đèn phủi mối là đủ cho con đường bằng đất sét rỗng ấy ngoi đến mái, và những cặp càng đen hoặc nâu bắt đầu xé gỗ trên kèo.

Không đâu như trên miền cát mênh mông này, các thứ đồ nghề ăn cướp của Mỹ được múa gậy vườn hoang thả giàn. Thằng lính tốt đen có thể say nắng ngã quay ra, mặc, lũ binh khí kỹ thuật cứ ngày đêm ầm ù. Chỉ riêng một khoản làm đồn cũng đủ thấy địch dám liều, dám tốn kém. Tụi công binh đáp trực thăng xuống đỉnh gò, đặt từng tấn chất nổ, sau vài giờ đã hớt gọn đi cái chỏm tròn trên đồi như ta chặt trái dừa uống nước. Tiếp bầy xe ủi đất vừa leo lên vừa mở luôn con đường trôn ốc cho ô-tô theo sau, trong vài ngày đã nạo phẳng một mảng cao nguyên đỏ hay xám. Đất san và nén tới đâu, bọn cần cẩu bay xách những lô-cốt bê-tông đúc sẵn thả xuống tới đấy, xe ben và xe cẩu đi xếp bao cát làm tường, lắp đều đặn những khung châu mai cũng đúc sẵn. Nằm trên chuồng chim của bà dì S.26, tôi đã xem tụi Mỹ xây đồn Gò Miếu theo kiểu ấy, và hôm nay nó hiện trong ống dòm như một con nhện núi khổng lồ nằm im giữa mạng lưới kẽm gai xõa rộng gần tới chân gò. Các cụm quân đóng dã chiến, các bãi xe, bãi pháo quanh sân bay cũng vậy, mới đây chỉ có lều vải xanh và mấy vòng kẽm gai, ít đống bao cát, nay đã cộm hẳn lên với lô-cốt, tường thành, rào chen mìn, đường ô-tô. Chắn chắn cái phần bên trong thuốn sâu xuống đất còn công phu hơn nữa. Cứ theo cách nhìn của bác S.24 có bộ râu dài chống bắt lính, bầy giòi Mỹ đã nở ra lúc nhúc lắm rồi, nhưng mới có một số hoá ruồi xanh đi ném bom bên ngoài thôi.

Anh Ba Tơ mới ngạc nhiên vì thấy căn cứ Mỹ to, chưa thấy cái sức phình gấp của nó. Nghe tôi tả lại cái Chu Lai cách đây ba tuần, anh buông ống dòm, trầm ngâm:

- Chạy đua với Mỹ, chắc là mệt. Thằng Pháp ở Điện Biên ra sao mình không biết, chớ khu Năm mình đánh nó cũng động trời lắm, mà...

Anh khoát tay về phía trước thay cho một so sánh. Tôi cười:

- Anh bước vô cuộc chiến tranh thứ ba rồi nghen!

- Ờ mình tưởng hai cuộc là xong, té ra còn thêm keo nữa. Lần này chắc là sự bất quá tam. Tới khi Mỹ thua rồi, đố thằng đế quốc nào đụng độ với ông Việt-nam! Có điều... cậu báo cáo lên ông Điển cũng y như nói với mình hả?

- Chớ sao!

- Các ổng có quy cho cậu phục Mỹ, sợ Mỹ không?

Tôi ngẩn ra. Lại có chuyện vậy nữa kia? Anh Điển chỉ nhắc tôi phải nhìn tụi Mỹ bằng con mắt của người lính chiến, thấy cho hết cái dễ, cái khó để rồi đánh nó, không được hời hợt hay một chiều. Anh có chụp ngầm cho tôi cái mũ nào chăng, tôi không biết và cũng chưa cần biết, chỉ lo tìm hiểu tận ruột thằng Mỹ và nghĩ cách thắng nó. Tất nhiên tôi có thể nghĩ sai, nhìn lệch, nhưng từ đó đến chỗ sợ và phục Mỹ cũng xa bằng Chu Lai đến Ca-li-phoóc-nia!

Tôi vặn:

- Anh thấy tôi nói dựa cấp trên hồi nào chưa?

- Không. Mình quý cậu ở chỗ dám nghĩ, dám nói, dám làm, mà lại ít nóng mũi cãi bướng như mình. Nhưng mà...Năm Cẩn mới đụng Sáu Bồng, hơi găng. Mình thấy già Cẩn nói đúng, nhảy vô...

Anh nhăn mặt như vừa uống dầu cá. Tôi biết cái kiểu ”nhảy vô” của anh, rất thật bụng nhưng xốc xổ đổ tháo hệt con trâu nhảy vào lò chén. Bỗng dưng tôi nhận ra từ sáng đến giờ anh đổi cách xưng hô. Anh tránh lối mày tao suồng sã trước mặt cán bộ Tam Sa, hay muốn từ nay tôi nhớ rằng tôi gần ngang cấp với anh, không nên tự hạ mình nữa trước cái khoảng cách mười ba tuổi và cả một lần kháng chiến? Có thể cả hai. Tôi không hỏi, trước sau anh cũng tự nói ra thôi. Chúng tôi chưa hề giấu nhau chút gì.

Sáu Bồng ở quân khu mới về làm chính trị viên C.255. Chúng tôi gặp mấy lần, thấy cậu lanh lợi, vui, hăng, bị cái bệnh giải thích nhiều quá nên không có thì giờ nghe ai cả. Một lần nghe cậu giảng cho một nhóm chiến sỹ rằng Bô-li-vi là một nước ở Bắc Phi, rằng đại liên 30 là pháo tự động cỡ 30 ly, tôi đã ngắt ba bông râm bụt bó lại, tới bữa cơm mới đưa tặng cậu. Anh em cười ồ, cậu ta cũng cười, có lẽ không hiểu cái ý ba hoa.

Trong lớp tập huấn vừa rồi, nhân bàn về công tác tư tưởng, Bồng nói rất bốc:

- Mỹ đang đổ bộ ào ào, bộ máy tâm lý chiến của nó làm rùm beng về sức mạnh Huê Kỳ, bây giờ mà ta còn nhắc tới mặt mạnh của nó nữa là nối giáo cho giặc, bộ đội dễ hoang mang!

Năm Cẩn cứ lành lành:

- Cha, vậy nói sao ta?

- Phải nhấn miết cho anh em thuộc lòng rằng ta mạnh địch yếu. Thằng Mỹ đáng ghét, đáng khinh, đáng tởm, không đáng sợ chút nào hết.

- Chỗ đó mình đồng ý cái rốp! Rồi sao nữa?

- Gì mà sao?

- Giả dụ như... có nên nói trước đánh xe tăng khó hơn đánh xe lội nước, bắn phản lực khó hơn bắn tụi cánh quạt?

- Cái đó anh em tự giải quyết thôi. Tư tưởng thông, tự nhiên nảy ra biện pháp tốt.

- Đồng ý nữa. Đã quyết ắt sẽ biết! Có điều ”anh em” là ai? Mình ở đại đội, ra trận cũng cầm tiểu liên, đeo thủ pháo như chiến sĩ, mình phải nghĩ chung với anh em, tìm cách đánh sao cho thắng chớ...

- Anh cứ nghĩ sa đà về kỹ thuật, võ khí thì chỉ có thua thôi! Người lính ra trận phải sôi máu căm thù, phải say khói súng, không được thoáng qua một chút lo lắng trước sắt thép của Mỹ, không được trù tính đường lui! Nghĩ à? Nghĩ cho lắm rồi nổi run lên, thấy toàn khó là khó, đâm bàn rùn chớ ích gì!

- Tới đây mình khác cậu rồi. Cái gan phải kèm cái khôn, diệt địch phải nhớ giữ mình, tinh thần phải cộng với tài năng...

- Anh bị tàu bay đại bác ám ảnh quá rồi đó!

- Mình ham diệt thứ đó lắm...

