Thằng nhóc! Mày làm gì ở đây? Cút!
Chú vấp phải một anh chàng vạm vỡ mang khăn mỏ quạ trễ xuống như tai chó. Chắc đây là một thuyền viên trong thuỷ thủ đoàn.
Xin thứ lỗi cho em! – Soạn lắp bắp miệng trước khi lặng lẽ rút lui và chuồn thẳng.
Tuy vậy, chú cảm thấy một chút hổ thẹn. Những lời dặn dò của bà Tuyết đã được nhồi nhét kỹ trong đầu, mọi việc được khởi đầu tốt đẹp. Vậy cần gì phải chạm trán với hạng người đó nên cứ giữ đúng cương vị của mình, đó thực là lời bà Tuyết đã dặn dò chú. Tuy có lòng kính trọng nhưng Soạn không thật sự quý mến bà khi chú đến tuổi hiểu rằng ngày ấy bà không đồng ý chấp nhận phải nuôi thêm một miệng ăn như chú trong nhà, rằng bà luôn cho chú là đầu têu của mọi trò quậy phá dù chú đang làm bất cứ việc gì, cũng có thể bà không ưa chú vì chú luôn được sự che chở của ông chủ. Thế rồi, trái với mong đơi, bà bỗng nhiên tin tưởng chú.
Nét mặt dịu xuống, đôi mắt xếch của chú mất đi nét nghiêm trang của người lớn. Tâm trạng bực bội của chú tan nhanh khi nhớ lại cái ngày mà bà đã hỏi thẳng vào mặt chú:
Cháu đến ăn ở nhà ta từ lúc còn bé, cháu có nghĩ nên làm thêm một việc gì đó để tỏ lòng biết ơn không? Cháu có sợ khi theo ông chủ ra kinh đô không?
Với cái tuổi mười bốn, chú cảm thấy mình đã là một người lớn thực thụ rồi. Ruột gan chú phơi phới một niềm kiêu hãnh khi chú trả lời bà với vẻ phục tùng và nhiệt tình cần thiết. Mà lúc đó nếu bà có nhắc đến những hiểm nguy dọc đường thì chú ta cũng cóc sợ. Nếu bà ra lệnh, chú sẽ nhảy ngay vào hang hùm. Khi nghĩ về những rủi ro gặp phải trên đường, chú cảm thấy phận sự mình càng to lớn. Trước con mắt bà chủ, chú thấy mình thật quan trọng mà thật ra chú chỉ là một thằng ăn bám hèn mạt và ngay cả dưới con mắt chú, một đứa bé vô thừa nhận. Sau đó, vẻ lo lắng của ông chủ kính mến, những lời cầu xin của các bà trong nhà và một số câu chuyện khác càng làm cho chú thêm tò mò nhưng không vì thế mà lo sợ.
Trên cao, đàn ngỗng trời tiếp tục vỗ cánh, vô tư trước số phận may mắn của chúng. Ồ, chỉ một mũi tên thôi, chú có thể hạ được chúng.
Trán chú nhíu lại. Như bầy chim vô lo kia, chú ta cũng không hay biết sự đời. Tại sao lại có bao nhiêu điều bí ẩn như vậy? Bởi vì theo ông chủ ra kinh đô, chú nghĩ rằng lẽ thường chú phải biết được những hiểm nguy gì có thể xảy ra qua cuộc triệu hồi này của triều đình. Với những câu hỏi chú dám nêu lên, bà đáp lại bằng sự im lặng tuyệt đối miệng kín như bình. "Hãy dồn mọi sự chăm sóc để hầu hạ ông chủ nghe!" Đó là những lời nói sau cùng của bà. Mà rồi chuyện của thằng cha lái thuyền ngu xuẩn đã làm chú quên đĩ thật không dễ gì dung hoà được việc làm tròn nhiệm vụ của nó với nỗi thèm khát rong chơi.
