Cách năm năm sau nữa.
Hiệp bây giờ đã được 24 tuổi, tướng mạnh mẽ, nước da sậm, chớ không phải đau ốm mét xanh như hồi ở Chứa-chan mới về đó vậy.
Vì Hiệp quyết chí kiếm công việc mà làm cho giải khuây lòng phiền não, nên thím Hai Tiền nhờ tiệm may mà thân thiết được với nhiều bà, nhiều cô, chừng thấy Hiệp thiệt mạnh rồi, thím mới nói với bà phó chủ Hãng dầu mà gởi Hiệp vô làm trong Hãng; ăn lương mỗi tháng được ba chục đồng bạc.
Một buổi trưa, thím Hai Tiền ngồi trong tiệm đương sửa soạn hàng mà giao cho mấy cô thợ may, thình-lình anh sáu Thêm ghé lại hỏi rằng: “Chị Hai, mấy tháng nay chị mạnh giỏi hả?”
Nguyên Sáu Thêm hồi trước làm cu-li cho Hãng gạo bên Xóm-Chiếu, nên thím Hai Tiền quen nhiều, bởi vậy thím nghe hỏi thì thím ngó ra mà đáp rằng:
- Ờ, mạnh. Em đi chơi phải không em Sáu? Mấy tháng nay em đi đâu mất biệt vậy em?
- Tôi bị ở tù hết tám tháng, mới mãn hôm qua đây.
- Ủa, sao mà ở tù?
- Đánh lộn, tôi chém thằng đó đứt hai ngón tay, nên bị án.
- Bất nhơn dữ không! Qua có hay đâu. Ngồi đó chơi em Sáu.
Sáu Thêm bèn ngồi trên ghế để dựa một bên cái máy may. Hai Tiền mở tủ lấy một đồng bạc mà đưa cho Sáu Thêm và nói rằng:
- Em lấy đồng bạc đi uống nước chơi. Lo làm ăn, đánh lộn làm chi mà phải bị tù tội không biết.
- Cám ơn chị Hai. Tôi có ham gây gổ với ai đâu. Tại hôm đó giống gì ám cho tôi, nên tôi dằn không được, mới sanh chuyện đó chớ.
- Ở trong khám cực lắm hả?
- Cái đó khỏi nói. Kêu là tù mà sướng nỗi gì. À, nè, tôi có gặp anh Ba Mậu. Chị biết ảnh không?
- Biết lắm chớ. Em gặp ở đâu?
- Gặp ở trong khám lớn. Ảnh gần mãn rồi, nên ở ngoài Côn-nôn họ gởi ảnh về.
- Phải. Anh Ba Mậu ở tù năm nay đúng mười năm, mà không biết bữa nào mãn. Qua nhớ ảnh bị bắt nhằm ngày mười ba tháng hai, song không hiểu ngày Tây nhằm ngày nào, nên tính không được.
- Ảnh nói với tôi tuần tới ảnh mãn. Ảnh có nói ngày nữa. mà tôi quên.
- Chắc tuần sau phải không? Để qua nói cho thằng Hiệp hay đặng nó xin phép tuần sau nó ở nhà nó đi đón ảnh.
- Thằng Hiệp nào?
- Con ảnh đó. Mấy năm nay nó ở với qua đây.
- Cha chả! Bà vợ của ảnh mấy năm nay làm nhiều việc khốn nạn quá, không hiểu ảnh tính làm sao.
- Ôi! Còn vợ con gì nữa mà nói! Không biết trong khám ảnh có nghe việc đó hay không?
- Không, ảnh không hay gì hết, nên gần mãn ảnh vui lắm.
- Em có nói cho ảnh nghe hay không?
- Không. Nói làm chi. Việc nhà của ảnh để ảnh về ảnh xử lấy. Thôi, để tôi kiếu chị Hai tôi đi chơi. Cám ơn chị nghe không chị Hai.
Sáu Thêm ra khỏi cửa, rồi kế Hiệp đi làm việc về, mình mặc một bộ đồ tây bố xám coi mạnh mẽ lắm. Hiệp đi thẳng lên lầu. Hai Tiền hớn hở đi theo sau lưng.
Cô Lê đương ngồi thêu khăn trên lầu, vừa thấy Hiệp ló lên thang thì kêu con Hà mà biểu dọn cơm.
Hiệp mới ngồi mở giày thì Hai Tiền nói rằng:
- Nè cháu, tuần sau đây anh Ba mãn đa.