- Chung quy cũng là tư tưởng sợ Mỹ, là thiếu lòng tin!

 

Tới đấy cả tổ xúm vào tranh luận rất hăng. Mấy người ngả về ý Sáu Bồng. Ba Tơ xăn tay áo ”nhảy vô” theo lối của anh:

- Mình dốt chữ, cho mình nói nôm thôi nghen... Bồng à, cậu tới xê mình động viên anh em thử coi đi. Lòng tin hả? Mình gặp nhiều lòng tin hay lắm. Hồi đánh Tây, có số ngụy ra trận mà tin đeo bùa khỏi chết, hay chết ba ngày sống lại. Tổng Diệm sai các cha tuyên úy dỗ lính rán giết cộng sản rồi Chúa cho lên thiên đàng. Tụi Mỹ chắc cũng vậy, thêm ít chai rượu nữa... Cậu muốn anh em tin kiểu đó chớ sao? Cứ nhét bông vô tai rồi đâm dạn súng à?

Cậu Long, đại đội trưởng của Bồng, bật cười ha hả:

- Hễ chưa tin như cậu thì ắt sợ Mỹ. Bàn tới các tình huống trắc trở tức là dao động. Kế hoạch rút lui chỉ nên để ban chỉ huy nắm thôi. Học quân sự chi cho mệt, hễ tin thắng là thắng thôi mà!

- Đó, thấy không? Công tác chánh trị trong quân đội má cậu làm như dạy trẻ vỡ lòng, ai chịu nghe!

Khi lan ra cả lớp, cuộc bàn cải ấy được nâng cao hơn. Năm Cẩn vốn không ưa dài lời, đã lên hội trường với đề cương cầm tay, nói suốt một giờ về con người anh hùng cách mạng. Anh em vỗ tay muốn bật cả mái lá.

Anh Ba Tơ kể tới đó chép miệng:

- Mình quen tay Cẩn lâu, tới hôm đó mới biết hắn giỏi lý luận ghê.

- Bớt ”xấu cái bụng” chưa?

- Còn đau hoài. Thầy thuốc đoán phải mổ dạ dày mới đỡ.

Anh lại nhấc ống dòm xem hòn núi Sàm, nơi tôi chọn để xê mình đánh cái trận thử sức. Câu chuyện còn thiếu khúc cuối vì pháo Chu Lai bắn lên núi Chúa cắt ngang. Tôi nhận ra khẩu 155 qua tiếng đạn hú trầm và rền, tiếng nổ rung đất khá mạnh. Hôm trước địch mới đưa vào loại 105. Chín giờ, có lẽ đoàn anh Điển đang qua sông Rù Rì. Sáng nay tôi chỉ đưa anh Ba Tơ đi ”nếm mùi Mỹ” qua loa thôi, anh Điển tới sẽ làm việc kỹ.

Tôi đi gọi chú Dé ngồi gác mé dưới, cả ba kéo nhau về. Pháo vừa dứt, một chiếc Mô-hoóc hai động cơ cánh quạt bắt đầu làm xiếc. Nó rà sát sườn đồi, luồn lách qua các đèo yên ngựa, cái cần ăng-ten trắng dựng trên lưng nghiêng qua nghiêng lại như râu gián đánh hơi. Loại này địch dùng đã lâu, bà con hay gọi là tàu bay Úc, nhưng nó rà ngửi đất vùng gò sau lưng làng Cá cũng là một cái mới nữa. Đấy, cuộc chống Mỹ từng ngày từng giờ ném ra bao nhiêu dấu hỏi, làm sao tôi có thể lẩn tránh không tìm câu đáp?

Anh Ba Tơ lại nhăn mặt khi phải kể cái đoạn anh ít ưa nhất:

- Sáu Bồng nó nổi đoá, quay sang đả mình thiệt dữ. Cũng có chỗ trúng, như nó nói mình dốt, gia trưởng, ưa rượu, tức là ăn chơi trụy lạc, mình nhận hết. Bây giờ thêm cái dao động về chánh trị, bỏ giò đằng sau chực chạy, cái đó trật bậy rồi. Chắc cậu khó tin, mình không nóng mũi chút xíu nào hết mới kỳ, mà cứ chăm chăm nghĩ thêm lý lẽ để bàn cho nát nước thử coi, là bởi vấn đề nó nêu lên thiệt tới to. Chuyện xương máu không được xập xí xập ngầu(1)...

Tôi gật đầu. Tính anh đúng vậy, dễ cáu vì những cái không đâu, nhưng vào việc lớn thì rất bình tĩnh và vô tư.

- Cuối cùng ra sao?

- Ông Đạt lên sơ kết, cũng chẳng khác gì tài liệu đang học, chống hữu phòng ”tả”, tập phương pháp tư tưởng đúng... Tay Bồng coi bộ còn hậm hực. Mình nghe đồn... mà thôi, đợi hồi nào biết chắc đã. Nó nói thẳng vậy là tốt, còn hơn mấy cậu cứ nghe lỏm ngậm tăm, hay là xì xào ngoài rìa.

Cái điều anh ngại không muốn hở ra vì ngại ghép cho đồng chí mình một động cơ xấu, tôi đã biết.

Hai cậu phái viên từ một trung đoàn khác về H.68 có hỏi Sáu Bồng được phục chức chưa. Bồng ít quen súng đạn nhưng nói khoác hơi nhiều. Sau trận đánh điểm cao 89 tít trong Khánh Hoà, cậu ta bị hạ một cấp và rút về khu vì bỏ quân mà chạy. Qua tám tháng, cậu được đưa về trung đoàn tôi lãnh chức cũ, có lẽ cấp trên thấy cậu hối lỗi, vả lại chỉ mất uy tín chứ chưa gây tai hại gì đáng kể, mũi phụ công bị cậu thả rơi vẫn thắng to.

Dễ nghĩ rằng Bồng muốn tỏ ra rất ”tả” để bù lại cái hữu ở nơi khác, dũng cảm bằng miệng thường nhàn hơn bằng chân tay. Nhưng thôi, cũng như anh Ba Tơ, tôi không thích úp chảo gang cho những ai khác ý mình, tuy biết mười mươi rằng trong hàng ngũ ta còn một số tay ”cách miệng” khôn róc mấu kiểu ấy. Dù sao những cán bộ mất chất chạy dài như Tám Liệp cũng gây khó nhiều hơn khi quân thù mạnh kéo tới, mặt chống hữu vẫn là chính, cấp trên dặn rất đúng. Hãy cứ tạm cho rằng Bồng hơi quá sốt sắng khi chuộc lỗi – như quả lắc đồng hồ - hoặc còn mang nếp nghĩ đơn giản và lòng tin ngây thơ, hoặc cáu tiết muốn ăn thua đủ một keo ”được ăn cả, ngã về không”... Còn phải chờ xem.

Còn tôi...

Mới đêm qua đấy thôi. Sau chầu cháo gà, tôi đưa anh Ba Tơ với chú Dé về ngủ nhà mẹ Sáu. Tôi đấm lưng cho anh than đùa: ”Một thân hai cuộc trường kỳ, hai mươi năm chẵn còn gì là xuân!”. Cả nhà cười ồ. Được, chúng tôi còn khỏe, câu giỡn hóm ấy nhẹ như vết muỗi đốt. Gặp hồi xuống sức, nó sẽ là con ký sinh trùng sốt rét phá vỡ các hạt đỏ trong máu, quật nhào được những con người vạm vỡ mà đạn Mỹ không gặm nổi. Ai dám khoe mình được miễn dịch đối với các thứ vi trùng tư tưởng?

Đã tới bụi tre đầu làng bị pháo chặt gần trụi. Tự dưng óc tôi rẽ sang vụ anh Tám Liệp, từ đó nghĩ về đôi bàn tay thon mềm của Mẫn, suốt mấy năm vừa đánh giặc vừa lần gỡ từng mối tơ, nay mới tạm xuôi. Bàn tay ấy đưa thuốc phòng bệnh cho tôi uống thì kí ninh vàng cũng hoá ngọt.

