- Bản phủ đích thân đi kiểm tra xem!
Khoái đầu Vương Vĩnh ứng tiếng, đứng dậy, bước qua một bên đợi sai bảo. Tri huyện Giang Ninh Tôn Hoài Ngọc thấy vậy, không dám chậm trễ, vội đi trước dẫn đường, Lưu đại nhân theo phía sau. Chỉ trông thoáng chốc đã tới trước cỗ thi thể bên cạnh giếng nước. Đại nhân chăm chú quan sát.
Lưu đại nhân chú tâm quan sát, thấy cỗ tử thi vừa được vớt dưới giếng lên, trên mình không có quần áo, trần truồng như một con lợn cạo. Trên mình không có vết dao thương đâm chém, chỉ thấy vết đập nát đầu từ thái dương kéo tới tận mang tai. Người ấy tuổi ngoài hai mươi, không biết anh ta là người huyện nào, thôn nào. Đại nhân xem xong, vội dặn dò rằng:
- Bảo người khám nghiệm tử thi phải chú ý khám nghiệm thực kỹ lưỡng.
Lưu đại nhân chưa nói hết câu, Lý Ngũ đã xuất hiện trước mặt đại nhân. Lưu đại nhân nói:
- Hãy mau đi khám nghiệm tử thi, không được làm qua loa, sơ sểnh.
Người khám nghiệm tử thi ứng tiếng, không chút chậm trễ, vội xoay người bước đi. Tới trước cỗ tử thi, đứng lại, đánh giá người bị hại. Thấy phần đầu tử thi bị hung khí bằng gỗ đập vào dập nát phần đầu và tai bên trái. Lại chăm chú kiểm tra phía dưới, thấy trên cánh tay hiện lên mấy chữ màu xanh khá rõ nét. Nhìn kỹ lại, thấy không phải dùng bút mục viết lên, thì ra đó là các chữ được xăm lên. Bên trái là năm chữ "Nhất niên trường cát khánh", bên phải cũng có năm chữ "Tứ quý bảo bình an". Ngươi khám nghiệm kiểm tra xong xuôi, không dám chậm trễ, vội vái một vái, mắt nhìn thẳng vào Lưu đại nhân nói:
- Tiểu nhân đã kiểm tra tử thi rất kỹ lưỡng. Người này chết bởi hung khí bằng gỗ gây ra, bên cánh tay anh ta còn có hai hàng chữ xăm rất rõ ràng.
Lưu đại nhân nghe vậy, trong lòng thầm nghĩ: Chuyện này chắc có uẩn khúc chi đây. Nghĩ xong, tiến lên vài bước, tới trước cỗ thi thể đứng lại, đưa mắt quan sát thật kỹ, quả nhiên đọc được hàng chữ trên hai tay nạn nhân. Bên trái là năm chữ “Nhất niên trường cát khánh", bên phải là năm chữ "Tứ quý bảo bình an". Đại nhân đọc xong, thầm nghĩ: Tuy chỉ là hai câu tục ngữ nhưng chắc hẳn nó phải có ý nghĩa gì đó.
Đại nhân trầm ngâm một hồi, trong lòng dường như đã hiểu được điều gì đó, quay sang nói với tri huyện Giang Ninh là Tôn Hoài Ngọc.
Huyện lệnh, hãy sai người canh giữ cẩn thận đầu người và thi thể không được làm tổn hại. Bản phủ trở về nha môn, ngày mai sẽ xét xử vụ này.
Tri huyện ứng tiếng, nói:
- Tiểu nhân biết rồi.
Lưu đại nhân dặn dò xong, lên kiệu trở về phủ nha. Lại nói chuyện tri huyện Tôn Hoài Ngọc đỡ đại nhân lên kiệu xong xuôi quay lại dặn đám thuộc hạ canh giữ đầu người và thi thể nạn nhân rồi cũng trở về huyện nha. Chuyện tới đây tạm thời không nói nữa.
