Lửa Dậy Trời Xuân

Chương 6

thoát mà Xuân về, Tết đến. Thật đúng như câu người ta thường nói: “Tết đến bên lưng, con trẻ thì mừng, cha mẹ thì lo” Hoà và Bé hí hửng ra mặt, Mai cũng tươi tỉnh hơn lên. Chỉ mình mẹ là cuống quít mỗi khi nhìn tờ lịch. Công việc làm ăn buôn bán dường như khó khăn ra. Người bán quá nhiều, người mua thì lại ít. Các gian hàng đua nhau chưng bày bánh, mứt, kẹo, đồ hộp, thức ăn khô. Trái cây từ các tỉnh đổ xô về, từ ngoại quốc tràn ngập đến. Từ đầu tháng 11 ta, Mẹ Hoà bảo Mai nghỉ việc hiệu may ở nhà làm bánh mứt với mẹ.. Ngoài chuyện làm bán kiếm lời, mẹ còn có dụng ý cho con gái tập tành chút đỉnh việc nữ công. Hồi trước mẹ học đủ thứ, học ở bà, ở các bà cô, bà dì, bà bác… Còn Mai bây giờ không học được ở đâu cả, bác, cô, dì, mợ hoặc vì biến cố của đất nước trôi giạt mỗi người tận một nơi xa tắp, hoặc biệt tích đâu rồi, hoặc hàng đôi ba tháng mới có một lá thư ngắn cho biết gia cảnh thế nào, chớ không hề được gặp. Mai lại phải từ giã nhà trường quá sớm, vào lúc trong lớp Mai chưa có nổi một cô giáo dạy nữ công.

Ở nhà thì bận rộn nhiều việc, chưa kể việc học may, nên mẹ ao ước có dịp truyền lại cho con gái những cái khéo léo của mình ngày trước. Thật là nhất cử lưỡng tiện, không có dịp nào hơn. Nhà đâu có nhàn rỗi, dư dật như người ta mà bày biện làm trong ngày thường để ăn và cho con gái học?

Hoà và Bé vui thích quá: món gì hai anh em nó cũng được nếm qua loa, nhụy bánh in, rẻo bánh kẹp, nước đường dư v.v… mứt thơm hả? Hai đứa được hưởng cái cùi, mứt kim quất ư? Hai đứa được ăn mấy trái bể. Quả mứt chanh này sao có vẻ không xanh mấy? Thôi cho tụi nó quách cho xong, cái hoa đu đủ này bị gãy một cánh, còn giữ làm chi? Lại tặng cho hai đứa…

Suốt ngày, Mai không rời được cái bếp, hai má cô lúc nào cũng hồng hồng, trán lúc nào cũng dâm dấp mồ hôi, tay luôn luôn cầm cái quạt, hay cái dao, nếu không là đôi đũa.

Bé a đại vào mình chị, hít lấy hít để và phát giác với anh Hòa:

- Chị Mai thơm quá, anh Hòa ơi! Thơm mùi mứt…

Hai đứa cũng lămg xăng dữ lắm, sẵn sàng giúp đỡ, hợp tác với chị Mai lắm, song chúng vụng về, đụng đâu hỏng đó, hư đó, nên bị mẹ đuổi quầy quậy. Hòa chỉ đắc lực có mỗi chuyện rửa bát. Mai mà nhờ cậu em trai quạt hộ lò lửa thì khi lò lửa đỏ lên, soong nước đường cũng đầy những tro than. Mượn canh chừng thau mứt cỡ 10 phút thì khi vô thau mứt cháy! Coi hộ nồi cơm thì vừa sống vùa khê, kho nồi cá một bữa thì mặn đắng, nuốt không trôi khỏi cổ.

- Con trai hư! Không làm gì nên thân hết!

Mẹ quát, đuổi Hòa lên. Nhưng chị Mai thì không. Chị nhìn Hòa bằng đôi mắt bao dung, âu yếm, khác xa dạo trước. Hòa đã cất giùm chị chướng ngại vật (viết thư cự tuyệt gởi anh Miên nên chỉ biết ơn chăng?) Hòa vẫn tự hỏi và dù không chắc mình đoán đúng hay sai, Hòa không cần thắc mắc chi, cứ an nhiên toạ hưởng sự yêu chìu của chị. Thỉnh thoảng, Hoòa lại nhớ đến Tâm và chị Bạch Tuyết của bạn. Hòa mà có người chị như chị Bạch Tuyết thì Hòa mong ai đến rước cho mất đất không hề tiếc thương, ngăn cản chi cho nhọc xác. Mà hễ nhớ đến bạn, Hòa xúc động mãnh liệt, lòng yêu thương chị tràn trề, Hòa phải thể hiện lòng thương yêu đó bằng cách xáng lại bên chị, ôm ngang lưng chị, bá lên cổ, lên vai chị không kể lúc chị đang bận việc hay rảnh rang, mặt mũi chị sạch sẽ hay lấm lem tro than, dầu mỡ.

