25 tháng 8 – Tìm mãi Môn mới phát hiện ra nhà Valăngtin Blôngdơ ơ bên kia Buôcgiơ, tận cùng các làng mới. Một phụ nữ - mẹ Valăngtin – đứng ở ngưỡng cửa có vẻ như đang chờ anh. Mặt bà nhăn nheo, nặng nề, nhưng còn đẹp, đó là bộ mặt phúc hậu của một người nội trợ. Bà tò mò nhìn anh đi đến, và khi anh hỏi:
- Nhà hai chị em Blôngdơ ở đây phải không ạ?
Bà nhỏ nhẽ đáp bằng một giọng tử tế rằng hai cô đã quay lại Paris từ 13 tháng 8.
- Các em không cho tôi nói địa chỉ mới của chúng –bà tiếp lời – nhưng cứ gởi thư đến địa chỉ cũ, chúng sẽ nhận được.
Trong khi dắt xe qua mảnh vườn nhỏ, anh nghĩ:
“Cô ấy đi rồi. tất cả đã kết thúc như mình muốn. Chính mình đẩy cô đến chỗ ấy. Chắc chắn cô sẽ trở nên một cô gái hư hỏng, cô đã bảo vậy. Chính mình ném cô ấy xuống bùn. Chính mình làm hại và làm hư vợ chưa cưới của Phrăng”.
Rồi anh cứ thì thầm như điên như dại:
- Càng tốt! Càng tốt! – tuy biết rõ thực ra mình muốn nói: “Càng tệ! Càng tệ!”
Và trước ánh mắt của bà già, anh vấp luôn cả hai chân và ngã khuỵu xuống.
Anh chẳng còn nhớ đến chuyện ăn trưa, và dừng chân trong một hiệu cà phê, ở đây anh viết cho Valăngtin một bức thư dài chỉ để thét lên, chỉ để tự giải thoát khỏi tiếng thét tuyệt vọng đang làm anh tức thở. Thư anh nhắc đi nhắc lại hoài: “Cô đã có thể! Cô đã có thể! Cô đã có thể cam chịu như vậy ư? Cô đã có thể sa ngã như vậy ư?”
Các sĩ quan đang uốn gần anh. Một người đang oang oang kể một chuyện chim chuột bằng những câu nhát gừng mà người cùng uống chăm chú nghe: “Tớ đã bảo cô ả… Hẳn em rất biết anh… Đêm nào anh chẳng hẹn với chồng em!”… các sĩ quan cười ầm lên, rồi quay nhổ xuống dưới các ghế dài. Người lấm bụi, mặt xanh xao, Môn nhìn họ như một gã ăn mày. Anh tưởng như thấy họ đang bế Valăngtin trên đầu gối.
Anh cưỡi xe, lang thang mãi xung quanh nhà thờ, mồm lẩm bẩm một cách khó hiểu: “Tóm lại, mình đến đây chính là vì nhà thờ này”. Trên quảng trường vắng vẻ, ở cuối tất cả các dãy phố, đều có thể nhìn thấy ngôi nhà thờ sừng sững và dửng dưng. Các phố này đều hẹp và bẩn như mọi phố nhỏ bao quanh các nhà thờ ở nông thôn. Đây đó có biểu hiện của một ngôi nhà mờ ám, một cái đèn lồng ánh đỏ… Môn cảm thấy đau khổ một cách tuyệt vọng trong khu dân cư bẩn thỉu, dâm đãng, trốn tránh này, như thưở xa xưa, dưới các cửa cuốn của nhà thờ. Chợt trỗi dạy trong anh nỗi sợ hãi kiểu nông dân, sự ghê tởm đối với ngôi nhà kiểu thành phố này, trong đó mọi cái xấu đều được chạm khắc ở những chỗ kín đáo, bản thân nó thì được xây nên những nơi xấu xa, và cũng không chữa nỗi những nỗi đau tình trong sáng nhất.
Hai cô gái ôm lưng nhau đi qua, nhìn anh trơ trẽn. Hoặc giỡn chơi, hoặc chán chường, để trả thù cho tình yêu của mình hay để nhấn chìm nó đi, Môn chầm chậm đạp xe theo; và một trong hai cô gái, một cô khốn khổ với một vài món tóc hoe lơ thơ búi thành một cái búi tó nhỏ sau đầu, hẹn gặp anh lúc sáu giờ ở vườn hoa Tổng giám mục, cái vườn mà Phrăng, trong một bức thư của chàng, đã hẹn gặp Valăngtin đáng thương.
Anh không xưng tên, hiểu rằng giờ này đáng lẽ anh phải xa nơi này từ lâu rồi. Và từ trong khuôn cửa sổ thấp trong cái dốc phố xuôi thoai thoải, cô gái ra hiệu mãi với anh, những tín hiệu mơ hồ.
Anh hối hả ra đi.
