Lê Hữu Trác đã bao lần hình dung thấy sự xuất hiện của các phái viên quan Thự trấn Nghệ An trên sân trước mang lệnh triệu hồi mình về kinh đô. Vì thế, khi việc xảy ra ông không lấy làm ngạc nhiên lắm. Hình như ông đã sống lại cảnh này hàng chục lần rồi, và với một niềm an ủi lờ mờ, ông cho đây là lần cuối cùng.
Trong thời khắc của mình, ông phóng tầm nhìn bao quát những cảnh đẹp đầu xuân, bầy chim tiếp tục nhảy nhót trong các bụi cây, đám tắc kè mùa đông săn mồi giữa các kẽ lá, làn gió nhẹ làm rung rinh mặt hồ và những cây thông múa may trên sườn núi. Sau đó, vấn lại chiếc khăn nho sĩ lên đầu, ông đủng đỉnh từng bước tiến đến trước mặt các phái viên.
Trong khi hai sai nhân cùng nhau bày tỏ lời ca ngợi của quan Thự trấn, với bàn tya đã bao lần run rẩy trong nhiều giấc chiêm bao mà nay không còn run rẩy nữa, ông mở phong thư. Bên trong là hai bản văn thư.
Bản thứ nhất mà ông đang chờ đợi là bản sao mệnh lệnh nhà Chúa[1] truyền rằng:
"Quan Trạch Trung hầu, nội sai của quan Phó Thượng thư Binh bộ truyền lệnh nhà Chúa cho quan Thự trấn tỉnh Nghệ An Côn lĩnh hầu đi tìm ông Lê Hữu Trác, con trai thứ bảy của Thượng Thư trí sĩ Lê Hữu Mưu hiện đang sống tại làng mẹ Tình Diễm huyện Hương Sơn. Lệnh này ban ra để các hạ quan kiểm tra sổ đinh, lấy một toán lính trấn hộ tống và đưa ngay về kinh đô đợi mệnh".
Lệnh được ký ngày 29 tháng 11 năm thư 42 niên hiệu Cảnh Hưng, nghĩa là đã bốn mươi ngày trước đây.
Bản văn thứ hai của quan Thự trấn là một lá thư ngợi khen. Đặc biệt, ông này viết:
"Một nho sĩ nghèo hèn ở vùng quê mà bỗng nhiên tên tuổi được Chúa Thượng biết đến là hứa hẹn cho một tương lai sán lạn. Điều đó xứng đáng được hưởng một niềm vui to lớn…Ý muốn của nhà Chúa không cho phép một chút chậm trễ nào, cụ nên lập tức đến quân trạm Vinh, ở đó, một toán lính đang đợi sẵn để lên đường ngay."
Mọi việc đã thành hiện thực như điều dự báo của các vì sao – ông tự nghĩ, khuỵu xuống và lạnh lùng giấu các văn thư vào ống tay áo của mình. Tìm cách lánh xa sự náo động do tin vừa rồi gợi lên, ông sửa soạn lui vào thư phòng, tạm xa bạn bè và bà con đang có mặt cho đến lúc một phái viên trước đây đã được ông chữa bệnh, kéo ông ra ngoài và nói:
Thưa Y sư tôn kính, cụ được vinh hạnh này là nhờ ngài Quận Huy nay là quan Chánh đường đã tiến cử cụ làm lương y cho Thê tử kế nghiệp bị trọng bệnh hơn một năm nay. Đây là một trọng trách quốc gia đòi hỏi cụ phải gấp rút lên đường.
Bỗng nhiên bà Tuyết thấy chồng mình mặt mày tái xám. Không biết tên đưa tin tai ác này – tiên sư cha mẹ nó! - báo cho ông hay chuyện gì đồn thêm vào nỗi bất hạnh của họ đây?
