Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Chương X - XII

X
 
Tinh mơ hôm sau, Hoài Văn đã trở dậy. Thế Lộc nai nịt gọn ghẽ theo Hoài Văn ra khỏi động. Ngoài động, các tráng sĩ áo chàm tấp nập đặt thêm những bẫy đá. Họ reo hò lăn thử những tảng đá cực kì to lớn xuống chân núi. Đá lăn ầm ầm như sấm động gió gào. Thế Lộc chỉ những cây cối gãy ngổn ngang và nói:

- Giặc có khoẻ bằng mấy cây kia không?

Hoài Văn ngắm nghía từng cái bẫy, luôn miệng khen ngợi người tráng sĩ của nơi rừng xanh núi đỏ. Chợt lại thấy mấy người Mán ngồi bện một hình người cỏ, Hoài Văn hỏi Thế Lộc:

- Bện làm gì đấy?

- Mày làm tướng mà không biết gì cả. Quân tao ít thì tao phải làm người cỏ cho nó nhiều chứ!

Hoài Văn say sưa ngắm nhìn người cỏ trong cái thế đang giương cung định bắn. Bện xong hình người cỏ, mấy tráng sĩ Mán đem đặt sau một lùm cây rậm. Họ giật dây, hình người cỏ cử động như người thật vậy. Hoài Văn càng thêm hào hứng, quay bảo người tướng già:

- Ngày xưa, nước ta có Lý Ông Trọng là một thần tướng thân cao mười trượng. Ngài được cử sang giúp nhà Tần dẹp loạn Hung Nô. Hễ trông thấy Ngài là quân Hung Nô mất vía. Khi Ngài mất, nhà Tần thương tiếc sai làm tượng to lớn như người thật. Quân Hung Nô lại sang, vua nhà Tần cho khiêng tượng tới. Giặc tưởng Ngài còn sống, chạy như chuột. Nay ta cũng nên bện một hình nhân to lớn như đức Thánh Chèm, giặc Nguyên trông thấy tất phải vỡ mật.

Người tướng già nói:

- Vương tử nói rất hợp ý tôi. Tôi biết giặc Nguyên cần cỏ cho ngựa như cần lương thực. Cánh đồng Ma Lục nhiều cỏ, thế nào chúng cũng mò đến. Ta dử chúng vào đấy, dùng mưu mà đánh. Nhất định thắng to. Ta nên làm như thế này...

Người tướng già rỉ tai nói thầm với Hoài Văn và Thế Lộc. Hoài Văn gật đầu, cười lớn:

- Phải đấy. Phải đấy.

Tức thì quân sĩ của Hoài Văn Hầu và các tráng sĩ của Thế Lộc vào rừng đốn gỗ, đốn tre nứa. Họ xúm vào đan một hình thần tướng, cao hơn vựa thóc, lớn hai người ôm. Mặt thần tướng đen như lòng chảo, râu xồm quai nón, mắt ốc nhồi mở trừng trừng nhìn xuống cánh đồng. Thần tướng giương một cái nỏ to như một thuyền nan, mũi tên dài như ngọn giáo. Đứng ở dưới cánh đồng nhìn lên, thấy thần tướng sát khí đằng đằng, tướng mạo kì quái, dữ tợn.

Thế Lộc bỗng chỉ một cây đa cổ thụ ở dưới cánh đồng, cành lá xùm xoà vùng ra chung quanh rộng như cái ao lớn. Thế Lộc nói với Hoài Văn:

- Tao bàn thế này với mày. Có thần tướng kia, thì phải có tên thần, mới đánh lừa được cái thằng giặc lố.

Hoài Văn mừng rỡ, tay vỗ mạnh vào lưng người Mán:

- Ta có ngờ đâu, nơi sơn dã cũng ẩn những tướng tài. Thế Lộc giỏi! Thế Lộc giỏi lắm!

Người ta leo lên ngọn cây đa cao chót vót, đục thủng một cành lớn đến một người ôm không xuể. Người ta luồn qua lỗ đục một khúc gỗ đẽo thành hình một mũi tên khổng lồ. Sáu bảy cây cổ thụ khác dưới cánh đồng đều bị những mũi tên thần xuyên thủng như vậy. Sáu trăm gã và những tráng sĩ Mán say sưa hết nhìn thần tướng trên núi lại ngắm những mũi tên xuyên thủng những cây cổ thụ hàng trăm năm.

