Bà có cảm giác lá thư chỉ viết cho riêng bà, nhưng lại thấy phong bì được ghi: "Ông và bà James Brodie" nên không dám mở nó ra và, cũng không dám chạy lên lầu vui vẻ la lên cho chồng biết: "Một lá thư của Matt!"
Bà đặt cái lá thư quý báu đầu tiên từ ngoại quốc gửi về trên cái đĩa của chồng bà, rồi chờ đợi. Bà chờ đợi với sự phục tùng và nỗi sốt ruột làm tim bà đập thình thịch. Thỉnh thoảng, từ gian bếp phụ, bà đi qua phòng ăn để được trông thấy lá thư hãy còn đó, không tan biến trong không khí một cách bất ngờ. Lá thư kỳ diệu đã vượt qua mấy ngàn cây số để đến tận tay bà.
Cuối cùng, sau một khoảng thời gian dài vô tận, Brodie đi xuống và gương mặt ông hãy còn - bà để ý điều này với một vẻ biết ơn - một dấu vết nào đó của sự vui thú trong ngày hôm qua. Bà lập tức mang món cháo yến mạch đến cho ông, rồi đứng lui ra, chờ đợi. Ông cầm lấy lá thư, lặng lẽ nhấc thử nó trong bàn tay khổng lồ của mình, nhìn nó với vẻ dửng dưng, rồi lại nhấc thử nó một lần nữa, đặt nó xuống trước mặt nhưng không mở ra, và bắt đầu ăn. Ông nuốt hết muỗng này đến muỗng khác, người nghiêng về phía trước, hai cùi chỏ đặt trên bàn, mắt không rời phong thư, giả vờ không trông thấy vợ ông, với thâm ý bắt bà phải chờ đợi.
Trước sự hiểm ác tinh vi này, bà vẫn đứng sau lưng ông, hai tay khoanh lại, toàn thân căng thẳng trong một sự chờ đợi bồn chồn, cho đến lúc hết chịu đựng nổi, bà nói nho nhỏ:
- Mở lá thư ra đi ông?
Ông giả vờ giật nẩy người một cách quá lố:
- Chúa ơi, bà làm tôi suýt chết vì sợ. Tại sao bà đứng đó? Ồ, tôi hiểu, tôi hiểu, tôi hiểu rồi, bà đang quan tâm đến miếng giấy này - Brodie đưa cái muỗng chỉ vào lá thư, rồi lơ đễnh ngả người vào lưng ghế, ngắm nhìn vợ. Ông đang đùa với bà một cách thích thú đặc biệt.
- "Trông bà giống như một con ong vò vẽ", ông nói bằng một giọng kéo dài, "chung quanh một lọ nước; cũng cùng một loại thèm muốn bệnh hoạn. Tôi thấy lá thư có vẻ quá mỏng, chắc không có gì nhiều".
- Đó là loại giấy pơ luya mà tôi đã mua cho nó, để tiết kiệm tiền tem. Người ta có thể bỏ mười hai lá thư trong một chiếc phong bì loại này.
- Không có đến mười lá trong đó đâu, không, tôi sợ không có đến hai hay ba lá nữa kìa. Tôi hy vọng trong đó không có các tin tức xấu. - Brodie làm ra vẻ buồn bã nói, vừa nhìn bà với cái nhìn độc ác. Bà cầu khẩn:
- Ồ, ông! Sao ông không mở lá thư ra cho tôi được yên tâm? Ông thấy rằng tôi đang quá sức lo lắng.
Brodie ngẩng đầu lên, ngăn vợ lại rồi nhấn mạnh từng chữ:
- "Chúng ta có dư thì giờ. Bà đã chờ đợi được mười tuần lễ rồi, nếu phải chờ thêm mười phút nữa cũng chưa chết đâu. Bà hãy cho thêm thức ăn cái đã".
Với một tiếng thở dài ngần ngại, bà buộc lòng phải rời khỏi lá thư, quay trở lại gian bếp phụ, đặt mấy quả trứng chiên vào một cái đĩa, luôn luôn run rẩy vì ý nghĩ ông ta có thể đọc xong lá thư rồi hủy nó trong lúc bà vắng mặt. Brodie kêu lên khi bà trở lại thật nhanh.
- Tốt lắm, đã từ lâu rồi tôi không thấy bà chạy như thế. Vậy là tôi đã có cách huấn luyện bà. Trong một phút nữa, tôi sẽ làm cho bà nhảy múa.
Bà làm thinh, không trả lời; càng bị giày vò hành hạ bao nhiêu, bà càng trở nên câm lặng bấy nhiêu. Khi ăn xong, ông cầm lá thư lên.
- Nào, tôi nghĩ bây giờ chúng ta nên xem có cái gì trong này - ông nói một cách lơ là, cố ý kéo dài thì giờ càng lâu càng tốt.
Căn phòng im lặng hoàn toàn. Trong khi ông cố ý đọc thư thật lâu, bà hết sức bồn chồn, nóng ruột, nhưng đôi mắt lo âu vẫn không rời khuôn mặt ông, cố tìm trên đó một nét nào có thể xác nhận tin vui hay tin buồn. Sau cùng, ông ném lá thư và nói:
- Chả có gì hết. Toàn những điều ngốc nghếch.
Bà Brodie vồ lấy xấp giấy, háo hức đưa chúng sát vào đôi mắt cận thị, đọc ngấu nghiến những hàng chữ khít rịt:
Ba mẹ thân yêu!