Mặc dù ông đã lường trước được điều xảy ra nhưng khi nghe người phái viên nói vậy, nỗi lo sợ liền chiếm lấy người ông, làm máu ông chảy thành bùn non, xương cốt và gan ruột chuyển thành đá lạnh. Nỗi sợ hãi đến với ông một năm qua xem ra còn nhẹ vì nó còn ẩn tàng chút hy vọng. tóc ông dựng ngược lên dưới chiếc mũ và ông thấy rõ mình là một bức tường cũ kỹ sắp đổ. Niềm mong muốn của ông lúc này là được trốn sâu vào trong núi để tránh nghe những lời khen ngợi dù chân thành hay chưa của mọi người, tránh mặt đông đảo bà con hàng xóm đứng chật trước sân, chen lấn để nhìn rõ ông, tránh đi không phải nghe tiếng gào thất thanh của Lâu, đứa cháu nội đang bám lấy áo ông "Ông ơi, ông đi à, thật không? Có thật không? Trả lời cho cháu đi ông!" Rồi lại tiếp tục không ngừng "Có thật không?" đến lúc mẹ nó túm lấy và làm dịu đi bằng cách thoa nhẹ vào lưng nó. Như ngây như dại, ông chỉ đành gật gật đầu như để trả lời những gì người ta nói với ông trong lúc một dòng mồ hôi từ thái dương lăn từ từ xuống cổ áo.
Bằng một cử chỉ uy nghiêm, cụ Chúc tách bà con ra hai bên và đưa vị lương y vào nhà sau để nghỉ.
Lê Hữu Trác nằm xoài trên chiếc phản gian ngoài. Bên ngoài, đám người vẫn tiếp tục đàm luân trong tiếng ồn ào. Một quãng thời gian trôi qua]. Vẻ mệt mỏi, bà Tuyết bước đến bậc cửa nhưng thấy hai ông đang ngồi cạnh nhau, bà liền tránh đi. Sau đó bà trở lại với hai ly trà và bất đắc dĩ phải rút lui vì chưa thấy hai ông trao đổi với nhau một lời.
Lặng yên rất lâu trong gian phòng như một chiếc lá, cuối cùng cụ Chúc ho khẽ.
Vẻ mặt khổ đau, Lê Hữu Trác nói với cụ:
Ôi, ông bạn ơi! Bông hoa vì đẹp mà phải bị cắt đi khỏi nhành lá, con người ta là một nạn nhân của thói vinh hoa phù phiếm, chỉ đem lại cho họ phiền muộn mà thôi. Khốn khổ làm sao khi tôi đã không biết giấu mình trong nơi sâu nhất núi non này!
Ngồi co rúm bên cạnh, cụ Chúc nhìn ông với đôi mắt đầy thương hại.
Đúng rồi, tự che giấu hào quang, tự chôn vùi ánh lấp lánh đó là hành động của một tâm hồn cao quý. Song từ nay tên tuổi của bác được Chúa thượng biết đến, danh tiếng của bác vang ra bốn biển, phải chăng đó là biểu tượng của niềm vinh quang khó mà đạt được trong kiếp ba sinh này? Vì Trời cao đã định, bác nên ra kinh đô sớm để nhân dân được thừa hưởng những hiểu biết sâu xa về y học của mình… - Ông ngập ngừng nói thêm – Và sự say mê núi non hang động ở đây có thể nào lớn hơn ước nguyện cứu nhân độ thế trên đời này của bác, phải không?