 

°

*

 

Dưới những vòng quần ”chẹt người” của chiếc Mô-hoóc, đoàn cán bộ của H.68 chia nhiều nhóm băng qua đồng lớn Tam Trân, qua vùng gò hoang bây giờ loét lở những hố bom to, xuống làng Cá. Tất cả đều mặc bà ba đen, đội nón lá, bao và súng bỏ vào giỏ bội quảy trên vai, hệt bà con đi cắt lá bỏ chuồng trâu. Mười bốn người tất cả, đông khiếp!

Tôi mừng muốn reo. No dồn đói góp, hồi nào lặn lội một thân như con heo chiếc(2), bây giờ lu bù chất phái, chất nghiên! Mẫn với Ri đón đầu làng lo cuống lên: địa đạo đang lem nhem, lỡ địch càn lên, giấu đâu cho hết mấy ”ông to”? Còn dân làng Cá thì tò mò nhưng giữ ý rất khéo, chỉ ngoắc tôi vào trong ngõ hỏi rỉ tai:

- Gần chưa Thiêm?

Tôi nháy một cái, lấp lửng nhưng tỏ ra ăn ý. Vậy lá thoả mãn.

Anh Điển đi với nhóm gần cuối. Gánh còn trên vai, anh kéo luôn tôi tới một góc rào: ”Về đây, mình tên là Châu, Hai Châu, nhớ nghen”. Cùng đi chuyến này có hai anh trên khu về bàn việc lập Đảng ủy vành đai, một anh địch vận quân khu, một đại đội trưởng đặc công với bốn trinh sát, có cả anh Giai tham mưu phó của trung đoàn tôi nữa. Sướng quá đi mất. Anh Điển thắt nịt súng đeo bao xong, búng vào tai Mẫn:

- Cô bí thơ coi bộ rầu ghê ta. Đang đợi quân súng dài, thấy về cả một lô súng ngắn, bắn đâu giặc gãi đó...

- Chú!

- Khỏi lo đi. Tụi này bóc lột cô một buổi thôi, sau đó toả xuống Chu Lai hết, cô tử tế thì cho mượn một tổ du kích dẫn đường. Tôi để Tư Thiêm về gởi rể đất Tam Sa lâu nay, đòi trả công bấy nhiêu...

Mẫn bịt hai tai, kêu:

- Chịu thua chú rồi mà

Năm Ri mượn xe đạp đi mời anh Bảy quai nón đang xem làng chiến đấu Nhơn Phước với Tư Luân. Con đường đất chạy thông bốn thôn Tứ Nhơn đã viền kín những hầm chông và hố chống tăng, người gánh và xe đạp khéo lái còn qua được.

Tôi bi tẽn khi vội đưa tin sốt dẻo về Mỹ: anh Điển và anh Giai vừa đi vùng Đông Bình Sơn về, suốt ba ngày lội vòng mặt nam của Chu Lai, còn xem du kích đánh bật một trung đội Mỹ đi tuần ven sông Trà Bồng. Nhưng anh Điển nói toạc ngay rằng cậu phái viên ở phía đó hiểu Mỹ qua đài nhiều hơn bằng tai nghe mắt thấy. Nghĩa là phần việc của tôi vẫn còn nặng, chưa rút ngay được để về nắm xê mình như anh Ba Tơ giục mãi.

Trong buổi họp chiều hôm ấy, anh Bảy báo cáo rất ngắn về các xã quanh Chu Lai. ”Để dành thì giờ nghe cậu Thiêm nói chuyện Mỹ, tụi tôi dốt cái mục đó lắm”. Tôi căng tấm yếu đồ, cố trình bày thật gọn vẫn mất một tiếng rưỡi. Vừa dứt lời, câu hỏi từ bốn phía đã ném đến tới tấp, tôi ghi hối hả, ghi mãi, đếm lại những mười bảy câu tất cả! Trời xui đất khiến cách sao mà tôi được hai ngày nằm trong hố cát trước nhà ga tàu bay của Chu Lai, nếu không thì xin cứng lưỡi lập tức! Anh Điển cũng biết vậy, cười khà:

- Cậu trúng tủ rồi nghen! Có oán mình đai đi đai lại cái cụ thể nữa không?

Màu đất bãi biển mặt Đông sân bay? Cát trắng, đôi chỗ trắng xám, dưới các vạt dương liễu có lá rụng màu nâu đen... Tôi không biết thằng tướng Mỹ đã đến Chu Lai chưa, nhưng thấy một thằng đại tá ra vào cái hầm đánh số A7 trên yếu đồ đây. Biết chớ, nó đeo cấp hiệu con chim đại bàng mạ bạc trên cầu vai... Mặt đường băng nhiều bụi, có hai chiếc xe hút bụi rất to làm việc buổi trưa, khi máy bay ngớt lên xuống... Công sự pháo của nó để hở mặt lưng quay vào căn cứ, ấy là cách đây ba ngày, tới nay không biết đã thay đổi gì chưa...

Hỏi nữa và hỏi nữa. Bến cảng, cửa sông, đường ô-tô, đồn ngoại vi và quân đóng dã chiến. Có mấy chỗ tôi bí, vài lần phải lục sổ tay tìm hình vẽ hay con số, ngoài ra tôi cứ lật đều tập ảnh trong đầu, khỏi kiếm đâu xa. Anh Điển nhắc: ”Cậu cho những chi tiết khó nắm từ xa, hoặc ban đêm vào tận nơi vẫn khó thấy...”. Từ lúc nào không rõ, một ngọn đèn măng sông được treo lên giữa nhà – chúng tôi họp trong nhà ngói của xã Chinh – ngồi trên những dãy ghế mà đại hội chi bộ để lại.

Khi tôi ngồi xuống lần thứ ba, anh Luân nói trịnh trọng:

- Đây mới là phần địch. Hồi nào các đồng chí muốn biết tình hình Tam Sa trong nửa năm qua, nhứt là cái khúc gần đây giành lại vùng bàn đạp Tứ Nhơn và dàn trận đón Mỹ ra sao, đồng chí Thiêm nắm rất chắc...

Tôi nóng bừng mặt, lắc đầu. Anh Bảy quai nón xởi lởi bồi luôn:

- Cũng tội. Cậu ta mới về Tam Sa, đụng càn lớn bật hết quân tướng ra ngoài gò, vậy là lăn lưng vô đánh thí xác, nắm du kích, mở lớp quân sự, chẳng kể khi đói khi đau. Tôi trách xã miết, xài cán bộ trên về vậy lỡ nướng mất thì sao, Tư Luân nói chi ủy còn có một người rưỡi, ông Điển biểu cứ để cậu ta làm tới đi cho được toàn diện, thôi đành... Nghĩ tức cười, khắp bà con Tam Sa ai cũng tưởng cậu Thiêm được cử về luôn đây, hồi sáng có chị tìm ủy ban kiện trâu ăn lúa, cả tổ đào hầm xúm bày tới ông Thiêm xử cho, ổng là phó chủ tịch hay xã đội trưởng gì đó!

Chung quanh cười rầm. Tôi muốn chui xuống đất. Biết rằng anh Bảy anh Luân lựa dịp này để khen tôi, cũng là khen chung cán bộ Quân giải phóng chịu khó giúp địa phương nhưng nếu các anh hiểu những lúc tôi sốt ruột định xốc ba-lô đi nơi khác... Rất may, anh Điển đã chấm dứt:

- Tạm đủ đó. Coi như kiếm chút vốn giắt lưng, tối nay xuống thăm Mỹ khỏi ngợ, còn phần chủ trương sắp tới sẽ có cuộc họp khác. Bàn cho đã ngán, để khi Mỹ nống ra mạnh không bỏ việc đi họp được đâu.