- Cháu cũng biết tháng nầy mãn, song không hiểu ngày nào. Sao thím biết tuần tới mãn?
- Sáu Thêm ở tù về, nó mới ghé, nó nói gặp anh Ba trong khám. Anh Ba nói tuần tới đây ảnh mãn.
- Nếu vậy thì thứ bảy cháu xin phép ở nhà ít bữa đặng cháu đi đón ba cháu.
Cô Lê chen vô nói rằng: “Tôi cũng đi nữa”. Hai Tiền cản rằng: “Con đi làm chi, để thứ hai má đi với anh con, mình đón thứ hai không gặp thì đón hôm tối thứ ba, thứ tư, đón hết tuần tự nhiên phải gặp, chớ gì. Nè, mà thím dặn trước cháu: Hễ gặp anh Ba thì đừng có nói chuyện chị Ba với con Hào nghe không. Để mình rước ảnh về nhà rồi thủng thẳng mình sẽ xì ra, chớ nói gấp ảnh hay rồi ảnh buồn”.
Hiệp gật đầu mà đáp rằng: “Thím nói phải lắm, việc nhà để thủng thẳng năm ba bữa rồi mình sẽ nói. Còn đi đón, cháu đi một mình cũng được. Thím với cô Hai đi làm chi mất công”.
Hai Tiền nói: “Thím phải đi chớ. Con Lê ở nhà coi tiệm được mà. Vậy một lát, chừng con Hà dọn cơm rồi mình nên nói chuyện chi khác hơn là chuyện đi xuống cửa khám lớn đón rước Cặp-rằng Mậu”.
Sáng thứ hai, thím Hai Tiền đi với Hiệp xuống ngồi ngay cửa khám lớn, chờ không thấy chi hết, mới về ăn cơm, rồi buổi hầu chiều xuống đón nữa. Đón tới chiều thứ ba gần bốn giờ, Hai Tiền thấy có một người bận áo bành-tô xanh, quần vải đen, ở trong cửa khám bước ra đường, đứng ngó dáo dác. Thím ngó sững người ấy rồi la lớn rằng: “Anh Ba kia kìa cháu. Ảnh chớ ai! Anh Ba, anh Ba!”.
Hiệp chạy lại gần, thấy quả là cha nó, thì kêu lớn rằng: “Ba, ba, con đây ba. Con đón hai bữa rày”.
Ba Mậu ngó Hiệp trân trân, miệng cười ngỏn ngoẻn mà hỏi lạt lẽo rằng: “Vậy hả”.
Hiệp nắm cánh tay Ba Mậu mà dắt đi qua lề đường bên kia. Hai Tiền đi riết lại và nói rằng: “Mừng anh Ba”. Ba Mậu cười. Hiệp nói: “Thím Hai hồi trước ở một xóm với mình bên Vĩnh-Hội, ba quên hay sao?”
Ba Mậu gật đầu đáp: “Thím Hai Tiền mà, dễ quên không”.
Thím Hai Tiền nói:
- Phải, em đây. Em cũng đón anh Ba mấy bữa rày.
- Vậy hay sao? Sao biết bữa nay tôi mãn mà đón?
- Sáu Thêm nó nói nên mới hay chớ.
- Ờ. Sáu Thêm nó mãn hôm trước.
- Thôi, để mời anh Ba về nhà rồi sẽ nói chuyện. Cháu kêu ba cái xe kéo đi cháu.
Hiệp kêu xe. Ba Mậu ngó quanh quất rồi hỏi:
- Hiệp, còn dì mầy đâu?
Hai Tiền rước mà đáp rằng:
- Chị Ba không hay.
- Còn con Hào?
- Chắc nó cũng không hay.
- Ủa! Sao thằng Hiệp hay?
Hai Tiền không biết lời chi mà đáp cho xuôi, may nhờ ba cái xe kéo chạy lại, nên nói: “Thôi, mời anh Ba lên xe kéo mà về”.
Ba người bước lên xe. Ba Mậu cười hịt hạt mà nói lớn rằng: “Tôi bị đày mười năm, mà vợ con tôi được sung sướng, thiệt tôi khoái chí lắm”.
Hai Tiền với Hiệp ứa nước mắt, song không dám nói chi hết.
Ba cái xe lên tới Đất Hộ, ngừng ngay trước cửa tiệm. Cô Lê vừa thấy thì lật đật chạy ra xá Ba Mậu. Ba Mậu ngó cô trân trân. Hai Tiền nói rằng: “Con nhỏ tôi đó đa. Con Lê đó anh Ba quên nó hay sao?”