Lê Hữu Trác nở một nụ cười trắc ẩn. Đó đúng là những lời mà ông chờ đợi nghe thấy, nhưng rồi ông cũng nhẩn nha phân tích:
Như bác biết, đã ba mươi năm nay chúng ta quen nhau, tôi không có tham vọng nào hơn là được mải mê rong chơi chốn rừng sâu và núi non. Tôi chú tâm vào nghề thuốc thì trước hết nhằm cứu chữa cho mình, sau là để rèn luyện tâm tính tôi theo xu hướng thanh nhàn. Tôi lấy biệt danh Lãn Ông – Ông Lười là mong mọi người để cho tôi được yên tĩnh nghiên cứu theo sở nguyện của mình và xa lánh cảnh vinh hoa phú quý! Nay bây giờ tôi bị bó buộc vâng lệnh triều đình và phải lên đường ngay mà chẳng biết lúc nào là ngày vế`, ngay cả khi tôi không trở…
Ôi trời ơi! – Cụ Chúc ngắt lời, rung rung hai tay áo – Xin bác đừng nghĩ như vậy!
Lê Hữu Trác lại nói, vẻ trầm lại:
Đó là tình huống có thể xảy ra mà những ai bị triệu vào Hoàng cung đều phải tính đến.
Cụ Chúc liền tặc lưỡi phản đối:
Dù có chuyện gì xảy ra thì điều tồi tệ nhất là không bao giờ chắc chắn. Tôi không dám lớn tiếng gì khi tôi thưa với bác rằng phẩm hạnh bên trong của mỗi con người mới quyết định vận mệnh của họ. Xin bác cứ tin tưởng vào số phận của mình. Bác xem như trước đây, bác đã có thể trở thành một võ tướng cao cấp nhưng nào có mất mát gì đâu, trái lại, nay bác đang là một vị danh ỵ Đi đi bác, bác sẽ phát huy tài năng của mình ở kinh đô còn các bằng hữu sẽ đợi bác ở đấy trước khi cất chén thù tạc với nhau ngày tái ngộ.
Một nụ cười thoáng hiện trên khuôn mặt nhợt nhạt của vị lương y.
Vào lúc khách khứa cứ luôn đòi gặp ông, bà Tuyết lại xuất hiện trên bậc cửa.
Từ sáng đến chiều trong nhà luôn đầy người, những ly trà mời khách chưa bao giờ vơi. Chỉ vào buổi tối, trong không khí ấm cúng của phòng ngủ, bà Tuyết mới bộc bạch với ông niềm đau đớn day dứt đang thiêu cháy gan ruột.
Thầy yêu quý, lúc này chỉ còn hai ta thôi, xin thầy cho thiếp rõ những gì mà người phái viên nha môn báo với thầy sáng nay vậy?
Thường ngày vầng trán ông tĩnh lặng như mặt nước hồ thu, nay lại gợn lên bao niềm lo lắng.
Lê Hữu Trác tiếp tục lặng lẽ gấp xếp áo quần.
Cũng không có gì khác những điều mà mình đã rõ đấy thôi – ông trả lời bà giọng vô cùng mệt mỏi.
Nhưng thưa thầy, còn gì nữa không?
Mặc dù nhìn ông nhà như đang tháo chạy trong cơn gió trước những bóng ma, dù rất thương cảm nhưng bà còn muốn hiểu kỹ đầu đuôi câu chuyện vừa rồi. Bà nói thêm khi ông nằm dài ra trong chiếc chăn:
Thiếp cam đoan đã thấy mặt thầy tái đi.
Một thoáng cười nhạo âu yếm ánh lên trong đôi mắt ông, bà không bỏ qua chút nháy mắt nào.
Ông thở dài, ai mà không xúc động sâu sắc khi việc mình lo âu mấy tháng nay được nhắc lại từng chi tiết!
Đêm đã tới, đang chạy vào thắp đèn, bà đột nhiên quay lại:
như vậy, có phải mọi việc xảy ra đều do quan Chánh đường và chỉ do một mình ông ta gây ra không? Ông chỉ gọi thầy cho chính ông ta hay cho một số người trong gia đình? Có phải vì thế mà người phái viên nha môn đến báo cho thầy không?
Nhìn thấy ông gật đầu, bà tin chắc như vậy và tự thấy có đủ can đảm đương đầu trước mọi việc, bà nói:
Đến giờ thiếp đã hiểu được chuyện này, rồi đây dù có tồi tệ đến mấy thì cũng chẳng cần gì phải hoảng hốt.
