Làng Cá chống líp lại mà chưa từng phải chống hủy diệt lớn. Bà con chưa làm chòi đến lần thứ mười như các nơi đã nhiều năm giữ chính quyền. Ai cũng biết sẽ đến lúc đất này bị bom na-pan dựng rừng cây lửa, xe ủi đất nạo trắng nhà vườn, đồn to đồn nhỏ của Mỹ xổ đạn xuống mỗi dấu hiệu của sự sống, có cả mây hơi độc và pháo lân tinh. Dân làng Cá hay lên non xuống biển, đã thấy những cảnh ấy và nghĩ: "sắp tới lượt mình đây".
Cái ác liệt đang đến.
Nó không đổ ụp một lần như trận càn nước lũ, ầm ầm năm bảy ngày lại rút, mà leo từng bước, tăng từng ngày, khá rõ.
Buổi sáng nào đó, một trăm quả pháo nổ túi bụi. Mọi người nói: "À,quân nó lên". Quân không lên nhưng hôm sau pháo lại bắn một trăm và hơn nữa, mức pháo đổ đồng của mỗi ngày đã lên ngang cái độ pháo càn của thời đánh ngụy, còn lên tiếp. Rồi một chiều hai chiếc AD.6 ném bom dọc sông Rù Rì. Bà con chép miệng: "đã dặn đám đốt than, đụng tàu rà quần đừng có chạy mà!". Không phải địch nghi hay ta lộ gì cả, từ chiều ấy trở đi, máy bay ném mãi những bom nổ ngay và nổ chậm trên các đường mòn dẫn về Chu Lai. Xe tăng Mỹ bắt đầu đi tuần trên đường Một, lảy đạn 40 ly vào các sườn đồi. Đại đội biệt kích Hai của quận thọc vào Nhơn Thọ, bị đẩy xuống Lộc Thứ, không rút đi như trước mà nằm lì đấy. Thằng Chinh con lên tỉnh học cái gì đó một tuần, trở về Lộc Chánh coi trợn trạo hẳn ra, bắt đánh luôn tám người trong đình, hầm hè: "đất này cắt cho Mỹ rồi, ba thằng du kích nhắm chống nổi một sư đoàn Mỹ không mà bây dám theo?". Tất cả đều găng hơn trước.
Những ai tinh mắt đều thấy Chinh con có cái gì rối loạn ngay trong khi hắn lồng lộn như chó thiến rắc mảnh chai. Hắn chồm chồm đấy rồi run đấy, cười dài một lát lại khóc. Hắn uống say là chửi cộng sản, chửi cha hắn, chửi bọn tướng Sài Gòn, chửi Huê Kỳ, chẳng sót ai. Mỗi người đoán một phách: cha con hắn có máu điên,hay hắn nghiện thuốc phiện trắng, hay hắn rầu chuyện nhà, hay lương tâm hắn cắn rứt, hay bà con bị giết về "đạp hồn"? Có thể mỗi thứ góp một chút?
Ông thầy Mười xuống ăn giỗ dưới Lộc Chánh, cà rà đổ rượu cho hắn say mềm, nghe hắn kể tâm sự. Hắn biết hắn khó sống dai. "Quốc gia" sắp thua được Mỹ vô cứu, so với việt cộng thì bên tám lượng bên nửa cân, chưa dễ gì ai ăn ai, nhưng cái đám tốt đen như hắn cầm bằng bị thí. Mỹ vô đặc nghịt mà không chịu cụ cựa, cứ đẩy lưng bọn chúng đi đánh cộng sản tới tới. Dân vây kiện ca-nông Mỹ, hắn giơ mặt hứng nước miếng. Bỏ việc ư? bọn quận doạ "trước thôi sau bắt", mà không vô tù thì cũng đi lính làm thằng binh nhì, cũng chết. Cha hắn trúng đạn vô ót, nằm dài ở Tam Kỳ nhai trầu và ăn báo hại, mỗi ngày không đủ một lít rượu thì nhè hắn mà rủa, hắn sợ rủa miết cũng ứng, phải xoay tiền gửi đều. Hắn chạy chọt kiếm một chỗ làm đỡ nguy hiểm, nhưng đút lót chưa đủ, "thành tích diệt Cộng" còn ít. Hắn đang lập công và vét tiền. Có điều tụi thằng Luân con Mẫn đời nào chịu để hắn kịp thoát. Đám tay chân của hắn khiếp dần, rã dần, tìm đường né chỗ trâu bò húc nhau... Chắc là hắn nói thật. Nhưng thằng ác ôn chán nghề vẫn cứ làm ác ôn, giết người, đốt nhà, dẫn quân đi càn.những đứa như hắn vẫn góp sức làm nên cái ác liệt đang lan nhanh trên vùng vành đai.
Trước mặt làng Cá, bọn giặc nổi ngày càng đỏ như vông đông như tiết. Trong làng Cá những tên giặc chìm cũng bắt đầu ngo ngoe.
Ban đầu người ta chỉ nghe tiếng than thở ngắn của số người lẽo đẽo theo sau phong trào, cách một quãng. Chỗ qen biết cả thôi. Ấy là chị Huyền Nhung, xanh rớt và lắm ghẻ ruồi, dạo xưa theo gánh hát Tân Duyên, chưa kịp lên sân khấu đã chửa hoang, phá thai vụng, ốm nặng, nay buôn vặt, õng ẹo với anh chồng hiền đến nỗi khắp vùng đều cười "chị nhõng nhẽo". Ấy là ông Năm Sô, được gọi là Năm So vì quá đỗi so đo hơn thiệt, hai chục năm biết cách mạng chỉ rút ra được một kinh nghiệm là phải luôn miệng kêu nghèo khổ ốm đau, làm vậy sẽ được chia ruộng nhiều, giảm đóng góp, miễn dân công, lợi lắm. Ấy là bà Nẫm xóm Đuồi, cả làng quên tên thật mà chỉ biết bà Kênh cúa, bởi suốt ngày bà mếu máo "kinh quá đi", trông thấy con gián đằng xa cũng nhất định kêu nheo nhéo mới ưng. Ấy là cái nhúm người lạc hậu mà làng nào cũng có hoặc ít hoặc nhiều, khi tăng khi giảm, và ở nơi phong trào mạnh thì cái mức lạc hậu cũng xấp xỉ mức trung bình ở nơi kém.
Địch chọn luồng gió trái ấy để thả hơi độc. Vài đứa xấu bắt đầu ghé miệng vào những lỗ tai xao xuyến. Đường đi của tin đồn bao giờ cũng vòng xuôi lộn ngược, khúc ẩn khúc hiện, càng phăng mối gần gốc càng khó tìm dấu.
- Đêm kia, đài mình chửi Mỹ nát mặt. Nó tính thả chất nguyên tử từ đường cái đen qua tới xứ Lào, đá cũng chảy nước hết, ác vậy để chi không chửi!
- Mình lên Tam Lý mua trâu,gặp ông cán bộ nói trong mách-tin nghe bắt mê. Sao hè...Mười bốn triệu dân đánh với hai trăm triệu, súng một cây chống súng trăm cây, dầu cho chết ráo còn một triệu cũng đánh, một người cũng đánh.Chu cha, thiệt là lập trường tới chữ.
- Cái số bà con mất tinh thần chạy về vùng địch đó, bây giờ Mỹ nó mua chuộc riết lắm. Phát bạc đô-la tiêu lu bù nè, đúc nhà xi-măng cho ở nè, ăn diện vung vinh lắm. Ghét nhứt là tới hồi độc lập họ lại sướng hơn mình...mà chắc gì mình còn sống tới ngày đó mà hưởng, hả thím?
- Mấy anh bộ đội nhắc phải cảnh giác nghen.Mỹ có máy dò người dưới hầm,có máy ép hơi độc xuống địa đạo như bão. Xã gì trong kia đào bảy tám cây số đê hai(1) chớ ít đâu, xuống núp kỹ, bị nó giết chẳng sót một mạng, lấp miệng hầm chôn luôn.
Tiếp đấy, tùy theo nét mặt và lời lẽ của người nghe, chúng bồi thêm một câu chuyện "nói riêng thôi nghe" hoặc lảng qua việc mùa màng, hoặc nở một nụ cười cố làm ra đần độn: "Ờ, ờ vậy hả, tôi dốt đui có biết gì đâu cứ tưởng..."
