Một buổi sớm mai, Ba Trâm đưa chồng sau lên xe hơi đi về Mỹ-Tho rồi cô trở vô nhà nằm trên cái ghế xích đu mà xem mấy tấm hình của cô mướn thợ chụp, cô mới lấy về hồi hôm.
Cô bận một bộ đồ mát bằng lụa mỏng, màu bông hường; nước da cô đã trắng, mà nhờ màu áo giọi thêm, làm cho nhan sắc của cô pha vẽ lả-lơi với vẽ nghiêm nghị, nên coi đẹp-đẽ vô cùng.
Cô nằm lúc-lắc cái ghế mà coi hình, bỗng thấy có người bước lên thềm.
Cô ngó ra thì thấy có một người đờn ông, mặc áo bành-tô xanh, quần vải đen, đương xâm-xâm đi vô cửa; mới ngó thoáng qua thì cô biết là Cặp-rằng Mậu, nên cô ngồi dậy làm mặt nghiêm mà hỏi rằng: “Chú đi đâu?”.
Mậu ngó ngay Ba Trâm và cười mà hỏi lại rằng:
- Trời đất ơi! Mình quên tôi hay sao nên kêu tôi bằng chú?
- Tôi nhớ chớ. Chú là Cặp-rằng Mậu chớ ai.
- Nếu biết tôi là Cặp-rằng Mậu, sao lại kêu tôi bằng chú?
- Vậy chớ chú muốn tôi kêu chú bằng cái gì?
- Hồi trước mình kêu tôi bằng gì?
- Hồi trước khác, bây giờ khác.
- À! Bây giờ mình có chồng khác, nên mình phải kêu tôi bằng chú hả?
- Phải.
- Tôi xin mời chồng mình ra đây cho tôi nói chuyện một chút.
- Chồng tôi không có ở nhà.
- Vậy chớ đi đâu?
- Chú không có quyền gì mà được tra hỏi việc nhà của tôi.
Ba Mậu nghe mấy lời ấy thì châu mày xụ mặt coi bộ giận lắm. Anh chống tay trên một cái bàn nhỏ, đứng ngó Ba Trâm mà hỏi rằng: “Thiệt mình lấy chồng khác hay sao mình?”
Ba Trâm gật đầu, song mắt ngó chỗ khác, chớ không ngó Ba Mậu.
Ba Mậu đứng trân trân một hồi rồi lắc đầu nói rằng:
- Thiệt tôi không dè mình nhẫn tâm đến thế! Bây giờ mình muốn cho tôi xử trí cách nào, đâu mình nói cho tôi nghe coi?
- Tôi muốn chú đừng léo hánh đến nhà tôi nữa, bởi vì bây giờ tôi có chồng, mà vợ chồng tôi có hôn thú hẳn hòi, nên chú đến nói bậy bạ, sợ e chú phải mang họa.
Mậu đập tay trên cái bàn một cái rầm mà la lớn rằng: “Mang họa! Mang họa! Mình phải biết cái thân khốn nạn nầy mà còn sợ gì nữa! Nãy giờ mà tôi không móc họng, bẻ cổ mình đó, là vì... là vì tôi thương mình quá, nên không nỡ đụng tới mình đó mà thôi chớ”.
Ba Trâm đứng dậy nói rằng: “Nè, tôi nói cho chú biết, nếu chú ào ào trong nhà tôi, tôi sẽ kêu lính bắt chú liền bây giờ đây cho chú coi”.
Mậu té ngồi trên một cái ghế, rồi chống tay lên trán mà khóc.
Ba Trâm thấy vậy thì cười mà nói rằng:
- Tôi khuyên chú hãy về đi.
- Mình đuổi tôi hay sao?
- Vậy chớ chú có quyền gì mà được tới nhà tôi ngồi mà khóc?
- Cho tôi ngồi đặng tôi khóc một chút, cho hơi giận nó hạ xuống, kẻo bể cái ngực, nứt cái đầu tôi bây giờ đây, biết không? Hổm nay người ta nói mà tôi không tin, bây giờ tôi mới thấy rõ ràng mình không còn một chút tình gì với tôi nữa hết.
- Thôi, chú khóc rồi thì đi về đi.
- Khoan, đi được đâu. Nếu mình muốn cho tôi đi, thì phải đem trả mười chín ngàn chín trăm đồng bạc của tôi lại cho tôi, rồi tôi mới đi.
