Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Chương XIII -XV

XIII
 
Nói về Chiêu Thành Vương hỏi mãi mới tìm đến trại Ma Lục, những mong được gặp người chủ trại anh hùng và người tướng trẻ có lá cờ sáu chữ. Tới nơi, Vương gặp một tráng sĩ Mán. Nói chuyện chưa giập bã trầu thì quân Nguyên ba bề bốn bên ầm ầm kéo tới. Vương chia quân bản bộ ra, chống giữ với giặc suốt từ sáng đến chiều tối. Vương đã mệt lả, quân bản bộ chỉ còn lại ngót bốn trăm người. Gần sáng, Vương chạy được ra một con đường đồi. Vương nói với quân sĩ:

- Ta vâng lệnh triều đình đi đuổi Chiêu Quốc Vương, chẳng may nửa đường gặp giặc. Các ngươi phải nỗ lực đánh giặc, sao cho thoát khỏi vòng vây để còn đi bắt Ích Tắc. Ta quyết cùng các ngươi tử chiến.

Quân giặc ầm ầm đuổi theo. Chúng đều cưỡi ngựa phóng nhanh như bay. Quân của Chiêu Thành Vương phần nhiều đi chân, lại đuối sức, nên rớt lại khá nhiều. Kẻ chạy tán loạn, kẻ bị giết, bị ngựa giặc giẫm lên. Chiêu Thành Vương vừa đánh vừa rút. Nhìn quân mình, chỉ còn hai trăm người đổ lại. Sau lưng, quân giặc ùn ùn, đen đặc cả con đường và các ngọn đồi hai bên. Tiếng hò hét hãi hùng như tiếng quỷ sứ dưới âm ti. Ngựa của Chiêu Thành Vương đã bị trúng mấy mũi tên. Giặc đã tới gần. Vương vỗ về con ngựa quý:

- Tao vì việc nước, mày hãy vì tao cố chạy cho qua khỏi cơn nguy này.

Hình như con ngựa hiểu được lời nói thiết tha của chủ nên lồng lên như gió. Chạy được một quãng dài, con vật đi chầm chậm lại. Nó từ từ quỵ xuống. Giặc đuổi gần kịp. Mấy người tướng tâm phúc xúm vào che đỡ cho Chiêu Thành Vương. Vương nắm chắc đuôi kiếm trong tay và nói:

- Ta thề sống chết với lưỡi gươm này. Quyết không để bầy lang sói phạm vào thân vàng ngọc.

Các tướng vừa dìu Chiêu Thành Vương lên một quả đồi thì quân giặc ập tới, bủa vây kín chân đồi. Vòng vây siết chặt lại, trùng trùng điệp điệp. Gươm giáo dày như nêm cối. Nhiều ngọn giáo bêu đầu những quân sĩ của Chiêu Thành Vương, máu ròng ròng trên cán giáo. Chiêu Thành Vương cùng đám tàn quân vừa đánh vừa lùi mãi lên tới ngọn đồi. Vương cầm chắc thanh gươm, chém giặc lia lịa. Sức Vương đã kiệt, thân thể bị trúng thương đau nhức, chiến bào thấm đầy máu và mồ hôi. Lưỡi gươm chém giặc suốt từ hôm qua đã cùn mẻ. Cánh tay Vương rã rời. Mấy người tướng tâm phúc đã ngã dưới chân Vương.

Phía sau lưng quả đồi cao bên đường, bỗng nổi lên những tiếng reo hò. Vương vừa múa gươm gạt những ngọn giáo tua tủa đâm lên, vừa ngước mắt nhìn sang quả đồi bên ấy. Vương thấy lố nhố người và ngựa. Vương nói với viên tướng duy nhất còn sót lại:

- Giặc lại đến thêm, mệnh ta cùng rồi!

Nhưng người tướng reo to:

- Bẩm đại vương, dễ không phải giặc...

Người tướng chưa nói hết câu, thì toán quân trên ngọn đồi trước mặt đã lao xuống đường ào ào như thác đổ và đánh thẳng vào sau lưng đám giặc đang vây ngọn đồi của Chiêu Thành Vương, xẻ quân giặc ra làm đôi, như đánh rắn khúc giữa. Giặc rú lên những tiếng kêu man rợ. Chúng vỡ từng mảng như những bức tường đổ xuống.

