Trước nay, bạn vẫn tự nhủ mình không thông minh bằng nhiều người, nên bạn ráng sức chuyên cần để đạt được thành tích tốt. Và quả thật bạn đã thành công. Điều gì giúp bạn đạt được điều đó? Nhiều người quanh bạn và ngay cả chính bạn sẽ tự mặc định rằng, bạn không xuất sắc gì mà chỉ là “cần cù bù thông minh” thôi. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Cái giúp bạn thành công là sự thuần thục. Bạn đã gắng công làm điều gì đó nhiều lần. Giải một bài toán khó. Ngẫm nghĩ một đoạn văn hay. Suy tư một vấn đề hóc búa, v.v… Những hành động lặp đi lặp lại, kiên trì, bền bỉ, khiến bạn thành người điêu luyện. Và trí nhớ đã chắp đôi cánh để tất cả những gì bạn rèn giũa đạt đến thành công. Nhờ trí nhớ, những gì bạn học tập, tìm tòi khám phá được lưu giữ trong tâm trí bạn, để rồi tái hiện một cách nguyên vẹn mọi lúc mọi nơi. Đâu chỉ có bạn mà tất cả mọi người xung quanh, từ một em bé sơ sinh mới chào đời đến những bậc cao niên đều cần đến nó.
Một em bé vừa ra đời dù chưa biết nói nhưng vẫn biết “lạ” nếu đó không phải là cha mẹ hay người quen của mình. Một học sinh vận dụng tất cả những gì mình đã học, đã tìm tòi để hoàn thành tốt bài thi. Một người con xa xứ nhiều năm bồi hồi xúc động khi nhận ra hình ảnh thân thuộc của quê hương qua cửa sổ máy bay. Tại sao họ làm được điều đó? Chỉ có thể nhờ trí nhớ mà thôi! Bạn đã từng làm gì mà không cần đến trí nhớ chưa? Mỗi buổi sáng, chúng ta thường lặp lại nhiều việc giống hệt nhau. Đó chính là một biểu hiện của trí nhớ dưới dạng thói quen. Rồi sau đó, bạn có thể rời khỏi nhà đi gặp một ai đó. Bạn có để ý làm thế nào bạn đến được địa điểm mình cần đến, nhận biết người mình cần gặp, phát hiện món ăn bạn thường nấu hay món đồ bạn thường dùng? Đó chẳng phải đều là biểu hiện của trí nhớ hay sao? Điều này khẳng định rằng: ở nơi nào đó trong não của mỗi chúng ta có một kho chứa khổng lồ gồm những hình ảnh, sự việc, hiện tượng được liên kết bất biến theo thời gian và có thể được nhớ lại nếu như chúng ta biết kích hoạt nó đúng cách.
Hãy thử tưởng tượng xem, một buổi sáng nào đó, bạn thức dậy và bỗng hoảng hốt giật mình khi không nhớ được điều gì hết, giống như cô nàng Lucy trong bộ phim tình cảm lãng mạn của điện ảnh Mỹ 50 First Dates (tạm dịch: 50 lần hẹn hò đầu tiên). Nhưng thật tồi tệ khi chẳng có anh chàng Henry nào ở bên cạnh giúp đỡ bạn. Bạn không biết mình đang ở đâu, không nhận ra bất cứ ai, không biết mình đã ăn cơm chưa, thậm chí bạn cũng không biết là mình vừa ngủ dậy hay chuẩn bị đi ngủ... Mọi sinh hoạt của bạn bị rối loạn. Tất cả mọi thứ xung quanh đều lạ lẫm, và thậm chí bạn còn không hiểu người khác đang nói gì. Tất cả đều phải làm lại từ đầu nhưng bạn lại không biết bắt đầu từ đâu. Mới chỉ tưởng tượng đến đấy thôi chắc bạn đã cảm thấy ớn lạnh. Nếu có một ngày như thế, quả thật là một thảm họa!
Tất nhiên đây chỉ là giả thiết, nhưng cũng đủ cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của trí nhớ trong đời sống và hoạt động của con người. Nếu không có trí nhớ thì không có kinh nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có bất cứ một hoạt động nào, đặc biệt là quá trình phát triển tâm lý, tính cách con người.
