Đây là tác phẩm mở đầu cho một loạt ấn bản nói về quyền tự do cá nhân – tự do theo nghĩa ban đầu và đúng đắn của từ này.
Hôm nay, nước Nga rơi vào tình trạng là trên đống tro tàn của hệ thống cộng sản đã sụp đổ đang xuất hiện hệ thống quản lí nhà nước mới, nhưng lại rất giống với hệ thống cũ. Mặc dù bộ máy nhà nước mới được gọi bằng tên khác và tuyên bố những nguyên tắc mới, về mặt hình thức cho phép công dân làm những việc mà trước đây bị coi là tội phạm, nhưng bên cạnh bánh lái của nó thường vẫn là những con người cũ, dựa vào khối quần chúng cũ, những người đã sống và làm việc, suy nghĩ và hành động như trong thời “xã hội chủ nghĩa”. Bộ máy quản lí hành chính quan liêu hiện đại của nước Nga với tất cả các lực lượng an ninh và hàng triệu cán bộ của nó, dường như đã lớn hơn bộ máy đó trong phần còn lại của thế giới, nhưng chúng ta vẫn có cơ hội thoát khỏi con đường phát triển đang dẫn tới một hình thức mới của chính phủ độc tài toàn trị.
Mối quan hệ giữa công dân và nhà nước ở nước Nga hiện đại đã quay lại với sơ đồ thường thấy: “Nhà nước mạnh – Công dân ngoan”. Dường như chúng ta vẫn còn đang được thở với phần còn lại của bầu không khí tự do mà chúng ta nhận được từ năm 1991. Các nhà chức trách mới chưa kịp đưa chúng ta trở lại với mô hình toàn trị cũ và cũng chưa kịp xây dựng khuôn mẫu của cái gọi là xã hội “dân chủ” phương Tây hiện đại. Người ta thậm chí còn chưa cấy vào đầu óc của chúng ta thái độ tuân phục vô điều kiện những người cai trị nhân danh “nhân dân”. Chúng ta còn chưa tôn trọng nhà nước như những kẻ đang nắm quyền muốn, chưa thích đóng thuế và thỉnh thoảng vẫn chỉ trích bộ máy quan liêu. Có lẽ, mặc dù có lịch sử toàn trị lâu dài, ở đâu đó trong trái tim, chúng ta – vẫn là những người tự do. Tạm thời là thế.
Trong nhân dân chúng ta vẫn chưa phát triển cảm giác tự nhiên và trách nhiệm đóng thuế, những khoản thuế mà đúng ra nên gọi là “cướp bóc hợp pháp”. Trong lúc các doanh nghiệp và các công ti phải nằm dưới sự kiểm soát liên tục và gắt gao của những cơ quan nhà nước và bị đe doạ phạt tiền và truy tố, phải nộp thuế quá cao vào kho bạc không đáy của nhà nước, sau đó các khoản tiền hào phóng đó được phân phát cho những nhóm lợi ích, thì các cá nhân –những người bình thường, vẫn trao đổi hàng hoá và dịch vụ trên cơ sở tự nguyện mà không cần quan tâm tới nhà nước. Họ xây dựng các mối quan hệ với nhau mà không sợ nhà nước và cho đó là hoàn toàn tự nhiên (ví dụ người ta đi xe của các lái xe tư nhân, sửa chữa xe trong xưởng sửa chữa tư nhân, thuê các đội xây dựng và thợ thủ công và mua những món hàng ở chợ mà không phải đóng “thuế”). Không ai nghĩ đến chuyện phải nộp cho nhà nước một phần khi bán cho nhau theo thoả thuận hoặc nộp vào “ngân sách” khoản tiền kiếm được bằng lao động trung thực khi bán một ít khoai tây mà chúng ta trồng được ở trong vườn. Nghe có vẻ lạ, nhưng ở nhiều nước (trong đó có Mĩ) làm như thế bị coi là tội phạm. Thế mà gọi là tự do ư?