Thế rồi liên tiếp xảy ra những vụ đáng ngại. Chị Ba Phi cắp rổ đi chợ, bị thằng Chinh con chỉ mặt: "Mới được giấy khen xuất sắc, được bầu vô chấp hành Phụ nữ giải phóng, xuống đây không sợ tù à?". Hắn nói đúng y nhưng không bắt chị: "Để rộng cá trong lu cho mập, làm giỗ luôn thể". Đội du kích xã hay tập trên gò Trúc buổi chiều, một trận pháo chụp khoảng hai trăm trái thình lình đổ xuống đấy từ ba đến bốn giờ, may gặp hôm anh em nghỉ. Trẻ em chăn trâu tìm thấy trên gò Mù U những dấu giày răng chó và dép cao su còn ướt. Nguồn tin của ta trên quận Lý Tín, tức huyện Nam Tam Kỳ, cho biết ở Tam Sa có hai điệp, một cũ gài lại và một mới lãnh việc, chưa dò ra tên. Ban an ninh xã đang cố lần dây moi củ, nghi mấy đứa mà chưa đủ chứng cớ xin trên bắt. Anh Tư Luân thử truy theo một tin nhảm tới cùng, "họ nói là ai nói?", tóm một tay liên gia trưởng cũ đưa ra cảnh cáo trước dân, tay này không có gì đáng ngờ là điệp.
Bấy nhiêu cái khó mới đều có thực, đều làm căng óc mệt người. Song luồng gió chính vẫn mạnh. Cái đà xốc tới của đợt vật lộn giải phóng Tứ Nhơn còn đang cuốn người. Xong vụ gặt thiếu bồ thừa lúa, cả làng mừng hể hả. Thanh niên vừa dựng bia căm thù ghi tên những người chết vì tay địch: tấm bảng bằng hai chiếc chiếu dày đặc những tên đặt dưới gốc đa, đánh thức nỗi đau khủng khiếp mới cách nửa năm. Tất cả những cồn cào khi ngó xuống vầng sáng lạnh và chờn vờn của căn cứ Chu Lai, những cơn uất khi ngồi dưới hầm nghe pháo giã rung đất, và khó chịu nhất là cái thấp thỏm bứt rứt chờ địch càn lớn, bà con đem trút hết vào những lát cuốc đào đường hầm, xây dựng làng hầm. Càng mỏi tay càng thấy nhẹ người.
- Rên rỉ ỉ ôi vậy,Mỹ có về nước không hả?
- Ối chào, ai chạy đâu kệ họ, tôi chạy xuống sâu mười thước đất, hết Mỹ tôi lên.
- Cái anh ăn no ngồi gác miệng hầm, bom đạn chưa thấy đâu mà cái chết đói coi như cầm chắc.
- Đưa đây rờ thử đã lưng tim lưng mật hay còn đầy?
Du kích đi đóng cọc căng đây. Bà con mỗi xóm chia thành nhiều tổ, mỗi tổ chia ba kíp thay nhau đào cả ngày đêm, xuống một miệng giếng và sẽ xoi ngang hai chục thước đường hầm. Càng đào sâu khó khăn càng lớp lớp. Lát mai xắn trúng mạch nước to bằng ống tre, ộc, ào ào, chỉ kịp lượm đồ leo vọt lên thang, đi mở giếng khác. Đụng tảng đá to, đào vòng mãi bên trái không thấy hết, rẽ qua phải một chút xíu lại gặp đất thịt. Mở hẹp thì đào chậm, mở rộng lại thiếu người kéo đất lên và gánh đi đổ. Ấy là chưa đến lúc xoi ngang với tất cả những trắc tréo không lường hết. Mấy ngôi nhà tre gỗ to còn lại sau lụt đã được dỡ đi phòng giặc đốt, chủ nhà cho mượn đòn tay tre làm cần vọt, đóng thang. Không đủ. Tre sót lại ngoài bụi sau các đợt làm ấp chiến lược nay đốn hết, không đủ. Các thứ ván thừa, phản cũ, cửa gãy, rồi hoành phi, câu đối gỗ, rồi tất cả những thứ gì có thể tháo khỏi nhà được đều nối nhau đi xuống hầm, không đủ.
Bà con bắt đầu xôn xao:
- Coi bộ phải dời nhà xuống đất cái mới xong.
- Ý đừng. Địch càn vô, chụp hình, nó huyên truyền ở với Việt Cộng khổ vầy nè...
- Còn hơn nó chích mồi lửa! Độc lập, ngả cái nóng nằm phơi bụng giữa trời cũng sướng chán.
- Phải đó ta! Mấy nhà trúng pháo cháy kia, còn chết cau mít quanh vườn nữa. Dỡ nhà chôn kỹ dưới sâu là chắc nhứt.
- Đợi thử chi bộ tính sao...
Giữa cơn lốc của tình hình mới, chi bộ Tam Sa đã lên án gay gắt chủ nghĩa cơ hội và bệnh bè phái, mở đợt phát động lớn "toàn quân quyết thắng giặc Mỹ", bầu chi ủy mới. Một người ngoài cuộc đọc những câu ấy trong biên bản hẳn không thấy có gì đáng chú ý. Đối với mỗi đảng viên và đoàn viên Tam Sa, đó là mạng sống, nguồn vui.
°
Phiên cuối cùng họp trong đình làng.
Vẫn ngôi đình làng Cá nẻ nứt sứt mẻ từ trên xuống dưới mà không chịu đổ. Tường vôi nhuộm bùn loang lổ,cột kèo chơm chởm những mảnh pháo cắm lút thò đuôi, nền nhà lát gạch bị địch phá đào hào chạy ra vườn, tất cả đều đầy những vết đâm, rạch, khoét, đốt. Mái đình cong sụn xương sống, thủng sáng như sông Ngân. Có lẽ các đồng chí khác ngắm ngôi đình này đều nghĩ như tôi: "Nên dỡ lấy gỗ làm hầm, để Mỹ nó đốt uổng". Nhưng không ai trong chúng tôi nỡ nói cái đều rất hợp lý ấy.
Sân đình có những nét lạ.
Đoàn thanh niên đã dựng sẵn sân khấu cho đêm kịch hát tối nay, dưới gốc đa, rải lá che bớt phần ngoài cho tàu rà đỡ dòm. Ngay trước giàn ván, anh em đắp nhiều dãy ụ đất nhỏ hình cái chuông. Bà con thường đắp những nắm như thế trước ngõ trong mỗi dịp giỗ tết, cắm lên vài nén hương cho những ai chết bơ vơ. Sáu mươi hai cái "mả cô bác" xếp hàng ngay ngắn dự cuộc vui. Sáu mươi hai người chết trôi không tìm thấy xác vì cái ấp chiến lược khoá cổng giữa lụt, vì đạn trọng liên và pháo chụp rắc trên mặt nước, về đây lặng lẽ nói rằng mất độc lập tự do có nghĩa là mất cả đến mảnh đất chôn thây. Chi bộ đã bàn xong các việc lớn, nhưng mỗi chúng tôi thường nhìn ra chỗ sân khấu để tìm câu trả lới cho những băn khoăn còn lại.
Các vị khách đang nối nhau nói chuyện. Chị Bỉnh to lớn của Tam Trân đã lên huyện đội phó, nhắc phải làm địa đạo gấp hơn nữa. Anh trưởng ban kinh tế huyện nhắn rằng năm nay quân ta rất đông ắt phải ăn nhiều gấp ba bốn lần năm ngoái. Chị Tám Giàu thấy Tam Sa chưa chuẩn bị cho bà con giáp mặt lính Mỹ, nhiều người tưởng hễ Mỹ càn thì cả làng chạy xà đùa như hồi xưa chạy Tây.
Mấy đồng chí nữa từ tỉnh và huyện về cũng góp thêm nhiều ý kiến hay, từ lớp học trẻ em đến trái mìn chống tăng đều không thể thiếu. Cứ như vậy, quả núi công việc phình to lên mãi trước mắt chi bộ, trước năm đồng chí vừa được bầu vào chi ủy đang ngồi một dãy kia.
Anh Tư Luân chưa được nghỉ, lãnh phó bí thư chắc phải làm chủ tịch ủy ban tự quản. Năm Tuất to bè, đen trũi, bắp thịt cuồn cuộn vẫn chắc như xưa và lanh lợi hơn một ít. Cậu Năm Ri nheo nheo con mắt vảy cá, sẽ là một xã đội trưởng khá xông xáo. Cô Cang hay cười tủm tỉm một mình, không bớt cân nào, đã thạo cầm quân chính trị, lại ham các việc văn hoá xã hội. Tới Cô Hai Mẫn, bí thư mới, đăm chiêu nghe lời dặn và hí hoái ghi sổ từng lúc, Mẫn của tôi đấy. Với mái tóc kẹp đuôi chồn thả trên lưng cái áo bà-ba hơi rộng - bận thế này, biết bao giờ Mẫn mới mặc vừa áo cũ nhỉ - lại thêm bàn cao ghế thấp trông Mẫn nhỏ xíu như em học trò leo lên ngồi chỗ thầy. Cô gái vào cỡ trẻ nhất chi bộ đã được bầu với số phiếu cao nhất, hơn cả anh Luân. Đó là chuyện không dễ, tôi biết.
