- Lý Hữu Nghĩa?
- Có!
Lưu đại nhân nói tiếp:
- Ngươi hãy tạm đi về, đợi bản phủ bắt được kẻ ác, tất sẽ tra ra ngọn ngành câu chuyện.
Lý Hữu Nghĩa khấu đầu lui ra. Chuyện không cần nói tới nữa rồi mới bãi đường. Đám nha dịch rời khỏi nha môn, chuyện không kể thêm nữa.
Lưu đại nhân về tới thư phòng ngồi xuống, Trương Lộc dâng trà lên. Lưu đại nhân dùng trà xong, cơm canh đã được dọn lên. Đại nhân dùng xong, Trương Lộc bảo mọi người lui ra.
Lưu đại nhân ngồi rỗi, lòng thầm nghĩ:
- Vụ của Lý Hữu Nghĩa, tuy Lý Hữu Nghĩa bị oan nhưng không biết hung thủ thục sự là kẻ nào, bản phủ phải phán xét ra sao đây?
Đại nhân suy nghĩ một hồi, lại tính:
- Muốn tra xét rõ vụ này, cần phải làm thế này, thế này. Sao ta không cải trang thành một vị đạo nhân đi lang thang, rời khỏi nha môn vi hành? Thứ nhất có thể dò la tin tức của hung thủ, thứ hai có thể tìm hiểu thế thái nhân tình, phong tục tập quán vùng này.
Lưu đại nhân còn đang nghĩ ngợi, Trương Lộc đã vào. Đại nhân nói:
- Trương Lộc, hãy mang đạo bào, đạo quan, ty điều, thủy oa, vân hài, trúc bản của ta ra đây.
Tên người hầu ứng tiếng, đi lấy đồ ra.
Xin tạm làm phiền độc giả đôi chút. Chắc chắn sẽ có người bảo, kẻ viết sách này nói năng bậy bạ. Sách đời Đường, đời Tống, sách kiếm hiệp kể chuyện phi đao, phi bổng là mặc tình tô vẽ, mặc ý đặt điều bởi không có bằng chứng, sách này cũng học theo lối đó mà thôi. Lý nào là vậy? Người nói trong này là Lưu đại nhân vẫn còn khỏe mạnh, điều này ai chẳng biết. Người viết sách này muốn dùng những lời lẽ hoang đường như sách thời Đường, Tống thì viết sao nổi? Chúng ta ai ai cũng biết, Lưu đại nhân làm quan, từ khi còn trẻ cho tới nay đã tới chức trung đường mà chưa từng nghe nói ông làm đạo sĩ bao giờ, vậy lấy đâu ra những món đồ của đạo gia kia? Cuốn sách này chẳng phải rất hoang đường hay sao? Các vị độc giả hẳn còn chưa rõ.
Lưu đại nhân của chúng ta khác hẳn với những quan phủ khác. Hiện thời, ông ta thực sự không có bộ đồ nào ra hồn hoặc nếu có cũng không nỡ mặc, cũng chưa từng thấy ông treo bức tranh nào. Nhưng nếu nói tới những thứ như đạo bào, tăng y hay trang phục của người nông dân như áo chèn, giày vải thì quả thực ông ta có. Tại sao lại như vậy? Cũng bởi ông ta thích vi hành nên chuẩn bị sẵn những thứ này từ trước đó. Người viết sách này đã nói rõ ra rồi, xin phép được trở lại với chính truyện.
Trương Lộc đi ra ngoài, không lâu sau đã mang những món đồ ấy vào đặt xuống trước mặt Lưu đại nhân. Lưu đại nhân liền cởi hết đồ trên người xuống, mặc bộ đồ đạo sĩ vào, dùng một chiếc tay nải nhỏ bằng vải xanh gói một cuốn "Bách Trung Kinh" và hai mảnh phách tre vào. Chuẩn bị xong xuôi, ông quay sang phía Trương Lộc, nói:
- Con à, bản phủ hôm nay muốn đi tra xét dân tình. Con hãy cẩn thận thu xếp các việc lớn bé trong phủ. Chắc tới tối bản phủ mới trở về.
