Tự có đáo kim hy hấn
Năng trị gia trạch công môn diện
Hữu quyền thực tại phương tiện
Động thân bất dụng bộ tẩu
Hành lộ xa mã dương tiên
Sử nô hoán tì tương thoại ngôn
Lập tại nhân tiền hảo khán
Ngân tiền bản thị tàng vật
Vô nghĩa tư tài hưu tham
Tác quan vi tài bả tâm thiên
Nhược đắc thứ dân hận oán
Vi nhân mạc đương tài chủ
Thao tâm phí lục bất an
Dịch thơ:
Vàng lụa vốn là của báu
Từ xưa đến nay được yêu dấu
Có tiền điều khiền gia đình nhà cửa
Có quyền tha hồ chọn lựa
Cất mình không cần chân bước
Trên đường xe ngựa đi đầu
Thoải mái sai con ở người hầu
Đứng trước đám đông nhanh nhẩu
Tiền bạc vốn là thứ để cất
Của vô nghĩa thôi đừng hám
Làm quan vì tiền lòng nghiêng ngửa
Gây cho dân lành nỗi hận oán
Làm người xin chớ làm tài chủ
Hao tâm tổn sức lại không yên.
Lại nói chuyện triều đình Đại Thanh truyền tới đời Hoàng đế thứ sáu, Hoàng đế Ung Chính ở ngai vàng mười ba năm thì băng hà. Người con trai thứ tư của Ung Chính là Ái Tân Giác La Hoàng Lịch lên kế vị, đặt niên hiệu là Càn Long. Từ sau khi Hoàng đế Càn Long lên ngôi, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đám vương thân, đại thần văn võ trong triều đều có lòng yêu dân, yêu nước. Người đứng đầu là Đông đài ngự sử Trại Quang Đỉnh, Tây đài ngự sử Điền Cương Phong, thứ tới là Nhị vương gia, Thu đầu thái tuế Quách Anh, Thủ tướng Kỷ Thiểu Uy Lại bộ thượng thư Lưu Dung, Trấn điện tướng quân Ngô Năng, Hà giang nhiệm khâu Tô ứng Long, Cửa môn đề đốc Hòa Vương Thân, Hộ bộ thị lang Quốc Thịnh. Em của Quốc Thịnh giữ chức Sơn Tây Cam Ninh đạo, con lớn của Quốc Thịnh là Quốc Thái phụng mệnh thiên tử làm Tuần phủ Sơn Đông. Con gái của Quốc Thịnh được Hoàng đế Càn Long lấy làm Tây cung phi tử. Quốc Thịnh được Hoàng đế Càn Long cho phép cưỡi ngựa vào triều.
Lại nói chuyện tỉnh Sơn Đông ba năm liền không có thu hoạch. Năm đầu tiên gặp nạn hạn hán, năm thứ hai gặp nạn mưa đá, đá to như miệng bát ăn cơm. Tháng ba năm thứ ba, mưa liên miên tới tận tháng tư mới dứt. Mưa đến nỗi vùng đất cao cũng phải đi thuyền. Giá lúa mạch một thạch tám xâu năm, sáu trăm tiền. Giá gạo đỏ một thạch sáu xâu bảy, tám trăm tiền. Dân chúng không có cái ăn, phải vặt lá, lột vỏ cây chống đói. Những vùng ngập nước, dân chúng cắt cỏ nước đem bán cho người ta dùng làm thức ăn. Tại phủ Tế Nam mở ra một chợ người, người nghèo khó dắt theo con trai, con gái tới chợ này rao bán như rau cỏ. Trong chợ chỉ nghe thấy tiếng kêu khóc như loa, tiếng rên la đói khát náo động cả một khoảng trời. Lại có kẻ gánh theo bầu đoàn thê tử đi khắp nơi chạy nạn. Có rất nhiều nạn dân chạy tới phủ Thuận Thiên, Bắc Kinh làm ăn mày khắp đầu đường xó chợ.
Hôm ấy, đám nạn dân Sơn Đông đang ăn xin trên đường, gặp đúng lúc Lại bộ thượng thư Lưu Dung bãi triều, thấy nạn dân đứng đầy đường liền dặn dò:
- Hạ kiệu!
Rồi hỏi vọng ra ngoài:
- Đám các ngươi sao dám kết bè kết đảng, kêu réo trên đường của Hoàng thượng? Lưu Dung ta gặp được, lẽ nào lại để các ngươi tiếp tục hỗn xược, đi lại lung tung như vậy?