Trước khi đi, anh không cưỡng nổi cái ý muốn buồn bã đi qua lần cuối trước nhà Valăngtin. Anh dồn hết tâm trí ra để nhìn và có thể dự trữ thật nhiều buồn đau. Đây là một trong những căn nhà cuối cùng của khu ven ngoại, đường phố ở đây đã là đường dẫn khách ra khỏi địa phương… Trước mặt, một khỏang đất trống nom như một quảng trường nhỏ. Chẳng còn thấy đâu bóng người sua cửa sổ hay trong sân. Chẳng có một cô gái bẩn thỉu mặt bự phấn dắt hai thằng nhỏ rách rưới đi qua dọc một bức tường.
Đấy là nơi Valăng tin đã qua tuổi thơ, nơi cô bắt đầu nhìn đời bằng đôi mắt khôn ngoan và tin cậy. Cô đã may vá, lao động đằng sau những cửa sổ này. Và Phrăng đã đến nhìn cô, mỉm cười với cô trong cái phố ngoại ô này. Nhưng bây giờ chẳng còn gì, chẳng có gì hết… Buổi chiều u buồn vẫn còn đằng đẵng. Môn chỉ biết rằng ở đâu đó, cũng chiều này, Valăngtin đang trầm ngâm nhìn thấy trôi qua trong ký ức cái quảng trường ủ dột mà mãi mãi cô không trở lại nữa.
Chuyến trở về dài dằng dặc mà anh phải thực hiện hẳn là sự chống trả cuối cùng đối với nỗi đau khổ của anh, sự giải khuây cưỡng bức cuối cùng trước khi anh hoàn toàn chìm ngập vào trong nỗi đau ấy.
Anh ra đi. Trong thung lũng gần đường, giữa cây cối bên bờ nước những ngôi nhà kỳ diệu phô ra những đầu hồi nhọn hoắt gần lưới mắt cáo xanh lá cây. Không còn nghi ngờ gì nữa, đằng ấy, trên các bãi cỏ, những cô gái biết chiều bạn tình đang nói chuyện tình yêu. Có lẽ họ là những cô gái có tâm hồn, những tâm hồn tươi đẹp.
Nhưng đối với Môn lúc này, chỉ tồn tại một tình yêu duy nhất, một tình yêu không thỏa mãn mà người ta vừa xúc phạm một cách độc ác, và cô gái duy nhất mà anh phải che chở, bảo vệ lại chính là cô mà anh vừa quẳng đi mất tăm.
Vài dòng nhật ký ghi vội còn cho tôi biết rằng anh đã nảy ra dự định là dù thế nào cũng phải tìm cho ra Valăngtin trước khi quá muộn. Chữ số chỉ ngày tháng ở góc trang nhật ký khiến tôi tin rằng đó chính là cuộc đi dài mà mẹ anh đã chuẩn bị các thứ anh cần mang theo, thì vừa hay tôi đến La Phêctê d’Ăngilông làm lỡ hết. Một sáng đẹp trời tháng tám, Môn đang ghi lại các kỷ niệm và các dự kiến của mình, thì tôi đẩy cửa, đem đến cho anh cái tin vĩ đại mà anh không đợi. Anh đã bị cuộc phiêu lưu cũ xâm chiếm và cầm tù mà không dám phản ứng gì mà cũng không dám tự thú. Từ đấy rong anh bắt đầu dấy lên nỗi ân hận, tiếc thương và đau khổ, lúc lịm đi, lúc hừng hực, cho đến ngày cuối mà tiếng kêu từ rừng thông của chàng Bô-hê-miêng đã nhắc lại cho anh nhớ một cách bi thảm lời thề thanh niên đầu tiên của mình.
Cũng trong quyển vở bài tập hàng tháng này, vào lúc bình minh, anh còn hấp tấp ghi vài lời cho Yvon de Gale, người đã là vợ anh từ hôm qua, những lời ghi trước lúc rời bỏ nàng, tuy được phép của nàng, nhưng là sự rời bỏ vĩnh viễn.
“Tôi đi. Tôi phải lần cho ra ấu vết của hai chàng Bô-hê-miêng hôm qua đến rừng thông và hiện đã đi về hướng tây bằng xe đạp. Tôi chỉ về bên Yvon nếu dẫn theo và đưa về sinh sống trong “nhà của Phrăng” Phrăng de gale và Valăngtin Blôngđơ đã nên vợ nên chồng”.
“Những trang viết mà tôi đã bắt đầu viết như một cuốn nhật ký bí mật và đã trở thành lời tự thú của tôi đây, sẽ là tài sản của bạn Phrăngxoa Xơren, nếu tôi không trở lại”.
Hẳn anh đã phải nhét vội quyển vở này xuống dưới những quyển khác, khóa cái hòm học sinh cũ nhỏ của mình lại, và biến đi.