Trương Lộc ứng tiếng. Lưu đại nhân lại nói:
- Con mở cửa sau cho ta đi ra, chớ nên để người khác biết.
Nói xong, hai thầy trò không chút chậm trễ, Lưu đại nhân đứng dậy, gã người hầu cầm lấy tay nải, cùng nhau đi ra ngoài, vòng theo lối nhỏ ra cửa sau. Trương Lộc tiến lên mở cửa, thực may quanh đó không có ai. Lưu đại nhân vội vàng ra khỏi cửa. Trương Lộc trao tay nải cho Lưu đại nhân. Lưu đại nhân nhận lấy, khoác trên cổ tay, nói:
- Phải cẩn thận xử lý mọi chuyện.
- Dạ.
Trương Lộc ứng tiếng, đóng cửa. Chuyện không nhắc tới nữa.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân vòng theo lối nhỏ ra tới đường lớn dõi mắt nhìn quanh.
Lưu đại nhân đi lên đường cái, dõi mắt quan sát khắp đôi bên. Người qua lại trên đường rất đông. Phủ Giang Ninh quả nhiên náo nhiệt vô cùng. Lưu đại nhân quan sát xong, móc đôi phách tre ra, gõ vào nhau lách cách cao giọng rao:
- Các vị hương thân xin hãy nghe đây: Có duyên sớm tới gặp người nơi rừng núi này, xem đại vận, xem quanh năm. Muốn cầu tài lộc, hỏi chuyện vui hãy tới gặp ta, xem quẻ cát hung lập đàn hóa giải, xem quẻ lục nhâm đoán trước tai họa. Trừ tà ma, giữ yên gia thất. Xem tướng số biết rõ nghèo khó hay sang giàu, ai người muốn biết hãy tới tìm ta. Bói một quẻ chỉ lấy một trăm tiền, nếu bói sai xin chịu phạt một xâu. Có duyên mau tới gặp thần tiên ta đây, bỏ qua cơ hội hôm nay, sau này có hối cũng đã muộn mất.
Lưu đại nhân vừa đi vừa rao. Trước mặt là một quán trà, đại nhân sải bước tiến vào, ngồi nơi góc khuất. Tiểu nhị thấy có khách vào, không dám trễ nải, vội vàng bưng trà ra. Tiểu nhị mang một chén trà đặt xuống trước mặt đại nhân. Quan trung lương ngồi uống trà nghe chuyện chung quanh, chỉ thấy tiếng người nói xôn xao. Một người nói: "Trên con đường phía Bắc của huyện Thượng Nguyên xảy ra chuyện lạ. Chủ quán trọ giết người, thực hiếm có".
Một người khác nói:
- Giết được người đàn ông, người đàn bà chạy mất. Chuyện này thực khó hiểu quá đi.
Người kia nói:
- Quan huyện đã tới khám nghiệm tử thi, bắt chủ quán tống vào trong ngục.
Lại nghe một người khác nữa nói xen vào:
- Các vị nhân huynh hãy nghe tôi nói đây: Nhắc tới chuyện trong quán trọ ấy, muốn biết rõ đầu đuôi thì hãy hỏi tôi. Người chết tên họ đầy đủ là Y Lục, sống ở phía Đông Bắc huyện Thượng Nguyên. Thằng nhãi này chẳng bao giờ làm việc tốt, suốt ngày đi trộm cắp lung tung. Hắn tiêu sạch nhà cửa, ruộng vườn, cha mẹ nó tức giận quá mà qua đời. Y Lục không chịu lấy vợ, vậy thì từ đâu có một cô gái đi theo hắn? Sau đó lại nghe tin Y Lục lên kinh thành tìm cậu của nó là Lý Tam. Cái lão Lý Tam này buôn bán khắp nơi, phát tài lớn, nổi tiếng cả vùng Kim Ngư Trì. Nhắc tới tên lão, ai ai cũng sợ. Quanh vùng ấy ai chẳng biết tiếng Lý Lão Huyền!
