− Rõ là số khổ. Khi khổng khi không phải bó bột vì cái lão bánh giò. Mẹ đã bảo tháng này mày sẽ gặp nạn mà không tin. Bây giờ rõ mười mươi là bà thầy bói xem đúng phóc. Biết trước mà không tránh được mới tức.
Thiện nhăn nhó:
− Trời ơi! Mẹ cứ bói với toán. Khổ quá. Con có sao đâu mà.
Dằn ly nước xuống bàn, bà Nguyệt gắt:
− Thế nào mới là có sao. Nói dại mồm lỡ mày mang tật luôn thì cho mà ế vợ con ạ.
Ca Dao phì cười:
− Xời! Mẹ khéo lo. Biết đâu nhờ gãy tay, ảnh mới đắt vợ.
Thiện nhìn Ca Dao lom lom:
− Nhiều chuyện.
Ca Dao cong môi:
− Em chỉ có một chuyện định để kể với mẹ thôi, chớ không có nhiều.
Bà Nguyệt nhướng mày:
− Chuyện gì vậy?
Ca Dao thản nhiên:
− Chuyện ông bánh giò đấy. Hồi tối con có gặp ổng. Vừa mua bánh con vừa hỏi thăm chuyện ổng tông anh hai, ai ngờ ổng chối phắt. Không những chối, ổng còn dũa con tê tái vì tội độc mồm, độc miệng gán cho ổng chuyện xui xẻo mới ức chứ.
Bà Nguyệt giận dữ:
− Sao bây giờ con mới nói, lúc ấy không gọi mẹ ra để mẹ... làm cho thằng chả một trận. Hừ! Đúng là đồ vô lương tâm đụng người ta gãy tay, người ta đã bỏ qua cho mà còn không biết điều. Hừ! Mẹ nhất định làm cho thằng chả hiểu thế nào là... là...
Thiệt ngắt lời bà:
− Đâu phải ông bánh giò đó.
Ca Dao hỏi tới:
− Vậy chớ ông bánh giò nào đụng anh.
Thiện ấp úng:
− Tao đâu có biết. Ông này lạ hoắc hà.
Ca Dao thắc mắc:
− Ngộ thiệt. Cả góc phố này mấy năm nay làm gì có ông bánh giò nào khác. Sao bỗng dưng xuất hiện một ông để đụng mỗi mình anh, rồi tàng hình mất vậy kìa?
Thiện sùng lên:
− Chẳng lẽ tao đụng gãy tay tao à?
Ca Dao xua tay:
− Ý em không phải thế.
Thiện gạt ngang:
− Ra mở cửa quầy được rồi. Lỡ tới trễ người ta phải để báo bên ngoài, cản đường cản lối, con nhỏ Phương Phi rống mồm lên đó.
Bà Nguyệt nhìn Ca Dao:
− Mẹ dã dặn bao nhiêu lần rồi, nhờ chỗ nhà dì Liên, mình phải gọn gàng, ngăn nắp để khỏi phiền, con không làm được sao Dao?
Ca Dao gân cổ lên:
− Con vẫn sạch sẽ, gọn gàng ấy chứ. Nhưng ở sao cũng chẳng vừa lòng người ta mẹ ơi.
Bà Nguyệt nghiêm mặt:
− Mẹ không thích nghe con nói thế. Mình nhờ người ta mà.
Ca Dao vẫn bướng bỉnh:
− Thuê mặt bằng có trả tiền hẳn hoi, dì Liên có cho không mình đâu, sao lúc nào mẹ cũng phải lụy họ thế?
Bà Nguyệt đập tay xuống bàn:
− Lại cãi. Đúng là mình trả tiền thuê, nhưng tình nghĩa vẫn cao hơn tiền bạc. Còn nhỏ mà chỉ nghĩ đến tiền là hỏng.
Thiện chen vào:
− Chỉ có mình nghĩ tới tình nghĩa thôi, gia đình dì Liên bây giờ chỉ biết mỗi tiền, mà phải tiền đô ấy nha.
Bà Nguyệt lắc đầu:
− Mẹ không tin điều đó. Trong mắt nhìn của mẹ, dì Liên vẫn không có gì khác xưa. Vẫn giản dị dễ gần gũi như hồi hai gia đình còn sống trong khu tập thể của thư viện.
Thiện nói:
− Vậy là mẹ lầm. Ngồi ở quầy hàng ngày con vẫn nhìn thấy dì Liên ở góc độ khác. Dì ấy chẳng đơn giản tí nào.
Bà Nguyệt có vẻ phật ý:
− Dì Liên đã làm gì mà mày nhận xét như thế?
Thiện ngần ngừ:
− Với anh em con, dì Liên vẫn còn tử tế lắm, nhưng với những người... dưới cơ, dì ấy hách dịch độc ác như phù thủy.
Bà Nguyệt kêu lên:
− Sao lại quá lời thế? Cụ thể là dì Liên đã làm gì người ta?
Ca Dao từ tốn:
− Mẹ cứ tưởng tượng có ai làm nghề cho vay lãi mười năm mà hiền không? Dạo này Phương Phi cứ nói xa, nói gần là hết hợp đồng sẽ không cho mình thuê chỗ nữa đấy.
Bà Nguyệt im lặng mất mấy giây rồi lại đổ cho Dao:
− Chắc tại anh em bây bê bối, con bé mới nói thế. Giao cho chúng bây không yên tâm chút nào. Điệu này chắc mỗi ngày mẹ phải mỗi ra quầy quá.
Thiện phản đối ngay:
− Mẹ đi làm ngày tám tiếng, còn thời gian đâu nữa chứ?
Ca Dao nhún vai:
− Nếu dì Liên đã không muốn, mẹ có ngồi quầy suốt ngày cũng thế thôi.