Một cuộc bầu, một bài học. Trước hết là bài học cho tôi.
Trong bộ đội chủ lực rất ít nữ. Chúng tôi lại hay đóng xa dân, đi đường rừng. Mỗi cô y tá hay văn công “trên về” bước vào xê mình thương thường mang theo một luồng gió thương nhớ. Anh lùi xùi vội đi mượn dao cạo râu, anh cộc cằn đâm ra mát nết, anh lười bỏ giờ nghỉ đi vác củi. Có lẽ không phải vì các cô có sức hấp dẫn gì lớn lắm- xin lỗi nhé- nhưng một cô có mặt đã gợi anh em nghĩ đến những người thân ở xa, từ bà mẹ cưng con đến đứa em gái xinh ngoan. Riêng tôi hay nhủ thầm: "Sức các cô làm những việc như vậy là quý rồi, chớ nên đòi hỏi hơn nữa".
Tôi quen nghĩ đến phụ nữ như bông hoa làm cảnh, như cây lúa nuôi người, không thay được chúng tôi là gỗ lim gỗ nghiến. Đấy nhé, khoa học cũng nhận là trai khỏe hơn gái. Về đức thì chẳng ai chịu kém ai, còn về tài cần xét kỹ xem: người đàn bà chịu mấy ngàn năm ngu dân nay nở mặt được đấy nhưng cũng phải từ từ chứ, chưa đi đã chạy thì chỉ có ngã đau.
Trên miền Nam dần hiện ra khắp nơi những cô tổ trưởng du kích, cô tiểu đội, cô thôn đội, cô xã đội. Đôi nơi đã có chị huyện đội, tỉnh đội. Tôi nghĩ: "Đúng phải khuyến khích riết đi!" Vào họp thi đua, tôi vỗ tay hoan hô chị em du kích rất hăng, sẵn sàng nhường những phần thưởng cao nhất cho họ, bởi họ cần được động viên hơn. Tôi thấy mình rộng rãi lắm. Lại còn đứng đắn nhã nhặn, rất quí các má các chị, không bao giờ ngắt lời một cô cán bộ ham nói cho hết cả tràng lý thuyết mới được học, chưa một lần cợt nhả với mấy cô văn công tỉnh đội mà anh Ba Tơ cố gán cho tôi. Tốt cả thôi.
Ấy vậy mà mỗi khi thay mặt xê mình đến làm việc với các xã đội, huyện đội, tôi cố tránh gặp cán bộ nữ. Đánh giặc phải có súng thép chứ không thể dùng súng gỗ của sân khấu. Tôi chào hỏi cô xã đội rất niềm nở, thổi phồng việc khiêng thương và đem cơm nước cho bộ đội đến mức cao nhất, còn sự đánh chác thì để dành bàn với anh xã đội. Cô xã đội dễ thương hơn anh xã đội lắm lắm, nhưng địch nó sợ đạn chứ không sợ mắt sáng môi hồng, chuyện xương máu xin đừng trông vào may rủi. Đấy, nhường cô đi trực diện chửi giặc cho khoái, binh vận nữa, cày bừa cấy gặt tha hồ còn nhúng tay vào lãnh đạo và chỉ huy thì hãy khoan một chút... Kiểu lẩn tránh của tôi bấy lâu xem chừng trót lọt, chưa vấp nặng lần nào, có chăng cũng chỉ đôi lần bị hờn lẫy,chẳng chết ai.
Tảng lý sự rất vững của tôi gần đây long lở một ít, về đến Tam Sa mới bị rã vụn. Rã vì tôi hiểu Mẫn.
Khi yêu thì dễ quáng gà ưa thấy mây năm sắc hiện quanh người phàm, đúng vậy. Nhưng tôi đã đánh giá Mẫn từ khi chưa yêu, đang tỉnh như sáo và rất xét nét, công tác là công tác không được lơ mơ. Vả chăng tôi không định yêu một người đáng phục, trái lại, tôi nghĩ một cô gái hơn mình nhiều thì nên kính mà xa vậy. Trước khi vào đại hội, anh Bảy quai nón và Tư Luân kéo tôi ra hỏi thử Mẫn có đương nổi vai bí thư không, liệu chi bộ có bầu không. Tôi nói thẳng: Mẫn là cán bộ vững mọi mặt, nhưng e rằng làm việc trên huyện dễ hơn "cưỡi đầu voi" ở một xã sát Mỹ. Tuổi quá trẻ, mau nước mắt, lại là con gái, được đoàn viên và du kích rất tin, còn chi bộ có lẽ coi trọng vừa vừa thôi...
Chi bộ đã tự tay bỏ phiếu chọn Mẫn. Mừng nhất là anh Luân, ông chú bụng như vàng ròng ấy vẫn coi Mẫn là con gà nòi của mình. Lo nhất là Mẫn. Ngạc nhiên nhất hẳn là tôi.
Ngó em không dám ngó lâu, dù em ngồi giữa mọi luồng nhìn. Cả hai chúng tôi chăm chú nghe,nghĩ, ghi, nói, chỉ ngắm nhau khi có một lũ tàu bay sà thấp qua làng, đáp xuống Chu Lai hoặc rời Chu Lai đi miền Tây, ồn nhức óc trong một phút, phải ngừng mọi việc. Những lúc ấy mắt chúng tôi gặp nhau, gửi vội cho nhau mấy tiếng: hay thiệt hè, lạ chưa, sai to rồi, cái này phải nhớ kỹ. Và khi quay đi Mẫn chớm cười ở khoé miệng để nói tiếp: "Em yêu anh, vui quá". Mẫn đẹp rạng rỡ trong ánh sáng hồng từ đâu trong tim toả lên mắt, thấm cả ra má với môi. Tôi biết hạnh phúc của Mẫn không chỉ là tôi.
Đại hội chi bộ đối với một số đồng chí chỉ là cuộc họp không thể vắng mặt. Nó là ngày hội, ngày tết của những người như Mẫn.
Cũng như tôi và sớm hơn tôi nhiều, Mẫn đã vượt qua quãng đời làm chiến sĩ mới, trong đó cái hăng say đánh giặc có thể bù đắp cho những chỗ chưa biết. Làm cán bộ từng bước lãnh việc lớn hơn, Mẫn gặp trước mắt mình những ngã ba phải rẽ cho đúng, những con sóng lớn phải bẻ lái cho kịp, những cái gút tư tưởng phải gỡ cho khéo, tất cả cứ đổ xô tới trong cơn lốc của cuộc tiến công "vừa chạy vừa xếp hàng" này. Cái băn khoăn buổi đầu về sống và chết, sướng và khổ của riêng mình đã lùi ra sau, nhường chỗ cho những phút căng óc đến đau đớn để tìm cái đúng, tránh cái sai. Đưa đội du kích về bám dân phá ấp, Mẫn không nghĩ nhiều đến tính mạng mình, nhưng câu bè bỉu "mày thí anh em làm hại bà con" nó cứa vào tin đau như cật nứa. Ngậm miệng chịu đòn ngầm của thằng Ba Thấn, được thôi nhưng phải chăng là hèn yếu? Làm sao để chặn ảnh hưởng xấu của chú Liệp mà vẫn giữ được một cán bộ lâu năm,có năng lực? Tới những điều lớn hơn nữa: giữ chắc vùng Tứ Nhơn không lùi một bước có phải là quá liều, để Nhị Lộc ở mức vùng giằng co ít lâu nữa có phải là nhát sợ? Trong cái chân lý lớn của cách mạng, Mẫn phải tự tìm những chân lý nhỏ của từng việc, từng ngày, phải dám quyết định và gánh hết trách nhiệm đôi khi quá nặng...
Qua đại hội, Mẫn mừng ra mặt. Những ý nghĩ và việc làm của Mẫn hầu hết được nhận là đúng. Còn những cái sai mà Mẫn cố chống lâu nay, chi bộ đã kết luận dứt điểm. Được cử làm bí thư, Mẫn còn sợ nhưng không từ chối nữa. Lửa rừng đã đốt các thứ rêu rác, chi bộ Tam Sa hiện ra như một tảng đá đen bóng, sừng sững trụ chắc trên vành đai, làm chỗ dựa cho mấy ngàn đồng bào chống Mỹ. Mẫn tin ở khối đá chịu lửa ấy, tin mình, tin người yêu, bấy nhiêu tin vui góp lại làm nên hạnh phúc đang sủi men trong tim Mẫn.