Người này đang thao thao bất tuyệt, lại nghe thấy tiếng một người khác nói chen ngang:
- Ông anh à, nói tới chuyện này, ông anh chỉ biết một mà không biết hai. Để tôi kể cho ông anh nghe: Chẳng phải thằng ranh Y Lục này lên kinh sao? Hắn tới Kim Ngư Trì giúp cậu là Lý Tam buôn bán hai tháng trời, Lý Tam cho hắn ít tiền, hắn bèn về đây tậu mấy mẫu đất, cho thuê, lấy tiền tô ăn. ở phía đông của miếu thổ địa trên đường Đông chẳng phải có một ngôi lầu nhỏ sao? Chẳng phải là nơi ở của Phú Toàn là gì? Phú Toàn ngắm trúng mảnh đất của Y Lục, nghe nói Y Lục vẫn còn đang buôn bán ở Kim Ngư Trì, mà hắn tới phía Bắc huyện Thượng Nguyên khi nào để cho bị người ta giết chết? Đúng là con mẹ nó, câu chuyện này kỳ quái thật!
Lại nghe giọng một người trẻ tuổi cất lên:
- Ông anh à, ông kể ra chuyện này thì tôi cũng chẳng muốn kể ra chuyện của tôi. Thằng ranh Y Lục năm nào cũng đi thu tô thường dừng chân lại nhà Phú Toàn. Phú Toàn lại là người thích mảnh đất của hắn. Chắc mọi người chưa được gặp cô vợ của Phú Toàn. Ả và Y Lục dan díu với nhau. Ả tên là Bạch Thúy Liên.
Lại một giọng của người đã luống tuổi cất lên:
- Ông em à, ta khuyên ông em nên ít lời một chút. Các vị cứ đem chuyện này ra mà rêu rao! Tuy chủ quán trọ đã bị tống vào ngục, nhung vụ án vẫn chưa kết thúc. Nếu khi nãy có người của nha môn nghe thấy chỉ e trên cổ của các vị lại có thêm một con dao kề vào mất.
Nói xong, bọn họ cùng đứng dậy tính tiền, ra khỏi quán.
Lưu đại nhân ngồi ở một góc uống trà, nghe câu chuyện họ vừa nói xong, trong lòng Lưu đại nhân thầm nghĩ: Theo như họ nói, tên quỷ chết trong quán trọ Y Lục kia vẫn chưa có vợ.
Vậy cô gái kia từ đâu tới? Chủ quán lại nói họ là hai vợ chồng, vụ này còn rất nhiều điểm rối rắm. Theo bản phủ nhận thấy, chắc chắn cô gái này đã bị Y Lục cưỡng gian. Nhưng nếu bị cưỡng gian tại sao cô ta lại chịu ở cùng quán trọ với Y Lục? Có thể chung đồng tình với nhau. Nếu đã đồng tình với nhau, tại sao cô ả lại không đi minh oan cho Y Lục? Vụ này thực giả khó lường. Muốn làm rõ vụ này cần phải hỏi thăm tin tức cô ta mới được. Lưu đại nhân nhận thấy sắc trời còn sớm, thầm nghĩ: Sao không theo lời bạn kia, tới phía đông miếu thổ địa trên đường Đông tra xét qua nhà cửa Phủ Toàn xem thế nào? Một khi có được chút tin tức, vụ án này sẽ dễ phá hơn.