Nghe vậy, ông nhìn chằm chằm vào mắt bà, sửng sốt. Lẽ nào với tất cả sự sáng suốt của mình, bà không hiểu được thế nào là mệnh lệnh triều đình và những hậu quả cực kỳ của nó? Có chăng trong bà một niềm tin tưởng hoàn toàn vào nghề nghiệp của ông? Hay là với tình yêu mãnh liệt và gna dạ bà chỉ mong sao đem lại cho ông một chỗ dựa?
Ngồi xuống bên cạnh, nắm lấy tay ông bà nói nhẹ:
Quả vậy, thầy và thiếp, cả hai ta đã trải qua lứa tuổi rong chơi trên đường làng, nô đùa với bọn trẻ, nhưng chúng ta phải cám ơn Đức Phật đã nhìn thấy hết, cầu mong việc triệu hồi này là từ người bằng hữu của thầy – quan Chánh đường chứ không phải… (bà cố nén rùng mình) từ Chúa Trịnh hay nhà Vua. Ngày mai, thiếp sẽ chuẩn bị lễ vật dâng lên chùa trước khi chuẩn bị hành trang.
Lúc này ông càng hiểu rõ bà dựa trên cơ sở nào mà có được lòng tin đó. Quên cả nỗi lo sợ của chính mình, lòng ông bất giác trào lên nỗi thương cảm. Ông giữ ý đừng để bà biết đầu đuôi để ngăn bà muốn đi cùng ông ra kinh đô. Cơ hội mà ông phải nắm lấy ngay lúc này. Nhưng rồi ông lặng câm, bị thôi miên bởi luồng sáng chao đảo của ngọn đèn bấp bênh trước gió như số phận, cho đến khi bà đã vấn lại xong suối tóc dài và đến nằm cạnh ông.
Cuối cùng ông mới lên tiếng:
Mình ơi, như mình biết đó, chúng ta đã ràng buộc với nhau bằng tình thương yêu từ lâu lắm rồi. Mà tôi cũng đã thề không bao giờ xa mình một bước dù ngày hay là đêm. Tuy vậy lần này tôi phải một mình ra kinh đô thôi mình ạ.
Thấy bà động đậy, ông hình dung đôi mắt bà đang mở to và quay lại nhìn ông. Tránh nhìn bà, ông nói tiếp:
Giá như có một phương cách nào tốt hơn để tôi không phải làm cho mình đau khổ như thế này. Mình xem, đây là một quyết định mà khi rộng rãi thì giờ tôi đã suy nghĩ kỹ và không còn phương cách nào tốt hơn nữa. Ví như mình mà ra kinh đô với tôi thì cả hai ta không thể nào khỏi bị trói chặt tay chân rồi bị ném vào vũng bùn nhơ của triều đình. Rồi chuyện này bày chuyện nọ, chúng ta sẽ không còn hy vọng một ngày nào đó thoát ra khỏi. Còn lý do nào có thể viện ra để được trở về chốn núi rừng yêu dấu nữa đâu? Nếu mình còn ở lại nơi này để chờ đợi tôi thì làm sao quan Chánh đường, một con người giàu lòng nhân ái, lại cứ để tôi phải sống xa gia đình một khi nhiệm vụ của tôi đã kết thúc? Mà dù quan Chánh đường có muốn điều ấy đi nữa thì qua nhiều lần van nài, lấy lý do tuổi tác và ước nguyện sống những ngày còn lại cạnh mình và con cháu, thế nào tôi cũng sẽ được sự chấp thuận của ông ta.
Trong niềm mong muốn thuyết phục được bà, ông thấy sôi nổi hẳn lên tưởng như chính ông cũng tin hoặc gần tin như vậy. Dù sao sua khi đã đưa ông vào tổ bò vẽ rồi quan Chánh đường cũng phải tìm một cách nào đó kéo ông ra chứ? Đó cũng là lẽ công bằng…tất nhiên khi đã thành công.
