Nhiều người hiểu sai và phản đối ý tưởng buông bỏ, chủ yếu vì nó trái ngược với cách tư duy thông thường. Ta đã quen với việc kiểm soát mọi thứ, cố gắng làm một điều gì đó xảy ra, cố gắng chiến đấu vì sự công bằng và lẽ phải, cố gắng hướng người khác sao cho họ biết hành động đàng hoàng, cố gắng làm cả thế giới và cả bản thân tốt đẹp hơn mỗi phút mỗi giây.
Nói ngắn gọn, chấp nhận hay buông bỏ không tồn tại trong thế giới quan ấy.
Tuy nhiên, sự cảm thông, tình yêu, nỗi đau và sự nóng giận luôn là một phần cách nhìn ấy. Giờ hãy thử xem việc buông bỏ và chấp nhận thực tại như một công cụ để đối mặt với những cảm xúc kể trên.
Những hiểu nhầm về buông bỏ:
1. Buông bỏ không có nghĩa là bỏ cuộc. Ví dụ, bạn đang cãi nhau. Buông bỏ viễn cảnh lí tưởng nghe cứ như bạn phải bỏ cuộc và để người khác chiến thắng. Tuy nhiên, thực tế là bất kì trận cãi nhau nào cũng không nhằm để thắng, mà là để giải quyết vấn đề và củng cố các mối quan hệ. Nếu có thể buông bỏ những nguyên nhân khiến bản thân nóng giận, bạn sẽ có thể nói năng từ tốn và cảm thông hơn, tập trung vào vấn đề (chứ không phải tập trung vào sai lầm của mỗi người) và cách giải quyết. Thậm chí bạn cũng có thể nói về các vấn đề về cảm xúc một cách cảm thông, thay vì đổ hết nóng giận lên đầu người đối diện. Buông bỏ không phải là bỏ cuộc, mà có nghĩa là tìm cách giải quyết vấn đề theo cách phù hợp hơn.
2. Buông bỏ không có nghĩa là cam chịu làm nạn nhân. Nếu có người làm gì đó có hại cho bạn, dĩ nhiên là không vui chút nào. Và dĩ nhiên bạn sẽ đau đớn, tức giận, ức chế. Cảm thấy như thế hoàn toàn không có gì sai, thậm chí nên để bản thân cảm nhận nữa là đằng khác. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó luôn là khao khát trả thù - đây là thứ có hại cho cả bản thân lẫn người đối diện. Dù trả đũa luôn rất sướng, nhưng không làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Ta sẽ chẳng vui vẻ gì hơn. Thậm chí, nếu không trả đũa được, ta sẽ không thỏa mãn và còn ức chế nặng hơn trước. Thay vào đó, ta có thể đơn giản buông bỏ đi nỗi đau (sau khi đã cảm nhận) và bắt đầu tự hồi phục.
Điểm quan trọng là không được trả thù. Quá trình tự hồi phục sẽ giúp ta vui vẻ hơn, thay vì đau buồn vì tội lỗi của người khác trong suốt quãng đời còn lại của mình.
3.Buông bỏ không có nghĩa là không tiến bộ. Nhiều người hay nghĩ rằng họ cần các lí tưởng để phát triển, và rằng buông bỏ các lí tưởng đồng nghĩa với việc không tiến bộ. Đầu tiên là thế này, nếu các lí tưởng có ích cho bạn, thì không cần buông bỏ làm gì; nhưng nếu các lí tưởng bắt đầu có hại, thì nên thử buông bỏ đi, dù rất khó. Thứ hai, bạn chỉ thật sự cần sự tiến bộ nếu nghĩ bản thân hiện tại không đủ tốt. Thật sự là bạn đã có tất cả những thứ cần thiết để vui vẻ rồi. Bạn sẽ đủ tốt ngay khi biết cách buông bỏ các lí tưởng mà bạn đặt ra cho bản thân mình, để chấp nhận bản chất thực sự của chính mình. Con người thật của mỗi chúng ta luôn rất đặc biệt và tuyệt vời. Sau khi đã chấp nhận bản thân, bạn vẫn luôn có thể thiết lập các thói quen mới, không phải để cải tiến bản thân hướng đến một lí tưởng nào hết, mà là vì bạn thấu hiểu chính mình và thế giới xung quanh.
4.Buông bỏ không có nghĩa là để người khác thoát tội sau khi làm việc xấu. Đúng, nhiều người cư xử rất chán, và dĩ nhiên bạn sẽ muốn họ phải trả giá. Tuy nhiên, nếu cứ chạy vòng vòng đòi hỏi công lí, bạn sẽ luôn nóng giận, và chẳng thay đổi được ai cả. Chẳng ai thay đổi vì bị bạn hét vào mặt hết. Họ có thể sẽ thay đổi nếu bạn buông bỏ sự nóng giận và nói chuyện một cách thấu hiểu về vấn đề họ đang gặp phải.
Mà cũng có thể họ sẽ chẳng thay đổi. Nhưng dù là hướng nào, thì việc buông bỏ sự nóng giận cũng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn thôi.
