Từ đầu cuốn sách, chúng ta liên tục bàn luận và nhắc đến “trí nhớ”, nhưng rốt cuộc “trí nhớ” là gì?
Trí nhớ có thể hiểu đơn giản là khả năng lưu giữ thông tin, không chỉ là đặc quyền của con người mà tồn tại ở cả động vật. Tùy theo độ phức tạp của bộ não mà mỗi loài vật có những cấp độ nhớ khác nhau. Các cấp độ này được biểu hiện qua các hành động, tập tính hay thói quen như các loài chim hàng năm vẫn vượt hàng ngàn cây số bay từ phương Bắc về phương Nam tránh rét, đàn voi khi sống trong môi trường hạn hán vẫn nhớ và tìm tới nơi dồi dào thức ăn và nước uống,..
Nhưng khác với loài vật, trí nhớ của con người phức tạp và đa dạng hơn. Bởi nó luôn đi kèm với nhận thức. Thực tế, trí nhớ gồm ba quá trình chính sau:
Quá trình ghi nhận: Là khả năng ghi lại thông tin nhờ quá trình hưng phấn ở những vùng tương ứng của bộ não trước các kích thích thực tại: càng chú ý và thích thú với kích thích bao nhiêu, quá trình ghi nhận càng chắc chắn, rõ ràng bấy nhiêu. Quá trình ghi nhận có thể chủ động, tích cực, có thể không chủ định, vô thức.
Quá trình lưu trữ (bảo tồn): Là quá trình hình thành những đường liên hệ tạm thời duy trì dấu vết của những kích thích đã tác động vào não. Kích thích càng mạnh, càng lặp lại nhiều lần thì quá trình lưu trữ càng bền vững.
Quá trình tái hiện (nhớ lại): Là quá trình khôi phục lại những thông tin đã được lưu trữ. Sự tái hiện xuất hiện dưới hai hình thức:
Nhận lại: Thông qua các giác quan, nhận ra những đối tượng đã kích thích trước kia, nay đang trực tiếp tác động vào các giác quan. Ví dụ: Nhận ra một người quen trong đám đông.
Hiện lại: Kinh nghiệm và tri thức cũ, không cần thông qua tri giác đối tượng kích thích trước kia vẫn có thể hiện ra trong óc, không cần sự có mặt trực tiếp của chúng. Ví dụ: Hiện lại khuôn mặt của ba mẹ mỗi lúc nhớ nhung.
Chính vì vậy, trí nhớ là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm, tri thức của con người bằng cách ghi nhận, bảo tồn và tái hiện lại chúng dưới dạng biểu tượng, ý niệm và ý tưởng.
Trí nhớ phản ánh bản thân hiện thực được con người tích lũy thông qua kinh nghiệm và biến chúng trở thành vốn riêng của mình. Tóm lại, trí nhớ là sự tổng hoà của nhiều yếu tố phức tạp. Nếu như nhận thức là cơ sở để con người nhận biết thế giới, từ đó tìm ra cách phù hợp để tác động vào thế giới nhằm đem lại hiệu quả cao nhất thì trí nhớ là công cụ để những nhận biết đó được lưu trữ, từ đó tiếp tục phát triển hoàn chỉnh hơn trong những giai đoạn sau này. Và cũng chính trong quá trình ghi nhớ, nhờ nhận thức, chúng ta biết lựa chọn, tập trung vào một khía cạnh nào đó, bỏ qua tất cả những điều còn lại, thúc đẩy quá trình chọn lọc hiệu quả và kích thích mong muốn ghi nhớ trong mỗi con người.