Dứt lời cô đứng dậy, dắt xe đạp ra. Giờ này vẫn còn sớm để mở cửa quầy. Ca Dao đánh mấy vòng quanh công viên. Cô đạp chậm mắt lơ đãng nhìn những người đang tập dưỡng sinh gần đó.
Buổi sáng bắt đầu thật bình yên, Ca Dao hít thật sâu, lồng ngực căng lên vì không khí trong lành còn mát rượi sương đêm. Cô không phải vội vã như mọi ngày vì cô đã khẳng định có cố sức cỡ nào cũng vô ích. Thôi thì cứ tỉnh như ruồi xem làm gì được nhau.
Đã ra đời kiếm sống, không thể thật thà, nhường nhịn mãi như những lời mẹ luôn dạy bảo. Anh Thiện từng bỏ nhỏ vào tai Ca Dao vô số lần tâm niệm nghịch ý mẹ, và lần này cô cũng đồng quan điểm với ông anh ma giáo của mình.
"Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt
Ngốc nghếch ngu ngơ nếm ngặt nghèo"
Ca Dao chả thích những tay xảo trá, gian ngoa, nhưng cô cũng chẳng dại nhận phần thua thiệt ngặt nghèo về cho mình.
Đang vẩn vơ suy nghĩ. Ca Dao chợt nổ đom đóm mắt, đầu đau buốt vì bị ai ném một vật gì thật mạnh vào mặt. Cô ré to lên, lảo đảo tấp xe vào lề. Mắt mũi tối sầm cô buông tay cầm ôm lấy mặt, nghe nhiều giọng nói lao xao quanh mình:
− Trời ơi! Chảy máu rồi.
Nghe nói tới máu, Ca Dao vội đưa tay ra nhìn và thấy bàn tay đỏ choét. Ca Dao bủn rủn té ngồi xuống lề, mặc kệ chiếc xe đạp đổ đánh rầm sang một bên. Cô òa lên khóc như con nít.
Mãi đến khi nghe giọng đàn ông vừa trầm vừa ấm vang lên, cô mới mở mắt ra và bắt đầu gặp một gương mặt đẹp và một nụ cười dễ mến với đôi mắt sáng ẩn nấp sau cặp kính gọng bầu dục rất mô đen.
Anh ta dịu dàng đỡ Ca Dao lên vào bảo:
− Em chảy máu cam vì bị trái cầu rơi trúng chớ không sao đâu.
Vừa nói anh vừa chặn máu trên mặt Ca Dao bằng một chiếc khăn trắng.
Vẫn với giọng trầm lôi cuốn, anh chàng bốn mắt nói tiếp:
− Em chịu khó ngước lên một tí nhé.
Ca Dao riu ríu làm theo. Cô quên bẵng chuyện hỏi xem ai đã đá trái cầu lông vịt hay đến mức để nó đáp xuống sống mũi dọc dừa của cô. Qua làn mi run run khép hờ, Ca Dao chỉ thấy mỗi gương mặt lạ, nhưng hết sức thu hút ma quỷ đến mức làm tim cô đập loạn xạ.
Anh chàng cận lại nhỏ nhẹ:
− Bọn trẻ con đá cầu mạnh thật, có một lần tôi đã phải thay kính vì trái cầu vũ bão của chúng.
Ca Dao chưa kịp nói gì đã nghe có người gọi mình. Mở to mắt ra, cô thấy Uy và ba người bạn của Thiện đang chụm đầu nhìn cô và gã cận với vẻ ngạc nhiên.
Uy hất mặt về phía gã bốn mắt:
− Sao thế? Hắn ta gây ra à?
Ca Dao xua tay:
− Không phải. Em bị bọn trẻ con đá cầu vào mặt. May mà...
Uy cười khẩy với vẻ đầy khiêu khích:
− Thì ra đây là người hùng.
Khịt mũi một cái, Uy cao giọng kẻ cả:
− Cám ơn nhé người anh em.
Gã cận thị sa sầm gương mặt bảnh trai.
− Hừ! Làm gì có chuyện anh em. Đùng ham nhận vơ vào đồ... chó hoang.
Rồi chẳng thèm nhìn tới Ca Dao, gã lạnh lùng bước đi. Ca Dao nghe rõ Uy lầm bầm chửi thề. Tiếng chửi thề của anh ta khiến Ca Dao chợt tỉnh mộng. Chút thời gian lãng mạn ngắn ngủi đến mức phải đếm từng giây chợt đứt đoạn cô khó chịu vì bị Uy phá bĩnh, nên cau có:
− Eo ơi! Mới đầu ngày đã nghe anh xổ nho. Đúng là xui.
Uy chống nạnh:
− Nói thật, nếu Ca Dao không phải là em Thiện, bọn anh chẳng tấp vào làm gì cho phiền. Rõ ràng hắn... chơi anh trước. Nếu không có em anh không nhịn đâu.
Ca Dao bực bội:
− Thì ra là tại em. Nhưng em có cần anh tấp vào đâu mà bảo là phiền, nào là nhịn.
Phước cũng là bạn của Thiện, vỗ mạnh vai Uy:
− Con nhỏ không cần, mình biến cho rồi mày ơi. Chạy hết vòng này còn về đi học nữa.
Uy ngần ngừ một chút rồi nhún vai chạy theo đám bạn. Ca Dao ngồi lại một mình tiếc nuối một mình. Nếu Uy và mấy ông bạn trời gầm của Thiện đừng... thọc gậy bánh xe, có lẽ Dao đã trò chuyện nhiều hơn và biết nhiều hơn về gã cận kia rồi.
Thật ra gã là người thế nào nhỉ? Cái nhìn đầu tiên Ca Dao thấy gã vừa trí thức, vừa lịch lãm hơn người, nhưng tại sao gã lại buông lời gọi Uy là tệ hại, một từ chẳng đẹp chút nào vậy?