Tuy nhiên, trí nhớ của mỗi người không giống nhau. Có người nhớ tốt vấn đề này, có người lại nhớ tốt vấn đề kia, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng người nào có trí nhớ tốt hơn, người đó sẽ làm được nhiều việc hơn và nhiều khả năng thành công hơn. Bạn sẽ thấy rõ điều này trong chính lớp học của mình. Từ những môn xã hội như Văn, Sử, Địa cho đến những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, tất cả đều dành sự ưu ái cho người có trí nhớ tốt hơn. Nếu nhớ được nhiều công thức Toán, Lý, Hóa, bạn sẽ vận dụng để làm bài tốt hơn, nhanh chóng hơn và quan trọng là đạt điểm cao hơn. Nếu thuộc nhiều câu thơ, các sự kiện lịch sử, kết hợp với sự nhịp nhàng trong câu từ, bạn sẽ làm bài môn Văn, Sử, Địa tốt hơn, trôi chảy và có sức thuyết phục hơn. Đặc biệt, khi bạn rời ghế nhà trường bước vào cuộc sống thì ưu thế này càng thể hiện rõ rệt.
Trong công việc, người có trí nhớ tốt hơn thường sẽ tiếp thu nhanh hơn, vận dụng chúng vào công việc hiệu quả hơn, từ đó khẳng định được vị thế cũng như năng lực của mình. Tôi lấy ví dụ trường hợp của một quản trị viên tập sự ở một tập đoàn đa quốc gia. Trong 12 tháng đào tạo của chương trình, anh ta được luân chuyển qua tất cả các phòng ban. Anh ta và đồng nghiệp của mình được đào tạo, huấn luyện và giao thực hiện những dự án nhỏ như một bài kiểm tra năng lực. Vì khả năng ghi nhớ có hạn nên dự án của anh ta không đạt mục tiêu đề ra. Kết quả thật đáng buồn, anh ta bị loại khỏi chương trình. Anh ta thất vọng, buồn bã tự trách mình tại sao không cố gắng ghi nhớ vận dụng tốt hơn những điều được học.
Đó chỉ là một trong vô vàn những tình huống cho thấy trí nhớ tốt quan trọng đến nhường nào. Vì lẽ đó, nhiều lúc bạn thầm nghĩ “giá mình có được trí nhớ tốt như anh ấy thì hay biết mấy.” Vậy có bao giờ bạn tự hỏi trí nhớ tốt có thể do luyện tập mà thành không?
Con người chúng ta khi sinh ra đều được tạo hóa ban tặng một bộ óc với nhiều khả năng khác nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm của bộ não mà mỗi người có khả năng lưu giữ hay đơn giản là ghi nhớ khác nhau. Tuy nhiên không phải vì thế mà những ai bẩm sinh có trí nhớ không tốt bi quan về mình, bởi chúng ta vẫn có thể tăng cường trí nhớ bằng cách rèn luyện.
Trong một buổi giao lưu tại Việt Nam năm 2010, Eran Katz – người lập kỷ lục Guinness về trí nhớ có thể nhớ được một dãy số gồm 500 chữ số chỉ sau một lần đọc – đã cho biết: “Một trí nhớ tốt là tài sản quan trọng nhất. Nó là công cụ hữu hiệu mà chúng ta có được, vì thế chúng ta cần phải đầu tư, rèn luyện và nuôi dưỡng nó thích đáng.” Như vậy trí nhớ tốt giống như một quỹ đầu tư, nếu ta biết cách quản lý, điều tiết hợp lý thì nó sẽ ngày càng sinh lợi. Ngược lại, nếu ta bỏ quên hay điều tiết thiếu khoa học thì nó không chỉ trở về con số 0 mà còn khiến ta bị phá sản, nợ nần. Bạn có thể phản biện rằng trí nhớ chứ đâu phải tiền bạc mà bị suy giảm hay mất đi theo thời gian, đó là yếu tố bẩm sinh. Nhưng thực tế bộ nhớ của bạn sẽ dần ì trệ và lão hóa khi bạn không buộc nó “làm việc” thường xuyên và nếu có sự tập luyện, trí nhớ sẽ liên tục được cải thiện và nâng cao.
Trong cuốn Bí mật của một trí nhớ siêu phàm, Eran Katz đã tiết lộ: “Tôi sinh ra không có năng khiếu đặc biệt. Khả năng nhớ của tôi đều do tập luyện từ nhỏ… Phần lớn chúng ta cho đến cuối đời đều chỉ sử dụng được khoảng 10% khả năng ghi nhớ của mình.” Chỉ có 10% thôi, như vậy 90% còn lại bị bỏ phí. Vậy tại sao chúng ta lại hoang phí khối tài sản khổng lồ mà tạo hóa đã ban tặng như vậy?
Có thể đến đây, bạn sẽ nhủ thầm: “Nói thì hay lắm nhưng liệu có phương pháp cụ thể nào để cải thiện trí nhớ không mới là quan trọng chứ?” Vâng, đó chính là lý do tại sao cuốn sách này ra đời. Những phương pháp, lời khuyên từ các chuyên gia hàng đầu thế giới về trí nhớ sẽ giúp bạn làm giàu thêm “quỹ đầu tư” của mình và có được một trí nhớ “siêu phàm” như bạn mong muốn.