- Bạc gì mà đòi? Tôi có thiếu nợ chú hay sao?
Ba Mậu đứng dậy trợn mắt hỏi rằng:
- Mình không nghĩ tình tôi, mình bỏ tôi mà lấy chồng khác, mà mình còn đoạt tiền bạc của tôi nữa hay sao?
- Tôi đoạt tiền bạc của chú hồi nào?
- Tôi chận đường mà cướp giựt của người ta đem về giao cho mình gần hai muôn đồng bạc đặng mình nuôi con. Mình đã không nuôi con tôi, mà mình lại lấy chồng khác, vậy thì mình phải trả tiền bạc đó lại cho tôi chớ.
- Tôi có biết tiền bạc gì đâu.
- Mình chối hả?
Ba Mậu đưa tay chờn-vờn muốn nắm cổ Ba Trâm. Ba Trâm kinh hải nên vừa la vừa chạy. Lúc ấy có một cô nhỏ, chừng 20, 21 tuổi, mình mặc áo sơ-mi, đầu bỏ tóc xõa, ở trong buồng bước ra nạt rằng: “Thằng cha kia, muốn cái gì hử?”.
Mậu ngó cô ấy, rồi cười ngỏn-ngoẻn mà hỏi rằng:
- Con Hào phải không? Năm nay con tôi bây lớn lận hay sao?
- É! Con cháu gì nà! Đi ra, đi cho mau.
- Con cũng đuổi ba nữa hay sao?
- Không biết cha con gì hết, cha gì vậy?
Mậu đấm ngực than rằng: “Trời đất ơi! Vợ bạc tình, con bạc nghĩa, cái đời gì mà khốn nạn như vậy nè!”
Cô Hào nguýt một cái rồi bỏ đi lại cửa sổ mà đứng.
Mậu lắc đầu, rồi thủng thẳng đi ra cửa, đi nghiêng qua ngả lại, bộ như kẻ không hồn. Ra tới đường thì đầu nặng như treo đá, ngực nóng như lửa đốt, cặp mắt đổ hào-quang, không thế đi nữa được, nên ngồi trên lề đường, cứ ngó sững trước mặt, không giận, không khóc, mà cũng không cựa quậy.
Lúc ấy Hiệp với cô Lê ở trên đầu đường, đương xâm-xâm đi lại. Hiệp vừa thấy dạng cha ngồi thì chạy riết lại rồi vịn tay trên vai cha mà nói rằng: “Trước khi đi làm, con có dặn ba ở nhà mà nghỉ, đừng có đi đâu hết, sao ba lén đi vô trong nầy làm gì?”
Mậu ngó con mà cười hịt-hạt, song không nói chi hết.
Cô Lê đi tới, cô kêu mà nói rằng: “Bác Ba, bác đi đâu vậy? Tôi mắc lui-cui dưới bếp, lo chế cà phê cho bác uống, còn má tôi thì mắc lo tiếp khách, bác lỏn đi đâu mất, làm tôi hết hồn hết vía, nên chạy xuống Hãng kêu anh Hiệp đặng đi kiếm bác đây. Bác làm giống gì mà ngồi đây?”
Mậu cứ cười hoài. Cô Lê thấy có một cái xe thổ mộ chạy ngang, cô bèn kêu ngừng lại, rồi hối thúc Mậu lên xe mà về. Khi Hiệp dắt cha lên xe, thì Mậu nói: “Tao đi lạc đường vì tao tính sai, nên mới ra cớ sự như vậy đó”.
Xe về tới tiệm. Hai Tiền chạy ra mừng và hỏi Mậu đi đâu. Mậu cười mà đáp rằng: “Tôi đi thăm mẹ con con Hào, hai đứa nó làm giống gì mà đi kiếm lộn-xộn quá”.
Hai Tiền nói: “Thăm viếng mà làm gì. Anh Ba nằm nhà mà nghỉ có lẽ tốt hơn nhiều”.
Mậu lên lầu rồi nằm dài trên ván, không nói chi nữa hết. Hiệp để cho cha nghỉ một lát, rồi òn-ĩ hỏi thăm coi cha vô Chợ-Quán vậy mà có gặp mẹ con Ba Trâm hay không. Mậu không chịu nói tới chuyện ấy, mà lại cứ nói: “Tao đi lạc đường”.