Dường như gã và Uy chả lạ gì nhau, nếu không muốn nói là họ đã từng đụng độ nhau rồi. Hừm! Lão Uy đúng là lắm lời. Lão tấp vào vì muốn sinh sự với gã bốn mắt thì đúng hơn là vì Dao. Thường ngày, Dao và lão có... rơ với nhau đâu, cứ thấy lão xuất hiện ở quầy là cô đã phát nóng. Vậy mà dạo này lão với anh Thiện như hình với bóng mới kỳ chứ.
Sau cái ngày anh hai cô bị gãy tay, mỗi sáng Uy vẫn tới chở ảnh đi giao báo. Hơn tuần nay, Thiện tha hồ ỷ vào cái tay bó bột để hạnh họe Ca Dao đủ điều. Nào là giặt quần áo, Dao gãy mất hai móng tay vì đống đồ jean của Thiện, nhưng anh vẫn tỉnh bơ nhờ cô lên dọn cả căn gác xếp ổ chuột đầy tàn thuốc lá hút lén mẹ.
Ca Dao ức lắm, nhưng nếu không làm sẽ bị mẹ mắng, được nước Thiện càng tha hồ lên mặt.
Mà có thật Thiện gãy tay không nhỉ? Sao Ca Dao nghi ngờ quá. Từ hôm Uy xuất hiện tới nay, anh hai cô có cái gì rất khác. Dao chỉ sợ Uy là bình mực đen ngòm lúc nào cũng chực chờ đổ vào ông anh ham chơi và dễ kết bạn của mình thì khổ.
Hít hít mũi, Ca Dao lấy khăn chặm và thấy không còn máu nữa. Cô đứng dậy đạp xe ra quầy. Mới sáng sớm đã thế rồi, chẳng biết ngày nay còn xảy ra chuyện gì nữa đây?
Tới quầy cô hơi bất ngờ khi thấy Uy ngồi vắt vẻo trên chiếc Su bụi đời, môi phì phèo thuốc. Trên yên xe còn có một chồng báo cao nghệu mà Uy phải gác tay lên để giữ cho nó đừng ngã.
Thấy cô, Uy nhếch môi:
− May quá. Cô chủ quầy đã về.
Ca Dao vừa mở khóa, vừa làu bàu:
− Anh nói vậy là sao?
Uy búng điều thuốc bay vèo vào gốc cây:
− Anh sợ em bị chấn thương đầu mạnh đến mức quên đường, quên việc.
Dao mím môi.
− Vô duyên.
Uy nhảy xuống xe, bê chồng báo vào quầy, Ca Dao cộc lốc:
− Cám ơn.
Uy phủi tay:
− Em nói câu này muộn quá.
− Vì em không hiểu lý do nào khiến anh tốt với anh Thiện, nên nói cám ơn cũng phải đắn đo.
− Đơn giản thôi. Bọn anh là bạn bè mà.
Ca Dao nhấn mạnh:
− Bạn thân tới mức độ nào, sao từ trước em không hề biết anh?
Giọng Uy thản nhiên:
− Tụi anh mới thân đây thôi, nhưng thấy rất hợp rơ vì nhiều điểm tương đồng.
Vừa xếp báo, Ca Dao vừa hỏi:
− Thí dụ?
Uy cười cười:
− Anh có quyền giữ riêng những sở thích của mình chứ.
Ca Dao khích:
− Đương nhiên. Nhưng nếu đó là những sở thích lành mạnh thì sợ gì mà không nói ra.
Mắt Uy ánh lên tia ma mãnh:
− Thiện có biểu hiện gì không lành mạnh sao?
Ca Dao nhún vai:
− Em chỉ sợ ảnh sẽ bị nhiễm từ bạn xấu thôi.
Uy nheo mắt thật đểu:
− Em không phải lo điều đó. Nếu nói về hai màu đen trắng, thì anh hai em không phải tờ giấy trắng đâu mà sợ dính mực đen.
Ca Dao khó chịu:
− Anh nói về bạn hợp rơ với mình bằng giọng điệu đó sao?
Uy nhịp tay lên quầy báo:
− Anh không khoái... bốc thơm bạn bè.
Ca Dao khịt mũi:
− Ăn nói khó nghe quá.
Uy làm thinh, khoanh tay nhìn cô xếp báo. Cái nhìn của anh ta làm Ca Dao ngượng ngập cô nói cho qua chuyện:
− Dường như anh không có chuyện gì để làm ngoài chuyện lê la ngoài phố?
Uy rờ cằm:
− Có lẽ vậy. Lê la ngoài phố cũng có ích cho người khác như với chuyện xảy ra cho Thiện chẳng hạn.
Ca Dao nghiêm giọng:
− Hỏi thật nhé. Tại sao anh em bị nứt xương tay vậy?
Uy cù cưa:
− Đã biết rồi còn bắt anh trả lời chi nữa.
Ca Dao cong môi:
− Em không tin anh Thiện bị ông bánh giò tông phải.
Uy hất hàm:
− Vậy theo em thì ai tông hắn?
Dao lấp lửng:
− Có lẽ một cô nàng nào đó mắt xanh môi đỏ như thiên thần nhưng cũng ác như phù thủy.
Uy thích thú:
− Suy diễn khá, tưởng tượng giỏi, nhưng không có bằng chứng người thật việc thật như ông bánh giò, nên thiếu tính thuyết phục.
Ca Dao bĩu môi:
− Nhỏ Tí Nị chớ ai. Nó khai hết với em rồi.
Uy sững người mất mấy giây, nhưng anh ta cũng nhanh chóng lấy lại vẻ ranh ma cố hữu:
− Vậy sao? Nhỏ Tí Nị đã khai gì với em vậy? Anh muốn kiểm tra tính trung thực của con bé.