Sao, mình thấy tôi có lý không?
Họ quan sát lẫn nhau một hồi lâu, mắt người nọ nhìn sâu vào đôi mắt người kia như trong một cuộc đấu kiếm mà không có kiếm. Cuối cùng, bà là người đầu tiên quay nhìn sang nơi khác và nói:
thầy ơi! Dù nỗi đau xa cách thầy có khổ đến thế nào chăng nữa, thiếp đây buộc phải nhận rằng đó cũng là chuyện hợp lý. Giờ đây, thầy cho thiếp biết đã tìm phương cách tốt nhất để mau chóng trở về quê nhà, vậy thiếp còn dám bàn luận gì nữa? – bà nói thêm, giọng ngao ngán – Tuy nhiên, thiếp không khỏi nghĩ rằng những lời thầy phân bua hơn thiệt vừa rồi chưa nói lên được tất cả.
dù ông có niềm vui nho nhỏ là đã đánh lạc hướng được bà nhưng rồi ông quay sang bà với bộ mặt thất vọng:
Gì vậy nữa, mình ơi! Việc triệu hồi tôi về kinh đô, tự nó đã khá nặng lòng rồi, làm sao tôi còn giấu giếm mình điều gì nữa? Mà tôi thấy về phía mình, mình cũng nên vừa phải thôi.
Bà Tuyết có thể bị xao động bởi giọng nói phẫn nộ này nếu bà không kịp thời nhớ ra là ông thường nổi nóng khi chưa làm sao nói thật được lòng mình.
Bà thầm thì nhỏ nhẹ:
Xin thầy thứ lỗi cho sự dại dột của thiếp. mặc dù thiếp chỉ có một trí óc hạn hẹp nhưng sự gắn bó với thầy lâu nay đã cho thiếp biết thêm nhiều điều mà thiếp chưa bao giờ học được, vả chăng thiếp cũng không hiểu được hoàn toàn cho nên thiếp chỉ nói như vậy, không sao khác được. Và trong lúc này thiếp không nghi ngờ gì nữa khi thấy thầy chỉ còn lo đối xử với thiếp mà thôi. Hay thiếp bị nhầm chăng?
Không để mình bị nhẹ dạ, sau một lúc, ông xúc động cầm tay và âu yếm ôm lấy bà trong bóng đêm.
Mình ơi, tôi cũng muốn tránh cho mình khỏi bị liên luỵ nhưng nay thì việc đã rồi, tôi phải ra kinh đô, đó là sự thật duy nhất. Vậy mình nên khuây nguôi, bớt đi những lo lắng tự nghĩ ra và cứ xem chuyến đi này giống như mấy năm trước tôi đã ra đi học thuốc.
Không thể khai thác được gì hơn nữa, bà chuyển sang giọng đùa vui:
Làm sao thiếp có thể nghì như thế được khi thấy thầy luôn bảo đảm với thiếp đây là một cuộc đi hoàn toàn vô ích!