Con viết lá thư này cho ba mẹ sau một cơn say sóng dữ dội kéo dài vô tận bắt đầu từ lúc tàu vào vùng biển Ái Nhĩ Lan. Khi đến vịnh Biscaye, con đã bị bệnh, đến nỗi chỉ muốn được chết nếu con không nghĩ đến gia đình ở nhà. Con đã cầu khẩn để được ném xuống biển cho xong. Ca-bin của con nóng không chịu nổi, và người bạn cùng chung ca-bin đã tỏ ra rất dung tục - và anh ta rất thích uống rượu - vì thế lúc đầu con đã thử ở lại trên boong tàu, nhưng những đợt sóng khổng lồ cùng với những vẻ gay gắt của các thủy thủ đã đuổi con trở xuống căn phòng bé nhỏ khó chịu đó. Nằm trên chiếc cút-sét nhỏ hẹp, con bị xô lắc dữ dội, thỉnh thoảng lại bị nhấc bổng lên đến trần ca-bin, bị ép chặt vào đấy trong một phút trước khi rơi trở xuống một cách nặng nề, khiến con tưởng như bao tử của con còn ở lại trên ca-bin, vì con có cảm giác trống rỗng và kiệt sức. Càng khốn khổ hơn nữa, con không thể ăn gì được và nôn mửa không ngừng suốt ngày đêm. Người bạn cùng ca-bin - theo cách nói ở trên tàu - nằm trên cút-sét ở dưới, đã nổi nóng lên với những lời lẽ thô tục nhất, khi con bị đau tim trong đêm đầu tiên, đã bắt con phải thay đổi chỗ nằm với anh ta.
Món duy nhất mà con có thể nuốt được mà không ói ra và đã giúp con chịu đựng được, là thứ thức uống rất bổ dưỡng do một chiêu đãi viên có lòng tốt mang đến; anh ta gọi đó là rượu bia "stugo" (một loại rượu bia lâu năm). Và con phải nói nó rất ngon, và chính nhờ nó mà con trai ba mẹ vẫn còn sống. Tóm lại, con đã trải qua một giai đoạn kinh khủng.
Sau cùng, khi đã vượt qua Gibralta , chỉ là một phiến đá trơ trụi, lớn hơn núi đá ở Levenford rất nhiều nhưng không đẹp bằng, tàu vào biển Địa Trung Hải, con bắt đầu chịu được sóng gió. Biển toàn một màu xanh, chưa bao giờ con được trông thấy - Ba mẹ hãy nói với em Nessie, nó còn đẹp hơn đôi mắt của em ấy nữa - và con đã thưởng thức được vẻ đẹp này cũng như màu sắc đáng yêu trong các buổi hoàng hôn nhờ biển êm sóng lặng. Con vẫn chưa nuốt được một miếng thức ăn nào, nhưng tới Port-Said , người ta chất lên tàu nhiều loại trái cây và con đã được ăn chà là tươi.
Con không lên bờ ở Port-Said, bởi vì con đã được báo trước đó là một thành phố thối nát và nguy hiểm đối với người Châu Âu, trừ phi họ có vũ khí. Một hành khách kể cho con nghe câu chuyện xảy đến với anh ta trong một ngôi đền bản xứ và ở nhiều nơi khác, nhưng con không lặp lại trong thư vì mắc cỡ và không chắc đó là sự thật. Nhưng hình như ở đây có nhiều chuyện rất lạ lùng xảy ra. Nhân dịp, xin cha mẹ hãy nói với Agnes là con vẫn trung thành với những kỷ niệm của cô ấy.
Tàu của chúng con qua kênh Suez rất chậm. Đó là một hồ nước nhỏ hẹp, hai bên sa mạc với những dãy núi màu tím ở xa xa, cảnh tượng không mấy đẹp và vượt qua những vũng nước u buồn mà người ta gọi là những hồ cay đắng, nhưng con kinh này, theo người ta nói, rất quan trọng. Thỉnh thoảng con trông thấy những người đàn ông mặc đồ trắng ngồi trên lưng - không phải những con lạc đà như ba mẹ có thể tưởng ở nhà - những con ngựa phi rất nhanh, và họ cho ngựa chạy trốn ngay khi trông thấy con tàu. Con phải nói cho ba mẹ biết con cũng đã trông thấy những cây palmier lần đầu tiên – rất giống với những cây được trưng nơi phòng ngoài của nhà thờ, nhưng lớn hơn và rậm lá hơn nhiều.
Trong biển Hồng Hải, thời tiết rất nóng bức và khi tàu đã vượt qua Aden với những hòn đảo kỳ lạ mà người ta gọi là những hòn đảo Mười hai vị Tông đồ, đúng lúc con hy vọng được cùng với những bà quý phái tham dự vào những trò chơi giải trí trên boong tàu, thì trời bỗng trở nên không thể chịu đựng nổi. Thưa mẹ, những bộ đồ bằng vải cutin mà mẹ đã mua cho con không thể dùng được. Cách hay nhất là khi đến Ấn Độ, con sẽ đặt cho người bản xứ may; họ nổi tiếng là khéo tay và họ có loại hàng thích hợp: lụa tuýt xo. Xin ba mẹ nói với Mary hay là chiếc bình thủy mà nó cho con đã bị vỡ trong cơn bão đầu tiên, và cho Nessie biết cái địa bàn của nó không chỉ cùng hướng với cái địa bàn ở trên tàu.
Sức nóng bức đã làm con mệt mỏi, và mặc dầu ăn được nhiều hơn - con rất thích những món ăn nấu với cari - con vẫn sụt mất bốn pao. Con đã bị ốm đi rất nhiều, điều này đã làm con rất bực mình, và cộng thêm tính thụ động của con đã ngăn không cho con dự vào những cuộc hội họp của giới thượng lưu; con phải chịu cảnh thui thủi một mình, nghĩ đến cây đàn măng đô lin vô dụng và nhìn một cách buồn bã những bà quý phái và những đàn cá mập đông kịt bơi theo con tàu.
Sau đợt nắng gắt lại đến thời kỳ mưa gió, cái mà người ta gọi là gió mùa, một loại gió mùa nhỏ, theo ý những thủy thủ nhưng đối với con nó cũng quá lớn; giống hệt như một đám sương mù Tô Cách Lan vô tận thấm ướt tất cả mọi vật. Con tàu đã ở trong đó cho đến khi tới đảo Ceylan và cập bến Colombo, một hải cảng kỳ diệu.