Ba Mậu gật đầu và cười, rồi đi theo Hai Tiền mà vào tiệm. Hai Tiền mời đi theo thẳng lên lầu; cô Lê trả tiền xe rồi cũng lên theo.
Hai Tiền mời Ba Mậu ngồi tại ghế salon rồi nói rằng:
- Tôi tưởng anh Ba ở trỏng chắc anh Ba ốm lắm, té ra không ốm, mà lại có da thịt hơn hồi trước nhiều.
- Tôi mập hơn hồi trước hay sao?
- Hơn nhiều, mà anh Ba coi già hơn, tóc bạc da giùn.
- Ở trong chốn lao tù mười năm mà không già sao được thím. Còn sống đây là may.
- Anh Ba về được thiệt em mừng quá.
- Tôi cũng mừng lắm. Mà mười năm nay tôi ở tù cực khổ, song tôi không buồn. Mình đã quyết chí thì buồn cái gì. Cực khổ một mình mà cả nhà được sung sướng, thì khoái lắm vậy.
Hai Tiền ngó Hiệp rồi biểu cô Lê coi mua đồ thêm đặng nấu cơm ăn cho sớm. Cô Lê đi xuống từng dưới, còn Hiệp thì đương thay đổi quần áo.
Ba Mậu ngó Hiệp mà hỏi rằng:
- Nhà nầy là nhà của ai vậy Hiệp?
- Thưa, nhà của thím Hai.
- Còn mầy ở đâu?
- Con ở đây nữa.
- Còn dì mầy với con Hào ở đâu?
- Ở trong Chợ-Quán.
- Ủa! Sao lại không ở chung với nhau?
- Thưa, con ở riêng.
- Bày ở riêng tư làm chi; ở chung với nhau không được hay sao? Thôi, để thăm thím Hai một chút rồi mầy dắt tao về nhà đặng tao thăm dì với em mầy chớ.
- Thủng thẳng rồi sẽ về ba, gấp làm chi.
- Xa cách nhau tới mười năm lận mà; dì mầy với con Hào nhớ tao lung lắm chớ. Về đặng cho mẹ con nó mừng một chút.
Hai Tiền thấy Hiệp bối-rối không trả lời được nữa, thì hớt mà nói rằng:
- Anh Ba mới ra, vậy anh Ba ở nhà em mà chơi ít bữa cho khỏe đã anh Ba.
- Bây giờ tôi khỏe lắm, có mệt đâu.
- Anh Ba ở đây đặng ăn uống tiếp dưỡng ít bữa.
- Về nhà rồi tiếp dưỡng cũng được vậy. Trong khám ra rồi ở đây, không về nhà, làm như vậy coi sao được.
- Em mang ơn anh Ba nặng quá, trong mười năm nay chẳng giây phút nào mà em quên. Anh Ba về được em mừng hết sức, nên em muốn anh Ba ở đây cho em nuôi ít ngày, đặng em đền ơn đáp nghĩa với anh Ba, cho phỉ lòng em.
- Ơn gì đâu?
- Anh Ba quên hay sao? Nhờ anh Ba cho em một trăm đồng bạc, em chôn cất cho cha con Lê tử tế, mà còn dư tiền em để làm vốn mua bán, gầy dựng lần lần, nên ngày nay mới có tiệm như vầy, mẹ con em no ấm, đó là ơn nặng lắm chớ.
- À, tôi nhớ rồi. Tôi cho thím bạc đêm hôm đó phải không?
- Thưa phải.
- Tôi lấy tôi đưa đại, tôi không kịp đếm. Té ra được có một trăm hay sao?
- Thưa, một trăm lận.
Ba Mậu ngồi ngẫm nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Nếu vậy thì tôi đem về cho má con Hào tới mười chín ngàn chín trăm đồng, bởi vì Mái-Chín Cúng khai mất hết hai mươi lăm ngàn, thằng Tám Thiệt nó lấy phần nó năm xấp giấy săn[1], sau cò xét lấy hết, thì còn có năm ngàn. Còn lại phần tôi hai chục ngàn. Mà tôi cho thím một trăm, thì còn mười chín ngàn chín trăm đồng, phải rồi”.
Hiệp bước lại hỏi rằng:
- Té ra thiệt ba giựt bạc của Mái-Chín Cúng hay sao?
- Thiệt có chớ. Nếu không có thì làm sao mà bị đày.
- Ba làm việc đó vô ích quá.