Thời gian ông vắng nhà, bà đã trải qua nhiều đêm trường sốt ruột bên chiếc gối lạnh, cả những ngày kéo lê đôi dép tân cuối đường làng để ngóng tin ông về. Thời gian ấy bà còn xuân thì. Nhưng giờ đây, ngoài sự đau lòng của cuộc chia ly lại cộng thêm nỗi lo lắng đầy bấp bênh xé ruột, họ còn gặp lại nhau nữa không đây? Bà không thể tự cấm mình suy nghĩ rằng lần ra kinh đô này, than ôi! Đâu phải là một cuộc đi có thời hạn dù là mấy năm đi nữa. Trên cõi trần ai này, làm sao cầm chắc được ai còn ai mất. Bị dày vò trong nỗi đau đớn cùng cực, bà lặng lẽ nhìn ánh sáng những ngọn đèn và nghì rồi chính bà cũng vĩnh viễn tắt ngấm, vĩnh viễn chống chọi với bóng đêm. Rõ ràng ông có nhiều lo lắng để chở che cho bà nhưng liệu ông còn giấu bà điều gì nữa không? Sự thật còn khủng khiếp như thế nào? Chao ôi! Chẳng thà như những cặp vợ chồng già lâu nay ràng buộc với nhau bởi lòng đố kỵ chớ đâu phải bằng tình yêu, chắc chắn bà thấy còn đỡ đau đớn hơn! Nghĩ vậy bà thấy thẹn lòng. Nay nếu vì số phận cay nghiệt buộc chăn gối vợ chồng xa nhau, chân tay phải chia lìa nhau, bà phải sống sao cho phù hợp với dư luận lâu nay của bà con họ hàng hay nhìn nhận về bà là một con người có bản tính trầm tĩnh và luôn hành động phù hợp với mọi hoàn cảnh xảy ra.
Thưa thầy yêu quý, thầy không phải ra kinh đô để học tập nghề y mà là để hành nghề, thiếp đây đặt trọn toàn bộ hy vọng vào khả năng và cả tính ngoan cường của người miền núi như thầy để rồi thầy sẽ trở về nhà… - rồi bà nói thêm, vẻ hiểu biết – Cho dù người mà thầy chữa bệnh có là ai đi chăng nữa.
Luồng ý nghĩ biết ơn trào dâng làm ấm lòng Lê Hữu Trác. Dù rằng bà có một sự tinh nhạy đến đáng sợ, song ông không hề mong muốn trong kiếp sau có người bạn đường nào khác. Một phần vì đối với nhau họ không bao giờ quá giữ gìn theo lề lối Nho giáo, một phần vì hoàn cảnh đang cho phép, ông nói ngay với bà:
Nhưng mình yêu quý ơi, còn có việc gì nữa?
Bà lấy tay âm thầm lau dòng lệ.
Than ôi! Thiếp vừa tự hỏi, vì sao phải trả bấy nhiêu hạnh phúc cho sự chia ly này.
Rồi đây ở kinh kỳ xa xôi, ai lo toan những điều nhỏ nhặt hàng ngày cho ông để ông được vui lòng. Nơi đó, ai là người nâng khăn sửa túi cho ông? Bao nhiêu lo lắng làm cho bà không sao chợp mắt được. Bà đang tìm cách tốt nhất để ông đồng ý cho Lan, người đầy tớ gái duyên dáng và tận tuỵ nhất theo hầu, hoặc nếu không được thì cho Soạn, biệt hiệu Xoáy Trâu, cậu bé cưỡi ngựa trên mây – kẻ đã cúc cung tận tuỵ phục vụ ông chủ mình – được theo hầu.
Lúc này, về phía mình, Lê Hữu Trác nghĩ đến ba mươi năm qua, ông đã luôn cần mẫn và toàn tâm toàn ý lo cho bộ Y tông tâm lĩnh mà đến nay đã sắp hoàn thành. Nếu còn được Trời phù hộ, chuyến đi này sẽ cho ông cơ hội để hiến tặng bộ sách này cho công chúng và trường hợp ngược lại thì cũng nhận được một sự dung thứ nào đó…
Cứ vậy, hai ông bà cùng nhau trải qua một đêm trong tiếng mõ cầm canh.
