-Suýt chút nữa thì sơ sảy! - Lời nói của Chu thiên sư nghe như tự trách mình - Cứ nghĩ đối phương sẽ sử dụng ma đêm, thật không ngờ bọn họ còn có thể điều động ma rạng sáng.
Lỗ Thiên Liễu nghe vậy, cảm thấy hiếu kỳ, liền hỏi:
-Thiên sư, thế nào là ma đêm, thế nào là ma rạng sáng?
-Ma đêm là loài ma quỷ hoạt động vào ban đêm. Tức là những loại khí âm uế như khí xác chết, khí đầm lầy tích tụ trong ngóc ngách, dưới mặt đất, chỉ xuất hiện sau khi ánh dương minh đã tắt. Những loại khí này hòa quyện với nhau sẽ tạo ra được một sức mạnh kỳ lạ, đây cũng chính là ma quỷ trong quan niệm của người thường. Còn ma rạng sáng chỉ xuất hiện vào thời khắc chuyển giao giữa sáng và tối, vào lúc sắc trời âm u mờ mịt. Loại khí này thường là sự tụ tập của huyết khí và sát khí, không có dương minh sẽ không xuất hiện, nhưng dương khí mạnh sẽ lập tức tiêu tán; có âm ám sẽ không xuất hiện, đến khi âm ám lui sẽ hiện ra. Cũng tương tự như các hiện tượng trúng tà, gặp sát mà dân gian thường nói. – Chu thiên sư nói liền một mạch, có thể thấy rằng cách giải thích của ông về ma quỷ có nhiều khác biệt so với cách lý giải của nhà họ Mặc và cách hiểu của Lỗ Thiên Liễu.
-May mà trời vừa rạng sáng cậu Ngũ liền ngủ thiếp đi, nếu không, chúng ta sẽ không thể phát hiện ra đòn tập kích của lũ ma rạng sáng. Âm lực của chúng trái ngược với lũ ma đêm. Nếu chúng ta tỉnh táo sẽ phát hiện được ma đêm, nhưng đối với ma rạng sáng, chúng ta chỉ có thể phát giác khi đã ngủ say!
Quan Ngũ Lang bị lũ ma rạng sáng quấy phá, lập tức tỉnh ngủ, không còn muốn chợp mắt thêm nữa. Có điều thần thái có phần uể oải, sắc mặt lờ đờ. Cũng khó trách, gặp phải ma quỷ, chắc chắn tinh thần cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
-Sao trông thất thần thế? Sợ rồi à? Chỉ là gặp ma thôi mà, ai chết mà chẳng ra ma. Nào, làm một hớp rượu lấy lại tinh thần đi! – Dù sao Thủy Du Bạo cũng đã già đời, lại ở trên núi Long Hổ khá lâu, chẳng còn lạ lẫm gì những chuyện ma quỷ phá phách, nên chủ động đến an ủi Ngũ Lang.
Ngũ Lang vừa ngẩng đầu lên, còn chưa kịp phản ứng đã bị Thủy Du Bạo đổ cho hai ngụm rượu, ho sặc ho sụa. Nhưng anh ta lập tức đứng bật dậy, không biết do rượu phát huy tác dụng, hay là bị kích động bởi lời nói của Thủy Du Bạo.
-Cho dù có sợ cũng không phải ngại. Nếu không có nhát đao của cậu, không chừng cả bọn đã bị ma quỷ bắt mất hồn rồi! - Thủy Du Bạo đang nói thực tình, nhưng dường như trong lời nói còn có ẩn ý gì khác. Chu thiên sư bất giác khẽ nhíu lông mày.
Đợi sau khi sương mù tan hết, trời sáng hoàn toàn, bọn họ mới tiếp tục di chuyển về phía trước. Nhưng lúc này, một vài khuôn mặt đã lộ rõ vẻ sợ hãi. Kể cũng khó trách, người thì mất tích, người thì bị thương, lại gặp ma ngay lúc ban ngày, áp lực đang đè trĩu tầng tầng trong tâm não họ. Đoạn đường phía trước hệt như một địa ngục vô tận, trong khi bọn họ mới chỉ bắt đầu cất những bước khởi hành.