- Sao mà vô ích! Tao thấy vợ con nghèo cực tao chịu không được, nên tao thí thân tao; thà tao bị đày mà vợ con được sung sướng, tao làm như vậy có ích cho vợ con lắm chớ.
Hiệp uất ức trong lòng chịu không được, nên dợm muốn nói thiệt việc nhà cho cha nghe. Hai Tiền ra dấu biểu đừng cãi nữa, nên Hiệp phải dằn lòng, ngậm miệng.
Cô Lê bưng đồ ăn, sắp dọn đầy một bàn, rồi Hai Tiền mời Ba Mậu ăn. Trong lúc bốn người ăn uống thì Hai Tiền kiếm chuyện vui mà nói, đặng cho Ba Mậu quên việc vợ con. Mà chừng ăn rồi, thì Ba Mậu hối thúc Hiệp phải dắt về nhà đặng gặp mặt Ba Trâm và con Hào.
Hiệp hết phương giấu giếm nữa được, nên phải nói bùng ra rằng: “Con không thế để cho ba gặp mặt dì với con Hào được, bởi vì ngày ba bị Tòa kêu án rồi thì dì lấy trai cùng hết, nay thằng nầy, mai thằng khác. Mấy năm sau đây dì làm bé Hội-đồng nào ở dưới Mỹ-Tho, còn con Hào thì nó bắt chước gương của dì nên nó cũng làm “đĩ”, nó gặp con, nó không thèm nhìn con là anh nó. Những đồ như vậy mà ba còn đòi gặp mặt làm chi!”
Hiệp đứng nói một dây. Ba Mậu nghe mà dường như không hiểu, nên hỏi gạn rằng:
- Mầy nói sao? Dì mầy có chồng khác, còn con Hào thì làm đĩ?
- Thưa, phải.
- Trời đất ơi! Còn mười chín ngàn chín trăm đồng bạc của tao đem về cho đó, làm gì hết đi, mà mẹ con phải mất tiết hư thân đến thế?
- Con có biết đâu.
- Mầy không biết tao đem bạc muôn về giao cho dì mầy đặng nuôi con Hào với mầy sao?
- Dì có nói đâu mà biết. Tòa kêu án ba được chừng một tháng, dì lấy trai, con bắt được; dì mắc cở dì đuổi con đi, rồi từ đó đến giờ con có léo tới nhà nữa đâu.
Ba Mậu dựa ngửa vào ghế mà thở dốc, mặt mầy tái lét, cặp mắt lim-dim. Hai Tiền với cô Lê ngồi trên ván, còn Hiệp thì đứng một bên cha, ba người biết Mậu đau-đớn lắm, nên ngó chừng mà thôi, chớ không dám nói chi hết.
Cách một hồi lâu, Ba Mậu mở mắt ra rồi vùng đứng dậy, hai bàn tay ôm cái đầu chặt cứng mà nói rằng: “Tôi đi lạc đường! Trời ơi! Cái đầu tôi muốn bể rồi!”
Hai Tiền thấy vậy nên khuyên rằng: “Xin anh Ba chẳng nên buồn. Việc đã lỡ rồi, biết làm sao. Tại mình vô phước, nên trời mới khiến làm phải mà lại gặp quấy. Anh Ba còn cháu Hiệp đây, nó thương, nó trọng anh Ba lắm, vậy cũng đủ rồi, cần gì phải buồn”.
Ba Mậu té ngồi trên ghế lại, rồi khóc, nước mắt nhểu ròng ròng. Hiệp thấy cha như vậy thì động lòng nên cũng khóc theo.
Nhờ khóc, nó giải nỗi uất ức trong lòng được, nên thủng-thẳng Ba Mậu tĩnh trí lại, rồi biểu con thuật tiếp việc nhà cho mình nghe.