5. Buông bỏ không có nghĩa là để nhà cửa bừa bộn. Nếu bạn có viễn cảnh về một căn nhà ngăn nắp (hay những thứ tương tự), bạn sẽ có thể bực bội, nóng giận khi người khác không giúp bạn dọn dẹp. Thế là bạn bắt đầu cằn nhằn, gắt gỏng. Hành động như thế không hề làm bạn vui hơn, hay khiến cho mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp lên. Tuy nhiên, liệu bạn có cần phải làm hết mọi việc dọn dẹp, hay bây giờ bạn sẽ cứ để nhà thành chuồng heo? Không cần phải vậy. Đầu tiên, nếu có thể buông bỏ viễn cảnh rằng mọi người luôn có ý thức giữ nhà sạch sẽ, bạn sẽ có thể buông bỏ cơn giận. Khi đó, bạn có thể bình tĩnh chấp nhận tính cách mỗi người (và thấy rằng họ đang gặp vấn đề trong việc xây dựng thói quen giữ nhà cửa sạch sẽ). Nhìn nhận bản chất mỗi người sẽ giúp ta cải thiện quan hệ với họ, đồng thời có thể nói chuyện và bàn cách giải quyết một cách bình tâm và thân thiện hơn. Nhưng nếu họ không muốn giải quyết thì sao? Khi đó, bạn đơn giản có thể chấp nhận rằng mình không kiểm soát được người khác, và tập trung vào những việc bạn có thể kiểm soát. Mọi thứ chỉ khó chịu khi ta nghĩ mình phải kiểm soát được mọi người. Lúc này, bạn có thể tìm cách đạt một thỏa thuận về vệ sinh nhà cửa với bạn cùng phòng, để tạm thời cải thiện tình hình. Bạn cũng có thể từ từ tìm cách dọn đi nếu bạn cùng phòng quá khó chịu đựng. Hiệu quả nhất là làm gương cho họ, tiếp tục thuyết phục một cách bình tĩnh về chuyện nhà cửa, và thể hiện thiện chí đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Dù sau khi buông bỏ bạn có thể vẫn phải tự dọn, nhưng ít nhất là tự dọn mà không bực bội.
6. Buông bỏ không có nghĩa là không xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn. Tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng nếu chính viễn cảnh lí tưởng chủ quan về thế giới ấy (rằng ai cũng cư xử đúng mực và luôn tập trung vào những vấn đề ta muốn) lại khiến ta bực bội, thì đã đến lúc buông bỏ rồi. Hãy chấp nhận rằng thế giới thực không hề lí tưởng, và đó cũng chính là điểm đặc biệt của thế giới khách quan. Đó là lúc ta có thể bình tâm lại, chấp nhận thực tại, và thấy rằng những con người xung quanh mình cũng đang gặp nhiều vấn đề rắc rối. Ta sẽ có thể cảm thông với họ hơn, từ đó tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
7.Buông bỏ không có nghĩa là cho người khác đúng trong khi họ đang sai. Một trong những nguồn cơn giận dữ lớn nhất đó là muốn khẳng định rằng mình đúng và người khác sai. Đây là thứ khiến ta và cả những người xung quanh trở nên bực bội và cứng đầu. Viễn cảnh này làm mọi người không vui, và làm vỡ tan những mối quan hệ giữa người với người. Ta có thể buông bỏ lí tưởng rằng mình đúng, thay vào đó, chấp nhận rằng giữa mọi người đang có bất đồng quan điểm. Ta có thể phản hồi với sự bất đồng này một cách bình tâm và thân thiện hơn không? Liệu việc đập vào mặt người khác cho họ thấy rằng ta đúng có quan trọng lắm không? Thay vào đó, cứ giữ một mối quan hệ tốt và từ từ tìm cách giải quyết bất đồng có hay hơn hay không?
8.Buông bỏ không có nghĩa là chối bỏ các chuẩn mực xã hội. Ai cũng nên đối xử với người khác một cách tôn trọng. Dĩ nhiên ai cũng nên công bằng, và cũng dĩ nhiên là không ai nên chạy cắt đầu xe người khác. Đó là những chuẩn mực xã hội phổ biến. Vậy liệu có phải buông bỏ có nghĩa là xóa bỏ luôn các chuẩn mực ấy hay không? Không, ta không buông bỏ chuẩn mực, ta chỉ buông bỏ lí tưởng rằng ai ai cũng tuân theo chuẩn mực mọi nơi mọi lúc mà thôi. Trên thực tế, rất nhiều người làm theo chuẩn mực, và cũng rất nhiều người đạp lên trên chuẩn mực mà sống. Những người này đang gặp vấn đề, nhưng không có nghĩa là họ được phép cư xử tồi tệ như thế, mà có nghĩa là ta có thể hiểu, cảm thông và tìm cách giải quyết cùng họ một cách thân thiện hơn. Và ta cũng có thêm sức mạnh của sự tha thứ nữa. ta có thể giúp họ điều chỉnh hành vi, và nếu không giúp được (chuyện này thường xảy ra hơn), thì ta cũng có thể buông bỏ sự bực bội. Ta có thể thảo luận nhóm về các chuẩn mực và thống nhất, nhưng cũng nhớ rằng không phải tất cả mọi người cũng sẽ tuân theo 100%. Và chuyện đó cũng bình thường thôi.
Vẫn còn rất nhiều lầm tưởng khác về buông bỏ, nhưng bạn có thể nhìn thấy điểm chung trong tất cả những ý trên: mọi thứ bắt đầu từ việc buông bỏ viễn cảnh lí tưởng, chấp nhận thực tại để có thể cư xử phù hợp và không phải đau khổ, buồn bực không cần thiết.
Sự thay đổi vĩ đại về cách sống ấy không phải là khó, nếu ta chịu khó luyện tập mỗi ngày một chút thôi.