Đám nạn dân nghe vậy, biết ngay đó là Lưu lại bộ, người cùng quê với mình, nhất tề kéo nhau tới trước kiệu, quỳ xuống, miệng nói:
- Lưu lão đại nhân, bọn tiểu nhân không phải tới đây quấy nhiễu. Đám nạn dân này đều là người vùng Sơn Đông. Quê hương ba năm liền bị mất mùa, hạn hán, lũ lụt, không có chút gì thu hoạch, đói đến nỗi phải ăn thịt lẫn nhau. Bởi vậy mới chạy nạn khắp nơi. Nay tới Bắc Kinh, làm huyên náo trước kiệu của đại nhân, tội thực đáng muôn chết.
Lưu lại bộ nghe đám nạn dân nói vậy, bất giác trong lòng thầm chua xót, khẽ thở dài một hơi, nói:
- Nay ta cũng chẳng biết phải làm sao, chẳng có kế nào. Bản bộ viên chỉ có thể đợi tới sáng ngày mai tấu lên Hoàng thượng, khẩn cầu Người phát ngân lượug cứu tế cho đám các người mà thôi.
Đám nạn dân nghe vậy, dập đầu lạy tạ, tản đi.
Lưu lại bộ về phủ, lập tức viết một bản tấu. Sáng sớm hôm sau lên điện trình. Hoàng đế Càn Long xem qua, chuẩn tấu, phát xuống bốn mươi tám vạn thạch gạo, ba gánh bạc tới Sơn Đông phát chẩn cho lê dân. Vừa ra khỏi Chương Nghi môn, lại thấy bản tấu của Tuần phủ Sơn Đông Quốc Thái tới triều. Quan trực nhật dâng bản tấu lên Hoàng đế Càn Long ngự lãm. Vạn tuế gia giở bản tấu ra xem, trong lòng chợt ngần ngừ nghĩ thầm: “Tại sao tuần phủ Sơn Đông Quốc Thái trong bản tấu lại viết rằng: Tỉnh Sơn Đông mưa thuận gió hòa, dân chúng no đủ vui vẻ. Nhưng trong bản tấu của Lưu Dung lại viết: Tỉnh Sơn Đông ba năm liền mất mùa". Rồi lại nghĩ: "Phải rồi. Lưu Dung chỉ là nghe tin. Còn Quốc Thái mới là thực tế". Rồi hạ liền hai đạo chỉ. Một đạo thu lại gạo tiền phát chẩn. Đạo kia gởi thẳng tới nha môn tuần phủ Sơn Đông. Quốc Thái tiếp chỉ, mở ra xem, thấy trong đó viết: "Sơn Đông liên tục được mùa, tình hình ổn định, sẽ cho mở trường dạy học tại đó". Quốc Thái xem xong, trong lòng vô cùng hoan hỉ.
Kính thưa quý vị đọc giả, gã Quốc Thái này cậy mình là anh trai của Tây cung nên đã giấu nhẹm chuyện tỉnh Sơn Đông mất mùa đi, dâng bản tấu về triều nói vùng này luôn được mùa, dân chúng sung túc. Hắn làm vậy vì muốn được thăng quan tiến chức, và cũng là muốn tác oai tác phúc tại Sơn Đông.
Quốc Thái xem thánh chỉ xong, lập tức viết tờ cáo thị, thúc giục các phủ, châu, huyện nộp lương. Đám lê dân, ngày thường vốn đã chẳng thiết sống, lấy đâu ra lương, tiền nộp thuế. Hễ ai không có tiền lương nộp lên, lập tức có trát gọi lên công đường, phạt đánh bốn mươi gậy lớn, rồi đóng năm người chung một chiếc gông lớn, đem đi rong đường thị chúng. Chín châu, mười phủ, một trăm linh tám huyện vùng Son Đông có vô số người không thể nộp nổi thuế, nên dân chúng bị đóng gông, rong trên đường nhiều vô kể. Việc này đã làm kinh động đến hai viên thư sinh, một người là Cử nhân Trần Trinh Minh, một người là tân khoa cử nhân Quách Đại An, thấy dân chúng cực khổ như vậy, vội mặc áo, đội mũ tới thẳng nha môn tuần phủ, lên trước công đường quỳ xuống, nói:
- Bẩm đại nhân! Vùng Sơn Đông này mấy năm liền mất mùa, dân chẳng thiết sống, khó nộp nổi thuế. Thỉnh cầu phủ hiến đại nhân đặc cách khai ân thương xót, tạm tha cho đám lê dân về nhà, đợi khi mùa màng tốt tươi sẽ bắt dân chúng nộp bù cả thể. Quốc Thái nghe vậy, đập bàn ầm ầm, đưa tay chỉ thẳng vào hai viên thư sinh nói:
- Lẽ nào bản viện không biết Sơn Đông liên tục bị mất mùa, đói kém? Bản viện thúc thuế vốn do Hoàng thượng thúc bản viện phải nộp thuế. Hai người các ngươi thay mặt dân chúng tới cầu xin lẽ nào con dân của ta, ta lại không thương hay sao? À phải rồi? Hai người cậy mình là cử nhân, muốn mua chuộc lòng người Sơn Đông để họ giúp ngươi làm phản. Nay bản viện chăm dắt dân chúng vùng này, quyết không thể để các ngươi làm phản được. Nhân lúc âm mưu còn manh nha, ta phải nhổ cỏ nhổ tận gốc.