"Vậy là chúng ta còn bao nhiêu thời gian nữa?" một câu hỏi mà bà Tuyết không ngừng nhắc đi nhắc lại mãi từ sáng sớm cho đến tối ngày, qua mọi ngóc ngách của ngôi nhà. Nơi này bà lấy từ trong rương rra những chiếc áo dài rồi áo kép và nơi kia bà gom lại những gì cần thiết cho đoạn đường dài và cả cho thời gian ở lại khá lâu nữa. Số phận bà đáng thương biết bao khi phải chịu đựng một sự bắt buộc tàn nhẫn cướp đi tất cả những dấu vết về sự có mặt của người chồng thương yêu. Tất cả những đồ vật ấy chẳng khác gì tự nó là những mẩu đời của ông vậy. Lòng bà héo hon đau đớn. có thể nào hạnh phúc xây dựng lâu nay, qua bao nhiêu năm tháng thay vì được củng cố thì với lần thử thách này, lại chỉ làm cho bà héo mòn đi với bao kỷ niệm trĩu nặng như thế này?
Bà chăm chút kiểm tra từng chiếc áo, chiếc quần và khi cần thì khâuvá lại rồi vuôt' đi vuốt lại cẩn thận từng nếp lụa hay sa tanh trước khi gấp một cách bất đắc dĩ. Cả chiếc mũ và bộ lễ phục nữa. Ôi, còn bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm nữa để còn được nghe tiếng nói và bước chân của ông đây?
Thật ra còn quá ít.
Đến giờ Thìn ngày hôm sau, hai phái viên của nha môn lại đến nhà mang theo lá thiếp của quan Thự trấn ghi rõ:
"Chính quyền trấn sở tại cho đưa đến cụ một chiếc thuyền chạy dọc theo sông và khi đến trạm thì phải neo lại.
Cụ nên đến ngay. Mọi sự chậm trễ về phần cụ có thể đem lại những phiền toái nặng nề".
Việc gì phải mang hoạ vào thân về tội bất kính quân mệnh – ai mà không sợ lệnh Chúa?
Lê Hữu Trác khẩn trương để ngày mai, ngày mười bốn tháng này mời nhiều bạn bè và học trò đến dự cuộc đại lễ dâng lên Đức Khổng Tử, Vạn thế Sư biểu tại Văn Miếu trong làng. Và sau đó là một cuộc lễ mà nhiều bà con đến rất đông, người mang theo những bức trướng lụa, những gói chè Tàu, những buồng cau tươi, người mang đến thịt lợn, gạo nếp và nhiều phẩm vật chúc mừng khác. Và người mười sáu, đêm trước ngày ra đi của vị thầy mình, đến lượt các học trò còn tổ chức một bữa tiệc khác kèm thêm hát xướng nữa.
Bà cũng biết là trong những cuộc họp mặt như vậy, ông nhà không kéo dài đến quá canh ba, huống chi đêm nay là đêm tâm sự cuối cùng. Bà đợi ông.
Khi ông nhìn bà ngồi trên chiếc võng dưới hàng hiên, búi tóc lờ mờ buộc lại sau gáy và đôi bờ vai mềm mại sau chiếc áo dài thêu, tuy vừa rồi vài ly rượu có làm cho ông hưng phấn nhưng ông cảm thấy một niềm xúc động sâu sắc làm tâm can ông càng phiền não và lo lắng. Trong khi ông lo bà đêm nay sẽ khóc lóc nức nở với bao tiếng thở dài và rên rỉ thì trái lại bà xác định cho mình một thái độ vững vàng và đã không ngớt lời động viên ông. Và cứ thế cho đến khi trời sáng, họ nói với nhau những lời tạm biệt cuối cùng đầy nồng nàn và xiết bao xúc động.
Cho đến lúc họ sắp rời căn phòng ấm cúng này và nghĩ rằng từ nay không còn một giây phút riêng tư nào nữa, bà nhẹ níu người ông qua vạt áo.
Thầy mình ơi! Xin thầy chăm lo cho mình nhiều hơn nữa thầy nghe.
Một nụ cười nhẹ run rẩy sau làn nước mắt, một sự âu yếm nồng nàn toát ra từ người bà. Ông cảm thấy hoàn toàn bị lôi cuốn. Trong nhoáng mắt, bao hình ảnh hỗn loạn của quá khứ xâm chiếm ông, ông nắm lấy tay bà, ghì lại hồi lâu, vô cùng trìu mến với ấn tượng gắn bó mãi như thế này trước phút chia tay cuối cùng. Tâm trạng ngao ngán, ông bước tới áng thờ, thành kính dâng hương kính cáo gia đường về chuyến ra đi này.