Bỗng từ dưới chân núi có một người hớt hải chạy lên. Thế Lộc nói với Hoài Văn:

- Em tao là Nguyễn Lĩnh, đóng ở trại ngoài, về đây chắc có việc gì.

Nguyễn Lĩnh đã bước vào động. Lĩnh giống Thế Lộc như đúc, chỉ khác là cằm nhẵn không râu. Nguyễn Lĩnh nói:

- Giặc nó vào đấy!

Thế Lộc hỏi:

- Bao nhiêu thằng?

- Năm trăm, thằng nào cũng cưỡi ngựa.

- Ngựa thì ngựa. Nó vào thì đánh bỏ mẹ, cần gì.

Hoài Văn xoa tay sung sướng:

- Chúng nó đến nộp mạng cho chúng ta rồi. Lệnh cho mọi người không để cho một thằng giặc chạy thoát!

XI
 
Các tráng sĩ Mán và sáu trăm gã hào kiệt chia nhau đi bố trí trên các ngọn núi. Trên động, chỉ để một số tráng sĩ giữ việc giật bẫy đá và điều khiển thần tướng. Bên thần tướng, dựng một lá cờ đại đề sáu chữ: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN.

Lúc ấy đã quá trưa sang chiều. Mây mù phủ trên các chòm cây mỏm núi. Nấp trong rừng, Hoài Văn nhìn quân giặc đang lọt thỏm vào thế trận của mình. Bạt ngàn san dã những người và ngựa. Áo xanh, áo đỏ, áo tím, áo đen lốc nhốc. Chúng đều đi hia da thú dữ, đội mũ lông vằn vèo như lông cáo, lông cầy. Những ngọn giáo rất dài nhấp nhô theo vó ngựa. Những bao tên lắc lư trên vai, tua tủa những mũi tên bịt sắt. Chúng lồng lộn tiến, đầu ngựa sau húc vào mông ngựa trước. Hoài Văn nín thở nhìn quân giặc, người chàng run bắn lên. Chàng nghiến chặt răng cố lấy lại bình tĩnh.

Thành núi âm vang tiếng ngựa hí ầm ầm. Quân giặc đã lọt vào giữa cánh đồng. Viên tướng giặc xông xáo đi trước. Tới gần dãy núi Ma Lục, nó bỗng dừng lại. Các chiến sĩ của Hoài Văn và Thế Lộc đều nắm chặt đốc gươm, cán giáo. Những đội bắn giỏi thì kéo thử dây cung cho dẻo gân tay, ngắm sẵn đường tên cho trúng đích.

Viên tướng giặc nhìn lên lưng chừng núi Ma Lục, nơi vị thần tướng đứng sừng sững bên lá cờ đại. Quân giặc ngồi im trên mình ngựa. Ngựa đi chậm chậm lại, chúng nhìn lên, rồi ngơ ngác nhìn nhau. Viên tướng giặc giơ roi chỉ trỏ và quay lại như truyền một lệnh gì cho quân sĩ. Giặc lại tiến từ từ. Chúng nó biết thần tướng là giả hay sao? Hoài Văn tự hỏi mình và tim đập đến vỡ ngực. Nhưng quân giặc tiến một cách rụt rè. Viên tướng giương cung hướng lên thần tướng trên núi, quân nó cũng răm rắp lắp tên. Vừa lúc ấy trong đám giặc, có những tiếng kêu kinh hãi. Nhiều ngón tay giặc chỉ lên thân cây đa cao đã bị một mũi tên thần xuyên thủng. Chúng hốt hoảng chỉ những cây cổ thụ khác cũng bị bắn xuyên. Nhiều đứa lắc đầu lè lưỡi. Trên núi, vị thần tướng bước đi mấy bước, mũi tên thần lắp trên cái nỏ to lớn khác thường đã chĩa thẳng xuống đám quân giặc. Lá cờ đại phồng lên như ra lệnh, nổi rõ sáu chữ kiêu kì. Tiếng trống trên núi vang lên, rung cả bầu trời. Cả cánh đồng ầm ầm như chợ vỡ. Viên tướng quay ngựa chạy ra, và quân giặc cũng giạt lại đằng sau. Ầm ầm, ầm ầm, cả ngọn núi cao như ập đổ xuống đầu giặc. Những tảng đá lăn trên núi xuống đè bẹp gí những hàng đầu người ngựa. Quân giặc tranh nhau chạy. Ngựa xô vào nhau ngã lổng chổng. Ngựa giẫm lên những tên giặc nằm sóng soài. Ngựa kéo lê những thằng lúng túng chưa gỡ được chân ra khỏi vòng kiềng.