Rồi quát bọn nha dịch, nói:
- Trói hai đứa bọn chúng lại!
Đám nha dịch không dám chậm trễ, lập tức trói nghiền hai vị cử nhân họ Trần, Quách lại. Quốc Thái đưa tay với cây Vương mệnh kỳ xuống, rút đao ra cầm trên tay. Quan trung quân cầm cờ, hai vị cử nhân Trần, Quách bị trói gô lại, cắm cờ trên lưng. Trên cờ viết bốn chữ "phản quốc nghịch đồ", bị đám sai nha, đứa lôi, đứa đẩy ra khỏi viên môn, tới cửa Tây, nổ ba phát súng truy hồn, chém luôn đầu hai vị cử nhân. Dân chúng thấy vậy, bàn tán xôn xao, nói tuần phủ đã giết oan hai vị cử nhân Trần, Quách.
Chuyện này đồn tới phủ Tế Nam, bên ngoài cửa Đông có một vị tiến sĩ đỗ hai khoa liền, tên gọi Trương Văn Sĩ, sau khi hay tin, nổi giận đùng đùng, hai mắt đỏ ngầu, vội vàng chạy tới nha môn tuần phủ, xông thẳng lên công đường, hỏi:
- Tuần phủ đại nhân! Hai người Trần, Quách phạm tội gì mà lôi ra chém đầu vậy?
Quốc Thái nói:
- Hai đứa bọn chúng mang lòng phản nghịch nên bị chém đầu
Trương Văn Sĩ nói:
- Ông nói mà không có bằng chứng, dám chém đầu người hiền tài của quốc gia. Ông cậy Tây cung là em gái của mình nên ở ngoài tác oai tác phúc, mặc ý gây chuyện thị phi. Nào... nào... nào, hai ta hãy cùng lên cung diện kiến thánh thượng, nhờ người phân xử rõ vụ này, để ta xem tên cẩu quan như người có phải ngồi tù hay không?
Quốc Thái nghe vậy, nổi trận lôi đình, đập bàn ầm ầm, quát lên rằng:
- Giỏi cho tên Trương văn Sĩ ngươi, cậy mình là tiến sĩ hai kỳ, dám dọa dẫm bản viện. Ngươi dám cuốc đất trên đầu thái tuế ư? Nhất định là ngươi cùng hai tên Trần, Quách có chung một ý tưởng.
Rồi dặn dò đám nha dịch:
- Trói hắn lại cho ta!
Đám nha dịch không dám chậm trễ, vội xông tới, trói Trương tiến sĩ lại. Quốc Thái ném cây Vương mệnh kỳ xuống, đám nha dịch lôi tiến sĩ ra cửa Tây chém đầu. Vụ này làm kinh động tới chín vị nho sinh. Người đứng đầu là Nguy Hoán, người thứ hai là Triệu ứng Long, người thứ ba là Trương Nguyện Thiện, người thứ tư là Lý Văn Thành, người thứ năm là Hà Văn Hữu, người thứ sáu là Hà Văn Hưng, người thứ bảy là Đơn Quý Khoa, người thứ tám là Đơn Quý Đệ, người thứ chín là Tề Văn Minh. Chín người này đều đỗ cử nhân, tiến sĩ, trong lòng đều bất bình tới chuyện này. Họ góp tiền lại, kéo nhau lên kinh. Không lâu sau đã tới Bắc Kinh, vào Đô sát viện, dâng cáo trạng. Người của Đô sát viện là anh họ của Quốc Thái, giữ chức Chính đường quan, đã sai đem chín vị nho sinh ra phạt đánh mỗi người bốn mươi trượng, rồi sai bốn tên nha dịch giải cả chín người về quê. Về tới nha môn tuần phủ Tế Nam, Quốc Thái thăng đường, đọc công văn, nổi trận lôi đình, vội cho phép sai nha trở về kinh.