Lại mất hơn nửa ngày trời, họ mới thoát ra khỏi rừng Giá Trinh. Vừa ra khỏi rừng, Chu thiên sư lập tức đốt lên hai bó hương thanh tà ổn chân, cộng thêm lá bùa hư hình để làm màn che mắt. Song hành động này có vẻ như thừa thãi. Bên ngoài khu rừng lá reo chim hót, hết sức bình yên, không hề có cảnh giết chóc trùng trùng như Lỗ Thịnh Nghĩa đã nói. Đầu óc căng như dây đàn của mọi người bởi vậy cũng giãn ra một chút.
Nhưng Chúc Tiết Cao lại chậm rãi tạt cho mọi người một gáo nước lạnh:
-Cảnh tượng ở đây đã khác hẳn so với miêu tả của các tiền bối nhà tôi. Nhìn vào cách phân bố và phạm vi, cũng khác hẳn với những vùng rừng núi thông thường, hình như tồn tại một quy luật sắp đặt do con người tạo ra.
Lỗ Thiên Liễu cũng đã nhận thấy, mặc dù vị trí và hình dạng của cây cối, cỏ bụi ở đây cũng mỗi thứ một vẻ, những viền ngoài của chúng gọn ghẽ trơn tru, không đan xen rối loạn vào nhau. Chỉ cần nhìn vào một điểm này, đã có thể khẳng định chúng do con người chăm sóc xén tỉa. Không những thế, khứu giác của Lỗ Thiên Liễu đã phát giác ra mùi máu tanh ẩn hiện trong gió nhẹ.
-Chú Chúc, cháu thấy chỗ này có tà khí, liệu còn con đường nào khác không? - Lỗ Thiên Liễu hạ giọng hỏi Chúc Tiết Cao. Chúc Tiết Cao không nói gì, chỉ khẽ lắc đầu.
-Anh Lỗ, căn cứ theo lộ số trong nghề khảm tử, chúng ta cần phải tìm ra con đường chính xác để tiến lên, nếu đi lầm chỗ không có đường, sẽ là đường chết! – Du Hữu Thích nói nhỏ với Lỗ Thịnh Nghĩa, nhưng lời nói tuy khẽ, vẫn bị một người khác nghe thấy, đó là Thủy Du Bạo đứng cách đó khá xa.
-Đằng kia có đường! – Lão bếp già Thủy Du Bạo mắt mũi kèm nhèm lại tìm ra đường đi đầu tiên. Ở chỗ giao nhau giữa hai mảng rừng một vàng một xanh rõ rệt, lấp ló một dãy bậc đá trắng toát.
-Đằng kia có chim! – Còn có người mắt tinh hơn Thủy Du Bạo, chính là đứa tiểu đồng của Chu thiên sư.
Từ chỗ họ đang đứng đến dãy bậc thang lát đá trắng là một sườn dốc thoai thoải rất rộng lớn, một màu cỏ mướt xanh rờn, hệt như một tấm thảm Ba Tư tinh xảo. Đám chim chóc đang đậu trên bãi cỏ, không lớn, chỉ cỡ nắm đấm, lại mang bộ lông màu nâu pha lục, mắt không tinh rất khó phát hiện ra.
Tiểu đồng dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ ham vui, lập tức nhón chân chạy vụt đi, khẽ khàng đến gần đàn chim. Khi còn cách đàn chim chưa đầy hai chục bước, lũ chim vẫn ngóc cái mỏ dài, lắc đầu ngó nghiêng kiếm mồi trong cỏ, chẳng có phản ứng gì.
Đến khi đứa tiểu đồng chỉ còn cách đàn chim chừng chục bước, lũ chim mới bắt đầu hoảng hốt, bỏ chạy tán loạn.
-Thì ra là giống chim đần không biết bay. Nhìn mấy con kia xem, đến chạy cũng lạch bà lạch bạch. Lát nữa có thịt chim ăn rồi! – Du Hữu Thích thấy vậy cũng bắt đầu tỏ ra khoái chí. Tay đệ tử của hắn và đệ tử của Chu thiên sư cũng đã chạy vọt lên, vây lấy đàn chim từ hai phía.
-Đừng! - Lỗ Thiên Liễu hét lên.
Là Du Hữu Thích đã khiến cô sực tỉnh. Vừa nãy, nhìn thấy đàn chim, cô cũng cảm thấy thú vị, nhưng vừa nghe Du Hữu Thích chê bai lũ chim đến chạy cũng không nhanh, thính giác nhạy bén của cô đã phát hiện ra tiếng cọ xát và gõ đập của kim loại. Đó là thứ âm thanh đặc thù chỉ xuất hiện khi các chốt trục xoay chuyển, co kéo, mà nguồn gốc của chúng lại chính là lũ chim không biết bay kia! Đồng thời, thứ mùi máu tanh phảng phất mà cô vừa ngửi thấy hình như cũng tập trung trên cơ thể chúng.
-Đừng! – Tiếng hét đến lạc giọng của Lỗ Thiên Liễu có phần hơi muộn, đứa tiểu đồng đã lao người vồ về phía con chim. Trong khoảnh khắc đó, có người lờ mờ nhận ra, có người nhìn thấy rõ rành rành con chim vừa tháo chạy đã quay đầu lại, lao vút về phía tiểu đồng.
Con chim đã bị chụp lấy, nhưng đứa tiểu đồng đã không bao giờ còn đứng dậy được nữa.
Hai tay đệ tử vội vã dừng ngay bước chạy trên sườn dốc phủ rợp cỏ xanh. Nhưng vạt cỏ trơn mượt cộng thêm quán tính của đà chạy đã khiến chúng trượt thẳng đi phải hơn chục bước mới dừng lại được.
Nhưng lúc này, những con chim chỉ biết chạy lạch bà lạch bạch bỗng tung mình bay lên, mặc dù bay không cao, song cũng đủ để chúng lao thẳng xuống đầu hai kẻ vừa dừng bước.
Cả hai lập tức kẻ khua đao người múa kiếm vội vã đỡ đòn. Nhưng thật bất ngờ, đao kiếm va đập vào thân chim lại bật ra những tiếng loảng xoảng như chém vào kim loại, hoa lửa bắn ra tung tóe.
-Chim cắt thép! Là chim cắt thép! Mau nằm rạp xuống, rạp người sát đất! - Lỗ Thịnh Nghĩa vừa quát lớn, vừa lôi ra hộp mưa đinh Tý Ngọ. Hộp mưa đinh Tý Ngọ bình thường được dùng để đựng đinh thợ mộc, đinh lớn mũ vuông, đinh đuôi dẹt, đinh xoắn ốc, đinh chốt, đinh nhỏ… đều được đựng trong hộp, mỗi thứ một ngăn, sử dụng vô cùng thuận tiện. Nhưng chỉ cần xoay nút Tý Ngọ dưới đáy hộp, đinh trong hộp sẽ được lò xo bắn đi tới tấp, biến thành một trận mưa đinh.
Nhưng khi chạy đến gần, Lỗ Thịnh Nghĩa mới phát hiện ra lũ chim trước mắt không hoàn toàn giống như chim cắt thép trong trí nhớ của mình. Mặc dù chiếc hộp mưa đinh Tý Ngọ được tổ tiên nhà họ Lỗ thiết kế chuyên để đối phó với chim cắt thép, nhưng liệu nó có tác dụng với đám nút di động na ná như chim cắt thép trước mặt hay không, Lỗ Thịnh Nghĩa thực không dám chắc.
Đệ tử của Du Hữu Thích xuất thân trộm cướp, quen nghề chém giết mưu sinh, kinh nghiệm chiến đấu khá phong phú. Nghe thấy tiếng quát của Lỗ Thịnh Nghĩa, bèn vung đao chém thẳng xuống, cơ thể thuận thế đổ về phía trước, rạp sát mặt cỏ mà lao đi. Hai con cắt thép lao vọt qua sát trên người hắn, một chiếc mỏ thép cày rách toạc mông quần, lông cánh của con cắt thép còn lại hớt bay một nhúm tóc sau gáy hắn.
Đệ tử của Chu thiên sư cũng đã đổ người rạp xuống, nhưng là bị đâm ngã. Chiếc mỏ nhọn hoắt của một con cắt thép đã dùi thẳng vào vai hắn, xung lực của cú đâm đẩy hắn ngã nhào. Con cắt thép không chịu buông tha, chiếc mỏ thép vẫn cắm chặt vào vai, trong khi hai bộ móng vuốt nhọn hoắt và đôi cánh sắc lẹm cào bới liên hồi, chớp mắt đã máu phun thành tia, thịt da tung tóe. Nếu không phải Chu thiên sư kịp thời chạy đến, có lẽ toàn bộ phần vai trái của gã đã đi tong.
Chu thiên sư quả nhiên thân thủ phi phàm, một kiếm đâm ra, lập tức hất văng con cắt thép đang bám chặt trên vai đệ tử, lại vùn vụt chém sang trái phải, đánh rơi hai con chim thép đang xáp tới. Nhưng đột nhiên, từ trong thảm cỏ ồ ạt lao ra cả một đàn cắt thép, bay thẳng về phía ông. Ông đã không kịp ứng phó, thậm chí không còn đủ thời gian để rạp người xuống tránh.
Một đóa hoa cỡ lớn màu vàng chanh bỗng nở xòe ra trước mặt Chu thiên sư, cánh hoa nhỏ dài mềm mại, bóng mượt long lanh như nước chảy. Những cánh hoa vừa xòe rộng, toàn bộ đàn chim cắt thép đang lao đến đã bị bọc kín vào trong.
Cuống của đóa hoa đang nằm trong tay Chúc Tiết Cao, thì ra nó chính là bó nan tre quấn quanh lưng gã. Nhưng khi gã thợ nan vung bó nan ra, trông nó còn mềm mại linh động hơn cả hoa thực.
Những sợi nan tre nhỏ dài mềm mại đã quấn chặt lấy cánh sắc và vuốt nhọn của bầy cắt thép. Có thanh nan cùng lúc trói liền mấy con, có con cùng lúc bị mấy thanh nan trói chặt. Bầy chim thép vùng vẫy loạn xạ, va đập choang choảng vào nhau, song không thể thoát khỏi những sợi nan dẻo quẹo. Chúng càng vùng vẫy, lại càng bị trói chặt.
Lại có một bầy cắt thép nữa lao vụt ra từ trong bãi cỏ. Lỗ Thịnh Nghĩa đã chạy đến nơi, chiếc hộp mưa đinh Tý Ngọ chĩa thẳng về phía bầy chim, lẫy lò xo bật mở, một trận mưa đinh đen kịt, dày đặc phóng thẳng về phía đàn chim.
Cả bầy cắt thép lập tức rơi xuống rào rào, chỉ nghe thấy hàng tràng những tiếng cọt kẹt khô khốc. Những chiếc đinh đủ mọi hình thù vừa phóng ra từ hộp mưa đinh Tý Ngọ đã luồn lách vào các khe hở trên mình chim thép, chốt lẫy bên trong lập tức bị kẹt cứng.
-Mọi người cẩn thận, nhìn kỹ xem còn con nào nữa không! - Lỗ Thịnh Nghĩa vừa nói vừa chuyển hộp đinh cho Lỗ Thiên Liễu, rồi cúi xuống nhặt lấy một con chim cắt trúng đinh trên mặt đất – Phương pháp chế tạo khá giống với chim gỗ của nhà họ Lỗ, nhưng lại được làm từ thép ròng, ngoại hình, động ác giống hệt chim thật, kỹ thuật quả thực cao hơn Lỗ gia một bậc!
-Đúng là giống y như thật. Chúng gọi là chim cắt thép ư? - Lỗ Thiên Liễu nhìn con chim thép trong tay Lỗ Thịnh Nghĩa, không giấu được vẻ kinh ngạc.
-Chim cắt thép có lẽ là tên gọi chung, khi chế tạo sẽ căn cứ theo hình dáng thực tế của loài chim bản địa, như vậy mới che mắt được. Nhưng thực kỳ lạ, lũ chim hoạt động nhờ lò xo, lại không có que gậy điều khiển, làm sao lại biết tấn công con người? - Lỗ Thịnh Nghĩa cũng cảm thấy lạ lùng.
Tay đệ tử của Chu thiên sư mặc dù đang đau đớn đến nghiến răng nghiến lợi, mặt mũi méo xệch, song vẫn muốn khoe khoang kiến thức:
-Mọi người không nhìn thấy cần cổ của chúng ư. A…! Chấm đỏ phía dưới... A... Đó là “thị huyết định”, là thứ yêu pháp bắt nguồn từ Tây Vực...
Đúng lúc này, vọng đến tiếng kêu đau đớn của Chu thiên sư. Đứa tiểu đồng ngã sấp được nhẹ nhàng lập ngửa lên, nó đã bị chiếc mỏ dài sắc ngọn của con chim thép mổ xuyên qua tròng mắt, đâm sâu vào tận não trái. Phần cổ cũng bị đôi cánh và bộ vuốt sắc bén như dao cào rạch nát bươm, chỉ còn là một đám máu thịt bầy nhầy.
Cái chết của đứa tiểu đồng quả thực rất thương tâm, song lời cảnh báo từ đó lại là hiện thực: hãy mau chóng quay về?
Nếu theo như lộ trình mà Chúc Tiết Cao đã nói, phía trước còn phải vượt qua một chặng đường khá dài. Đó là chưa kể đến thung lũng Ngộ Chân, nơi mà đến một lần sẽ ngộ ra được ý nghĩa chân thực của sự sống và cái chết. Phía trước sát khí trùng trùng, không biết còn bao nhiêu sát chiêu tàn độc đang rình rập.
Tiểu đồng chết thảm, đệ tử bị thương, Chu thiên sư phải hứng chịu nỗi mất mát to lớn nhất, thế nhưng quyết tâm tiến lên phía trước của ông lại càng trở nên mãnh liệt.
Kiên định không kém chính là Du Hữu Thích. Gia tộc đã bị cắt đứt mạch phong thủy, nhà tan người mất, hậu vận bị phá hủy hoàn toàn. Trên đời này, loại người đáng sợ nhất chính là kẻ bần cùng! Đương nhiên, bần cùng không chỉ là nghèo khổ, mà là không còn bất cứ thứ gì để mất, không còn bất cứ thứ gì lưu luyến. Thử hỏi nếu rơi vào thảm cảnh như hắn, còn thứ gì có thể ngăn cản hắn tiến lên?
Thế nhưng quyết tâm tiến lên của Du Hữu Thích là có mục đích, hắn khao khát thoát ra khỏi cảnh ngộ hiện tại, muốn thay đổi số mệnh cùng cực. Còn bậc tu hành đạo hạnh cao thâm như Chu thiên sư, vì lẽ gì phải bất chấp tất cả để tiến lên? Là vì tấm lòng từ bi muốn cứu nhân độ thế, hay là vì sứ mệnh ban đức tạo phúc trời trao?
Chúc Tiết Cao rất kiệm lời, song gã luôn quan sát kỹ lưỡng cách phản ứng của mọi người trước những khảm diện, nút lẫy. Trong lúc quan sát, thần thái của gã dần dần lộ ra một vẻ hào hứng và phấn khích khó giấu giếm, bên trong thân hình lờ đờ chậm chạp dường như có một linh hồn cuồng dại sẵn sàng thoát xác lao ra. Gã cũng không muốn rút lui, có lẽ gã đã tìm thấy niềm hứng khởi và vui sướng chưa từng có từ trong nguy hiểm, hoặc giả gã đã phát hiện ra niềm hy vọng hiện thực hóa ý nghĩa cuộc đời từ một người nào đó.
Còn những người nhà họ Lỗ chắc chắn càng không chịu lui bước. Như vậy, chỉ còn lại một mình Thủy Du Bạo. Du Hữu Thích thấy tình thế đã đến nước này, lão bếp già có thể theo tận đến đây cũng đã nằm ngoài dự tính. Bây giờ trông chừng lão để giữ bí mật cũng chẳng còn ý nghĩa gì, liền chủ động giải phóng cho lão:
-Này ông Thủy, ông hãy quay về đi! Nếu còn đủ sức, giúp tôi đưa người anh em đang nằm ở bìa rừng cùng về nhé!
-Tại sao tôi phải quay về? Đi qua khu rừng khi nãy, chỉ cần một thằng ranh lao ra là đủ bóp chết tôi rồi, đi theo mọi người vẫn an toàn hơn. Mà nữa, tại sao người không cho đệ tử của người quay về? - Thủy Du Bạo rất tinh ranh, lão vừa mở miệng đã chỉ ra ngay vấn đề mà người khác rất dễ bỏ qua, đó chính là vấn đề sinh tồn mà chỉ có người lăn lộn nhiều năm trong giang hồ mới hiểu được.
Du Hữu Thích gượng cười nhăn nhó nhìn gã đệ tử. Sau cú tấn công của chim cắt thép, cậu chàng vẫn mặt mày tái mét chưa hồi lại được. Dù cơn khiếp sợ chưa lui, nhưng hắn vẫn không chịu quay về, chỉ nói với Du Hữu Thích một câu gọn lỏn:
-Cái mạng này của con nằm trong tay sư phụ! – Nói xong, ngấn lệ trong mắt như chực trào ra.
Tất cả đều không muốn quay lại, nên chỉ còn cách tiếp tục dấn bước trên con đường đầy bất trắc. Thi thể của đứa tiểu đồng được chôn cất ngay tại đầu đường.
Chu thiên sư làm như vậy là để lưu lại một mốc dẫn hồn, phòng khi bất trắc có thể dẫn mọi người thoát ra đúng hướng.
Vệt trắng lấp ló mà Thủy Du Bạo nhìn thấy phía xa đích thực là một con đường lát đá trắng, nổi bật trong màu xanh mướt mát của cây rừng.
-Chớ đi theo con đường này! Ở nơi hoang sơn cùng cốc tự dưng lại xuất hiện một con đường đẹp đẽ tinh xảo đến thế, bên trong chắc chắn có chỗ khó lường! – Có vẻ Chu thiên sư đã lĩnh ngộ được mức độ nguy hiểm của khảm diện nút lẫy mà trở nên thận trọng hơn hẳn.
-Ông còn đường nào khác không? – Không phải Chúc Tiết Cao hỏi xóc Chu thiên sư, gã thực tâm hy vọng ông lão thần thông kia nghĩ ra được chiêu thức thần kỳ nào đó.
Chu thiên sư cũng không lưu tâm xem Chúc Tiết Cao có ý gì, chỉ hạ giọng nói khẽ:
-Tôi nghĩ rằng cậu có!
-Con đường này được lát bằng đá tuyết ngọc, là một loại đá phèn. Vì chất đá có mật độ không cao, nên các sắc tố tạp chất trong đá sẽ bị mưa nắng lâu ngày rửa trôi. Thời gian càng dài, màu sắc càng trắng sáng. Nhìn vào độ tinh khiết của mặt đá nơi đây, có thể thấy con đường này chí ít cũng đã có từ hơn năm trăm năm về trước. - Lỗ Thiên Liễu sau khi quan sát kỹ lưỡng mặt đá, bèn lẩm bẩm một mình.
Kỳ thực kiến thức về đá của nhà họ Lỗ không thực sự phong phú, song Lỗ Thiên Liễu có một người bạn vong niên là tay thợ đá Thạch Hóa Tùng người Lạc Sơn, Tứ Xuyên. Thạch Hóa Tùng, giang hồ quen gọi là “thần đá Hóa Tùng”, rành rẽ các loại đá trong thiên hạ như lòng bàn tay, yêu thích đá đẹp đá lạ còn hơn cả mạng sống. Phần lớn những hiểu biết về đá của Lỗ Thiên Liễu đều học được từ ông ta.
-Chính xác! Con đường đá trắng này trước đây đã có, cư dân ở đây đều biết đến. Tổ tiên có kể lại rằng đây là con đường thiện nhân, hay còn gọi là đường quay đầu. Năm xưa, ở đầu con đường còn có một tấm bia đá, trên bia có khắc dòng chữ: “Đường trắng đi mất trắng, chi bằng hãy quay đầu”. Thế nhưng những người đã đi qua con đường này đều không gặp chuyện gì bất trắc, trừ khi họ sa vào thung lũng Ngộ Chân. Vì vậy, câu văn trên bia đá hẳn là có ý khuyên mọi người không nên đến thung lũng Ngộ Chân. Vả lại hai bên con đường mọc nhiều cây thuốc, quả rừng, gỗ tốt, nên dân cư trong vùng thường chưa cần đi hết con đường đã thu hoạch được kha khá mà quay trở về luôn, ngoại trừ những kẻ lòng dạ quá tham lam. Nhưng bây giờ thì rất khó nói, bia đá đã biến mất, khu rừng cũng đổi khác. Giờ đây nó là đường thiện nhân hay đường sát nhân, phải đi qua mới biết được! – Chúc Tiết Cao nói liền một tràng.
Không ai tinh tế bằng phụ nữ. Nghe những lời của Chúc Tiết Cao, Lỗ Thiên Liễu cảm thấy có điều gì bất ổn. Ở đây có một con đường thần bí và quan trọng như vậy, tại sao gã lại không hề nhắc đến ngay từ đầu.
Gã quên ư? Nếu xét theo tính cách của một con người bình thường, những nơi chỉ đi qua một lần sẽ rất khó quên, có thể nhắc đi nhắc lại suốt một đời người. Bên cạnh đó, những nơi bản thân cư trú lâu năm, người ta sẽ cảm thấy chẳng có điều gì đáng nói. Nếu như Chúc Tiết Cao đã quên thực, thì chỉ có một lý do duy nhất, chính là gã đã quá quen thuộc con đường này, nên trong tiềm thức đã cảm thấy không cần thiết phải kể cho bọn họ.
Trước khi đến đây, Chúc Tiết Cao còn khăng khăng nơi này đã hơn trăm năm không ai bén mảng, vậy tại sao gã lại thông thạo con đường này đến thế?
Nhưng ở một nơi nguy hiểm trùng trùng lại nhiều mâu thuẫn như nơi đây, trong một thời khắc rất cần đến sự tin tưởng và tương trợ lẫn nhau như lúc này, một số điều nghi ngờ tốt nhất là không nên nói.
Lỗ Thiên Liễu không hỏi gì, chỉ lẳng lặng thi triển chiêu thức cánh tay xích. Quả cầu thép trên đầu Phi nhứ bạc nảy tưng tưng trên các bậc thang đá. Sau khi xác nhận không thấy điều gì khác lạ, cô mới dẫn đầu đoàn người bước lên con đường đá trắng như tuyết.
Bỗng một thân hình vạm vỡ lách qua bên cạnh băng lên. Là Quan Ngũ Lang, anh ta đã tranh lên trước Lỗ Thiên Liễu đặt bước chân đầu tiên trên con đường đá...