Hạnh phúc của Hòa! Nó quả hao hụt đi khá nhiều sau cái chết của cha, nhưng mà Hòa vẫn còn… vẫn có chứ không hẳn là mất sạch, tiêu tan cả. Cha mình bây giờ… Hòa chỉ còn mang máng nhớ những chuyện xảy ra.. Hòa đã chịu chấp nhận sự thật. Dù không một lần được gặp cha trong giấc mơ Hòa vẫn cố gắng học hành để cha được vui trong cõi chết như lời thầy dặn, và để mẹ bằng lòng.

Về phần mẹ Hòa, bà cũng như hầu hết các gia trưởng nghèo khác, còn hơn nữa, vì bà vừa làm mẹ, vừa thay chồng làm cả chức vụ người cha. Một mình thui thủi bà đã cố ngăn chặn nỗi buồn trong lòng bằng mọi cách.

Công việc bận rộn cũng khuây khoả đi nhiều.. Bà rất mừng vì có nhiều việc để làm. Nhưng từ ngày 26 ta trở đi, bà buồn rũ. Bánh mứt đã xong, giao cho hiệu cả rồi. Bà bỗng mệt nhoài, chán nản hơn bao giờ cả. Mai dắt hai em đi chợ tết. Nhà vắng hoe. Một mình mình, bà thấy như nỗi buồn nở bung ra, vùng lên, nỗi buồn mà từ lâu lắm sau khi chồng nằm xuống bà đón nhận nó và hết sức thu gói lại. Bà chỉ còn có các con. Họ hàng, quê hương, làng mạc bây giờ đã xa lơ, xa lắc. Không biết đến bao giờ mới được gặp gỡ, được trở về. Chao ơi! Sao mà lẻ loi, mà đơn độc thế?

Người ta, ai cũng như đũa có đôi, còn bà thì…

Bà muốn khóc mà lạ quá, hình như nước mắt cạn khô rồi… Hay bởi lâu nay bà cứ cầm giữ nên thành thói quen, giờ không khóc được?

Bà thu dọn bàn thờ chồng, lau quét sạch sẽ. Khói hương bay lung linh, toả ra mùi thơm quen thuộc. Bà nhìn lên di ảnh chồng: mắt sáng, trán cao, cằm vuông, mũi thẳng… toàn thể không có chút gì biểu hiệu đó là một người yểu mệnh. Thế mà…

Trong một giây, thốt nhiên bà thấy lao đao như muốn ngã, bà hoa mắt lên, có cái ảo giác người trong ảnh tiến lại gần bà, nắm lấy tay bà và cất giọng âu yếm, dịu dàng, nói lên cái câu ông từng nói một lần khi ngỏ ý muốn cưới bà:

- Tôi còn về đó làm chi nữa? Đau lòng lắm! Tôi sẽ lấy quê em làm quê tôi, cha em làm cha tôi. Chúng ta sẽ sống bên nhau, cùng chia sớt niềm vui, nỗi khổ…

“ Mình chia sớt niềm vui, nỗi khổ?” Bà nhắc lại, giọng xót xa, đau đớn. “Anh nói vậy, tôi còn nhớ đây mà anh đã vội bỏ tôi, đi… “ Tất cả sức mạnh của bà như tiêu tán mất trong giây phút, bà phải bíu chặt mép bàn thờ mới đứng vững.

Từng giọt, từng giọt nước mắt nóng trào ra, lăn dài xuống má và bà không ngăn chặn nữa. Có ai đâu, bà tha hồ khóc, khóc cho vơi, cho hả, khóc như đứa trẻ con, như chưa từng được khóc bao giờ.

Niềm thống khổ vơi đi, tan theo nước mắt. Vậy mà lâu nay bà cứ ngỡ mình cạn hết lệ rồi.

Thức ăn trong ba ngày Tết đã sửa soạn xong. Tuy là nói qua quít xong thôi nhưng nghĩ rằng trong một năm ròng chỉ có ngày này, nên mẹ Hoà lại cố sắm cho đầy đủ.

Những gia đình công chức, người ta nghỉ ngày chúa nhật, ngày lễ, còn mẹ con Mai thì làm việc tuốt tuột suốt tháng quanh năm. Mai lúc nào cũng kim với chỉ, mẹ lúc nào cũng có mặt ngoài chợ từ tinh mơ cho đến tắt mặt trời, bất chấp nắng hạ, mưa đông. Tay nghỉ thì miệng nghỉ cho nên không dám nghỉ. Có lẽ vì vậy mà cái Tết đối với dân nghèo và dân quê long trọng và có ý nghĩa khác thường, đặc biệt. Dân thành phố, nhất là dân giàu có họ cần gì ngày Tết? Một năm họ hưởng biết mấy lần Xuân? Họ có biết bao nhiêu là dịp ăn chơi phè phỡn?