Quốc Thái quay xuống hạ lệnh:
- Dẫn chín tên nho sinh lên đây!
Hắn ngồi trên công đường, đập bàn ầm ầm, quát lớn:
- Đúng là các ngươi đã tự đâm đầu vào chỗ chết! Đừng nói là lên Đô sát viện tố cáo ta. Cho dù các ngươi có tố cáo ta trước mặt Hoàng thượng cũng chỉ uổng công mà thôi. Đúng là thiên đường có lối các ngươi không đi, địa ngục không cửa, các ngươi lại tự tìm tới.
Rồi dặn dò lũ thuộc hạ:
- Trói chúng lại cho ta!
Với tay lấy cây Vương mệnh kỳ, ném xuống. Lũ nha dịch lôi hết chín vị nho sinh ra chém đầu thị chúng.
Lại nói chuyện phía Tây thành huyện ân, phủ Đông Xương, tỉnh Sơn Đông, cách thành tám dặm, có một thôn gọi là Tả gia trang. ở đó có một vị tài chủ họ Tả, tên gọi Đình Tích, trong nhà vô cùng giàu có, có tới cả hàng ngàn hộc lương; lừa, ngựa thành bầy, có ở trong tay một hai chục cửa hiệu cầm đồ. Lại có năm cửa hàng lương thực, ba cửa hàng vàng bạc, hơn sáu chục cửa hàng tơ lụa, cùng ba cửa hiệu bán nhân sâm, có tám con thuyền đi biển, của cải trong nhà nhiều không kể xiết. Tả Đình Tích thích làm việc thiện, tích góp âm đức. Nhà ông ta ba đời nay đều hành thiện, thương người già, xót kẻ khó, Nam xây tháp, Bắc sửa chùa, tu sửa đường xá, cầu cống, cúng dường Phật đạo; mùa đông cho quần áo ấm, mùa hè cho trà, cho canh. Người ta đều gọi ông ta là Tả thiện nhân. Vị Tả thiện nhân này chỉ có một đứa con trai, tên gọi là Tả Đô Hằng, ở nhà thương gọi là Song Hỷ, lên bảy tuổi, được đưa vào trường học sách. Thầy giáo đặt cho tên gọi là Tả Liên Thành, học hành vô cùng thông minh. Tả Đô Hằng mười bảy tuổi, đi thi; hai mươi tuổi đỗ Hương cử, hai mươi tám tuổi lại đi thi. Năm ấy đã ba mươi sáu tuổi, thực là một nhà ba đời tích lũy âm đức, chỉ lo hành thiện. Tả Đình Tích đã già, Tả Đô Hằng thay cha lo lắng mọi việc trong nhà. Hôm ấy, Tả Đô Hằng tới các hiệu cầm đồ tính toán sổ sách, liền sai gia nhân Tả Hồng chuẩn bị ngựa. Chủ tớ hai người cưỡi ngựa tới Huyện ân, không lâu sau đã vào thành Huyện ân, ngẩng đầu nhìn lên, chợt giật mình kinh hãi, trong lòng buồn bã nghĩ thầm: "Tại sao dân chúng, năm người bị đóng một gông lớn, đi đầy đường thế kia?". Không thể đếm xuể có bao nhiêu người dân bị đóng gông rong đường, kêu khóc ầm ĩ. Ai cũng một mực kêu đói. Người này nói:
- Đã một ngày, một đêm nay, tôi chưa được ăn gì.
Người kia nói:
- Anh mới một ngày chưa được ăn cơm. Còn tôi tới nay đã hai ngày rưỡi rồi, chưa được hột cơm, giọt nước nào dính răng.
Chợt một người nhanh mắt nói:
- Các vị hương thân, chúng ta có hy vọng rồi. Kia chẳng phải Tả đại gia, Tả thiện nhân đang vào thành đó sao?
Đám người nghe vậy vội quay lại nhìn. Quả thấy Tả đại gia đang tiến vào thành. Dân chúng thấy vậy đểu quỳ cả xuống, miệng hô vang:
- Tả đại gia, xin cứu mạng!
Tả Đô Hằng ghìm cương ngựa nói:
- Quý vị hương thân, do không chịu tuân thủ vương pháp, mới phải chịu tội. Tôi cũng chẳng có cách nào cứu được.