Anh Bảy quai nón dự họp suốt hai ngày, gần như không mở miệng. Bây giờ anh mới bắt đầu nói thì ba tốp trực thăng từ miền núi về đã kêu rầm rấm qua đầu, phải đợi.
Cũng buồn cười, nghe gọi tên Bảy quai nón người ta dễ tưởng anh cao lớn phương phi lắm, khi gặp mới thấy khác hẳn: anh gầy, thấp, vai hơi khòm khòm, da mốc tuy mấy năm qua ít ở hầm, nói giọng trầm và hơi cà rà, chỉ có bộ râu quai nón rất rậm là xứng với tên. Anh về làm việc với chi bộ Tam Sa đã năm lần, hay gặp hỏi riêng từng đồng chí và vào các ấp thăm đồng bào, kéo anh Tám Liệp cùng đi.
- Tôi xin thêm ít câu về cái đuôi còn nòng nọc...
Chi bộ xôn xao, cười, rồi lắng tai.
- Tôi nghĩ chi bộ ta cảnh cáo đồng chí Liệp và kéo dài hạn dự bị của đồng chí Quì là đúng.Không thể làm khác được. Giữa lúc bận việc tơi bời túi bụi mà chi bộ dành hẳn một buổi để phê phán đồng chí Liệp, rút ra bài học chung, quý lắm đó. Bây giờ đến phần của huyện. Mỗi lần gặp riêng huyện ủy, nhiều đồng chí phàn nàn ông bí thư cản mũi kỳ đà, ông chi ủy quanh năm vắng mặt, nhờ huyện cất chức hay rút đi nơi khác. Huyện cứ để nguyên. Gần đây, sau khi bị Ba Thấn chơi một vố phản chủ, đồng chí Liệp muốn xin về một nghành ở huyện hay ở tỉnh. Chúng tôi từ chối. Vì sao?
Một mảng bóng nào đó làm tối đôi mắt sắc và hay nheo mỗi khi anh đùa tưng tửng. Lúc này anh không đùa. Ai cũng biết anh với Tám Liệt là bạn cũ hồi đánh Pháp. Anh nói to hơn:
- Giữa lúc bà con Tam Sa gọi đồng chí Liệp là ông cách mạng kẹp dù, ông lộc bình xưa cần đem cất kho, giữa lúc các đồng chí khác phải lo xoa dịu nhưng thắc mắc đối với ông chủ tịch thì đồng chí Liệp buộc tội tất cả. Một lần nghe đồng chí kêu Tư Luân với hai Mẫn mưu giành quyền, làm đồng chí mất uy tín, tôi buộc lòng phải nói: "Anh còn uy tín đâu nữa mà mất! Dân ta theo đảng đánh giặc hai chục năm ròng đâu có chịu cho ai làm quan làm giàu trên xương máu của mình!" sau mấy lần thức đêm khuyên nhủ, tôi chỉ biết có chi bộ Tam Sa mới giáo dục nổi đồng chí... Cắt chức, đồng chí sẽ kêu om là cấp trên mù quáng. Rút êm đi à? Đi đâu đồng chí cũng sẽ coi mình là ông chủ tịch Tam Sa đã nhiều năm đứng mũi chịu sào, lo kiếm địa vị, kéo bè cánh, kìm bước tiến chung không cho vượt mình. Những người còn ít nhiều tin ở đồng chí sẽ ngờ chi ủy hất cẳng nhau, huyện ủy không công bằng, và sẽ mang đủ các thứ bệnh đồng chí truyền lại. Không được! Không thể để đồng chí biến chất hơn nữa, làm người khác biến chất hơn nữa! Anh Liệp...
Anh Bảy thở hổn hển. Một luồng nắng qua mái nhà rọi chéo trên mang tai anh làm nổi một một sợi gân to, xoắn, làm trắng hẳn một mảng tóc hoa râm.
- Hai chục năm chẵn...anh với tôi gặp nhau hồi vác dao phay đi lấy phủ Tam Kỳ, cứ tiếc hoài không lính Nhựt để chém cho đã. Rồi bày mưu tính kế với nhau đi bộ đội Nam tiến đánh Tây, bị thiếu cân thiếu thước cũng lăn vô đòi khám lại. Học lớp tự vệ ở phủ, có tay khố đỏ cũ vừa dạy vừa chửi, tụi mình phê thẳng, buộc phải sửa. Hồi đó anh ham giết giặc, vui, cương trực, anh ghét những ai theo cách mạng để kiếm chác phần mình, kêu là "tụi đi hôi của", đúng không? Bây giờ anh khác lắm rồi... Hôm qua anh nhận lỗi trước chi bộ mà không hứa gì hết. Tôi hiểu anh muốn đi cho khuất, bị kỷ luật rồi ngó mặt anh em bà con cũng dị(2). Đừng, anh Tám à. Tụi mình đầu hai thứ tóc rồi, lăn lộn với phong trào đã lâu, đừng tự ái vặt nữa. Huyện ủy dặn tôi mà riêng tôi cũng tính vậy, nói anh cứ ở lại Tam Sa, giúp ủy mới lãnh đạo cho tốt, anh lỡ xả rác thì bây giờ phải dọn. Anh làm được vậy, bấy nhiêu đồng chí ngồi đây còn trọng anh hơn trước nữa kia. Tới đó, anh có đi công tác khác thì đồng chí đồng bào cũng trầm trồ nhắc miết anh, từ cái công đứng ra lập đội Tam Sa, tới tinh thần sửa lỗi của người cách mạng. Anh có hứa vậy không? Dám hứa không?
Từ nãy, anh Tám Liệp ngồi thu hình trong góc, cúi mặt. Câu hỏi ném tới gay gắt nhưng rõ là đẫm thương yêu, làm anh giật mình. Anh từ từ đứng dậy, chớp mắt, mắt anh sâu và thâm quầng. Anh ngó quanh một vòng. Không một nét giận hờn nào trên những khuôn mặt đang quay lại với anh. Khắc khoải đợi ở anh một câu trả lời bật ra từ đáy lòng. Núm cổ anh trồi lên hai lần trước khi anh máy môi, run run:
- Tôi... cảm ơn các đồng chí...
Anh nín lặng, ngó lại một lần nữa anh Bảy quai nón bạn cũ, anh Tư Luân đã đưa anh vào Đảng, Hai Mẫn con nuôi anh với vẻ xót xa hiện rõ trên mặt trẻ măng, Năm Ri và Chín Cang mà anh đã gạt đi không chịu đưa đơn xin kết nạp ra trước chi bộ, tất cả đều muốn anh trở lại là người bạn, người chú của họ. Anh tiếp, giọng chợt vững hơn:
- Mấy hôm nay tôi nghĩ nhiều, lộn xộn. Khi thì ăn năn thấy mình sai quá, khi lại trách các đồng chí nặng lời. Tôi cũng tính bỏ đi xa, đỡ mất mặt... Tối qua, họp xong đồng chí Luân với cháu...đồng chí Mẫn còn giữ tôi lại khuyên nhủ miết, ngại tôi nản, bỏ cuộc. Cảm ơn các đồng chí... Xã mình bước vô đánh Mỹ, tôi xin ở lại với chi bộ, lãnh bất cứ việc gì lập công chuộc tội. Tôi lỡ làm sai nói ẩu nhiều rồi, chắc các đồng chí khó tin, có điều...dù sa sút đến mấy tôi cũng không rời Đảng được đâu, mất Đảng thì đời tôi không còn gì nữa...
Anh muốn nói thêm nhưng cổ tắc nghẹn, chỉ lặng lẽ ngồi xuống. Bẵng đi mươi giây, tiếng vỗ tay bỗng bật ra, không rầm rộ như khi nghe thành tích nhưng kéo dài. Một kiểu vỗ tay trầm ngâm, hơi khác thường.
Anh Bảy khòm khòm bước lại tấm bản đồ khu vực Chu Lai vẽ to ghim trên phông, tìm khúc que cầm tay, quay lại:
- Bây giờ tới việc đánh Mỹ. Tôi xin báo cáo nhận định của tỉnh ủy về cái Chu Lai và chủ trương mới...
Pình!Pình!