Ở đấy, một khoảng nước xanh mênh mông phẳng lặng, ít gợn sóng, quang cảnh làm con cảm thấy yên tâm, bởi vì trong suốt cuộc hành trình vừa qua toàn gặp biển động! Vài người đã lên bờ để mua ngọc quý, ngọc mắt mèo, ngọc lam nhưng không mua bởi vì giá quá đắt, người ta bảo thế.
Bù lại, người bạn chiêu đãi viên của con đã cho con một trái thơm Colombo tuyệt vời. Ngày hôm sau, bụng con cảm thấy khó chịu và con nghĩ con sẽ bị bệnh kiết lị, nhưng con đã tránh được nó, giống như bệnh sốt rét,… cho đến lúc này.
Tuy nhiên, con còn khổ sở hơn nữa. Trong Ấn Độ Dương, chúng con lại gặp bão. Có thể tưởng tượng rằng đó là trận bão ghê gớm nhất. Khởi đầu, bầu trời trở nên trong hoàn toàn và sau đó vàng như đồng. Thoạt tiên, con thấy cảnh tượng đó rất đẹp, nhưng thình lình người ta ra lệnh cho tất cả hành khách trên boong phải xuống ca-bin và con đã có lý xem đó là một dấu hiệu xấu; thật vậy, thình lình gió thổi lên thật mạnh làm chiếc tàu lắc lư dữ dội. Một hành khách đang đứng ở thềm cửa ca-bin đã bị cánh cửa đóng sập lại làm bàn tay ông ta bị dập và ngón cái bị đứt ra, một thủy thủ đã bị gãy chân. Thật là kinh khủng.
Con không hề hấn gì, nhưng phải thú thật con đã chết điếng. Biển nổi sóng, những đợt sóng cao như những hòn núi. Con đã phải từ bỏ ngay, không dám nhìn qua cửa sổ của ca-bin. Sườn tàu kêu răng rắc khiến con tưởng chiếc tàu sắp gãy làm đôi. Con tàu chòng chành rất dễ sợ và hai chúng con bị nhấc bổng lên thật cao và thật lâu khiến con sợ không bao giờ có thể trở xuống được. Nhưng sau cùng, chúng con đến được vùng châu thổ sông Gange với những bãi cát lớn và nước đầy bùn.
Bắt đầu từ cửa sông Hooghly, tàu chúng con được một hoa tiêu hướng dẫn đi ngược lên con sông một cách chậm chạp trong nhiều ngày. Hai bên bờ có rất nhiều mảnh đất nhỏ đầy hoa màu được những con kinh dẫn nước xuyên qua. Con đã trông thấy những cây dừa và cây chuối. Dĩ nhiên, tất cả những người dân bản xứ đều có nước da màu đen và chỉ vận trên người miếng vải ngang thắt lưng; một số người có khăn đội đầu. Họ ngồi chổm hổm làm việc trên đồng ruộng, một số quăng lưới trong dòng sông nước vàng khè và kéo lên những con cá thịt rất ngon, theo lời người ta nói. Những người da trắng đội nón cối. Cái nón của ba cho rất cần thiết.
Bây giờ phải chấm dứt. Con đã viết lá thư này trong nhiều lúc và lúc này tàu đã cập bến. Kích thước rộng lớn của thành phố làm con rất ngạc nhiên; những mái nhà và tháp, đền thờ Hồi giáo vươn lên đầy trời. Con rất khỏe mạnh và tin tưởng sẽ thành công ở đây.
Gửi đến tất cả gia đình tình thương của đứa con đầy kính cẩn của cha mẹ.
Matt
Bà Brodie thở dài thật sâu, đầy hân hoan vừa lau nước mắt. Tất cả con người mảnh dẻ của bà nở ra và bà lặp đi lặp lại: "Lá thư tuyệt diệu! Con trai tuyệt diệu của tôi!". Bà có cảm tưởng đây là một tin quá quan trọng mà bà không thể giữ riêng cho mình, và bà có một ý muốn mãnh liệt, chạy ra khắp đường phố, vừa giơ lá thư lên vừa la cho mọi người biết tác phẩm có giá trị lịch sử này.
Brodie đọc rõ tư tưởng của vợ bằng một con mắt thấu suốt và nhạo báng:
- Bà hãy nhờ người rao tin xách chuông đi truyền rao tin này trong thành phố. Bà đi đi, hãy báo cho mọi người biết. Ối chào! Bà hãy chờ nhận được lá thư thứ hai mươi của nó đã. Cho tới lúc này, nó chỉ có ăn trái cây và làm điệu thôi.
- "Thằng bé đáng thương đã trải qua những giờ phút kinh khủng". Bà nói bằng một giọng xúc động, ngực phồng cao lên vì phẫn nộ. "Nó bị say sóng thật khủng khiếp! Không nên trách nó đã ăn trái cây, nó luôn luôn thích trái cây"
Bà dám trả lời lại ông, bởi vì ông đã chê con trai cưng của bà. Brodie nhìn bà một cách chế nhạo:
- Hình như việc bà trang bị cho nó đã thất bại. Chỉ có cái nón cối của tôi là món đồ duy nhất nó dùng được - Ông nói, vừa đứng dậy khỏi bàn.
- "Ngay ngày hôm nay tôi sẽ đòi viên quản lý cửa hàng Lenme giải thích cho ra lẽ", bà kêu lên, giọng nghẹn lại vì tức giận. "Chính ông ta đã quả quyết với tôi đó là loại vải thích hợp với khí hậu ở bên đấy. Một con người chuyên lừa gạt! Loại vải đó có thể đã làm con trai tôi phải chết vì trúng nắng"
- Bà làm hư hỏng bất cứ công việc gì mà người ta giao cho bà, mụ già bất tài của tôi! Brodie phóng vào vợ mũi tên cuối cùng.
Nhưng mũi tên đó không trúng vào người bà, bởi vì bà đang ở tận bên cái xứ xa xôi, nơi có những cây palmier đong đưa ngọn trong một bầu trời màu ngọc mắt mèo, và có những tiếng chuông đền thờ ngân nga trong buổi hoàng hôn ngào ngạt hương thơm.