Hiện nay không phải tất cả các công dân Nga đều coi việc báo cáo về thu nhập của mình với nhà nước là “bình thường” – tương tự báo cáo với bọn bảo kê, như người phương Tây thường làm –và nộp cái khoản đóng góp đáng xấu hổ – gọi là “thuế”. Hiện nay chúng ta chưa có hệ thống chỉ điểm mới khi nói đến “hiện tượng che giấu thu nhập”.
Nhiều người không bị nhà nước quấy rầy đã tích cực xây dựng cuộc sống của mình; đấy là những người tạo dựng hạnh phúc cá nhân bằng chính sức lực của mình và không còn đòi hỏi nhà nước phải bảo đảm cuộc sống của mình bằng những khoản thuế do người khác đóng.
Và mặc dù ngày nào chúng ta cũng bắt gặp sự tuỳ tiện của các quan chức và chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào quyết định của bộ máy hành chính quan liêu, việc hành xử thiếu tôn trọng luật pháp mà không bị trừng phạt của những người nắm quyền lực, nhà nước mới của nước Nga vẫn chưa tạo ra hệ tư tưởng về thuế khoá như nó đang hiện diện ở các nước khác. Nhưng chúng ta đang có nguy cơ là một lần nữa sẽ lại rơi vào vực thẳm của cướp bóc hợp pháp và phải chấp hành tất cả các mệnh lệnh của nhà nước.
Nhà nước có nhiều khuôn mặt nhưng bản chất thì bao giờ cũng là một. Nó luôn hành động bằng cách cưỡng bức người dân. Tên nó là gì: chế độ quân chủ, chế độ độc tài hay dân chủ, không phải là quan trọng – bản chất của nó bao giờ cũng là một. Một nhóm người nhận được (hay cướp được) quyền cai trị những người khác nhân danh chính những người đó hoặc nhân danh “đa số” và cai trị một cách vui vẻ, đồng thời kiếm lợi cho bản thân mình.
Có lẽ tất cả chúng ta đều muốn được tự do và tương tác với những người khác trên cơ sở tự nguyện và cùng có lợi. Không ai muốn trở thành nô lệ cho người khác hay cho một nhóm người nào đó. Nhưng thường thì chúng ta không nhận thấy tự do của chúng ta kết thúc ở chỗ nào và ép buộc bắt đầu từ đâu.
Hôm nay chúng ta cất lên tiếng nói của mình nhằm bảo vệ quyền tự do của chúng ta, đòi nhà nước không can thiệp vào công việc của chúng ta, chấm dứt việc áp đặt từ phía nhà nước bất cứ việc gì. Chúng ta nói: “Mọi người về bản chất đều là người tự do. Bản chất của con người là thông minh và tự mình tạo ra hạnh phúc cho chính mình. Nhà nước, các quan chức nhà nước và các nhà lập pháp hãy để chúng tôi yên!”
Tất cả các nguyên lí được trình bày trong cuốn sách này đã được lịch sử thế kỉ XIX và XX khẳng định. Tất cả các dự đoán của Bastiat, ngược lại với những người ủng hộ các hệ thống chính phủ khác nhau (trong đó có cộng sản, chủ nghĩa xã hội và dân chủ), đã trở thành sự thật.
Cuộc nội chiến ở Mĩ, các cuộc cách mạng và các cuộc đảo chính, quá trình hấp hối và sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội – là khẳng định trên thực tế của những kết luận hợp logic của ông.
Nếu lí thuyết được kinh nghiệm khẳng định thì đấy là lí thuyết đúng. Nếu lí thuyết, bên cạnh đó, còn được xây dựng trên cơ sở phân tích chính nền tảng của nhân loại – trên bản chất của chính con người – thì nó còn đúng hơn nữa. Xin hãy cố gắng hiểu nó không chỉ bằng cảm giác, mà còn bằng đầu óc vì nó hợp lí và công chính đến từng từ.
Anton Newmark