Vòng vây đang khép chặt quả đồi, phút chốc tan đi như mây khói. Quân sĩ của Chiêu Thành Vương reo hò:

- Quân cứu viện đến rồi!

Và quên cả mệt nhọc, họ từ trên đồi đánh xuống. Người tướng của Chiêu Thành Vương thưa:

- Giặc đã rút rồi!

- Ai đến cứu ta vậy?

Vương định thần nhìn xuống dưới chân đồi, thấy quân giặc chạy nháo nhác như gà, gươm giáo, cung tên quăng bừa bãi. Toán quân đến cứu viện đã làm chủ trên bãi chiến trường. Sức khoẻ của Chiêu Thành Vương hồi lại. Vương vung gươm đánh xuống, vừa đánh vừa hỏi người tướng:

- Có phải là giấc chiêm bao không?

Vương vừa nói xong, thì bỗng thấy phấp phới một lá cờ đề sáu chữ vàng: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN. Lá cờ phất cao hùng dũng. Chiêu Thành Vương nhìn lá cờ lạ, giụi mắt rồi lại nhìn xem có phải nhầm không. Vương tự hỏi:

- Người tướng có lá cờ sáu chữ là đây chăng?

Quả nhiên, dưới lá cờ, có một người tướng trẻ, mặc áo bào đỏ, cưỡi ngựa trắng. Người tướng trẻ cất tiếng lanh lảnh chỉ huy quân sĩ giết giặc. Vương giật mình, nghe tiếng nói sao quen quen. Vương lại nhìn người tướng trẻ đang phi ngựa, trước mặt tung bay lá cờ sáu chữ. Vương thét lên một tiếng kêu kinh ngạc:

- Sao giống cháu ta như đúc?

Người tướng tâm phúc của Vương cũng nói:

- Ai như Hoài Văn Hầu...

- Chả có lẽ nào!

Chiêu Thành Vương nheo mắt nhìn người tướng trẻ và reo lên:

- Đúng cháu ta rồi!

Chiêu Thành Vương chạy đuổi theo lá cờ thêu sáu chữ. Đang chạy thì có một bàn tay giữ lại:

- Đại vương nó đây này. Đây này!

Đấy là Nguyễn Lĩnh, người tráng sĩ Mán mà Vương đã gặp trưa hôm qua. Cùng một lúc, có tiếng chào cung kính:

- Kính lạy đại vương! Đại vương đến lúc nào, chúng con không được biết...

Vương nhìn ra thì là người tướng già. Vương mừng quýnh:

- Ông cũng ở đây ư? Đích thị cháu ta rồi.

Lá cờ sáu chữ bay lại. Con ngựa trắng của người tướng trẻ phi trên xác giặc ngổn ngang. Chỉ trong nháy mắt, người tướng trẻ đã tới chân đồi, dừng ngựa trước mặt Chiêu Thành Vương. Hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên gò má sây sát của người chú ruột. Hoài Văn kêu lên, tiếng kêu vui sướng:

- Lạy chú ạ! Chú lên đây từ bao giờ?

Chàng nhảy phắt xuống ngựa, quỳ trước Chiêu Thành Vương:

- Cháu không biết chú lên, chậm tới vấn an, xin chú tha tội cho cháu.

Đúng là cháu ta rồi. Vẫn là đứa cháu mặt còn bụ sữa mà sao bây giờ đường đường khí thế hiên ngang. Vẫn là giọng nói của đứa con trai mới vỡ tiếng mà sao rắn rỏi không ngờ. Vương mỉm cười mà nước mắt cứ trào ra. Vương nâng cháu dậy và nói:

- Hậu sinh khả uý. Cháu ta trẻ tuổi mà anh hùng.

Hoài Văn chỉ Thế Lộc cũng vừa chạy tới:

- Đây là người anh kết nghĩa của cháu. Cháu được có ngày nay là nhờ người anh hùng sơn cước này.

Vương hết nhìn Hoài Văn, lại nhìn những người Mán, rồi lại nhìn những gã hào kiệt Võ Ninh tới chào. Dưới chân Vương, xác giặc nằm chất đống, máu chảy như suối từ trên đồi xuống đường. Vương ngước nhìn lên lá cờ sáu chữ, lẩm nhẩm luôn miệng:

- Phá cường địch, báo hoàng ân...