Hai tiếng nổ bùng liên tiếp trên không, trầm và dội xa hơn tiếng pháo chụp, kéo theo một chuỗi rầm rầm rắc rắc của núi lở: một cặp phản lực xẹt xuống Chu Lai. Ngói nhảy rổn rảng. Tiếng ồn chưa dứt, một bàn tay nào đó bỗng đặt trên vai tôi, bóp mạnh. Tôi quay lại, suýt reo to.
Anh Ba Tơ!
Sau lưng anh nhô ra một bộ mặt vừa thật vừa tinh quái của chú Dé. Cả hai choàng dù kín người, bốc mùi mồ hôi nồng và khỏe của lính chủ lực, cười cái cười nháy nháy lấp lửng của cánh ta khi sắp ăn ngon một trận mà chưa tiện nói. Gặp những nụ cười kiểu đó, tôi không hỏi nhiều, chỉ đấm cho ít trái và trút hết chất tươi trong ba-lô ra cho anh em chén.
°
Vừa xong buổi lễ phát động chống Mỹ, tôi kéo anh Ba Tơ về nhà, không xem kịch hát. Anh Ba Tơ ghé qua H.68,ở đấy có một đoàn cán bộ sắp về vùng Chu Lai, anh muốn gặp riêng tôi nên bươn bả đi trước, qua sông Rù Rì bị tàu rà thổi cho một cặp rốc-két. Tôi rất mừng khi biềt xê mình sắp về đánh cái trận thử sức mà anh Điển dặn tôi chọn chỗ.
Đêm nay liên hoan to lắm. Xã đoàn thanh niên dám chưng tới bốn đèn măng-sông, đặt người cầm thùng thiếc đứng canh, nghe tiếng cốt sừng trâu báo động là chụp kín đèn. Ngót một ngàn bà con tới xem đều mang theo đệm rơm chống mảnh pháo, ban tổ chức đón ngoài cổng chia các khúc hào mà địch để lại khá nhiều. Tôi bỏ xem cũng tiếc, bởi Mẫn sẽ ca bài chòi, nhưng nóng hỏi xê mình quá, còn ngại đoàn H.68 về sẽ bận chúi mũi, đành nhịn.
Nhà mẹ Sáu có người. Để tránh nạn thì tháo giữ miệng, tôi đưa anh Ba sang nhà Mẫn, bộ đội về làng đến gặp xã đội là phải. Tôi nhấc cái nong thay cửa, thắp đèn, thu thú khi đóng vai ông chủ trong căn lều nghèo xác mà khó vào này.
Đến đây lần đầu, tôi thấy Mẫn hơi gàn. Ba chị em treo võng ngủ đâu chẳng được, nhà cửa mang trên lưng là gọn nhất, công đâu dựng chòi cho địch đốt uổng. Dần đà tôi mới hiểu. Dù nhỏ, rách, có khi suốt nửa tháng không ai về đỏ lửa cái nhà vẫn là nơi đợi cha thờ mẹ, là cái tổ nhỏ cho ba chị em họp lại bảo ban nhau, không ra bầy trẻ lang thang vạ vật. Mẫn không nhờ, cũng cấm các em nhờ vả bà con trong xóm. Mẫn đã từng nói ngang tàng với chị Tám trong khi ngồi trên mái lợp nhà: "Lấy chồng để dựa à? Biết ai dựa ai! Bớt công tác một chút, em dám lãnh nuôi ba bốn trẻ mồ côi nữa cho coi. Chỗ dựa tinh thần là sao? Nhiều anh mới ra trận, hàm răng đánh bồ cạp lốp cốp, cứ níu em: là-là-làm sao chị Hai, cái nổ-nổ-nổ lực nó mạnh dữ ác vậy... Chị Hai phải vỗ lưng miết, các anh mới bớt sợ!". Mẫn cười ngất.
Tôi nhen lửa nấu nước. Anh Ba Tơ pha chè núi nấu thành cao mang theo, bỏ ra một xấp thuốc Thượng nguyên lá vàng hươm. Tôi uống mê mẩn từng mẩu chuyện cóc nhảy của anh Ba.
Trung đoàn mình được danh hiệu trung đoàn thép. Mới học xong Lời kêu gọi của trung ương, ai nấy phừng phừng chực đánh Mỹ, xê thằng Long đốt lửa thách tàu bay Mỹ tới chọi nhau, nó không tới. Rẫy xê mình bị chất độc hai keo, cứu được phần lớn. Anh em tập bắn phản lực, bay ngang bắn đón đầu, biết bao nhiêu không, có khi đón tới hai mươi sáu thân tàu bay! Thằng Xứng trúng bụng mảnh cối, có nhắn thăm mày, chôn Sa-huỳnh. Ủa, cái thằng, xê mình hốt gọn một xê lính dù ở Sa-huỳnh, được Chiến công hạng nhứt, không biết à? Chút xíu quên, Năm Cẩn gởi mày một lon tiêu, làm lương khô hay vợ ăn đẻ tùy mày, nó nói mày về Tam Kỳ lâu vậy chắc cưới vợ sắp có con rồi. Quân số bây giờ có thừa...
Qua khói thơm của điếu xì-gà gộc, anh ngắm bộ mặt ngạc nhiên của tôi. Chỉ vài tháng mà lắm cái mới quá sức. Anh còn để dành một cái mới nữa:
- Các ổng nhấc tao lên dê phó, mày lên xê trưởng. Phần tao mày biết đó, nắm một xê còn miệng hô tay vẫy được, lên cái anh tiểu đoàn sao nó to quá,ngó không trùm kêu không khắp, tao ngán. Thôi cũng đành. Tao chỉ băn khoăn cho mày. Họ tính rút mày về tham mưu, làm tác huấn hay quân báo gì đó, ưng không?
Anh lại kéo mấy hơi thuốc, thưởng thức cái vẻ bối rối mà tôi không muốn giấu. Anh biết tôi ngại về cơ quan, nhưng ít cãi giằng co khi bị điều.
- Trâu già chẳng nệ dao phay, tao lên trung đoàn bênh mày riết. Tao nói mày đổ máu con mắt ra xây dựng xê mình,nhớ từ cây tuyn gãy báng đến con cậu liên lạc bị còi xương, anh em tin mày, các ông xốc xới hàng cán bộ vậy lính nó kêu lắm. Số chỉ huy cứng có ít, các ông thấy ai đánh khá thì một hai rút về bàn giấy, tới khi nó lớ ngớ hỏng việc lại xách nó thả chỗ khác,hư hết người. Cái trung đoàn bộ phình to quá rồi, đơn vị cũng như người, hễ to bụng là đâm ỳ ạch, đưa bớt xuống cầm súng dài cho anh em nhờ. Tao nói ngang vậy các ông trung đoàn lại nghe lọt tai mới kỳ. Bây giờ tao còn nắm xê mình, mày về gấp để tao bàn giao. Vác ống dòm coi Mỹ hoài, chắc ngứa tay lắm hả?
Tôi nhấp chén nước chè thơm đắng, bâng khuâng khó nói. Được ở lại xê mình, ngon rồi, nhưng muốn ở thì phải làm trưởng phải thế chỗ anh Ba Tơ. Tôi thường lãnh trách nhiệm mới không mấy khi đắn đo, biết mình có sức gánh nổi. Lần này, tôi nghĩ ngay đến cái tủi hổ của người chỉ huy mỗi khi anh em trong đơn vị cố ý nhắc mãi những mặt giỏi mặt tốt của thủ trưởng cũ, để nhấn rằng người thay còn kém xa. Tôi nhìn khuôn mặt đầy mụn cá và to ngang, biết còn lâu tôi mới theo kịp anh Ba Tơ. Gay lắm.
Tên thật anh là Nguyễn Ba. Để khỏi lẫn, đồng đội ghép cho anh vô số cái đuôi rất quấy: Ba Gai, Ba Lăng Nhăng, Ba Bị, Ba-ri-e, đủ trò, sau anh phải tự đặt là Ba Tơ. Dính lâu nhất là tên Ba Giấu cùng với cái tích buồn cười của nó.
Quãng đầu 63, anh đưa về Thăng Bình một bộ khung cán bộ rất mỏng để xây dựng đại đội. Anh dẫn quân luồn sâu xuống vùng biển, "huậy" gắt, rút thanh niên, quyên lúa, đánh giặc kiếm súng. Trên hỏi, lần nào anh cũng trả lời rất bí, chừng như chẳng làm ăn gì được. Sau đảo chính Diệm, trung đoàn rút C.215 về, chao ôi, cả một đại đội no quân số, có cả cối 60, đại liên! Trung đoàn đã biết trước nhưng kiểm tra mãi không nắm được con số đúng, nay anh mới hết giấu. Anh phân trần: "Tại các ông cứ hăm he rút sớm, mình phải giấu quân, giấu súng, giấu lúa, cũng là giấu cho cách mạng chớ đâu cho mình!". Nghe anh báo cáo mà ban chỉ huy trung đoàn cười bò ra, đặt cho anh là ông Ba Giấu, cử Năm Cẩn về làm chính trị viên, soát lại giàn cán bộ, cho học một đợt, và xê mình từ đó ngày càng ăn nên làm ra.