Hòa dạo phố với chị và em Bé, lòng bừng bừng vui sướng. Hòa chưa mặc áo mới, còn để dành. Mai cũng vậy. Chỉ mình em Bé nằng nằng mặc cho bằng được mới nghe. Nó xúng xính đi bên anh và chị, miệng nhồm nhoàm nhai kẹo, gặp ai cũng toét ra cười, thấy cái gì cũng hỏi. Hòa nói nhỏ với chị mai:

- Em thấy cái áo của Bé không được đẹp, hơi rộng…

- Phải, mà đừng nói to, nó nghe nó chê. Tại mẹ ưng vậy, mẹ nói em mau lớn.

- Bé ăn kem, Bé ăn kem! Mua cho Bé đi, chị Mai!

Thình lình, Bé dừng lại, đòi. Hòa liếc qua cái bảng ghi giá tiền, gạt đi:

- Thôi! Ăn bậy hoài, ăn đủ thứ, đau bụng giờ. Mẹ la…

- Mẹ không có la. Mẹ nói rồi, mẹ nói bữa nay Tết, cho em Bé ăn. Mua cho Bé, Bé không cần anh Hòa, chị Mai mua mà!

Mai vội bảo em:

- Thôi kệ, để chị mua cho em một cái, cả năm mới ăn một lần, Hòa ăn không? Chị mua cho em luôn?

- Em không thích… mắc lắm!

- Coi kìa, mình có ăn hoài đâu, chị mua cho em, nghe?

- Mà chị có ăn không? Chị có ăn em mới ăn..

- Được rồi, em cứ ăn trước đi.

Và không do dự nữa, Mai mua cho em hai hộp. Tuy là từ chối nhưng khi Mai mua xong thì Hòa ăn một cách ngon lành. Nó ưng làm người lớn nhưng nó vẫn còn là trẻ con.

Mai thì nghĩ: “Tội nghiệp hai em, kham khổ cả năm, ngày Tết phải cho tụi nó sướng một chút”.

Nhìn hai đứa, Mai chạnh nghĩ đến cha và lần thứ nhất cô gái hiểu một cách thấm thía lời cha ngày trước: “nhìn tụi nó ăn mình thấy ngon, thấy no luôn” Phải! Bây giờ Mai cũng vậy, cô không ăn nhưng nhìn chúng ăn cô thấy ngon, thấy vui thích lắm. Cái cảm giác đó khi còn cha, không bao giờ Mai có cả.

Từ một cô gái ưa vòi vĩnh, hay làm dáng, thích bắt nạt em và mơ mộng – sơ sơ thôi – sau cái chết đột ngột, bất ngờ của cha, cô hoàn toàn đổi khác. Mai trở nên thực tế, chăm chỉ, biết lo xa. Cô bỏ hẳn thói quen vô trách nhiệm ngày trước. Cô hết dùng cái câu cửa miệng:

- Không biết, để mẹ về đã.

Hay:

- Mệt lắm, không phải chuyện tao đâu.

Khi cha còn sống, Mai được nuông chìu và bênh vực, cô không từng nếm được cái vui của sự hy sinh, sự quên mình, sự ban cho. Cô chỉ biết thụ hưởng, chỉ vui khi được nhận. Như một phép mầu kỳ diệu, bây giờ cô thay đổi hẳn tính tình, cô không hề đòi hỏi cho mình. Càng ngày, Mai càng tỏ ra gười lớn, muốn kê đôi vai nhỏ bé gánh bớt, chia sớt cái trách nhiệm nặng nhọc của mẹ cô, vì Mai biết đó là cách tốt nhất để mẹ nguôi bớt sầu buồn, để bù đắp vào sự mất mát quá lớn của gia đình mình. Nếu không, mẹ buồn rầu thái quá, mẹ sinh đau ốm rồi bà sẽ chết sớm, bỏ ba chị em lại côi cút trên đời, thì không biết xoay sở ra sao. Mai hãi quá, không dám nghĩ đến điều ghê gớm ấy.

Dần dần, Mai tìm thấy niềm vui trong sự chia sớt trách nhiệm với mẹ. Ngay trong những lúc Hòa hay em Bé làm phiền cô, cô cũng thấy vui, thấy thích. Vì cô nghĩ rằng hai em dựa vào mình và mình đã trưởng thành, mình có cái bổn phận dắt dìu, che chở chúng, cưng chìu chúng để chúng quên đi điều bất hạnh.

Phải bù vào chỗ bất hạnh đó. hất hủi chúng chúng sẽ tủi thân. Cô như quên rằng mình cũng mất cha, mà chỉ nhớ rằng mẹ và em mình khổ sở vì cha chết, mình phải, bằng bất cứ giá nào lấp vào khoảng trống, bù vào sự thiếu thốn đó. Đôi khi, bị mẹ bẳn tính rầy oan, cô vẫn không oán hận.