Hoài Văn vỗ đùi kêu đôm đốp:

- Cha chả là vui. Quân ta đánh xuống thôi!

Tiếng tù và rúc một hồi dõng dạc. Toán giặc chạy ra đầu tiên ngã chúi dưới một trận mưa tên nỏ dữ dội. Những tên sống sót chạy lộn vào, va ập vào đám quân đang hộc tốc chạy trở ra, người văng từ trên ngựa xuống, ngã tứ tung dưới đất. Tiếng kêu, tiếng gọi thất thanh. Tiếng khóc như ri. Quân giặc tối tăm mặt mũi, chỉ nghe thấy tiếng núi lở ầm ầm, tiếng hò reo của thiên binh vạn mã. Các chiến sĩ áo chàm leo trèo nhanh như vượn, đã tới trước mặt quân thù từ lúc nào, vung những con dao to bản chém giặc như chặt chuối. Giặc không phân biệt trời đất, ngày đêm, lúng túng chẳng biết chạy đi đâu.

Viên tướng giặc dẫn một cánh quân liều chết đánh và chạy thoát khỏi cánh đồng Ma Lục khủng khiếp. Chúng đang cắm đầu chạy trên một con đường hẻm, bỗng nghe tiếng chiêng trống vang lừng. Trên dốc cao, một đạo quân đã chắn ngang đường. Một tiếng thét lanh lảnh:

- Bớ quân giặc, đây là đường cùng của chúng bay. Chúng bay còn chạy đi đâu ?

Viên tướng giặc nhìn lên trên dốc hắn giật mình vì lại trông thấy một lá cờ đề sáu chữ, giống như sáu chữ trên núi cao. Tưởng như thần tướng đã lại xuống đây rồi. Thần tướng bây giờ là một người trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, ngồi trên lưng một con ngựa bạch, tay cắp ngang một ngọn giáo dài.

Hoài Văn chỉ vào mặt tên tướng giặc:

- Bại tướng, đến nước này, chúng mày còn muốn chống lại uy trời đó sao? Hãy bỏ giáo quy hàng, thì còn được toàn tính mạng.

Đằng sau người tướng trẻ, bụi bốc mù mịt, như còn hàng nghìn hàng vạn binh mã. Tên tướng giặc hốt hoảng, từ trên yên ngựa nhảy xuống quỳ trước con ngựa bạch của Hoài Văn Hầu. Lá cờ thêu sáu chữ đã nhoà trong bóng tối, nhưng vẫn reo phần phật. Quốc Toản bỗng thấy ai giật áo mình. Cúi xuống thì ra Thế Lộc. Chàng xuống ngựa, nắm tay người bạn núi rừng và nói:

- Chỉ có vài tên chạy thoát, nhưng thế mới tốt. Để cho chúng nó về mà báo với nhau tin thua trận.

Thế Lộc nói:

- Hôm nay vui lắm, tao phải kết nghĩa anh em với mày. Được không?

- Ai hơn tuổi là anh. Thế Lộc là anh ta vậy.

Trong bóng tối, Quốc Toản thoáng thấy Thế Lộc mỉm cười.

XII
 
Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, kẻ đã chủ trương cho giặc mượn đường, bí mật rời khỏi kinh thành, đem cả gia đình đi hàng giặc. Ích Tắc trốn được một ngày, triều đình mới biết. Triều đình đoán là Ích Tắc chạy lên Lạng Giang để gặp Thoát Hoan.