Đến khi biết chắc là ông chủ đã ngồi yên sau buồng lái, chú vào gian phía trong trải chiếu và sửa soạn bữa ăn nhẹ.
Ông chủ, cơm đã dọn!
Chú nhắc thật to, không chú ý đến cách nói cộc lốc của mình. Mặc kệ! Không quan trọng gì, phận sự của chú là buộc ông chủ phải ăn nhiều và ngủ tốt kia mà.
Lê Hữu Trác giật mình.
Ông chủ, trời tối rồi.
Khi đứng lên ông hơi run dù đã bận chiếc áo kép. Trời đã chuyển về đêm mà ông không hay biết, một đêm xuân trong lành và mát dịu, cây cối hai bên bờ ngập trong sương mù. Những ngọn đèn con trên các thuyền câu vẫn chiếu sáng trong đêm lạnh hệt như những đôi mắt hổ đang rình mồi. Chiếc thuyền lớn của quan đầu tỉnh, đèn lồng đàng trước đàng sau dưới ánh trăng bao la và lạnh lùng đánh thức bầy chó các làng ven bờ thuyền đi qua. Ông không thể cầm được tiếng thở dài.
Trong khoang thuyền, không khí mát mẻ. Những chiếc đèn treo trên trần toả ra những vòng tròn di động nhẹ nhàng đung đưa từ khoang này sang khoang khác. Ngay giữa sàn, trên chiếc chiếu, kê giữa những đồ vật lắc lư theo thuyền là một ấm đun trà đang bốc hơi, bên cạnh là những hộp trầu, ấm điếu, hồ rượu được trưng bày rất đẹp mắt. Bà Tuyết thật có lý khi thấy chú Soạn người đầy tớ chuyên lo thuốc men đã luôn khéo xoay xở. Lê Hữu Trác tặc lưỡi làm chú ta mỉm cười thích thú.
Ăn uống xong, sau khi súc miệng với ngụm nước chè, ông còn gọi Soạn mang rượu đến vừa để ấm người vừa làm tiêu tan nỗi buồn sâu nặng của mình.
Thưa ông chủ, còn cần gì con nữa không?
Không, tắt hết đèn đi, có lồng đèn và ánh trăng là đủ rồi.
Trở về gian trước, với chiếc võng móc sẵn, chú sẵn sàng chạy tới ngay khi có tiếng gọi nhỏ của ông chủ và ngủ thiếp liền sau đó.
Lê Hữu Trác quay đầu về phía chiếc rèm sáng. Dưới ánh trăng, chiếc thuyền tiếp tục cuộc hành trình. Không ai biết rằng với lệnh đặc biệt của quan Thự trấn và lo lắng cho sự chậm trễ của ông, chiếc thuyền này sẽ đi suốt đêm nay để đến được Vinh vào rạng sáng mai. Cuộc hành trình vất vả này bước đầu mở ra một chuỗi vô tận bao điều trói buộc, có những điều dự kiến được và những điều khác còn bất ngờ.
Tựa lưng vào gối, ông uống cạn ly rượu. Bà Tuyết chắc sẽ rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn ông lúc này đang uống như một chú trâu khát nước. Trong đêm cô đơn này, ông lục sâu vào những niềm cay đắng trước cuộc đời từ nay còn treo đấy cho nên lúc này nếu có một điều gì đó làm cho ông vững lòng thì lại cần thiết. để được cứng rắn hơn trước cảnh bất hạnh này, đã đủ chưa khi ông tự nhủ tai hoạ là quy luật của thế giới phù du? Chốn xa kia, nơi núi rừng thân yêu, ông đã tự cho mình là một cây thông cổ thụ réo rắt tiếng chim ca và có thể sống được nhiều năm tháng nữa. Ảo tưởng! Bây giờ thì ông có cảm giác mình là một kiện hàng được chuyền qua tay các quan đầu tỉnh đến tận Đại cung môn chúa Trịnh sẽ nuốt chửng ông. Rồi đội cận vệ hoàng gia sẽ giãn rộng ra, những cánh cửa đồng rít lên kèn kẹt trên bản lề nơi chân ông đang bước qua ngưỡng cửa không một ai dám vượt qua mà không run lên như cầy sấy. chính ông là người luôn cẩn thận đặt mình xa lánh chốn kinh thành nhưng nơi ông đang phải đứng đây là một vị trí hiểm nghèo, thế mà căn nguyên việc này là do sự khởi xướng của một người mạo xưng là chốn bằng hữu. Ông thốt ra một tiếng cười khẽ lạnh lùng. Lúc này, ngay cả rượu cũng không làm tiêu tan nỗi xót xa trong gan ruột ông. Với cái đà này, tại sao người ta không áp giải ông ra Thăng Long bằng một chiếc cũi di động với chiếc gông nặng nề treo cổ. Còn về đám lính hộ tống thì đã có sẵn đây rồi!