- Mary! - sau cùng bà tỉnh cơn mơ, kêu lên trong phòng bếp - đây là thư của Matt. Đọc đi, xong mang lên cho bà nội đọc… rồi đem trả lại cho mẹ.
Và liền đó bà trở lại chìm đắm trong những suy tưởng êm đềm, bà dự tính sẽ gửi lá thư quý báu đó cho Agnès Moir. Bà sẽ sai Mary mang nó đến cho cô ấy cùng với một cái bánh ngọt và một lọ mứt. Agnès cũng có thể nhận được một lá thư của Matt; tuy nhiên bà vẫn thích thú nghĩ rằng điều này không có gì chắc chắn. Dù sao cô ấy cũng sẽ vui sướng được biết những tình tiết anh hùng của chuyến du hành của Matt. Gửi ngay lá thư cho cô ấy là một hành động đúng đắn, bà nhận thức rõ điều này; và việc kèm theo bánh ngọt và mứt sẽ làm cho cô gái đáng mến và cao quý ấy được vui trọn vẹn.
Khi Mary trở lại, bà hỏi cô:
- Bà nội đã nói gì về lá thư của Matt?
- Bà nội muốn được ăn thử trái thơm đó! - Mary trả lời, không xem điều đó quan trọng mấy.
Bà Brodie cố kiềm chế sự thất vọng của mình và cẩn thận lấy lại lá thư quý báu từ tay con gái.
- Ai lại có thể nói như vậy trong khi thằng bé đáng thương đã suýt bị chết chìm và bị cá mập ăn thịt. Con cũng vậy, Mary. Đáng lẽ con nên tỏ ra có một chút thương cảm đối với anh con đã trải qua những giờ phút nguy hiểm. Con lừ đừ suốt buổi sáng như một cái xác không hồn. Bây giờ con có nghe mẹ nói không? Xế trưa nay, mẹ muốn con mang thư và quà cho Agnès.
- Dạ, con sẽ trở về lúc mấy giờ?
- Con ở lại nói chuyện chơi với Agnès, nếu con muốn. Và nếu cô ấy mời con dùng trà, mẹ cho phép con.
Mary không nói gì hết, nhưng dáng điệu lừ đừ lập tức nhường chỗ cho một vẻ sống động, lanh lợi. Một dự định mơ hồ đã ám ảnh tâm trí nàng trong những đêm mất ngủ vừa qua. Và dịp may bất ngờ này…
Nàng đã quyết định đi đến Darroch. Nhưng đi đến đó một mình là công việc đầy khó khăn và nguy hiểm, có thể bị khám phá và hậu quả rất tai hại. Cho nên, việc mẹ sai đi là một cơ hội tuyệt vời. Nàng biết có một chuyến xe lửa khởi hành lúc hai giờ, tới Darroch lúc hai giờ mười lăm và nàng có thể trở về lúc bốn giờ. Như vậy nàng có trên một tiếng rưỡi đồng hồ và thế cũng quá đủ rồi. Vấn đề duy nhất còn lại là liệu nàng có thể rời nhà trước hai giờ không? Và điều quan trọng hơn nữa, là liệu nàng có thể rời khỏi nhà Agnès để kịp lên xe lửa lúc gần hai giờ không? Nàng bèn làm việc hùng hục suốt buổi sáng và hoàn tất lúc trước một giờ, sau đó nuốt vội năm ba miếng rồi nhanh nhẹn đi thay quần áo. Nhưng khi lên đến phòng, một cảm giác kỳ lạ xâm chiếm nàng; thình lình, nàng cảm thấy người mình nhẹ hẳn lên và choáng váng… căn phòng trồi lên và sụt xuống như một cái ghế xích đu, các vách tường ụp xuống người nàng như vách của tòa lâu đài bằng cạc-tông bị sụp đổ, và ánh sáng nhảy múa, rồi thình lình là bóng tối. Hai chân bủn rủn, nàng ngã xuống không một tiếng động. Mary nằm ngửa như thế thật lâu, không biết gì hết. Tuy nhiên, vì thế nằm đã làm cho máu dần dần lưu thông trở lại. Thốt lên một tiếng thở ra, nàng mở mắt, nhìn ngay kim đồng hồ. Đúng một giờ rưỡi. Nàng cuống cuồng chống cùi chỏ ngồi dậy, và sau nhiều lần không thành công, cuối cùng nàng cũng đứng dậy được. Nàng cảm thấy yếu đuối, lảo đảo nhưng đầu óc thư thái và sáng suốt. Mặc dầu các ngón tay trở nên mềm nhũn, vụng về, nàng cũng mặc được quần áo một cách hối hả. Xong nàng lao người chạy trở xuống.
Mẹ đưa ra lá thư và gói quà. Quá chú tâm đến việc gửi quà cho Agnès, bà không để ý đến vẻ bối rối của con mình.
- "Nhớ nói với cô ấy đây là món mứt trong năm" - bà kêu với theo Mary đang vượt qua cổng rào. "Và có hai quả trứng trong cái bánh ngọt. Bảo cô ấy trả thư lại cho mẹ sau khi xem xong"
Mary còn vừa đúng hai mươi phút để đi đến nhà Agnès. Gói quà bốn kí lô nặng trĩu dưới cánh tay nàng, và trong tình trạng yếu đuối như vậy, nàng làm sao có thì giờ đem chúng đến cho Agnès và cũng không thể nào ôm chúng kè kè suốt buổi trưa. Ý định của nàng buộc nàng phải có hành động liều lĩnh và bây giờ nàng thấy cần phải đi nhanh. Một cái gì đó trong nàng thúc đẩy nàng vứt bỏ gói quà, quăng nó xuống suối hay ném vào một khu vườn.
Trên lề đường, một thằng bé quần áo rách rưới, chân không, đang dùng phấn vẽ một vách tường gạch. Khi đến gần nó, một động lực bất ngờ sai khiến nàng đưa gói quà cho thằng bé. Nàng cảm thấy môi mình mấp máy và nghe mình nói:
- Cầm lấy nhanh lên, món này ngon lắm!