Chẳng nói gì nhiều, riêng cái tài bắn của anh đã đủ cho tôi học mọt xương. Anh không chỉ bắn giỏi, phải gọi anh là nghệ sĩ bắn. Với cây Côn 45 có hai nòng dự trữ, một bao đạn chọn đúng thứ đóng hộp năm chục viên và dán nhãn pistol, anh hay biểu diễn cho chúng tôi xem tất cả các kiểu bắn có thể nghĩ ra: bắn nhắm mắt, bắn ra sau lưng, bắn qua túi quần, bắn khi đang nhảy qua tường hay qua hào. Xem vết đạn trúng đích mà kinh, nhưng ngắm người bắn lại mê, tay anh dẻo và đẹp lạ. Khi xung phong, cây súng ngắn của anh được tính xấp xỉ một tiểu liên. Anh bắn thạo tất cả các loại súng thường gặp, cả cối 60 và ĐK.57. Bao nhiêu lần chúng tôi đã đuổi địch dưới làn đạn chỉ đường và mở đường của anh đại đội trưởng, hoặc reo ầm khi một trận mưa cối chợt xé nát cụm giặc chặn phía trước!
Còn nữa. Còn lúc xê mình đang đi đường rừng giữa căn cứ, bỗng nghe bộ phận dẫn đầu bắn lốp bốp, báo truyền gặp địch, rồi đạn to nhỏ từ phía trước ầm ầm đổ tới, rung cây chặt cành. Địch bao nhiêu quân, ở đâu, dàn cách sao, rình sẵn hay thình lình húc nhau? Anh em tản rộng, nép sau các gốc cây, lên đạn, trong khi anh Ba Tơ đứng im đấy, mặt lì ra, miệng đếm lẩm nhẩm. Không thể bàn hay giục trong mấy chục giây rất nguy hiểm ấy, anh sẽ quyết định một mình, ăn vua thua chịu. Anh quay lại hét: "Thiêm, nắm bê Một đánh vỗ mặt, trụ chắc nghe! Các bê theo tôi!". Tôi lao lên đầu vẫn tự hỏi: "Sao anh dám liều?". Anh dẫn hai trung đội luồn rừng khá xa, dàn cẩn thận thốc vào đúng cái chỗ có bộ đàm gào và súng cối phọt đạn tùm lum, diệt bộ phận chỉ huy và đánh tan cánh quân giặc. Sau đó anh phải mất nhiều công giảng giải, chúng tôi mới hiểu anh nghe súng nổ thế nào mà nhận ra địch có một tiểu đoàn đụng ta trong khi xuyên núi, đang duỗi dài như rắn và nằm bắn bậy ra hai bên. "Tiểu liên nó cắc cắc trước, rồi súng trường, chặp lâu mới có trung liên, tiếp đại liên với cối, phải chưa? Súng bắn như xay lúa mà đạn bay về phía mình có ít, phải chưa? Không nghe cối tám mốt nó giã rung núi à? Hồi ở Hạ Lào mình với Tây lội rừng tông nhau miết..". Tôi sẽ xử trí được như anh không?
Vẫn chưa hết. Những so sánh đáng sợ cứ níu nhau tuôn về.
Năm kia, sau một trận tập kích ban ngày, anh Ba cự té tát vào mặt tôi rằng tôi cho trung đội tiến quá chậm, tới chỗ chạy thẳng lưng được vẫn còn bò như rùa, để địch sẩy cả mớ.Tôi cãi không tiếc lời. Hai trung liên địch trên gò quạt xuống nóng rát cả lưng anh em, cho chạy lên để nướng lính à, ông nói ẩu vừa vừa chớ. Không ai chịu ai. Anh Ba kéo cả cuộc họp cán bộ ra chỗ đánh - cách hơn ba cây số- đặt hai trung liên ngay trên hai đống vỏ đạn của địch nhả ra, mời từng đồng chí nằm ngắm thử: đường tiến cũ của chúng tôi khá kín nhờ một múi gò che đỡ, đạn phải đi cao quá đầu. Anh còn thách tôi bắn trúng anh chạy thẳng lưng, hoặc tìm trên thân cây được một dấu đạn xuống dưới hai mét. Tôi thử đủ cách rồi chịu thua, xin nhận kỷ luật. Anh lại gắt lần nữa: "Cái thằng, mỗi lần đạp cứt một lần chặt chân đi à?". Trong chiến đấu, những chuyện như vậy là cơm bữa, qua nửa tháng mọi người đã quên ráo, nhưng riêng tôi nhớ mãi để không bao giờ phạm lại.
"Anh em tin mày...". Có lẽ anh em tin tôi ở vai trò đại đội phó đấy thôi. Cậu Sanh chính trị viên phó mất đi chưa có người thay, tôi gánh một phần việc của cậu nữa. Đúng là tôi lo việc quản trị được khá, câu lạc bộ quay lên rôm rả, chịu khó dạy văn hoá, lên lớp các bài lý thuyết quân sự cũng xuôi chảy, từng lúc anh Ba Tơ nắm đơn vị không mắc lỗi gì nặng. Anh em tin ở giáo Thiêm, bầu Thiêm, tay Thiêm "lão binh trí súng" và "lão nông tri rẫy", được thôi. Nhưng tất cả bấy nhiêu hoa lá làm sao thay được cái gốc lõi là tài cầm quân đánh giặc?
Tôi nói thẳng mối lo ấy với anh Ba Tơ. Ngoài sân đình, tiếng đồng ca chợt im, hai chiếc trực thăng rọi đèn pha dọc đường. Một đang kéo qua, cái chổi sáng quét chéo xuống rung rung nhảy nhảy. Anh Ba Tơ châm điếu xì-gà mới, buông gọn:
- Mày coi ai khá, mách miệng đi, các ổng đưa về xê mình cho lẹ.
- Tôi có nắm cán bộ đâu mà biết!
- Vậy cấp trên nắm, thấy mày làm được, lo cái gì. Tao với Năm Cẩn sợ mày kiêu, không nói ra, vậy chớ bàn lẻ với nhau mày lên xê trưởng là đáng. Hồi đầu năm anh Đạt hỏi ý riêng tụi tao nên lấy ai thay thằng Long bị đạn qua phổi, tao bàn rút mày về phụ trách cái hai năm lăm, sau thằng Long ra viện còn đánh được, các ổng thôi. Mày rồi cứng hơn tao... Thiệt chớ. Tao quen đánh đường rừng kiểu chín năm, giờ chơi với ngụy còn được, sắp tới đánh Mỹ coi bộ tao lạc hậu nhiều bề Thiêm à. Thằng Mỹ lắm cái mới, anh em mình phải động não gắt mới ăn được nó, mà tao ít chữ nghĩa quá, đầu óc đặc sệt học không vô, chưa biết tính sao đây...
Anh không còn khuyên tôi nữa, mà đang nhắc lại một nỗi khổ kéo dài của đời anh, vào bộ đội mới thoát mù chữ. Suốt những năm tôi được học ở nhà trường kháng chiến, anh lặn lội đánh giặc ở Tây Nguyên, Hạ Lào, che chở cho lớp đàn em lớn lên trong vùng tự do. Tôi biết chỉ nên nghe, không nên bàn góp bằng những câu anh có thể nói hay hơn tôi.