Một nét nhăn nhó chán chường lộ ra trên mặt Lê Hữu Trác trong khi đầu ông lắc lư với bao nỗi oán giận. Cảm giác bất lực và với sự cô đơn hiu quạnh, ông thấy mình như đang trôi nổi trên đám bọt sóng đầu ghềnh.
Bị choáng váng, ông tựa gáy vào chiếc gối và nhắm mắt. chưa bao giờ ông có một cảm giác bị phân thân như thế này, nửa nơi này nửa nơi kia…Nơi ngôi nhà ẩn cư ở vùng Hương Sơn ông thường dạo chơi bên bờ ao, bàn tay nhỏ ấm áp của bé Lâu trong tay ông…Rồi trước án thư, ông kê một đơn thuốc..Cũng thời gian ấy, ông xuôi dòng trên chính chiếc quan tài của mình, cảm nhận thớ gỗ cứng cọ vào lưng, nghe cọt kẹt…
"Những cơn ác mộng và ảo giác thường xảy ra khi ba hồn bảy vía con người lìa khỏi xác", vậy ông còn thời gian không để chẩn đoán cho mình trước khi chìm vào dòng vô cảm của giấc ngủ với một ý nghĩ gợi lên lòng thươngxót cho bản thân mình.
Nhìn chiếc búi tóc củ hành lòi ra sau lớp chăn, người ta nghe được những tiếng thở sâu và đều đặn của ông.
Để ông chủ ngủ yên, Soạn lặng lẽ ra ngoài khoang thuyền tò mò nhìn xem tỉnh lỵ giống cái gì. Trời mờ mờ sáng. Boong thuyền vắng lam ngoài hai chú lính đang đứng gác súng trường trên vai, mã tấu cán dài cạnh hông. Ở phía trước và phía sau, những tay chèo mệt lử cuộn tròn trong chiếu đang ngủ say lúc trời chưa sáng trông giống như những bao tải to đùng vứt ngổn ngang bừa bãi. Trong khi đó Soạn nhận ra người quàng chiếc khăn trên đầu tối qua đã lớn tiếng nạt chú. Chú nghĩ rằng nếu ông chủ của chú không phải là một lương y nổi tiếng mà là một võ sư xuất sắc hôm qua chú đã sẵn sàng đấu gươm với tay thô lỗ này.