Thằng bé ngước mắt lên nhìn nàng. Ánh mắt đầy ngờ vực của nó nói lên một cách rõ ràng hơn cả mọi lời nói rằng nó nghi ngờ hết thảy những người lạ mặt thường lấy lý do bố thí để gạt nó phải mang một gói đồ nặng trĩu. Vẫn nhìn nàng bằng con mắt nghi ngờ, nó xé giấy gói ra. Nó rú lên một tiếng mừng rỡ, tay ôm chặt gói quà và biến mất như một làn khói.
Mary cảm thấy sợ hãi về hành động táo bạo của mình. Nàng choáng váng: làm sao giấu nhẹm được? Mà nếu không thì phải giải thích như thế nào? Nàng cố gắng tự trấn an mình, nhủ thầm sẽ trao thư cho Agnès vào lúc bốn giờ. Tuy vậy, gương mặt nàng vẫn còn đầy nét lo lắng khi nàng chạy đến nhà ga.
Trên xe lửa, nàng tập trung hết tâm trí mệt mỏi của mình vào việc thực hiện chương trình: quyết tâm không để cho sự yếu đuối và sự do dự tái diễn. Mary biết khá rõ Darroch, vì đã đi đến đó nhiều lần trước khi thành phố bé nhỏ ấy mang một hào quang sáng chói nhờ có sự hiện diện của Denis. Từ khi nàng quen biết với Denis, thị trấn u buồn đó - chỉ gồm những nhà máy hóa chất và những xưởng nhuộm thường làm ô uế dòng nước của con sông Leven - đã biến đổi một cách thần diệu. Những con đường nhỏ hẹp và lát đá cẩu thả bỗng được khoác lên một vẻ khác hẳn bởi vì Denis thường đi dạo trên đó. Những ngôi nhà nám khói đen cũng trở nên đẹp đẽ hơn bởi vì Denis đã ở một trong những ngôi nhà đó.
Trong khi xe lửa chậm chạp tiến đến gần thị trấn thần tiên ấy, lòng Mary bồn chồn, không thể nào đè nén được nỗi xúc động sắp được nhìn thấy nơi chàng cư ngụ.
Xuống xe lửa, nàng là một trong những người đầu tiên ra khỏi nhà ga, hăm hở bước thật nhanh. Nàng đi theo con đường lớn, rẽ sang trái, tiến đến khu phố trưởng giả. Không ai biết mặt nàng và sự hiện diện của nàng không gây ra sự hiếu kỳ nào. Nàng có thể đi giữa đám người đông đúc mà không bị ai để ý; đó chính là lý do đã khiến nàng chọn Darroch làm nơi thi hành dự tính của mình.
Tới khoảng giữa của một con đường yên tĩnh, nàng nhẹ nhõm, mạnh dạn tiến đến một ngôi nhà có sân hiên và bấm chuông. Một chị giúp việc, người nhỏ bé, ra mở cửa.
- Bác sĩ có ở nhà không?
- Xin cô vui lòng bước vào.
Cô giúp việc đưa nàng vào phòng đợi, một căn phòng nhỏ bé với các tường vách u tối, một tấm thảm mỏng cũ kỹ, vài chiếc ghế và một cái bàn lớn bằng gỗ sồi, trên đó bề bộn các tạp chí lem luốc xé bìa, một bình sứ màu hồng nhạt, mọc lên một cây kiểng héo hon.
- Tôi sẽ báo cho bác sĩ biết quý khách nào? - Chị giúp việc hỏi.
- Cô Winifred Brown - Mary trả lời một cách mạnh dạn.
Rõ ràng nàng là một kẻ nói láo. Nàng đã cho một tên giả và chờ đợi để gặp một bác sĩ lạ mặt mà nàng chỉ nhớ tên và địa chỉ một cách tình cờ.
Bác sĩ là một người trung niên, đầu hói, y phục lùi xùi vì ít thân chủ.
Lúc đó không phải là giờ khám bệnh thường lệ. Nhưng hoàn cảnh của ông bắt buộc ông phải nhận khám bệnh vào bất cứ lúc nào. Ông nhìn Mary một cách ngạc nhiên và hỏi:
- Cô đến tìm tôi?
- Không, tôi đến nhờ ông khám bệnh - nàng trả lời bằng một giọng xa xôi mà chính nàng cũng không nhận ra.
- Vậy xin mời cô ngồi - Ông nói, giọng cụt ngủn.
Ông ta thấy đây là một trường hợp bệnh khá đặc biệt, và điều này làm ông bực bội. Từ lâu rồi, ông không còn quan tâm đến bệnh tình của các bệnh nhân nữa và ông chỉ cần khám qua loa rồi trao cho họ một lọ thuốc rẻ tiền là xong. Các trường hợp ra ngoài thông lệ này đều làm ông lúng túng, khó chịu. Hơn nữa ông vừa mới ăn xong và đang buồn ngủ.
- Cô bệnh như thế nào? - ông ta hỏi vắn tắt.
Mary bắt đầu giải thích một cách lộn xộn. Nàng không biết mình đã diễn tả ý tưởng của mình thế nào nữa, nhưng những điều nghi ngờ của bác sĩ đã được xác nhận.
- "Tôi cần phải khám kỹ", ông lạnh lùng nói. "Cô muốn được khám ngay bây giờ hay muốn trở lại cùng với mẹ cô?"
Mary không hiểu rõ ý ông ta, nên không biết trả lời thế nào. Vẻ xa cách và cứng nhắc của ông làm nàng chán nản. Bề ngoài dơ bẩn của ông, hàng râu mép lởm chởm, những móng tay thiếu săn sóc, và các vết mỡ trên áo ông làm nàng không có thiện cảm. Tuy nhiên, nàng hiểu mình cần phải chịu đựng sự thử thách cho đến cùng. Nàng nói giọng yếu ớt:
- Thưa bác sĩ, tôi sẽ không thể nào trở lại được.