Chiêu Thành Vương, chú ruột Trần Quốc Toản, được lệnh đi đuổi bắt tên bán nước. Để khỏi lộ và đi được nhanh, Vương chỉ đem theo năm trăm quân bản bộ. Dọc đường, Chiêu Thành Vương toàn gặp những đoàn người bồng bế con cái đi chạy loạn. Càng ngược lên phía bắc, càng thấy quang cảnh hoang vắng, tiêu điều, càng thấy hiếm những tiếng gà kêu, chó sủa. Tới một địa phận thuộc Lạng Giang, Chiêu Thành Vương được tin Ích Tắc vừa đi khỏi. Vương bèn sức cho các tù trưởng chặn các ngả đường, không cho Ích Tắc trốn thoát, còn Vương thì đi tắt đường rừng đuổi riết tên phản bội. Đường đi vừa khó khăn, vừa nguy hiểm. Khắp đạo Lạng Giang, chỗ nào cũng có quân giặc đóng. Nhiều tù trưởng đã rút theo quan quân. Nhưng cũng có kẻ đầu hàng giặc, dẫn chúng đi lùng bắt tướng sĩ của triều đình. Chiêu Thành Vương cảm thấy mình chốc chốc có thể bị sa vào tay giặc. Lương khô đã gần cạn mà không biết tiếp tế lương thực ở đâu. Càng đuổi thì bóng Ích Tắc càng mù mịt. Vương rất đỗi lo lắng. Đương cơn hoang mang, Vương chợt nghe nói ở trại Ma Lục có một người Mán tên là Nguyễn Thế Lộc nổi lên đánh giặc. Người Mán ấy lại được một tướng rất trẻ ở đâu đến giúp. Họ tiến lui nhanh như chớp, xuất hiện không biết đâu mà lường, đánh giặc toàn những lúc bất ngờ nên giặc khiếp đảm. Mỗi khi ra trận, người trẻ tuổi phất một lá cờ đề sáu chữ: PHÁ CƯỜNG ĐỊCH BÁO HOÀNG ÂN, đi đến đâu thắng đến đấy. Tiếng Thế Lộc và người tướng trẻ có lá cờ sáu chữ lừng lẫy khắp vùng Lạng Giang. Thoát Hoan không sao lần ra tung tích người tướng trẻ.

Nghe tin ấy, Chiêu Thành Vương đưa bàn tay lên trán và nói một mình:

- Nước Nam ta còn nhiều hồng phúc mới sinh ra những người anh hùng vô danh ấy!

Chiêu Thành Vương bèn hỏi đường đến trại Ma Lục.

* * *
 
Từ khi đánh thắng trận Ma Lục, các tráng sĩ Mán và sáu trăm gã hào kiệt đều nức lòng nức chí. Hoài Văn và Thế Lộc dẫn quân nay đánh chỗ này, mai quấy rối chỗ kia. Họ thường đánh tỉa quân giặc, khi thì chặn dọc đường, khi thì rủ giặc vào nơi hiểm yếu mà tiêu diệt, khi thì dựng cờ chỗ này đánh giặc chỗ kia. Suốt một tháng ròng, họ không để cho quân giặc yên một ngày nào. Thoát Hoan treo giải ai bắt được hoặc lấy được đầu Thế Lộc và người trẻ tuổi có lá cờ sáu chữ thì được thưởng một lạng vàng và được phong tước vạn hộ hầu. Nhưng ác thay, đám quân ma ấy cứ ẩn trong rừng, và khi họ ló đầu ra, là vài chục, vài trăm quân của Trấn Nam Vương mất xác.

Một buổi sáng, Nguyễn Thế Lộc đang ngồi trên núi tẩm tên thuốc độc thì được báo tin ở trong một khu rừng gần đấy có một tốp vài chục người, hình như ở dưới kinh lên, không biết đi đâu mà lại mang theo cả đàn bà, trẻ con. Người nào cũng có vẻ lấm lét đáng nghi. Thế Lộc nói:

- Sang hay hèn?

- Ăn mặc thì như dân đen, nhưng dáng thì ra những người quyền quý.

Thế Lộc đứng phắt dậy:

- Thằng Ích Tắc rồi. Sao không bắt ngay nó lại?

Thế Lộc xuống núi, dẫn mươi tráng sĩ chạy gấp tới khu rừng ấy. Nguyên là Thế Lộc đã được giấy sức phải canh phòng không cho Ích Tắc trốn thoát, nên vẫn cho người đi dò la tin tức tên phản bội. Khi Thế Lộc tới khu rừng thì bọn Ích Tắc đã đi đâu mất. Thế Lộc giậm chân, bứt tóc kêu khổ. Tức thì dẫn các tráng sĩ lên ngựa lần theo vết chân của bọn chạy trốn.

Họ đuổi từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến chiều thì tới Kheo Ôn. Trông xa xa đằng trước mặt thấy rợp trời những cờ của giặc. Thế Lộc đã tuyệt vọng. Nhiều tráng sĩ bàn nên trở về. Bỗng họ nghe thấy trong rừng có tiếng người xào xạc. Lắng nghe có cả tiếng trẻ con, đàn bà. Thế Lộc mừng quýnh, lần theo tiếng người chạy tới. Nghe tiếng động, bọn kia ù té chạy. Đuổi ra tới cửa rừng, Thế Lộc trông thấy một đoàn người ngựa lôi thôi lếch thếch đang chạy theo hướng trại giặc. Thế Lộc thét to:

- Những người kia là thế nào? Đứng lại tao hỏi.