Mải miết nhìn tàu thuyền làm chú ta quên bẵng những ý nghĩ gây chiến vừa rồi, chú tự hỏi chiếc thuyền mành to lớn trên tỉnh này có thể cập bến bằng cách nào. Chưa bao giờ chú hình dung lại có nhiều và đủ vẻ như thế này. Có thuyền đàng mũi trang bị một khẩu súng đại bác hoặc mang theo bên sườn nhiều móc dài và lưới, có những chiếc thuyền buôn của người Trung Hoa, Nam Dương hay Xiêm la mà chú không biết hết. Lại có những chiếc khác bé hơn trông xa như chiếc bàn tán chú hay nghiền thuốc hoặc như những chiếc ghe con trôi theo các bà thợ gặt trên những đồng ruộng ngập nước. Nơi kia, chỉ vài sải nước từ bờ, qua đám nhằng nhịt của nhiều chiếc thuyền nhỏ, chú bỗng thấy một chiếc tàu lớn mặt trước mặt sau đều có những kiến trúc kỳ lạ trổ ra rất nhiều từ những cửa sổ nhỏ. Qua làn gió mai, tất cả những chiếc buồm phồng lên điểm thêm nhiều cờ hiệu như hoa hệt như những chùm cánh bướm trên ba chiếc cột buồm lớn. Vậy chiếc tàu lớn này từ đâu tới? Và đến đây làm gì? Chú tự nhủ phải hỏi ông chủ. Lát nữa khi trời sáng bạch mới có thể thấy quang cảnh đất liền và biển cả. Quá sốt ruột, chú cau mặt lại.
Người ta đã kể với chú phía trước mặt, khoảng cuối phía tây thành Vinh có một bức tường rào kín bên trong có bầy voi và bãi tập của chúng. Họ cũng nói chắc chắn rằng chúng được luyện tập rất kỹ để đánh trận nên chịu đựng được cả tiếng súng, tiếng nổ của đại bác, và cặp ngà của chúng thì bọc bằng thép nhọn. Chú nóng ruột muốn đến đấy. Nhưng bằng cách nào? Lát nữa, ông chủ đến chào quan Thự trấn tại tư dinh, liệu ông có đồng ý cho chú đi theo không? Ông chủ không phải là hạng người đi đâu thường hay đem theo nhiều gia nhân, đứa này mang nghiên mực và bút lông, đứa kia giữ hộp trầu và ấm điếu. Ông tuy là một thầy thuốc nổi tiếng nhưng chỉ thích cho mình là một người miền núi cổ lỗ lại thêm cả tính gàn nữa!
Giống như người ta nhẹ tay gỡ đi mảnh băng nhọt, cuối cùng trời sáng ra trả lại cho muôn vật hình thù và danh xưng của chúng. Cái vệt tối sẫm và kéo dài nơi kia dọc theo triền sông mà chú cho đó là vùng ngoại ô thành phố là bức tường thành Vinh. Còn những chấm đen thui trên các công sự? Là những người lính gác. Và những con chim đen sì không vỗ cánh? Đó là những tháp vọng lâu nhiều tầng. Còn những đống khổng lồ ủ rũ kia là những ụ cờ. Ở vùng ranh giới này, người ta đồn rằng tuy đã có cuộc hưu chiến kéo dài trên một trăm năm nay nhưng không bao giờ có hoà bình thật sự. Nhìn lên không, Soạn cảm thấy một vẻ gì khiêu khích và gây tang tóc làm chú ta bất giác quay đầu về phía các tay chèo. Nhưng lúc ấy, "đối thủ" của chú lại đang ngáy rõ to, miệng há hốc như cá chép.
Từ gian bên trong chú nghe tiếng gọi. Lúc này, chú nhìn theo bầy chim mòng đang bay từ biển vào qua cửa cảng. Chúng cũng kêu lên giọng nằng nặng như ông chủ:
Soạn! Soạn!
Vẻ hơi tiếc, chú chạy đến lễ phép cúi mình trên bậc cửa gian tiếp khách:
Thưa ông, con đây.
Con chạy đi đâu từ nãy đến giờ? Sao khi ta goi không nghe con trả lời? Con còn chờ đợi gì mà không mang ra đây cho ta thau nước rửa mặt, bình trà đậm và cơm sáng?
Chú đi lui vào gian trong cũng là nhà bếp, nơi đây thượng lên một bếp lò to bằng gỗ lim. Xem ra giấc ngủ đêm qua không thay đổi được tính khí của ông chủ. "Và bây giờ lại bắt đầu đây" chú vừa nói trong nỗi bực dọc vừa chuyền nước từ chiếc vại sang chậu thau. Ở đây, mọi việc còng lên lưng chú. Chú hy vọng ra đến kinh đô, tình hình này sẽ đổi khác.
