Luật Pháp

Lời Giới Thiệu Của Walter E. Williams

Lời giới thiệu của Walter E. Williams[1]

(Trích)

Phải đến năm bốn mươi tuổi tôi mới đọc tác phẩm kinh điển Luật pháp của Claude Frédéric Bastiat. Tôi mãi mãi mang ơn, một người mà tôi không biết tên, đã gửi cho tôi cuốn sách này. Sau khi đọc, tôi tin rằng chưa đọc Bastiat thì hiểu về tự do vẫn chưa thể nói là trọn vẹn. Đọc Bastiat khiến tôi nhận thức sâu sắc về khoảng thời gian lãng phí, cùng những thất vọng về quá trình lạc lối giữa những con đường không lối thoát khi đi tìm triết lí cho cuộc đời mình. Đối với tôi, tác phẩm Luật pháp không tạo ra sự chuyển biến về mặt triết học nhiều như nó từng tạo lập trật tự trong suy nghĩ của tôi về tự do và cách hành xử đúng đắn của con người.

Nhiều nhà triết học đã có những đóng góp quan trọng vào cuộc thảo luận về tự do, Bastiat nằm trong số đó. Nhưng đóng góp lớn nhất của ông là đã đưa cuộc thảo luận ra khỏi tháp ngà và làm cho tư tưởng về tự do trở nên rõ ràng đến mức ngay cả những người không biết chữ cũng có thể hiểu, còn những người sùng bái nhà nước thì không thể che giấu được. Rõ ràng, việc thuyết phục nhân dân về tính ưu việt trên phương diện đạo đức của tự do cá nhân là công việc cực kì quan trọng.

Giống như nhiều người, Bastiat cho rằng chính phủ là mối đe doạ lớn nhất đối với tự do. Xin lưu ý, sự mạch lạc trong ngôn ngữ của ông giúp chúng ta nhận ra và hiểu những hành động xấu xa của chính phủ được hợp pháp hoá. Bastiat viết: “Chỉ cần xem luật pháp có lấy những cái thuộc về một số người nào đó và đem cho những người mà chúng không thuộc về. Chỉ cần xem luật pháp có làm lợi cho công dân này mà công dân khác phải trả giá bằng cách làm cái điều mà tự người công dân kia không thể làm mà không phạm tội”. Với cách mô tả chính xác như thế về hành động xấu xa được hợp pháp hoá, chúng ta không thể không kết luận rằng hầu hết các hoạt động của chính phủ, trong đó có chính phủ của chúng ta, là cướp bóc được hợp pháp hoá, hoặc dùng ngôn ngữ hiện đại là ăn cắp được hợp pháp hoá.

Claude Frédéric Bastiat có thể dễ trở thành người đồng hành với những người đã kí tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta. Quan điểm về tự do và vai trò thích hợp của chính phủ của những người đã kí vào bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện rõ trong câu nói bất hủ: “Chúng tôi khẳng định một chân lí hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng Tạo hoá đã ban cho họ một số quyền bất khả tương nhượng, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Rằng các chính phủ được lập ra là để bảo đảm cho những quyền này…”. Bastiat chia sẻ quan điểm hệt như thế khi viết: “Đời sống, năng lực, sản xuất – nói cách khác, cá tính, tự do, tài sản – chính là con người. Và bất chấp sự xảo quyệt của các nhà lãnh đạo chính trị khéo léo, ba món quà của Chúa vẫn có trước và đứng trên luật lệ do con người đặt ra”.

Bastiat gán cho chính phủ những lí do tương tự như các Nhà Lập quốc Mĩ, khi viết: “Cuộc sống, quyền tự do và tài sản tồn tại trên đời không phải vì con người đã làm ra luật pháp. Ngược lại, sự kiện là cuộc sống, quyền tự do và tài sản đã có từ trước, và điều đó buộc người ta phải coi luật pháp là tối thượng”. Không có lời tuyên bố nào về những quyền tự nhiên được Chúa ban cho hay hơn là những lời lẽ trong Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ và trong tác phẩm Luật pháp của Bastiat.

Bastiat gắn hi vọng về tự do vào nước Mĩ khi ông viết: “… Hãy nhìn vào nước Mĩ. Không có quốc gia nào trên thế giới mà luật pháp lại được thể hiện khuôn khổ thích hợp đến như thế: Bảo vệ quyền tự do và tài sản của mỗi người. Kết quả là, dường như không có quốc gia nào trên thế giới mà trật tự xã hội lại được xây dựng trên nền tảng vững chắc đến như thế”. Năm 1850, Bastiat nhận xét rằng có hai vấn đề mà Mĩ còn thiếu sót: “Nô lệ là vi phạm – bằng luật pháp luật – quyền tự do. Thuế xuất nhập khẩu có tính bảo hộ là vi phạm – bằng luật pháp – quyền sở hữu tài sản”.

Nếu Bastiat còn sống đến ngày hôm nay thì hẳn là ông sẽ thất vọng trước việc chúng ta không thể giữ luật pháp trong khuôn khổ thích hợp của nó. Trong suốt hơn một thế kỉ rưỡi vừa qua, chúng ta đã tạo ra hơn 50.000 bộ luật. Hầu hết trong số đó cho phép nhà nước sử dụng bạo lực chống lại những người chưa từng sử dụng bạo lực để chống lại những người khác. Đấy là những bộ luật như cấm hút thuốc lá ở các cơ sở tư nhân và “đóng góp” cho an sinh xã hội đến luật về môn bài và luật lương tối thiểu. Trong mỗi trường hợp, người kiên quyết đòi hỏi và bảo vệ quyền do Chúa ban cho mình là được ở một mình.

[…]