Hiệp bèn kéo ghế ngồi một bên cha, rồi thủng thẳng tỏ hết các việc ở nhà; cha bị bắt, rồi mình lo đi bán nhựt-trình lấy huê hồng mà nuôi mẹ ghẻ với em, mỗi ngày kiếm được bao nhiêu cũng đem về đưa hết cho mẹ ghẻ. Cha bị Tòa kêu án rồi thì mẹ ghẻ với em ăn mặc lòe lẹt; cách chừng một tháng, mẹ ghẻ lại lấy trai, mình bắt được mình gây, mẹ ghẻ hổ thẹn mới đánh, đuổi ra khỏi nhà, không cho ở nữa. Mình lưu linh trót một tháng, ngày đi bán nhựt-trình, tối ngủ mấy nhà gare. May gặp một cô vợ Tây mướn ở bồi, mới dắt ra vườn cao-su ở ngoài Chứa-Chan. Ở Chứa-Chan năm năm, thân tuy no ấm, nhưng mà phải mang chứng bịnh rét rừng, sợ ở đó nữa phải chết, nên xin thôi, trở về Sàigòn kiếm thuốc uống. Cô Lê đi chợ gặp, mới dắt về tiệm. Thím Hai Tiền không cho đi nữa, thím rước thầy thuốc tiêm thuốc, trị bịnh gần bốn tháng mới lành mạnh, rồi thím gởi cho làm trong Hãng dầu từ ấy đến nay. Còn Ba Trâm thì cô làm nhục nhã đã thèm, rồi mới mua nhà ở đường Nhà thờ Chợ-Quán và làm bé người ta. Hiện bây giờ cô giàu có, ở nhà tốt, bận áo màu, đeo hột xoàn, ngồi xe hơi coi sang trọng lắm. Con Hào thì không có chồng, nhưng mà đêm nào cũng nhảy đầm, ngồi nhà hàng, đi chơi với trai luôn luôn, nay người nầy, mai người kia, không sợ ai chê cười khinh bỉ.
Hiệp thuật đủ hết, không sót một khoảng nào.
Ba Mậu nghe rõ đầu đuôi rồi thì mặt buồn xo, ngồi chắc lưỡi than rằng: “Lòng người không biết sao mà đo được. Tôi thí thân đi ăn cướp đem về giao cho gần hai muôn đồng bạc. Tôi căn dặn hết lời, tôi gởi con tôi; tôi xin nuôi giùm nó. Có dè đâu, đã không thương tưởng đến tôi, mà cũng không nhớ tiền bạc là tiền của tôi, đành lòng đánh đuổi con tôi đi, không cho nó một đồng nào, để nó lưu linh cực khổ, đau ốm, may nhờ có thím Hai hảo tâm nuôi dưỡng bảo bọc cho nó, chớ không thì nó đã chết rồi, ngày nay tôi về, tôi đâu còn thấy mặt con tôi”.
Ba Mậu càng nói càng giận, nên đứng dậy đi qua đi lại, rồi trợn mắt châu mày mà la lớn rằng: “Tôi phải kiếm con Võ-Hậu nầy mà buộc nó phải trả đủ tiền bạc lại cho tôi mới được! Hiệp, mầy nói nhà nó ở đường nào, nhà số mấy?”
Hiệp đáp rằng: “Ở đường nhà thờ trong Chợ-Quán. Con không nhớ số nhà, song con nhớ cái nhà đó nền đúc, vách tường, đàng trước có sân rộng, hai bên có nhà xe, nhà bếp”.
Ba Mậu nói: “Tao muốn đi bây giờ”.
Hai Tiền nói: “Em khuyên anh Ba đừng có nóng. Chị đã có chồng khác rồi, anh có gặp chỉ rồi anh nói giống gì? Em biết anh đụng chỉ hồi trước anh không có làm hôn thú, nên bây giờ chỉ bỏ anh, thì anh không nói chi được. Còn anh muốn đòi tiền bạc lại, việc đó còn khó hơn nữa. Anh giao tiền cho chị, anh có bằng cớ gì đâu. Bây giờ anh đòi, chỉ nói không có thì anh làm sao? Em tưởng người đờn bà đã không nghĩ tình anh nên lấy chồng khác, thì có lẽ cũng dám làm hại anh lắm. Vậy em xin anh bỏ hết việc cũ đi, đừng thèm nhớ tới nữa, để lập đời khác làm ăn thì hay hơn”.
Ba Mậu cười mà đáp rằng: “Bỏ sao được thím Hai. Tôi ở tù mười năm lao khổ lắm mà. Tại thím là bàng-quan, nên thím không biết giận, chớ chi thím là người trong cuộc như tôi, thì thím cũng không nín được”.
Hai Tiền cười. Cô Lê chen vô và nói: “Bác gái ở bạc lắm, nên bác Ba giận cũng phải. Mà thôi chuyện đó còn đó, bác mới về, trong mình còn mệt mỏi, vậy xin bác Ba dưỡng sức ít ngày cho khỏe rồi bà con mình sẽ tính lại coi phải làm sao. Bây giờ phải lo nghỉ đã”.
Hai Tiền khen con nói phải, nên biểu con trải chiếu giăng mùng trên bộ ván lớn, rồi mời Ba Mậu nằm nghỉ.