Mai thương mẹ, thương em và tìm thấy nguồn vui, lẽ sống trong tình thương và bổn phận, không ao ước chi hơn.

Ba chị em đi ngang hàng hoa. Mai nghe lòng mình rung động nhẹ khi một mùi thơm thoang thoảng, mùi thơm đó làm cô nhớ tới mấy mùa xuân cũ, cha cô thường dắt chị em cô đi dạo hàng hoa.

Ông chịu khó làm theo ý con, mặc chúng đưa đến đâu cũng đi theo, có khi đứa đòi đến hàng này, đứa đòi đến hàng kia, ông giả vờ buồn rầu nói:

- Thôi các con hãy cắt ba ra làm ba khúc, mỗi đứa lôi một khúc theo cho tiện.

Lũ con cười vang lên, ông cũng cười theo. Chao! Sao mà nhiều kỷ niệm về cha quá! Những ngày đó còn đâu nữa? Nó đã lùi vào dĩ vãng… cô gái thở dài.

- Chị Mai, mua hồng cho Bé đâu?

- Thôi, Bé làm như con nhà giàu, cái gì cũng đòi.. Hồng mắc lắm…

- Mắc gì? Chị Mai hứa rồi, anh Hoà nhiều chuyện…

Tiếng hai em cãi cọ làm Mai vụt tỉnh. Cô ôn tồn:

- Được rồi, lát nữa chị mua hồng. Ba cũng ưa ăn hồng lắm. Mua cúng ba rồi cho Bé ăn luôn.

Nghe chị viện đến hai tiếng ba ưa Hòa thôi cằn nhằn em. Người ta không thể keo kiệt với người chết được, huống chi người chết đó lại là người cha yêu quí của mình.

Sáng mồng một mẹ và hai em đi chùa. Mai ở nhà trông nhà một mình. Ngồi yên, Mai đắm hồn trong vắng lặng, cô bỗng thấy ngôi nhà rộng mông mênh. Trên bàn thờ cha, dĩa hoa quả xanh tươi, vui mắt. Một làn khói nhẹ, thoang thoảng, mờ ảo toả ra từ bát hương, bao phủ trước di ảnh cha. Trong khoảnh khắc, cô gái thấy một cảm giác lạ, đó là cái cảm giác cha mình không xa cách chi, ông vẫn quanh quẩn đâu đây trong cõi vô hình, tuy mình không thấy. Phải! Tuy hình hài ông đã tiêu tan cùng cát bụi, trở thành cát bụi, nhưng giới linh hồn nếu có, chắc ông cũng ở cạnh vợ con. Mai nhìn thẳng vào hình cha, nom linh động như khi ông còn sống. Mai nhớ lại cử chỉ, lời nói, thói quen của cha mình. Có người nào thương con hơn cha mình không? Mình được sung sướng, được cưng chìu quá, cho nên trời bắt mình mất cha sớm để bù vào? Cô mím môi trong một ý nghĩ thách thức, cam chịu: “Được rồi, dù trời có ác như thế đi nữa, ta cũng cam, vì ta đã sống trong những ngày đầy đủ, sung sướng bên cha. Bây giờ là lúc ta bắt chước như cha ta: thương yêu, săn sóc mẹ và hai em. Ta sẽ như cha… ta sẽ… Xin cha giúp con để con đủ sức làm cây cột cái, thay cha mà chống đỡ gió mưa cho mọi người nương tựa, kể từ đây”.

Mai chớp mau mắt, hai giọt nước mắt trào ra. Không phải là những giọt lệ đau đớn mà là những giọt nước mắt sung sướng, sung sướng vì mình có trách nhiệm, và biết vui vẻ đón nhận nó, mình đã khôn ra, đã lớn lên, sắp trưởng thành.

Chợt có tiếng gõ cửa. Mai lau vội mắt, đứng lên. Cô Thu, bạn Mai và em cô, bé Thủy bước lên hiên. Mai reo lên vui vẻ:

- Chà diện quá! Đã đi đâu chưa?

- Qua mừng tuổi bác với mày đây. Chưa đi đâu hết, đợi mày đi cho vui chớ.

- Tao đi không được, phải coi nhà, mẹ đi với hai đứa nhỏ rồi.

- Không gấp, tao đợi.

- Mà đi đâu chớ?

- Đi xin xăm.

- Thôi, tao không đi đâu.

- Sao vậy? Mấy năm…

- Mấy năm khác, năm nay khác…

- Khác cái gì? Bộ giờ mày không cầu mong gì hết? Không muốn biết…

- Phải đó! Bây giờ tao không cầu mong gì, tao đâu có mua giấy số mà mong trúng? Gia đình như vậy là tốt rồi. Số mạng mình ăn thua gì ở chuyện xin xăm. Ba tao nói vậy.