Hiệp coi bộ cha mệt, nên không dám hỏi nữa. Mậu cứ nằm thiêm-thiếp, tới trưa dậy ăn cơm, rồi cũng nằm lim-dim hoài, không lộ sắc buồn hay giận chút nào hết.
Tối lại, khi tiệm đóng cửa rồi, Hai Tiền mới lên lầu, thấy Mậu đương ngồi hút thuốc tại bộ ghế salon, Hiệp đứng xớ rớ gần đó, còn cô Lê thì ngồi dưới bóng đèn khí mà thêu khăn. Thím lại ngồi ngay trước mặt Mậu mà nói rằng:
- Em có một việc nhà, em muốn tỏ với anh Ba, song mấy bữa rày em thấy anh Ba không được vui, nên không dám nói.
- Thím có việc gì thì cứ nói ra. Người như tôi thì còn biết buồn hay là còn biết vui gì nữa mà thím ngại.
- Không phải chuyện gì lạ. Em muốn nói chuyện hai đứa nhỏ đây. Em xin tỏ thiệt với anh Ba, em nuôi thằng Hiệp trong nhà mấy năm nay, em thương nó cũng như con ruột của em vậy. Nó với con Lê đã lớn tuổi rồi, mà em coi ý hai đứa nó thương yêu nhau lắm. Mấy năm nay em muốn gả con Lê cho thằng Hiệp đặng chúng nó có đôi bạn mà làm ăn. Em có tỏ ý ấy với thằng Hiệp, thì nó nói nó thương con Lê thiệt, ngặt vì anh mắc trong chốn lao tù, nó buồn bực hoài, nên không đành cưới vợ, nó đợi chừng nào anh mãn tù, anh về, nó xin phép anh rồi sẽ tính việc hôn nhơn. Nay anh Ba về rồi, vậy em xin anh Ba nghĩ thử coi có nên cho hai đứa nó kết nghĩa vợ chồng với nhau hay không?
Mậu quăng điếu thuốc rồi day qua hỏi Hiệp rằng:
- Mầy muốn cưới vợ sao Hiệp?
- Thưa ba, thím Hai nuôi con mấy năm nay, ấy là ơn nặng, mà lúc con đau, cô Lê cực khổ săn sóc con, nên con mới khỏi chết, ấy là nghĩa dài. Ơn nghĩa ấy con không bao giờ mà quên được. Đã vậy mà con ở chung một nhà với cô hai Lê năm năm nay, con yêu nết, con mến tình cô lắm; con chắc nếu con được một người bạn trăm năm như cô, thì gia-đình của con hạnh phúc nhiều lắm vậy.
- Hạnh phúc! Mầy cũng muốn đi lạc đường nữa! Làm thế nào kìa, chớ có phải cưới vợ mà đặng hạnh phúc đâu mầy. Vậy chớ mầy không thấy thân tao đây hay sao, mà mầy còn muốn có vợ?
Hiệp cúi đầu, không biết lấy lời chi mà đáp với cha. Hai Tiền cũng ngồi lặng thinh, song sắc mặt buồn lắm.
Cô Lê buông đồ thêu và bước lại mà nói rằng: “Bác Ba nói vậy thì tôi nghiệp cho phận đờn-bà con gái lắm. Bác thương vợ thương con, mà bị vợ con phụ bạc, làm cho bác uất ức trong lòng, nên bác cho gia đình là cái ngòi phiền não, chớ không phải là cái nền hạnh phúc. Cháu xin phép bác cho cháu cãi lại đôi lời. Đờn-bà có người quấy, mà cũng có người phải, chớ không phải hết thảy đều là phường vong ân bội nghĩa đâu. Xin bác Ba nghĩ lại”.
Mậu ngó sững cô Lê, rồi chẫm rãi nói rằng: “Thằng Hiệp lớn rồi, nó muốn thế nào tự ý nó, tôi ngăn cản sao được. Nhưng vì tôi là cha nó, nghe nó muốn cưới vợ, tôi phải nhắc chuyện của tôi cho nó nhớ, chớ không phải cản. Vợ con! Vợ con! Tôi vì vợ con mà phải bị đày mười năm, mà có lẽ nay mai đây, tôi còn phải chết với vợ con tôi nữa cho mà coi!”
Hai Tiền nghe mấy lời thì biến sắc, nên lật đật khuyên rằng:
- Anh Ba đừng có nói như vậy, không nên. Em xin anh Ba hãy quên hết chuyện cũ đi, đừng thèm nhớ tới vợ con hay là tiền bạc làm chi. Thằng Hiệp nó cưới con Lê rồi, vợ chồng nó làm mà nuôi nhau cũng được vậy.