Bước ra ngoài, tôi chưng hửng thấy trời sẫm. Gần bảy giờ tối rồi, chỉ kịp ăn vội trước khi thọc xuống biển. Anh Ba Tơ bấm vai tôi, rỉ tai:

- Chết cậu nghen. Được việc kiểu đó, cầm chắc cậu về tham mưu, đừng trông trở lại xê mình.

Tôi giật thót. Nước đời, sao lắm nỗi trớ trêu! Đành bông phèng cho qua.

- Phận bèo bao quản nước sa…

- Gì?

- Không. Ri ơi, Ri, anh Ba đây chớ!

Năm Ri với anh Ba Tơ tách riêng một hướng, nắm kỹ cái đồn núi Sàm. Tôi dẫn các anh khác xuống vùng biển.

Mẫn đưa một tiểu đội du kích đi giúp chúng tôi đêm đầu. Hai tổ ở lại giữa hành lang qua đường nhựa, một tổ nữa theo bảo vệ. Số đông cán bộ sẽ về ngay trong đêm, chỉ còn bảy người nằm lại dưới ấy, rải ra ba nơi: tổ đặc công ở xóm năm nhà có chị S.12, anh Giai được gửi cho bác S.24 râu dài, anh Điển với tôi lên chuồng chim trong xóm chị S.22. Út Liềm với hai cô nữa đã xuống từ trưa dò đường, xếp chỗ. Cô Tươi và bà Dì S.26 sẽ đưa tin lên nếu cần. Bộ máy của chúng tôi đã khá trơn dầu, chạy đều.

Thấy Mẫn bần thần, tôi trêu:

- Chịu khó trả công lần này là dứt điểm, khỏi phải lùa bầy trâu trắng nữa, Mẫn à.

Mẫn cười gượng, vẫy tôi ra góc vườn tối. Mấy hôm nay chúng tôi không hở ra lúc nào để nói riêng với nhau. Được cái, nếu rủ nhau ra chỗ vắng một lát thì không ai ngờ tình ý gì cả, hai anh chị có khối việc mật để hội ý hội báo!

Mắt Mẫn long lanh dưới bóng cây dừa thấp đang dựa lưng:

- Em ở lại dưới đó... với anh.

- Đừng, Mẫn. Em phải lo trên này...

Mẫn nắm cánh tay tôi bóp mạnh, hơi gắt:

- Anh... anh liều quá. Chiều nay em mới biết anh vô nằm trong căn cứ. Sao anh giấu em? Anh không nói em hay? Sao?

Mấy tiếng cuối cùng, Mẫn quát qua kẽ răng, nghe rất lạ. Câu trách của Mẫn càng lạ: chính Mẫn cũng nằm trong ấp chiến lược như cơm bữa. Những ngón tay búp măng siết tôi đến đau, lay dữ. Tôi đứng sững, chưa tìm ra câu phân trần, Mẫn đã quàng tay ôm ghì tôi. Cả người Mẫn run bắn. Mẫn hổn hển nói khẽ bên tai tôi những lời đứt quãng, nóng như hơi lửa lò:

- Em không chịu nổi... thà em đỡ đạn cho anh... ngó theo hoài... thà em được đứa con cho đỡ nhớ... tại em...

Mẫn lả trong tay tôi.

Tôi phải khỏe, phải tỉnh cho cả hai trong cái lúc Mẫn đuối sức này. Rõ rồi. Đã căng và mệt liên miên, Mẫn còn thêm nỗi nhớ khắc khoải chưa quen chịu, từ khi yêu tôi. Mỗi phút yêu thương của Mẫn cứ phải kèm theo một cái tang hay một nỗi đau kéo dài, ít nhất cũng một mối lo, thật tội nghiệp. Cơn hốt hoảng ập tới giữa lúc không ngờ. Nếu vắng tôi, nó chỉ là mấy phút Mẫn đãng trí, rồi giật mình quay vào việc đang làm...

Tôi hôn Mẫn, dỗ thì thào rất lâu, không đầu không đuôi. Chỉ cần Mẫn hiểu tôi yêu, tôi sẽ về. Mẫn định bắt tôi đợi mười năm, lại không đợi tôi được ba ngày, thua chưa? Hồi nào ngại tôi đòi cưới, bây giờ mong có con?

Mẫn bịt miệng tôi, rồi lau mắt. Mưa nhỏ cũng đủ làm tan cơn dông. Mẫn cười nhẹ, xấu hổ:

- Em điên điên, anh hè? Đừng giễu thì em nói... Cái đêm em gặp lại anh, hiểu anh rồi, em như đứa bị hút hồn... Em sợ cưới thiệt đó, sợ lắm, rồi có khi em lại muốn... làm vợ anh.. ra vô em được ở miết bên anh, em quạt anh ngủ, em nấu cơm anh ăn, bà con kêu em là chị Thiêm, vui ghê, năm bảy ngày rồi anh đi bao lâu cũng được, em có cả mớ kỷ niệm chung hai đứa, mặc sức mà nhớ. Có được đứa con nữa... Em thích con trai hơn, giống anh, đi đâu em bồng nó theo, cũng như gần anh, thay thằng Hoàn...

Loáng cái, tôi thấy lại chị Tám Giàu đang kể tội đàn ông để khổ cho vợ, nhưng lại nghẹn lời khi nhắc tới đứa con bị sảy. Cả hai bận chị đều thật bụng.

Mẫn cũng rất thật khi yêu tôi và tránh tôi, khi sợ vướng con và ước có con. Một lòng sông chứa hai dòng nước xô đẩy.... Tôi chợt nhận ra cái nghị lực ghê gớm của những người khao khát yêu và được yêu như Mẫn, khi nén tình riêng xuống để dồn sức làm việc lớn. ”Các anh gan lắm”, tôi thường nghe nói vậy. Có lẽ chúng tôi đơn giản mới đúng. Mẫn gan hơn nhiều khi dám ngoảnh mặt trước một người con trai mà Mẫn yêu đến mất ăn mất ngủ, chỉ vì lo chi ủy hết người. Tránh sao khỏi một lúc bải hoải, chùng gân. Tôi phải tiếp sức cho Mẫn...

- Đừng cười em, nghen anh? Con gái vô duyên mà. Mẹ em hay bác Sáu nghe em kể lể với anh vầy đây, chắc chửi em là đứa trắc nết, nói với chồng, chồng còn khinh, huồng gì trai mới thân... Lạ lắm, cái gì em cũng muốn anh biết chung, chuyện làng nước, chuyện riêng em, chẳng sót một chút. Ăn một đũa xôi, em cứ xắn đôi ra cho anh một nửa, rồi em ăn giùm phần anh, in thể con nít. Em nhớ hồi mới gặp anh, em tức anh lắm, sao bây giờ em ngợ miết, hình như em thương anh từ khi mới ngó thấy kia. Chẳng lẽ mới vài tháng gần đây mà em đã thương quá quắt vậy sao, đúng rồi, phải từ năm ngoái... Em hư lắm phải không? Nói đi anh...

- Anh yêu em gấp năm. Anh trọng em gấp mười.

- Thiệt chớ?

- Thiệt. Em tin anh, em mới nói hết.

Mẫn nhấc đầu khỏi ngực tôi, ngửng đôi mắt đen nhìn vào mắt tôi đăm đăm. Sau này tôi sống với Mẫn, hẳn không một lần có thể nói dối trót lọt trước đôi mắt này.

Có tiếng mấy người nói trong sân:

- Thiêm đâu rồi?

- Chắc đang ăn cơm. Tổ trinh sát cũng chưa xong.

- Nhảy thử vài cái coi... hai, ba!

- Pin sáng quá, thêm vài lớp nhựa đi...

Ba bốn đốm lửa thuốc lá rít vội, hừng đỏ, soi lên vành mũ tai bèo vài giây. Đèn pin bọc nhựa xanh loé thử nhiều lượt, mỗi lượt sẫm màu thêm một tí. Súng ngắn lên đạn rắc rắc, nhỏ thôi, còn các-bin kêu rất ồn, ”róc, xoảng”. Ai đó nhắc khoá cò, lấy nước đầy bi-đông.