Mang nước rửa mặt lên xong, chú bắt tay vào quạt lò. Chú nghĩ nếu muốn có chút may mắn chạy đi xem đàn voi thì tốt nhất là bếp lò phải bắt lửa thật nhanh.
Bỗng ở bên ngoài có nhiều tiếng kêu la ầm ĩ. Những bước chạy dồn dập làm lung lay boong thuyền. Ngay sau đó, một tấm ván nặng nề rơi xuống. Rồi rất nhiều tiếng gọi í ới. Chú tự hỏi "Chuyện gì đang xảy đến với họ vậy? Họ ngủ như trâu mà big lại thấy nhắng lên như bầy nhặng trong hố xí?" Vểnh tai lên, chú cam đoan đã nghe tiếng ông chủ nói. Quá bận bịu vào bao nhiêu việc pha trà rồi theo dõi nồi cơm sôi trên lửa. Không lúc nào chú rời khỏi bếp lò này được. Những tiếng lạch cạch trên mái buồng lái làm chú ngẩng mặt lên. Đúng rồi, họ đang hạ chiếc cáng đặt trên đó dùng cho cuộc hành trình.
Chú nhanh nhẹn đảo nồi cơm vừa đun nóng, xới đầy một bát, điểm lên mấy con tôm rồi một tay cầm lọ nước mắm, tay kia cầm ấm trà. Xếp các món đó lên mâm cũng bằng thời gian nhai trầu. Chắc rằng đàn voi cũng không ngờ chú có nhiều nỗ lực vì chúng như vậy.
Xin mời ông xơi cơm.
Ngồi giữa gian tiếp khách, khăn nhà nho ngay ngắn trên đầu, chòm râu và bộ ria láng như lá thông non, áo kép sa tanh đen, quần kếp trắng, đôi giày hạ mõm nhái, tất cả đâu vào đấy. Vị lương y đang chờ. thấy vậy, Soạn mở tròn xoe đôi mắt – mọi việc diễn ra quá nhanh. Để phòng hờ, từ trong bếp chú đã lau qua mái tóc và sửa sang lại ngay ngắn áo quần. Lòng ước ao đi theo ông chủ đã lôi cuốn chú.
Soạn ơi, mau lên! Họ đang đợi ta ở nha môn đó.
Soạn vội vàng rót trà cho cụ. Qua tấm màn vén lên chú thấy trên bờ có một tốp lính đang vây quanh chiếc cáng. À, nguyên nhân của sự ầm ĩ vừa rồi là đây! Cuộc triển khai lực lượng này bỗng nhiên làm chú khó chịu. Họ làm ra vẻ đến tóm cổ một tên giặc cướp nguy hiểm không bằng.
Ôi Trời ơi! Thưa ông chủ, có thể nói rằng họ rất sợ cụ trốn đi đấy!
Mà như thế này thì bầy voi đã tuột khỏi tầm tay chú.
Lê Hữu Trác ngừng đũa, mặt hơi tươi lên vì thằng bé con này chẳng quanh co giấu giếm gì, nó chỉ nghĩ sao nói vậy thôi.
Thì rõ ràng đây cũng là một cách thi hành công việc. Trong lúc hối hả muốn gặp mặt ta, quan Thự trấn tỉnh nhà đã phái đến đây một toán lính hộ tống vì sợ ta lạc đường mà thời gian thì gấp lắm rồi.
Chú đưa mắt nhìn ông chủ. Phải chăng cụ đang tự giễu mình? Chắc còn có nhiều điều tế nhị mà chú không hiểu nổi. Chú chỉ quá tơ tưởng đến bầy voi. Trên môi cụ đã thấy nở một nụ cười thay cho hai nếp nhắn lo âu mà chú rất ghét khi nhìn vào.
Con đi báo với họ ta đang lên đây.