Vương kéo lá cờ xuống để nhìn cho rõ. Vương lẳng lặng gật đầu. Một gã hào kiệt dắt một con ngựa cướp được của giặc, tới trước mặt Chiêu Thành Vương.

Hoài Văn mời chú lên ngựa trở về Ma Lục. Vương nói:

- Chú không ngờ! Thật chú không ngờ!

XIV
 
Nhờ thuốc Mán của anh em Thế Lộc, những vết thương của Chiêu Thành Vương chẳng mấy bữa đã lành. Bấy giờ Thượng quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đóng ở Vạn Kiếp. Vương hầu và quan quân các đạo đã về hội sư ở đấy. Chiêu Thành Vương cũng được triệu về Vạn Kiếp. Vương bàn với Quốc Toản:

- Cháu đã lập được nhiều công trạng, nhưng triều đình chưa biết. Cháu nên về ra mắt Tiết chế, chịu mệnh lệnh của triều đình.

Hoài Văn thưa:

- Cháu vì giận giặc mà may cờ mộ quân, trước sau là mong được theo quan quân đi cứu dân, cứu nước. Cháu chỉ nghĩ cháu lên đây, tuy mới hơn một tháng, nhưng anh em Thế Lộc đối với cháu tình thân hơn máu mủ. Họ là những người chất phác, mà lại biết điều trung nghĩa. Những kẻ như Ích Tắc, đội ơn dày mưa móc, mà đến khi quốc biến lại đem thân làm tẩu cẩu cho quân thù, thật không đáng bưng cơm xách dép cho anh em Thế Lộc. Chính nhờ Thế Lộc mà cháu tập đánh giặc. Cháu lại kết nghĩa anh em với Thế Lộc, hẹn cùng ở đây quyết sống mái với giặc. Cháu chia tay với Thế Lộc sao nên?

Chiêu Thành Vương nói:

- Cháu nghĩ thế cũng phải. Nhưng nghĩ một lại phải nghĩ hai. Nay thế giặc đang to, muốn đánh được nó, quan quân phải quy về một mối, để Tiết chế dễ bề điều khiển. Tiết chế tránh cái nhuệ khí ban đầu của giặc, rút được toàn quân về chờ thời cơ phản công, đấy là kế lớn mưu sâu vậy. Cho nên sớm muộn, chú cháu ta cũng phải về Vạn Kiếp. Anh em Thế Lộc là người trung nghĩa, chú sẽ dâng sớ xin triều đình thưởng công cho họ để họ nức lòng đánh giặc. Tình của cháu với anh em Thế Lộc thật là sâu nặng. Nhưng phải gác tình riêng mà lo đại cục. Cháu nghĩ thế nào?

Chiêu Thành Vương hỏi mấy lần, Hoài Văn vẫn ngồi im lặng không nói. Cuối cùng, Hoài Văn đi tìm anh em Thế Lộc.

* * *
Nói sao cho hết nỗi buồn của Hoài Văn khi phải từ biệt những tráng sĩ Ma Lục. Chiêu Thành Vương đã dẫn quân bản bộ ra khỏi cánh đồng cỏ, mà Hoài Văn và sáu trăm gã hào kiệt vẫn còn dùng dằng ở trên núi.

Mới buổi chiều nào họ đi qua đây, nỏ ở trên núi bắn xuống như mưa. Rồi những ngày kề vai sát cánh, chia sẻ ngọt bùi, cùng nhau làm bẫy đá, cùng nhau đốn gỗ, đốn tre dựng ông thần tướng khổng lồ. Rồi những ngày tưng bừng chiến thắng làm cho quân giặc bạt vía kinh hồn. Họ nhìn lên cái động âm u mà sao thân thiết. Họ nhìn lên những tảng đá lớn lăn từ trên núi xuống, ngổn ngang khắp cánh đồng còn bết máu giặc. Họ nhìn cây đa cổ đại, trên ngọn vẫn còn trơ trơ cái lỗ tên thần. Những ngày vui ấy quên làm sao được.

Họ cầm tay những người tráng sĩ áo chàm, kẻ nhận nắm ngô, kẻ vài củ sắn, kẻ ống mật ong, kẻ gói thuốc rịt. Gã hào kiệt tặng lại kiếm, người tráng sĩ biếu lại dao, bên này cho cung, bên kia cho nỏ.

