Sự xao nhãng là một biểu hiện khác của sự chần chừ. Ta không muốn tập trung vào một việc, bởi vì việc đó quá khó, thế rồi ta để bản thân mình xao nhãng.
Những thứ khiến ta xao nhãng rất dễ dàng và dễ chịu. Ta giỏi những việc này. Ta không cần phải sợ thất bại, sợ khó chịu hay sợ rắc rối. Chơi game, lướt web, Facebook hay xem ti vi... tất cả đều là những trò đầu óc ta luôn muốn làm hơn cả.
Vậy ta có thể đối mặt với những thứ thu hút, lôi kéo ấy như thế nào?
Quá đơn giản, ta có thể luyện tập cách buông bỏ.
Hãy thử thế này xem (ban đầu chỉ cần thử trong vài phút, sau đó kéo dài thời gian hơn):
1. Nhìn thẳng vào những thứ khiến ta xao nhãng, và tìm xem tại sao ta lại bị thu hút bởi những thứ này. Có thể là vì nó dễ dàng hay thú vị. Chính những tính chất này khiến ta luôn muốn làm những việc đó.
2.Nhìn nhận những tác hại của những thứ làm ta xao nhãng. Khi xao nhãng thì có hại gì?
3.Nhìn nhận sự tạm thời của những tác nhân gây xao nhãng này. Ta chỉ đạt được sự sung sướng nhất thời chứ không kéo dài. Ta được tiêm một liều thuốc vui vẻ, nhưng sau đó lại cần thêm liều nữa, cứ như ma túy vậy.
4.Thử buông bỏ những tác nhân gây xao nhãng này, chỉ một chút thôi. Trong quãng thời gian đó, thử tập cảm nhận để thấy hài lòng với cuộc sống của mình mà không cần sa đà vào những trò vô bổ ấy. Nếu cuộc sống của ta không có những trò kia, thì ta được lợi gì?
5.Tự hỏi liệu có những nguồn cảm hứng sống nào bên trong ta hay không, thay vì phải tìm kiếm từ bên ngoài. Ta có thể hài lòng với bản thân hay không? Ta có thể hoàn toàn tận hưởng hoạt động ta đang làm trong thực tế, ví dụ như đọc sách, viết lách hay ra ngoài thiên nhiên hay không?
6.Nhìn nhận và tận hưởng sự tự do từ việc buông bỏ đi những trò vô bổ gây xao nhãng. Bạn sẽ thấy cảm giác này thật tuyệt vời.
Thực hành phương pháp này từng chút một thôi, không khó đâu. Hãy thử ngay bây giờ chỉ trong một vài phút là đủ. Sau khi đã quen có thể kéo dài thời gian nhìn nhận hơn.
Càng ngày bạn sẽ càng tiến bộ thôi.