Bọn kia hốt hoảng, ra roi tế ngựa chạy, không một người nào dám ngoái cổ lại. Tiếng đàn bà kêu thất thanh, tiếng trẻ con khóc oai oái. Thế Lộc cùng mọi người lao ngựa đuổi tới, lắp tên chực bắn. Thế Lộc gọi:

- Có phải là Chiêu Quốc Vương đấy không?

Không có tiếng trả lời. Bọn kia vẫn cắm đầu chạy. Thế Lộc nói lớn:

- Có phải là Chiêu Quốc Vương thì dừng lại, Lộc đây mà. Lộc được lệnh đón đại vương để dẫn người ra mắt Trấn Nam Vương mà.

Một người trong bọn kia quay lại. Người ấy mặt dài da trắng, chòm râu đen tuyệt đẹp, đúng là hình dạng của Trần Ích Tắc đã được ghi rõ trong tờ sức. Trần Ích Tắc - vì chính là hắn - vừa chạy vừa hỏi lại:

- Người là ai?

Thế Lộc cười khanh khách:

- Tao à? Thế Lộc đây mà. Quay về với quan quân không thì tao bắn chết.

Ích Tắc rụng rời, ôm cổ ngựa chạy bắn. Trời đã tối sầm. Thế Lộc bắn một phát tên, trúng vào vai Ích Tắc. Ích Tắc cứ đeo tên mà chạy. Cả bọn đã khuất sau một rặng núi. Thế Lộc vừa đuổi xộc tới, thì bị một mũi tên cắm phập vào sườn. Thế Lộc ngã nhào xuống khe suối sâu. Khi các tráng sĩ vực được Thế Lộc lên thì bọn Ích Tắc đã chạy xa. Trời tối đen như mực. Nhìn về phía trại giặc xa xa, thấy ánh đèn sáng rực. Thế Lộc rút con dao ngắn đeo bên mình, thở dài và nói:

- Không bắt được nó, sống làm gì?

Nói xong, đưa dao định đâm vào cổ. Một tráng sĩ giằng lấy con dao:

- Mày chết thì chúng tao sống với ai? Mày phải về trại đã, ở đây gần nó, bị nó bắt thì khổ thôi.

Trong đêm tối, anh em rịt vết thương cho Thế Lộc. Họ giục ba lần bảy lượt, Thế Lộc mới chịu về. Qua khỏi địa phận Kheo Ôn thì vừa sáng. Bỗng nghe có tiếng nhạc ngựa lanh lảnh. Họ nấp trong rừng nhìn ra. Họ reo lên. Một lá cờ đỏ đề sáu chữ vàng ló lên khỏi ngọn đồi trước mặt.

Hai bên gặp nhau, mừng mừng rỡ rỡ. Nghe Thế Lộc kể lại chuyên bắt hụt Trần Ích Tắc, Hoài Văn ngẩn người ra, hồi lâu mới nói:

- Ta nhớ hồi ở Bình Than, khi ta tâu với quan gia cho đánh, thì Chiêu Quốc Vương đã thét chém đầu ta. Bây giờ mới rõ hắn là kẻ lòng lang dạ sói, đã có âm mưu bán nước từ ngày ấy rồi. Ta tiếc rằng không biết mà cùng đi với Thế Lộc. Kẻ ấy sang hàng giặc thì tai hại cho triều đình biết mấy.

Chợt thấy một người áo chàm nón rộng phi ngựa hồng hộc chạy tới. Nhìn ra thì là Nguyễn Lĩnh.

Nguyễn Lĩnh vừa thở vừa nói:

- Phải về ngay. Trại mất đến nơi rồi!

Mọi người hỏi dồn. Nguyễn Lĩnh nói không ra hơi:

- Trưa hôm qua, có một đại vương kéo binh mã tới trại. Nó được lệnh nhà vua cho lên đây đuổi thằng Ích Tắc.

- Đại vương ấy là ai? - Hoài Văn hỏi.

- Tao không biết. Nó nói là muốn gặp anh Lộc. Nó vừa nói xong thì giặc ở đâu đến vây kín bốn bề. Từ trưa hôm qua, đại vương nó đánh nhau với giặc, người ngựa chết nhiều quá rồi. Quân giặc giết nó mất thôi.

Hoài Văn nói:

- Lũ giặc ngông cuồng, muốn chết thì cho nó chết!

Hoài Văn bàn kế giết giặc với người tướng già và Thế Lộc, rồi cùng mọi người tiến về Ma Lục.