- Trời ơi! Con nhỏ này bây giờ nói nghe lạ quá… mày có khùng không? Nói nghe như đàn ông!

- Ừ! Giống đàn ông, giống ba tao đó, sao không?

Mai thao thao nói nhưng rồi đột nhiên cô dừng lại. Thu làm sao hiểu được lòng cô? Mà Mai thì không biết diễn tả tâm trạng mình sao cho minh bạch được. Mai quay sang Thủy:

- Chị có giống đàn ông không? Em Thủy nói coi?

- Trời ơi! Nhè con nít mà hỏi, nó biết gì?

- Con nít chớ chưa chừng khôn hơn thứ lớn đầu như mày đó… to xác mà ngu…

- Ê, năm mới không được nói bậy nghe.

Hai cô gái cười vang lên. Chẳng có gì cũng làm họ vui được. Ngày năm mới có khác, họ có thể vui vì một câu vớ vẩn, vô nghĩa như vậy đó.

Sáng mồng hai, Mai sửa soạn bữa ăn sáng sớm hơn thường lệ, để kịp đi thăm mộ cha đỡ nắng. Bánh chưng, dưa món, thịt kho. Đó là những món đặc biệt của gia đình này trong ngày Tết. Ngày thường thì cơm nguội hay bánh mì đã là sang rồi.

Hòa cũng mặc áo quần mới. Sắp đi thăm mộ cha mà. Mẹ ngắm nghía các con, vui vẻ nói trong mâm ăn:

- Tụi bây lớn đại rồi đó!

Thình lình, Thu hớt hải chạy vào, cô chưa mặc áo dài làm Hòa hơi khó chịu: sáng sớm lại là ngày Tết mà tới nhà người ta… nhưng Hòa sững sờ khi nghe Thu nói:

- Bác hay gì chưa? Đừng đi đâu sáng nay đó. V.C tấn công… họ về nhiều…

Mẹ buông đũa, lắp bắp hỏi:

- Ai nói? Thiệt không?

Mai thì không tin:

- Thôi, nói bậy bạ hoài…

Thu trừng mắt:

- Không tin hả? Mở radio nghe coi…

- Hòa, mở radio, con!

Hòa phóng ba bước lại đầu giường mẹ lấy radio vặn lên. Ba cái miệng cùng kêu:

- Đâu? Có gì đâu?

- Đợi chút coi, rồi có bây giờ đó mà. Nãy giờ cứ ít phút lại có… người ta dặn mình đừng ra ngoài, giới nghiêm cả ngày, không phải chơi đâu.

- Giới nghiêm ban ngày hả?

- Chớ sao…

Thu ngừng lại vì từ trong radio có tiếng phát ra:

“Đồng bào vững lòng… triệt để tuân theo… “

Mọi người cùng im phăng phắc. Thu nói đúng. Mẹ thở dài. Mai tức tối:

- Cả năm có một ngày định đi thăm mộ cha mà không được, ức chưa?

Trọn ngày mồng hai ai nấy cứ quanh quẩn trong nhà, dáng bộ vô cùng bực tức. Mẹ không ngớt thở ngắn, than dài:

- Trời ơi! Đánh nhau trọn năm không chán sao mà còn đánh ngay trong ngày tết?

Hòa và Bé thay nhau canh chừng cái radio. Mai tuy không nói gì, nhưng không khác chi mẹ và hai em. Cô cười gượng gạo, dỗ dành chúng:

- Thôi, mai đi cũng được, gấp gì…

Kỳ thật là cũng để an ủi chính mình.

Ngày mồng hai chậm chạp trôi qua trong sự buồn tẻ.

Sáng mồng ba, chưa kịp rửa mặt, mới mở mắt Hoà đã vặn đài, ngóng tin. Vẫn không có gì đáng mừng. Vẫn những lời lẽ y như hôm qua. Hòa phát khùng lên, Mai thì nóng ruột như lửa đốt. Tuy nhiên, cô vẫn cố giữ vẻ trầm tĩnh bề ngoài.

Bữa ăn sáng ngon lành, đặc biệt lại được dọn ra, nhưng một điều khác lạ: không ai chiếu cố đến, trừ em Bé. Mẹ nói:

- Tụi bây ở nhà, nghe?

- Mẹ đi đâu?

Các con cùng hỏi.

- Không đi đâu xa hết. Qua bên xóm một chút, cuồng cẳng không chịu nổi.