Ca Dao cũng lém lỉnh không kém:
− Tội tình gì mà em phải kể cho anh, trong khi em đã kiểm tra được tính trung thực của anh và ông Thiện.
Hất mặt về phía Uy, Dao bảo:
− Nói thật nha. Cách dùng khổ nhục kế của anh Thiện coi bị đã quá "đát" chả xi nhê gì với Tí Nị đâu.
Uy điềm tĩnh:
− Sao em biết?
Ca Dao ra vẻ rành rẽ mọi chuyện:
− Em không biết mới là kỳ ấy chứ.
Uy bỗng hỏi:
− Theo em phải làm sao để Tí Nị yêu anh Thiện của em?
Ca Dao trả lời nhanh như chớp:
− Em không biết.
Uy tủm tỉm:
− Quên nữa. Em chưa yêu và chưa được ai yêu làm sao em có thể trả lời câu hỏi tầm thường nhưng cũng khá hóc búa này nhỉ?
Ca Dao nuốt nghẹn xuống, cô cầm cây chổi lông gà phất lia phất lịa lên những quyển tạp chí có hình bìa là các diễn viên, ca sĩ, người mẫu thời trang nổi tiếng.
Uy chắc lưỡi:
− Mặt Lam Trường đẹp trai thế kia sao em nỡ phủi bụi anh chàng mãi vậy?
Ca Dao nghiến răng:
− Về đi học cho rồi.
− Anh chưa giao báo mà. Hôm nay anh sẽ đi một mình, hy vọng không lộn địa chỉ.
Định mở miệng bảo "không ai cần" nhưng Dao chợt kịp nín lại vì rõ ràng cô đang cần Uy làm chuyện đó.
Ngẫm nghĩ Ca Dao càng bực mình anh hai Thiện. Không hiểu khi lao đầu vào xe của Tí Nị ảnh có nghĩ gì tới gia đình không?
Ca Dao hậm hực:
− Sao hôm nay anh không chở anh Thiện theo?
Uy thản nhiên:
− Theo đúng kế hoạch, hôm nay anh Thiện sốt nặng phải nằm nhà.
Ca Dao nổi nóng:
− Và bao nhiêu công việc đổ dồn cả lên vai em. Đúng là... là vô lương tâm. Ai lại thèm yêu một người như ảnh chứ.
Uy xua tay:
− Ậy! Không được nói thế. Anh sẽ gánh vác hộ em, anh hứa với Thiện rồi.
Ca Dao cáu kỉnh:
− Không thèm.
Uy làm thinh, đem túi báo đi. Ca Dao tức tối nhìn theo. Hừ! Rõ ràng ông Thiện và đám bạn quỷ sứ đang làm trò mờ ám gì đây mà.
Đang ngồi chống cằm Ca Dao chợt thấy Phước chở Thiện ra. Nhìn ông anh nhăn nhó tới quầy, cô ngứa mắt đến mức muốn đập vào cái tay bó bột ấy một cái cho bõ ghét.
Mở cửa cho Thiện chui vào xong, Dao hỏi:
− Theo đúng kế hoạch, hôm nay anh đang bị sốt cao phải nằm ở nhà, sao lại ra đây?
Thiện hơi khựng lại, rồi nói át đi:
− Kế hoạch gì cơ chứ? Mới sáng sớm em đã lẩn thẩn gì rồi. Nếu thấy không ổn, cứ về nhà, anh coi quầy cho.
Ca Dao mím môi, đập ngay cái tay bó bột của Thiện, anh giật mình sửng cổ lên:
− Ái! Mày điên hả?
Dao cười nhạt:
− Tay anh có gãy đâu mà giả vờ.
− Ai bảo là không gãy?
Dao vênh mặt lên:
− Em bảo là lát nữa sẽ cho nhỏ Tí Nị biết trò ma giáo của anh.
Nghe nhắc tới Tí Nị, Thiện chợt xìu xuống:
− Ấy! Đừng.
Ca Dao hỏi tới:
− Ai bày cho anh trò này?
Phước cười hì hì:
− Nó cũng khổ lắm mới phải nhập vai què. Em đừng tra hỏi nữa, tội nghiệp.
Ca Dao đay nghiến:
− Tội nghiệp cái đầu anh đó. Suốt mấy ngày nay, em phải gánh hết mọi việc của ảnh. Hừ! Anh đạo diễn tuồng này phải không?
Phước giẫy nẩy:
− Không phải nha, đầu óc anh đâu có cao siêu để có thể viết được kịch bản hay đến thế.
Ca Dao ngớ ra rồi kêu lên:
− Không lẽ... thằng cha Uy bày đặt.
Thiện nạt ngang:
− Đừng có xía vào chuyện của người lớn nghe ranh con.
Ca Dao nghênh mặt lên:
− Ai thèm xía. Nhưng em sẽ mách mẹ cho coi.
Thiện thản nhiên:
− Để làm gì? Tổ mất công mẹ tức rồi lên cơn tim. Anh em mình hiểu nhau đủ rồi.
Ca Dao nhún vai:
− Vì một con nhóc mà phải làm trò hề như thế, thật không đáng chút nào.
Thiện nói:
− Mày thì hiểu gì về yêu mà phê phán. Người ta có trăm phương ngàn kế để được yêu.
Ca Dao bĩu môi:
− Yêu hả? Nói nghe... phô quá ông ơi. Con người ta còn bé xíu mà đã bị ông quấy rối, bảo sao Tí Nị không sợ tới mức tông đại xe vào ông cho được.
Thiện cãi:
− Nó học lớp mười hai rồi, nhỏ gì nữa mà nhỏ.
Ca Dao lên giọng:
− Anh phải để yên cho nó thi tú tài, rồi vào đại học nữa chứ.
Thiện rung đùi:
− Có tình yêu, học càng hăng hơn ấy.