Mẫn cười, giọng đã trở lại rất dịu:

- Tụi mình bỏ cơm tối. Để ém vô ăng-gô, đem theo. Anh lấy em, phải tập nhịn đói từ giờ cho quen, chịu không? Giỡn thôi, lỡ hết gạo em hớt thịt trên mình xào cho anh ăn liền, giống chị gì trong truyện thơ mẹ hay kể. Đời xưa làm nổi, em còn dám gấp mấy kia chớ, coi như địch nó tra hay trúng mảnh pháo, dễ ợt.

Tôi rùng mình. Mẫn không đùa đâu. Phải nghe tận tai, tôi mới biết một cô gái có thể yêu đến chừng mực nào, nếu ai nói lại chắc tôi không tin chút xíu. Mẫn rất dám nuôi tôi bằng thịt mình, nhưng cũng không ngần ngại xả cho tôi mươi viên đạn vào đầu nếu tôi nhảy sang phía thù, rõ lắm.

- Chị Tám cho ảnh đi tập kết một cái nhẫn vàng khắc tên, chụp hình với nhau nữa. Em chẳng có nhẫn, hồi nhỏ chụp một lần cũng bị lụt trôi mất hình. Em tính khi nào anh đi xa, em chặt cho anh một đốt ngón tay út, bên trái này nè, anh đem làm kỷ niệm. Cắt tóc dễ hơn, có điều anh lại nghĩ: ”Hễ tóc nó ra dài như cũ, nó lại quên mình”. Để khúc đốt cũng thừa...

Hết chịu nổi rồi. Mồ hôi vã lạnh hai thái dương. Tôi bóp vai Mẫn như kìm sắt:

- Em nghĩ bậy!

- Bậy đâu... úi, đau vai...

Mẫn cứ tỉnh rụi. Cái nguy là Mẫn nói sao làm vậy. Tôi gượng lắm mới buông được mấy tiếng:

- Ta đi hè, anh em đợi.

- Để em bới cơm...

Mẫn thoăn thoắt đi vào. Tôi dựa lưng vào gốc dừa, vuốt trán, thấy họng nhám, đau rát và đầu choáng váng như vừa bị bom xốc lên thả xuống.

Ai đó gọi Mẫn, và Mẫn reo: ”Bốn chục! Quí lắm đây anh... Không cho, em ăn trộm. Lấy đạn trong bao chớ không chơi ác tháo trong băng đâu...”. À, Mẫn được quà đạn các-bin. Cây vẫn ra hoa trên núi lửa.

 

°

*

 

Chuyến đi này cũng xuôi lọt.

Mỗi người một chuồng chim, ngày xem Mỹ, đêm ra trảng cát họp nhau đi sờ nắn căn cứ Chu Lai. Tổ trinh sát rất khoái cái hố giữa xương rồng của tôi, thay nhau vào đấy nằm phơi nắng, chỉ một cậu bị lính tuần đạp trúng bàn chân khi vượt rào biên, phải ném hai trái lựu đạn và rút, chỗ núp không lộ. Tôi kèm riết anh Điển, thường nhắc rằng anh nặng kém ba chục cân đầy một tạ, chớ nên để đứa gầy như tôi phải vừa cõng chạy vừa bắn trả địch, khổ lắm. Anh Giai được bác S.24 cho ăn cá đến tận mũi, phải rời giàn ván một ngày để vào nằm buồng gói với cái nồi đất lót tro đậy vung, đêm lội trảng còn xoa dầu cù-là vào bụng nhiều lần. Tôi qua nhà chị S.22, mất cô bạn rắn rồng – má tôi bảo rắn rồng nhớ người không thua chó – bù lại được một chú mèo mướp rất lành, đợi tôi ngủ thiếp là leo lên nằm khoanh giữa ngực tôi như cái gối bông.

Giữa hè rồi, nắng càng trắng loá trên cát trắng, đứng trong bóng thò tay ra nắng cứ như nhúng vào nước ba sôi hai lạnh mà mẹ Sáu pha ngâm giống theo kinh nghiệm miền Bắc. Bà con các ấp bị bắt đắp đường mỗi trưa khiêng về năm bảy người say nắng. Đã có chỉ thị trên dặn vùng này tạm nín hơi cho địch khỏi sục, nhưng lác đác có những khúc rào ấp tự bốc cháy, ngay lính ngụy cũng đồn rum là ”bà Hoả” đốt, còn tụi Mỹ cho rằng tre khô cọ nhau phát lửa là sự thường. Chị S.22 nheo đôi mắt xếch, nói xuê xoa: ”Chị em họ mở thêm ít cửa ra vô cho dễ thôi mà”. Chị Biền, chị Tám Giàu, chị S.22 có cả một lớp các chị như vậy làm gì các cô cán bộ trẻ chẳng mau lớn. Tuy rất nguyên tắc nhưng chị S.22 có chỗ yếu nặng: Hai Mẫn nhờ chị làm gì cũng được, cái lần từ chối nửa vời chị Tám và tôi ấy chính là bởi có mặt hai chúng tôi, chị muốn thử cho chắc. Nay có tin gì dính tới Tam Sa, chị vẫn cho người đạp xe lên làng Cá ăn giỗ gấp.

Bọn lính cổ da sục đều các ấp chiến lược từ bến vào sân bay. Chúng mộ được một số thông dịch đeo lon trung sĩ ngụy, nói tiếng Anh theo kiểu lúy câm bớp lúy ba bớp(3). Tôi suýt phì cười khi nghe một tên kể chuyện Việt cộng với Mỹ trong nhà chị S.22. Tay Quả này ưa lấy le trước mặt hai cô em họ của chị - hai cô du kích bí mật đã dẫn tôi lên làng Cá chuyến trước – cố nói lấy nhanh:

- Vi-xi men líttơn, phai mêni. Vixi gơn líttơn, kiu mêni. Vi-xi oan gô in Su-lai, gô(4)

Bốn thằng Mỹ tròn mồm dựng mắt. Qua giọng kiêu hãnh của tay thông dịch, tôi cảm thấy hắn khoái làm cho Mỹ sợ người Việt, dù là người Việt ở phía bên kia, để bù lại những lúc hắn bị Mỹ coi rẻ. Tụi Mỹ chẳng thèm giấu chút nào rằng chúng rất trọng Vi-xi, rất khinh đám quân ngụy ăn hại đái nát. Chị S.22 hứa sẽ nắm được trung sĩ Quả.

Vùng biển nhốn nháo với những tội ác đầu tiên của Mỹ ngay quanh nơi đóng quân. Liên tiếp đàn bà ở nhà vắng bị Mỹ hiếp, trong hai ấp đã biết được chín vụ, sự thật còn nhiều gấp mấy vì các cô gái trẻ xấu hổ không nói ra. Một lính hải thuyền đâm chết tên Mỹ hiếp vợ mình, xong biến mất, chắc sang ta.

Xóm Miếu trong ấp tôi ở - có cái miếu thờ ông cá voi chết dạt vào – nổi trống mõ kéo ra vây Mỹ sau khi một tên bắn gãy chân em nhỏ chăn trâu giữa ban ngày, chẳng có cớ gì. Cũng không rõ vì sao thằng Hary mới phát kẹo lấy lòng đấy, bỗng nổi cuồng xông vào nhà bà Chín đập nát hết các ghè mắm, châm lửa đốt nhà, đứng coi và cười rú đến đứt hơi. Sáu chiếc thuyền đang đánh cá ngoài cửa, tại sao cặp tàu đoan(5) lại xả súng bắn chìm chiếc thứ tư, gây ra cuộc đấu tranh lớn của dân chài? Bà con ta, cả tụi ngụy nữa, đều thấy giặc Mỹ là khó hiểu. Chúng nghĩ gì đằng sau cặp mắt đục lờ kia, khi xoa đầu trẻ và khi giết trẻ, khi cầm ảnh vợ khóc hu hu và khi cười sặc trước nhà cháy? Chị S.22 rất sốt ruột vì học tiếng Anh không vào, mãi chỉ nhớ được mấy tiếng nô Vi xi, chưa đủ hỏi chuyện bọn Mỹ. Bác S.24 hằm hằm: ”muốn biết nước dừa chua ngọt, cứ vác rựa bửa đôi cái sọ dừa ra là mau nhứt!”. Cả hai đều có lý.