Hoài Văn tay cầm cương ngựa, đi bộ bên Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh. Hoài Văn không dám nhìn mặt hai anh em người Mán, bởi vì những bộ mặt gân guốc, trơ trơ như đá ấy, tưởng lúc nào cũng lì lợm, thì lúc này đầm đìa nước mắt. Nguyễn Thế Lộc không nói được, bàn tay sứt sẹo chỉ lên yên con ngựa của Hoài Văn ra hiệu cho người bạn trẻ tuổi cưỡi lên.

Hoài Văn bậm môi lại. Vẻ ngây thơ hiện rõ trên khuôn mặt đã nhuốm màu sương gió. Hoài Văn nói:

- Bao giờ lại gặp Thế Lộc nhỉ?

Người Mán càu nhàu:

- Mày về kinh, vui dưới ấy, chả nhớ Thế Lộc đâu, chả lên đây nữa đâu. Tao nhớ chứ mày chẳng nhớ đâu.

- Thế Lộc là anh em kết nghĩa của Toản. Ma Lục cũng là quê của Toản rồi. Quên làm sao được. Anh Thế Lộc ơi, Toản cũng chẳng muốn về đâu.

- Mày còn trẻ, rồi mày quên ngay đấy. Mày về dưới ấy không có núi, có rừng, tao lo lắm, không vui đâu. Ở dưới ấy không đánh được thì lại lên đây ở với tao.

Hoài Văn vỗ vỗ tấm lưng rắn như đá của Thế Lộc và nói:

- Lên chứ. Lên chứ. Nhưng mà Thế Lộc này. Giặc nó đánh mạnh thì có ở đây nữa không?

Thế Lộc nhìn Hoài Văn, đôi mắt lặng lờ, chất phác bỗng rực lên:

- Tao ở đây chứ đi đâu mà mày hỏi thế? Con hươu con nai thì đi đâu. Thằng giặc đánh dưới thì tao lên sườn núi. Nó đánh lên sườn thì tao lên đỉnh. Lên cao rồi lại xuống. Nó đuổi núi này, tao sang núi kia. Nó thuộc núi rừng bằng Thế Lộc à?

Thế Lộc lại chỉ yên ngựa của Hoài Văn, bảo chàng trèo lên và nói:

- Không ở được nữa thì đi đi. Đứng làm gì đấy cho tao nhớ mãi. Mày bảo mày lên, không lên tao giận, tao không nhìn mặt mày đâu.

Hai anh em Thế Lộc đỡ Hoài Văn và người tướng già lên ngựa.

Hoài Văn đi được mấy bước, quay lại nhìn, thấy anh em Thế Lộc lủi thủi lên núi. Một dải mây trắng chăng ngang. Lòng Hoài Văn thổn thức, nhịp theo vó ngựa ruổi trên đường núi gập ghềnh, khúc khuỷu...

XV
 
Quân các đạo đã về hội sư đông đủ tại Vạn Kiếp, đất dụng võ có cái thế rồng cuốn hổ chầu. Trên bến Lục Đầu Giang, các chiến thuyền từ khắp các ngả ngược xuôi kéo về đậu san sát.

Trại của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản dựng trên một đỉnh đồi. Lá cờ PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN vươn cao, cùng đua vẫy với hàng trăm lá cờ của các vương hầu khác. Hoài Văn tự hào lắm. Hoài Văn tự hào là tuy quân mình chỉ vẻn vẹn có sáu trăm, lại mới xuất đầu lộ diện, nhưng các vương hầu có dưới trướng hàng vạn tinh binh đều không có thái độ xem thường mình. Sung sướng nhất cho Hoài Văn là được Hưng Đạo Vương khen ngợi. Khi Hoài Văn đem dâng những khí giới và quần áo cướp được của giặc Nguyên, Tiết chế rất mừng và nói:

- Tốt lắm. Những cái này rồi ra được việc lắm đây. - Và Hưng Đạo Vương truyền cất kĩ vào kho đợi ngày dùng đến.