Dùng xong bát cơm, vị lương y đang xỉa răng. Soạn cho rằng đã đến lúc:
Thưa ông, con có thể đi theo cụ được không?
À, đó là một ý kiến. Nhưng ta cần con cùng đi vbta đến nha môn để làm gì?
Xin cho con đi với cụ. Con sẽ không làm phiền cụ đâu, con chỉ xin làm thằng nhỏ chạy theo sau cáng cụ, con van xin cụ.
Hơi bối rối ông nhìn thẳng vào chú. Ngoài ánh lửa ánh lên trong đôi mắt thì những lời nói của thằng bé toát lên cả một sự nhún nhường sâu sắc. Hỡi quỷ thần thiên địa ơi, thằng nhãi ranh này định bày trò gì nữa đây? Ông cảm thấy muốn chinh phục nó.
Xin thưa, ông chủ đồng ý chứ? Cụ nói đi, cụ đồng ý chứ?
Rõ là chú nhất quyết không chịu để ông từ chối, lúc này chú tỏ ra cứng đầu, rất phù hợp với đầu tóc bù xù và xứng đáng với biệt hiệu Xoáy Trâu.
Đủ rồi! Hãy làm những gì ta đã dặn. Trở về thuyền đi, sắp xếp lại các thứ và chờ đấy! Hiểu rồi chứ?
Và ánh lửa trong đôi mắt chú vụt tắt. Chú tung một cú đá giận dữ vào đống dây thừng trên boong thuyền ngay khi nhìn thấy những tên lính ấy, chú biết ngay mà. "Soạn khốn khổ ơi! Rõ chưa, mi chỉ là một thằng u mê mà thôi", giọng bà Tuyết văng vẳng bên tai chú. Chú nhún vai, hầm hầm bước qua chiếc cầu tàu nhỏ đi về phía bờ sông. Rồi đây đến kinh đô, chẳng việc gì và cũng chẳng ai ngăn cản chú đi xem bầy voi được đâu.
Ngày thứ mười tám này, từ chiếc thuyền mành, Lê Hữu Trác lên bộ đến chào quan Thự trấn. Vừa mới đặt chân vào cáng, những người phu khiếng ông phóng rất nhanh. Để không bị rơi tõm qua mỗi lần giật nảy tung người lên, cứ mỗi bận như vậy người ông rã rời, ông buộc lòng phải bám chặt vào những nẹp cáng bằng gỗ cứng ngắc. Theo đà băng nhanh của chiếc cáng, đám lính la to: "Tránh ra! Tránh ra!" Gặp những ai đang đi trên đường, họ đều phang tuốt chẳng cần phân biệt thứ hạng nào.
Những cổng ra vào thành Vinh được vượt qua rất nhanh, những văn phòng bên phải bên trái của các thầy lại mục, những trạm gác nhiều đơn vị khác nhau được băng qua nhanh như chớp, sau cùng chiếc cáng dừng hẳn trước dinh quan Thự trấn.
Chưa ra khỏi cáng, vị lương y đã nghe đám lính gác ồn ào báo tin ông đến. Tin này được truyền qua miệng người này người nọ ra tận những gian ngoài từ đó có lệnh trở lại phải đưa người khách vào ngay.
Lê Hữu Trác tiến vào phòng công đường giữa hai hàng rào dựng lên tua tủa nhiều loại xà mâu và cây kích, trên đường ông tự hứa sẽ cảm ơn quan Thự trấn đã có lời thỉnh cầu tâu lên Chúa Thượng là với tuổi cao ông sẽ có ân trên được miễn triệu hồi ra kinh đô. Dù cho việc trên không làm sao thay đổi được thì ý định này ít nhất cũng chứng minh được thiện ý của ông.
Nhưng rồi một sự thất vọng đang chờ đợi ông. Sau nhiều ngày kiên nhẫn trông chờ, quan Thự trấn buộc phải về làng quê làm lễ giỗ vị tổ của mình. Quan Thự trấn tạm quyền lo việc đón tiếp ông, chuyển đến ông món quà nhỏ chúc mừng và bố trí những việc chuẩn bị cần thiết cho cuộc hành trình.