− Nói vậy mà cũng nói. Anh không động tâm hồn, con bé làm sao tập trung để học. Nó mà thi rớt là tại anh.
− Xì! Vậy mày rớt đại học là tại ai?
Ca Dao làm thinh vì bị chạm vào nỗi đau thi rớt, cô càu nhàu:
− Đề nghị anh tháo băng bột ra cho rồi. Tí Nị mà biết anh đóng phim là thua.
Thiện tự tin:
− Em không nói làm sao con bé biết được.
Ca Dao bảo:
− Em sẽ nói. Thật đó.
Thiện nhổm người lên tức tối:
− Em... mày... vừa phải thôi.
Ca Dao nghiêm nghị.
− Anh biết con gái ghét nhất là gì không? Là dối trá đấy. Dùng thủ đoạn để chinh phục, có thể đạt kết quả, nhưng khi sự thật đã được phơi bày, coi như anh mất trắng.
Phước chen vào:
− Thiện cũng đâu có dối trá gì. Thật ra sáng hôm đó tay cậu ấy đã bị bong gân, nên bọn anh mới bày chút trò để giúp cậu ấy mà. Đây là thủ đoạn dễ thương khi đã yêu. Em phải ủng hộ và thông cảm cho anh mình chứ.
Thiện hạ giọng năn nỉ:
− Tình cảm anh dành cho Tí Nị rất chân thật, em đừng phá bĩnh mà Dao.
Ca Dao cố tình làm khó:
− Anh không tin tưởng nên làm sao em thông cảm và ủng hộ anh được.
Thiện nhăn nhó:
− Anh định nói thật với em từ đầu, chỉ sợ em không kín miệng thì coi như công anh là công dã tràng, nên đành giấu.
Ca Dao khoanh tay:
− Dĩ nhiên em sẽ không phá bĩnh, nhưng trong thâm tâm, em vẫn không thích sự đeo đuổi theo kiểu đóng phim này của anh.
Phước buộc miệng:
− Uy lại rất thích. Cậu ta là thầy tuồng đó.
Ca Dao trề nhún:
− Anh không nói em cũng thừa biết. Sao hai anh lại có ông bạn làm trò ma giáo thế nhỉ? Gặp lần đầu em đã thấy khó ưa rồi.
Phước nheo nheo mắt:
− Tiếp tục gặp nhiều lần nữa, em sẽ thấy dễ ưa, nhiều khi yêu lúc nào không hay đấy.
Ca Dao nhấn mạnh:
− Động đất có thể xảy ra ở Việt Nam, nhưng chuyện anh vừa nói không bao giờ xảy ra với em.
Phước trợn mắt:
− Trời! Chắc không đó. Anh thấy Uy có nhiều ưu điểm lắm. Ghê cho cố vào rồi sau này ân hận.
Ca Dao khinh khỉnh:
− Đời còn dài, em còn khối thời gian lựa chọn, sẽ không có chuyện ân hận đâu. Anh cứ chờ mà xem.
Cô vừa dứt lời thì Uy tấp xe vào quầy. Bỏ túi xách đựng báo xuống, anh cười thật quyến rũ.
− Đã xong nhiệm vụ phát hành, thưa cô chủ.
Ca Dao ghét cay, ghét đắng nụ cười ấy, cô khô khan:
− Cám ơn.
Tỉnh queo trước thái độ lãnh đạm của Dao, Uy quay sang phía Thiện ngồi nói nhỏ.
− Nhà có dàn hoa cát đằng đã có... đối tượng ra nhận báo. Cô bé buồn và lo ra mặt khi thấy có mỗi mình tao.
Thiện không giấu được nôn nóng:
− "Ẻm" không hỏi thăm gì sao?
Uy liếc Ca Dao rồi đáp:
− Có chứ. Nhưng nói thật được không đó?
Thiện nuốt nước bọt:
− Được. Nó rành sáu câu lắm rồi. Coi như mình có thêm một đồng minh là Ca Dao.
Ca Dao định lên tiếng bác bỏ... tuyên bố của ông anh hai nhưng không hiểu sao cô lại làm thinh nghe Uy nói:
− "Ẻm" hỏi mày thế nào, tao bảo rất tệ. Cái tay gãy hành sốt đến mức không ăn, không ngủ được. Mà không ngủ được thì phải thức ôm nỗi đau và nhớ em. Nghe tao... hót, Tí Nị rưng rưng đôi mắt nai, trông tội lắm. Cứ theo đà này, không mấy chốc em sẽ ngã vào lòng mày thôi.
Ca Dao kêu lên:
− Đúng là bịp bợm. Em không đồng hội đồng thuyền với các anh đâu.
Dứt lời cô ra khỏi quầy, lấy xe đạp về nhà. Dao chợt thấy tội nghiệp, Tí Nị ngây thơ khờ khạo đang bị anh Thiện lừa, nhưng cô lại không thể nói thật điều đó với con bé.
Nghe có người gọi, Ca Dao bỏ quyển thời trang trẻ số mới nhất xuống, ngước lên cô mỉm cười:
− A! Tí Nị.
Cô bé ngượng ngập:
− Chị cũng biết cái tên xấu xí ấy nữa à?
Ca Dao nheo mắt ngắm con bé:
− Dễ thương chớ xấu gì. Chắc tên gọi ở nhà phải không?
− Dạ.
Ca Dao đon đả:
− Thế tên thật của em là gì?
Tí Nị chớp mắt:
− Ý Lan.
Ca Dao gật gù:
− Cứ như tên ca sĩ gì.
− Đúng là ấn tượng thật. Nhưng không giống chút nào với Ý Lan ca sĩ cả.
− Chị đùa mà. Sao? Hôm nay ra quầy định mua báo gì? Hôm trước chị vẫn chưa thối tiền cho em đấy.
Tí Nị cắn môi:
− Em lấy quyển Mực Tím.
Ca Dao vừa đưa báo, vừa hỏi:
− Có thắc mắc gì với anh cỏ cú không vậy.
− Làm gì có.
Ca Dao tủm tỉm:
− Nhưng với anh của chị chắc có?
Mặt Tí Nị đỏ ửng lên, con bé lí nhí một cách khổ sở:
− Nghe nói cái tay gãy hành anh ấy dữ lắm phả không chị?
Ca Dao khịt mũi:
− Ai nói với em vậy? Chị thấy anh Thiện vẫn bình thường. Chắc Tí Nị lo lắng quá, nên suy tưởng vậy thôi.
Tí Nị lắc đầu:
− Em đâu có suy tưởng. Chính bạn trai của chị nói với em mà.
Ca Dao trợn mắt:
− Bạn trai? Bạn trai nào của chị?
Tí Nị nhỏ nhẹ:
− Thì anh thường đi giao báo chung với anh Thiện ấy. Ảnh bảo vì chị nên ảnh có cực một chút khi phụ anh Thiện cũng chẳng sao. Chị Ca Dao có phước thật.
Dao cười méo xẹo vì lời khen của Tí Nị. Cô không ngờ Uy lại chơi khăm cô như thế.
Tí Nị tò mò:
− Chắc ảnh phải cực lắm mới đeo đuổi được chị?
Ca Dao xua tay:
− Trời ơi! Chị và ảnh chẳng có gì đâu.
Tí Nị nhíu mày, lẩm bẩm:
− Không có gì. Sao ảnh lại nói thế nhỉ. Lẽ nào mọi người đều giấu kỹ chuyện yêu của mình?
Dao lên giọng:
− Người ta bảo "Ho và yêu là hai thứ không giấu được ai". Đã có tình ý với nhau, giấu cỡ nào cũng lòi ra. Chị với anh Uy có gì với nhau đâu mà phải giấu giếm chứ?
Tí Nị nói:
− Chị thì không, nhưng nhỡ ảnh có thì sao?
Ca Dao ngỡ ngàng nhìn Tí Nị:
− Sao em lại nghĩ thế?
Tí Nị hơi khựng lại, rồi cô nói tiếp:
− Vì anh Uy và anh Thiện rất thân nhau, em nghĩ hai người đồng cảnh ngộ.
Ca Dao phản ứng khá gay gắt:
− Chị không hề quan tâm đến Uy như em quan tâm lo lắng cho anh Thiện. Chị cũng chả hề giấu tình cảm của mình như em.
(Bị mất 4 trang)
− Em đã giặt sạch cái khăn, nhưng không biết làm sao để gởi lại anh.
Giọng chàng cận ấm áp:
− Anh có đòi đâu nào.
Ca Dao bẻ những ngón tay:
− Nhưng em không giữ khăn của anh được.
− Vậy thì cất hộ. Có dịp anh sẽ ghé lấy.
Dao dịnh hỏi "chừng nào anh ghé" nhưng cô đã kịp cắn môi khi kịp nghĩ hỏi thế là không yên.
Anh chàng bốn mắt dịu dàng:
− Anh đi nhé.
Vừa quay gót được vài bước, anh chàng đã quay lại:
− Anh là Sơn. Anh rất muốn biết tên em.
Cô chớp mắt:
− Ca Dao.
Sơn lập lại tên cô và gật gù:
− Cát tên thật đáng yêu. Anh sẽ không bao giờ quên.
Sơn đã phóng chiếc Spacy đi mất mà Ca Dao vẫn còn đứng ngơ ngác. Mãi đến lúc có người gọi mua báo, cô mới giật mình thảng thốt.
Thế là Dao đã gặp lại chàng. Người xa lạ nhưng để lại ấn tượng buổi đầu khó phai trong tim cô. Mấy hôm liền, Dao đạp xe vòng vòng công viên buổi sáng với hy vọng gặp để trả khăn cho Sơn nhưng hông tìm thấy anh. Đang lúc Dao thất vọng. Sơn lại xuất hiện, lịch thiệp, quyến rũ và lãng mạn như mơ.
Mặt Dao chợt nóng bừng, cô xoa hai tay lên má, cố dằn cơn xúc động vừa trào dâng, nhưng không ngăn được nhịp đập dồn dập của trái tim mình.
Bỗng dưng cô tủm tỉm cười, nụ cười chưa nở trọn vẹn Ca Dao đã xụ mặt khi thấy Uy đang gác chống xe và bước tới quầy với Thiện. Sự phấn chấn trong cô bỗng tan biến, Ca Dao ném về phía Uy cái nhìn lạnh như băng.
Anh chàng tỉnh queo:
− Ca Dao này! Em có gương mặt của người mẫu khi bước ra sân khấu. Lạnh lùng bí hiểm, nhưng cũng hết sức lãng mạn, dễ thương, có điều đứng bán hàng với gương mặt khác thường này, coi bộ không ổn.
Dao còn chưa kịp hiểu Uy muốn ám chỉ điều gì, anh đã nheo mắt nói tiếp:
− Coi chừng khách tưởng em đuổi họ đó.
Ca Dao cay cú:
− Nếu có đuổi, em chỉ đuổi anh thôi.
− Sao lại đuổi? Anh đang là người tốt việc tốt, tích cực giúp đỡ bạn hiền mà.
Ca Dao tức tối:
− Hừ! Anh đã nói gì với Tí Nị?
Uy nhướng mày:
− Nói nhiều lắm. Nhưng tựa chung là về Thiện. Sao em lại thắc mắc nhỉ?
Nghe nhắc đến Tí Nị, Thiện hỏi dồn:
− Tí Nị có nói anh à?
Ca Dao nhát gừng:
− Không, con bé tìm em hỏi về anh.
Thiện thắc thỏm:
− Con bé hỏi cái gì?
− Cái tay.
− Rồi em trả lời thế nào?
Ca Dao mím môi:
− Em bảo tay anh chắc phải cưa.
Uy huýt gió:
− Phần này không có trong kịch bản à nha.
Ca Dao liếc xéo Uy:
− Người ta bổ sung không được sao?
Uy gật gù:
− Được. Nhưng có điều hơi ác.
Để hộp sữa Anlene lên bàn, Ca Dao nói:
− Ác vậy mới có kết quả chớ. Tí Nị gởi cho anh đó. Con bé sợ anh thiếu canxi.
Ôm hộp sữa trước ngực, Thiện reo lên:
− Hoan hô Anlenne! Phần hộp sữa này sẽ thuộc về mẹ vì bà đã sinh được một thằng đẹp trai như tao.
Uy nhịp chân:
− Thế mới biết khi đã đồng hội đồng thuyền, Ca Dao còn bịp bợm hơn bọn mình gấp mấy.
Ca Dao nuốt nghẹn xuống, cô hầm hừ:
− Anh đúng là dày mặt khi bảo với Tí Nị anh vì em nên mới chịu cực chịu khó giúp đỡ anh Thiện giao báo, trông quầy.
Uy phân bua một cách thật thà:
− Thì rõ ràng là như vậy mà. Anh đã hứa với Thiện sẽ gánh vác hộ em, chớ anh hoàn toàn không có ý gì khác. Đối với bạn bè, anh luôn giúp đỡ bất vụ lợi. Hơn nữa anh không hề bị ế, nên đâu phải đụng ai cũng tán tỉnh như em nghĩ.
Ca Dao tức điên lên được. Thì ra Uy cho rằng chỉ có những gã... ế đào mới ghé mắt vào cô. Đúng là Uy đánh giá cô quá thấp. Dao còn tức hơn khi nghe ông anh quý hoá của mình chêm vào:
− Uy đắt đào lắm đó. Kinh nghiệm như nó, chỉ dạy một chiêu là anh làm Tí Nị phải... trọng thương. Đúng là siêu cao thủ.
Ca Dao trề môi:
− Toàn những trò ma quỷ dữ, để em xem được mấy chốc thì chia tay.
Thiện cốc Dao một cái:
− Miệng ăn mắm ăn muối. Người ta vừa mém mém bắt đầu. Em đã nói tới chuyện chia tay. Liệu mồm đấy.
Ca Dao xoa dầu:
− Nếu đó là tình yêu trong sáng, thành thật thì sợ gì cái mép thiên hạ.
Uy chót chét:
− Mép thiên hạ Thiện đâu có sợ. Cậu ấy chỉ sợ cái mép của em thôi.
Ca Dao cố tìm những từ độc để nói với Uy thì Phương Phi dắt xe ra. Mặt cô nàng tươi rói khi thấy Uy. Anh chàng cũng vui không kém.
Bước đến bên Phương Phi, Uy ngọt như mía lùi:
− Bộ quần áo này rất hợp với Phi. Trông sang trọng nhưng lại trẻ trung, quyến rũ lạ thường.
Phương Phi chớp chớp mắt, thái độ hách dịch thường ngày biến đâu mất, thay vào đó là vẻ yểu điệu thục nữ xa lạ, nhưng được Phi diễn một cách nhuần nhuyễn đến mức anh em Ca Dao phải nín thở, trố mắt nhìn như nhìn người ngoài hành tinh.
Phi cất giọng nhẹ như ru:
− Anh Uy đúng là có mắt tinh đời. Hàng hiệu mà không sang sao được.
Mắt nheo nheo thật đểu giả Uy tiếp tục múa miệng:
− Nhìn Phi thích thật đấy. Chắc lại đi chơi bida?
Phương Phi gật đầu:
− Vâng. Anh Uy tháp tùng không?
Uy chép miệng:
− Tiếc quá. Mình có mục khác rồi.
Phi dài giọng:
− Em cũng có nhiều mục lắm, khổ là em thích bida. Ngày nào không chơi vài ván là buồn tay buồn chân chịu không được.
− Phi thường chơi sáng hay chiều?
− Dĩ nhiên là từ chiều đến tối, vì sáng em bận đánh tennis rồi.
Uy hứa bằng giọng chắc nịch:
− Biết thời điểm anh sẽ ghé.
Phương Phi chúm chím:
− Rồi. Mong gặp anh ở bàn bida.
Đợi Phương Phi phóng xe đi, Thiện mới buộc miệng:
− Sao mày biết nó đi đánh bida?
Uy thản nhiên:
− Thì tao và nó từng chơi chung mấy ván ở bar Q rồi.
Thiện kêu lên:
− Bar Q à? Sang thiệt. Nghe nói vé vào cửa tính bằng đô phải không?
− Ờ. Thì đô, có gì không ổn hả?
Ca Dao khịt mũi:
− Phương Phi cũng khoái xài đô. Đúng là hợp rơ nhau.
Thiện bỗng nói:
− Nhỏ Phi dạo này bớt cà chớn rồi. Chắc nhờ mày. Nó có vẻ kết mày đó.
Uy bật cười:
− Làm gì có chuyện ấy. Đối tượng của nó toàn xài đô chẵn không hà. Cỡ lâu lâu mới cầm tờ năm chục đô như tao thì nhằm gì.
Ca Dao khích:
− Siêu cao thủ mà. Lẽ nào chưa đánh đã thua?
Uy nhếch môi không trả lời. Anh cầm tờ Thể Thao Văn Hoá lên và chậm rãi lật từng trang.
Ca Dao lại châm chọc:
− Trong đó chả có mục nào nói về bida đâu.
Uy thản nhiên:
− Nhưng chắc có nói về Tennis.
Quay sang Thiện, Uy nói:
− Chắc tao nên học chơi tennis để ăn rơ với em Phương Phi hơn.
Thiện cười hà hà:
− Thằng Phước từng theo ẻm để lượm banh rồi đó. Mày nhắm kham nổi thì thử ha.
Uy lại nhếch môi, Ca Dao chợt thấy bực bội thật vô cớ. Cô hỏi trỏng:
− Bảo còn mục gì khác, sao cứ ngồi đây hoài vậy?
Uy cắm cúi đọc như không nghe những lời Dao vừa nói. Cô cáu kỉnh quay sang Thiện:
− Em về à nha.
Đang chống tay mơ màng, Thiện vui vẻ:
− Thì về đi. Hôm nay anh bao quầy cho. Thích đi Coop-Mark, Citi-Mark gì đó thì đi thoải mái.
Ca Dao hất mặt:
− Tiền đâu mà thoải mái chứ?
Thiện chép miệng:
− Thì ngắm cũng thoải mái mà.
Ca Dao liếc Uy một cái và đạp xe đi.
Ngồi lại với Thiện, anh cất tờ báo lên quầy, mắt đăm chiêu nhìn ra đường, nơi những hàng xe gắn máy nối đuôi nhau. Trong số đó, không ít người hối hả về nhà, vì đó là tổ ấm của họ. Riêng Uy thì không. Ngôi nhà của anh luôn vắng lặng. Khi trở về, anh luôn sống trong cô đơn, buồn tẻ, bởi vậy, Uy thích lang thang nhà bạn bè hơn.
Anh rất nhiều bạn, mỗi đứa thân một thời gian rồi lại dạt ra. Học chung với Thiện suốt bốn năm đại học, nhưng mãi đến năm cuối, Uy mới kết thân. Trước đây, Uy không thích Thiện vì cái vẻ cù lần, con nhà nề nếp của cậu ấy. Thiện đến lớp từ đúng giờ cho tới muộn chuông reo hết giờ là cậu ta tàng hình chớ không bao giờ la cà, trà lá với bọn con trai cùng lớp. Và dĩ nhiên, Thiện không đời nào tham gia những cuộc chơi, cuộc quậy của bọn Uy.
Thoạt đầu, anh không ưa Thiện vì cái nếp con nhà lành, nhưng tới khi hiểu Thiện suốt ngày phải trông quầy báo để phụ giúp gia đình, anh mới thôi ác cảm với người bạn anh chưa thèm trò chuyện tới bao giờ.
Mấy năm học trôi qua, tới bây giờ Uy mới thân với Thiện và thường tới quầy chơi mỗi lúc Thiện bán. Với Uy, quầy báo này là điểm dừng chân khá lý tưởng. Anh có thể ngồi đó... thả giàn mà chả ngại đụng ông bố bà mẹ nào. Hơn nữa, chuyện bán sách báo cũng vui vui. Uy tha hồ chọc mấy con bé choai choai mua Mực Tím, Áo Trắng hoặc đẩy đưa với các cô đã đi làm thích xem Phụ nữ, Ấp bắc, Đất Mũi, Người Đẹp... Thậm chí anh sẵn sàng đấu láo với các tay ghiền thể thao bằng cách đọc các báo Thể thao Văn Hóa, Sài Gòn Thể Thao. Đôi lúc hứng chí anh còn làm thầy qua những quyển Sunflower, Special, toán học tuổi trẻ nữa.
− Ngồi quầy lắm lúc còn vui hơn ngồi quán cà phê.
Khi nói với Thiện nhận xét của mình, Uy đã nhận được cái nhún vai:
− Tại mày ngồi quầy để giải sầu nên thấy thế, chớ với tao ấy hả... ngán tới cần cổ.
Uy tủm tỉm cười khi nhớ đến gương mặt Thiện lúc đó. Trông nản làm sao. Còn bây giờ kìa, đang yêu và được yêu có khác.
Thiện mơ màng hỏi:
− Tao nên tặng gì cho Tí Nị hả mậy?
Uy cười cười:
− Mày nên hỏi túi tiền của mày ấy.
− Tao muốn mày cố vấn kìa.
Rồi Thiện tò mò:
− Thường mày tặng gì cho mấy em?
Uy đáp:
− Tùy. Nhưng mấy em của tao khác xa Tí Nị. Quà ấy không hợp với con bé đâu.
Thiện vẫn hỏi tới:
− Nhưng cụ thể là những thứ gì?
Uy nhăn nhó:
− Chặc! Nữ trang, giầy dép, quần áo, nước hoa. Thích gì thì ta chiều món đó.
Thiện há hốc mồm:
− Trời! Toàn hàng độc không hà.
Uy gãi đầu:
− Thì mấy em đó cũng là thứ độc, chớ đâu có ngây thơ, trong trắng như Tí Nị.
Thiện thừ mặt ra:
− Vậy rồi sao? Chẳng lẽ tao không tặng được gì cho con bé?
Uy cầm quyển "thơ tình thời đi học" bé xíu lên và bảo:
− Mày nên tặng Tí Nị những thứ dễ thương, có ý nghĩa về mặt tinh thần như tập thơ này chẳng hạn.
Mắt Thiện sáng rỡ:
− Ý kiến hay. Ngày mai giao báo nhà con bé, tao sẽ kèm quyển thơ này theo.
Uy khẽ mỉm cười và thấy vui niềm vui của Thiện. Anh quen và quan hệ với rất nhiều con gái, song anh lại không có được tình cảm ngu ngơ vụng dại kiểu Thiện. Trái tim vô độ của anh dường như chai sạn, tâm hồn anh đã hư hỏng mất rồi. Với con gái, Uy chưa bao giờ thành thật, dĩ nhiên họ đối với anh cũng thế.
Những cuộc tình giải sầu cứ trôi qua, Uy không biết tới chừng nào anh mới tìm được một nửa kia của mình.