Nhưng thế nước ngày một nguy nan. Quân Thoát Hoan chiếm xong Lạng Giang tràn xuống Chi Lăng, vượt qua Quỷ Môn Quan hiểm yếu, phút chốc đã đóng khắp vùng Võ Ninh. Không biết mẹ già nay lưu lạc ở đâu. Lòng Hoài Văn nóng như lửa cháy. Và sáu trăm gã hào kiệt nghe tin quê hương bị tàn phá đều đứng ngồi không yên. Khắp vùng Võ Ninh bị giặc phá tan tành. Người lớn bị phanh thây moi ruột, trẻ con bị vứt vào vạc dầu, bị xiên trên đầu mũi giáo. Chao ôi! Sáu trăm chiến sĩ chỉ mong có đôi cánh bay ngay về quê hương để cứu mọi người ra khỏi vòng nước lửa!

Một buổi tối, họ ngồi trong trại, lắng nghe Hoài Văn đọc lời hịch của Quốc công Tiết chế. Lòng họ như lửa cháy đổ thêm dầu. Họ ngốn từng câu, từng chữ. Từng lời in vào trí óc, khắc vào xương tuỷ.

Họ mím môi, nắm chặt bàn tay. Lời hịch khi phẫn nộ, khi thiết tha, khi khuyên can, khi dạy dỗ, khi hùng hồn khẳng khái, khi thét vang như sóng vỗ gió gào:

Ta với các ngươi, sinh ra trong buổi nhiễu nhương, trưởng thành trong những ngày đau khổ. Nay trông thấy sứ giặc đi rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú vọ mà sỉ mắng triều đình, đem cái thân chó dê mà khinh nhờn tể tướng, dựa vào Hốt Tất Liệt để đòi ngọc lụa, mượn thế Trấn Nam Vương mà bắt nộp bạc vàng. Của kho có hạn, lòng tham khôn cùng. Không khác gì ném thịt cho hổ đói, làm thế nào mà thoát được tai vạ về sau!

Ta nay ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, nước mắt đầm đìa, ruột đau như cắt, lúc nào cũng bực tức rằng chưa sao sả thịt lột da chúng được...

Bởi vì sao?

Bởi vì giặc Nguyên với ta là cái thù không đội trời chung. Nếu các ngươi cứ lơ là không nghĩ đến việc rửa nhục cho nước, lại không luyện tập quân lính, như thế là quay giáo xin hàng, tay không chịu chết, thì còn mặt mũi nào mà đứng ở trong vòng trời che đất chở này được?

Lời hịch lúc nào cũng văng vẳng bên tai họ, làm cho họ rạo rực, sôi nổi. Đêm đã khuya, họ vẫn không sao ngủ được. Họ trằn trọc trở mình luôn. Rồi một người nhỏm dậy, đem gươm của mình ra mài. Người khác cũng nhỏm dậy, say sưa luyện tập. Rồi kẻ múa kiếm, kẻ múa côn. Trại của Hoài Văn ầm ầm, nhộn nhịp. Tưởng như các chiến sĩ đang chuẩn bị lên đường đi đánh trận.

Hoài Văn và người tướng già ngồi nghiên cứu cuốn Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Vương mà họ nhận được cùng một lúc với tờ hịch. Đã ba lần, lính hầu rót đầy dầu vào đĩa đèn. Đã ba lần đĩa dầu cạn. Nhưng hai người vẫn cặm cụi đọc những lời vàng ngọc trong cuốn binh thư mới. Họ mê đi vì vỡ thêm ra biết bao nhiêu điều mới lạ trong phép dùng binh.

Trống đã điểm canh hai. Càng gần sáng, những tiếng mài gươm, múa giáo càng khua vang doanh trại. Nghe anh em rì rầm đọc lại những lời trong hịch:

... Ta nay ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ... Bởi vì sao? Bởi vì giặc Nguyên với ta là cái thù không đợi trời chung... Còn mặt mũi nào mà đứng ở trong vòng trời che đất chở này?... Mọi người phải có sức khoẻ như Bàng Mông, Hậu Nghệ...

Những lời thống thiết ấy càng thấm sâu vào lòng Hoài Văn.

Đã mấy lần, Quốc Toản giục anh em đi ngủ để ngày mai học tập binh pháp mới, nhưng tiếng mài gươm cứ mỗi lúc một dồn dập thêm. Tiếng rì rầm đọc hịch vẫn khi trầm khi bổng.