Lưu đại nhân nghĩ xong, trả tiền, rời khỏi quán trà, rẽ theo hướng Đông, dọc theo đường lớn mà đi. Vị Lưu đại nhân này vội vàng sải bước. Lưu đại nhân một lòng trung nghĩa vì nước vì dân. Ông vừa đi, trong lòng thầm nghĩ: Đây đúng là một vụ nghi án. Nếu cho rằng chủ quán trọ đã giết Y Lục nhưng ta xem Lý Hữu Nghĩa diện mạo hiền lành lương thiện, thái độ lại rất thành khẩn. Nhưng giả sử Lý Hữu Nghĩa không phải là hung thủ, nhưng ở huyện Thượng Nguyên đã có bản khẩu cung của hắn. Bản phủ đã tới nơi này, nhất định phải làm cho minh bạch. Làm quan mà không đứng ra làm chủ cho dân, thực đã ăn không bổng lộc của Hoàng đế ban cho. Lưu đại nhân vừa đi vừa nghĩ, không lâu sau, miếu thổ địa đã hiện ra trước mặt. Quả nhiên, ở phía đông miếu có một ngôi lầu nhỏ, sạch bóng không có một hạt bụi. Quan trung lương xem xong một lượt, không hề trễ nải, vội móc đôi phách tre ra gõ vào nhau lách cách, miệng ngâm nga câu "tử bình".
Lưu đại nhân miệng ngâm câu rao đã thuộc lòng. Câu rao của ông làm kinh động tới cô gái xinh đẹp trong phòng. Nàng nhìn ả a hoàn tên Thanh Nhi, nói:
- Em nghe này, từ khi anh rể em ra đi, trong lòng ta thường thắc thỏm không yên. Liệu anh ấy ở bên ngoài gặp phải chuyện không may nên đã khiến chị không thể bình tâm được chăng? Chị muốn gọi ông thầy kia vào bói cho một quẻ, muốn nghe quẻ “Tứ Bình" ra sao.
Thanh Nhi ứng tiếng, không chút chậm trễ, sải bước tiến ra ngoài.
Lại nói chuyện vợ của Phú Toàn Bạch, tên gọi là Thúy Liên, có nhan sắc chim sa cá lặn, hoa phượng nguyệt thẹn. Ả nha đầu Thanh Nhi vốn là em họ của nàng. Cha mẹ nàng ta mất cả, chỉ còn lại mỗi một người anh trai, nhưng lại chẳng ra gì. Do đó, Thanh Nhi không còn chỗ nào nhờ cậy, đành phải theo họ Bạch sống cho qua ngày.
Lại nói chuyện ả nha đầu Thanh Nhi nghe chị nói vậy, không dám chậm trễ, vội cất đôi gót sen lót tót chạy ra ngoài cổng đứng đợi. Cô mở cửa, lách mình đứng hẳn ra ngoài, hướng về Lưu đại nhân cao giọng gọi:
- Tiên sinh, chị tôi muốn coi một quẻ!
Lại nói chuyện Lưu đại nhân đứng trên thềm miếu thổ địa, đang ngắm khung cảnh uy nghiêm của miếu, bỗng nghe thấy có tiếng người gọi, vội quay lại nhìn.
Vị Lưu đại nhân này ngẩng đầu, dõi mắt nhìn về hướng phát ra tiếng gọi. Ông thầm đánh giá dung mạo của cô gái. Chỉ thấy cô ta có mái tóc ngắn bỏ xõa, vàng rực, khuôn mặt phù dung đen như đít chảo. Cái miệng anh đào nhỏ xinh đỏ chót, răng vàng khè, trên mặt cô ta, các nốt rỗ to như những đồng xu, đôi mắt to như chiếc chén uống rượu, mũi hếch ngược lên, tai như hai cái quạt, eo bồ tượng. Xem ngoại hình, thực chẳng ra làm sao cả. Đôi gót sen của cô ta nếu đo ra phải rộng tới một tấc ba. Bộ đồ cô ta mặc trên mình may bằng vải tốt, khá sạch sẽ. May cho cô ta có người chị con bác nuôi mới lớn được thành người. Nghe giọng cô ta lắp ba lắp bắp, kêu một hồi mới nghe rõ câu. Lưu đại nhân thấy vậy lập tức nở nụ cười, hỏi: