- Phải có ba ở nhà mà ăn cơm giờ này chắc ba chê liền, ba nói mình ăn giống như gà đặng lên chuồng sớm, phải không mẹ?
Mẹ chưa nói gì thì em Bé, vốn được ba nuông chìu, nghe nhắc đến ba, buông đũa liền:
- Cơm dở lắm, con không ăn. Chờ ba về có đồ ăn ngon con mới ăn.
- Rồi đa! Đừng làm trời! Ba chưa về đâu mà làm bộ. Ăn đi, chờ ba về đã rồi làm nũng, cô Tư! Nói cho mà…
Hòa đang nói bỗng ngừng bặt, kêu lên thất thanh hai tiếng:
- Mẹ! Mẹ ơi!
Nghe giọng Hòa, mẹ cũng đâm hoảng lên, bà hỏi dồn:
- Cái gì? Hả? Cái gì mà…
Hòa ríu lưỡi lại, nghẹn cứng họng, lặng lẽ giơ cao đôi đũa đang cầm trong tay chỉ ra hiên, mọi người cũng nhìn theo: trên bậc thềm sừng sững một người vừa bước lên, người phụ của cha Hòa!
Băng keo dán kín một bên mắt, băng ga quấn trắng toát khắp cánh tay, chân bước hơi khập khiễng, Miên đang tiến lại bên mấy mẹ con với dáng bộ buồn rầu chưa từng thấy. Mẹ Hòa đứng bật dậy, thốt lên một câu nghẹn ngào trong cổ họng:
- Miên? Bác Hai đâu? Ổng…?
Rồi tiếng bà tắt nghẽn. Miên lắc đầu, uể oải ngồi phệch xuống ghế, trông như người kiệt sức vì vượt qua sa mạc giữa trưa. Giọng anh lắp bắp, đứt quãng:
- Bác trai… còn đâu nữa… Bác đã… Bác ơi!...
Và anh ta bưng lấy mặt khóc rấm rức, khóc thảm thiết. Mẹ Hòa chưa chịu tin cái tin dữ ấy. bà run run gặng lại:
- Hả? Miên, mày nói…?
Miên gật đầu một cách khó nhọc, xác nhận lời mình lần nữa:
- Dạ, phải! Bác đã… dạ!...
Mai run bần bật, xô lại níu tay Miên:
- Anh Miên! Ba tôi chết hả? Sao lại chết? Anh Miên? Anh nói…
Mẹ Hòa ngồi lặng. Bà không khóc lóc, không gạn hỏi nữa. Mặt bà xám ngoét, bà rũ gục xuống như cái xác không hồn. Anh Miên cuống quít:
- Trời ơi! Bác ơi! Bác phải bình tĩnh chớ! Bác làm sao vậy? Cô Mai ơi! Làm sao…
Bé ngạc nhiên quá, nó hết nhìn người này đến người kia. Bé còn nhỏ quá, nó đâu đủ trí khôn để hiểu được chuyện ghê gớm xảy ra. Mai và Hòa bật khóc nhưng khi thấy mẹ lả đi thì cả hai ráo hoảnh mắt, gọi rối rít: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”
Người mẹ khốn khổ vẫn nghe mang máng tiếng hai con bên tai nhưng cổ bà nghẹn cứng, tim bà như ngừng đập, tay chân lạnh giá, bà giương đôi mắt thất thần nhìn con rồi bà lịm dần, lịm dần.
Miên càng bối rối. Chỉ tại mình mang tin dữ đến. Anh thù ghét, ghê tởm công việc của anh. Nhưng biết làm sao hơn? Tránh trút cho ai? Bổn phận anh là phải mang tin đó về cho vợ con người xấu số, vì người chủ xe muốn tránh mặt trong trường hợp đau thương ấy. Sớm hay muộn, anh cũng phải báo tin dó cho gia đình Hòa. Vả lại, còn việc chôn cất người chết nữa.
Mai sực nhớ đến bà Năm bán quán, cô gái chạy như bay đến nhà bà, vừa thở vừa lôi bà qua nhà mình. Bà Năm tiên đoán được đôi chút thái độ Mai. Nhưng bà cũng hỏi:
- Cái gì? Cái gì? Con phải nói rõ chớ?
- Mẹ con…
Cô gái chỉ nói được hai tiếng rồi thôi, nước mắt ràn rụa tuôn trào. Bà Năm không gạn hỏi lôi thôi nữa, lẳng lặng theo Mai. Lên khỏi bậc thềm, thấy quang cảnh đó bà khựng lại, kêu lên:
- Trời ơi! Mẹ mày làm sao vậy? Khổ chưa? Đầu đuôi ra sao? Cái gì vậy, Miên?
- Dạ, bác trai chết rồi, bà Năm ơi! Con về…
- Chết?
Bà Năm sửng sốt kêu lên rồi lặng đi một giây, bà quá xúc động vì cái tin không bao giờ bà ngờ được đó.
Giây phút kinh hoàng qua đi, bà tỉnh lại. Phải lo cho người sống! Bà lẩm bẩm một mình: “Phải lo cho người sống!” Bà lại gần mẹ Hòa, sờ tay lên ngực, lên mũi mẹ Hòa, ra lệnh:
- Thằng Miên, con Mai! Coi phụ với tao một tay, mau!
Ba người xúm lại vực mẹ Hòa lên. Mẹ Hòa mềm nhũn, lạnh ngắt làm Mai càng khiếp đảm. Cô gái nức nở:
- Mẹ ơi! Đừng chết bỏ tụi con! Mẹ ơi!
Hòa níu cứng bà Năm:
- Mẹ con chết không bà Năm? Mẹ con không chết chớ, bà Năm?
- Bậy bạ nào, chết chóc cái gì? Đừng làm rối, tụi nhỏ!
Bà gắt nhẹ và cho tay vào túi áo lấy ra lọ dầu nóng xoa khắp người mẹ Hòa.
- Đem lò lửa đây cho bà coi, mau!
Miên lật đật theo Mai xuống bếp. Hòa lăng xăng bên bà Năm, ruột nóng như cào, nó chưa ăn qua một chén cơm, mà không thấy đói chút nào. Sợ mẹ chết, Hòa quên bẵng đi chuyện cha chết. Bà Năm vừa xoa dầu cho mẹ Hòa, vừa kêu nho nhỏ:
- Tội nghiệp quá! Chết chi mà…
Bà lặng lẽ khóc, nước mắt ràn rụa trào ra, lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo. Bà quay phía khác, lén lút gạt đi nhưng nó cứ trào ra, trào mãi. Nghe tiếng “chết” và thấy bà khóc, Hòa càng hãi, nó gào to:
- Mẹ ơi! Mẹ chết bỏ tụi con…
- Đừng nói bậy! Chết chóc cái gì, chạy qua bên nhà bà lấy đem đây ít trái bồ kết, coi!
- Chi vậy bà Năm? Bộ gội đầu cho mẹ thức dậy hả, bà Năm?
Bé tò mò hỏi, giọng nó ướt sũng. Nó hơi thoang thoáng hiểu. Hòa cắm cổ chạy biến, quên cả dạ. Chỉ chút xíu, lửa và bồ kết đã có đủ. Bà Năm bẻ nhỏ mấy trái bồ kết bỏ lên lò lửa, mùi bồ kết cháy xông lên khét lẹt, toả khắp nhà. Bé và Hòa ho sặc sụa. Mắt người nào cũng đỏ hoe. Bà Năm kê lò lửa, trên đó mấy trái bồ kết đang cháy lấp lánh, sát bên mũi mẹ Hoà, tay giật giật mái tóc mai của mẹ Hòa, miệng kêu tên mẹ Hòa không ngớt.
Bé hét lên:
- Bà Năm làm đau mẹ, Bé ghét bà Năm…
Mai bịt miệng em, lôi bừa con bé ra ngoài, bà Năm hiền lành nói:
- Kệ trẻ nhỏ, đừng rầy nó làm chi, Mai! Con nít biết gì…
Mấy cặp mắt đều đổ dồn, chăm chú vào mẹ Hòa. Mai mím môi, nén khóc. Cô sốt ruột nhưng không dám hỏi. Cô tưởng như tiếng nói của mình cất lên có thể nguy hại đến tính mạng mẹ mình. Hòa cũng vậy. Bà Năm băn khoăn:
- Sao lạ vậy kìa? Sao nó không tỉnh kìa?
Miên đứng dậy:
- Hay là để con qua kêu anh Tú chích cho bác một mũi?
- Phải! Phải, tao lú đi chớ! Đi mau đi, Miên!
Miên bước ra chưa khỏi ngõ thì bỗng mẹ Hòa hắt hơi một cái, bà đã hồi tỉnh.
Tức thì bà Năm kêu giật Miên lại:
- Thôi! Miên! Khỏi! Đừng đi nữa, Miên!
Rồi bà cúi xuống sát mặt mẹ Hòa, giọng bà êm ái, bùi ngùi:
- Mẹ thằng Hòa! Mày tỉnh rồi phải không? Đừng có bậy bạ nghe không? Bộ mày không nghĩ tới lũ con sao? Không thương lũ con sao? Bộ mày…
Ba cái miệng cùng kêu lên một loạt:
- Mẹ ơi!
Mẹ Hòa mở bừng mắt, đôi mắt chứa đầy kinh hoàng thống khổ, nhưng rồi bà nhắm lại ngay. Bà muốn ngủ quên, muốn mê lại, không muốn nhớ đến cái tin dữ vừa rồi. Hai bên khoé nước mắt trào ra, đọng lại, bà nghiêng về một phía, và nước mắt bà chảy, chảy rưng rưng, rưng rưng, liên tục không ngừng.
- Tôi còn sống làm chi nữa? Hở trời! Tôi sống làm sao được nữa? Hở trời!
Giọng bà làm mủi lòng lũ con, Miên và cả bà Năm. Những tiếng khóc bị ngăn chặn, bấy giờ được khơi ra như giòng suối mới khai thông.
Rõ là quang cảnh của một nhà có đại tang.
Xác cha Hoà quàng trong nhà thương. Bà Năm bàn với mẹ Hòa nên để yên trong đó chờ khâm liệm rồi đem an táng luôn. Bà cương quyết ngăn cái ý muốn của mẹ con Hòa là mang xác về nhà, dù mấy mẹ con đều ưng như vậy.
- Không nên, mẹ thằng Hòa phải nghe tao, tao già cả, không nói bậy bạ đâu. Đừng đem về không nên. Tục lệ ông bà phải nghe theo…
- Tục lệ… tục lệ gì kỳ quái: nhà đây, con đây vợ đây mà phải nằm một mình lạnh lẽo…
Mẹ Hòa ngưng bặt, tấm tức khóc không ra tiếng. Trông mẹ khóc, Hòa đau nhói tận tim. Nó không quen thấy người thân yêu khổ, thà nó khổ, nó chịu hơn. Nó không hiểu rằng khóc được, mẹ nó vơi bớt khổ đau đang chĩu nặng trong lòng.
Em Bé không dám mè nheo vòi vĩnh nữa. Chị Mai nghỉ học may, không buồn chải mớ tóc óng mượt mà chị ấy thường săm soi, vuốt ve mỗi sáng mỗi chiều. Cả nhà rối lên vì người nằm xuống. May sao, có bà Năm, người láng giềng có tuổi, tốt bụng và có Miên giúp cho mọi việc, nếu không chẳng biết ra sao.
Trong mấy ngày đó Hòa như người nửa tỉnh, nửa mê, y như kẻ bị chứng mộng du, cử động nói năng do một sức sai khiến ngoài ý muốn. Ôi chao! Sao mà chán nản, sao mà đau đớn, sao mà mỏi mệt đến nhường này? Hòa không nhớ gì, không quan tâm đến cái gì mà cũng không buồn suy nghĩ gì, một thói quen mà Hòa có từ khi cắp sách đến trường. Hình như ngoài những khuôn mặt quen thuộc vừa kể trên, còn thấp thoáng một khuôn mặt nữa, cũng quen thuộc với Hòa: khuôn mặt của thầy giáo Hòa. Song bởi quá đau đớn và xúc động, Hòa không hề tự hỏi tại sao thầy có mặt tại nhà mình.
Thỉnh thoảng đâu đây như văng vẳng tiếng ngâm thơ của cha Hòa:
“Vân Tiên anh hỡi cố tri!
Suối vàng có biết chuyện ni chăng là?
Tay lau nước mắt trở ra…”
Phải! Bây giờ thì Vân Tiên đã nằm xuống rồi! Làm sao ông biết những gì xảy ra? (Không biết do một liên tưởng nào Hòa lại cho cha mình là Vân Tiên, người trong truyện mà cha thường nhắc đến, người anh hùng giữ tròn trung, hiếu, nghĩa, tình, đã hứng chịu nhiều khổ sở thử thách mà cuối cùng vẫn sống sót, đoàn tụ, yên vui với gia đình) Làm sao ông biết rằng con mình đang khổ? Hoà gạt nước mắt, cố ru mình bằng cái ý nghĩ: “Biết chừng đâu cũng như Vân Tiên, ông chết giả ? Không phải là chết thật, ông mất tích ít lâu? – Vì hoạn nạn mà! -- Rồi lại lừng lững trở về trong một lúc bất ngờ nhất, mang theo không biết bao nhiêu là quà cho mẹ con mình? Lúc đó thì… phải biết!”
Bà Năm ra lệnh cho Bé ở nhà chơi, không được vô nhà thương. Chỉ hai đứa lớn được đi thôi. Đó là nhờ thầy giáo Hòa nằn nì lắm chớ không thì chưa chắc Hòa được đi. Lạ kỳ quá: từ mấy ngày nay chuyện gì cũng do bà Năm với thầy giáo quyết định, mẹ không có quyền gì hết. Nhưng thỉnh thoảng thầy giáo phải nhường quyền đó cho bà Năm, vả lại, thầy thoạt đó đã mất dạng hồi lâu, chứ không hiện diện thường xuyên như bà Năm. Trên đường vô bệnh viện, Hòa thấy mình tỉnh táo hơn.
Trong nhà thương, một toán người ăn vận nom như lính lệ thời xưa trong sách, áo viền, quần nẹp, sẵn sàng trong công việc liệm xác cha Hòa. Bà Năm thay mặt mẹ Hòa đứng lên nói vài lời cảm ơn và mời từng người một “nâng chén rượu lạt” trước khi bắt tay vào việc. Họ cũng nói phải trái lại vài tiếng rồi uống rượu, rửa tay sạch sẽ bằng rượu nữa. Một người khôi hài:
- Thôi, uống vừa vừa, cha nội! Chừa lại để tắm rửa cho xác chết, đừng có mềm môi uống quá độ…
Hòa bực lắm, người ta có thể đùa cợt trong trường hợp thế này sao? Nhưng cũng nhờ vậy mà Hòa biết rằng người ta không tắm rửa xác cha mình bằng nước mà là bằng rượu. Trân trọng như vậy là phải lắm. Hòa nghĩ.
Mặc dù Miên và bà Năm ngăn lại, khi cửa nhà xác vừa he hé là Hòa chui tọt vô liền. Hòa nhớ cha quá, thương quá nên quên cả sợ. Mà sao phải sợ? Cha mình chớ phải ai xa lạ chi sao?
Ghê quá: trong đó không phải chỉ mình cha Hòa thôi. Qua hai lớp cửa dày, phòng trong có nhiều băng ca sắp hàng hàng và trên mỗi cái đều có một xác người. Khí lạnh ập vào mũi Hòa, mùi hôi như thật đậm, thật đặc, nhưng chìm dưới thấp, chắc là tại quạt máy dìm nó xuống, không cho xông lên? Người ta khiêng băng ca đựng cha Hòa ra phòng ngoài, nghĩa là cách phòng đựng xác một bức tường, chớ cũng trong phạm vi phòng xác. Hòa liếc qua một cái, không dám nhìn kỹ, xác nào cũng được đắp kín từ đầu chí chân. Vậy mà có cái thò chân ra, da tái ngắt và như khô tóp lại, có cái bày đầu ra, tóc phất phơ trông thật hãi!
Cuộc khâm liệm bắt đầu. Người ta giở cái mền đắp trên mình cha Hòa ra, thân mình ông trần trụi không một mảnh vải che (điều đó làm mẹ Hòa đau đớn quá mức, bà hét lên một tiếng và ngất liền khi vừa thấy), Hòa hoa mắt lên, mím môi lại cố hết sức can đảm để nhìn cha nhưng chỉ thấy thoáng qua: cha Hoà mất hẳn đi một bên vai, lủng lấm tấm ở ngực, máu đọng lại, khô trên những vết lấm tấm đó. Từ miệng ông một giòng máu bò ra, đóng khô quánh, in một vệt dài xuống tận cằm. Một mảnh da đầu bay mất, da ông trắng bệch và đặc biệt nhất là ông có vẻ dài hơn nhiều, so với khi còn sống, dài ngoằng. Đôi mắt ông không nhắm kín như khi ngủ, có vẻ trợn trừng và lòng trắng nhiều hơn lòng đen.
Hòa đau lặng, đau tê mà mắt vẫn ráo hoảnh.. Tội nghiệp cha mình biết chừng nào! Chắc cha mình đã phải đau đớn nhiều, nhiều lắm trước khi chết? Người ta lấy rượu rửa ráy cho ông trong lúc Hoà đứng bất động vì xót đau và sửng sốt… Ông có làm ai đau đớn bao giờ đâu? Một con chó, con gà ông cũng không nỡ cán, kia mà?
Cha mình đó sao? Chết rồi? Chết thật rồi? Sao mà dễ dàng vậy? Mau chóng vậy? Sao mà tàn nhẫn vậy? Vô lý thật! Ông tội lỗi gì? Ai giết ông? Sao phải chôn đi? Ước gì người ta đừng tính đến chuyện đó, cứ để cho Hòa được thấy mặt cha, dù từ nay ông cứ nằm yên, nằm mãi trong dáng bộ im lìm, đau đớn, lặng lẽ đó… Hòa ưng thấy như thế để đau đớn vò xé lòng Hòa. Hòa thích thế. Hòa muốn thế! Không! Hòa không dám đòi hỏi chi hơn. Hòa xích lại cho gần xác chết thêm chút nữa. Hòa se sẽ sờ vào tay cha, bàn tay dính be bét máu khô chưa được rửa. Lạ chưa: tay cha Hòa sao mà nhám, cứng và lạnh buốt. Cái cảm giác giá buốt đó như chuyền ngấm vào da Hòa làm thằng bé bàng hoàng lùi lại, bật lên một tiếng kêu thảng thốt.
Không! Không phải cha Hòa! Hòa cảm thấy dửng dưng, xa lạ với cái xác kia quá, cái xác mà trước đó một giây, Hòa biết đúng là cha mình, Hòa ao ước được nhìn thấy mãi. Hòa đã nhìn cái xác đó bằng hai mắt thương xót không cùng, trước khi đụng đến. Thôi! Hết rồi, thật hết rồi! Hết cả rồi…
Hòa bưng mặt rưng rức khóc, không phải khóc vì thương cha mà vì cảm thấy mình tội lỗi quá, bạc bẽo quá, bất hiếu quá, không muốn nhìn chính cha mình! Bởi thấy mình xa lạ, dửng dưng trước xác cha mình. Chôn đi là phải! Chôn đi là phải! Hòa không muốn nhìn đâu… Hòa cố nén, nếu không, nó đã phải kêu lên như thế.
Hòa run bây bẩy, nó thấy mình vừa đúng vừa sai, nó muốn lại gần nhìn cha lần nữa nhưng như có bàn tay vô hình nào kéo nó lùi ra xa. Hòa mất cả tự chủ… Anh Miên dìu Hòa ra, nó gục đầu vào lòng anh Miên, đau đớn, hối hận, sợ hãi chen lẫn trong lòng nó.
Chắc cha mình đã đau nhiều lắm trước khi tắt thở? Tội nghiệp cha! Ông chết khổ sở quá! Ý nghĩ đó làm tim Hòa lại đau nhói lên, rồi thốt nhiên như ngừng đập.
Hoà đau dội, đau nhói cả lồng ngực.
Thình lình, Hòa có cảm tưởng như nỗi thống khổ xoắn chặt lấy nó, thu hút sạch sức nặng của nó, nâng bổng nó lên làm nó lơ lửng, chơi vơi giữa không trung, không bám víu vào đâu được. Và đột nhiên, sức nặng trở lại cũng bất ngờ như khi bị thu hút vậy – Hòa rơi từ trên cao vút xuống, thẳng tuột với một tốc lực nhanh ghê gớm, tưởng sẽ phải nát ngướu cả xương, da. Hòa chóng mặt, nhắm chặt hai mắt lại, tuyệt vọng chờ đợi phút kinh hoàng đó… Mà rồi không: Hòa rơi trên mặt biển, lập lờ, chao đảo, bập bềnh… Hòa hoang mang không biết mình tỉnh hay mê, mọi điều xảy ra là thực hay mộng, cho đến khi mùi rượu sực nức ập vào hai mũi và tiếng khóc thê thảm của mẹ nó vọng mồn một vào tai làm nó tỉnh hẳn.
Đầu óc trống rỗng, tứ chi rã rời, một nỗi chán chường đè nặng lên Hòa, xâm chiếm lấy Hòa.
Lần đầu trong cái tuổi ngây thơ, sung sướng của mình, Hòa cảm biết, hiểu, hiểu một cách thấm thía thế nào là khổ đau, thiếu thốn. Sự mất mát to lớn quá, choán rợp lấy Hòa. Nó ngơ ngác như một kẻ bị đẩy ra giữa muôn ngàn sắt máu mà không biết cầm khí giới. Như một người chưa được võ trang mà bị xua ra mặt trận…
Trong lặng lẽ, sâu kín của lòng nó, một tiếng nói vọng lên, xót xa thấm thía:
- Tâm ơi! Bây giờ tao khổ hơn mày rồi đó, hơn nhiều lắm, Tâm ơi!