- Vậy cô hãy cởi y phục ra và chuẩn bị - Ông ta nói một cách trắng trợn, vừa chỉ cho cô chiếc đi văng và bước ra khỏi phòng.
Mary vừa cởi bỏ bộ y phục một cách e thẹn, và nằm xuống chiếc đi văng cũ mèm thì bác sĩ đã trở vào. Lúc đó, mắt nhắm nghiền và răng mím chặt, nàng chịu đựng sự khám nghiệm vụng về chậm chạp của một người thiếu khả năng. Đối với nàng, đó là cả một sự giày vò về thể xác lẫn tinh thần. Nàng co rúm lại trước sự hiện diện của con người lạ mặt thiếu nhẹ nhàng khéo léo này và sự đụng chạm mò mẫm của những ngón tay thô kệch của ông ta, đã làm nàng đau đớn đến rên rỉ.
Cuối cùng, khám nghiệm đã xong, và sau vài tiếng cụt ngủn, ông ta lại trở ra. Trong năm phút, Mary mặc xong quần áo và ngồi trên ghế, lặng lẽ nhìn ông ta trước bàn giấy.
Lần này người bác sĩ cảm thấy bối rối và lúng túng. Ông ta thường thấy trường hợp đáng buồn này nơi những người đàn bà thuộc một giới khác. Mặc dầu là một con người kém thông minh, ông ta cũng hiểu cô gái này chỉ là cô bé ngây thơ vô tội, ông đoán chắc rằng nàng đã bị một tên sở khanh nào đó lừa gạt. Ông ta hiểu vì sao nàng đã cho một cái tên giả, và quả tim khô héo trống vắng của một cậu trai già không vợ bỗng xúc động vì một mối thương hại mơ hồ. Thoạt đầu, ông nghĩ cô gái muốn nhờ ông giải quyết cái thai, nhưng bây giờ ông biết mình đã lầm. Ông ta day trở trên ghế một cách lúng túng, không biết nên bắt đầu thế nào.
- "Cô chưa có gia đình phải không?" - Sau cùng ông ta hỏi. Mary lắc đầu, ánh mắt đờ đi vì sợ hãi - "Vậy tôi khuyên cô nên kết hôn đi: cô sắp có con rồi đó!"
Thoạt tiên, Mary chỉ hiểu lờ mờ. Sau đó, sự run rẩy làm môi nàng co thắt lại và nước mắt tuôn trào âm thầm trên đôi gò má, tứ chi rũ liệt. Bác sĩ cố gắng chỉ cho nàng những gì phải làm, cho nàng biết những gì sẽ xảy đến, nhưng tai nàng không còn nghe gì nữa. Nàng có cảm giác ông ta đang ở rất xa nàng, tất cả mọi vật chung quanh nàng như bị xóa mờ, nàng đang chìm đắm trong một khối sương mù dày đặc, bị đè bẹp bởi nỗi tuyệt vọng sâu xa, cô đơn với sự ám ảnh ghê rợn của một tai họa không thể nào tránh khỏi. Vài câu nói rời rạc của bác sĩ vọng đến tai nàng từ một nơi càng lúc càng xa xăm, như những ánh sáng yếu ớt bỗng lóe lên trong sương mù.
- "Cô cố gắng đừng lo âu", Mary nghe ông ta nói… và sau đó:
- "Cô còn trẻ, cuộc đời cô chưa phải bị hư hỏng"
Ông ta biết gì về chuyện của nàng và việc này có quan hệ gì đến ông ta? Những câu an ủi xoàng xĩnh của ông ta không làm nàng mảy may xúc động. Nàng hiểu ngay đối với ông ta, nàng chỉ là một trường hợp khó chịu nhất thời trong cuộc sống đều đều của ông, và khi nàng đứng dậy hỏi số tiền phải trả, nàng thấy ngay trong đôi mắt ông ta một ánh sáng vui mừng như thoát được một gánh nặng. Nàng đã đoán đúng, bởi vì vừa nhận được tiền thù lao và đưa nàng ra cửa xong, ông liền uống ngay một liều thuốc trị bao tử và đi nằm, quên ngay người thân chủ đáng thương.
Mary ra đến ngoài đường lúc ba giờ. Vậy còn một giờ để đợi xe lửa… Tâm trí rối bời, nàng vừa đi vừa lẩm bẩm.
- Ôi Chúa! Tại sao Chúa bắt con phải chịu điều này? Xin Chúa ngăn cản đừng để tai họa xảy đến với con! "Tại sao" - nàng hoảng sợ tự hỏi - "đấng Toàn năng đã chọn thể xác mình để làm thí nghiệm?" Nàng nhận thấy đây là một sự bất công tột độ. Điều lạ lùng là nàng không hề oán trách Denis; nàng chỉ thấy mình là nạn nhân của một định mệnh khắc nghiệt.
Không, nàng không oán trách Denis. Trái lại nàng cảm thấy cần phải tìm sự che chở nơi chàng. Trong sự lo âu cùng cực, nàng vứt bỏ hết mọi sự dè dặt và với gương mặt hoang mang, nàng đi dọc theo Đường Lớn đến quán "Hầm rượu" của Owen Foyle. Vượt qua cổng rào đôi, nàng tới cái sân, ở đó có một cầu thang hình xoắn ốc đưa lên nhà của gia đình Foyle. Nàng leo lên cầu thang và gõ cửa một cách rụt rè. Từ trong nhà vang ra tiếng dương cầm và không có ai mở cửa. Rồi nàng nghe giọng nói:
- Rosie, hình như có ai ở ngoài cửa. Con hãy ra xem.
Một giọng trẻ con trả lời:
- Thưa mẹ, con đang tập đánh đàn. Mẹ hãy ra xem hay là chờ coi người ta có gõ lần nữa không?
Rồi tiếng dương cầm lại tiếp tục mạnh mẽ, chứng tỏ đứa bé đang để hết tâm trí vào việc đánh đàn.