Lại nói chuyện Lưu đại nhân lên kiệu, vượt đường lớn, ngõ nhỏ không lâu sau đã về tới nha môn của mình. Tới trước hiên nhà, xuống kiệu, đi về phía sau. Đám người tản đi. Chuyện không phải kể nữa. Lưu đại nhân về tới thư phòng, ngồi xuống, người hầu dâng trà lên. Trà nước xong xuôi, lại dâng cơm lên. Đại nhân dùng bữa xong, tên người hầu đuổi hết kẻ khác ra, lại dâng trà lên. Đại nhân cầm chén trà trong tay, nghĩ ngợi mông lung, trong lòng phiền muộn.
Lưu đại nhân cầm chén trà trong tay, lòng thầm rầu rĩ, nghĩ: Tặc đồ hành sự thực ly kỳ. Đã giết chết nạn nhân, sao lại phải ném xác một nơi, đầu một nẻo? Chỉ ném đầu nữ nạn nhân xuống giếng, còn thi thể ở đâu? Hơn nữa, lại ném đầu nạn nhân xuống cái giếng công cộng cạnh miếu thành hoàng, mà trong miếu thành hoàng lại không có sư sãi. Vụ này không nguyên cáo, cũng chẳng bị cáo, ta biết bắt đầu tra xét từ đâu đây? Sai người xuống giếng mò xác nạn nhân thì thực lạ, lại mò được một xác đàn ông khác! Vụ án này chưa xong đã có vụ kế tiếp, thực khiến bản phủ đau đầu. Tổng đốc Cao Tân oán hận ta, nhất định đòi ta phải tra xét vụ này, hạn trong vòng năm ngày phải phá được án. Nếu năm ngày không phá nổi, tổng đốc Cao Tân ắt không phục, nhất định nói ta thiếu tài trí, không học vấn, không thể đảm nhiệm nổi chức vụ này. Mượn việc công để báo thù riêng, tất sẽ cho ta một bản tấu. Cao Tân mượn vụ này, dâng một bản tấu lên trước thềm rồng. Chỉ sợ Hoàng thượng buồn phiền, cách chức của ta. Lưu mỗ phải rời khỏi phủ Giang Ninh đúng hợp với ý của Cao Tân. Ta không sợ sau này không có bát cơm ăn, chỉ sợ sau này người ta sẽ đàm tiếu về mình. Đại nhân lại trầm ngâm suy nghĩ: Muốn làm rõ vụ án này, tất phải làm thế này. Phải làm vậy mới có thể tra ra hư thực. Ngày mai ta lại lén rời phủ nha đi vi hành, lấy cớ là đi bán thuốc để thăm dò tin tức. Đại nhân nghĩ xong, đưa mắt nhìn Trương Lộc, nói:
- Trương Lộc!
Tên người hầu ứng tiếng. Lưu đại nhân nói:
- Con hãy mau chóng đi kiếm mấy món thảo dược mang về đây, kiếm thêm một chiếc hòm nhỏ, sau đó đồn tin ra ngoài, nói bản phủ nhiễm cảm phong hàn, không thể thăng đường rồi quay về đây, ta có việc khác cần dặn.
Tên người hầu ứng tiếng, xoay mình đi ra ngoài, tới trước phủ nha dừng lại, truyền lệnh của đại nhân một lượt. Mọi người ứng tiếng, lúc này tên người hầu mới trở vào, lại tới thư phòng, bẩm rõ với đại nhân, nói:
- Mọi chuyện đã sắp đặt ổn cả.
Lưu đại nhân nghe vậy, nói:
- Tốt lắm.
Hai thầy trò còn nói chuyện với nhau một hồi nữa. Trời đã tối, tên người hầu thắp một ngọn đèn lên. Chuyện đêm ấy không cần nhắc tới nữa.
Sáng sớm hôm sau, tên người hầu mời đại nhân dậy rửa mặt, thay quần áo. Trà nước xong xuôi lại dọn bữa điểm tâm lên. Đại nhân dùng cơm xong, tên người hầu đuổi hết người khác đi, lại dâng trà lên. Đại nhân xúc miệng xong mới đứng dậy, thay quần áo. Tên người hầu không dám chậm trễ, vội mang những thứ đồ đã chuẩn bị từ hôm trước ra, đặt trước mặt Lưu đại nhân. Đại nhân xem qua, nói:
- Tốt lắm?