Đám người buồn rầu nói:
- Tả đại gia, chúng tôi không hề làm điều phạm pháp. Chỉ vì mấy năm liền bị mất mùa, không thể đóng thuế cho nhà nước, quan huyện lại thúc quá ngặt, nên bắt chúng tôi đóng gông đi rong đường thế này. Đã ba, bốn ngày hôm nay, bọn tôi chưa có hột gạo, giọt nước nào vào miệng. Chỉ cầu Tả đại gia gặp huyện quan nói hộ một tiếng, bảo ông ấy thả chúng tôi ra. Chúng tôi về nhà cầm cố ruộng vườn, xin nộp đủ thuế cho ông ấy.
Tả Đô Hằng nói:
- Nếu đã vậy, tôi sẽ thay mặt các vị hương thân đi cầu xin.
Tôi và quan huyện Nhiệm Tam Phong vốn không có quan hệ với nhau. Không thể dùng tình cảm để nói chuyện được. Chỉ sợ các vị lại thêm phiền.
Đám người nói:
- Chỉ mong người nói giúp một câu. Đối với bọn tôi, ân ấy của Tả đại gia cũng đã nặng như núi rồi.
Nói xong, đứng cả dậy. Tả Đô Hằng giật cương ngựa, nhằm hướng huyện nha tiến tới. Tới cửa huyện nha xuống ngựa, tên gia nhân dắt ngựa, đợi bên ngoài.
Tả Đô Hằng tiến vào nha môn, ngẩng đầu nhìn lên, thấy tri huyện Nhiệm Tam Phong đang ngồi trên công đường, thúc ép dân chúng nộp lương thảo. Tả đại nhân vội lên trước công đường chắp tay vái chào, miệng nói:
- Huyện đại gia vẫn khỏe đấy chứ?
Nhiệm tri huyện ngẩng đầu lên nhìn, nói:
- Thì ra là Tả niên huynh tới, mời Tả niên huynh ngồi qua một bên.
Tả Đô Hằng nói:
- Có đại nhân ở đây học sinh sao dám ngồi!
Nhiệm tri huyện nói:
- Niên huynh đã tới nơi này rồi, lẽ nào lại không chịu ngồi?
Rồi quay xuống dặn dò:
- Mang ghế lại!
Tả Đô Hằng cúi mình thi lễ, rồi mới chịu ngồi xuống. Nhiệm tri huyện hỏi:
- Niên huynh không có chuyện gì, chắc chẳng tới chốn công đường này. Xin hỏi hôm nay sao lại tới đây?
Tả Đô Hằng nghe hỏi vậy, vội đứng dậy, khom mình chắp tay thi lễ, miệng nói:
- Bẩm đại nhân, học sinh có một việc muốn khẩn cầu lão gia rộng rượug. Vùng Sơn Đông này liên tiếp xảy ra thiên tai, nhà nhà, người người đều không thiết sống. Lấy đâu ra tiền bạc, lương thảo để nộp thuế. Nay khẩn cầu lão đại nhân khai ân, tha cho đám dân chúng kia về nhà. Đợi năm được mùa sẽ truy nộp cả.
Nhiệm tri huyện nói:
- Niên huynh, vùng Sơn Đông này mấy năm liền mất mùa. Lẽ nào bản huyện lại không hay? Vốn bởi quan trên thúc tôi gấp quá, tôi cũng chẳng còn cách nào khác.
Tả Đô Hằng nghe vậy nói:
- Huyện lão gia! Các phủ, châu, huyện khác, học sinh không dám nói. Còn dân nghèo trong các thôn thuộc Huyện Ân chưa nộp thuế, hoặc không thể nộp được, học sinh xin đứng ra nộp thay cho họ.
Nhiệm tri huyện nghe vậy, nói:
- Niên huynh, sao nói nghe dễ dàng như vậy! Tuy anh đứng ra đóng thuế giúp dân là một việc tốt, nhưng tuần phủ đại nhân từ trước tới nay vốn là kẻ hồ đồ bạo ngược. Niên huynh nói nộp thuế cho dân, bản huyện thực không dám tự quyết. Hai ta phải tới phủ Tế Nam gặp tuần phủ đại nhân mới được.
Tả Đô Hằng nghe vậy, chợt nổi giận trong lòng, nói:
- Đại nhân đã không dám nhận, đừng nói chuyện đi gặp phủ đài. Cho dù đi gặp Hoàng thượng tôi cũng dám đi.
Nhiệm tri huyện nói:
- Niên huynh đã nói vậy, hai ta sẽ lập tức lên đường.
Nói xong, hai người rời khỏi công đường, đi gặp Quốc Thái. Chuyện của họ không biết sẽ thế nào. Mời xem hồi sau sẽ rõ.