- Không nhớ chuyện cũ sao được.
- Anh cho chuyện cũ là một giấc chiêm bao, không có chi là thiệt sự, rồi tự nhiên trí anh bình tĩnh, ít ngày anh sẽ quên được.
- Khó lắm! Tại thương nhiều nên phải giận nhiều, tại khổ quá, nên oán phải lớn!
- Giận làm chi. Ai ở quấy thì để cho ông trời phạt họ, mình không nên oán hận.
- Không có ông trời; mà dầu có ông trời đi nữa, ổng ở trên cao quá, ổng có biết việc ở thế gian đâu.
- Em tin chắc có ông trời, mà ổng công bình lắm, hễ ai làm phải thì ổng thưởng, còn ai ở quấy thì ổng phạt. Thủng thẳng để rồi anh coi mà.
Mậu không cãi nữa, đi lại bộ ván mà nằm.
Trong mấy ngày sau, Mậu không đi đâu hết, mà cũng không muốn nói chuyện, ăn cơm rồi thì cứ nằm gác tay qua trán, mà cặp mắt coi đỏ au. Hai Tiền thấy Mậu không vui, nên không dám nhắc tới chuyện hôn nhân, tính đợi ít ngày cho Mậu khuây lảng rồi sẽ bàn lại.
Cách ba ngày sau, lúc gần sáng, Hiệp thức dậy không thấy cha nằm trong mùng như mấy bữa trước. Hiệp lấy làm lạ, lật đật đi xuống từng dưới mà kiếm cha, kiếm phía sau phía trước đều không có, mà lại thấy cửa tiệm có một cánh không gài chốt, chỉ khép sơ mà thôi. Hiệp biết cha thừa lúc trong nhà ngủ hết, lén mở cửa mà đi rồi, thì trong lòng lo sợ, nên lật-đật trở lên kêu Hai Tiền mà cho thím hay.
Hai Tiền nghe nói thì thất kinh, nên chắt lưỡi than rằng: “Cha chả! Thím sợ lắm cháu ơi! Bữa hổm ngồi nói chuyện, thím coi ý anh Ba oán hận tụi đó lắm. Thím sợ ảnh trốn mà đi đây, không phải đi chơi đâu. Cháu phải đi kiếm ảnh mới đặng”.
Hiệp thay đồ mà đi liền, rồi cách một lát cô Lê cũng đi nữa.
Hiệp với Lê, mỗi người một ngã, đi trọn hai ngày, đi luôn tới ban đêm nữa, mà cũng không gặp Mậu ở đâu hết. Qua bữa thứ ba, Hiệp xuống tới Bến-Thành, gặp trẻ nhỏ bán nhựt-trình, mới mua một số. Vừa mở ra thì thấy trương đầu có bài như vầy:
Mẹ con bị giết tại Chợ-Quán
Hồi hôm nầy, tại Chợ-Quán, có xảy ra một vụ sát nhơn, hai mẹ con đều bị giết một cách rất ghê gớm,
Cô Ba Trâm ở một cái nhà nền đúc, theo đường Nhà thờ Chợ-Quán, với đứa con gái của cô tên là Hào, tuổi đương xuân xanh. Hai mẹ con ngủ nhà trên, còn bồi và sớp-phơ thì ngủ nhà bếp. Đêm hồi hôm, gian-nhân cạy cửa sổ, xeo song sắt, rồi chun vô nhà trên, đâm chém chết hai mẹ con, mà tôi tớ không ai hay hết. Đến sáng, người đầu bếp thấy mặt trời mọc đã cao rồi, mà cô Ba Trâm chưa thức dậy, nó bèn gõ cửa kêu đặng lấy tiền đi chợ. Kêu không được, nó đi vòng ra phía trước, thì thấy có một cánh cửa sổ mở hé. Nó bước lại kéo bét ra, thì thấy có dấu cạy, còn song sắt thì cong vòng, làm thành một lỗ lớn chun vô chun ra được. Nó kinh hãi mới tri hô lên và biểu người bồi đi báo Cò bót.
Ông Cò và lính lại tới, phá cửa vô nhà, thì thấy cô Hào nằm trên vũng máu trước cửa buồng của mẹ, còn trong buồng ấy, thì cô Ba Trâm cũng nằm trên vũng máu nữa, mẹ con bị đâm bị chém nhiều vết, nên chết đã lạnh ngắt.