Buổi chiều ngày thứ ba chúng tôi xuống biển, trời kéo mây khói đèn vần vụ. Tôi ngồi ghi trên dàn ván, chợt nghe một tiếng mìn nổ phía Lộc Chánh, tiếp lựu đạn và súng nhỏ dậy lên, lúc khoan lúc nhặt. Du kích bí mật làm ăn ban ngày, cừ lắm. Lát sau, pháo Chu Lai nã lên đấy dồn dập. Tôi nhặt thêm được một nhận xét: nền mây thấp dội tiếng nổ đầu nòng trở xuống như cái trần nhà, pháo 105 bắn liều thấp mà ồn nhức tai, dễ lầm với 155. Rồi trời đổ mưa to. Tôi chợp mắt được một lát bù đêm trắng.

Một bàn tay bấm gọi tôi dậy. Khuôn mặt chữ điền rám nâu của chị S.22 nhô lên thì thào:

- Anh vô buồng có người gặp

Tôi đeo bao lưng trèo xuống. Chắc Mẫn cho Út Liềm đi đón chúng tôi, hành lang qua đường Một dạo này phải thay đổi luôn. Nhà trên đóng hết cửa, kín như cái hộp. Tôi đẩy cửa buồng trong tối om, thấy một bóng áo trắng ngồi trên giường.

- Liềm hả?

- Em đây.

Mẫn! Làm sao Mẫn xuống được ban ngày? Mà xuống để làm gì? Có lẽ biết tôi sắp gắt, Mẫn chặn luôn:

- Thằng Chinh con xuôi cẳng sáo rồi. Em bị thương chút xíu.

- Ồ...

- Không nghe tụi em đánh à?

Chị S.22 bưng vào cái chậu nhựa, giữa đặt ấm nước nóng. Tôi thắp cây đèn con, vặn nhỏ hạt đậu, tháo bao lấy các thứ cấp cứu. Mặt Mẫn đánh phấn dày, đôi lông mày nhỏ và nhợt hẳn, môi tô son hình trái tim, tóc bọc lưới, trông rất khác. Tôi hiểu ngay trận vừa rồi. Mẫn cười ngượng nghịu:

- Chị gác giùm, để anh Thiêm băng em. Ảnh có nghề y tá mà.

Chị S.22 cau đôi mày xếch, hất hàm. Mẫn cúi nhìn xuống, chụp ngay cái chăn sợi trên giường trùm kín người, hẳn vì Mẫn mặc ni-lông mỏng và dầm mưa ướt sũng, nãy giờ không để ý đến mình trong bóng tối. Tôi phớt, chỉ rảy thuốc tím bột vào ấm nước, rồi ghé đèn xem vết thương. Bắp chân trái của Mẫn bị đạn xé một đường thịt bằng hai đốt ngón tay, không nặng, bị cái máu ra nhiều vì để vậy mà chạy. Lần này tôi sẽ chỉnh mạnh cho coi. Tôi giội rửa, rắc bột xun-pha, băng kỹ để đi không tuột. Tôi tiêm luôn cho Mẫn một ống kháng sinh dầu mà bà dì S.26 đổi của Mỹ: mỗi ống thuốc có sẵn pít-tông và kim tiêm bọc cao-su, tiêm xong vứt cả, hai nải chuối được một hộp hai chục ống, kèm bộ phận đẩy thuốc bằng nhựa cứng dùng nhiều lần.

Thấy tôi lì lì, Mẫn cũng trùm chăn ngồi im xo, đến cuối mới rụt rè:

- Anh ra ngoài chút, em thay đồ ướt. Mấy giờ, anh?

- Năm rưỡi.

- Em lau mặt được rồi. Phấn ngứa kinh.

Lát sau tôi vào buồng. Mẫn mặc bộ bà ba đen của chị S.22 rộng phùng phình. Bộ ni-lông ướt và vấy máu túm gọn vào khăn tay, mặt Mẫn gần sạch phấn sáp. Mẫn kéo tôi ngồi bên:

- Anh đừng làm mặt giận nữa, em sợ... Em phải trả thù cho vợ chồng chị Biền chớ.

- Sao?

- Nó cắt cổ chị... lấy gan... mới sáng nay... ảnh cũng chết rồi...

Mẫn nuốt khan nước bọt, cắn môi. Tôi lạnh buốt sau gáy. Đốm đèn phình to bằng cái nón rồi co lại nhỏ tí, cứ vậy nhiều lần. Mẫn nói bên tai tôi mà tiếng nghe chơi vơi đâu xa lắm.

Huyện và xã đều biết trước sau địch cũng xúc dân Nhị Lộc xuống dưới sâu, nhốt vào ấp chiến lược, tạo bãi trắng dọc đường Một. Ta đã cho một loạt gia đình ở đấy dời lên vùng giải phóng, sắp xếp lại quân chìm. Sau khi được bí mật kết nạp vào Đảng, chị Biền đưa cả nhà xuống ở với mẹ đẻ, trong ấp Lộc Chánh, mượn cớ chồng ốm yếu chịu pháo không nổi. Hai vợ chồng sẽ để cho địch dồn, bám bà con mà hoạt động. Trong số ba đảng viên và năm đoàn viên được gài thêm vào Nhị Lộc như thế, một mình chị Biền bị lộ, tại sao?

Thằng Chinh con tra hai anh chị suốt ngày hôm qua trong đình Lộc Chánh, máu và những bãi bọt xà-phòng lênh láng đầy nhà. Anh Biền chết lúc xẩm tối trước mặt chị. Đêm, du kích Tam Sa thọc vào ấp hai lần không lọt, chỉ bắn nhau với bọn biệt kích nằm rải vòng ngoài, hạ ba tên. Sáng nay thằng Chinh con họp dân Lộc Chánh lại, nói:

- Chẳng chánh trị, chánh trọt gì cho rắc rối. Tuyên truyền hay như ông Nhu ông Diệm rồi cũng mặc sơ-mi gỗ. Đem cả thiên đàng địa ngục ra mà nhử mà doạ như mấy lão cố đạo, dân cứ theo cộng sản. Tôi chẻ hoe ít câu vầy đây. Đất này Mỹ mua rồi. Chống Mỹ thì chết sớm. Theo Mỹ còn sướng được ít lâu mới chết. Tôi lựa đĩa thịt nạc với chai bia, tôi theo Mỹ. Tôi bán nước cho Mỹ, Mỹ còn trả đô-la. Các người bán mạng cho cộng, cộng trả cái gì? Độc lập chánh nghĩa... ai có thứ đó, đưa tôi coi thử nó tròn méo ra sao mà các người chuộng dữ vậy? Nước với lửa đụng nhau đây nè. Mời bà con coi đứa theo Mỹ giết đứa chống Mỹ!

Hắn rút dao găm rạch bụng chị Biền, móc gan, lấy túi mật bỏ vào ve rượu. Chị Biền kêu: ”Bác Hồ ơi, bà con ơi, trả thù cho tôi”, hắn đưa dao cắt đứt cổ họng chị. Đại đội biệt kích đơm súng gác quanh sân, cả chục đứa nôn thốc. Bà con hét lên, phá vòng lính chạy về nhà, chỉ còn vài đứa bắn doạ.

Tin lên làng Cá trước tiên, loang nhanh. Cả Tam Sa điếng người. Chi ủy đang bận đi mỗi người một thôn, Mẫn báo ngay: truy điệu, phát động căm thù, chặn luồng gió khủng khiếp, đánh gấp một đòn trị tội.