Cỡ chín giờ sáng mẹ hộc tốc chạy về vì tiếng súng lớn nhỏ thi nhau nổ ròn, liên tiếp, không biết chỗ nào song rất to, rất rõ. Và độ nửa giờ sau thì người ta dắt díu nhau, bồng bế, mang xách, lôi thôi, lếch thếch tuôn vào trong hẻm như giòng thác lũ. Mặt người nào cũng ghi đậm nỗi kinh hoàng, trẻ con khóc nheo nhéo, ngằn ngặt trong những cái bọc vải, có đứa khản đặc tiếng lại. Mấy đứa lớn bị lôi tuồn tuột không chút nương tay, trông cảnh tượng hết sức thương tâm.

Người ta mang theo tất cả cái gì mang theo được: quần áo, chăn màn, nồi niêu, và có lẽ đó là tất cả gia sản của người nghèo.

Trông thấy cảnh ấy, mẹ Hòa không nén được lo âu. Bà đi ra, đi vào, đi lên, đi xuống, cầm cái nọ, buông ra rồi cầm cái kia, nhưng bà không làm gì được. Bụng bảo dạ nên thu vén chút đỉnh ngộ phòng có chạy thì sẵn sàng, nhưng bà không làm được điều trí khôn giục mình làm.

Chạy đi đâu? Tá túc chỗ nào? Đâu là chỗ an toàn trong khi chiến tranh xảy ra ngay trong thành phố? Ban nãy, nghe cháu bà Năm nói “họ” đóng quân trong một biệt thự bốn tầng lầu gần chợ Bến Thành, rất nhiều toán lẻ tẻ ở cầu Xa lộ, ngã Phú lâm, Chợ lớn cũng có họ. hai bên bắn nhau suốt mấy ngày nay mà mình không hay biết chi cả. Bởi trong đêm giao thừa thì pháo nổ ran, tiếng súng lẫn trong tiếng pháo, còn ngày mồng một, mồng hai thì ai cũng cho là trò đảo chính, đảo chiết chi đây, nên không ai lo sợ, chỉ sốt ruột thôi.

Cho đến bây giờ, trưa mồng ba, sự lo sợ đã hiển nhiên, thay thế cho sự bực mình. Không phải trò chơi, không phải đảo chính…

Hòa theo chị Thu về nhà chị ấy, trèo lên gác nhìn về phía Chợ lớn: từng cột khói đen nghịt một góc trời. Tiếng súng khi nhặt khi thưa không ngớt.

Chợ không họp ngày mồng bốn. Đêm nằm cứ giật mình thon thót, một tiếng động nhỏ cũng đủ gây nên sự kinh hoàng. Không khí đe doạ cứ bao trùm, lẩn quất đâu đây không chịu buông tha.

Mẹ thì thọt qua nhà bà Năm, nhà Cai Bình, nhà Bốn Thôi dò hỏi tình hình. Ai cũng nói là không phải chạy đi đâu cả. Hai bên đang đánh nhau? Thì cứ đánh. Mình là dân lành, dốt nát, ai nỡ đánh giết mình? Đánh cũng có chỗ chớ! Chắc là một đòn chính trị chi đây? Không! Đừng tưởng đòn chính trị… chuyện này làm náo động cả thế giới mà! Thôi, bàn lui bàn tới làm chi? Ăn thua gì ở mình? Ăn thua là ở Dinh Độc Lập, ở Toà Bạch Ốc, ở ngoài Bắc Việt ấy chứ, bàn tán làm gì? Mẹ Hòa càng rối ruột thêm. Súng cứ nổ, người ta cứ bồng bế nhau, lếch thếch chạy vào hẻm. Người trong hẻm thì bàn tán nhốn nháo, xôn xao, khen chê, dò đoán lung tung, chẳng đâu đến đâu.

Những lúc như vậy mà nhà lại không có đàn ông, có khổ không? Chẳng biết quyết định làm sao cả.

Đêm đến, nỗi lo ngại càng tăng. Mẹ cho Hòa với em Bé qua nhà Cai Bình coi ti vi. Ở nhà mãi buồn cũng tội, cho chúng đi coi đỡ buồn may ra lại có tin hay. Đài phát thanh thì chỉ ngần ấy chuyện: kêu gọi, hô hào đoàn kết, hy sinh, đừng tin theo giặc, kêu gọi hiến máu, kêu gọi công chức, quân nhân trở về đơn vị, nhiệm sở…

Cả nhà Cai Bình và Hòa, Bé đang mải mê theo dõi tuồng cải lương: “Kỳ nữ Mạnh Lệ Quân” thì thình lình có tiếng kêu gọi từ dưới đường vọng lên:

“Hỡi đồng bào thân mến! Quân đội giải phóng đã làm chủ tình hình thủ đô. Yêu cầu đồng bào vững tâm tin tưởng… Ngày mai… “

Cai Bình hốt hoảng, tắt phụt ngọn đèn và cũng một lúc, ông tắt biến luôn cái ti vi. Lũ trẻ chưa kịp phản đối, ông đã hét lên nho nhỏ:

- Im hết, muốn chết không? Hai đứa kia! Cút mau! Giờ này mà còn ngồi đây…

Rõ người lớn bất công, ban nãy chính ông ta mời mẹ con Hòa sang mà bây giờ lại cũng chính ông tống khứ hai đứa nhỏ trở về. Chẳng qua khi sợ, người lớn, người ta quên tuốt tuột những gì vừa mới nói… cách mươi phút trước.