Hoài Văn và người tướng già gấp sách lại, xuống trại của anh em. Hoài Văn ngạc nhiên thấy chỗ nào cũng tấp nập lạ thường. Chỗ này đấu gươm, chỗ kia đánh vật, chỗ khác tập đâm, tập chém. Tốp này tập trong nhà. Tốp kia tập ngoài trời chẳng quản mưa phùn gió bấc. Hoài Văn hỏi sao không đi ngủ. Họ trả lời vì giận giặc, chân tay ngứa ngáy không thể ngồi yên.

Trong một góc trại, dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu lạc, có một đám anh em mình trần như nhộng. Hoài Văn lấy làm lạ, đi tới. Nhiều người ở ngoài cũng chạy vào và cởi phăng quần áo. Hoài Văn tưởng là họ sắp đánh vật. Nhưng khi tới gần thì không phải. Người ta chia ra nhiều tốp. Mỗi tốp mươi người, trong đó có một người xoa chàm và viết chữ vào những cánh tay đang chìa ra, và một người khác cầm một thứ dùi nhỏ như kim, châm mạnh vào cánh tay đã viết chữ. Người viết, người châm, người được châm đều say sưa quên cả sự đời. Hoài Văn ngây người đứng xem những cánh tay máu ứa ra, lẫn với màu chàm, màu mực.

Một gã vừa được châm xong, nghiến răng nói:

- Thề không đội trời chung với giặc Thát!

Hoài Văn ngắm nhìn kĩ cánh tay đỏ xám. Những đường ngang dọc hiện lên rõ mồn một hai chữ SÁT THÁT. Mắt Hoài Văn hoa lên. Hoài Văn nắm lấy cánh tay máu ấy. Người chiến sĩ quắc mắt một cách dữ tợn, thét bảo chàng:

- Cởi áo ra! Thù này phải khắc vào xương tuỷ. Sợ giặc hay sao mà không dám thích hai chữ này?

Nói xong anh ta mới nhận ra Hoài Văn. Nhiều cái dùi ngừng châm, mũi dùi đỏ như nung lửa. Máu trong người Hoài Văn chạy rần rật, khắp thân thể bị kích thích một cách nhức nhói. Hoài Văn hỏi:

- Ai bày cho anh em cái việc này?

Một người nói:

- Thấy các đạo quân khác có anh em thích hai chữ "Sát Thát" vào tay thì chúng tôi cũng làm theo. Thích vào người mới không quên được mối tử thù. Sông có thể cạn, đá có thể mòn, hai chữ này không thể nào phai được. Sống thì ở trên vai, chết thì tan đi với xương cốt, nhập vào hồn phách bay đi giết giặc.

- Ai viết hai chữ Sát Thát này cho các người?

- Ai võ vẽ chữ thì viết. Vương tử xem có được không?

- Được lắm. Lòng trung nghĩa của các ngươi phải thấu đến trời.

Hoài Văn nhìn những người bạn trẻ của mình và rưng rưng nước mắt. Người nào cũng đang sôi nổi như sắp lăn xả vào quân thù. Những cánh tay của họ hằn lên hai chữ Sát Thát ngang tàng, giơ lên như chống đỡ nước non. Mắt Hoài Văn loá lên, thấy nhan nhản khắp trời đất những chữ Sát Thát, Sát Thát, Sát Thát ghê gớm. Hoài Văn cởi áo bào, để lộ nửa thân trắng trẻo, chìa cánh tay ra và nói:

- Thích hai chữ Sát Thát vào cánh tay cho ta với!

Người ta bôi chàm và viết chữ lên cánh tay Hoài Văn. Chàng mím môi lại, mắt lim dim. Mũi dùi sắc lạnh đâm vào da đau nhói, và máu tươi ứa ra. Chàng không thấy đau, chỉ thấy say sưa rạo rực như đang hăng máu trên chiến trường. Hoài Văn nói:

- Thích cho thật sâu vào, cho hai chữ ấy không bao giờ mờ được.

Các tốp khác, người ta cũng đang thích chữ Sát Thát vào cánh tay cho nhau. Khắp trại, anh em đổ đến mỗi lúc một đông, họ cởi áo, tranh nhau chìa cánh tay xin được thích trước.

Hai chữ Sát Thát đã hiện trên cánh tay đỏ ngầu của Hoài Văn, như hai đoá hoa nở rộ chào ánh sáng ban ngày đã len tới lúc nào không biết...