Ông đã cho gom lại hành trang của mình trong mấy chiếc hòm gỗ, một chiếc đựng áo quần, chiếc thứ hai có nhiều áng sách, thêm vào một túi vải chứa bộ Bách Khoa cùng chiếc thất huyền cầm và thanh kiếm. Cuối cùng ông xúc động nói với cả nhà lời từ biệt và những câu khuyên dặn thường lệ. Bé Lâu, đứa cháu nội lên năm không chịu để ông ra đi, nó cứ gào khóc và ôm lấy ông.
Ông nói nhẹ nhàng nhằm xoa dịu cháu:
Nào, cháu cưng của ông ơi, cứ đến rằm thì trăng lại tròn thôi. Ông nội sẽ về nay mai thôi!
Bé ngắt lời ông bằng tiếng nấc làm rung hai bím tóc nhỏ:
Bao giờ ông nội sẽ trở về đây?
Khi ông kết thúc cuộc hành trình này nơi kia đàng sau rặng núi xa cháu ạ.
Đôi mắt thơ ngây nhìn theo cử chỉ của ông nội trong khi những giọt nước mắt tràn ra, lăn xuống gò má như những hạt đậu nhỏ. Rồi khuôn mặt bé cau lại:
Vậy thì còn lâu lắm, lâu lắm, ông nội ơi!
Bé thét vang lên bằng cả nỗi tuyệt vọng khiến cả nhà không làm sao ngăn được niềm xúc động của bé.
Bà Tuyết ngước mắt ra hiệu cho cô dâu vào kéo cháu đi, bé càng tức tối vung mạnh tay, miệng gào gọi ông với những tiếng kêu xé ruột.
Mặt trời bắt đầu nghiêng xuống trong bóng cành rung rinh của những cây đinh tán. Không thể nào chậm lâu hơn được nữa.
Ông đột nhiên quay gót, theo sau có Soạn cùng đi với ông ra tận kinh thành, tiếp theo cả một đoàn gồm có cụ Chúc đi đầu, nhiều gia nhân gánh vác rương hòm, nhiều bạn bè và học trò đưa tiễn. Vị lương y của chúng ta từ biệt ngôi nhà ẩn cư thân yêu đất Hương Sơn này mà không dám ngoảnh lại nhìn.
Vào ngày mười bảy tháng này, tại trạm bờ sông, một chiếc thuyền mành oai vệ của quan đầu tỉnh đang chờ ông. Ông lên thuyền khi mặt trời dần khuất về phía Tây.
Ngồi sau lái, ông thấy chiếc thuyền động đậy và rời bến. Những bàn tay vẫy vẫy. Những lời chúc thân thương gửi theo mà ông không còn nghe rõ được tiếng nào. Với nhịp đều đặn của mười một tay chèo, thuyền ra giữa dòng sông nhằm hướng doanh trại Vinh. Một con én bay qua làm ông ngẩng đầu. Nơi xa kia, cây cối Hương Sơn mờ nhạt đi trong nắng chiều thấp xuống, giờ chỉ còn là những chiếc bóng nhỏ xaxa trên đồi núi lùi dần theo dòng nước chảy quá nhanh, trong khi ý nghĩ của ông lại diễn ra quá chậm chạp. Ông cũng tự thấy lạ lùng vì chẳng còn cảm nhận được gì khác ngoài cảm giác chóng mặt. Ông lặng lẽ kêu trời một tiếng, nhưng trời cao lại rỗng không.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: Chiếu chỉ của nhà vua. Để phù hợp, tạm dịch là mệnh lệnh của nhà Chúa…Chúa Thượng