Hòa riu ríu dắt em, băng ngã tắt về nhà, quên cả chào hỏi lễ phép như mọi bận. Tiếng kêu gọi dưới đường vẫn văng vẳng vọng lên nhưng càng phút càng xa dần. Bóng người lạ cũng mất hút sau giàn hoa giấy nhà ông Tiết. Không khí đột nhiên căng thẳng, tăng phần đe doạ hơn lên. Người ta sợ đến quên cả thở.

Đứa con út Cai Bình nhai vú mẹ chanh chách trong bóng tối. Cai Bình nhịn thở se sẽ theo hai đứa trẻ, đưa chúng về tận ngõ mới thôi, chừng như ông ta hối hận về thái độ của mình vừa rồi, không nỡ để chúng phải đi một mình.

Hai ngày sau đó, tình hình như lắng dịu, yên yên. Nhưng đến tối mồng sáu đột nhiên tiếng súng nhặt lại, và càng về khuya súng nổ càng dòn. Mẹ Hòa lôi tuột cả lũ xuống gầm giường cho chắc bụng. Cửa nẻo khoá kỹ. Bàn thờ cha không đốt hương cũng chẳng có đèn.. Trong bóng tối, Mai nghe rõ từng nhịp thở của mẹ và hai em. Mắt thao láo, cô lắng nghe tiếng súng cứ liên tục nổ. Nhưng rồi mệt quá, mọi người thiếp dần, bởi thức mãi mấy đêm qua, ai cũng kiệt sức, không chống nổi với cơn buồn ngủ.

Tinh mơ, súng càng nổ dữ dội. Mai vội vàng nấu cơm để cho các em ăn.

Cơm chưa cạn thì lửa bốc rực trời khu xóm trong. Người ta ùa ra như kiến trong tổ bị động. Tiếng người gọi nhau ơi ới… Mẹ Hòa thu dọn vài bộ áo quần tôn tốt, đập tan con heo đất cất tận đáy rương, cho tất cả vô một cái va li nhỏ và giục các con: “Coi có gì tiện gọn lấy đi” Mai nhìn quanh ngơ ngẩn, thở dài:

- Con đâu có gì? Chỉ có cái máy may…

- Máy may làm sao đem đi được, con này giỡn quá!

- Trời ơi! Súng nổ như vậy mà còn ngồi đó, bộ ưng chết sao chớ?

Cai Bình đi ngang, hét chõ vào nhà làm mẹ con Hòa càng cuống quít. Khi bốn mẹ con ra đến hiên thì súng nổ càng sát sạt hơn. Đoàng đoàng, tạch tạch, ầm ầm, xoàng xoàng… Quái! Sao như súng nó cứ chĩa vô xóm mà nã vậy kìa? Tiếng chân chạy thình thịch, tiếng la khan, tiếng kêu cứu, tiếng rên rỉ… quang cảnh hỗn độn lạ lùng. Mẹ con Hòa hoang mang kinh hãi, không còn biết tính toán chi cả, chạy tràn theo làn sóng người cuồn cuộn tuôn ra đường lớn.

Bỗng Mai nhớ lại là chưa kịp khoá cửa sau. Cô nói với mẹ:

- Mẹ với hai đứa chạy trước đi, con phải về khoá cửa sau lại đã.

- Thôi. Không được đâu con, chạy đi…

Nhưng mẹ chưa dứt lời Mai đã ù chạy về nhà. Hoà cũng nói:

- Để con về với chị Mai.

Và không đợi mẹ có bằng lòng không, nó chạy theo chị liền. Mẹ Hoà sửng sốt, bà không kêu được một tiếng, lặng người nhìn lửa cuồn cuộn loang ra, trông như có pha dầu.