Thằng Chinh, tên đại đội trưởng biệt kích, thằng Khả công an quận thường đạp xe về vùng biển từ ba giờ chiều, đem theo vài đứa hộ vệ, chín giờ sáng mới lên Lộc Chánh. Đánh buổi sáng không lánh kịp, địch lùng suốt ngày khó thoát. Phải thọc xuống lập tức, chiều đánh, tối rút.

Bốn giờ sau khi chị Biền tắt thở, đoàn xe bọc sắt Mỹ tuần đường Một kéo qua. Bụi chưa tan hết, hai chiếc xe đạp chở bốn cô gái mặc lòe loẹt từ mé An Tân phóng về Lộc Chánh, rẽ theo con đường đất cạnh ấp, xuống biển. Bọn biệt kích lui vào bóng cây trốn nắng chỉ hỏi với ra mấy câu cợt nhả. Mẫn, Liềm, Rốt chị và Hồng B giấu xe, chôn mìn vùi mình dưới cát, dương liễu còi chỉ đủ che cái đầu nhô lên nhìn, không bớt nắng. Qua vài tiếng nữa, trái mìn 105 và một loạt lựu đạn xé nát chuỗi xe gắn máy và xe đạp từ Lộc Chánh đổ tới. Một tên biệt kích trụt đằng sau nhảy xuống xe, bắn bừa vài loạt rồi chạy. Hồng bị một viên xuyên vai. Mẫn cho Liềm và Rốt dìu Hồng rút sâu vào rừng dương, núp đợi tối.

Mẫn kẹp cây tom-xơn mới lấy, đi rà lại năm tên địch lăn lóc, bồi thêm mỗi đứa ác ôn vài viên giữa ngực cho chắc, nhưng không bắn tên hạ sĩ biệt kích què chân vì mìn: ”Mày chưa đủ tiêu chuẩn, cho sống!”. Rồi Mẫn vác ba tiểu liên, khoác năm nịt đạn và súng ngắn, rẽ sang hướng khác. Tụi ”nghĩa quân” ở ấp gần nhất ào tới. Mẫn núp trong bụi, kê hai tiểu liên trên hai cành cây, bóp cò cả hai tay, sợ lộ giọng con gái không dám hô đại đội trung đội gì cả. Quét ẩu vậy mà bốn đứa nhào mới kỳ. Phải chi trời sinh có ba tay để bắn ba súng một lần cho đã nư. Mẫn xả đạn túi bụi một hồi, lại vác súng chạy riết, trời thương cách sao đổ cho trận mưa dông mịt mù, che mắt địch và xoá dấu. Giữa lúc mưa to nhất, Mẫn chôn các thứ, lột nón của bù nhìn giữ dưa, luồn qua một chỗ rào ”bà Hoả đốt”, vào lối chuồng heo chị S.22, cũng không ngờ tôi nằm ngủ dưới mái.

- Biết anh ở đây, chưa chắc em dám vô. Sợ anh thấy mồ...

Tôi không đủ can đảm để trách, chỉ năn nỉ:

- Em bây giờ làm bí thơ, phải tính lợi hại chớ.

- Tính kỹ rồi anh à. Đánh ban ngày, con gái mới đi lọt, mà Chín Cang nó mập quá chạy không thấu, Rốt chị biết đánh không biết chỉ huy, Út Liềm quen đường lại dốt quân sự. Rút lại, em phải nắm quân. Được cả mớ ác ôn...

- Giết ba đứa ác mà mất người lãnh đạo chủ chốt của xã, nên không?

Mẫn trầm ngâm một phút, rồi lắc đầu, nói chậm:

- So với tụi nó thì mạng em quí hơn. Có điều so với anh chị Biền, số bà con tụi nó giết đang cần trả thù, so luôn với cái lợi lâu dài cho phong trào sau khi khử tụi nó, mạng bốn đứa em không đáng kể đâu anh.

Tôi tắc họng pha trò:

- Suốt đời, chắc hai đứa mình trách nhau đánh ẩu!

 

°

*

 

Cơ sở vùng biển tiễn chúng tôi bằng một loạt tin khá nóng: lính ngụy dồn gạo vô ruột nghé, vợ lính đi chợ mua cá thịt làm lương khô và hương đèn về khấn ông bà, bọn tề bắt mỗi ấp ba trăm dân gói theo bốn ngày gạo mắm, đại đội Mỹ tuần đường chiều nay không thấy qua, thêm mười hai trực thăng xuống Chu Lai và ở luôn đấy. Địch sắp càn.

Tổ du kích của Rốt chị chẳng sao cả, tụi biệt kích ùa xuống chỉ đuổi theo hướng Mẫn rút. Út Liềm đàng hoàng vào ấp cô Tươi. Cô này cắt mẹ đi dò thử địch có giết hay bắt được ai không, dắt cậu Xáng lội mưa ra cõng Hồng B vào một khu ”mả thiêng” rất rậm, cho uống sữa, băng, đợi tối lại cõng ra chỗ hẹn góp quân. Các cô gặp nhau, tất nhiên có rất nhiều ồ à ý ới và tí chút nước mắt, nhưng mọi việc đều trôi chảy.

Mười hai giờ đêm, chúng tôi về đến làng Cá.

Ba giờ hai mươi lăm, Ba Tâm chạy từ huyện xuống mang một thư hoả tốc mời anh Điển và tôi lên Tam Trân gặp anh Năm Đông. Anh Điển cho biết đó là tên mới của anh Tám Xuân, ủy viên Trung ương.

Bốn giờ kém mười chín, sáu cậu trinh sát của trung đoàn tôi về bám cái Núi Sàm, đưa một mẩu giấy do anh Năm Đông viết: ”Cứ ở lại Cu-ba, đợi mình”. Chúng tôi lo cuống lên, Tư Luân bứt tóc, tóc hớt trọc không bứt được. Năm Ri chạy rút du kích các thôn khác ngậm tăm kéo về làng Cá. Chín Cang báo các tổ du kích bí mật hôm nay nghỉ đào hầm, đi chôn mìn, sửa soạn đánh lớn.

Bốn giờ hai mươi bảy, anh Năm đến, chỉ đem hai cậu bảo vệ. Anh Điển với anh Luân đón, còn tất cả những ai đánh được đều ra bờ đai. Tôi tóm được Mẫn tập tễnh đi soát quân, bắt giam lại dưới hào, giữa anh Ba Tơ với tôi. Mẫn cười: ”khi chẳng có mà coi, khi cả voi cả ngựa. Voi trắng, ngựa trắng hết thảy!”. Tôi tính thử, trong làng Cá lúc này có thêm mười ba súng ngắn, chín tiểu liên và súng trường tự động. Khá mạnh đấy. Chơi một trận Ấp Bắc nho nhỏ được lắm.

Năm giờ kém mười lăm, pháo Chu Lai nổi gầm một loạt như sấm dậy. Tôi đứng tim trong vài giây. Đạn rền phía nam sân bay. Địch càn vùng Đông Bình Sơn.

Hú vía!

Mười phút sau, trừ các tổ du kích trực chiến, còn tất cả làng Cá và số ”ngoại lai” đã trở lại công việc hằng ngày. Anh Năm đang ăn cơm trong nhà xã Chinh, thấy chúng tôi kéo vào, cười xoà:

- Mình biết nó không lên phía này mới đột kích các cha chớ! Kỳ này đang búi, mình xẹt ngang một ngày thôi, chuồn chuồn chấm nước cái đã... Đồng chí Thiêm đâu? À, đây. Mình đọc cái báo cáo cuối cùng của ông, có mấy chỗ muốn hỏi, ghi bên lề sẵn rồi. Ông coi lại, lát nữa trả lời. Nhơn tiện ông lướt qua lá thơ mình mới nhận, cho biết cảm tưởng luôn. Tám giờ ta gặp nhau, hè? Từ mười giờ tới tối, nhờ xã đội dắt mình đi coi Mỹ, thăm làng chiến đấu, được chớ?