Đối với vị lương y, sự vắng mặt này gây một ấn tượng về sự bỏ qua không chủ ý có triệu chứng báo hiệu số phận bi thảm của ông. Thì đây, rõ ràng ông chỉ là một kiện hàng cồng kềnh được người ta chuyển đến kinh đô càng sớm càng tốt. Mong rằng từ những sự kiện đó có thể nhanh chóng làm cho ông hiểu ra lý do người ta làm nhục ông, tàn nhẫn đặt ông vào vị trí khổ sở của một con người không còn thuộc về bản thân mình nữa. Lâu nay mãi sống theo sở nguyện của mình đã làm cho ông quên đi những sự thực đau lòng. Bỗng nhiên, các đồ vật chung quanh biến thành những bức chạm nổi khủng khiếp. Những vàng và son trên các cột nhà ra tuồng khiêu khích, các binh khí nghi trượng trên giá đỡ trở nên sắc nhọn hơn. Quan Thự trấn tạm quyền cười mỉm nhưng cặp quai hàm đưa lên đưa xuống như chiếc bẫy, cặp mắt giống hai viên đá lửa, đôi lưỡng quyền nhô cao như hai lưỡi dao sẵn sàng tuốt ra từ vỏ. Ông ta nói:
- Thưa y sư tôn kính, cuộc hành trình của cụ là một công việc cực kỳ quan trọng không cho phép một phút chậm trễ. Hạ quan đã đợi cụ từ hơn mươi ngày nay. Cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa mà con đường ra kinh đô còn dài lắm. Vậy cụ nên lập tức lên đường, đã có những tên lính mạnh khoẻ nhất hộ tống cụ trên đường dù có phải thay đổi nhiều lần những khi cần thiết.
Quan Thự trấn tạm quyền ra lệnh tập trung ngay một toán lính hộ tống chọn từ trại lính trong thành, chuẩn bị săn năm quan tiền để tiêu pha dọc đường và cho triệu ngay tức khắc viên quan hộ tống đến.
Giờ khởi hành quyết định vào giờ ngọ. Lê Hữu Trác cáo lui, lòng tự hỏi đầy lo âu, lão quan hộ tống mà người ta áp đặt cho mình thuộc hạng người nào đây? Lại một ông thần giữ đền trong tay lắm quyền lực ném vào đây để quấy rầy ta, không phút nào cho ta nghỉ ngơi, một tên cai tù khắc nghiệt mà ta phải vui lòng hay miễn cưỡng chấp nhận suốt chiều dài cuộc hành trình báo hiệu nhiều điều này. Ôi chao! Sự mỉa mai tàn tệ nào mà số mệnh trêu đùa ta bằng cách chất đầy phiền muộn lên đầu ta mà bấy lâu ta đã tránh được!
Lúc trở về chiếc thuyền buồm ông để lộ vẻ mặt lạnh lùng mà nhìn vào. Soạn muốn lập tức co cẳng chạy trốn.
Giờ ngọ qua đã lâu, quá nóng ruột, Lê Hữu Trác cảm thấy ruột gan rối bời, đúng lúc ấy, lão quan hộ tống xuất hiện trên lưng con ngựa màu vàng đậm theo sau là một toán lính.
Vừa nhảy xuống ngựa, lão buộc miệng giải thích sự chậm trễ này bằng cách nêu lý do vì lương ăn của đoàn chưa được chuẩn bị nên buộc phải đi vay mượn thêm.
Thưa y sư tôn kính, xin đừng trách hạ quan này nhưng dù sao cũng phải lên đường thật gấp.
Quan hộ tống, chúng tôi chỉ còn chờ ông nữa thôi – Lê Hữu Trác đáp lại và lập tức lên cáng.