- Cách nửa tháng tao đưa anh em đi săn tàu bay thử một buổi. Chỗ đèo Eo Gió, phản lực đi đánh miền núi cứ xẹt qua xẹt lại như them thém. Anh em mới học lý thuyết bắn phản lực, ham lắm, tao cũng muốn tập chỉ huy. Một đại liên, hai trung liên, thêm một tổ yểm hộ ở đồi khác... Mày biết không, đón đầu bốn lần bắn trật cả bốn. Tao đổ mồ hôi hột đó Thiêm. Xạ thủ Ba Tơ mà đốt đạn lấy tiếng nổ, nhục quá. Tao lắp riêng một băng Ba(3), hai viên thường một viên khói, đơm súng đợi. Bỏ tụi đi cao, lựa miết mới gặp mấy thằng Thần Sấm phóng tới, tao rẹt thằng gần nhứt. Cha mẹ ơi, đường đạn vuốt mây vuốt gió chớ đâu vuốt được đuôi nó, lọt đằng sau tới mười phân là ít! Còn may tao phục đường về, tụi nó hết xăng hết bom không quần dai, chỉ xịt đùng ít trái rốc-két... Đó, tao lên lớp cho anh em cứ nhắc miết: học yếu lĩnh mới phải rán bỏ tật cũ, bây giờ chính tao không sửa được cố tật bắn tàu bay cánh quạt, lâu năm quá rồi. Còn nhiều gay cấn nữa Thiêm à. Mày hơn tao ở cái hăng, cái mới, cái khoa học. Anh em giữ được mày ở lại xê mình, hỉ hả lắm. Tiểu đoàn trung đoàn thì quý mày đánh gan mà chăm học chăm làm. Mỗi lần tao tự do du kích hay là nổi khùng cãi bậy, các ổng lại giễu tao ngoài bốn mươi mà không chín chắn bằng đứa thanh niên...
- Chà, thủ trưởng lên cơn khiêm tốn quá ta!
Tôi đùa để cắt ngang cái đà tự vạch lỗi của anh Ba. Anh "hự" một tiếng bực dọc, rồi cười:
- Thì cũng nói cho thấu lý vậy, tao ở tiểu đoàn còn trị được mày chán chê... Trước tiên là tội phá sức. Mày đen thui, ốm nhom, coi thiệt ớn.
Anh đưa tôi cái gương con, càu nhàu:
- Về địa phương vậy đó, làm thì trăm việc tới tay, ăn thì đồng chí chịu khó thắt lưng buộc bụng. Đánh Mỹ bây giờ phải bôn tập từ xa, cõng năm chục ký chạy năm chục cây, mày theo sao nổi? Các cha mượn được người là vắt cho kiệt, hết xài được mới trả cái vỏ chanh. Tay nào bí thơ ở đây? Tư Luân chớ ai nữa! Để lát tao hỏi nó, quen cũ mà tao chẳng nể đâu.
Tôi nghĩ đến cảnh hai ông gia trưởng đụng nhau, cười xoà.
- Bí thơ là cô Hai Mẫn, thương lính lắm anh ơi!
- Úy, con nhỏ chút xíu mà... Chi ủy có nếp có tẻ là vừa, nâng đỡ kiểu đó sụn lưng con gái à! Mà thiệt, dạo chống lụt nó chú chú cháu cháu ngọt như chè hai, hồi nãy gặp tao nó hỏi mấy tiếng ấm ớ rồi lủi mất. Nó bắt chước tay Liệp làm phách cho oai hay sao chớ!
Chết không, anh cán bộ huyện đội Tam Kỳ năm xưa trở lại, lạ nước lạ cái quá đỗi. Tôi phân trần giùm Mẫn rất vội, sợ bất chợt cô em về bị anh nạt cho mất mặt, dần dà lái được câu chuyện sang hướng khác, đùa rằng ở đây các cô chưa chồng đạt tiêu chuẩn bốn tê - đủ sức tự túc và tiếp tế - còn đông lắm, phải cho các cậu "bộ đội phòng không" trong xê mình ở lại bám vành đai ít lâu, ai chứ cô bí thư chắc mừng hơn cả. Ấy cũng là mở đường để nói thật với anh câu chuyện của hai chúng tôi.
Vừa tới đó thì Mẫn bước lên thềm. Chú Dé và Út Hoà đi sau, cười rúc rích.
Trông Mẫn lạ hẳn đi. Mượn đâu được cái áo pô-pơ-lin trắng vẫn rộng hơn người, có lẽ sợ bẩn áo nên Mẫn cầm các-bin và nịt đạn trên tay. Tóc chải dầu dừa, tết hai bím thả trên ngực căng tròn, chắc hôm nay Mẫn không bó ngực nữa. Mẫn tươi ra nhiều, xinh, ừ mà xinh thật, vừa có cái vẻ thẹn thò muốn làm dạn của cô gái đôi mươi, vừa nghiêm nghiêm như bí thư bước vào cuộc họp, khác lắm.
Mẫn khép nép "chào chú", treo súng và nịt lên đầu con sẻ, vẫy ngay Út Hoà ra sân thì thào cái gì, rồi cả hai băng vườn qua nhà mẹ Sáu. Càng lạ nữa. Tôi đánh trống lảng, trêu chú Dé bằng mấy câu tiếng Co sai nát. Dé đã lên tiểu đội phó trinh sát nhưng vẫn trẻ con lắm, Út Hoà dễ thân là phải.
Chừng mười phút sau, Mẫn lễ mễ bê một nồi cháo vào, Hoà bưng cái mâm đầy thịt gà xé phay và gỏi mít non. À, à, một ai đó đi xem kịch đã báo cho Mẫn rằng anh Thiêm dẫn chú Ba Tơ tới nhà cô, đang đợi ở đấy. Mẫn nhờ mẹ Sáu về trước nấu giúp cháo gà, Mẫn xong phần việc của mình sẽ về mời chúng tôi. Còn cái dáng bẽn lẽn kia...thôi chết, hèn gì, Mẫn tưởng chú Ba Tơ thay mặt đơn vị đến hỏi Mẫn cho tôi! Có thể Mẫn hiểu lầm từ ban chiều nên giữ thế thủ và lẩn mặt, càng hiểu lầm vì chúng tôi đàng hoàng vào chiếm chỗ này như Mẫn đã làm dâu bộ đội trăm phần trăm!
Tôi gặp ngay đôi mắt Mẫn: thương, trách, nũng nịu một chút, và "em lì cho coi". Tôi lắc đầu, cười, nói luôn:
- Anh Ba về bàn phối hợp Mẫn à. Ảnh nhất định đòi tới nhà xã đội cho đỡ lộ bem, té ra trúng chầu cháo gà, ma cũ không thiêng bằng ma mới đó nghen!
Anh Ba Tơ đã hết bực, cốc nhẹ vào trán Mẫn:
- Chồng con gì chưa, Mẫn? Tao mới nghe mày lãnh cái bí thơ, đang lo giùm đây, chắc con Hoà lấy chồng trước chị nó quá!
- Chú!
Chúng tôi không đợi mời, ăn như rồng cuốn. Mẫn rạng mặt như tất cả các bà chủ nhà của ít lòng nhiều, luôn tay múc cháo, nhắc chú Dé "ăn nữa đi em" bằng cái giọng rất chị Hai. Còn Út Hoà cứ trêu Dé và cười rũ: "Anh ăn chút chút, bằng nhau con gái!".
Mãi đến hôm qua tôi mới thật vỡ lẽ vì sao Mẫn sợ bị ép uổng. Tôi đi với anh Tư Luân coi khúc địa đạo đầu tiên xoi thông, hai đầu mối cưỡi lên nhau nhưng sửa dễ. Sau khi leo lên, tôi kể luôn tin sốt dẻo của chúng tôi. Anh đứng ngây ra, mắt chói nắng hấp háy. Mảng muội đèn dưới mũi cũng cựa quậy. Anh há mồm một lát mới bật ra tiếng cười khớ khớ, phát lưng tôi một cái:
- Thì mình gả nó cho lão lâu nay mà. Tưởng lão chê, hoá ra mắt tai lão còn tốt. Nghe nói các nước người ta họp con gái lại đấu xảo, thiệt không chẳng biết, có vậy mình dám gửi Hai Mẫn đi liền... Có điều, lão non tay ấn rồi. Thầy pháp sợ ma rồi. Nghề con gái, ưng muốn chết nó cũng phải làm điệu, ừ lập tức sợ người ta coi rẻ. Con Ba nhà mình đó, hẹn hò trót năm với thằng Liễn ở bộ đội tỉnh, tới khi cưới nó cũng than thở là anh Liễn bôn quá, là cha mẹ thương anh Liễn buộc nó lấy chồng, chớ nó tính chờ thống nhứt kia. Mình bày lão cứ cưới phứt, quyền ở lão chứ quyền gì nó, thương nhau cho đủ biên lai tồn căn đi. Lão để lâu sẽ sanh ra nay giận, mai hờn, mốt đòi đổi gác, rối óc mệt người lắm, bà con lại chê là mèo mả gặp gà đồng. Mình kiến nghị với lão một điều thôi: cưới xong lão cho nó ở đây gánh vác phong trào ít năm nữa. Lấy bán than thì phải lên ngàn chớ sao, ác cái chỗ mình kẹt cái khâu cán bộ quá, lão thấy rồi đấy... Nó sợ có con à? Tào lao. Coi bà Bỉnh Tam Trân đó, đẻ cứ đẻ, công tác vẫn cứ công tác. Chị Út Tịch anh hùng cỡ lớn đó. Cả làng Cá không nuôi dùm nó được vài đứa con sao? Cưới ào đi. Ngày xưa người ta đạp cửa vô buồng rồi cũng ăn đời ở kiếp với nhau, con đàn cháu đống. Hễ lão nhịn, con hùm đó dám bắt lão đợi đủ chục năm, nó dựng vợ gả chồng cho em út xong hết mới cho lão cưới à!... Dễ thôi, lão yếu bóng vía cứ để mình đả cho nó thông. Mèo già thì chó cũng già, mi cầm duyên nó mi đà được chi! Lão nhắm thằng nào cưới được?