Anh Năm nói giọng Quảng Ngãi pha một nửa Nam Bộ. So với dạo đến nói chuyện ở trường cán bộ trung đội, anh gầy và đen đi nhiều, tóc bạc rõ hơn ở hai thái dương, nhưng trông vẫn lanh, sắc. Tôi tưởng anh đến sẽ gọi hết chúng tôi lại, giảng cho tình hình và nhiệm vụ, ai dè anh chỉ hỏi, lại hỏi riêng từng nhóm. Mẫn ngồi bên anh Luân đợi làm việc trước, mồ hôi đọng mấy giọt to trên mũi như học trò vào thi miệng. Tôi cầm hai xấp giấy ra vườn mít, treo võng nằm đọc. Trực thăng từ Chu Lai đã bay đưa thoi phía nam, tiếng máy chỉ nhỏ lại rồi to lên, không đứt đoạn: càn rất gần vẫn cưỡi máy bay, Mỹ lắm.

Tôi mắc cái tật giống anh Ba Tơ là ngại gần cấp trên. Không phải vì sợ bị chỉnh, hay cho rằng mình khỏi cần học tập ở các anh, trái lại. Gần cấp trên có hai cái phiền khó nói. Một là dễ bị điều đi làm các việc linh tinh: trung đoàn đã nhiều lần rút tôi làm quân giới, chụp ảnh, lấy cung tù binh Mỹ, dịch tài liệu, anh Ba Tơ phải kiện thưa mãi mới bớt, cho đến đợt này tôi lại làm quân báo. Nghĩa là bị biến thành cán bộ ô-rê-ô-mi-xin, bệnh gì cũng chữa được một tí, không có thì giờ đi sâu vào nghề chính. Hai nữa, dễ bị anh em nghĩ rằng tôi chơi trội, cầu cạnh, ngoi lên theo đường tắt. Tôi rất ghét thói nịnh trên nạt dưới, không muốn ai hiểu lầm tôi như vậy. Tóm lại, tôi thấy cứ cánh ta ăn ở với nhau quanh năm là sướng nhất. Thế nhưng công việc cứ đẩy tôi đến chỗ phải gặp riêng các anh trên, biết làm sao.

Lần này, tôi thừ người ra sau khi đọc hai báo cáo.

Bản của tôi được anh Năm đọc kỹ, rất kỹ, ghi dấu chéo và gạch đít những chỗ quan trọng bằng bút bi đỏ. Có nhiều dấu hỏi và câu hỏi ngắn ngoài lề nữa. Điều làm tôi băn khoăn là tất cả những ngờ vực của anh Năm đều dồn vào mặt mạnh của Mỹ và khó khăn của ta. Còn các phần nói Mỹ yếu, khờ, nhát gan, những gợi ý của tôi về cách đánh, anh để y nguyên. Rất có thể anh đánh giá tôi là gờm Mỹ, hoặc gí mũi vào mảng đen trên bức tranh nên không thấy toàn cảnh màu tươi!

Lá thư của cậu Hải khác hẳn. Cậu này tôi chưa hề gặp, được cử về vùng Nam Chu Lai sau tôi. Tất cả những điều cậu viết đều có thật: Mỹ sợ trâu, sợ nắng, sợ thuốc độc, sợ chông, sợ bệnh, đủ hết. Nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi, một bài báo giải quyết tư tưởng ngán Mỹ, dù viết sống, dí dỏm, ghi rõ nguồn tin cho thêm chính xác, vẫn chưa phải một bản điều tra tốt của quân báo. Anh Năm ghi trên đầu: ”Sao gởi anh Bảy và X.4”. Trên tám trang giấy mỏng viết tay, chỉ có một dấu chéo và một dấu hỏi. Anh Năm thích cách nhìn Mỹ thế này ư? Hay anh cho rằng lớp cán bộ thực hiện như cậu Hải và tôi nên đơn giản thì hơn, còn những gì phức tạp rắc rối hãy nhường cho cấp trên suy nghĩ, cân nhắc, bày cho mà làm?

Nếu quả đúng vậy, tôi sẽ nói trắng rằng tôi không đồng ý với anh Năm. Cùng lắm, tôi sẽ xin giữ ý kiến riêng trong khi chấp hành. Ai muốn qui cho tôi là bướng, kiêu, hỗn cũng đành chịu.

Tôi vào ngồi trước mặt anh Năm với ý định vuốt ngược lông, xoa trái khoáy như thế. Các anh Điển, Giai, Ba Tơ cũng dự nhưng ít bàn góp.

Ban đầu tôi trả lời từng câu hỏi một, cố giữ giọng tỉnh táo, gần như lạnh. Rồi không lạnh được nữa. Mỗi câu thốt ra ở đây được rút từ những ngày nặng ứ bao nhiêu rung cảm, hết đau xé ruột tới mừng ngây ngất. Có thể nào dửng dưng khi nhớ lại cháu Hoàn bị bay từng mảnh, các đồng chí du kích bị đạn xỉa vào lưng? Làm sao quên được những bà con tự đốt nhà mình soi bắt tù binh, những chị em chuyên đánh giữa rốn địch, những gia đình sẵn sàng chịu chết để giấu tôi trên giàn ván? Lựa lời giữ miệng sao được, khi hàng ngũ ta chưa sạch những người nắm đuôi phong trào kéo lùi lại như nhóm anh Tám Liệp, những người vừa ”lạc quan tràn trề” bằng lưỡi đấy lại xoay ra dùng lưỡi để ”than rằng, hỡi ôi” khi gặp khó? Tôi có thể sai lắm chứ. Tôi mới về đây hai tháng rưỡi, tầm hiểu biết chỉ là của một cán bộ đại đội, tuổi Đảng tuổi đời đều non. Mặc dù sạn còn lẫn vào thóc, dù chẳng có cái dại nào giống cái dại nào, tôi cũng đã từng cầm xẻng xúc thật lực vào cuộc sống ngồn ngộn, cố vác mỗi ngày một bao tải đầy căng mà đắp vào nghiệp lớn của chúng ta, tôi đã hiểu đồng bào đồng chí vành đai qua bấy nhiêu ngày đổ mồ hôi và máu. Tôi phải nói hết sự thật.

Từng lúc anh Năm ghi vài chữ trong sổ tay, cau mày nhìn tôi, mỉm cười, lại nhăn trán nghĩ. Tôi dứt đưa tay áo quệt mồ hôi trán, liếc đồng hồ: chao ôi, diễn thuyết tới bốn chục phút! Anh Năm nhắm mắt, bật cười khà, lại ngó thẳng mắt tôi, nói nhát gừng:

- Ông... hăng thiệt. Tốt. Chịu khó sục sạo, tìm tòi, nghĩ, hay lắm... Nè, ông nhắc miết là phải khách quan khi đánh giá Mỹ, tại sao?

- Vì tôi thấy cách đánh giá của đồng chí Hải... chưa khách quan.

- Mình cũng thấy vậy.

- Tại sao?

Tôi buột miệng hỏi trống không, như trong cuộc họp của xê mình.

Anh Năm cũng đáp như bạn bè trả lời nhau:

- Sao hè... tại mình theo chủ nghĩa duy vật biện chứng!

Tất cả cười ồ. Tôi cười theo, nóng mặt. Tôi đã mím môi căng gân, húc vào cánh cửa mở sẵn!

Chú thích:

Chín bỏ làm mười

Lợn độc, lợn đi rừng một mình

Tiếng Pháp bồi: “nó như con bò, không phải con bò” để chỉ con cọp

Tiếng Anh bồi: “Việt cộng ít người, đánh nhiều. Việt cộng ít súng, giết nhiều. Việt cộng muốn vào Chu Lai là vào”

Tiếng đồng bào gọi tàu tuần tiễu nhỏ của địch, giống tàu của bọn thuế quan hồi Pháp thuộc