Sau một lúc do dự, Mary toan gõ cửa lần nữa, bỗng đúng vào lúc nàng đang giơ tay lên, một tiếng huýt sáo lanh lảnh vang lên trong sân và tiến đến gần. Nàng quay đầu lại: Denis xuất hiện ở chân cầu thang. Vừa trông thấy nàng, chàng hất đầu ra phía sau với một vẻ ngạc nhiên, đôi mắt mở to. Nhận thấy gương mặt Mary đầy vẻ lo âu, chàng vội vã phóng lên cầu thang.
- Có chuyện gì thế em? - chàng kêu lên. Mary không thể trả lời được tiếng nào, dầu chỉ gọi tên chàng.
- "Có chuyện gì xảy đến cho em, em yêu dấu?" - Denis thì thầm, đứng sát vào người nàng, nắm lấy bàn tay lạnh giá của nàng và dịu dàng vuốt ve nó. "Cha của em…"
Nàng lắc đầu, quay mặt đi chỗ khác để khỏi xúc động, có thể xỉu xuống một cách thảm hại.
- Đi anh, chúng ta hãy đi kẻo có người đến - Mary nói khẽ.
Hoang mang. Denis chậm chạp bước xuống cầu thang sau Mary. Ra đến đường, chàng nói bằng một giọng giận dữ:
- Có phải gia đình em đã làm khổ em không? Hãy nói cho anh biết ngay điều gì làm cho em lo sợ, em yêu dấu. Ai đã hành hạ em, anh sẽ giết họ!
Một lúc im lặng, rồi nàng nói một cách chậm chạp, khó nhọc, mỗi tiếng thoát ra từ môi nàng như một khối chì:
- Em sắp có một đứa con!
Gương mặt của Denis thình lình tái đi như thể chàng vừa bị một cú đấm dữ dội và càng lúc càng trắng nhợt; trông chàng như mất hết sức chịu đựng. Buông bàn tay Mary ra, chàng nhìn nàng với đôi mắt kinh hãi.
- Em có chắc không?
- Hoàn toàn chắc.
- Làm sao em biết được?
- Em cảm thấy khó ở trong người, em đi đến bác sĩ và ông ta đã cho em biết.
- Một… một bác sĩ? Vậy là chắc chắn?
- Hoàn toàn chắc chắn! - Nàng lặp lại một cách chắc chắn.
Vậy là định mệnh đã an bài. Câu nói ấy của Mary đã đặt lên vai chàng trách nhiệm nặng nề, biến chàng từ một thanh niên vui tươi thành một người đàn ông già dặn, lo nghĩ.
Tình yêu của họ là cái bẫy rập, những lời âu yếm và những cuộc hẹn hò bí mật là mồi nhử để lôi cuốn chàng vào một hoàn cảnh tồi tệ. Tất cả những lời hứa hẹn và những dự định hôn nhân đầy thú vị giờ đây bỗng trở thành như những sợi dây xích trói chàng vào một bổn phận. Denis buông tiếng thở dài sâu xa. Ý muốn bỏ trốn chợt nảy ra trong chàng và nhanh như chớp, chàng nghĩ đến Gia Nã Đại, Úc Châu, Mỹ Châu,… Một ý nghĩ khác đến với chàng.
- Bác sĩ nói chừng nào… - Denis ngưng lại, không thể nào nói hết câu được nhưng Mary đã hiểu.
- Vào tháng Hai - Nàng trả lời, vừa quay mặt chỗ khác.
Chỉ còn sáu tháng nữa và chàng sẽ là cha.
Kết quả của buổi tối tuyệt diệu bên bờ sông Leven là một đứa bé… một đứa bé sẽ không có cha, trừ phi chàng cưới Mary ngay lập tức. Sự cấp bách của việc kết hôn này làm chàng khó chịu. Nàng có thể chờ đợi bao lâu nữa trước khi tình trạng thai nghén được thấy rõ rệt?
Chàng không biết. Thỉnh thoảng chàng có nghe thấy những người bạn kể lại chuyện các cô gái quê vẫn làm việc bình thường trong lúc mang thai mà không ai hay biết - cho đến ngày sinh nở, nhưng chàng không tin Mary có đủ nghị lực hay sức khỏe để tiếp tục che giấu trong một thời gian nữa. Nhưng đây lại là điều cần thiết. Chàng hiện không có khả năng mua cho nàng một mái nhà. Cần phải chờ đợi. Dĩ nhiên, bây giờ chưa ai thấy gì hết. Chàng nhìn nàng một cách chăm chú và khi nhận thấy bóng dáng ủ rũ của nàng dưới sức nặng của một nỗi lo buồn còn sâu xa hơn của chàng, lần đầu tiên chàng bắt đầu nghĩ đến nàng hơn là nghĩ đến mình.
Giờ đây, nàng đã cho chàng biết sự thật. Nàng ngoan ngoãn chờ đợi sự hướng dẫn của chàng. Thái độ của nàng là một câu hỏi đối với chàng: "Phải làm gì?"
Bằng một cố gắng mạnh mẽ, Denis lấy lại bình tĩnh nhưng có cảm giác những lời nói của mình không được quả quyết lắm.
- Chuyện này như một viên ngói rơi xuống ngay đầu chúng ta, nhưng rồi chúng ta sẽ giải quyết một cách tốt đẹp. Cần phải xem xét vấn đề thật kỹ.
- Em có nên trở về Levenford không? - Mary hỏi nhỏ. Chàng suy nghĩ một phút trước khi trả lời.
- Anh nghĩ rằng đó là điều hay hơn hết. Em đến đây bằng xe lửa à?
- Phải. Và nếu trở về, em phải ra đi lúc bốn giờ.
Chàng nhìn đồng hồ, đã ba giờ rưỡi.
- Em có thể đợi chuyến xe lửa sau. Nó khởi hành trễ lắm!
Một ý nghĩ đến với chàng. Vào giờ này, phòng đợi ở nhà ga thường rất vắng người. Vậy có thể đi đến đó chờ xe lửa khởi hành.