Xét trong nhà thì đồ đạc còn y nguyên, không mất món nào, tủ không cạy, thậm chí đồ nữ-trang của hai mẹ con đeo, gian-nhân cũng không lấy. Do theo đó mà suy, thì ai cũng quả quyết hung thủ giết mẹ con cô Ba Trâm là vì oán thù, chớ không phải muốn lấy của.
Vụ nầy ông Cò đã báo tin cho quan Biện-lý hay rồi, và Tòa mới mở đường tra vấn. Để có nghe tin gì thêm, rồi số báo sau sẽ tường thuật.
Hiệp đọc hết bài nhựt-trình rồi thì mồ hôi nhỏ giọt, quầy quả trở về Đakao mà thông tin cho hai mẹ con Hai Tiền hay. Về tới tiệm, Hiệp đi thẳng lên lầu. Hai Tiền với cô Lê thấy mặt Hiệp khác sắc thì lo sợ, nên lật đật tuốt theo. Hiệp đọc nho nhỏ bài nhựt-trình lại cho mẹ con Hai Tiền nghe. Hai Tiền ứa nước mắt mà than rằng: “Sợ hết sức mà không khỏi! Cha chả! Không biết ảnh trốn khỏi hay không. Thôi, đừng có kiếm nữa mà lậu sự”.
Hiệp nghe lời nên không dám đi kiếm nữa. Mà ở nhà thì không yên trong lòng, nên cứ đi ra đi vô, nhăn mặt châu mày hoài.
Sáng bữa sau, Hiệp mua một số nhựt-trình nữa, thì thấy có một bài như vầy:
Vụ sát-nhơn trong Chợ-Quán, mà bổn báo đã thông tin hôm qua, nghe rõ Tòa tra xét đã có mòi kết quả. Theo cuộc phỏng vấn của bổn báo, thì trước đêm cô Ba Trâm bị giết đó, hồi chiều có thầy C... ở Sàigòn, là cựu tình-nhân của cô Hào, đến nhà cô Ba Trâm mà thăm. Thầy C... trách cô Hào bạc tình, hai người rầy rà với nhau, rồi thầy C... có lời hăm cô Hào. Bởi cớ đó nên Tòa nghi, mới bắt thầy C... Tuy thầy C... chối hoài, thầy khai trong đêm hai mẹ con cô Ba Trâm bị giết đó, thầy ở tại nhà hàng khiêu-vũ với nhiều anh em bạn, đến bốn giờ khuya thầy mới về. Tuy Tòa hỏi chứng, thì cũng quả như vậy, mà coi dấu lăn tay của thầy C... thì không giống với dấu tay mà Tòa chụp hình tại cửa sổ và trong nhà cô Ba Trâm, song Tòa cũng còn nghi, nên chưa thả thầy C...
Hiệp với hai mẹ con Hai Tiền đọc bài nầy thì bớt lo sợ một chút, song ba người cũng cứ bàn bàn luận luận ở trên lầu hoài, nằm ngồi không yên.
Đến trưa, một cô thợ may lên lầu nói với Hai Tiền rằng có một người đến thăm và xưng là Sáu Thêm. Hai Tiền biểu cho lên.
Sáu Thêm vừa thấy mặt Hai Tiền thì hỏi rằng: “Con của anh Ba Mậu còn ở đây hay không?”
Hai Tiền, cô Lê và Hiệp nghe hỏi đều rởn ốc cả mình.
Hai Tiền gượng mà hỏi rằng:
- Em hỏi chi vậy, em Sáu?
- Tôi kiếm đặng cho nó hay, anh Ba Mậu chết rồi.
- Trời đất ơi! Chết ở đâu? Chết hồi nào?
- Hồi khuya nầy ảnh nhào xuống sông bên Lăng-tô ảnh tự vận; mới vớt thây ảnh đặng hồi nãy đây. Cò bót đang sửa soạn chở ảnh qua nhà mổ, đặng cho quan thầy thuốc khán nghiệm, nên tôi lật đật qua cho chị hay.
Hiệp với cô Lê khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Hai Tiền than rằng: “Chuyện gì mà phải tự vận cho thiệt mạng không biết! Đã đi lạc đường một lần rồi, tôi hết sức muốn kéo ảnh vô đường phải, mà ảnh còn đi lạc một lần nữa!”