Tôi ngẩn người khi nghe những lời chí tình mà rất chói tai ấy. Chao, những lề thói cũ còn mạnh đến vậy ư? Tôi quên mất chùm dây leo của phong tục ngày xưa vây quanh người con gái, đã lỏng đi một chút phần nhưng ta bận đánh giặc liên miên chưa kịp dọn dứt gốc, ấy là chưa tính tới các thứ luật hôn nhân và gia đình của địch vun đắp thêm vào. Cái lý nó móc xích khá rõ. Mẫn thú nhận yêu tôi, coi như tôi đã bỏ miếng trầu vào ngõ nhà Mẫn rồi. Một miếng trầu cũng dâu nhà người, tôi xỏ mũi dắt đi càng sớm càng hay, cưới vợ thì cưới liền tay mà. Tôi sẽ bắt Mẫn về nhà tôi, thuyền theo lái gái theo chồng, lơ mơ thì vợ tôi tôi trị, không ai được xía miệng vô. Bỏ mẹ, sao cái quyền nắm dây cương của tôi lại to quá vậy? Ngay anh Luân quý Mẫn hơn ai hết,hễ bàn tới đạo vợ chồng cũng nhận ngay tôi là ông chủ, chỉ mong tôi rộng lượng cho Mẫn ở lại Tam Sa làm bí thư thêm ít lâu! Và cả Mẫn nữa, ngày mới quen còn khá ngang tàng, từ khi yêu tôi bỗng đâm sợ sệt, bởi chưa biết tôi sẽ thống trị Mẫn ra sao... Ở bộ đội, ở những nơi lứa trẻ tuổi sống chung với nhau đông đúc, chúng tôi được học về luyến ái quan mới, về bình đẳng giữa gái và trai.Còn trên mảnh đất hết lụt đến lửa này, từng ngày phải chọi với địch để sống còn, ai lại đi gợi những chuyện ấy cho thêm rắc rối sự đời!
Thế nhưng cuộc sống tự nó cũng thải bớt những cái lỗi thời. Từ ngày về Tam Sa, tôi chưa hề nghe nói tới một chỉ thị nào về cán bộ nữ, rốt cuộc chi ủy mới năm ngoái vẫn có hai cô rất trẻ, được bầu không phải vì cần "có nếp có tẻ" mà vì họ thực sự có bản lĩnh. Từ coi trọng cán bộ nữ về mặt chính trị tiến tới coi trọng người phụ nữ nói chung trong nếp sống nếp nghĩ hằng ngày, khoảng cách hình như không xa lắm. Có lẽ vì thế mà khi tôi khuyên anh Luân đừng vội đả thông Mẫn, anh ngẫm nghĩ rồi cười:
- Cũng phải. Con nhỏ không vừa đâu, ép nó, nó lý cho mình cứng họng liền. Ngựa hay thường có chứng, lão ráng trị cho khéo mà dùng, đừng bỏ uổng. Hồi nào bí tụi mình xúm vô giúp lão.
Nhớ câu chuyện hồi ấy, tôi ngắm Mẫn và buồn cười: ban nãy cô em định sa tiền hay đá hậu đấy? Bây giờ êm rồi. Mẫn ngồi trên góc chõng tre, trao từng bát cháo cho chúng tôi, mủm mỉm nghe chuyện dây kẽm gai căng giữa các ngọn tre chống trực thăng ở Tiên Phước và diều giấy cản đường phản lực ở Điện Bàn, thỉnh thoảng đôi mắt đen lại trùm lên tôi một vầng sáng biết ơn. Được đánh giặc, được yêu, Mẫn chỉ cần bấy nhiêu để vui trọn một đời không hết vui. Mỗi lần chúng tôi nhìn nhau qua khói cháo gà, lại thêm một giọt nữa gieo vào bình vui chung của hai đứa để dành. Rượu quý càng để lâu càng nồng men thôi.
- Cái thứ áo giáp đó Thiêm à, tao bắn thử rồi. Đạn Côn xa mười thước không lủng, còn A-ca, Xê-ca-xê đùi toác hết. Thứ đạn ít thuốc mà xuyên mạnh khiếp. Mẫn thử chưa?
- Cháu đã thấy đâu mà bắn,anh Thiêm?
Tôi lắc. Anh Ba Tơ cau mày:
- Gay đó. Mày bám địch riết rồi quên ta mất. Út Hoà coi đừng đi khoe nghen, địch nó biết chủ lực. Đóng cửa lại.
Chú Dé vác súng quấn kín trong tấm choàng nhựa, ai hỏi chú đáp tỉnh khô: "súng hư,mang đi sửa". Chú tháo bọc, lấy ra một cây súng trường mới tinh hảo, hình vóc hơi giống cây mút-cơ-tông Pháp hồi xưa. Tim tôi đập gấp khi tôi đưa tay đỡ nó như bồng con, và thấy ngay nó đẹp, rất gọn, nặng vừa phải, cái lưỡi lê xếp mới nhìn đã ưng. Nghe khen hoài các kiểu súng của bộ đội miền Bắc, nay mới được cầm tay, tôi muốn hôn nó một cái. Giá trị ra sao chưa biết, vượt bao nhiêu đường đất vào được tới đây là quý lắm rồi. Mẫn đưa tay vuốt nòng súng, chớp chớp mắt.
Tiếp liền đó thói quen nghề nghiệp trỗi dậy. Tôi khám cây CKC với tất cả cái khó tính của người lính đã bắn qua mấy chục kiểu súng góp nhặt, từ Anh-đô cũ kỹ tới AR.15 của Mỹ mới ra lò, chỉ thua anh Ba tơ có thứ súng Nga hoàng dài thòng và truờng Nhật cỡ đạn nhỏ xíu, có vỏ sắt bao kín khoá nòng. Biết ơn miền Bắc cho súng là một việc, đánh giá cây súng tốt hay xấu để dùng phải cách là việc khác. Anh Ba Tơ chỉ cho xem từng chi tiết nhỏ một, chúng tôi xúm hỏi mãi, thử mãi bắt mê, mỗi lúc một thêm hớn hở; cứ như tôi đến tận xưởng đặt kiểu nhờ đúc dùm, và anh em thợ đã thêm vào đấy bao nhiêu cái hay cái mới mà tôi chưa từng gặp. Rốt cuộc, chính anh Ba phải giằng súng cất đi, hẹn hôm sau cho chúng tôi bắn thử, và thì thào bảo rằng xê mình còn nhiều thứ ngon nữa, cả súng chống tăng B.40 bắn chảy thép như đèn sáp.
Mẫn tròn mắt tròn môi:
- Cha mẹ ơi, xã cháu được một cây như chú nói đó, cháu lãnh giữ nó lập tức, coi thử xe sắt còn húc vô nữa hết!
- Lần lần rồi có chớ.Mỹ vô một ngàn súng mình cũng phải thêm đôi cây mới mới... Thôi đi ngủ!
Chỉ trong vài tiếng mà tôi mấy lần bị anh "giật gân sư" này làm cho nổi sốt. Hiểu thêm chút ít về Mỹ, lại chậm chân hơn xê mình một quãng xa rồi, đuổi sao cho kịp đây!
Đến sáng hôm sau, anh Ba Tơ mới ngạc nhiên. Quì trên mỏm đồi gần gò xoài, nơi Mẫn đưa tôi đến nhìn xuống đường nhựa dạo trước, anh xoay ống dòm một vòng xem những quân Mỹ đóng chi chít suốt từ An Hoà đến sông Trà Bồng, từ ven biển đến đường Một, với những chuỗi tàu lớn nhỏ đậu như lá bàng, lá tre sau lưng. Anh buột miệng kêu: "Gớm hè".
Anh chưa thấy một căn cứ nào to và dày đặt như thế.
Chú thích:
Đ2: tiếng lóng gọi địa đạo
Ngượng
Ký hiệu tắt cuả trung liên Mỹ Braoninh (BAR)