Chàng nắm tay nàng, siết nhẹ. Đây là cử chỉ âu yếm đầu tiên của chàng đối với nàng từ lúc nàng cho chàng biết cái tin ghê gớm đó, nàng nhìn chàng với một vẻ cảm động và một nụ cười nhợt nhạt làm tươi tỉnh phần nào nét mặt ủ ê.
- Em chỉ có mình anh thôi, Denis! - Mary thì thầm, đi tựa vào cánh tay chàng.
Rủi thay, phòng đợi đầy người. Một bà cụ, vài cô gái quê và hai người thợ ở xưởng nhuộm. Không thể nào nói chuyện được ở đây, vì thế Denis dẫn Mary đến đầu sân ga. Cuộc đi bộ ngắn ngủi này sẽ giúp chàng lấy lạ bình tĩnh, đồng thời cánh tay dịu dàng của Mary nhắc chàng nhớ lại vẻ xinh đẹp duyên dáng, nét quyến rũ tuyệt diệu của tấm thân trẻ trung của nàng và chàng nở một nụ cười:
- Em ạ, nghĩ cho cùng, chuyện này cũng không có gì khó khăn lắm đâu, một khi chúng ta thương yêu nhau.
- Nếu anh bỏ rơi em, Denis, em sẽ tự trầm mình trong dòng sông Leven, hoặc tự sát bằng một cách nào đó!
Mắt họ nhìn nhau và Denis nhận thấy những lời ghê gớm đó xuất phát từ những suy nghĩ chân thành. Chàng siết cánh tay nàng một cách âu yếm hơn. Làm sao chàng lại có ý nghĩ - dầu chỉ trong một giây - bỏ rơi một cô gái đáng yêu và không tự vệ như vậy, một cô gái mà nếu không có chàng, giờ đây chắc vẫn còn trinh bạch. Do lỗi của chàng, giờ đây nàng sắp sửa trở thành một người mẹ! Chàng cảm thấy hãnh diện và vui sướng thấy nàng ngoan ngoãn, phục tùng theo ý muốn của mình. Tâm trí chàng đã trở lại sáng suốt sau cơn xúc động mãnh liệt vừa qua và chàng bắt đầu lý luận một cách quả quyết:
- Em phải hoàn toàn nghe theo lời anh.
- Hoàn toàn.
- Vậy, em phải trở về nhà, em yêu dấu, và cố gắng làm như không có chuyện gì xảy ra. Điều đó rất khó, nhưng em phải cho anh càng nhiều thì giờ càng tốt để sắp xếp.
- Khi nào chúng ta kết hôn?
Mary phải cố gắng lắm mới nói được câu này.
- "Anh phải đi công tác xa vào khoảng cuối năm", chàng nói sau khi đã suy nghĩ, "và công việc đó có một tầm quan trọng lớn lao. Em có thể đợi đến khi anh trở về không?" - Denis hỏi bằng một giọng nghi ngờ. "Lúc đó anh đủ sức lo liệu tất cả.. chúng ta sẽ làm đám cưới và liền đó dọn đến một ngôi nhà nhỏ, không phải ở Darroch hay Levenford mà có thể là Garshake".
Ý nghĩ về một ngôi nhà ở nông thôn làm cả hai cảm thấy khuây khỏa và họ liền tưởng tượng ra cái làng quê yên tĩnh và xinh xắn, nằm trên một nhánh cửa sông.
- Em sẽ chờ đợi đến lúc đó - Mary trả lời một cách mạnh mẽ, vừa hình dung ra một trong những ngôi nhà quét vôi trắng ở Garshake, nó sẽ nằm dưới những lớp dây leo hoa hồng đỏ, và cổng chính có trồng các cây sen cạn, nơi đó đứa con của nàng ra đời. Nàng nhìn Denis với một vẻ gần như tươi cười.
- Em có thể tin tưởng nơi anh, em yêu dấu, nếu em cố gắng tỏ ra can đảm chịu đựng càng lâu càng tốt.
Xe lửa vào ga và các hành khách đã lên ngồi. Nàng chỉ kịp nói những lời từ giã vội vàng trong khi chàng đỡ nàng bước lên xe. Lúc xe chuyển bánh, chàng nắm lấy bàn tay nàng chạy theo toa cho đến giây cuối cùng, và trước khi chàng bắt buộc phải buông tay ra, nàng kêu lên:
- Em sẽ nhớ đến câu châm ngôn của anh, Denis yêu dấu!
Chàng mỉm cười, vẫy nón một cách âu yếm, cho đến lúc xe khuất dạng.
Chắc chắn là nàng rất can đảm, sẵn sàng vận dụng tất cả nghị lực để chờ đợi hạnh phúc. Chàng đã và sẽ là vị cứu tinh của nàng. Ý nghĩ chàng đã chia sẻ điều bí mật của nàng làm cho nàng cảm thấy mạnh mẽ hơn, đủ sức chịu đựng bất cứ điều gì cho đến khi chàng đem nàng đi. Nàng rùng mình nhớ lại lúc bác sĩ khám bệnh, nhưng nàng kiên quyết xua đuổi khỏi trí nhớ những chi tiết ghê tởm của hai giờ vừa qua.
Nàng sẽ can đảm vì Denis.
Về đến Levenford, nàng vội vã mang lá thư đến Agnès Moir, nàng nhẹ cả người khi biết cô Agnès Moir đã lên lầu uống trà. Nàng để lá thư dưới cửa hàng, với tất cả lời hỏi thăm thân ái của bà Brodie.
Trên đường về nhà, nàng suy nghĩ việc sau này mẹ nàng sẽ khám phá ra việc gói quà đã không được trao tới tay Agnès Moir, nhưng trong lòng quá lo âu, nàng không bận tâm đến điều này. Mẹ có thể chửi mắng, khóc lóc hay rên rỉ. Chỉ trong vài tháng nữa thôi, nàng sẽ rời bỏ tòa lâu đài kì dị mà hiện giờ nàng rất thù ghét và sung sướng bước vào một căn nhà nông thôn tuyệt vời tại Garshake.