Sau khi vái chào vị lương y, lão cười há to miệng mà không nghe tiếng làm kéo dài ngoằng thêm khuôn mặt dữ dằn, sau đó hắn phóc lên yên và ra hiệu, lập tức những người khuân vác chụp ngay lấy đống hành lý còn những người lính chạy đến tập trung quanh chiếc cáng giống như một bức tường sống động.
Viên trưởng toán hét lớn: Hầy! Hầy!
Đoàn người ra đi dưới con mắt của đám người tò mò.
Bọc áo quần với dây buộc trên vai, Soạn theo sau chiếc cáng của ông chủ, hãnh diện mình là điểm ngắm của mọi người, nhất là các cô thiếu nữ với đứa em nhỏ bám vào hông mồm há to nhìn chú đi qua. Đặc biệt, chú rất thích thú được dẫn đầu bởi vị kỵ sĩ này mà ngay từ đầu chú đã bị chinh phục. Với bộ hàm én, cái đầu hùm, râu ria láng bóng, dáng vẻ oai vệ, chỉ những nét hấp dẫn đó lão ta tưởng rằng mình là một vị đường quan mà theo chú nghĩ các vị này thường bị chìm đi trong bộ lễ phục nặng nề, khuôn mặt bất động dưới chiếc mũ cánh chuồn, bước đi chầm chậm với đôi ủng dày bọc nhung dạ. Còn lão kia, Soạn thấy rõ đó là bộ tịch lố lăng của một tên cầm đầu băng cướp lúc này cải trang làm một viên quan mà thôi. Trong đầu gã thiếu niên, đây là tia chớp báo hiệu của cú sấm sét.
Thật vậy à? Một ý nghĩ tương tự kích thích chú. Càng nhìn hắn chú càng tin chắc như vậy. Làm cách nào mà tên cầm đầu băng cướp này bắt được ông quan hộ tống chính thức? hắn ta đã làm gì ông ấy? Ôi chao, mưu mô và mánh khoé thì có lúc nào thiếu đâu! Hai ba lần ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu. Vấn đề còn lại là nên tìm hiểu chuyện đó nhằm mục đích gì. Soạn chẳng cần phải mất công tìm lâu. Rõ ràng đó là nhằm ngăn cản công việc của ông chủ! một cuộc mai phục không khó khăn gì lắm do một tên vô lại cầm đầu có sự xúi giục của một nhân vật nào đó trong triều đình, và hắn ta sẽ là người thủ lợi nếu người bệnh nổi tiếng và rất đỗi bí ẩn mà vị lương y được mời đến bên giường bệnh không chữa lành được. Tóm lại, hai năm rõ mười, chết thôi! Suy nghĩ như vậy có đúng không? Trong trường hợp này, lòng Soạn phấn khởi nhưng cũng rất lo lắng, chú kết luận rồi đây ra khỏi thành Vinh, chú phải cẩn thận đề phòng. Biết đâu tên quan hộ tống giả mạo này sẽ tìm cách giam cầm hoặc hãm hại ông chủ]. Và biết đâu lão ta sẽ không ngần ngại cùng một lúc tống khứ luôn người chuyên lo việc thuốc men điếu đóm này của cụ?
Chú nhìn trộm đoàn người đồng hành của hắn, ai trong số lính tráng hoặc những người dò đường đang câm lặng dưới chiếc nón tre sẽ thực hiện trò này đây?
"Bây giờ thì yên tĩnh rồi!" chú tự nói với mình, giọng còn lo lắng. một hình ảnh bất chợt hiện ra với chính thân xác máu me của mình dưới bầu trời thanh thản làm chú thấy bất an. Những ý nghĩ lan man càng làm chú thêm khiếp sợ chính mình. "Soạn khốn khổ ơi! Mi đang cưỡi ngựa trên mây đấy!" Một lần nữa, chú lắng nghe giọng nói mỉa mai nhẹ nhàng của bà Tuyết với lòng biết ơn và đang cố nghĩ sang chuyện khác.