Rồi lại nhìn Trương Lộc, nói:
- Mau đi mở cổng sau, đưa ta đi, chớ nên để người khác biết. Để người ngoài biết không tiện. Con ở nhà chú ý việc trong nha môn, phải thật cẩn thận.
- Dạ.
Tên người hầu ứng tiếng. Hai thầy trò rời khỏi thư phòng, tên người hầu cõng chiếc hòm theo đằng sau, vượt qua cửa, xuyên qua lối nhỏ, tới trước cửa sau. Tên người hầu tiến lên trước, mở cửa ra, ngó ra ngoài, rất may không có bóng ai. Đại nhân bước ra ngoài, tên người hầu trao hòm thuốc cho ông ta. Đại nhân nhận lấy, khoác lên lưng. Tên người hầu đóng cửa, đi vào. Chuyện không cần phải kể ra đây. Lại nói chuyện Lưu đại nhân cõng hòm thuốc đi vòng qua nha môn của mình, lên đường lớn dõi mắt quan sát.
Lưu đại nhân dõi mắt, chú ý quan sát. Thấy trên đường có rất nhiều người qua lại, hai bên đường, cửa hàng cửa hiệu nhiều vô kể, quả là rất náo nhiệt. Chẳng trách nào Hồng Vũ hoàng đế chọn nơi này làm đất dựng đô thành, đúng là: long năng hưng địa, địa hưng long. Tới nay, Hoàng thượng đổi tên vùng này thành phủ Giang Ninh, lại đổi tên Nam Kinh thành Kim Lăng. Đại nhân vừa đi vừa nghĩ, chợt nhìn thấy bên đường phía Đông có một quán rượu, trước cửa có một lá tửu kỳ, trên đó có đôi câu đối nét chữ rất rõ ràng. Một vế là' "Quá khách văn hương tu hạ mã", bên kia là: "tú vị đình xa bộ lãn hành". Đại nhân đọc xong vội đứng lại, nghĩ thầm trong dạ: "Nếu không phải bản phủ đã cải trang thì một viên quan tứ phẩm không thể nào vào nổi quán rượu này. Nhân lúc này, sao ta không vào làm một chén, sau đó sẽ đi bán thuốc, thăm dò tình hình trong dân". Chủ ý đã quyết, đại nhân vội sải bước, tiến vào quán rượu.
Đại nhân ngẩng đầu, ngước mắt nhìn lên, thấy người vào quán này uống rượu chẳng ai giống ai. Trong đám thực khách có con cái nhà thế gia, lại có cả đám thương nhân, công nhân và học trò. Đại nhân thấy vậy, không chút chậm trễ, chọn một chỗ, ngồi xuống. Chỗ ngồi của đại nhân hơi nghiêng về phía đông, hòm thuốc được đặt trên mặt bàn. Một tên tửu bảo vội chạy tới, hỏi:
- Tiên sinh muốn dùng loại rượu gì? Xin cứ gọi, chúng tôi sẽ phục vụ.
Đại nhân nghe vậy, nói:
- Xin hãy cho tôi nửa bát Khổ hoàng tửu, nhanh nhanh lên, nhân lúc còn sớm phải đi làm ăn.
Tửu bảo ứng tiếng, quay mình bỏ đi. Không lâu sau đã thấy hắn mang rượu tới, đặt lên trên bàn, nói:
- Tiên sinh dùng thức nhắm gì?
Đại nhân nói:
- Không cần gì nữa, hết tiền rồi.
Tửu bảo nghe vậy, quày quả bỏ đi. Ta lại nói chuyện Lưu Đại nhân vừa nhâm nhi rượu vừa nghe chuyện chung quanh, một lòng chỉ mong sớm phá được vụ án rắc rối kia. Đại nhân đang ngồi buồn, chợt nghe ở bàn phía tây có người nói: