Vùng đất dưỡng thi theo lời Chu thiên sư, chính là khi người ta chưa chết hẳn, dùng màng mỏng bằng bạc thuần hình tam giác phong kín cung Nê hoàn của họ. Như vậy, bảy phách của người chết sẽ tiêu tán, nhưng vẫn giữ lại được ba hồn trong thi thể. Sau đó, chôn thi thể xuống đất trong tư thế đứng thẳng, đầu cách mặt đất khoảng một thước rưỡi, đó chính là ranh giới giao thoa giữa âm và dương. Như vậy, xác chết có thể cùng lúc hấp thụ hai luồng địa khí âm dương. Xác chết kiểu này được gọi là “dưỡng thi”, tức xác chết được nuôi dưỡng. Dưỡng thi có cả đặc điểm của xác dương và hồn âm, không biết đau đớn, không có cảm giác, sức mạnh vô địch. Khi dùng bùa chú để điều khiển, nó sẽ trở thành một cỗ máy giết người, một công cụ mê hoặc. Trong các trước tác “Dị táng ký” của Lê Đại người đời Tống và “Kiếm bạc dã đàm” không rõ tác giả viết vào đời Nguyên đều có những ghi chép liên quan đến dưỡng thi.
o O o
Khi Chúc Tiết Cao dẫn đoàn người thình lình xuất hiện trước khu rừng Giá Trinh, bên trong cánh rừng bỗng rùng rùng rùng hỗn loạn. Từ trong rừng vọng ra những tiếng như vượn hú, ếch kêu, như sói tru, chim rít, thảm thiết rối loạn, nghe rùng rợn vô cùng. Tiếng xào xạc của lá cây va đập dội lên từng đợt lúc chỗ này lúc chỗ kia, cả một khu rừng hệt như đang bị một bàn tay khổng lồ gạt qua gạt lại.
Sự xuất hiện đột ngột của bọn họ đã làm kinh động đến yêu ma quỷ quái, hay đã thức dậy dã quỷ vong hồn?
Năm ngón tay trái của Chu thiên sư múa tít như bay. Động tác bấm độn thuần thục đến nhường này, chỉ có những vị thiên sư đạo hạnh cao thâm như ông mới có thể thực hiện được.
Khi đầu ngón tay cái của Chu thiên sư dừng lại trên đốt thứ hai của ngón giữa, khu rừng lại quay trở về với trạng thái tĩnh mịch ban đầu. Từng ngọn cây lá cỏ đều như đông cứng, gió nhẹ phất qua cũng không khiến chúng lay động mảy may.
Lúc này, Lỗ Thiên Liễu đang rất hoang mang, cũng vô cùng sợ hãi. Thính giác nhạy bén siêu phàm của cô không thể tìm ra bất kỳ tiếng động lạ thường nào trong khu rừng đang lặng phắc. Vừa mới đây thôi còn ầm ào rối loạn, thoắt một cái đã im lặng như chết. Tình hình quả thực vô cùng khó hiểu, càng khiến người ta phải khiếp sợ hơn. Khả năng điều khiển có thể đạt tới trình độ này, nguồn sức mạnh ẩn giấu phía sau chắc chắn phải khủng khiếp đến khó tưởng tượng.
-Có thứ gì ở đó? - Lỗ Thịnh Nghĩa thấp giọng hỏi nhỏ Chu thiên sư.
-Có một số thứ âm uế, nhưng đều do con người tạo ra. Không sao đâu, họ có thể tạo ra, chúng ta cũng có thể chống lại! - Lời của Chu thiên sư đã thức dậy niềm tin và dũng khí của mọi người.
Nhưng chỉ với lòng tin và dũng khí vẫn chưa đủ. Muốn vượt qua khu rừng này, quan trọng nhất vẫn là phải có khả năng.
Sau khi đi vào khu rừng, họ phát hiện ra cây cối ở đây giống hệt như những gì Chúc Tiết Cao đã kể, cứ hai cây một tựa sát vào nhau. Thế nhưng nhìn vào những đám cây bụi và lá rụng trên mặt đất, nơi đây chắc chắn không phải là suốt trăm năm không có bóng người lui tới.
-Cậu Chúc, chẳng phải cậu nói nơi đây hơn trăm năm qua không ai được phép đặt chân tới ư? Tại sao lại không có lớp mùn do lá cây tích lại? Du Hữu Thích thắc mắc đầu tiên.
-Chú không nghe chú Chúc nói hay sao? Kẻ xấu đã tới từ lâu rồi! – Lỗ Thiên Liễu nhanh nhảu trả lời thay Chúc Tiết Cao – Không được đến không phải là không muốn đến, mà là kẻ xấu không cho họ đến. Ở đây không những lá cây không tích thành mùn, chú cứ nhìn kỹ mà xem, cành cây cũng đã được cắt xén gọn gàng. Còn nữa, còn nữa… - Lỗ Thiên Liễu đột ngột đổi giọng Quan Thoại hô lớn - Cẩn thận! Đừng đụng vào gốc cây!
Nhưng đã muộn! Hai gốc cây đang tựa sát vào nhau đã thình lình tách đôi ra. Có người hiếu kỳ đưa tay sờ vào cành cây, khiến chúng đột ngột tách rời.
Hai cây nữ trinh vừa tách nhau ra, một gã đệ tử của Du Hữu Thích cũng bay vụt đi. Thật khó tưởng tượng, một gã ngư phu cao to cường tráng, một gã cướp hồ sức vóc lừng lững, một cơ thể vai u thịt bắp gân cốt rắn rỏi nhường đấy lại có thể bay đi nhẹ tênh như một phiến lá qua phía trước cây nữ trinh vừa tách nhau ra.
Bị gốc cây vô ý sờ vào bật phải hất văng đi đã là một chuyện hết sức quái lạ và khó tin, nhưng càng quái lạ và khó tin hơn nữa, đó là cú hất mới chỉ là khúc dạo đầu. Điểm rơi xuống của gã đệ tử lại là một cặp cây nữ trinh khác, nên thân thể văng đi còn chưa kịp tiếp đất, lại bị quật văng đi tiếp. Điểm rơi tiếp theo vẫn là một cặp cây nữ trinh.
Tay đệ tử đã rơi phịch xuống dưới gốc của cặp cây nữ trinh thứ tư. Không phải là gốc cây đã hết lực đàn hồi, mà là trong lúc hắn đang bị hất văng tới cặp cây thứ tư, có một thứ đã bay vụt lên trước, đập vào gốc cây trước cả hắn, kịp thời tiết hết lực đàn hồi.
Thứ lao vọt lên phía trước hắn là một bầu rượu sành. Rượu văng tung tóe lên thân cây càng lá, mùi rượu phả ra sặc sụa trong gió.
Chủ nhân của bầu rượu đương nhiên chỉ có thể là Thủy Du Bạo. Khi ở trong thôn của Chúc Tiết Cao, lão không được ăn thịt uống rượu, nhưng lúc lên đường, lão đã kịp xin một chiếc gùi tre đan bằng nan mảnh có nắp đậy để mang theo số rượu còn sót lại bên mình.
-Tôi đã nói rồi mà không nghe! Với những khu rừng có linh tính như thế này, phải mang theo ít rượu chè hương nến cúng tế đàng hoàng, nếu không sẽ làm kinh động tới thần linh. Nhìn mà xem, chỉ cần tưới rượu là bình yên vô sự, đúng không? Bọn trẻ các ngươi đúng là chẳng hiểu biết gì cả. À, mà Chu thiên sư, tại sao cả ông cũng quên được nhỉ? - Thủy Du Bạo lải nhải một hồi, không biết là thật hay giả.
Lỗ Thiên Liễu hơi sững lại. Thủy Du Bạo lúc nào cũng ra vẻ bênh vực Chu thiên sư, nhưng mấy câu cuối cùng lại như có ý trách móc, trong lời nói dường như còn có ý tứ gì khác.
Tay đệ tử của Du Hữu Thích cuối cùng cũng đã “vô sự”. Xương hông trái vỡ vụn, cẳng chân phải gãy làm ba khúc, hai dẻ xương sườn lòi cả ra ngoài. Với thương thế này, xem ra hắn không thể làm được sự việc gì nữa. Mọi người đành phải khiêng hắn ra khỏi rừng Giá Trinh, tìm một nơi an toàn cho hắn ngồi tạm, để lại lương khô và thuốc trị thương. Giờ đây, hắn chỉ còn làm được một việc duy nhất, đó là dưỡng thương và chờ đợi.
Du Hữu Thích lòng nặng trĩu như đá đeo. Đích đến còn xa tít tắp, thế mà hắn đã mất đi một người anh em và một đệ tử. Xem ra mọi chuyện không phải là cứ cố gắng là sẽ hoàn thành, cần phải gửi gắm hy vọng cho một người có nhiều khả năng đạt được mục đích nhất. Hắn bắt đầu âm thầm tính toán trong lòng.
Cho dù lời nói của Thủy Du Bạo có thánh tướng đến thế nào, chỉ quăng đi một bầu rượu tuyệt đối không thể giải được nút. Hơn nữa, họ mới chỉ giẫm vào mép khảm, còn nút lẫy thật sự trong khảm diện vẫn chưa bung ra.
Lỗ Thịnh Nghĩa cẩn thận dùng chiêu đo đạc bằng ngón tay và thế Phục long thám căn để kiểm tra rừng cây trước mặt, và người thợ mộc già này đã phát hiện ra điều bí mật trong quy luật sắp xếp của những cặp cây sánh đôi. Cục tướng của khảm diện này giống hệt như thành lũy bốn phương liền ụ của nhà họ Lỗ, chính là “ba mươi sáu Thiên Canh chầu thánh vị”. Khảm diện Thiên mục thác bộ (mắt lệch chân xiêu) bí truyền trong giới khảm tử gia phương nam cũng dựa theo nguyên lý này.
Bộ pháp di chuyển trong cách cục Thiên Canh chầu thánh vị có yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về độ ngắn dài mau chậm của bước đi, nếu không thể tuân theo quy luật đó, trong quá trình di chuyển, sẽ gây ra hiện tượng lệch lạc thị giác. Đi càng nhiều bước, cảm giác sai lệch càng chồng chéo, cuối cùng bản thân sẽ mất kiểm soát mà tự đâm đầu vào gốc cây. Bởi vậy, khảm diện này còn được gọi một cách thông tục là “mắt lệch chân xiêu”, nếu sa vào trong khảm, sẽ có hiện tượng mắt nhìn lệch lạc chân bước xiêu vẹo, nhận lầm phương hướng.
Không ai biết được muốn vượt qua khảm diện Thiên Canh chầu thánh vị ở đây, xét về bộ pháp cần phải tuân theo những quy tắc gì, dài ngắn ra sao, nhanh chậm thế nào. Hơn nữa, ở đây lại sử dụng từng cặp cây để làm mê chướng, trên cây cành lá rậm rịt, không thể dùng làm vật tham chiếu để ước lượng khoảng cách giữa các bước chân. Trong tình hình này, chỉ cần một bước đi có chút sơ sẩy, thì tiếp đó chỉ trong vòng mười bước chắc chắn sẽ đụng cây trúng nút.
Thế nhưng nhà họ Lỗ có một phương pháp cố định thường xuyên được sử dụng để đối phó với dạng khảm diện mê chướng quanh co kiểu này, đó chính là vừa đi vừa thăm dò. Tức là đi một bước nhìn một bước, sau khi đi xong một bước, đợi cho thị giác hồi phục bình thường, quan sát cho kỹ rồi mới bước tiếp. Mặc dù tốc độ chậm chạp, nhưng rất hiệu quả để thoát khỏi khảm diện an toàn. Phương pháp này thông thường được thi triển nhờ kỹ pháp Tịch trần trong công phu Lục hợp của nhà họ Lỗ, vì người luyện Tịch trần thị lực rất tốt, lại thận trọng và kiên nhẫn, có thể phát hiện ra những nút lẫy rất khó quan sát.
Trong đoàn người, giỏi kỹ pháp Tịch trần chỉ có mình Lỗ Thiên Liễu. Vì vậy, người thứ hai trúng phải nút lẫy không ai khác ngoài cô.
Lỗ Thiên Liễu không va phải gốc cây đôi, mà bị một sợi dây da mềm giấu dưới vạt cỏ quật trúng. Sau khi quan sát thấy mọi thứ vẫn bình thường, cô tiếp tục giơ chân định dấn lên một bước, lập tức bị sợi dây da quật thẳng cánh vào mu bàn chân. Lỗ Thiên Liễu bất ngờ bị mất thăng bằng, lao thẳng vào gốc một cặp cây nữ trinh.
Song Lỗ Thiên Liễu đang mất đà loạng choạng vẫn không đâm trúng hai cây nữ trinh kề sát, cô đã khựng lại khi chỉ còn cách thân cây chưa đầy một bàn tay. Nguyên nhân rất đơn giản, ngày từ khi bắt đầu tiến lên, Lỗ Thiên Liễu đã quấn sợi xích của Phi nhứ bạc lên chuôi đao của Ngũ Lang. Cũng giống như những động tác phối hợp mà họ vẫn thường xuyên luyện tập, nếu xảy ra chuyện bất thường, Ngũ Lang sẽ lập tức giật đao kéo cô trở lại.
-Là dây bật tám bước! Liễu Nhi, men sát thân cây đi vòng quanh gốc, đừng đi qua khe hở giữa hai cây! - Thực ra chưa cần Lỗ Thịnh Nghĩa nhắc nhở, Lỗ Thiên Liễu cũng đã nhận ra. Nút lẫy vừa rồi là một kỹ xảo mà các “bang thòng lọng” thuần thục ngựa phương Bắc sử dụng thường xuyên nhất, chủ yếu dùng để bắt ngựa hoang, linh dương. Nói dây bật tám bước là đối với con người, còn đối với ngựa là vừa bằng một cú sải vó, đó là chính khoảng cách bật trước giật sau của sợi dây da. Song loại nút này có một khuyết điểm cực lớn, đó là đầu dây phải căng cố định[1]. Vì vậy, chỉ cần biết được độ dài của sợi dây khi nó bật ra, thì đi qua điểm căng cố định sẽ là an toàn nhất. Lỗ Thịnh Nghĩa bảo cô nép sát thân cây vòng quanh gốc, chính là đi qua điểm căng cố định.
Lỗ Thiên Liễu nép sát thân cây đi vòng quanh gốc, không gặp phải sự cố nào. Cứ đi được tám bước, cô lại tiện tay gỡ sợi dây bật tám bước ra. Làm như vậy là để đề phòng nếu như phía trước gặp phải mũi công kích không thể chống trả, có thể rút lui nhanh chóng.
Mọi người đều bám sát theo sau Lỗ Thiên Liễu, từ từ tiến lên, không ai dám kêu ca chậm chạp. Ở đây, nơi đâu cũng có thể xuất hiện những cú tấn công tàn độc và giết chóc. Nhưng thật may mắn, bọn họ không gặp thêm một cú đột kích nào. Rất có thể đối phương muốn đảm bảo độ nghiêm mật của khảm diện, nên đã không tính tới việc ngầm thiết kế đường sống bên trong, nên bản thân chúng cũng không thể ra vào nhanh chóng để ra tay tấn công.
Lỗ Thịnh Nghĩa cũng đã lưu tâm đến tình hình này, ông bèn nói nhỏ với Chu thiên sư:
-Chúng ta đang đi qua khảm chặn, giống như một bức tường bao vô hình, ý đồ ban đầu là ngăn chặn không cho ai đi qua. Qua chỗ này sẽ tiến vào phạm vi hoạt động của đối phương, tiếp theo chắc chắn sẽ gặp phải trùng trùng cạm bẫy. Mọi người hãy tập trung tinh thần cao độ, vì có thể gặp phải đòn tàn sát bất cứ lúc nào!
Chu thiên sư đưa mắt quan sát rừng cây không thực rậm, rồi đưa ra một ý kiến khác:
-Khu rừng rất lớn, nên đối phương không thể đoán được chúng ta sẽ đi ra từ chỗ nào. Lỗ sư phụ, ông đừng quá lo lắng, khi ra tới rìa khảm, tôi sẽ sử dụng bùa mờ mắt để làm rối loạn đường đi che giấu hình thù, tuyệt đối không có chuyện gì đâu!
Lỗ Thịnh Nghĩa không nói gì thêm, trong lòng thầm nghĩ: “Cái vị thiên sư già này đúng là chẳng mấy hiểu biết về khảm diện! Đây là cách cục ba mươi sáu Thiên Canh chầu thánh vị, cuối cùng sẽ chỉ hướng về một vị trí, khảm diện có lớn đến đâu rồi cũng sẽ phải quay vòng trở lại”.
Tốc độ di chuyển quả thực vô cùng chậm chạp. Đến tận khi trời tối mịt, họ vẫn chưa thoát ra khỏi rừng Giá Trinh. Màn đêm sập xuống cũng đồng nghĩa với nguy hiểm cận kề, nếu muốn sống sót qua đêm tối trong khảm diện của đối phương, không những cần phải có dũng khí phi thường, mà càng cần phải có những phương pháp cao minh.
Lỗ Thịnh Nghĩa nhặt lấy một cành cây, vạch vẽ một hồi trên mặt đất, cuối cùng quyết định cả bọn ngồi túm tụm thành vòng tròn tại khoảng trống ở chỗ giao nhau giữa Thiên Canh chầu thánh vị và dây bật tám bước. Vị trí này chính là phần khe hẹp nằm bên ngoài phạm vi tấn công kết hợp của nút cây và nút dây da, và cũng là góc chết mà phía đối phương không thể tiếp tục ra chiêu.
Quan Ngũ Lang đặt ngang cây phác đao trên hai đầu gối, nhìn thẳng về phía trước, vẻ mặt quyết liệt, không chút sợ hãi, khí thế hiên ngang hệt như lực sĩ kim cương. Ngũ Lang tuy vụng về thô kệch, song rất biết cách tập trung. Lúc này, trong đầu anh ta chỉ lặp đi lặp lại một động tác, đó là tập trung tất cả tinh khí và lực đạo để chém xuống một đao sấm sét. Anh ta muốn dùng một nhát đao đó để chặn đứng mối nguy hiểm có thể xuất hiện từ trong bóng tối.
Du Hữu Thích đặt con thuyền đồng ở sau lưng, chắn ngang con đường vừa mới đi qua. Lúc trước còn thấy vác theo con thuyền đúng là của nợ, không ngờ lúc này lại trở thành một lá chắn vô cùng kiên cố.
Ở bên ngoài con thuyền đồng, Lỗ Thịnh Nghĩa căn cứ theo phương vị “lá nghiêng vây hình tủ” rải xuống một trăm mười chiếc đinh chỉ thiên đế đĩa. Những chiếc đinh nhọn hoắt đưa qua đưa lại như con lật đật, đầu đinh chốc lại lóe lên sắc bạc rờn rợn.
Phía trước mặt Ngũ Lang không bố trí một nút lẫy phòng vệ nào, nhưng Chu thiên sư đã cắm lên mặt đất mười hai đạo bùa Hỏa vân chu sa. Tác dụng của loại bùa này là khi gặp phải luồng sức mạnh tà quái, sẽ chiếu rọi ra ánh sáng đỏ rực, khiến sức mạnh tà quái vô hình kia phải hiện nguyên hình. Tuy rằng đối phương không thể nhanh chóng băng qua khảm diện không có đường sống để tập kích bất ngờ, nhưng vẫn phải đề phòng những thủ đoạn âm tà. Vì những thủ đoạn kiểu đó không liên quan gì tới khảm nút, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bất kỳ nơi đâu.
Trước đây, trong giới khảm tử giang hồ có quy ước rằng, chỉ cần khảm diện chưa bị phá, sẽ không được phép dùng thủ đoạn khác tấn công giết hại người bị vây khốn trong khảm. Nhưng xưa kia, từ lúc hai nhà Lỗ, Mặc bắt đầu giao tranh với nhà họ Chu, đã phải ngậm đắng nuốt cay bởi quy ước này. Vì nhà họ Chu mặc dù tinh thông nghề khảm tử, nhưng lại không thuộc về giới khảm tử giang hồ. Để đạt được mục đích, họ sẵn sàng hạ sát chiêu không từ thủ đoạn, bất chấp quy ước.
Mãi tới khi trời lờ mờ sáng, đối phương vẫn không có động tĩnh gì. Duy chỉ vào thời khắc trước lúc bình mình, khi bóng tối vẫn còn dày đặc, từ trong rừng bỗng vẳng đến hai tiếng kêu quái dị. Tuy không thực lớn, nhưng đủ khiến người nghe toát mồ hôi lạnh, rùng rợn đến muốn vỡ tim.
Người bình tĩnh nhất chính là Chu thiên sư. Yêu ma quỷ quái ông đã thấy nhiều, chí ít đã có rất nhiều hồn ma ác nghiệt đã bị tiêu diệt dưới tay ông, nên vài ba tiếng kêu quái đản hoàn toàn không thể khiến cái tâm đạo hạnh cao thâm của ông có mảy may xáo trộn.
Lỗ Thiên Liễu cũng khá vững vàng, vì ba giác trong sáng của cô không phát hiện ra bất cứ thứ gì khác thường, nên cô nghĩ rằng đó chẳng qua chỉ là tiếng chim kêu thú hú mà thôi.
Còn có một người cực kỳ trấn tĩnh nữa, đó là Quan Ngũ Lang. Không phải do anh ta đạo hạnh cao thâm, mà sau một đêm chuyên tâm tụ lực chuẩn bị sẵn sàng cho cú hạ đao, lúc này anh ta không thể gượng thêm được nữa, nên đã nhắm mắt ngủ vùi. Cơn buồn ngủ cố cưỡng lại suốt một đêm giờ mới kéo đến, lập tức khiến anh ta ngủ say như chết, ngay cả những âm thanh quái đản vừa rồi cũng không thể khiến anh ta giật mình choàng tỉnh.
Rừng núi buổi sớm mai thường khởi lên một màn sương mờ nhạt, rừng Giá Trinh cũng không ngoại lệ. Mặc dù trời đã tang tảng sáng, song trong khu rừng vẫn ngưng đọng một màn sương trắng mờ đục như sữa, khiến những thân cây sánh đôi trông mờ mờ ảo ảo, tựa như một đoàn yêu quái trùm khăn sô trắng.
-A… Giết!
Cú ra đao được ấp ủ suốt một đêm của Ngũ Lang bỗng thình lình chém ra, luồng hàn quang sắc lạnh hệt như một tia chớp rạch toang màn sương trắng đục.
Đao đã chém ra nhưng không thể thu lại. Cơ thể Ngũ Lang sau cú nhảy vọt xuất đòn, khi hạ xuống lập tức trơ ra như tượng đá trong thế xuống tấn vững chãi, hai tay nắm cứng lấy chuôi đao bằng sắt sống, chỉ còn hơi thở gấp gáp và gân cơ co giật là còn bộc lộ được sức sống hừng hực trong cơ thể anh ta. Anh đang vận lực, đang giằng co, đang dốc sức giành giật thanh đao với một sức mạnh vô hình.
Trạng thái cứng đờ bất động chỉ là tạm thời. Một loáng sau, hai cánh tay của Ngũ Lang đã run lên bần bật, hai chân đang xuống tấn cũng bắt đầu di dịch. Song những điều này vẫn chưa có gì đáng kinh ngạc, quái đản hơn nữa là thanh đao trên tay anh ta bắt đầu nhuốm đỏ, từ mũi đao lan đến thân đao, chuôi đao rồi tới đôi tay của Ngũ Lang. Cuối cùng ngay cả khuôn mặt của Ngũ Lang cũng đỏ rực lên, hệt như tưới máu, hệt như lửa cháy.
Thân thủ của Chu thiên sư chớp mắt đã trở nên nhanh nhẹn khác thường, thật khó tưởng tượng đó là một ông già đã ngoài sáu chục. Ông xoay nghiêng người lại, xoạc ngang một bước đã tới bên cạnh thanh đao, tay trái phắt một cái rút từ vạt sau tấm đạo bào ra một đạo bùa màu vàng, tay phải móc ra một bình sứ màu chàm từ trong túi vải đeo chéo sau lưng. Sau đó dùng ngón tay trỏ và ngón giữa của tay trái kẹp chặt đạo bùa, ngón cái tay phải bật mở nắp bình sứ.
-Một sách chia làm trăm trang giấy, một trang chia làm hai đường thông. Âm không được dương dùng, dương không mở cửa âm. Ánh trời xanh xanh, ngẩng đầu thần linh, tám phương khí tịnh, thù oán đều bình. Thái Thượng Lão Quân, gấp gấp theo sắc lệnh! – Chu thiên sư lầm rầm một đoạn chú ngữ, rồi vung mạnh tay trái, lá bùa lập tức bốc cháy rừng rực. Tàn tro vừa tơi tả bay lên, chiếc bình sứ trong tay phải cũng đổ xuống mũi đao. Tư thế của tay cầm bình như muốn đổ ra thứ gì đó, nhưng lại không có thứ gì chảy ra. Song động tác vừa hoàn thành, sắc đỏ như máu trên thanh đao đã nhạt đi nhanh chóng. Tiếp đó, sắc đỏ trên chuôi đao và tay, mặt Ngũ Lang cũng lần lượt tiêu biến. Sắc mặt vừa trở về trạng thái bình thường, Ngũ Lang lập tức hai chân mềm nhũn, “phịch” một cái ngã ngồi xuống đất, cây phác đao cũng rơi thẳng xuống đập đánh “choang” vào đá tảng, hoa lửa bắn tung.
Chú thích
[1] Có nghĩa là để sợi dây có đủ lực đàn hồi, cần phải cố định chắc chắn trên mặt đất.