Từng mái nhà ngùn ngụt bốc cháy, vèo một nhoáng đã hoá ra than đỏ. Tiếng nổ của súng có lúc chợt thưa đi, nhưng tiếng nổ của tre nứa, của đồ vật trong nhà thì càng dồn dập, nghe bong bóc, bong bóc…

Lửa phừng phừng, vút cao, lan rộng. Mẹ Hòa như mê đi, há hốc miệng nhìn những lưỡi lửa liếm ngoem ngoém một cách tham lam khủng khiếp… Còn hung hãn, tàn tệ hơn ác thú: lửa không nhai, nó chỉ táp qua một cái là tất cả các con mồi nát tan, biến dạng tức thì! Gạch, ngói, tôn, cây, gỗ, bàn ghế, chăn màn…

Mà sao hai đứa con đi lâu quá? Người mẹ cuống cuồng lên, bà không thể chia mình ra làm hai được. Bà không thể bỏ Bé đứng một mình để trở về tìm. Song bà cũng cố dỗ dành con:

- Con cứ đứng đây một chút, để mẹ về tìm anh Hòa với chị Mai…

- Không, con sợ lắm! Mẹ đừng bỏ con…

Bé níu cứng tay mẹ, bà không rứt ra được. Nhìn quanh, chợt thấy bà Năm, mẹ Hoà mừng quá, vội vàng du Bé lại:

- Bà cho con gởi cháu… tụi nhỏ kẹt trong lửa…

- Chớ sao không dắt chạy một lần?

- Khổ quá, đã chạy ra rồi chớ, mà…

Có bà Năm, Bé chịu để mẹ đi. Mẹ Hòa giao cái va li cho bà Năm giữ hộ luôn, băng mình chạy…

Lửa vẫn bốc rực trời, khói cay cả mắt. Hai dãy nhà, trong đó có nhà mẹ Hòa, đã làm mồi cho ngọn lửa. Chẳng thấy bóng dáng lũ con đâu. Chung quanh toàn lửa.

Vài người kêu khóc, tay chới với về phía nhà mình, có người lắp bắp mấy tiếng đẫm nước mắt: “Con tôi, con tôi… “ làm mẹ Hòa càng thất đảm.

Một toán lính trên toà lầu của hẻm trong, lăm lẳm chĩa súng xuống đám người khốn khổ, quát đuổi dồn:

- Mấy người kia, đi ra! Mau!

Song không ai tuân lệnh. Họ cũng như mẹ Hòa, lạc con, cháy sạch cửa nhà, đã trở thành những người mất trí. Sau cùng, vài người lính phải xuống, vừa doạ, vừa dỗ dành dìu họ đi ra. Mẹ Hòa đi giật lùi, mắt vẫn đăm đắm nhìn biển lửa sau lưng… Không lẽ trời ác đến thế? Chồng bà đã chết rồi… nếu quả hai con bà… nhưng kìa, có phải bà hoa mắt không? Bà chớp mau mắt định thần nhìn kỹ: trong con hẻm nhỏ, hai con bà đang dìu nhau chạy ra, Mai tóc tai bơ phờ, một bên vai áo rách sả, còn Hòa thì nhem nhuốc những tro than. Nom thấy mẹ, cô gái oà ra khóc: “Mẹ! Cái máy của con… “

Người mẹ mừng quá, tưởng như hai con từ cõi chết được hồi sinh, bà ríu lưỡi lại sà đến ôm chặt hai con. Giây lâu, bà mới lau nước mắt, thổn thức:

- Mẹ biết! Mẹ biết! Cháy hết rồi, cả nhà, cả máy… Nhưng phải cảm ơn Trời! Mẹ con mình phải cảm ơn Trời…

Mai vùng ra khỏi tay mẹ, mở to mắt, tức tối:

- Cảm ơn gì? Cháy tiêu tan hết mà mẹ biểu cảm ơn?

Người mẹ đã bình tĩnh lại, giọng bà tin tưởng:

- Mình không mất hết: mẹ còn có các con. Rồi mình gầy dựng lại, con đã hiểu chưa? Mình còn đủ tay chân…

Mai chưa hiểu, hay nói cho đúng, cô không chịu hiểu theo ý mẹ. Nhưng Hoà thì hiểu. Nó tìm mãi không ra một câu gì để làm chị bật cười, và nó vụt nhớ đến chuyện cái xe đạp cha hứa cho mình, Hòa nhìn chị nói:

- Thôi, chị đừng tiếc, tiếc cũng không còn. Chị coi, em không có xe đạp đây mà em có buồn đâu? Hai chị em bây giờ bình đẳng, đều không có gì hết, tốt hơn! Chừng em có tiền, em sẽ mua cho chị máy may trước, chịu không?

- Thằng yêu! Như thế này mà… còn giỡn được, tao chịu mày…

Mai nhoẻn cười, mắt vẫn còn long lanh ướt. Mẹ nói:

- Thôi, đi ra kẻo con Bé nó khóc, nó đợi ngoài kia!

Ba mẹ con nhìn lại biển lửa lần chót rồi bước mau. Chưa biết đi đâu. Cứ đi về hướng an toàn trước mặt. Họ không kêu ca, oán hận, khóc lóc nữa, vì trời còn rũ lòng thương: họ được đoàn tụ, nguyên lành. Thế là quí lắm rồi.

Phía sau họ, lửa vẫn tung hoành, tàn phá. Tiếng nổ của súng đạn, của tre nứa, của vật dụng vẫn liên tục, không ngừng…

MINH QUÂN