Sáu Thêm bước lại đứng gần mà nói nhỏ rằng: “Ảnh sống làm sao cho đặng chị; sống rồi bị chết chém, hoặc bị đày chung thân cũng vậy. Thà là chết phức cho rồi”.
Hai Tiền ngó Sáu Thêm mà hỏi rằng: “Té ra việc Chợ-Quán đó, ảnh hay sao?”
Sáu Thêm gật đầu, song ra dấu biểu đừng hỏi nữa.
Hai Tiền lắc đầu nói rằng: "Hèn chi bữa hổm ảnh nói: tại tình sâu nên oán phải nặng, ảnh phải chết với vợ con, ảnh nói như vậy thì tôi đã sanh nghi rồi. Thôi Hiệp, cháu phải tỉnh trí mà lo xin xác chôn cất anh Ba cho ấm cúng. Cháu đừng có buồn rầu làm chi. Tại cái mạng anh Ba phải như vậy nên hồi trước trời khiến ảnh đi lạc đường, rồi bây giờ ảnh mới tới chỗ đó. Mình khóc hoài, ảnh cũng không sống lại được, hay hơn là mình ngậm miệng để lo cho ảnh. Thằng Sáu, em nói họ đem xác ảnh vô nhà xác phải không?"
Sáu Thêm đáp rằng: “Phải, hồi tôi đi đây thì họ sửa soạn chở xác ảnh, có lẽ bây giờ họ đã tới rồi. Nhà mổ ở gần đây, thôi mình sửa soạn mua hòm rương cho sẵn, đặng hễ mổ rồi thì mình xin phép tẩn liệm đem xác đi chôn”.
Hai Tiền nhứt diện cậy Sáu Thêm đi với cô Lê đến nhà cho mướn đồ âm-công thương lượng mà mua hòm và mướn nhà vàng, còn nhứt diện đi với Hiệp lại nhà mổ mà chờ đặng xin lãnh xác.
Chôn cất Ba Mậu tốn hao bao nhiêu, Hai Tiền bao chịu hết. Đám táng xong rồi, tối lại Hiệp mới lạy mà tạ ơn Hai Tiền và tỏ ý muốn lên núi kiếm chỗ thanh tịnh ở mà tu, không chịu lẩn-quẩn ở trong vòng trần gian, là cái lò phiền não.
Cô Lê vừa nghe Hiệp nói muốn đi tu thì cô không e lệ chi hết, tuy có mẹ ngồi đó, song cô bước lại hỏi Hiệp rằng:
- Tại sao anh đòi đi tu?
- Đời gay go cay đắng như vầy, có vui sướng gì đâu mà không xa lánh cho rồi!
- Thế gian tự nhiên như vậy đó, có lạ gì. Mà sự cay đắng anh mới ngó thấy mà thôi, chớ anh chưa nếm, có chi đâu là điều chán ngán nên đi tu?
- Ngó thấy đủ ngán rồi, cần gì phải nếm. Mình thấy cái đường khổ, mình lo tránh trước, có lẽ hay hơn.
- Em sợ anh tính lầm. Thế gian là khổ hãi; loài người ở trong ấy tự nhiên chịu khổ, tránh đâu cho khỏi được. Anh thấy bác Ba đi lạc đường, anh muốn tránh đường đó mà bước qua đường khác. Anh nghĩ mà coi, đường nào cũng ở trong thế gian, có đường nào mà không khổ. Khổ hay là không khổ đều tại nơi tâm của mình mà thôi. Nếu mình cứ làm phải hoài, dầu mình phải chịu khổ đi nữa, trí mình cũng an, lòng mình cũng khỏe.
Hiệp ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi than rằng: “Cái đời của tôi từ nhỏ không có mẹ, rồi từ nay lại không có cha nữa. Còn ai thương tôi, còn ai cho tôi thương nữa mà tôi còn phải liều thân chịu khổ, đặng ở chốn thế gian nầy?”
Hai Tiền nói: “Còn qua đây; qua làm mẹ cháu, qua thương cháu cũng như mẹ cháu vậy”.
Cô Lê cũng nói: “Lại còn em đây nữa; em cũng thương anh, mà em lại trọng anh, chớ không phải như con Hào vậy đâu”.
Hiệp ngó Hai Tiền rồi ngó cô Lê, rưng rưng nước mắt mà đáp rằng: “Cám ơn”.
Vĩnh-Hội, Septembre 1937